Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Con thuồng luồng vực nước xoáy

Con thuồng luồng vực nước xoáy

Vị ni cô già đưa tay đốt nén nhang, đợi đầu nhang cháy đỏ, sư bà phẩy nhẹ cho tắt lửa rồi chậm chạp đi tới chiếc bàn thờ nhỏ phía dưới cạnh bàn thờ Phật. Đưa nén nhang lên ngang mặt, sư bà cúi đầu vái, miệng lâm râm khấn. Xong xuôi bà cắm nén nhang đang cháy dở vào cái chén nhỏ trên bàn thờ rồi đứng lặng yên chấp tay cúi đầu. Từng làn khói mỏng loang dần che phủ bàn thờ nhỏ, trên bàn trống trơn không có ảnh tượng, chỉ có hai bài vị đặt song song nhau. Cái đèn dầu nhỏ đặt trong góc không đủ soi sáng cảnh vật trong am nên khó mà nhận diện được những hàng chữ Nho khắc trên bài vị. Ánh sáng lung linh tạo thành những hình ảnh chập chờn trên bức vách cũ cùng với những làn khói uốn éo trên không trung tạo cho khung cảnh vốn thê lương lại thêm phần ma quái mờ ảo. Tất cả đều chìm đắm trong thinh lặng, một thứ im lặng nặng nề khó chịu, thỉnh thoảng có tiếng chuột rúc trên mái am nghe như tiếng kêu than của những oan hồn trở về từ cõi xa xăm nào đó.
Sư bà vẫn đứng im như quên cả thời gian, không gian, đôi mắt nhắm nghiền, nếu đôi cánh mũi không thỉnh thoảng phập phồng thì người ta cứ tưởng đó là một pho tượng. Tâm trí bà như đang gởi về một nơi nào đó. Một cơn gió thổi qua đập mạnh cách cửa am vào vách lôi bà về thực tại. Mở choàng đôi mắt bà quay lại, dưới ánh sáng lờ mờ đôi mắt già nua lïong lanh như ngấn lệ. Sư bà lặng lẽ nhìn bốn bóng người đang đứng tựa sát trong vách am rồi lên tiếng:
- Mời các vị theo lão ni ra ngoài.
Không đợi chúng tôi trả lời, sư bà quay lưng bước đi. Mọi người lần lượt theo chân ra ngoài. Ngang qua một cái sân nhỏ, sư bà dẫn chúng tôi vào một căn nhà thủy tạ bên cạnh hồ sen và mời mọi người an tọa, xong xuôi bà đi pha trà. Bọn chúng tôi bốn đứa ngồi xuống nhìn nhau không nói. Chuyến đi tìm phong lan lần trước đã mang lại cho chúng tôi nhiều thích thú. Lần này chúng tôi tổ chức đi thăm những danh lam thắng cảnh của Phú Quốc. Sau khi lần lượt dạo chơi những ngôi chùa nổi tiếng như Sùng Hưng, chùa Một Mắt,... chúng tôi nảy ý định đi sâu vào miệt Ngành Gió, ngược ra Bàn Quỷ, và xuyên thẳng lên miền Bắc, tới vực nước xoáy nối giáp hải phận Cam-Bốt chúng tôi dừng lại cắm trại ở đó. Khung cảnh ở đây thật hoang vắng ít có dấu chân người, đi hỏi thăm mới biết vùng này trước kia cũng sầm uất, đa số sống vào nghề mò ngọc trai nhưng không hiểu sao dân chúng lại từ từ bỏ đi vào các vùng kế cận sinh sống. Muốn tìm hiểu thêm phải đi vào Cửa Cạn. Trên đường đi, qua một thung lũng, chúng tôi gặp Vô Ưu Am, đó là một cái am nhỏ nằm trên triền núi giữa một thung lũng, trong đó ngoài người giúp việc ra, chỉ có một vị ni cô già. Sư bà sống ở đây có lẽ cũng lâu rồi vì am trông thật cũ kỹ. Tò mò chúng tôi xin tá túc lại. Sau bữa cơm chay buổi chiều chúng tôi theo sư bà vào thắp nhang lạy Phật.
Một thoáng sau sư bà bước vào theo sau là người giúp việc với khay trà trên tay. Bà nhìn chúng tôi và cất tiếng:
- Các vị thí chủ uống thử trà bần ni pha xem sao, ở đây xa thành thị, chỉ có loại trà này mà thôi.
Nâng ly trà lên, một mùi hương thơm thoảng đượm hoa nhài tỏa lan, nước trà có màu xanh biếc. Không biết là loại trà gì nhưng mới ngửi vào cũng làm tỉnh táo cả người. Trời hôm nay thật thanh, ánh trăng chiếu qua kẽ lá dịu dàng khiến khung cảnh trở nên thơ mộng, vẳng xa xa có tiếng suối reo lẫn với tiếng dế ngân nga càng tăng thêm vẻ thi vị của đêm trăng.
Bốn đứa chúng tôi ngồi im lặng uống trà, thật nhiều câu hỏi đặt ra trong óc nhưng không ai lên tiếng. Không hiểu tại sao một vị ni cô lại ở một mình trong cái am vắng lặng nơi đèo heo hút gió thiếu hụt mọi thứ về vật chất lẫn tinh thần. Còn nữa, xa xôi như vậy thì khách thập phương khó có thể dừng bước để dâng cúng hoa quả nuôi sống những người tu hành tại đây. Hết tuần trà thứ nhất đột nhiên một người lên tiếng:
- Sư bà ở đây buồn tẻ lắm nhỉ?
Vị ni cô im lặng một chút rồi trả lời:
- A Di Đà Phật. Mới đầu cũng cảm thấy cô đơn nhưng sau đó lại quen dần. Bây giờ bần ni lại thấy thích thú khi sống ở đây một mình.
- Sư bà tu ở đây được bao lâu rồi, còn Vô Ưu Am đã được cất bao lâu?
Ngẫm nghĩ một chút sư bà cất tiếng:
- Bần ni cũng không nhớ rõ là được bao lâu, còn cái am này đã được cất lên ngay lúc bần ni vào đây.
Một đứa trong chúng tôi chuyển qua vấn đề khác:
- Ở đây không xa vùng vực nước xoáy mấy, nghe đồn trước kia cũng có người sinh sống ở đó, không hiểu tại sao bây giờ lại không còn ai. Sư bà có thể cho chúng tôi biết được không?
- Chuyện đó kể ra thì thật dài dòng lắm, bần ni cũng biết đôi chút, vì chính bần ni đã sinh trưởng và lớn lên vào lúc đó. Nếu các vị thí chủ muốn nghe, bần ni xin kể lại.
Vị ni cô già ngước mặt nhìn trời, đôi mắt hơi nhắm lại như tưởng nhớ về qúa khứ. Một cơn gió nhẹ lách mình qua cành lá mang theo mùi hương hoa dại vẽ lên những hình bóng chập chờn. Không ai bảo ai tất cả đều im lặng. Sư bà thoáng mở mắt, quay mặt nhìn chúng tôi, giọng của bà đột nhiên như chìm xuống:
.....Bến đò chính trên thị xã Dương Đông sáng hôm đó đột nhiên xuất hiện một con thuyền lạ, nó được nhận diện dễ dàng vì khác lạ với những thuyền chung quanh. Với dáng dấp to lớn và thân hình bầu dục, nó có vẻ là một con thuyền chuyên chở hàng hoá hơn là đánh cá. Hơn nữa với nước sơn và những dấu hiệu lạ bên ngoài khiến ai cũng biết nó không phải ở vùng Phú Quốc, một nơi chuyên về nghề đánh cá. Trên thuyền gồm năm người, vừa cặp bến là họ vội vã đi lên bờ. Dẫn đầu là hai chàng thanh niên lực lưỡng, theo sau là ba người khác trong có vẻ như người giúp việc. Họ đi vào thị xã, thỉnh thoảng dừng lại hỏi thăm người đi bên đường rồi tiến thẳng vào dinh cơ của ông phú hộ Vương Thanh, một trong những người giàu có nhất vùng.
Bọn họ dừng lại nơi phòng khách, chờ đợi để được diện kiến ông Vương Thanh. Một lát sau ông phú hộ bước ra. Một trong hai người thanh niên đứng dậy vòng tay cúi chào.
- Kính chào lão tiên sinh, tôi xin tự giới thiệu là Sơn, còn đây là Tùng bạn tôi và những người giúp việc. Chúng tôi làm nghề mò ngọc trai, nghe đồn ở đảo Phú Quốc nầy có nhiều ngọc trai quý, chúng tôi ra đây xem thử, hy vọng lão tiên sinh giúp đỡ.
- Tôi không rành về chuyện ngọc trai lắm, chỉ biết buôn bán mà thôi, tôi không biết có thể giúp đỡ các vị được chuyện gì?
- Chúng tôi không có người quen ở đây nên nơi ăn chốn ở thật khó khăn, mong lão tiên sinh vui lòng cho chúng tôi ở tạm, chúng tôi sẽ bồi hoàn tiền tá túc.
Ông phú hộ khoát tay lên tiếng:
- Tưởng gì chứ chuyện đó thì đừng lo, sẵn nhà tôi cũng có nhiều phòng trống, các vị cứ tự nhiên ở lại, bao lâu cũng được.
Nói xong ông kêu người nhà khuân hành lý và thu xếp chỗ ở cho mọi người. Dọn dẹp xong đồ đạc, Sơn và Tùng được ông phú hộ mời ra ăn cơm trưa. Trong bàn ăn chỉ vỏn vẹn có ba người khiến hai chàng ngạc nhiên. Sơn cất tiếng hỏi:
- Chẳng hay người nhà của lão tiên sinh đi đâu mà không thấy?
- Nhà tôi chỉ có hai người, tôi và con gái của tôi. Vợ tôi đã chết từ lâu. Con gái tôi lại không mấy khi về nhà, nó phải đi đây đó thay tôi lo công việc buôn bán, nên ngôi nhà to lớn này chỉ có mình tôi. Đã lâu tôi không có khách khứa gì. Hai cậu ở lại đây một thời gian với tôi cho vui. À mà xem hai cậu cũng là người có học, tại sao lại chịu sống cuộc đời lang thang đây đó vậy?
- Chúng cháu thích sống lang thang chứ không ưa nếp sống gò bó. Hơn nữa nghề mò ngọc trai cũng đem lại nguồn lợi tức khá vững vàng, đủ sống cho những người độc thân như chúng cháu.
Ăn cơm xong ông Vương Thanh vào nhà trong nghỉ ngơi, Sơn và Tùng đi lang thang quanh vùng để thìm hiểu thêm phong thổ. Hai người phát giác ra ông Vương Thanh là một điền chủ giàu có, với những khu vườn trồng cây ăn trái rộng lớn, và những ghe đánh cá cho người mướn đem lại cho ông một lợi tức đáng kể. Dò hỏi về gốc tích, người ta cho biết ông Vương Thanh không phải người bản xứ, ông là người Tàu lai Việt tới đây làm ăn khoảng hai chục năm về trước. Không ai biết ông từ đâu tới và làm nghề gì, chỉ biết từ lúc ông tới đây hành nghề buôn bán, ông làm ăn ngày càng phát đạt.
Vào cuối tuần đó trong lúc Sơn và Tùng đang đi mò ngọc trai ở dọc theo các ghềnh, đột nhiên ông Vương Thanh cho mời hai người về. Sau khi tắm rửa hai chàng ra phòng ăn thì ông phú hộ đã ngồi sẵn ở đó với một người con gái. Vừa thấy hai chàng, ông lên tiếng:
- Đây là Tường Vi con gái của tôi, hy vọng ba người có thể làm bạn với nhau.
Sơn và Tùng cùng nhìn Tường Vi, đó là một người con gái xinh đẹp, nàng thật tự nhiên, mái tóc óng ả chấm ngang lưng tạo cho nàng một vẻ hiền thục. Trong suốt bữa ăn Tường Vi cười nói huyên thuyên, nàng không ngớt hỏi thăm những chuyến đi trong đất liền. Trong hai người Tùng có vẻ ít nói hơn Sơn, bản tính chàng trầm tư. Trái lại Sơn có vẻ hợp với Tường Vi, hai người nói chuyện thật nhiều. Bữa cơm tối chấm dứt trong sự vui vẻ thân mật. Chào từ giã ông Thanh và Tường Vi, Sơn và Tùng về phòng nghỉ. Đột nhiên hai người như có tâm sự, không ai nói chuyện với ai. Sự xuất hiện của Tường Vi đã gây nên một chấn động trong tâm hồn hai người.
Những ngày sau đó êm ả trôi qua, Tường Vi ngày càng tỏ ra thân mật với hai chàng trai trẻ. Ngược lại Sơn và Tùng ngày càng ít nói chuyện với nhau, hai người ít có dịp tâm sự với nhau như trước, tuy đi làm chung, nhưng hai người đột nhiên tiết kiệm lời nói. Đúng ra người ít nói là Tùng, vì từ khi gặp Tường Vi, chàng trở nên lầm lì ít nói, thích ngồi một mình. Nhiều lúc Sơn muốn bắt chuyện, Tùnh lạnh nhạt trả lời qua loa khiến Sơn đâm ra ngại ngùng. Đối với Sơn, Tùng vẫn là một người bạn tốt, nhưng sự thay đổi tính tình của Tùng làm Sơn khó chịu, chàng để mặc bạn muốn làm gì thì làm.
Với Tường Vi, sự hiện diện của hai chàng trai đánh dấu một sự thay đổi trong lòng nàng, nhưng giữa hai người nàng không biết chọn ai, cả hai đều có những đặc điểm khác nhau. Với Sơn, nàng cảm thấy thoải mát và tự nhiên khi nói chuyện. Sơn cởi mở và có vẽ chăm sóc, lo lắng cho nàng nhiều hơn. Ngược lại Tùng là một thế giới im lìm cách biệt, nàng thường thấy Tùng ngồi một mình suy tư. Tường Vi là một cô gái tự nhiên, nàng không mấy thích bản tính trầm tư mặc tưởng, nhưng vì tò mò nàng muốn tìm hiểu thêm về Tùng. Tường Vi có cảm giác Tùng đang có một bí mật gì trong lòng.
Thời gian lặng lẽ trôi, Tường Vi ngày càng tìm cách gần gụi Tùng, nhưng nàng vẫn không khám phá ra điều gì nơi chàng. Chỉ có một điều duy nhất Tường Vi thấu được đó là tự nơi Tùng tỏa ra một sức thu hút đặc biệt. Tường Vi bắt đầu nghĩ ngợi nhiều đến Tùng, nhiều đêm nằm một mình, nàng tự nhiên nhớ đến người con trai im lặng đó.
Một buổi sáng nọ, khi Tường Vi tỉnh giấc nàng đột nhiên thấy ồn ào trong nhà, ngoài phòng khách nàng nghe tiếng ông Vương Thanh đang quát tháo. Ra ngoài hỏi mấy người giúp việc nàng mới biết tối qua phòng cha nàng có người lạ mò vào lục tung đồ đạc. Tường Vi lên tiếng hỏi:
- Thưa cha người lạ vào phòng cha lúc nào, có mất gì không?
Trầm ngâm nghĩ ngợi ông Thanh trả lời:
- Cha thường có thói quen dậy sớm, sáng nay năm giờ cha tỉnh giấc đi bách bộ ngoài vườn, lúc trở về thì thấy đồ đạc bị lục lung tung. Lạ một điều là không bị mất gì hết, nhưng có điều cha nghi ngờ người vào phòng không phải là người lạ vì cổng nhà đã được khoá, còn có mấy con chó nằm gác ban đêm.
- Cha nghĩ rằng ai làm chuyện này?
- Người làm đều đã ở đây mấy chục năm thì không thể ngờ họ, nên cha không biết là ai.
Vụ trộm xảy ra mang lại không khí nặng nề trong nhà Tường Vi. Nàng không dám nghi ngờ ai nhưng trong thâm tâm nàng như thấy có sự gì không ổn. Một đêm không ngủ được nàng ngồi dậy bước ra ngoài sân, không khí mát mẻ làm Tường Vi thấy thoải mái. Sau khi đi dạo mấy vòng nàng quay trở về, ngang qua phòng Tùng đột nhiên nàng thấy bóng người thấp thoáng trong bóng đêm. Tò mò Tường Vi gõ cửa phòng nhưng không ai trả lời, đẩy nhẹ cánh cửa nàng bước vào, trong phòng tối om, khều to ngọn đèn nhỏ, Tường Vi đưa mắt nhìn quanh, trên giường không người nằm. Bước lại cạnh chiếc bàn nhỏ bắt gặp một mảnh giấy nhỏ, nàng nhận ra đó là nét chữ của Tùng.
..."Không biết bây giờ tôi nên làm thế nào, tôi phải quyết định chọn lựa giữa tình yêu và bổn phận. Chắc chắn tôi sẽ phải làm bổn phận của tôi, nhưng còn Tường Vi, người con gái tôi đã yêu tha thiết từ ngày mới gặp. Lạy Thượng Đế xin người cho tôi biết phải làm sao..."
Tường Vi đứng ngẩn người sau khi đọc mảnh giấy mà có lẽ Tùng đã quên không xé đi. Trong lòng nàng sự mâu thuẫn dồn dập, nàng đã biết một nửa sự thật về con người của Tùng, đúng hơn về ý nghĩ trong trái tim của chàng. Lặng lẽ, Tường Vi tắt đèn rồi bước ra ngoài. Cả đêm đó nàng nằm thao thức, suy nghĩ về từng chữ trong tấm giấy vừa đọc được, mãi đến gần sáng Tường Vi mệt mỏi thiếp đi.
Sáng hôm sau vừa thức giấc, ông Vương Thanh đã cho gọi nàng vào phòng. Tường Vi thấy gương mặt cha hốt hoảng lo âu. Vừa thấy nàng ông lên tiếng:
- Con có biết gì không, đêm qua nhà mình lại có trộm.
- Ở đâu và có mất gì không cha.
Tường Vi hỏi lại.
- Ở ngay trong từ đường của mẹ con, không hiểu tại sao kẻ trộm lại biết được cha cất dấu ở đó, nó đã lấy đi cái hòm đựng giấy tờ văn khế buôn bán của cha. Trong đó tuy không có vàng bạc nhưng toàn là giấy tờ quan trọng.
Một tia sáng lóe lên trong đầu, Tường Vi an ủi cha mấy câu rồi vỗi vã đi ra ngoài. Qua phòng Tùng nàng gõ cửa, Tùng không có trong phòng. Tường Vi bước vào, nàng nhẹ nhàng lục soát. Một thoáng sau Tường Vi bước ra, nàng không kiếm thấy cái nàng muốn tìm. Hỏi người làm, nàng được biết Tùng đi ra ngoài mò ngọc trai, Tường Vi suy nghĩ giây lát rồi nhất định đi kiếm Tùng
Tùng và Sơn là hai thợ lặn giỏi, họ đi tìm những chỗ ít có người đặt chân tới. Họ đang mò ngọc ở một chỗ nước khá sâu và vắng vẻ. Tường Vi phải dùng ngựa băng qua hai khu rừng, mãi tới xế trưa nàng mới tới được chỗ Sơn, Tùng làm việc. Lúc này hai người đang nghỉ trưa, họ nằm ngủ trong một hốc đá, quanh đó ba người giúp việc đang lo cạy vỏ những con trai để tìm ngọc. Thấy Tường Vi tới, mọi người ra vẻ ngạc nhiên. Nàng không nói gì chỉ kéo tay Tùng ra một chỗ vắng. Không đợi Tùng hỏi nàng lên tiếng trước:
- Anh có biết tối hôm qua nhà tôi bị mất trộm không?
Thấy Tùng im lặng ra vẻ ngạc nhiên, Tường Vi tiếp lời:
- Tôi biết rõ không phải là người ngoài làm chuyện đó, vì từ lần trước cha tôi đã cho canh gác cẩn thận, hơn nữa chỉ có người sống trong nhà mới có thể theo dõi để biết cha tôi cất giữ những đồ quý giá ở đâu. Thực ra cái hộp bị mất đi không có chứa đựng vàng bạc gì, chỉ có những giấy tờ về công việc làm của cha tôi mà thôi. Tôi hy vọng nếu người nào đã lỡ làm chuyện đó nên đem trả lại.
Gương mặt Tùng thoáng cau lại:
- Cô nghi ngờ chuyện đó do tôi gây ra?
- Làm hay không chỉ có người đó mới biết được thôi. Nếu anh còn nghĩ tình bạn giữa chúng ta nhờ anh giúp hộ kiếm lại cái rương cho cha tôi.
Không để Tùng nói tiếp Tường Vi quay mặt ra về, trong thân tâm thật sự nàng mong muốn không phải Tùng làm chuyện đó. Dù sao đi nữa nàng cũng đã dành thật nhiều tình cảm cho Tùng. Tường Vi không muốn cảm tình đó bị đổ vỡ.
Buổi chiều hôm đó, nhóm thợ ngọc trai trở về nhà Tường Vi, nhưng trong bữa ăn không thấy Tùng, không ai biết chàng đi đâu. Không khí trong nhà càng nặng nề khó chịu. Tường Vi không còn hoạt bát vui vẻ như thuở nào; ngay cả Sơn cũng vậy chàng bắt đầu trở nên ít nói. Mọi người im lặng, không ai nói với ai, hình như mỗi người đều suy nghĩ về những chuyện xẩy ra.
Từ hôm đó, không ai thấy bóng Tùng xuất hiện, mọi người đều nghi chàng đã trở về đất liền, không còn ở trên đảo nữa. Với Sơn, chàng không biết phải làm thế nào, quen Tùng đã nhiều năm, Tùng là bạn bè sinh tử, Sơn biết rõ con người Tùng. Chàng không thể nào tin Tùng đã làm chuyện có lỗi, nhưng sự thật vẫn còn đó và việc ra đi của Tùng đã chứng minh điều đó. Sơn cảm thấy e ngại và xấu hổ với ông Vương Thanh và nhất là Tường Vi. Chàng quyết định trở về đất liền kiếm Tùng hỏi cho ra lẽ.
Một tuần sau, khi Sơn đã thu xếp xong công chuyện chàng vào xin phép ông Vương để lên đường. Vừa mới bước vào phòng, Sơn đã thấy ông Vương Thanh ngồi trên cái đi-văng, hình như ông đã biết chuyện chàng muốn đi nên tiếng:
- Cậu quyết định ra đi thiệt hả?
- Cháu đã quyết định, cháu tới đây xin cảm ơn bác đã cho tá túc bấy lâu nay.
Ông Thanh trầm ngâm giây lắt rồi nói:
- Tôi biết trong lòng cậu đang nghĩ gì, tôi thông cảm điều đó lắm. Gần một năm nay cậu ở nhà tôi, tôi coi cậu như con cháu. Tôi đang tính bàn với cậu một chuyện.
Sơn ngạc nhiên chàng hỏi lại:
- Bác muốn cháu làm gì, nếu được cháu sẽ không ngại đâu.
- Tôi già rồi, lo xây dựng cơ nghiêp bao nhiêu năm nay bây giờ tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn lui về hưởng thanh nhàn. Khổ một nỗi tôi lại không có con trai. Tường Vi tuy giúp tôi thật nhiều chuyện nhưng dầu sao nó cũng là con gái. Mấy tháng nay tuy không nói nhưng tôi đã thấy được tình cảm giữa cậu và Tường Vi. Nó có vẻ mến cậu lắm, gạt bỏ ra ngoài chuyện của Tùng bạn của cậu, tôi vẫn mong cậu sẽ là một phần tử trong gia đình.
Nhìn nét mặt lưỡng lự của Sơn ông nói tiếp:
- Tường Vi bây giờ đã lớn, nó cũng cần có người chăm sóc. Tôi biết bây giờ cậu ái ngại lắm, nhưng cậu cũng nên tính cho mình một chút, chả lẽ cậu có thể sống đến già với nghề mò ngọc trai sao? Dầu sao cậu về giúp tôi chăm sóc những đồn điền hay học nghề buôn bán cũng hay hơn. Cậu nghĩ sao?
- Bác có thể cho cháu thời gian suy nghĩ được không?
- Được, cậu về suy nghĩ rồi cho tôi biết quyết định của cậu.
Sơn ra khỏi phòng, chàng suy nghĩ về lời nói của ông Vương, thấy ông nói cũng đúng. Từ bao lâu nay Sơn thật sự đã mến Tường Vi, nhưng vì hoàn cảnh nghèo, hơn nữa cuộc sống rày đây mai đó khiến chàng không dám ngỏ. Bây giờ chính cha nàng lên tiếng trước, chàng thấy nửa mừng nửa lo. Tối hôm đó chàng thao thức cả đêm, sau cùng chàng đi tới quyết định sẽ ở lại, mặc cho số phận ra sao cũng được.
Những ngày sau đó Sơn bắt đầu phụ giúp ông Vương Thanh lo việc chăm sóc những đồn điền cà-phê và tiêu. Những ngày đầu tiên Sơn rất bỡ ngỡ với công việc mới nhưng dần dần chàng cũng quen đi. Làm việc trên đất tuy cực nhọc và tốn thời giờ những lại ít nguy hiểm hơn lúc đi mò ngọc trai, Sơn thầm nghĩ như vậy. Hơn nữa hình bóng của Tường Vi khiến chàng có thêm nghị lực làm những công việc vốn không thích hợp với chàng bao nhiêu. Một hôm, sau bữa cơm tối ông Vương Thanh kêu chàng vào phòng riêng nói chuyện. Ông mở đầu:
- Tôi đã tính xong chuyện cho cậu và Tường Vi rồi. Tháng tới sẽ có ngày tốt, cậu và nó sẽ làm đám hỏi.
Một thoáng vui mừng trong lòng Sơn, từ bao lâu nay chàng đang mơ ước chuyện đó. Ông Vương Thanh nhìn chàng một chút rồi tiếp:
- Tôi có một chút chuyện muốn nhờ cậu nhưng không biết cậu có chịu giúp không?
- Bác cứ nói, nếu cháu làm được cháu sẽ hết sức.
Ông Thanh đứng lên, lôi trong kệ sách ra một tấm bản đồ Phú Quốc trải rộng trên bàn trước mắt Sơn.
- Cậu có biết chung quanh đảo Phú Quốc chỗ nào nước sâu và chảy xiết nhất không?
Thấy Sơn lắc đầu, ông chỉ tay vô chỗ đầu Bắc đảo nơi gần giáp với những hòn đảo của Cam-bốt rồi tiếp:
- Chỗ này gọi là vực nước xoáy, vì có hai giòng nước chảy ngược nhau, một từ ngoài mặt Nam đảo chảy vào, một từ phía Cam-bốt chảy ra. Địa thế ở đây thuyền bè đi lại thật nguy hiểm, phần vì nước sâu, đá ngầm nhiều, phần vì nước chảy xiết, ai lỡ té xuống thật khó mà bơi ngược lại với giòng nước.
Sơn buộc miệng:
- Có phải cái nơi mà tất cả những thợ mò ngọc trai đều e ngại không dám tới vì nghe đồn có con thuồng luồng ở đó.
- Đúng vậy, thật ra chuyện thuồng luồng chưa chắc đã có, vì đó chỉ là lời đồn, chưa có ai trông thấy tận mắt. Bao nhiêu năm nay nhiều thợ lặn đã tìm tới chỗ này vì nghe đồn có nhiều ngọc trai quý nhưng chưa có một ai đủ can đảm mò sâu tận vực nước xoáy, một phần vì sợ thuồng luồng, phần khác vì sợ sức người không chịu đựng được sự hung mãnh của thiên nhiên.
Ông Vương Thanh ngừng lại giây phút rồi tiếp:
- Cậu đã biết rõ tôi không phải người bản xứ, thật ra tôi tới đây làm ăn chỉ vì ngày xưa lúc còn trẻ, nhân dịp tình cờ tôi đọc được trong gia phả giòng họ ông nội tôi trong lúc đi buôn bán ở bên Tàu có nhặt được một tấm di thư nói rằng chỗ vực nước xoáy có chôn dấu một kho tàng. Tôi tới đảo này nhiều năm cũng không có cách lấy được kho tàng đó. Thứ nhất vì tôi không đủ sức làm một mình, thứ hai tôi không dám nhờ người ngoài vì nếu họ biết sẽ sinh chuyện.
- Bác muốn nhờ cháu lấy kho tàng?
- Phải, tôi đã bỏ rất nhiều tâm cơ để toan tính chuyện này, bây giờ chỉ còn cần người phụ giúp mà thôi. Cậu là tay lặn giỏi, tôi tin tưởng sẽ vượt khỏi những khó khăn vì đia thế ở đó tôi đã thuộc nằm lòng. Tôi đã sửa soạn đầy đủ, chỉ còn chờ quyết định của cậu thôi, cậu tính sao?
Thấy Sơn còn đang ngần ngừ ông tiếp:
- Tôi muốn lấy kho tàng chỉ vì không muốn nó lọt vào tay kẻ khác. Hơn nữa cậu và Tường Vi cần một số vốn để làm ăn. Tôi biết rõ con người của cậu, cậu không thích nhận tiền từ tay một người khác mà không có công lao gì. Đây là một dịp may cho cậu, nếu cậu không muốn làm tôi sẽ không dám ép, tôi sẽ đi tìm người khác.
Nghe nhắc tới Tường Vi, Sơn trở nên mềm lòng mặc dù theo linh tính, chàng cảm thấy có cái gì không ổn. Chàng trả lời:
- Được rồi, vậy chúng ta khi nào bắt đầu?
- Ba ngày nữa, nhân lúc nước thủy triều xuống thấp nhất, chúng ta sẽ bắt đầu. À quên nữa, cậu đừng nhắc chuyện này với Tường Vi, tôi sợ nó lo lắng.
Sơn chào ông và bước về phòng. Chàng thầm mong sẽ không có chuyện gì xẩy ra. Dù sao đi nữa ông Vương Thanh đã giúp chàng rất nhiều, hơn nữa chàng cần một số tiền để làm đám cưới với Tường Vi.
Ba ngày sau Sơn và ông Vương Thanh đi tới vực nước xoáy, ngồi trên thuyền nhìn xuống Sơn chợt rùng mình, không hiểu sao chàng cảm thấy lo lắng, dù đây không phải là lần đầu tiên Sơn dấn thân vào nguy hiểm. Đưa mắt nhìn quanh, địa thế ở đây thật hiểm nghèo, tiếng nước chảy xiết réo lên nghe rợn cả người, đó đây vài cục đá ngầm im lìm nằm như chờ đón những con thuyền không may. Những làn sóng bạc đầu phủ tung toé làm thuyền không ngớt chòng chành, chỉ cần non tay lái, con thuyền sẽ quay mũi và sẽ bị những con sóng nuốt gọn, vùi sâu dưới vực hoặc đập tan nát vào những mô đá ngầm. Điều kinh ngạc mà Sơn nhận thấy không phải ở chỗ vực nước xoáy nguy hiểm, mà ở chỗ ông Vương Thanh tỏ ra là một tay đi biển lão luyện. Ông khéo léo lái con thuyền lách đi giữa những cơn cuồng nộ của biển cả khiến Sơn cũng phải thán phục. Tới một mô đá cao, ông cặp thuyền vào, buộc giây cẩn thận, xong xuôi ông quay lại nhìn Sơn:
- Cậu sẵn sàng chưa? Chúng ta phải làm cho mau lẹ kẻo nước thủy triều dâng lên thì nguy.
Sơn cởi quần áo ra, lấy cuộn dây thừng buộc quanh bụng rồi nói:
- Nếu cháu ra hiệu lập tức bác kéo cháu lên gấp.
- Không sao đâu cậu đừng lo, lúc đi xuống đó cậu sẽ thấy có một con thuyền nhỏ bị chìm đã lâu đời, trong khoang có một cái hộp cậu chỉ việc ôm cái hộp đó lên và giựt nhẹ sợi dây, tôi sẽ kéo cậu lên.
Sơn nhẹ nhàng buông mình xuống nước, chàng hít một hơi dài rồi lặn sâu xuống. Sức ép của nước làm Sơn thấy tức ngực. Chàng cố gắng xuống sâu thêm nữa. Nhìn thoáng chung quanh Sơn thấy lờ mờ hình bóng ghê rợn của những khối đá khổng lồ. Xa xa ngoài tầm mắt là một cái vực sâu đen ngòm, rong rêu phủ lờ lững, Sơn chợt rùng mình. Người chàng như nổi da gà. Chàng chợt nghĩ tới con thuồng luồng, biết đâu nó đang theo dõi những cử chỉ của chàng. Sơn đã nghe nhiều lời đồn về thuồng luồng, chưa có thợ lặn nào gặp nó mà còn sống sót. Thực ra hình dáng nó thế nào cũng chưa ai biết được. Người thì đồn nó giống con khủng long, kẻ thì bảo nó giống con cá sấu nhưng có cái đầu như loài rắn khổng lồ. Một cảnh vật xuất hiện trước mắt lôi Sơn về thực tại, lòng chàng reo lên một tiếng mừng rỡ. Trên lớp rong rêu đen thui nhớp nhúa, một xác thuyền bể nát nằm giữa những tảng đá lỡm chỡm. Sơn tiến tới gần, chàng mò vào khoang thuyền, sàn trơn như bôi mỡ, đầy những rong rêu vươn dài như cánh tay loài thủy quái. Trong một góc thuyền, Sơn thấy một cái rương nhỏ đầy sôn hàu bám quanh. Nhẹ nhàng nhưng cẩn thận chàng mở sợi dây quanh bụng buộc vào quai rương rồi nhắc ra ngoài. Sơn giựt nhẹ sợi dây báo hiệu cho ông Thanh biết. Sợi dây căng cứng, từ từ lôi cái rương trên nền rong rêu nhơ nhớp. Đến lúc này Sơn mới thấy sự nguy hiểm của giòng nước chảy xiết. Lúc xuống chàng xuôi theo giòng nước nên không thấy khó khăn mấy. Bây giờ phải đi ngược giòng, chàng cố gắng hết sức bám vào sợi dây thừng căng cứng đưa cái rương qua từng mô đá nhọn. Nếu không có ông Thanh ở phía trên thì Sơn biết chắc chắn chàng không thể nào giữ mình cho khỏi nước cuốn đi. Khi sơị dây thừng đã thẳng, Sơn bám vào dây trườn người lên mặt nước.
Cái rương khá nặng, Sơn phải phụ ông Vương Thanh mới mang được nó lên thuyền. Xong xuôi chàng lau người thay đồ cho ấm. Lúc quay lại Sơn ngạc nhiên thấy ông Thanh chưa mở dây đưa thuyền vào bờ, chàng toan hỏi thì đột nhiên thấy ông lôi dưới khoang thuyền một khẩu súng, ông chỉa mũi súng vào người Sơn.
- Tôi nghĩ rằng cậu không cần trở về làm gì nữa.
Trong một thoáng Sơn chợt hiểu tất cả, thì ra từ đầu chí cuối chàng đã bị ông lừa. Chưa kịp lên tiếng thì ông Thanh đã tiếp:
- Đúng ra cậu phải nên biết rõ từ trước, từ lúc cậu còn đang là thợ lặn nổi tiếng ngoài vịnh Cam Ranh. Phải, chính tôi là người đưa tin cho cậu biết ngoài Phú Quốc có nhiều ngọc trai quý, cũng chính tôi đã dàn xếp để cậu vào ở nhà tôi.
Sơn giật mình. Chàng chợt nhớ ra những điều đó, không hiểu sao lúc trước chàng không nghĩ ra. Chỉ vì nghe lời đồn ông phú hộ Vương Thanh là người tốt bụng, nên chàng đã vội vã tới ở trọ và được chấp nhận dễ dàng dù không quen biết từ trước.
- Thế còn vụ trộm trong nhà ông?
- Đó là do tôi tạo ra, một mình tôi không thể nào đối phó với hai người được nên phải làm sao đuổi bớt một người. Hơn nữa tôi thấy rõ thằng Tùng hình như có vẻ dò xét những hành động của tôi nên tôi phải ra tay trước.
- Ông khốn nạn thật, dám đem cả con gái ra làm mồi nhử chúng tôi.
- Đúng, ai bảo cậu dại gái. Cậu tưởng tôi có thể đem con gái gả cho một thằng nghèo và ngu dốt như cậu hả? Kho vàng này là của tôi, chính tôi đã lỡ tay làm rớt xuống đây nên tôi phải nhờ tay cậu. Tôi không muốn nhờ người trong đảo vì sợ dây dưa với những người khác. Cậu đừng trách ai chỉ nên trách chính cậu mà thôi.
Nói xong ông Thanh đưa cao mũi súng nhắm vào Sơn. Đúng lúc đó một tiếng thét vang lên:
- Đừng! Đừng! Cha ơi!
Sơn quay lại thì ra đó là Tường Vi, nàng không kể nguy hiểm dám chèo thuyền ra giữa vực nước xoáy. Có lẽ nàng đã học lái thuyền từ nhỏ, nên trong cơn hoảng hốt nàng vẫn không tỏ vẻ bối rối, vẫn chèo thuyền một cách vững vàng. Ông Vương Thanh khựng người lại giấy lát đoạn nghiến răng bóp cò. Sơn nghe đau nhói ngực, chàng lảo đảo ngã xuống giòng nước xoáy đang chảy mạnh, bên tai còn văng vẳng tiếng kêu thất thanh của Tường Vi.
Thoáng chốc thân hình của Sơn chìm sâu vào lòng nước, chỉ còn một ít máu loang dần tan trong những đợt sóng. Tường Vi nhìn theo, cõi lòng tan nát, nàng không ngờ cha nàng lại tàn nhẫn đến thế. Tuy chưa có danh phận gì nhưng Sơn đã vì nàng mà chết, nàng làm sao quên được chàng. Thấy Tường Vi ôm mặt khóc rưng rức, ông Thanh lên tiếng:
- Con qua đây rồi chúng ta cùng về, đừng lo nghĩ gì cả, vài bữa sau sẽ nguôi đi, dầu sao ta cũng là cha của con.
Tường Vi ôm mặt khóc. Ông Thanh ghé thuyền lại kéo nàng qua, Tường Vi không biết làm gì nữa, để mặc cho ông muốn làm gì thì làm. Trong thân tâm nàng tự nhiên nẩy ra mối sợ hãi và chán ghét. Đột nhiên nàng thấy ông Vương Thanh kêu lên một tiếng hoảng hốt. Mở mắt ra nàng thấy ngay trước mũi thuyền một con quái vật to lớn hung dữ, đầu nó giống như một đầu rắn khổng lồ với hai mắt to lớn đỏ kè. Ông Vương Thanh buộc miệng kêu lớn:
- Con thuồng luồng vực nước xoáy!
Không biết con thủy quái này xuất hiện từ lúc nào. Có lẽ vì ngửi thấy được mùi máu Sơn nên mò ra kiếm ăn. Hốt hoảng ông Vương Thanh đưa tay với khẩu súng dưới khoang, nhưng quá trễ. Con thuồng luồng đưa cái đầu to lớn húc nhẹ ngang hông thuyền. Chiếc thuyền chở ông Vương Thanh chòng chành rồi lật úp. Tường Vi hốt hoảng nàng chụp lấy mái chèo tính chuyện thoát thân. Con thuồng luồng đột nhiên quẫy mình, một làn sống xô vào thuyền Tường Vi, đẩy thuyền nàng quay ngang, dạt vào sát người con thủy quái rồi chìm lĩm. Tường Vi hét lên một tiếng. Nàng thấy rõ cái mồm khủng khiếp đỏ như máu của con thuồng luồng đang há to tanh tưởi trước mặt nàng. Con thuồng luồng tới sát bên Tường Vi, hơi thở của nó phì phì thổi vào mặt nàng. Tường Vi nhắm mắt lại, nàng nghĩ không thể nào tránh được cái chết. Bất chợt con thủy quái gầm lên một tiếng đau đớn làm Tường Vi mở choàng mắt. Ngay giữa miệng nó một mũi lao đang cắm sâu. Cùng lúc đó một chiếc thuyền nhỏ từ xa lao tới, một bóng đen phóng tới bên nàng. Trong cơn mệt mỏi Tường Vi thoáng nhận ra đó là Tùng.
Con thuồng luồng lắc mạnh, đầu mũi lao trong miệng văng ra ngoài. Nó giận dữ tiến nhanh về phía Tùng. Thấy con thủy quái gần tới, Tùng choàng nhanh sợi dây thừng quanh người Tường Vi, đầu kia chàng buộc chặt vào con thuyền đang neo gần đó. Tùng nói nhỏ bên tai Tường Vi:
- Em gắng bơi lại phía con thuyền, đừng lo gì, ở đây đã có anh.
Nói đoạn chàng rút con dao bên hông ra rồi bơi chận đầu con thuồng luồng. Khi Tường Vi tới con thuyền, nàng quay lại chỉ kịp nhìn thấy Tùng đang một tay ôm chặt con thuồng luồng, tay kia đâm liên hồi vào người nó. Con thủy quái đau đớn gầm thét liên hồi. Bất chợt nó lặn xuống nước mất dạng mang theo cả Tùng. Lúc này Tường Vi hầu như đã kiệt sức, nàng nằm mọp trên khoang thuyền, mắt hướng về chỗ con thuồng luồng mới biến mất. Từng cụm máu theo bong bóng trồi lên lan rộng mãi nhưng không thấy bóng dáng của Tùng. Không biết đó là máu con thuồng luồng hay của chàng. Đột nhiên con thủy quái lại nổi lên, trên cổ nó vẫn còn cắm chặt lưỡi dao của Tùng. Tường Vi hốt hoảng, nàng chĩ còn kịp tháo bỏ dây neo để con thuyền trôi phăng theo giòng nước. Tới một khoảng khá xa, đột nhiên con thuyền va vào một cục đá hất Tường Vi xuống biển. Những ngụm nước biển tràn vào miệng làm Tường Vi ngộp thở. Nàng chỉ còn biết bám chặt vào một mảnh ván rồi ngất đi.
Lúc Tường Vi tỉnh dậy, thấy chung quanh lố nhố bóng người, thì ra nàng vẫn còn sống.. Những ngư phủ đã cứu nàng khi thấy Tường Vi trôi vào bãi biển gần đó. Mãi đến một tuần sau Tường Vi mới khoẻ lại, nàng không dám kể chuyện gì đã xẩy ra vì dầu sao đi nữa ông Thanh cũng là cha ruột nàng. Tường Vi chỉ nói qua lua về con thuồng luồng. Nghe xong một bô lão lên tiếng:
- Mấy người dại quá. Con thuồng luồng vực nước xoáy không phải là chuyện hoang đường đâu. Ông bà tôi ngày xưa đã nghe nói về nó rồi. Còn nữa, có ai biết tại sao Vũng Trâu Nằm ở gần đó lại vắng tanh thế không? Hồi xưa nó được gọi là Vũng Trâu Nằm vì trâu rừng thường ra đó tắm và nghỉ mát. Nhưng sau đó từ khi có con thuồng luồng xuất hiện đàn trâu sợ hãi không dám ra đó nữa nên bây giờ ở đó chỉ còn cái tên mà thôi.
Tường Vi về tới nhà nàng, căn nhà to lớn bây giờ chỉ còn một mình nàng, trong lòng Tường Vi thấy cô đơn và chán nản. Ngồi một mình trong phòng, Tường Vi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, chỉ mới mấy ngày mà biết bao nhiêu chuyện xẩy ra chĩ vì lòng tham của cha nàng. Tường Vi nghe tiếng gõ cửa, ngẩn mặt nhìn lên nàng thấy người làm mang vào một lá thư. Nàng nhận ra nét chữ của Tùng.
"Tường Vi mến yêu,
Khi em đọc lá thư này thì có lẽ anh đã đi xa rồi. Lúc viết lên những giòng chữ, anh đã suy nghĩ thật nhiều. Không phải anh muốn giải thích với em chuyện gì, vì anh nhận thấy nếu nói ra cũng bằng thừa mà thôi. Anh muốn kể cho em nghe một chuyện mà trước đây nhiều lần anh muốn nói nhưng không thể nào mở miệng.
Anh sinh trưởng trong một gia đình trên đảo Phú Quốc. Cha anh vì buôn bán nên thường xa nhà luôn. Anh sống với tình thương của mẹ già và thiếu sự chăm sóc của cha. Năm anh lên bảy, một đêm trời mưa gió cha anh trở về nhà, mình mang đầy thương tích. Cha anh còn cố gắng về được chỉ vì ý chí mong muốn nhìn thấy mặt vợ hiền con thơ. Trước khi chết cha anh đã nói lên những điều bí mật mà từ lâu nay người cố tình dấu diếm. Cha anh thật sự là một tên cướp biển, người tung hoành ngang dọc trên vùng biển giáp giới Cam Bốt, Việt Nam. Lần này sau khi cướp bóc xong một chuyến hàng, người quyết định giải nghệ. Cha anh gom góp tất cả vàng bạc đã cướp được đem chia đôi, một cho người em kết nghĩa, một cho mình. Không may cho cha anh, người em kết nghĩa sinh lòng gian ác, tìm cách giết người để đoạt số vàng. Vì bất ngờ cha anh không kịp đề phòng nên bị thường nặng, người chỉ còn cách cố gắng đem số vàng lên chiếc ghe nhỏ chạy thoát thân. Khi chạy tới vực nước xoáy đầu đảo Phú Quốc, người không còn sức để điều khiển con thuyền. Mặt khác người em kết nghĩa đang rượt theo nên cha anh đành phải đánh đắm thuyền và bơi vào bờ. Vào tới bờ ch anh phải tìm cách chạy về nhà báo tin và dặn mẹ con anh phải đi trốn thật xa để tránh sự trả thù.
Sao bao năm tìm kiếm, anh biết được người giết cha anh lúc trước chính là cha ruột của em. Anh không ngờ định mệnh lại trớ trêu như vậy, người con gái anh yêu mến lại là con của kẻ thù. Anh không hề có ý định trả thù cho cha vì dầu sao đó cũng là quả báo mà người đã gặp, nhưng anh không thể nào quên được người đã giết cha anh. Phải, anh đã nhiều lần dò xét phòng của cha em chỉ để muốn biết rõ ông đã lấy được số châu báu từ dưới vực xoáy hay chưa, vì anh nghĩ rằng số châu báu ấy nếu không phải là của anh thì cũng không thế nào là của cha em được. Khi anh biết rõ cha em chưa lấy được số châu báu đó, anh muốn nhờ Sơn giúp anh một tay đi tìm kho tàng thì xảy ra vụ trộm ở nhà em. Anh muốn nói cho em và Sơn hiểu anh không hề nhúng tay vào vụ đó nhưng anh không có gì chứng minh được nên đành phải im lặng ra đi.
Những việc anh vừa kể trên là do tự đáy lòng anh nói ra, tin hay không tùy em. Phần anh, anh sẽ tới vực nước xoáy một mình. Nếu số mạng còn lớn, anh sẽ tìm lại được kho tàng, bằng không đó cũng là ý trời vậy.
Yêu em mãi mãi,
Sơn Tùng"
Tường Vi đọc xong lá thư, hai hàng nước mắt nàng chảy ra ướt đẫm. Nếu không vì nàng, Sơn và Tùng đâu đến nỗi chết oan. Tường Vi gục đầu vào hai tay, nàng cảm thấy lòng buồn thảm, chán chường. Tâm hồn nàng hình như đã chết theo hai người con trai. Bây giờ cuộc đời Tường Vi chỉ còn là một cây khô không sức sống.
Một thời gian sau đó ở vùng thung lũng trên triền núi, người ta thấy xuất hiện một cái am có tên Vô Ưu Am. Vị ni cô trụ trì còn trẻ và đẹp lắm, nhưng không hiểu sao, mặt ni cô lúc nào cũng có một vẻ buồn da diết, khác hẳn với cái tên "Vô Ưu". Còn nữa, từ ngày có tin thuồng luồng vẫn thường xuất hiện ở vực nước xoáy, dân chúng quanh đó ngày càng bỏ đi sinh sống ở xứ khác. Họ không còn hứng thú làm ăn chỗ nguy hiểm như vậy. Vùng đất đó ngày càng vắng vẻ......
Vị ni cô già ngưng lại hồi lâu mà bốn chúng tôi tưởng chừng như chưa hết. Mấy chén trà đã nguội từ lúc nào. Sương đêm xuống ướt đẫm vai làm mọi người thấy lành lạnh. Xa xa tiếng chim kêu sương nghe thật thê thảm, não nùng như khóc than cho những oan hồn đã khuất. Bất chợt sư bà đứng lên quay mình đi vào nhà. Dưới ánh trăng mờ nhạt, chúng tôi thấy hai gò má già nua lấp lánh, không hiểu đó là nước mắt hay giọt sương đêm.
Sáng hôm sau chúng tôi từ giã sư bà ra về. Trên đường đi ai nấy đều im lặng cất bước. Hình như trong lòng mọi người còn đang ám ảnh câu chuyện của vị ni cô già ở Vô Ưu Am.
Lãng Tử
Theo https://vietmessenger.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cái bóng – Chùm thơ Muồng Hoàng Yến 23 Tháng Bảy, 2023 Con bước lên đồi/ Bóng theo chẳng mỏi/ Mẹ ơi con hỏi/ Bóng là của ai? Cái b...