Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Chú tiểu nhỏ

Chú tiểu nhỏ

I. Trong Thập niên 1960, đường Sài Gòn - Vũng Tàu qua khỏi căn cứ Long bình là rừng già và rừng cao su trùng điệp, đứng tại Thị trấn Long Thành ta đã thấy ẩn hiện xa xa là rặng núi chạy dài qua Bà Rịa đến Long Hải trong dó có ngọn núi Thị Vải; Ngày đó những xe đò liên Tỉnh đều là loại xe nhỏ mang nhãn hiệu Renault mà đầu xe giống như con heo (nên dân chúng thường hay gọi là xe con heo).

Hôm ấy, chuyến xe đò Biên Hòa - Bà Rịa khi chạy đến cách Phước Lễ khoảng 8 cây số, nó dừng lại cho một nhóm người xuống, khung cảnh nơi đây thật yên tĩnh và âm u, bên phải là cánh đồng lúa chạy dài mút mắt, bên trái là rừng trùng trùng điệp điệp, cạnh bên đường có ngôi Tịnh Xá nhỏ nằm khuất trong khu vườn cây ăn trái và có một dòng suối nhỏ chạy ngang, ở đây cũng có một con đường đất cát dẫn vào chân núi.
Trên xe bước xuống là 9 người đủ mọi lứa tuổi, họ mặc quần áo nâu sồng, trên vai từng người đều có một tay nải đựng quần áo, họ là những người Tu hành đang trên đường trở về núi.
Đi đầu là một nhà Sư tuổi trạc trung niên, dáng người cao lớn, uy nghi và nét mặt thần hiền từ, ông hướng dẫn mọi người ghé vào Tịnh Xá nghỉ chân, đoàn người sắp hàng một theo sau nhà Sư trung niên, trong tám người còn lại thuộc mọi lứa tuổi nhưng đáng chú ý nhất là một Chú Tiểu tuổi trạc lên 9, với bộ nâu sồng còn mới may hơi rộng, trông chú như đang bơi trong bộ quần áo ấy, nhưng cái đáng chú ý nhất là chú là người nhỏ tuổi nhất trong Đoàn, trên cái đầu cạo trọc nhưng vẫn còn chừa lại ba mỏm gía phía trước và hai bên trên vành tai, chú có nước da thật trắng, đôi mắt ngơ ngác thơ ngây dưới làn lông mày cong như lá liễu, chiếc mũi xinh xắn và đôi môi đỏ thắm như con gái nằm bên trên chiếc cằm chẻ, có lẽ đây là lần đầu chú đặt chân đến đây cho nên thấy chú ngơ ngác trông đến tội nghiệp.
Đoàn người sau khi nghỉ ngơi, rửa mặt mũi dưới con suối cạnh Tịnh Xá lại vội vã lên đường vì đường vào đến chân núi còn xa (khoảng 10 cây số). Dẫn đầu đoàn vẫn là vị Sư trung niên và người đi sau cùng vẫn là chú tiểu nhỏ, với chiếc tay nải mang trên vai và những bước chân trần nhỏ bé in trên đất cát khiến người ta có cảm tưởng như một con bướm nâu bé nhỏ mới vừa chập chững biết bay.
Đôi mắt chú nhìn hai bên đường mòn toàn rừng là rừng với những thân cây cao vút hay những bụi rậm đan lại từng chùm, thỉnh thoảng trên đường đi cũng có một vài vạt rẫy của người dân hoặc của những nhà Tu ở ẩn, lâu lâu một dòng suối chảy cắt ngang đường hoặc chạy song song với đường mòn một đoạn rồi lại biến mất vào rừng sâu, tiếng chim chóc đủ loại ríu rít hót trên cành, đôi chân trần chú vẫn bước đều trên đất cát theo đoàn người phía trước; Tuy nhiên với lứa tuổi lên 9 của chú, với đoạn đường xa, với cái tay nải trên vai đã bắt đầu nặng dần theo từng đoạn đường và theo thời gian trôi chầm chậm, mồ hôi ướt đẫm cả lưng dán chặt chiếc áo nâu vào lưng chú, chú vẫn cố gắng bước đều về phía trước mặc dù chú đã bị đoàn người đi trước bỏ lại khá xa, đôi mắt chú vẫn long lanh và trong cái nắng buổi trưa hè hai má chú bây giờ ửng hồng như cô gái mới dồi phấn.
Khoảng xế chiều đoàn người đến gần chân núi, thấp thoáng từ xa trong đám cây rừng chú đã thấy ẩn hiện mái ngói cong của một ngôi Chùa, lòng chú vui mừng vội bước nhanh tới, trên cổng ngôi Chùa hiện lên bốn chữ "Linh Sơn Cổ Tự", nhưng đây chỉ là ngôi Chùa dưới chân núi thôi, vị Sư trung niên cho phép mọi người ngồi lại nghỉ dưỡng sức trước khi qua chặng đường thứ hai là leo núi.
Đường càng lên cao càng dốc, có những chỗ có những bậc tam cấp để đi nhưng đa phần là phải đi theo những đường mòn dốc đứng, có khi phải trèo qua nhửng tảng đá nhô ra từ triền núi, gió rừng lay động, càng lên cao khí hậu càng mát mẻ, nhất là bây giờ khung cảnh đã về chiều, càng đi lên cao lòng chú càng thấy lâng lâng thoát tục, nhìn về bên dưới chú thấy rừng là rừng trải dài đến cuối chân trời và trên không những đám mây trắng lững lờ trôi giăng mắc trên những ngọn cây cổ thụ.
Mặt trời đã lặn sau dãy núi, bóng tối cũng từ từ buông phủ dần cảnh vật, trên không vang vọng tiếng chuông ngân và đoàn người cũng vừa đến ngôi Chùa chính được xây dựng bên lưng chừng núi, trong ánh sáng nhập nhòe còn xót lại, chú thấy hình tượng Ông Tiêu với chiếc lưỡi dài màu đỏ đứng trấn trước con đường dẫn vào Chùa và trong khung cảnh ngôi Chùa thật to lớn đang từ từ chìm dần vào bóng tối.
Theo đoàn người vào hậu liêu cất chiếc tay nải, chú được đưa ra suối tắm rửa trước khi ăn cơm tối, bữa cơm tối thanh đạm là cháo trộn khoai mì xắt lát ăn với củ cải mặn và muối tiêu, vì sau một ngày đi đường mệt nhọc chú ăn thật ngon và trong đêm đó lần đầu tiên chú ngủ giữa núi rừng cùng tiếng Cọp gầm, Vượn hú đưa chú vào giấc ngủ.
II.
Tiếng chuông công phu buổi sáng đánh thức chú tiểu nhỏ thức dậy, sau khi làm vệ sinh cá nhân, chú theo đoàn người tiến vào Đại Hùng Bảo Điện, dưới ánh sáng của những ngọn đèn dầu và đèn nến lung linh theo từng cơn gió, chú thấy Chính điện thật là hùng vĩ với những hảng cột to bằng người ôm được chạm chỗ rồng phụng và đánh bóng láng, trên các trính kèo là các khuôn hình với những hàng chữ nho đắp nổi ẩn hiện theo từng ánh sáng chập chờn và trên Tòa Sen Đức Phật Tổ Như Lai trong ánh mắt hiền từ và trên môi Ngài nở nụ cười như đang mỉm cười với chú.
Sau khóa tụng niệm là buổi điểm tâm, chú ra sau Chánh Điện vào trai đường, trai đường là một căn nhà dài nền tráng xi măng, ở đây trên nền xi măng là những mâm gỗ được sắp dài, trên đó là những thau cháo đang tỏa khói nghi ngút, mọi người sắp thành hai hàng bên những mâm cháo rồi ngồi xếp bằng xuống đất; Trước khi ăn tất cả đều phải đọc kinh :
" Cầu cho lễ Cúng dường này
đến với Đức Như Lai
xin Phật chứng minh
Cầu cho lễ Cúng Dường này
đến với Chư Bồ Tát
xin Tam Bảo chứng minh ........"
Bữa ăn sáng cũng là cháo độn với khoai, móm mặn chính là những lá bắp cải đã được phơi khô xong xắt nhỏ kho lên cùng với một dĩa muối tiêu.
Ngôi Chùa này đã được xây dựng từ bao giờ chú cũng không biết nhưng chú hiểu rằng đã có biết bao nhiêu công của đã đổ vào đây nên bây giờ ngôi Chùa mới được to lớn như thế này.
Xin được mô tả một chút về khung cảnh ngôi Chùa : Đứng từ dưới triền núi nhìn lên dưới một ghềnh đá cao là dãy nhà của các chú tiểu đang tuổi thiếu và thanh niên (13 - 18 tuổi) đi lên một đoạn là dãy nhà nuôi trẻ (từ mới sanh cho đến 6 - 7 tuổi, đây là các em bé mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi) lên một đoạn nữa bên trái là nhà khách (dành cho bổn đạo hoặc Phât tử từ khắp nơi khi về núi có chỗ ngủ qua đêm), bên phải là Chánh điện, bên hông chánh điện (bên phải) là các dãy phòng của các Sư nữ, phía sau Chánh điện là Trai phòng, sau Trai phòng chạy dài lên núi là những cóc nhỏ (Tịnh thất) dành cho những người tu luyện riêng hay của những ngưởi lớn tuổi.
Mặt trời đã bắt đầu mọc, khung cảnh bình minh trên núi thật là hùng tráng, ánh nắng xuyên qua những khe lá còn đọng hơi sương tạo thành những sắc cầu vồng lấp lánh, tiếng chim hót véo von trên các cành cây, tiếng hú của các loài vượn vọng về từ xa và vẳng trong tiếng gió là tiếng róc rách của dòng suối chảy bên hông Chùa quyện lấy mùi hương trầm hòa vào mùi của núi rừng hoang dã tạo nên một bức tranh Bồng lai Tiên cảnh mà chú đang lạc vào.
Chú được đưa xuống dãy nhà bên ghềnh đá vì lứa tuổi của chú không còn ấu nhi nhưng cũng chưa đủ tuổi thiếu niên; Tuy nhiên các Sư sau khi thảo luận đã đưa chú xuống đây chung sống với các Sư huynh lớn hơn chú, với cái ngơ ngác buổi đầu chú nhanh chóng được các Sư huynh thương mến.
Ở đây, ngoài phần Giới luật ra, tất cả mọi ngưởi đều cư xử với nhau theo pháp Lục Hòa và tự giác, cả hàng trăm ngưởi nhưng lúc nào cảnh Chùa cũng yên tịnh, ngoại trừ những lúc tụng niệm, tiếng kinh hòa với tiếng chuông mõ vang động núi rừng hoặc thỉnh thoảng vang lên tiếng khóc của trẻ thơ, còn hầu hết đều là im lặng.
Ngoài 4 buổi kinh sáng, trưa, chiều, tối; buổi sáng chú được học về kinh Phật và Văn hóa, buổi chiều luyện tập võ công để thân thể tráng kiện hầu chống chọi lại với khí hậu khắc nghiệt của núi rừng.
III.
Thời nào cũng vậy, trong hoàn cảnh nào cũng thế, tuổi trẻ là tuổi bồng bột, nghịch phá, lãng mạn và mơ mộng, mặc dù đây là cảnh tôn nghiên nhưng trong lúc rỗi rảnh các chú tiểu cũng đùa nghịch, chọc phà gấy không ít những phiền toái cho người lớn.
Non một cây số về bên trái ngôi chùa là một dòng suối có những ghềnh thác cheo leo hiểm trở, dòng nước đang trôi xuôi gặp những ghềnh đá tạo thành những thác nước đổ ập xuống gây nên những tiếng vang vang động cả một vùng, nơi đây là chỗ tụ tập của các chú tiểu nam, họ đến để bơi lội đùa nghịch và có chú cỏn leo lên các ghềnh đá cao rồi lông nhông nhảy xuống vực sâu của thác nước khiến có chú đã bị bể đầu, chú tiểu nhỏ cũng được các sư huynh đưa đến đây đùa nghịch, chính nơi con suối này chú tiểu nhỏ đã tập bơi lần đầu tiên trong sự hướng dẫn của các sư huynh và cũng bên con suối này sau này sẽ xảy ra nhiều biến động trong cuộc đời chú tiểu nhỏ.
Phía sau chùa có một đường mòn dắt qua một triền núi thấp, đi bộ khoảng 2 tiếng sẽ gặp một con suối nữa, suối này bề ngang rất rộng, chạy quanh co theo các rặng cây bờ đá nhưng không có những ghềnh thác nên dòng chảy thật hiền hòa và con suối được đặt tên "Suối Tiên". Con suối này được các chú tiểu nữ chiếm cứ làm điểm tắm trong nhửng lúc rảnh rỗi; Tuy nhiên các chú tiểu nam cũng thường hay xâm lấn con suối này vì con suối bên kia chỉ toàn là ghềnh thác không thể tự do bơi lôi như suối Tiên được, có vài lần khi các chú tiểu nam đến nơi đã bị bên nữ chiếm cứ trước ỡ khúc suối thật tốt, sau khi thương lượng không kết quả, các chú tiểu nam cùng nhau len lỏi lên thượng nguồn và bẻ những cành cây, chà tre gai thả xuôi dòng suối khiến các chú tiểu nữ không thể tắm được đành bỏ ra về, lúc đó các chú tiểu nam từ thượng nguồn thả mình trôi xuống và ở đây chú tiểu nhỏ cũng được vùng vẫy với những bước tập bơi càng ngày càng xa hơn dưới sự che chở của các sư huynh.
Chung quanh chùa là vườn trái cây đủ loại ra trái theo từng mùa, đây cũng là nguyên nhân mà các chú tiểu thường hay bị phạt "qùy hương" (nhang) mỗi khi ăn cắp trái cây trong đó không ngoại trừ chú tiểu nhỏ ví trong 3 loại (dân gian có câu nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò) thì các chú chiếm hàng thứ ba.
Thời gian cứ thế êm đềm trôi đi, chú tiểu nhỏ sống cuộc đời thanh thản như thế.
IV.
Một buổi trưa hè bốn bề thanh vắng, họa hoằng mới có vài tiếng chim kêu hoặc tiếng hú của một con vượn gọi đàn, trên không trung lác đác những đám mây trắng bàng bạc trôi ngang đỉnh núi, gió rừng cũng im tiếng; Chú tiểu nhỏ bỏ giấc ngủ trưa một mình thơ thẩn bên bờ suối, chú ngồi trên một mõm đá nhô ra phía mặt nước ngước nhìn dòng nước trên cao đang thi nhau đổ ập xuống tung lên những bọt nuớc trắng xóa, chú để tâm hồn mình bay bổng đến những cõi thần tiên trong những truyện cổ tích mà chú từng đọc, ở nơi đó những nàng tiên có chiếc đũa thần làm nên những điều kỳ diệu. Đang để hồn đi hoang chú bỗng giật mình, toàn thân chú lạnh toát và cứng đờ, miệng chú không thốt nên lời, đôi mắt chú trừng trừng nhìn qua bên kia bờ suối, trên một mõm đá có một con cọp cũng đã ngồi đó từ bao giờ, thân hình nó to lớn với bộ lông vàng điểm những sọc đen, cái đầu to như một quả banh, trong cái miệng rộng là hàm răng nhọn hoắt, đôi mắt nó cũng đang chăm chăm nhìn chú, bốn mắt người và thú gặp nhau, chú nhìn nó không nháy mắt, chú nghĩ từ chỗ chú ngồi đến đó khoảng cách quá gần, chỉ cần một cái đập đuôi là nó có thể nhảy đến vồ chú được và chú đang là miếng mồi ngon trước mặt nó, bốn mắt vẫn nhìn nhau; Chú ngồi đó nhìn nó không biết đến bao lâu, chợt nó ngúc ngắc cái đầu, há miệng ra như ngáp rồi thong thả đứng lên, nó nhìn chú lần cuối rồi quay đi về hướng thượng nguồn con suối.
Chở một lúc khá lâu, chú định thần lại rồi vội vàng đứng lên ba chân bốn cẳng chạy về chùa, về đến nơi chú vẫn còn sợ và vì sợ bị phạt quỳ nhang (hương) nên chú không dám nói cho ai biết là chú đã gặp cọp.
Bẳng đi một thời gian, hôm đó sau khi cùng các sư huynh đùa nghịch dưới suối, cả bọn kéo nhau trờ về chùa, đi đến nửa đường chú chợt nhớ đã bỏ quện cái khăn nên quay trờ lại, chú đang lom khom tìm kiếm bên hốc đá, chợt linh tính cho chú biết có ai đó đang nhìn mình và chú quay nhìn lại, hai mắt chú chạm vào hai mắt của con cọp hôm trước đang ngồi trên một mỏm đá nhìn chú, toàn thân chú như bị trời trồng, chú đứng đó yên lặng nhìn nó và cũng như lần trước, sau một hồi nhìn chú nó lại ngoảnh cái đầu và hả to họng rồi đứng dậy lững thững tiến vào rừng sâu; Trong lòng hồn phiêu phách lạc, chú lại vội vã chạy nhanh về chùa, lần này chú tìm đến vị sư huynh cao tuổi nhất để kể cho huynh biết chuyện chú đã gặp cọp và kể cho huynh nghe lần gặp trước của chú. Huynh mỉm cười vỗ vai chú và nói: "ở đây ai cũng biết đệ à! ông cọp (trong chùa ai cũng gọi cọp là ông) đó đã tu rồi nên rất hiền. Tuy nhiên ít ai được gặp ông lắm, chỉ có những người hữu duyên mới gặp được ông mà thôi, như vậy đệ là người có phước lớn đó" Lúc ấy trong lòng chú cũng nửa tin nửa ngờ, nhưng rồi chú tự nghĩ trong hai lần gặp đó nếu con cọp có vồ chú thì bây giờ chú đâu còn sống nữa, cho nên từ đó chú an tâm để mỗi khi rảnh rỗi chú lại lang thang đây đó với những cảnh thần tiên hiện đến trong đầu.
Tiếng thác nước đổ, tiếng chim kêu, tiếng cành lá xào xạc trong gió, trên một phiến đá bằng phẳng bên suối có một bóng màu nâu đang nằm, đó là chú tiểu nhỏ; Cũng như mọi lần, mỗi khi rảnh rỗi chú lại lang thang và hôm nay trên phiến đá này sau một hồi nằm nghĩ vơ vẩn chú ngủ quên đi trong khung cảnh của núi rừng và trong giấc mơ chú thấy mình đang bay lên, bay lên ....
"Cà um .m.m.m." tiếng cọp gầm làm chú giật mình tỉnh giấc, vừa mới ngồi dậy chú đã thấy con cọp to lớn hôm trước đứng cạnh bên, con cọp lớn đến độ chú ngồi mà đầu chú chỉ đụng vào ngực nó, có nghĩa là nó đang đứng phủ lên người chú, không còn hồn vía, chú vẫn ngồi im bất động và trong thâm tâm chú nghĩ đến đây là hết vì chỉ cần một cái vồ nhẹ là chú sẽ đi qua bên kia thế giới, như thấu hiểu được ý nghĩ của chú, con cọp lùi lại và đưa cái đầu to của nó dụi dụi vào người chú như con mèo con đang nũng nịu với chủ, hình như nó muốn trấn an chú cho nên nó cứ đứng đó dụi đầu vào người chú, một lúc thật lâu nó dùng miệng ngậm vào vạt áo nâu sồng rộng thùng thình của chú để nâng chú đứng dậy, bây giờ chú đã hoàn hồn trở lại và thấy nó cũng hiền lành nên chú cũng an tâm, chú rụt rè đưa tay ra xoa nhẹ nhẹ vào ngưởi nó và thấy nó đứng im hai mắt lim dim rồi đột nhiên nó nằm dài xuống và dùng đầu ngoắc ngoắc về phía sau lưng, chú đang ngơ ngác không hiểu nó muốn gì thì miệng của nó đã ngậm ngang lưng áo chú và một cái ngoắc đầu nó đã đưa chú lên ngồi trên lưng nó, chú giật mình vội ôm chầm lấy cái cổ to lớn của nó, con cọp chậm rãi đứng dậy và với những bước đi nhẹ nhàng nó men theo lối mòn đi ngược dòng suối lên đỉnh núi.
Khoảng tàn một cây nhang, nó đến bên bờ một dòng suối khác, từ trên cao có một thác nước đang đổ xuống, nó thong thả lội xuống suối bơi đến một mõm đá nhô lên giữa dòng suối gần chân thác, đến nơi nó từ từ leo lên mõm đá và sau một tiếng gầm lớn nó nhún mình phóng qua làn nước bạc, chú tiểu nhỏ vội vàng ôm cứng lấy cổ nó và nhắm mắt lại, khi mở mắt ra chú đã thấy mình ở sau ngọn thác, thì ra đây có một hang động rất lớn mà nếu ai không chú ý sẽ không biết được, cũng với những bước chân uyển chuyển nó cõng chú tiểu nhỏ trên lưng tiến sâu vào hang núi; Trong ánh sáng mờ mờ chú nhìn thấy trên trần hang có rất nhiều thạch nhủ đủ màu sắc đang rũ xuống, mỗi thạch nhũ một dáng một vẻ đẹp khác nhau gây ấn tượng mạnh trong đầu óc chú, có thạch nhủ giống Đức Phật Bà Quan Âm trên tay cầm bình nước cam lộ tay kia là cành dương liễu, có thạch nhủ giống tượng Đức Phật Di Lạc với nụ cười toe toét trên môi và cái bụng bự của Ngài, có thạch nhủ trông giống một cây Thánh Giá có Đức Chúa Zêsu bị đóng đinh chịu nạn... cứ thế và cứ thế, chú hoa cả mắt trong cảnh đẹp lộng lẫy của hang động, càng vào sâu càng tối dần, con cọp cứ thong thả bước hình như chốn này đã quá quen thuộc đối với nó; Một lúc sau bắt đầu có ánh sáng từ cuối hang rọi tới, rồi sau một khúc quanh là ánh sáng ùa đến làm chú vội vàng nhắm mắt lại cho khỏi chói, và lần mở mắt này chú đã thấy mình đang ở trong một thung lũng trong lòng núi, trên cao cũng có một thác nước đổ xuống một cái hồ và chung quanh thung lũng đủ loại cỏ hoa cây trái đưa trong không gian một mùi thơm quyến rũ.
Thời gian chầm chậm trôi đi, chú và cọp bây giờ đã trở thành đôi bạn thân, hình như có một sự linh tính nào đó chú không thể biết được là cứ mỗi lần chú đến bên bờ suối là đã thấy nó ngồi sẵn ở đó chờ chú và trên cái lưng êm ái nó đưa chú về lại hang động trên đỉnh núi.
V.
Nhưng rồi thời cuộc đổi thay, chiến tranh càng ngày càng lan rộng, cái yên tĩnh của ngôi chùa từ từ không còn nữa, có những ngày chú nghe tiếng bom đạn vang vọng về từ bên kia núi, có những chiều ngồi trên tảng đá lưng chừng núi nhìn xuống xa xa ngoài con đường dẫn về Bà Rịa là những cột khói bốc lên cùng âm vang những tiếng súng lớn, súng nhỏ vọng về và đêm đêm trong mịi mù của bóng tối là những ánh sáng le lói của hỏa châu; Có đêm những bước chân dồn dập của từng đoàn người dùng con đường của chùa để đi ra sau đỉnh núi, có khi họ tải lương thực, có đêm tải đạn dược, có đêm họ tải thương với những người bị thương nằm rên rỉ trên những cái võng, cũng có đêm họ dừng lại tại chùa và bắt người trong chùa thức dậy nấu cho họ ăn, cái không khí chiến tranh càng đến gần và hằn lên trong ánh mắt ưu tư của tất cả những người sống trong chùa.
Rồi chuyện gì đến nó cũng phải đến, vào một đêm không trăng sao, bầu trời nghìn nghịt mây đen như báo hiệu một cơn bão táp sắp xảy đến, trong đêm đen yên tịnh ấy bỗng có những tiếng hú xé gió trên bầu trời và rồi từng tiếng nổ long trời lở đất của hàng trăm trái đạn pháo không biết từ đâu bay đến đổ ập xuống mái chùa, trong những tiếng nổ chát chúa ấy là những âm thanh rên rỉ, kêu gào hoảng loạn của hàng trăm người đang sống yên ổn dưới mái chùa, từng cột lửa bốc cao, lẫn trong gió mùi cháy khét của xác người quyện với mùi thuốc súng. Ôi! chiến tranh ....
Đêm kinh hoàng trôi qua thật chậm, trong cái hãi hùng của từng con người còn sống sót, họ đang hy vọng, tất cả đang chờ đợi một tia sáng của bình minh.
Mặt trời đỏ ối chầm chậm nhô lên dưới đường chân trời, bình minh đang trở lại, mọi người bớt đi cái lo âu đang đè nặng trong lòng họ, và việc đều tiên là kiểm điểm xem ai còn ai chết, ngôi chùa bây giờ đã tang hoang không còn chỗ để mà dung thân nữa nên tất cả được lịnh thu dọn hành lý xuống núi, cũng nhờ ơn trên che chở hay những tảng đá lớn đã chở che mà trong hàng trăm người có mặt chỉ chết đi có 7 người mà đa số là các chú tiểu tuổi còn đang xuân.
Trong dòng người xuôi về trần thế, ngoài 7 xác chết ra không ai tìm thấy chú tiểu nhỏ đâu cả, có người đoán trong đêm kinh hoàng chú đã quá sợ hãi và trong cơn hoảng loạn đó đã một thân một mình chạy xuống núi trở về với thế gian.
Nhưng cho đến nay người ta cũng không biết chú tiểu nhỏ đã lạc loài ở phương trời nào.
viết xong ngày 17/7/2003
tại Houston - Texas - USA
Viết thêm:
Ngày nay, nếu ai có đi Vũng Tàu gần đến Bà Rịa hãy nhìn về bên trái sẽ thấy cỏn 7 ngôi mộ nhỏ nằm chơ vơ bên cạnh đường, ngôi Tịnh Xá bây giờ chỉ còn trơ những cột kèo, vườn trái cấy đã tàn lụi, con suối ngang hông Tịnh Xá cũng đã khô cạn và bên đường cũng không còn rừng là rừng chập chùng nữa mà ánh mắt có thể nhìn suốt vào chân núi, còn trên núi bây giờ cũng không còn màu xanh của lá của những cây cổ thụ mà năm, bảy người ôm mới hết vòng vì dãy núi bây giờ đã biến thành núi trọc trơ những tảng đá màu trắng nhìn từ xa ta cứ ngỡ là những sọ người.
Biển Chết
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...