Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Bỏ chốn mù sương

Bỏ chốn mù sương

Tôi hai mươi tuổi. Da tôi trắng ngần mượt mà mát dịu. Khí hậu miền núi tặng cho tôi đôi gò má hồng hào khỏe mạnh. Môi tôi như cánh hoa đào. Hai hàng răng trắng đứng xếp hàng thẳng tắp đều đặn. Nụ cười của tôi tươi trẻ thanh xuân rạng rỡ như ánh bình minh. Đó là nhận xét của chị Bích. Và chị cho nhan sắc tôi số điểm ngất ngưởng "mười phân vẹn mười".
Chị Bích ở chung phòng với tôi trong học xá. Gọi là phòng chứ thực ra đó chỉ là những khoang vuông được ngăn bằng ván và cửa ra vào chỉ là những tấm màn mỏng. Tôi mường tượng chúng như những chiếc hộp dế của mấy đứa em chơi ở nhà. Mỗi hộp có hai con dế mái. Buồn tênh. Chị Bích là con dế mái đã trên ba mươi tuổi. Chị chép miệng: “Đã toan về già”. Chị Bích đã có thời đi dạy văn chương nên chị xổ thơ ào ào. Chị hay đứng soi gương ngâm thợ Bài thơ ưng ý nhất của chị là một bài thơ chữ Hán:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diến bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Tôi là dân Khoa Học có hiểu mô tê gì thơ đâu. Nhất là những bài thơ chữ Hán bí hiểm như đơn thuốc của mấy ông thầy thuốc Bắc. Còn chị ngâm thơ xong cứ đứng tần ngần trước gương nhìn mặt mình như tiếc nuối. Nếu đôi mắt chị to hơn một chút, khuôn mặt tròn trịa hơn một chút. sống mũi cao hơn một chút, da mặt ít sần sùi hơn một chút thì chị có thể là một người đàn bà có khuôn mặt dễ nhìn. Ngắm dung nhan chị tôi nghĩ là chị có phần quá dễ dãi khi cho điểm nhan sắc tôi nên tôi đành bấm bụng hạ số điểm xuống ba bốn “phân” cho sát với thực tế.
Nhưng chị Bích không để cho tôi đứng yên trên mặt đất, chị nhấc bổng tôi lên tận chín tầng mây. Ngâm thơ đã rồi chị bảo tôi:
- Nhìn đôi má của em chị mới thấy thơ của Thôi Hộ tài tình thật. Chẳng biết những lúc mà em thơ thẩn dưới mấy cây đào ngoài sân học xá thì có chàng Thôi Hộ nào mê mẩn ngoài hàng rào nhìn vào không nhỉ? Và đã có chàng nào có diễm phúc lọt được vào cặp mắt... nâu của em tôi chưa chẳng biết?
Tôi ỡm ờ trả lời:
- Rồi chị ạ.
Chị Bích ngạc nhiên hỏi dồn:
- Chàng nào vậy?
- Chàng Cảnh Sát làm thẻ căn cước. Bữa đó chàng nhảy vào mắt em rồi chui ra ghi vào thẻ căn cước của em: “Mầu mắt: nâu”.
Chị Bích nhảy tới đấm thùm thụp vào lưng tôi rồi hai chị em cười bò lăn bò càng ra nhà. Tiếng cười tôi ròn rã cao vút. Tôi vốn có máu tếu trong người nên rất thành thạo trong việc cười đùa. Chuyện gì có thể tếu được là tôi ít khi bỏ quạ Lòng tôi chưa vướng bụi trần nên tâm hồn tôi trong veo thanh thản. Những tên trai trẻ học cùng lớp như những hạt bụi li ti bay vòng vòng quanh tôi rồi rớt xuống đất một cách tội nghiệp. Trán tôi cao nên đầu tôi dành một chỗ rộng rãi cho lý trí. Lý trí bảo tôi là trái tim tôi chật hẹp lắm chỉ vừa đủ một chỗ cho mối tình lớn độc nhất của đời tôi thôi. Chẳng còn khoảng trống nào cho những mối tình vụn vặt chen chân vào.
Cái thành phố miền núi thanh lịch này lại là nơi quần hùng tụ hội của nhiều môn phái lớn. Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Võ Bị Quốc Gia, Trường Chiến Tranh Chính Trị. Bên kia học xá lại nằm chình ình cái cư xá sĩ quan độc thân dạy trong trường Võ Bị. Chưa kể những chàng phi công từ Nha Trang thường xuyên vác những con chuồn chuồn tới hẹn hò bên hồ Xuân Hương. Ong bớm thì xôn xao quá đỗi mà hoa đào vẫn e ấp lặng thinh.
Tôi bình thản làm bạn với sách đèn bỏ ngoài tai những tiếng vo ve của bày ong kiếm mật. Nhưng ông anh họ tôi dạy trong trường Võ Bị Quốc Gia lại không có được cái bình thản quí báu đó. Mỗi cuối tuần ông kêu cô em tới nhà ăn cơm và không quên mời một ông bạn đồng nghiệp chưa lập gia đình tới ăn cho vui. Tỏi rất thích thú những bữa ăn này. Đó là những thay đổi rất dễ chịu sau một tuần nhai cơm học xá. Tôi tiếp chuyện những ông bạn đi gieo cầu của ông anh tôi với vẻ niềm nở vừa phải. Vài ông không đi xa hơn những bữa ăn đó. Vài ông được tôi dừng lại nói dăm ba câu chuyện khi tình cờ gặp nhau ở ngoài đường. Vài ông tới phòng khách học xá ngồi nói chuyện... thời tiết với tôi. Được cái là tất cả đều là giáo sư nên đủ thông mình để hiểu rằng chẳng nên mất thêm thời giờ đi sâu thêm vào một con ngõ cụt. Ông anh tôi thấy những bữa cơm ở nhà mình chẳng nên cơm cháo gì nên hỏi mát tôi:
- Hình như nhà máy điện Đa Nhim bị trục trặc gì nên không thấy điện xẹt trong nhà mình vậy hà?
Tôi trả lời lại cũng mát mẻ không kém:
- Không anh ạ, nhà máy đâu có sao đâu nhưng giây điện của Mỹ viện trợ tốt quá nên điện không xẹt bậy xẹt bạ được đấy chứ!
Bà chị tốt xen vào câu chuyện:
- Gớm, hai anh em nói chuyện như đánh morse vậy. Chị thấy cô Ánh cẩn thận như vậy là phải. Con gái đâu có thể bạ đâu xâu đấy được Cứ chọn lựa người cho đúng ý. Chẳng đi đâu mà vội ăn đời ở kiếp chứ có phải ngày một ngày hai đâu mà cẩu thả được.
Tôi cho câu nói của bà chị điểm mười mà không phải áy náy mình có quá rộng tay không. Trong học xá có mấy con nhỏ thuộc loại "bạ đâu xâu đấy" như bà chị tôi nói. Thay bồ như thay áo. Con nhỏ Thu ở kế bên phòng tôi có cái miệng móm xọm nói ra câu nào câu nấy chua như dấm thì nhất định bảo là tụi nó thay bồ như thay... quần lót. Kể ra nhỏ Thu nói cũng không xa sự thật là mấy. Như Thanh Thủy chẳng hạn. Người loắt choắt như một con chim sẻ còm cõi mà lại ưa giao du với các chàng sĩ quan đô con vạm vỡ của đủ loại binh chủng. Con nhỏ này có cái lối làm bộ nhõng nhẽo với bồ rất cải lương là nghênh mặt lên đội mũ bê-rê của bồ. Màu mũ trên đầu hắn thay đổi loạn xạ đến chóng mặt. Xanh, đỏ, nâu, lục,đen... tùm lum. Nhỏ Thu phán một câu chua lè: "Nó là Tổng Tư Lệnh Liên Quân đấy tụi bay ạ. Đủ các sắc lính trong tay chứ rỡn sao!"
Bố mẹ Thanh Thủy có một hãng nhập cảng xe gắn máy rất lớn ở Saigon. Tiền gửi lên cho hắn nờm nợp không kịp tiêu. Mà cả cái băng chịu chi trong học xá gồm toàn con nhà giàu cả thì phải. Không con thương gia cỡ lớn thì cũng con tướng tá hoặc công chức bự. Đồng tiền là cái thứ kỳ lạ lắm. Có nhiều trong túi là phải ưa cựa quậy. Chị Bích đi một đường ca dao tục ngữ:" No cơm ấm cật dậm dật khắp nơi". Ngày xưa người ta dậm dật ra sao tôi không được biết nhưng ngày nay mấy con nhỏ chịu chơi này dậm dật nhiều cỡ lắm. Cỡ nhẹ thì “bal” với “boum”. Không hiểu sao trong cái thành phố này lại nhiều “boum” đến thế. Cứ mỗi lần thấy mấy con nhỏ chịu chơi nhộn nhịp sửa soạn đi “boum” là nhỏ Thu lại uốn cái miệng móm lên giọng hò khoan điệu Huế: “Hết bal lại tới boum hết boum rồi lại tới bal”. Chữ “boum” được bỏ dấu nặng hát lên thì thánh cũng không thể nhịn cười được. Dậm dật cỡ nặng hơn thì khoan thai tới gặp các sơ trông coi học xá nhỏ nhẹ thưa rằng hôm nay có gia đình lên chơi nên xin sơ cho ngủ ở ngoài. Sơ thì hiền như... “ma soeur” đâu có biết những trò tinh ma quỉ quái ngoài đời nên dễ dãi gật đầu. Thế là có màn hát tuồng hoa lạc giữa rừng gươm. Tôi sợ mấy con nhỏ này luôn. Chuyện gì tụi nó cũng có thể làm được bất kể tới hậu quả. Tôi bỗng rùng mình ớn lạnh khắp châu thân. Tôi thấy đau nỗi đau của tờ giấy vặn mình quằn quại trên ngọn lửa hồng. Mỗi người có một cuộc sống. Tôi nhủ thầm: mi hãy sống cuộc sống của mi.
Tiếng Hoàng năn nỉ trong điện thoại: “Sao bà khó thế? Có ai đâu? Chỉ có mấy cô đàn em cũng dân Nha Trang mình vừa chân ớt chân ráo lên nhập Viện cần bà chỉ dẫn cho bước đầu. Có thêm vài ông bạn tôi ở Saigon lên chơi ngắm cảnh coi người xứ hoa anh đào cũng cần bà chỉ dẫn cho... đàn anh đang lạ nước lạ cái”.
Giọng Hoàng dẻo quẹo như mấy anh bán hàng ở chợ Tết Saigon làm tôi khó lòng từ chối. Hoàng tốt nghiệp Chính Trị Kinh Doanh năm ngoái rồi về Saigon làm báo. Nhờ cần cù, xốc vác và xông xáo anh đã sớm có chút tên tuổi trong làng báo Thủ Độ Tiền vắt tim vắt óc kiếm được anh dùng để nuôi hãng máy bay Air Vietnam. Hãng Air Vietnam được cái diễm phúc như vậy cũng là nhờ... Việt Cộng. Số là Hoàng ở Saigon nhưng lại có cô bồ đang học ở Viện Đại Học Đà Lạt. Cái thỏi nam châm khả ái này kéo anh xuôi ngược Saigon Đà Lạt như một con thoi hạnh phúc. Đang yêu đương nồng nàn như vậy mà lại bị mấy anh mã tấu chặn đường kéo vô rừng thì mất vui đi nên Hoàng cứ đều đều góp tiền cho Air Vietnam mua thêm máy bay phản lực.
Tôi phân vân đứng trước tủ áo. Tôi thường ăn mặc rất giản dị. Một chiếc quần đen và một cái áo dài màu thật nhã. Chỉ hơi điệu một chút nơi chiếc cổ áo rộng. Con nhỏ Thu hay chọc tôi là bà cố. Tôi đâu có bắt chước một cách mù quáng. Cổ tôi tròn, vai tôi đầy, tôi có quyền điệu nghệ một chút chứ. Trời chớm thu se se lạnh, tôi chọn chiếc áo dài màu lúa mới có những bông hoa nhạt nhòa mờ ảo. Khoác thêm chiếc áo len mỏng trắng, choàng thêm chiếc khăn tiệp màu với áo dài là xong. Tôi không trang điểm để môi má hồng hào tự nhiên. Hơn một chục người lố nhố chờ tôi trước cửa học xá. Chúng tôi thẳng đường ra nhà Thủy Tạ. Tôi khẽ bảo Hoàng: “Ông nói có ai đâu mà đi như một đám rước hội!”. Hoàng cười sảng khoái. Khi có bồ bịch bên cạnh người ta dễ có tiếng cười hơi quá mức một chút.
Chúng tôi chia nhau ngồi quanh một chiếc bàn lớn ngoài sàn nhà Thủy Tạ. Gió từ dưới hồ thổi lên gây gây lạnh. Hoàng gọi nước cho mọi người và cho biết còn một ông bạn nữa sẽ tới sau. Từng nhóm nhỏ ngồi cạnh nhau nói chuyện riêng rẽ. Cô bé ngồi cạnh tôi suýt soa bày tỏ nỗi nhớ nhà. Nha Trang Đà Lạt có bao xa mà làm muộn phiền quá đỗi người con gái lần đầu tiên xa nhà. Tôi nhớ tới đêm đầu tiên ở học xá hai năm trước đây tôi đã cố nén khắc khoải mà chiếc gối cũng đă đẫm đầy nước mắt. Nhưng rồi đời sống học xá với những bạn bè đồng trang lứa đã làm nguôi dần nỗi sầu muộn nhớ thương. Tôi lựa lời an ủi cô bé như người chị vỗ về đứa em bé bỏng cô đơn.
Tôi đang thả hồn nhìn theo những chiếc lá cây run rẩy trước gió trên ngọn đồi cỏ xanh rì phía bên kia hồ thì một giọng nói ấm áp vang lên:
- Qúi vị định làm anh hùng hay sao mà ngồi đây vậy? Nên rút lui vào bên trong cho ấm áp hơn chăng?
Hoàng chậm rãi trả lời:
- Có lẽ chúng ta nên nghe lời ông Trung đây. Lý do; ông ấy là anh hai chi địa hôm nay.
Mọi người xôn xao cười nói. Một cô nhỏ rụt rè nói nhỏ nhẹ:
- Anh Hoàng ép anh Trung quá. Anh ấy mới tới chưa uống gì mà đã bắt trả tiền thì uống sao cho ngon được.
Hoàng trả lời, vẫn với cái giọng chậm rãi cố hữu của anh:
- Cô Hà đừng lo cho anh Trung. Anh ấy vừa trúng số xong!
Chúng tôi lục tục kéo vào trong phòng. Trung bưng ly nước của tôi. Có sự tình cờ nào quẩn quanh nơi đây không, tôi thầm hỏi. Tôi đi theo cái dáng cao gầy gọn gàng trong bộ “complet” xám như một con mèo nhỏ e dè thăm hỏi phần số mình. Tôi có giác quan thứ sáu bén nhạy lạ lùng. Nhiều khi tôi có thể nhìn thấy trước những cảnh xẩy ra trong tương lai. Cảnh này tôi đã thấy ở đâu rồi. Trung đặt ly nước xuống bàn, kéo ghế cho tôi ngồi rồi qua phía bên kia ngồi đối diện với tôi.
Một người lên tiếng hỏi:
- Trung, “toi” đổi số xong xuôi rồi chứ?
Trung gật đầu. Anh trúng số thật sao? Tôi tưởng chuyện trúng số do Hoàng nói ra chỉ là chuyện rỡn cợt của mấy ông nhà báo lắm chuyện. Hoàng vừa cười vừa nói:
- Tôi cho ông biết đỏ bạc thì đen tình là cái chắc ạ.
- Đâu hẳn như vậy! Tôi chơi số chứ đâu có đánh bạc.
Hình như mắt Trung kín đáo tìm ánh mắt tôi. Tôi cúi mặt xuống tránh né. Vậy mà mắt tôi vẫn kịp đong đày cặp mắt to nhiều tròng đen của anh. Tôi khẽ rùng mình như vừa được ve vuốt
Cái cảm giác gây gây thích thú đó bám theo tôi về học xá. Tôi nhai cơm như trâu nhai cỏ khộ Cặp mắt có cái nhìn bao dung che chở đó có gửi gấm cho tôi điều gì không? Tâm trí tôi miên man trong cái ảo ảnh lạ lùng. Tôi vụng về lúng túng một cách tội nghiệp. Chị Bích vẫn yên lặng quẩn quanh trong công việc thường nhật. Hồi chiều tôi thấy chị ngồi bên cửa sổ nhìn ra cái đám đông ồn ào tới đón tôi đi chơi. Vậy mà chị chẳng hỏi tôi lấy một câu về cuộc đi chơi của tôi. Người đâu mà thiếu sự tò mò một cách đáng ghét như vậy! Tôi cần chị gợi chuyện để tôi có dịp nói bâng quơ về cuộc đi chơi. Như được sống lại những giờ phút đó mà vẫn giữ riêng cho mình được những xao xuyến nội tâm kín đáo. Tôi có nhu cầu nói ra nhưng lại có cái thích thú dấu kín. Tôi dỗ dành tôi: ngủ đi cái tôi tội nghiệp, đừng cất cánh khi chưa cân lượng được cái hỗn mang của đất trời.
Tôi trở dậy sau giấc ngủ chập chờn váng vất. Những tiếng động quen thuộc của bày con gái đi học sớm: mở tủ, rơi lược, khua dép, đóng cặp, cằn nhằn, cãi co... tiếng hát Khánh Ly từ một chiếc máy hát nào đó khe khẽ trót vào tai tôi: Tình yêu như trái phá. con tim mù lòa... Tôi thầm bảo con tim tôi: mi hãy mở to mắt như ngọn hải đăng ngoài biển khơi.
Bích Khê qua rủ tôi đi học. Hắn là bạn thân nhất của tôi trong học xá, cùng học Khoa Học với tôi, có giọng nói xứ Quảng dễ thương lại thêm cái tính khôi hài hóa mọi chuyện một cách rất duyên dáng. Hai đứa kéo nhau ra xe. Cứ vào giờ đi học buổi sáng là có một bác tài xe lam ba bánh chờ sẵn ngoài cổng học xá. Ngày nào đi trả tiền ngày ấy, đầy xe là chạy. Chẳng ai cam kết với ai. Tôi bước lên xe đầu tiên và thoáng thấy có người ngồi ngay cuối xe. Tôi nhìn lên bối rối chẳng biết phản ứng ra sao. Trung ngồi đó khẽ mỉm cười với tôi Tôi làm mặt lạ bước thẳng vào chỗ ngồi sau lưng bác tài. Chúa mẹ Ơi, sao có sự lạ như vậy! Từ hồi nào tới giờ chuyến xe này được coi như xe nhà của bọn chúng tôi, đâu có kẻ lạ mặt nào lọt vô đâu? Cả một bày con gái ngồi im thin thít kín đáo gửi cho nhau những ánh mắt dò hỏi. Chẳng bù cho mọi ngày nói nói cười cười rộn ràng từ đầu tới cuối xe. Trung ngồi tỉnh bơ ngó ra phía sau xe làm như không biết là anh đang vi phạm trầm trọng một điều luật bất thành văn. Suốt đoạn đường xe chạy bụng tôi như có trống ngũ liên đổ từng hồi rộn rã. Tình huống éo le và bất ngờ làm tôi rối bời khôn xiết. Bích Khê làm trò há hốc mồm nhìn vế phía Trung để chọc cười đám bạn. Hắn đâu có biết chính tôi là con chim hoàng tỏa hương cho con chim phượng lạc bước vào chốn cung cấm này.
Xe dừng trước cửa Viện Đại Học. Trung chậm rãi xuống xe theo sau tôi. Bích Khê khẽ bấm tay tôi nói nhỏ bên tai: “Chết mi rồi ánh ơi!”. Khi Trung tiến lên ngang với tôi thì hắn bỏ đi trước. Trung dịu dàng bảo tôi:
- Anh vô ngồi học với Ánh nghe.
Tôi hoảng hốt năn nỉ:
- Không được đâu anh. Dị chết!
Lớp học của tôi chỉ có hơn chục người. Mặt nào mặt nấy nhẵn thín tất cả. Trung vô ngồi là lộ ngay ra cái mặt... tán gái. Mắc cỡ chết!
Trung làm mặt lì:
- Dị chi mà dị! Anh cứ vô ngồi.
- Nếu anh vô ngồi thì Ánh đi về à.
Thấy bộ mặt tiu nghỉu của Trung tôi mủi lòng... ban ơn huệ:
- Chiều nay ba giờ Ánh về.
Tôi nặn ra một nụ cười hứa hẹn tươi tắn đính kèm với câu nói. Anh vui vẻ bằng lòng liền. Đàn ông cũng giống như con nít. Dễ bằng lòng với một cục kẹo.
Tôi vừa ngồi xuống thì Bích Khê ghé tai hỏi nhỏ:
- Mi lượm được anh chàng đó ở đâu mà trông cũng... tốt giống thế?
Tôi thúc cho hắn một cái cùi chỏ vào cạnh sườn. Hắn né người:
- Chưa gì mà đào đã bênh kép?
Tôi háy hắn bằng cái đuôi mắt dài dằng dặc. Chắc cũng dài bằng những giờ học ngày hôm đó. Chiếc đồng hồ trên tay tôi mắc chứng gì mà cà rịch cà tàng như muốn chạy không nổi. Những tiếng chuông báo giờ học cũng nhẩn nha một cách đáng ghét. Tôi hết nhìn mấy cây thông ngoài cửa sổ lại theo dõi mấy chú se sẻ đùa rỡn nhau trên mấy hàng dây điện. Ngồi giết mãi thời giờ thì thời giở cũng phải có lúc chết. Kẻ sát nhân là tôi phơi phới ra về. Những luống hoa đủ màu sắc trải thảm bên bước chân tôi đang như bay bổng trên con đường đá quanh co đổ dốc ra cổng Viện.
Tôi đảo mắt lòng vòng kiếm tìm bóng hình như đang trở thành thân quen. Mắt tôi cơ hồ đã mỏi mệt mà người vẫn bóng chim tăm cá. Tôi bước đi mà trong bụng như mọc lên trăm ngàn dấu hỏi. Nhỏ Bích Khê vẫn lầm lùi đi bên tôi chẳng nói năng gì. Linh tính của hắn làm việc cũng khá đến. Nhưng rồi chính hắn là người reo lên trước: “Ổng kìa?”. Và hắn rảo bước đi trước bỏ tôi lại một mình.
Trung từ một tiệm cà phê gần Chợ Nhỏ tươi cười ra đón tôi Bụng tôi đang khắc khoải không vui mà miệng tôi vẫn nở ra được nụ cười rộng rãi. Hình như Trung nắm được cái công tắc điện trong người tôi và chỉ bật một cái là tôi bỏ buồn lấy vui. Anh mời tôi đi ăn. Tôi lắc đầu. Anh năn nỉ. Đầu tôi vẫn lắc. Cái đầu tôi khi nó đã làm việc thì nó làm rất nghiêm chỉnh. Phải có một thời gian thử thách chứ dễ gì mà nhắm mắt theo mấy ông nhà báo Saigon này được.
Buổi tối Trung qua thăm tôi lúc học xá đã gần đóng cửa. Khi được báo có khách tôi đã đoán ra ngay là ai nhưng Bích Khê vẫn chạy vào phòng tròn xoe mắt thông báo: “Ổng nữa!”. Nhỏ Thu đang nói chuyện với chị Bích vội chạy ra nhìn lén rồi quay vào lên giọng: “Mèng đéc ơi! Cái ông ngồi xe lam hồi sáng!”. Tôi chải sơ mái tóc, giữ nguyên bộ đồ mặc nhà ra tiếp Trung. Cho có vẻ thân mật một chút. tôi thầm nghĩ. Trung đón tôi bằng nụ cười ấm áp và ánh mắt sững sờ:
- Trông Ánh lạ quá!
- Xấu lắm phải không?
- Xấu sao được! Trông có vẻ... tề gia nội trợ.
Tôi cười thích thú, trong bụng thầm nghĩ: nhận xét đúng ý “đạo diễn” quá. Trung ngập ngừng nói:
- Mai anh về.
- Sao hồi chiều không thấy anh nói
- Đói quá nói không được.
Tôi cười tinh quái châm chọc:
- Nếu anh nói chắc Ánh đi ăn với anh rồi.
Nói xong tôi mới thấy rõ lòng mình. Ngoài mặt có vẻ như đùa cợt nhưng bên trong đã ngấm ngầm xót xạ Rất nhiều thực tình nằm trong câu nói có vẻ bỡn cợt bâng quợ Trung rỡn lại bằng giọng nói có vẻ ít vui:
- No cũng không nói. Nói ra thì còn lý do gì mà tới ngồi đây đêm nay.
Tôi nhìn sâu vào mắt Trung. Sách tướng bảo đây là loại mắt trung thực. Sống mũi anh cao và thẳng. Loại sống mũi tôi rất thích. Duyên nợ của tôi đây chăng? Tôi muốn cúi đầu nhận lãnh phần số mình.
Chiếc đồng hồ cổ trên tường chậm rãi buông chín tiếng. Tôi nhắc Trung tới giờ học xá đóng cửa. Anh đưa cuốn sổ và cây viết xin địa chỉ của tôi. Anh đứng dậy ra về. Tôi tiễn anh ra cửa phòng khách. Tay anh lần tìn tay tôi. Bàn tay tôi mềm nhũn trong cái xiết tay thân thiết. Luồng run rẩy làm tê xương sống tôi. Thoảng bên tai tôi tiếng anh nồng ấm: “Anh về!”. Tôi ngơ ngẩn, miệng tôi như cái máy biết nói: “Vâng, anh về”.
Tôi chưa về tới phòng đã nghe nhỏ Thu bắt chước giọng Chế Linh rên lên ông ổng: Đường vào tinh yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn... Tôi vừa tức cười vừa bực bội nói vọng qua vách:
- Thu ơi, mi làm ơn đóng bớt cái miệng mi lại cho hàng xóm yên lặng nghỉ ngơi chứ.
Hắn lên giọng chanh chua đối đáp:
- Ánh ơi, mi lo sợ chi rứa! Cái dáng đi của mi nhẩn nha như mấy mệ trong cung thì mi đi hết một trăm lần vui là đã đầu bạc răng long còn đâu thời giờ mà đi tiếp nữa. Mệ lo chi
rứa mệ Ơi!
Xí cái con nhỏ vô duyên. Tôi kệ hắn muốn nói gì thì nói. Chị Bích chỉ khẽ mỉm cười. Mãi tới khuya khi tôi đang cố dỗ giấc ngủ khó khăn thì chị mới nói vọng qua giường tôi:
- Chị thấy anh đó có vẻ đàng hoàng đấy chứ.
- Em cũng cảm thấy như vậy.
Câu nói của chị Bích đưa tôi quẩn quanh trong ý nghĩ về Trung. Tôi lâng lâng trong niềm khoái cảm nhẹ nhàng thích thú Tôi thiếp đi như lạc bước vào một miền thanh bình êm ả lạ lùng.
Tôi ngồi trong cửa sổ nhìn ra sân học xá. Mấy bà hàng chè cháo đã có mặt kéo theo một bày con gái vây quanh. Những ngày đầu tháng bao giờ cũng nhộn nhịp lao xao. Những tấm chi phiếu tới tấp từ muôn phương tám hướng bay vào thùng thơ học xá ngày hôm trước đã được đổi thành những chén chè nóng hổi ngày hôm sau. Đôi tay của mấy bà bán hàng như mọc cánh bay lượn dọc ngang tất tưởi cho kịp những cái miệng sốt ruột chờ đón. Nhỏ Thu cái miệng bóng lưỡng vẫy tôi ra sân. Tôi lắc đầu. Hắn tiếp tục xoay qua nhích lại từ hàng này qua hàng khác như một ngôi sao xẹt. Bác cai vừa chăm nom mấy luống hoa vừa nhìn bày con gái ham ăn. Bác là người đàn ông duy nhất trong học xá, một con gà trống khập khiễng không được bày gà mái tôn trọng. Bác gắt gỏng với chúng tôi từ ngoài vườn vào trong phòng bếp, phòng tắm. Vậy mà bác vẫn còn đủ sức la mắng bày con năm đứa và bà vợ lúc nào cũng lạch bạch với cái bụng bầu. Bác trồng hoa ở ngoài vườn thì có mùa hoa nở hoa tàn nhưng bác trồng bầu thì mùa nào cũng là mùa đơm hoa kết trái. Sơ coi dãy nhà của tôi có lần đã giải thích hiện tượng màu mỡ này với chúng tôi: “Các chị phải hiểu cho là bác ấy nghèo ít dịp giải trí nên đông con là phải”. Mấy con nhỏ cắc cớ làm bộ ngây thơ hỏi sơ sao lại có sự liên hệ giữa ít giải trí và đông con làm sơ tất tả bỏ đi một nước.
Tôi miên man nghĩ đến một mái gia đình của riêng tôi mai sau. Bốn đứa con là con số tôi thích. tôi mường tượng ra những đứa con hồng hào bụ bẫm xinh xắn, những đứa trẻ mà tôi đã thấy trên những cuốn lịch treo tường. Trông chỉ muốn cắn cho đã thương. Má tôi lâm râm như bị châm chích khi tôi nghĩ đến lúc mang bầu. Tôi nhìn quanh xem có ai đọc được tâm tư tôi không. Tôi nghĩ đến Trung và cảm thấy xốn xang thương nhớ. Sao những cánh thư mong chờ vẫn biệt vô âm tín? Hay là cái miền đất đô hội đã che tầm mắt anh hướng về nơi thành phố cao buồn thảm này. Tôi thấy nồng cay trong mắt, xót xa trong bụng, đắng nghét trong hồn.
Rồi lá thơ chờ đợi cuối cùng đã tới. Buổi chiều đi học về, Bích Khê vội vàng liếc mắt bảo tôi: “Mi có một lá thư lạ”. Tim tôi quay cuồng nhịp ba rộn ràng. Tôi mở thư như mở lòng tôi đón nhận hoan lạc. Từng trang giấy kể lể nỗi nhớ thương quay quắt, ôn lại những giây phút gặp gỡ đã trở thành kỷ niệm trìu mến, ôm ấp những hứa hẹn bên nhau. Tôi như ngộp thở trong hạnh phúc đang bão táp trào tời. Những hàng chữ cơ hồ đã mòn đi dưới ánh mắt tham lam đọc lui đọc tới của tôi.
Tôi muốn được yên lặng vỗ về những chuyển biến trong lòng nhưng tiếng động ngoài phòng khách vọng vào mỗi lúc mỗi ồn ào hơn. Cả ba sơ trông coi học xá đều đã đi cấm phòng để lại một bầy con gái hoang nghịch đang tác yêu tác quái trong học xá. Nhạc dập dìu làm nhịp cho những bước chân đang dạy nhau nhảy nhót. Tôi bỏ ra ngoài hàng lang ngồi phơi nỗi rạt rào với vạn vật mù sương. Tiếng thình thịch như tiếng chân nhảy vang lên đâu đây. Tôi chong mắt nhìn ra ngoài vườn. Tối đen như mực. Những hàng cây nghiêng ngã dật dờ. Nỗi sợ hãi làm đôi chân tôi cuống quít chạy về phòng nhỏ Thụ Không thấy hắn tôi ra phòng khách. Hắn đang sàng sê trông tức cười. Tôi vẫy hắn vào kể cho hắn nghe chuyện xẩy ra. Hắn tròn mắt nói: “Ma rồi mi ơi! Làm sao bây giờ?”. Liếc trên giây phơi thấy cái áo dòng đen của sơ hắn nghĩ ra được diệu kế: "Tao phải mặc áo dòng ra dọa thì ma nó mới sợ”. Nó choàng chiếc áo đi ra vườn tay làm dấu thánh giá lia lịa như bắt quyết. Tôi đi theo sau bụng thì sợ mà vẫn không nín cười được với con nhỏ này. Tiếng thình thịch mỗi lúc mỗi gần hơn. Tôi nghe thấy tiếng nhỏ Thu hét lên. Tiếng động im hẳn. Tôi tiến lên thấy nhỏ Vân đang lắp bắp: “Thưa sơ em luyện võ!”. Tôi phá ra cười như nắc nẻ. Nhỏ Vân ngơ ngác rồi đấm nhẹ vào lưng “sơ” hỏi: “Tụi mi làm chi vậy?”. Kể cũng may cho nhỏ Thu chứ con nhà võ mà mạnh tay chút xíu thì sơ giả có nhiều hy vọng được về chầu Chúa ngay tức khắc.
Cái đầu của nhỏ Vân xoay trở lanh lẹ không kém chân taỵ Nó đi một đường phản công khá thú vị: “Mi đưa cho tao chiếc áo tao vào hù tụi nó”. Nó mặc áo dòng đi thẳng vào phòng khách. Một bày con gái đang vui chơi thoải mái thoáng thấy bóng chiếc áo đen ùa chạy tan tác như ma đuổi. Nhỏ Vân chọn một con nhỏ hoang đàng nhất rượt gắt theo. Con nhỏ chạy có cờ nhưng cũng kịp suy nghĩ là chẳng có sơ nào vừa tư thù cá nhân vừa dẻo dai như vậy nên nó ngưng chạy quay phắt lại vửa lúc nhỏ Vân nhào tới. Nó nhìn rõ mặt nhỏ Vân bèn vừa đấm đá vừa luôn miệng mắng mỏ: “Đồ quỉ? Đồ quỉ!”. Khi sơ đã biến thành quỉ thì màn kịch cũng chấm dứt trong tiểng cười sảng khoái của bày con gái. Tôi cười nghiêng ngả như muốn tung hê niềm vui ra tứ phía. Chỉ khi cười xong tôi mới nhận thấy mình có tiếng cười hơi quá đáng. Tôi chặc lưỡi: khi người ta cảm thấy hạnh phúc.
Tôi nằm ôm chiếc máy thu thanh trên giường. Tôi quá ưa những câu văn hoa bóng bẩy và cái giọng ấm áp vuốt ve của Nguyễn đình Toàn trong chương trình nhạc khuya khoắt nầy. Trung cũng có cái giọng ấm áp như vậy. Tiếng hát Thanh Lan đang rót vào tai tôi: Rồi cánh thiên đường đã rộng mở, tình yêu là trái táo thơm. Tôi ghé răng cắn vào, miệng môi ngọt đắng... Tôi đã cắn vào trái táo cấm của đời tôi. Vị nào sẽ nằm lại trên đầu lưỡi? Tôi thử nếm lưỡi tôi. Chỉ thấy lịm ngọt dịu dàng.
Những cánh thư chĩu nặng nhớ thương đan nhau trên đường Saigon Đà Lạt. Tôi viết mỗi khi nhớ Trung mà nỗi nhớ có lúc nào rời bỏ tôi đâu. Còn thư Trung thì cứ tíu tít rơi vào tay tôi. Con nhỏ Bích Khê tiếc rẻ: “Phải chi mấy ông bà già tụi mình cũng chuyên cần gửi chi phiếu như vậy thì mình khá mấy hồi hé?”. Con nhỏ này nhlều khi diễu lãng xẹt. Hãy để tao mê mải với hạnh phúc của tao, nhỏ ơi! Những cánh thư chạy tới chạy lui hỏi han nhau, vỗ về nhau, kể lể niềm riêng tư của nhau đã làm hai đứa tôi ngày càng thấy rõ nhau hơn.Trung cũng như tôi, chúng tôi đã bắt lại được cái nửa lưu lạc của mình và tựa hồ như chẳng có gì có thể làm chúng buông nhau ra được nữa. Sinh nhật của tôi Trung gửi lên một chai nước hoa Chanel số 5. Đúng loại nước hoa tôi thường dùng. Chỉ có mấy lần gặp gỡ mà anh đã bắt được mùi của tôi thần kỳ như những sinh vật tỏa hương tìm nhau.
Một lá thư báo cho tôi biết là Trung sửa soạn lên đường vào quân trường. Anh là chuyên viên cho một cơ quan chính phủ nên chỉ nhập ngũ chín tuần rồi trở về làm việc lại. Báo chí chỉ là nghề tay trái nhưng lại là cái thú đam mê của anh. Anh hứa hẹn khi rời quân trường sẽ lấy phép lên thăm tôi.. Tôi bật đèn sáng choang trong lòng và hồi hộp đếm ngày chờ mong. Bao nhiêu giờ cho đủ một ngày, bao nhiêu ngày cho đủ một tuần và bao nhiêu tuần chồng chất mới kín đầy con chín cao số.
Đời lính, dù chỉ là lính quân trường, hình như bao giờ cũng làm đậm đặc thêm nỗi nhớ nhung. Những lá thư mang dấu quân bưu xếp hàng tiến tới có vẻ mạnh bạo dồn dập hơn những lá thư trước kia của Trung. Anh kể cho tôi những thứ lạ hoắc như bò hỏa lực, đoạn đường chiến binh, di hành, tác xạ. Những thứ tưởng chẳng có gì liên quan đến tôi nhưng anh bảo những thử thách mà anh cố gắng vượt qua bao giờ cũng có hình bóng những nụ cười của tôi. Tôi đứng cười một mình trước gương và muốn gửi nụ cười trong gió vu vơ để nó tự tìm đến cái địa chỉ thân thương của tôi. Tôi cần một chút nhạc dắt dìu tôi vào chốn mộng mợ Tôi chọn cuốn băng nhạc nhẹ. To think that only a moment ago we are no more than strangers. And now my heart tells me that you are stranger no morẹ Khi không một người lạ hoắc lại để mình mê mải nhớ thương không dứt. Phút trước là xa lạ, giây sau đã trở thành thịt xương. Cái nhiệm màu khả ái nào đã dắt dìu tôi vào bến mê êm đềm đầm ấm.
Và sự nhiệm màu nào đã đưa Trung tới phòng khách học xá vào một buổi sáng thứ hai của một tuần không có giờ cours. Mấy ông giáo sư ở Saigon nhiều khi cũng biết vắng mặt không lên dạy đúng lúc. Tồi có nguyên một tuần lễ rong chơi với... người khách lạ. Mái tóc cắt ngắn, nước da đen bóng và khuôn mặt hơi tròn hơn làm Trung thật sự lạ hoắc trước mắt tôi. Anh tinh nghịch hỏi:
- Trông anh có lạ không?
Tôi bắt được cái giọng bỡn cợt của anh nên đùa rỡn nương theo:
- Lạ và xí nữa!
Anh cười rỡn tiếp:
- Thế có chịu đi chơi với người lạ và xí không?
Tôi đối đáp:
- Đi cho bớt lạ chứ! Hết lạ may ra mới bớt xí.
Anh không vừa:
- Thế thì vô thay áo đi. Nhớ mặc xí xí một chút cho... xứng đồi!
Tôi háy Trung rồi vào thay áo. Tôi lựa chiếc áo lục xậm màu cho nổi nước da trắng của tôi. Tôi ướm thử vào người. Đẹp nhưng không được. Màu lục sẽ làm chết nước da đen xậm của Trung. Tôi cũng phải “nâng niu” cái anh chàng dễ thương đang ngồi ngoài phòng khách kia chứ! Tồi lấy chiếc áo vàng nhạt và đeo thêm sợi dây chuyền vàng có đồng điếu ngọc cho vừa đủ thích hợp với cuộc đi chơi đầu tiên.
Chúng tôi thả bộ xuống thác Cam Lỵ Chân tôi như có gió nhấc lên nghiêng ngả. Người tôi cơ hồ như muốn đổ về phía Trung. Những thảm hoa dại hai bên đường như rực rỡ hơn, những hàng thông như xanh tươi hơn và bầu trời như thấp hơn. Nếu anh nhấc bổng tôi lên chắc tay tôi sẽ vọc được khung trời xanh mát. Tiếng nước chảy róc rách êm ả đón chào bước chân tôi. Thác vắng người vào một buổi sáng đầu tuần như sáng naỵ Tôi nghịch ngợm với những dải nước đang nhảy tung tăng trên những viên đá nhẵn thín. Ánh nắng ban mai lẩn lút qua những kẽ lá in bóng tôi lên mặt nước. Tôi thấy bóng Trung lồng trên bóng tôi và anh kéo tôi lên cbiếc cầu gỗ nhỏ nằm vẳt ngang dòng suối. Chúng tôi ngồi bên nhau trên thành cầu. Giọng anh nồng nàn bên tai tôi:
- Trong những giờ rảnh rỗi ở quân trường anh nhớ tới em nhiều và đã tự tay làm một món quà nhỏ cho em.
Anh trao cho tôi một trái bã đậu được chùi bóng loáng nối với những viên đạn đồng đỏ au bằng những móc sắt của trái lựu đạn Vài sợi dây dù nhiều màu làm cho món quà lính bớt cằn cỗi khô khan. Thấy tôi e dè nhìn mấy viên đạn, anh cười bảo tôi:
- Đừng sợ, cô bé! Anh đã lấy hết thuốc nổ ra rồi. Và anh muốn em giữ dùm anh vật kỷ niệm này nữa.
Trung đưa cho tôi một huy hiệu bằng nỉ màu xanh lục trên có gắn một cây súng và hai nhành lá mạ bạc. Tôi hỏi anh:
- Huy hiệu gì vậy anh?
- Thiện xạ súng M16!
Tôi hỏi rỡn:
- Thế nhà thiện xạ đã săn được con mồi nào chưa?
- Có săn được một con nai bé bỏng nhưng không phải bằng súng mà bằng cách uống ánh mắt nai.
Anh nhìn sâu vào mắt tôi. Tôi thấy một vạt nắng thắp sáng đôi mắt anh. Khuôn mặt Trung nhạt nhòa úp trên khuôn mặt tôi. Môi anh hối hả tìm môi tôi. Người tôi trải rộng đón nụ hôn đầu đời. Dấu ấn này đã cuồng nhiệt dẫn dắt tôi vào ngã rẽ đời tôi. Tôi ngộp thở đẩy nhẹ Trung ra và nhìn anh với đôi mắt bối rối. Anh ôm vai tôi vỗ về. Tôi cảm thấy được che chở vững chắc nhưng mi mắt tôi nằng nặng muốn khóc. Tôi đau nỗì đau của con sâu hóa bướm.
Nbững ngày sau con bướm mới được tình yêu thổi khô đôi cánh là tôi đã mải mê bay lượn với con bướm đực rực rỡ. Cái thành phố mộng mơ quyến rũ này đã vội vàng ghi dấu một cuộc tình mới. Tôi ôm sát Trung trên chiếc honda rong ruổi khắp thành phố như một đôi chim hạnh phúc. Hồ Than Thở, rừng Ái Ân, thung lũng Tình Yêu đã rộng mở cánh tay bao dung cho chúng tôi ôm ấp nhau. Những rừng thông đã rì rào to nhỏ mách bảo nhau cuộc tình tự. Đỉnh thác Prenn, chân thác Gougah đã mở lượng hải hà cho chúng tôi kề vai tựa má. Những nhà hàng Shangai, Mekong, Bắc Hương, Nam Sơn, Kim Linh, Thiên Nga thay nhau đón tiếp chúng tôi vỗ về nhau ăn uống. Và nhữg đêm se lạnh ôm vai nhau chung một chìếc áo ấm, cắn chung một ổ bánh mì Vĩnh Chấn ròn tan thơm phức dắt dìu nhau về học xá, chia xẻ nhau nụ hôn vội vàng đắm đuối trước giờ bác cai đóng cửa.
Một luần lễ mặn nồng như một chớp mắt ngắn ngủi. Tôi đưa Trung ra sân bay Lìên Khương trong ngơ ngẩn héo uá.
Cánh chim sắt bay đi xô tôi vào niềm hụt hẫng hoang lạnh. Hồn tôi trống trải như một bãi sa mạc sầu tủi. Tôi ru tôi trong nỗi cô đơn nặng nề da diết.
Những ngày trống vắng sau đó đã đưa tôi tới một quyết định: tôi phải về nơi đáng lẽ tôi phải có mặt. Còn một năm chót tôi sẽ về học ở Saigon. Tôi viết thư cho bà chị ngỏ ý muốn về trọ học. Tôi âm thầm tiến hành thủ tục ghi danh. Tôi báo tin cho Trung. Tôi thu xếp mọi việc một cách gọn gàng thuần thục như được soi sáng bằng một mặc khải nào đó. Hình như vạt nắng thắp sáng trên mắt Trung ngày nào trên thác Cam Ly cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi. Và tôi thấy dâng lên trong tôi một niềm tin mãnh liệt.
Chị Bích là người được tôi thông báo tin về Saigon đầu tiên. Đêm đó khi hai chị em đã lên giường ngủ tôi nói với chị như một con chiên thú tội trong bóng tối. Chị nghe xong im lặng một lúc lâu mới nói: “Em quyết định như vậy là phải. Nếu ở địa vị em, chị cũng làm như vậy”.
Nhỏ Bích Khê được tôi đãi đằng chè cháo cẩn thận rồi mới báo tin. Thế mà hắn cũng nửa đùa nửa thực lên giọng trách: “Cái con nhỏ này hư quá! Sao mi nỡ bỏ tau cô đơn trên đường tới trường hả mỉ”.
Nhỏ Thu được Bích Khê rỉ tai hồi nào không biết nhưng nó chờ tới đêm khuya thanh vắng khi tôi đã lên giường đi ngủ mới cất giọng châm chọc bằng một câu Lý Ngựa ô... cải tiến: “Rằng a ới a em theo chàng, em theo chàng, em theo chàng... dzìa Nam”. Rồì nó cười hăng hắc dọa sẽ hát mỗi đêm cho tới khi nào tôi biết điều chè cháo đàng hoàng mới thôi. Ngày hôm sau tôi phải vội vàng... cúng cô hồn các đẳng cho yên cửa yên nhà!
Ngày rời học xá chân tôi nặng nề đổ xuống con đường dốc. Chiếc va ly trên tay hay nỗi lòng tôi ngổn ngang trăm mối đã làm trì trệ đôi chân tội nghiệp. Xuống hết con dốc tôi đặt va ly xuống đất quay người nhìn lại. Những khóm hoa muôn màu ngoài sân, ngôi nhà thân thương im lìm dưới nắng chiều và chiếc cửa sổ phòng tôi, tất cả như quá vô tình với tôi. Tôi chẳng biết mình vui hay buồn. Tôi quay lưng bước đi để lại học xá ở phía sau.
Song Thao
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...