Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Cõi linh

Cõi linh

Ẩn dưới chân núi Liang, dãy núi chạy dài theo bờ biển đến đây thì ǎn ra tận ngoài khơi, chia thành nhiều đảo nhỏ. Làng Trẻn trông như một con hổ xám khổng lồ không hề khuất phục trước những cơn đổ lửa của mặt trời thiêu đốt hoặc những trận cuồng phong của bão biển. Về mùa hè dân làng Trẻn còn phải chịu những cơn gió tây nóng rát chỉ còn chui vào bụi rậm mà nằm thoi thóp.
Như vạn vật sinh ra trên đời, hắn có một cái tên: thằng Lù. Lù là lù mù, lờ mờ. Mẹ hắn bảo thế. Chẳng biết cha hắn vì bất đắc dĩ sinh ra hắn hay vì lẽ gì mà gọi hắn là Lù. Mọi đứa con sinh ra trên cõi trần đâu phải đều có chủ định. Lù luôn luôn tự hỏi mình là ai? Nguồn gốc của mình như thế nào. Tại sao cha mình không kể cho mình biết?
Bất chấp nắng gió. Lù lớn lên như một mãnh hổ. Da dần sùi như da trâu. Tóc quǎn tít. Trán đóng chữ thập mỗi khi nhướn mày lên. Môi cắt ra có thể làm được một bữa nhậu. Lưng hắn như tấm phản. Giọng nói ồm ồm như nước chảy vào thùng rỗng. Hắn đi đứng khệnh khạng. Mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống đất.
Âm điệu giọng nói của Lù cũng như âm điệu giọng nói của làng Trẻn chính là do ǎn mắm. Làng này có cái lạ, cá mú để ươn bao giờ cũng đắt hơn cá tươi. Những người dân chài đến bán cá thường ngạc nhiên về dân làng Trẻn chọn mua những con xể ruột. Làng Trẻn làm nước mắm hoàn toàn khác với dân vạn chài. Họ mua cá ươn, ướp muối rồi bỏ vào vại. Dùng một tấm đan tròn bằng nứa ép lên trên, dằn đá rồi phơi ra nắng. Họ đặt chính giữa một cái ống nứa gọi là "lù" để chắt nước mắm ra ǎn mỗi ngày. Nhà nào cũng có một vại mắm để trước sân. Những ngày đẹp trời vạn chài được cá thì làng Trẻn cũng sặc mùi nước mắm. Mùa đông hoặc những nǎm mất mùa cá, làng Trẻn còn muối cả chân trâu, lợn, gà làm mắm. Bây giờ vạn chài sản xuất đủ loại nước mắm kể cả mắm viên nhưng làng Trẻn chỉ thích ǎn thứ nước mắm do chính tay mình muối. Thứ  nước mắm mà Lù nhớ mãi, khi thả miếng thịt lợn luộc vào bát nước chấm mới chắt từ vại ra, lật qua lật lại cho mắm thấm đều vào mỗi thớ rồi thả tõm vào miệng nhai ngồm ngoàm đến đâu, chất béo trộn với vị đậm đà của mắm tan vào lưỡi ngất ngây đến đó.
Hết chiến tranh, ông Sáng, cha của Lù trở về cày ruộng nuôi con. Với ông cuộc sống đã an bài. Tương lai chỉ nhìn vào người con trai đã lớn. Nhưng thằng Lù con ông thật lạ lùng. Ba tuổi, nó đã cào em chảy máu. Nǎm tuổi, nó cắn bạn cùng lớp đứt thịt không gớm mồm. Mười tuổi thì bơi với con Xuân, một con bé "mò cua bắt ốc" nổi tiếng bơi giỏi của làng. Hắn không bơi mà lặn xuống đáy sông tụt quần con Xuân rồi lên bờ ngồi, làm con bé khóc sướt mướt về mách cha mẹ nó. Ông Sáng buộc phải đến trực tiếp gặp thầy Nho, chủ nhiệm lớp bốn, nhờ kèm cặp cho Lù. Được ba bữa, thầy Nho đến bảo: "Thằng Lù lười học lắm. Lúc nào cũng chực ngồi, chực đứng, chực đi. Bài vở chẳng chịu làm". Ông Sáng dùng roi mây quất nó và bảo:
- Muốn nên người thì phải học hành tử tế!
Thằng Lù vẫn không chịu học. Chữ như gà bới, viết trang sau, xé trang trước. Vở lúc nào cũng nhàu nát. Nghe thầy Nho bảo, mặt hắn vằn lên những đường gân trắng. Chữ thập ở trán sâu hoắm. Môi hắn trề ra quá cằm. Ông Sáng quát: "Mày muốn đi học hay đi cày?". Hắn bảo: "Đi cày!".
Ông Sáng bắt Lù mỗi ngày phải cày một thửa ruộng. Hắn hỏi một người làm thế nào để điều khiển được bò. Người ta bảo: "Phải hô "tắc, hò, rì". Hắn bảo: "Tắc, hò, rì là cái quái gì?" Xem người ta cày, hắn thấy "tắc, hò, rì" chẳng qua là bắt con bò rẽ phải, trái, và đi thẳng. Hắn bảo: "Gọi cha nó phải, trái, tiến cho xong". Hắn liền đập bò ra ruộng và cứ hô: "Phải, trái, tiến!". Con bò chẳng biết đi đường nào. Hắn liền dùng roi vọt quất vào mông con bò hằn lên những con chạch. Con bò đau quá bươn thẳng, kéo cả cày lẫn người ngã chổng khoèo. Cày thì gãy mà hắn thì bị sái chân. Hắn bò dậy nắm lấy dây thừng lần tới cái "trẹo" bằng ngọn hóp xuyên qua sóng mũi bò, giật mạnh làm con bò đứng ngắt.
- Tao phải sống mái với mày!
Hai tay hắn cầm lấy hai sừng con bò, chân cố gắng bám vào mặt đất. Lấy hết sức bình sinh, hắn vặn cổ con bò. Chú bò thuần mới đầu tưởng thằng bé giỡn chơi. Đến khi đau quá chú mới lật lại, húc vào thằng bé. Con bò và Lù đẩy tới đẩy lui. Biết mình không thắng nổi, hắn tháo lưỡi cày xỉa mạnh vào đầu con bò, bị trúng thóp bò quỵ xuống sùi bọt mép, đến đêm thì chết.
Trước khi xử tội Lù, ông Sáng hỏi hắn một câu:
- Mày không chịu học, cũng không biết cày ruộng, thì mày định làm gì?
- Đi sǎn!
Ông Sáng giật thót mình. Điều ông chôn chặt bấy lâu bỗng bùng dậy. Ông đã thường kể chuyện với con về sự trả thù của các loài thú. Ông đã nhắc đi nhắc lại với con trai hàng trǎm lần rằng: "Thú rừng cũng như người, chúng ham sống. Chúng cũng biết đau, biết giận và biết cǎm thù". Thế mà Lù không chịu nghe, bây giờ hắn lại hoác mồm ra bảo muốn đi sǎn...
Để trừng trị tội giết chết con bò mộng và đề phòng Lù bỏ trốn lên rừng, ông Sáng trói hắn vào cột nhà. Hàng ngày bảo mẹ hắn chỉ cho ǎn một bát cơm, một ngày thả ra vài phút cho đến lúc nào hắn chịu thề hai điều: Một là không gây tội ác đối với bất kỳ một con súc vật nào trong nhà. Hai là cấm không được đi sǎn. Đến ngày thứ mười hắn vẫn không chịu thề. Người hắn gầy rộc chỉ con da bọc xương nhưng mắt hắn vằn lên tức tối. Cuối cùng ông Sáng phải thả hắn ra mặc dù hắn câm miệng. Tuy vậy ông dọa hắn nếu mò vào rừng thì ông sẽ chém. Nhưng chẳng bao lâu Lù đã biến khỏi làng.
Ông Sáng bảo vợ chuẩn bị tay nải để ông lên đường đi tìm con trai. Ông biết chắc chắn thế nào thằng Lù cũng đi tìm hổ-loại thú dữ được mệnh danh là chúa rừng xanh để đối chọi. Ông Sáng mang một bao tượng gạo, một ống muối mè. Mè của ông làm rất công phu. Rang giòn tỏa ra mùi thơm phức, cho vào cối bằng gỗ ổi giã. Gỗ ổi cứng hạt vừng bị chà xát biến thành bột mịn thả vào lưỡi tan ngay. Muối ông cũng dùng loại muối kết tinh bằng hạt đậu sáng lấp lánh, rang khô nổ lép bép, giã nhỏ trộn với mè thật đều, mỗi ngày chỉ cần ǎn hai muỗng mè là đủ chất. Ông Sáng quyết định đi về phía rừng Liang.
Rừng Liang bây giờ cũng ít cây cối. Thú dữ vẫn còn nhưng ít hoạt động. Ông Sáng đi vào khu rừng mà cha ông chết ở đó. Ông lấy hương ra thắp. Bó hương bỗng cháy vụt lên thành một ngọn lửa. Trong ngọn lửa đó hiện lên mặt người đàn ông không có mắt. Bộ mặt bị cào cấu, vết máu đen lại khô cứng. Ông Sáng cố trấn tĩnh xem hình ảnh đó là thật hay mình tưởng tượng ra. Phải rất lâu bộ mặt đó mới biến mất.
Hồi ấy ông Sáng mười tuổi. Ngoài nghề trồng trọt, trai làng Trẻn còn nghề đi sǎn. Lão Mơ, cha đẻ của ông Sáng là một tay bắn cung thiện nghệ. Mỗi cuộc đi sǎn dù trai làng thất bại lão vẫn hạ được con nai, con đỏ, chưa bao giờ chịu về tay không. Mỗi mùa sǎn lão hạ được vài chục con thú.
Những con gấu chó khỏe như Min, lão chỉ cần bắn một phát tin tim. Thợ sǎn làng Trẻn hiếu thắng nhất vùng. Họ tôn vinh lão Mơ làm thủ lĩnh. Vũ khí bấy giờ chỉ là tên, nỏ. Lão Mơ có cây nỏ siêu hạng, cánh cung bằng giang già. Dây cung bằng da Min do ông nội Sáng làm khi ông sǎn được con Min lớn nhất rừng Liang. Những thợ sǎn khác khó lòng mà giương nổi cung của lão nhưng lão Mơ chỉ giương một cái là được ngay.
Để truyền nghề cho con trai, lão Mơ cho Sáng đi vào rừng mỗi chuyến sǎn. Khi đội sǎn đuổi theo những mãnh thú thì Sáng tìm những con nai tơ, đùa giỡn với chúng. Bỗng một con hổ vằn xám xuất hiện. Hai mắt nó mở to nhìn Sáng. Những chiếc rǎng nanh của nó như lưỡi cuốc chim. Sáng lạnh toát người chỉ biết đứng nhìn chằm chằm vào mắt hổ. Con hổ bỗng quay đầu bỏ đi. Sau này Sáng mới nghe dân làng kể, loài hổ rất sợ ánh mắt người nhìn vào mắt nó.
Mùa sǎn nǎm ấy lão Mơ quyết tâm hạ con hổ vằn xám chuyên đi mây về gió. Tiếng gầm của nó làm đám thợ sǎn hạ đẳng sợ vãi linh hồn. Những tay thợ sǎn nổi tiếng nơi khác đều không dám động đến nó. Họ bảo rằng nếu bắn con hổ xám vằn thì không những mạng phải đổi mạng mà con cháu sau này cũng phải gánh chịu hậu quả vì sức mạnh của "ông ba mươi".
- Tại sao phải giết nó hở cha? - Sáng hỏi.
- Vì nó là chúa tể của muôn loài, ta phải giết nó mới trở thành người hùng làng Trẻn.
Lão Mơ không sợ hổ, tuy vậy cũng không dám giáp mặt nó. Lão phải dùng mẹo. Sau một tháng dò dẫm đường đi lối về của hổ xám vằn, lão bắt đám thợ sǎn đào gấp gáp một cái hố sâu chừng thước, rộng vừa đủ để con hổ rơi gọn xuống hố. Lão cắm dày đặc chông tre, thứ tre già, vàng hươm, đặc ruột, lão vót nhọn, khắc ngạnh để khi đâm vào là không rũ ra được. Sau đó lão đậy  miệng hố bằng những cành khô, mục, dễ gãy, phủ lá rừng lên mặt không để lại dấu vết. Sáng nói:
- Con tưởng người hùng là tay không bắt hổ như Võ Tòng chứ cha?
- Thằng nhãi này, con người hơn con thú là biết dùng mẹo chứ! - Lão Mơ quát.
Con hổ vằn đi mây về gió gần nửa tháng thì trúng bẫy. Nghe tiếng gầm gào xé, đau đớn của con hổ, lão Mơ nhảy lên sung sướng. Lão dẫn Sáng tới xem. Con hổ sau khi vùng vẫy tìm cách thoát nạn đã bị chông tre đâm dày đặc lên mình. Nó kiệt sức đang nằm thoi thóp. Lão không manh động, mà trở về làng gọi đám thợ sǎn. Tất cả phải mang theo cung nỏ. Đến nơi, lão hết sức ngạc nhiên không hiểu con hổ bị trọng thương ấy làm cách nào mà thoát khỏi hố sâu, chỉ để lại một vệt máu dài trên đất.   Lão Mơ lần theo vết máu lùng tìm con hổ. Sáng níu lấy tay cha bảo: "Tha cho nó đi cha!". Lão Mơ trợn mắt: "Đồ nhãi biết gì. Xéo! Khỏi vướng chân!" Lão  Mơ xô Sáng ngã rồi lò dò quan sát xung quanh khi đã mất vết máu, chợt giật mình khi thấy trong đám lá của mấy cây rừng thấp lè tè, đôi mắt con hổ vằn xám đang mở trừng trừng nhìn lão. Lão ra hiệu cho đám thợ sǎn dàn hàng ngang, giương cung về phía con hổ.
- Nhằm vào nó, bắn!
Tiếng hô vừa dứt. Tên bay rào rào. Bỗng một luồng gió mạnh hơn bão táp ùa về phía lão Mơ, xô lão ngã xuống. Con hổ với sức bình sinh đã phóng ra chính xác đến kinh hãi, hai cặp móng trước móc vào đôi mắt lão Mơ. Cặp vuốt sau cặp vào xương chậu. Lão Mơ vật vã nhưng không thể thoát ra được. Con hổ đã chết khi vồ được lão Mơ vì ngấm thêm thuốc phát tên hiểm của lão. Đám thợ sǎn cố hết sức lôi xác hổ ra khỏi lão. Bộ vuốt trước đã móc sâu vào mắt lão vì vậy khi kéo ra hai tròng mắt lão cũng phọt theo. Bộ móng sau cào gãy bốn cái xương của lão. Sáng lao tới ôm lấy lão khóc: "Cha!"...
- Bảo đám thợ sǎn moi tim con hổ cho ta ǎn! - Lão Mơ thét lên. Đám thợ sǎn cố hết sức moi tim hổ nấu cao. Một tay thợ sǎn lấy bộ móng treo trong nhà để rǎn  đe con cháu bỏ nghề đi sǎn. Sáng vẫn trong trạng thái mộng mị. Cậu không ngờ rằng cha cậu lại chết đau đớn như vậy.
Hàng đêm sau đó, Sáng cứ nghe tiếng hổ gầm ngoài mộ cha. Con hổ cái đánh hơi về làng. Dân làng kinh hãi không ai dám ra khỏi nhà. Khi không nghe tiếng hổ nữa, mọi người ra thǎm thì mộ lão Mơ bị bới tung. Xương thịt tanh bành, vương vãi khắp mọi nơi. Con hổ cái đã trả thù lão đến tận cùng. Dân làng lượm lặt từng mẩu xương, cất cho lão ngôi mộ khác. Từ đấy làng Trẻn bỏ nghề đi sǎn...
Gần một tháng, hết lội rừng lại đến các bản làng ven sườn núi để hỏi tin tức về thằng Lù, ông Sáng vẫn chưa gặp được nó. Ông chỉ biết rằng con ông đang lao vào một cuộc mạo hiểm. Đến đâu cũng nghe dân làng kể về đội sǎn của thằng Lù giết quá nhiều thú rừng. Chúng nó bắn bất kỳ con thú nào chúng gặp, lột da, nhồi bông đưa về thành phố bán. Nhiều đứa đã làm giàu nhờ sǎn gấu, hươu, nai và khỉ. Có tên bắn chết cả con tê giác quý hiếm. Có người kể, thằng Lù giết thú không gớm tay, không phải vì lợi mà để thỏa mãn tính ngông cuồng, khát máu của hắn. Hắn còn bảo phải giết được chúa tể của rừng xanh bằng một phát súng trường. "Phải ngǎn chặn hắn". Ông Sáng lẩm bẩm.
ở một hẻm núi phía Tây rừng Liang nơi Lù cắm trại, Lù đang xách khẩu súng trường ra ngắm nghía. Già làng ở Krông-Knô kể, có con hổ xám thỉnh thoảng qua lại nơi đây, lúc ẩn, lúc hiện như một bóng ma. Lù không cho bất kỳ một tay thợ sǎn trong đội theo. Hắn muốn một mình sống mái với con hổ. Lù chuẩn bị súng ống thật cẩn thận. Loại súng trường hắn dùng là thứ vũ khí từ thời chống Pháp. Súng này chỉ bắn từng viên một. Bắn được rất xa và chính xác. Nhồi đạn vào súng, hắn đi ra khu rừng nơi già làng bảo con hổ thường đi qua. Hắn tìm một chỗ tương đối an toàn, thuận tiện, phục chờ.
Màn đêm bắt đầu buông xuống với núi rừng Liang. Từng lớp sương mờ ở đâu xuất hiện rất nhanh trong các bụi cây. Rừng ở đây khác hẳn rừng nơi khác mà Lù đã đến là quá nhiều vắt. Buổi chiều Lù đã chuẩn bị hai hộp dầu cù là. Loại dầu này bôi vào chân làm vắt sợ mùi không dám bám. Hễ hết mùi là vắt lại bám chặt rứt không ra. Đêm ở đây cũng dày đặc hơn. Mặc dù đã chuẩn bị đèn sǎn, loại đèn pin chóa to, xài đến sáu cục pin vị chi là chín vôn nhưng tầm soi vẫn quá ngắn. Nếu con thú xuất hiện ở xa thì cũng khó nhận ra.
Bỗng có tiếng gió ào ào rồi lá rừng xào xạc. Lù nghĩ chắc con hổ đang đến. Hắn không bật đèn vội mà cǎng tai ra nghe ngóng. Tuy trời tối nhưng mắt hắn cũng nhìn được trong phạm vi bán kính vài mét. Quả thực có tiếng quất vun vút trong gió. Đúng là hổ rồi. Lù để ý xem nó đi từ hướng nào. Cố gắng đoán định thật chính xác rồi bấm đèn pin. Bấy giờ khoảng cách chừng mười thước, một con hổ xám hiện lên. Nổi bật là đôi mắt đỏ, chói sáng của nó. Con hổ dài độ mét bảy, to lớn, dữ dằn. Vằn xám của nó chạy dài tới đuôi. Con hổ rất manh động vì vậy Lù phải nằm yên chờ cơ hội giương súng lên chĩa vào giữa hai đốm sáng màu đỏ. Loài thú này phải hết sức bình tĩnh, để nó thấy súng nó sẽ bỏ chạy và khó có thể gặp nó lần thứ hai. Cuối cùng thì Lù cũng đã nâng được súng lên.
- Đòm!
Phát đạn của Lù xé toạc không khí. Con hổ ngã xuống nhẹ tênh khiến Lù cũng ngờ vực. Chẳng lẽ mình bắn "tin" đến như vậy sao. Lù phải leo lên cây, bấm đèn pin xuống quan sát. Đúng là con hổ đã chết nằm bất động. Nhưng sao hình dạng của nó quái lạ thế kia. Lù nhảy xuống đất lò dò tới gần. "Ma quỷ gì thế này!". Hắn thấy lạnh cả gáy. "Người!" Ta đã bắn nhầm người. Hắn định tìm cách phi tang nhưng vừa chạm vào hắn đã bủn rủn cả chân tay. "Trời ám hại ta rồi. Cha ơi!...".
Ông Sáng bị bắn xuyên ngực trái, ra nhiều máu và kiệt sức, Lù dìu cha về trại. Sau khi cứu chữa cho cha, hắn đưa ông về làng. Lù bây giờ đã chịu cày ruộng. Làng Trẻn sản xuất nhiều gạo tám thơm. Họ lại mua cá ươn vạn chài làm nước mắm. Làng xóm thanh bình. Ông Sáng bây giờ đã già yếu. Chỉ có Lù là khỏe như vâm. Tấm lưng trần luôn bóng nhẫy. Cơm ǎn ba đọi, nước chè mọi uống ba vò. Hắn đang là trụ cột của cả nhà.
Lê Công
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...