Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Cô gái mắt trong

Cô gái mắt trong

Bà bác sĩ chưa già, có những ngón tay khô như ánh mắt luôn nghiêm khắc và chứa đầy tính phán xét từ ngoài đi vào, nói:
- Có một cô gái đẹp vừa chạy từ trong phòng này ra. Cô bé đi dọc hành lang, che mặt khóc.
Tôi định trả lời “tôi biết chị muốn nói gì rồi, nhưng tôi không làm gì cô ấy cả”. Bất chợt một ý thích tai quái trong tôi trỗi dậy, khiến tôi im lặng tập trung vào màn hình máy siêu âm, không trò chuyện hay nhìn bà thêm một lần nào trong suốt buổi sáng hôm ấy. Rồi xem, bà đến phải rụng thêm hai mươi sợi tóc vì căng óc ra mà phán đoán, tôi đã làm gì cái cô gái xinh đẹp chạy vội từ phòng tôi ra và che mặt khóc?
Thêm một cái tên được cô y tá từ phòng ngoài xướng lên trong buổi sáng hôm đó. Cánh cửa phòng siêu âm kẹt mở, ngập ngừng chậm chạp đến làm tôi cũng ngưng thở mất một nhịp. Cô gái với đôi gò má tròn và nước da con nít mở to mắt nhìn tôi sợ hãi, hoảng hốt và cầu khẩn. Tôi chỉ chiếc giường lò xo ngay cạnh khuỷu tay mình, không nhìn cô:
- Cô nằm lên đây.
Chậm chạp nhưng luống cuống và hấp tấp, cô ta tụt giày, leo lên giường nằm cong như con tôm đã luộc chín. Da mặt cô tái xanh nhưng cánh tay trần lại ửng đỏ. Đọc qua phiếu khám, tôi bảo:
- Cô cởi áo ra. Nằm thẳng, nằm ngửa. Hai tay để quá đầu.
Để tránh cho người bệnh nỗi khó xử, trong suốt thời gian đó tôi chăm chú nhìn vào màn hình đang lưu kết quả một ca khám ổ bụng. Đến khi thấy lâu lâu tôi khẽ quay đầu lại thì đã thấy cô ta nằm đó, các bắp cơ gồng lên căng thẳng. Trời, cô ta làm mọi việc im lặng và thủ thế như một con mèo.
- Cô cởi cả áo trong ra nữa.
Thấy cô ta không nhúc nhích, tôi nhắc lại lần thứ hai yêu cầu đó. Cô ta vụt nhỏm dậy, tụt xuống giường, mặc lại áo, mang lại giày trong chớp mắt dù những ngón tay và ánh mắt của cô run lên bần bật. Rồi đẩy cửa thoát ra ngoài. Tất cả không một tiếng động. Giọng cô y tá ở ngoài với ít nhiều nghi hoặc xướng lên một cái tên nữa.
Không hiểu sao tối đó, từ căng-tin bệnh viện bước ra phố xá đã lên đèn đến tận cùng mọi ngõ ngách, tôi có cảm giác buồn rầu và chán ngán, mặt nhăn như người đô thị dẫm phải một bãi phân chó. Hai tay đút túi quần, vừa đi vừa nhảy dọc theo những hàng hiên, tôi đến với quán cà phê quen. Tối ấy có mưa rây, tóc tôi ướt hết cả, mặt mát lạnh như một miếng kem nhưng tâm trạng vẫn không dịu đi chút nào.
Hai năm làm công không để “lấy kinh nghiệm” như cách nói đã bỏ thêm quá nhiều đường vào thực tại, nhưng thực chất chỉ để tìm một cơ hội đứng chân ở cái bệnh viện dành cho đàn bà này, lòng hăm hở trong tôi dần mòn mỏi. Như miếng kim loại bị sự vô tâm làm rơi vào lọ a-xít, rồi quên đi. Cả vài trăm thân thể phụ nữ, được thời gian làm cho căng mẩy hay rúm ró nhăn nheo mà bàn tay tôi đã lướt qua - có còn gây cho tôi được chút lưu tâm, hứng thú nào ngoài mối quan tâm tìm bệnh tật cho họ không? Chính tôi cũng không nắm bắt được những rung cảm - nếu còn có - của mình. Rơi rớt đâu đó trong vùng trí nhớ tạp nham, hình như những ngày đầu, tháng đầu, mắt tôi có ánh lên khi nằm dưới bàn tay mình là một thân thể đẹp đẽ - cái thứ ánh sáng của cường độ sống và lòng dục. Giờ thì thứ ánh sáng ấy đã tắt, chẳng rõ từ bao giờ. Để rồi sáng nay, tôi nhận lãnh ánh mắt trang nghiêm và phán xét của bà bác sĩ cùng bước bỏ chạy vội vàng của cô gái có đôi gò má và nước da con nít...
Ở Sài Gòn, khi không muốn quay về chỗ trọ, muốn tìm một nơi nào để đi, thì tôi không biết đi đâu ngoài đưa chân đến Cú Mèo Café. Con cú mèo gỗ ngự trên nóc nhà gỗ lên nước nắng mưa, cụp cánh thu chân, chỉ có đôi mắt lạnh buốt là giãn tròn hết hạn độ, với ánh nhìn bất động nhưng thấu suốt. Có gì đó, về tinh thần, con cú như là sự đồng nhất với bà chủ quán - chủ nhà. Giống như trên và dưới mái nhà gỗ có hai bà chủ hay là hai con cú mèo gỗ. Chính cảm giác gai gai đó đã giữ chân tôi với quán và có lẽ, với dăm bảy người khách khác trong quầy cà phê kê mười ba chiếc ghế - cũng vậy.
Quán nằm sâu trong con hẻm cụt, đường đến đó nhiều nỗi phiền, bởi lắt léo, tối âm u và những rặng duối dại hai bên những con hẻm hẹp luôn đổ rào rào xuống người đi phía dưới nước mưa, sương đọng, lá mục, những sợi rác và từng túm lông vũ rơi ra từ đám tổ chim treo lúc lỉu trên cành. Nhiều lần đến quán sớm, lúc nắng chưa chết hẳn, tôi vẫn dừng lại dưới rặng duối dại, tẩn mẩn hái mấy quả duối chín vàng nhỏ như mắt chim khuyên, tương phản khốc liệt với thân cây già nua, lực lưỡng và gân guốc. Tự hỏi, phải chăng những kẻ gắn bó với cái quán cà phê kỳ dị này cũng là những con người kỳ dị, hay cố làm ra vẻ kỳ dị để ra oai với cuộc đời bình thường, như tôi?
Tôi gọi một tách cà phê nóng. Bà chủ có cái nhìn im lặng nhưng thấu suốt chưa bưng ra thì con mèo loang đã tới ngồi cạnh. Một lúc thấy chật chội, nó nhảy lên bàn, vắt chiếc đuôi dài nặng trĩu sang vai tôi. Nếu chiếc đuôi đủ dài, chắc nó đã quấn lấy một vòng quanh cổ tôi như cánh tay âu yếm. Ở Cú Mèo Café, cái gì cũng kỳ kỳ thì con mèo cũng kỳ kỳ. Nó có thể ngồi thản nhiên cho khách bật lửa, dí sát mặt đốt hết mấy sợi râu của nó. Thường mắt nó lim dim, làm như cũng ngây ngất với chính cái mùi lông cháy thơm thơm khét khét của mình. Quán nhỏ, khách quen, con mèo gặp ai cũng cà rà thân thiện nên râu nó mọc không kịp cho khách đốt, đâm ra bộ lông khắp mình nó loang lổ vệt cháy bởi tàn thuốc. Có những tay cầu kỳ, đã điểm trang lên mình nó những trái tim, đôi môi hay ngón tay dài kiêu kỳ - tất cả đều có màu cháy sém. Tôi thường có cảm giác con mèo như một cô gái nhỏ, thân thiện và nhẹ dạ, bù đắp cho cái lạnh buốt và thấu suốt của con cú mèo và bà chủ. Một sự bổ sung lợi hại cho không khí nơi này.
Cạn ly cà phê, tôi kêu thêm một chiếc bánh ngọt, ăn chung với con mèo.
Mười một giờ đêm, đứng dậy chào bà chủ quán, tôi ra về sau cùng, xách nhẹ tai con mèo đã ngủ say mê mệt bởi bị khách chuốc cà phê sữa quá nhiều.
Dọc theo con hẻm nhỏ nước đổ rào rào từ những hàng duối dại hai bên, thoát ra đường lớn, về chỗ ngủ, tôi nghĩ vẩn vơ. Nếu có ngày tự dưng con mèo không còn ở đó nữa, cú mèo gỗ ngã chúi đầu xuống đất, chết cóng bởi chính ánh mắt của mình hay bà chủ quán bỏ đi theo một người đàn ông trong cuộc tình duyên chắp nối. Chỉ cần một trong ba điều ấy xảy ra, thì tôi sẽ không tới Cú Mèo Café nữa. Coi như từ bỏ nơi trú ẩn cuối cùng cho những buổi chiều tàn chán ngán không muốn tìm về căn gác trọ. Trong trường hợp đó, tôi có nên đăng ký ít buổi làm ngoài giờ như mấy vị bác sĩ đã có gia đình mà chưa có phòng mạch riêng?
- Dạ, chào bác sĩ.
Tiếng chào dù nhỏ nhưng cất lên thình lình khiến tôi đứng sững. Đứng né qua bên trái tôi, nép dưới tán duối dại xanh thẫm là cô gái có đôi gò má tròn và nước da con nít của ban sáng. Tay cô cầm chiếc dù đỏ, run run. Chỉ chờ tôi nhận lời chào cho đủ lễ độ, cô ta liền bước đi thoăn thoắt, đầu cúi thấp, về phía ngược chiều...
Lần kế tiếp đến Cú Mèo, tôi gặp cô gái ở đó, giúp bà chủ đứng lò nướng và bê ra cho khách những chiếc bánh ngọt. Thấy tôi, cô cúi đầu: “Dạ, chào bác sĩ”. Rồi từ đó cho đến khi tôi đứng lên ra về, không thấy cô đâu nữa. Một ngoại lệ, bà chủ nhà rời quầy tiễn chân tôi ra cửa, nói giọng bình thường:
- Con cháu tôi. Ở trên núi mới xuống, xứ có nhiều thông.
Tôi không có ý níu lấy tay cô gái bắt cô ngồi lại một chút với mình để nói cô nghe mấy câu thanh minh về buổi sáng hôm đó và nghề nghiệp của mình. Nghe tiếng cô chào, tôi biết cô không ác cảm và nghĩ xấu về tôi. Cô chỉ xấu hổ và né tránh ánh nhìn của tôi. Đúng hơn, cô ngại đôi mắt tôi. Dù mắt tôi hiền và thờ ơ mọi sự.
Tôi đến Cú Mèo thường hơn. Và cũng như mọi khách đàn ông khác, nhận ra có một sự vô lý hiện diện ở đó: Quán bớt kỳ dị đi nhưng lại bí ẩn hơn, dù hầu như đồng thời với sự xuất hiện của tôi là sự biến mất của cô gái. Bọn khách đàn ông nhanh chóng nghiệm ra điều đó, trở nên bực bội và hay ném về phía tôi những cái nhìn không chớp mắt. Chỉ có con mèo loang và bà chủ quán là không thay đổi thái độ, vẫn thân thiện và nhẹ dạ, vẫn im lặng và thấu hiểu. Tuy nhiên, từ ngày có cô gái đứng bên lò nướng, đôi khi bà có những hành động khác thường dành riêng cho tôi. Tối qua, bà đến đứng bên tôi, nói như đối thoại một mình:
- Nó là vật quý, ở thời điểm này. Vận may rơi trúng ai, người ấy hưởng. Tuy nhiên... Rồi anh sẽ thấy...
Xong bà đưa cho tôi mẩu giấy đẹp thơm mùi vani ghi một dãy bảy con số, đoán là số điện thoại. Vừa kịp nhìn lướt qua, con mèo loang bị bà chủ cấu vào chót đuôi giật bắn mình chồm dậy, quào lấy mảnh giấy vò viên bỏ vào mồm không nhai, nuốt chửng. Bà chủ hỏi: “Nhớ kịp không?”. Rồi chẳng đợi nghe câu trả lời, bỏ đi với nụ cười bí hiểm.
Có một điều kỳ quặc tôi buộc phải chấp nhận, là tôi và cô gái thường ngồi cùng dưới một mái nhà, còn cô làm gì đó sau gian bếp, nhưng những câu chuyện khá dài của chúng tôi lại chỉ được nối với nhau bởi đường dây điện thoại. Giọng cô trong những câu chuyện tự nhiên và tình cảm. Ngày nhận thấy có một điều gì đó tươi mới đang len nhẹ vào cuộc sống ẩm thấp, đầy mùi bệnh viện của mình, tôi cố tìm cách tiếp cận với cô, theo kiểu tay trong tay hoặc ít ra cũng mặt đối mặt. Nhưng cô luôn lảng tránh chỉ bằng duy nhất một câu: “Em chưa thể. Em cần phải có thời gian” mà chẳng nghĩ ra được lời nói dối nào khả dĩ làm cho tôi đỡ phiền lòng. Tôi thấy cô cũng thơ trẻ và thân thiện như con mèo loang, nhưng cô nhút nhát và cẩn trọng gấp bảy mươi lần.
Một mùa ẩm ướt nữa đã qua đi trên những nóc nhà thành phố. Cả trăm bệnh nhân nữa đã đi vào và đi ra căn phòng siêu âm cũng như ánh mắt của tôi. Nhưng những câu chuyện của anh bác sĩ và cô gái vẫn chỉ gặp nhau trên  đường dây điện thoại. Đôi khi tôi thấy còn chán nản hơn lúc trước. Chính vì trong tim đã mang một bóng hình, nên đêm về càng thấy cô đơn. Tôi sợ cứ như thế này một thời gian nữa, tôi sẽ có cái nhìn lạnh buốt, bất động, thấu suốt của con cú mèo và bà chủ quán.
Tối nay, chúng tôi sẽ gặp nhau. Sẽ có những câu chuyện dài được trao đổi mà không có máy tự động ghi thời gian nói chuyện vào hóa đơn để cuối tháng đòi thanh toán. Cuộc hò hẹn đầu tiên có được sau bao nỗ lực không chỉ của mình tôi, tôi biết.
Đón cô gái nhỏ mà từ lâu tôi đã coi là của mình dưới rặng duối dại lấm tấm quả chín vàng như mắt chim khuyên, tôi nghĩ mình đã sai khi tin mình thờ ơ mọi sự. Tim tôi rung lên theo mỗi bước cô tiến lại gần. Và những bước chân luống cuống cùng đôi má đỏ ửng kia của cô gái, chúng nói lên rằng cô cũng hồi hộp biết bao.
Gần sáng, sau khi trời đổ mưa một lúc, chuông điện thoại phòng tôi đổ. Trong tiếng cô gái của tôi có lẫn nước mắt của sự tuyệt vọng. Nếu tôi là cô, tôi có tuyệt vọng không? Chẳng phải vì nụ hôn căng thẳng, dở dang ban tối. Mà vì cô không vượt qua được bức tường ngăn cách vô hình sừng sững giữa hai chúng tôi. “Anh hãy giúp em, hãy kiên nhẫn với em. Em thường nhớ anh và gặp anh đâu đó trong những giấc mơ. Nhưng em không thể đối diện với anh. Em không hiểu...”.
Cô gái của tôi, cô không nói hết cảm nghĩ của mình, nhưng vì đã yêu cô, nên tôi tự biết. Cô sợ hãi ánh mắt bác sĩ của tôi. Bởi trong đôi mắt ấy, cô thấy mình bị phơi bày thê thảm. Cô chẳng còn gì để che chắn, tự vệ. Cô nghĩ, với tôi, một cơ thể phụ nữ nghĩa là chẳng còn gì bí mật, cả ở những nơi bí mật nhất của họ. Ánh mắt tôi là sự phỉ báng cay nghiệt lên bản tính e thẹn sâu xa của cô. Tôi muốn nói với cô rằng, không bao giờ là như vậy. Tình yêu nhìn người yêu của mình bằng một đôi mắt khác. Nhưng rồi tôi chẳng nói, khi chính mình cũng hoang mang.
Lâu rồi tôi không tới Cú Mèo Café. Dù con mèo loang còn ở đó, tiếp tục thân thiện và nhẹ dạ. Cú mèo gỗ vẫn phóng ánh nhìn bất động và thấu suốt trên nóc nhà gỗ. Bà chủ nhà chưa rời bỏ quán vì một người đàn ông. Cô gái đứng bên lò nướng và bưng cho khách những chiếc bánh ngọt. Tôi còn nhớ họ nhiều. Tôi còn những buổi chiều bước ra từ căng-tin bệnh viện khi phố xá đã lên đèn đến tận cùng ngõ ngách, thấy chán ngán bải hoải. Tôi tự từ bỏ nơi nương náu xưa cũ và duy nhất của mình, không hẳn bởi tôi là một vũng nước đã vấy màu. Vì cô gái của tôi trong như một giọt mưa...
Hải Miên
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...