Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

 

Về miền Chơ Rao

Đỗ Văn Minh là cây bút trẻ, sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên Huế, hiện đang sống và làm việc tại Gia Lai. Anh đã từng theo học ngành Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học Huế. Sớm bén duyên với văn chương từ nhỏ, anh thử nghiệm ở mảnh đất màu mỡ thi ca và có một số tác phẩm để lại ấn tượng.

Trong những năm trở lại đây, ngoài thể loại thơ, anh còn dấn thân vào mảng truyện ngắn. Truyện của cây bút  trẻ này mang hơi thở của con người, văn hoá Tây Nguyên. Truyện thường được kết cấu khá thú vị, các hình tượng được đan cài, lồng ghép vào nhau để làm nổi rõ những giá trị tư tưởng nhân văn, triết luận sâu sắc về nhân sinh, vũ trụ. Với ngôn từ tinh tế, phong phú và đậm chất của vùng đất đỏ bazan qua tên người, tên các địa danh gắn liền với những khắc khoải về số phận, tương lai, hạnh phúc và cả niềm đau đáu khôn nguôi về cuộc sống. Hiện tại, cây bút trẻ Đỗ Văn Minh vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi và cố gắng từng ngày để đem đến cho độc giả những tác phẩm mới, có giá trị nhất định trong dòng chảy không ngừng của văn chương. Nhắc đến anh, chúng ta có thể kể đến một vài truyện ngắn mang dấu ấn đặc trưng cho ngôn ngữ, giọng điệu, đề tài trong trang văn ấy như: Phố Hàng Bè, Tiếng đàn trên đỉnh non thiêng, Hơ Reng trở về…

Xin giới thiệu truyện ngắn mới Về miền Chơ Rao của Đõ Văn Minh.

HOÀNG THANH HƯƠNG giới thiệu

Tôi từng gặp Chơ Rao dưới cánh đồng lúa trũng vùng Phú Thiện. Bạn của tôi cũng thấy cô thoăn thoắt trên nhánh cà mùa trẩy hạt ở Chư Prông. Chơ Rao cũng kể lại mình từng trong cánh rừng bạt ngàn loài đặc dụng ở Kon Ka Kinh. Cô như bao chàng trai, cô gái thường mơ về ngôi nhà sàn lúc đương tuổi mười lăm, mười sáu. Ước vọng. Đam mê. Tự do. Mẹ đặt tên cho cô, tên một loài chim gắn liền với tuổi thơ, bay nhẹ vào giấc mộng mị, ngự trị trong vùng tiềm thức.

Chơ Rao… Chơ Rao… Cô vùng dậy trong đêm, chạy theo cùng tiếng vang vọng đâu đây, nghe thật gần, và mãnh liệt. Cả nhà rượt theo cô trong đêm. Cả buôn cũng đuổi tìm cô trong đêm. Cô bé gạt qua biết bao lùm cây đầy ánh trăng nằm trên nhành lá, lội qua bao con suối thắp nến lung linh bởi ánh đèn trời. Chơ Rao bỗng dừng lại. Nơi cô đã hò hẹn loài chim này trong kí ức. Chỗ cô bắt gặp cánh chim trên ngọn gỗ dầu trong đồng vọng. Đứng cạnh cô lúc này là già làng Paly, đôi mắt người vẫn nhìn chằm chằm con chim chới với hỏi:

– Con quờ quạng gì trong thảm rừng xanh?

Đám dân trong buôn cũng ngơ ngác. Họ không muốn đem những nghi hoặc về ngôi nhà sàn, liền nối lời của già làng:

– Con mò mẫm gì giữa miền nhung nhớ? Chẳng phải đây là cánh rừng ôm ấp con bấy lâu nay?

– Con đi tìm chính con trong hình hài của giống chim nhỏ thó, bộ áo đen huyền, gan lì và ưa ca hát. Con cũng lại đi tìm chính mình trong hình hài của thiên nhiên, núi thiêng rừng ngọc bích. – Chơ Rao điềm nhiên, nhắm khẽ đôi mi, khẽ khàng cất tiếng.

– Con ngoảnh về truy nguyên nguồn cội, bởi trong con có tiếng ồn ã của dế, tiếng réo hằng đêm của côn trùng, Chơ Rao buông ra những câu thế đấy, trước khi cô mở mắt ra hoà vào khoảng lặng xung quanh.

Già làng vẫn chưa ưng cái bụng, chưa thấy sáng trên đỉnh đầu, gặng hỏi thêm:

– Thế là con chưa hạnh phúc với hiện tại hay sao, cớ gì lục tung các góc khuất trong kí ức? Tìm gì trong tiếng vọng miên man?

Chơ Rao bất lực trong diễn đạt ngôn từ. Cô chỉ muốn mình cất lên tiếng hót lan xa những cánh rừng, hoà vào âm thanh con suối, đọng thành hạt sương móc ban mai để buôn dân phấn chấn trỉa bắp trên nương. Cô nhìn qua già làng muốn giải thích điều gì đó, nhưng thôi, ánh mắt ấy lại trầm ngâm gửi ý nghĩ của mình vào màn đêm u tịch trong cánh rừng già. Nơi cô khao khát được trở về. Cô tìm những bóng cây trong đêm. Cô không nguôi đau đáu bởi những chiếc lá sắp sửa rụng cành. Cô là chiếc lá kia, đang đi tìm cái vĩnh hằng trong cõi tạm, thứ bền vững trong chấp chới phút giây. Con quá nhạy cảm ở tâm hồn rồi đó. Côn trùng kia ơi, hãy lôi Chơ Rao về hiện tại đi thôi. Chơ Rao quán chiếu vào hơi mình đang thở, không đều vì nghẹn ngào. Cô hạnh phúc ngần nào khi cảm giác và tư tưởng đang sống, sục sôi, và thường trực. Cô tự hứa với lòng, mình phải như bao cánh chim gan lì, bình tĩnh dẫu bay qua vùng bão đạn trên chiến địa Plei Me. Những cánh chim lại rũ lông dù đẫm mình trong trận mưa xối xả suốt tháng Sáu và tháng Bảy nơi đây.

Buôn dân dẫn Chơ Rao về ngôi nhà sàn bên dòng suối lớn. Ấy thế mà, đôi mắt của cô vẫn không thôi dõi theo những bóng đêm dày đặc ẩn thân dưới những tán cây cổ thụ. Trái tim cô vẫn nặng trĩu, lắng lòng nghe tiếng thinh không của màn đêm. Với cô, màn đêm giúp cô định vị đường về. Màn đêm là không gian tồn tại sống. Màn đêm là cội nguồn vạn vật, hun đúc nên con người hiện tại trong cô. Loài chim chỉ cần ít ánh sáng trên bầu không cũng đủ nhận ra đường bay của mình qua ngàn dặm lý. Chơ Rao quay lại bồi hồi với rừng:

– Loài chim biết cúi mình trước quá khứ; hiên ngang đối diện hiện tại; ngước lên cao hướng về tương lai.

Thế rồi, Chơ Rao lại tiếp lời mình, bộc bạch:

– Buôn làng nuôi con khôn lớn. Cánh rừng, thinh không thắp sáng nguồn sống trong con.

Già làng và buôn dân nghe đến thế gật đầu lẹ làng, cho qua, để Chơ Rao trở về với màn đêm bất tận, ngập dần khi đôi mi khép lại. Cơn mộng du thường trực của một chú chim nhớ nhà, mà ý thức không làm sao kìm nổi. Bởi Chơ Rao sống trong cô. Cô là hiện thân của miền Chơ Rao! Buôn làng kháo nhau trong những dịp bỏ mả. Các em bé phong thanh nhau trong lễ mừng lúa mới. Các già làng lại kể về Chơ Rao trong các đêm hát khan, xập xình bên bếp lửa nhà rông. Loài chim rừng lại hiện về trong tiếng kiêu hãnh, và tráng lệ. Bởi thế, những câu chuyện sử thi được viết tiếp, bay tới vùng miên viễn trên cánh chim rừng huyền thoại.

A black and white drawing of birds

Description automatically generated

Ghé qua trong một ngày cuối tháng Năm, tôi được già làng chỉ về phía một người phụ nữ chững tuổi. Người con gái linh lợi như chú nai vừa trưởng thành, bướng bỉnh, thích nhảy nhót năm nào, giờ đã là một người mẹ Gia Rai trạc ngoài ba mươi. Tôi thường thấy cô địu con nhẹ như vần thơ, phía sau là một gùi rau rừng non mướt mát ngỡ vầng trăng non lấp ló trên triền đồi. Chơ Rao thả hồn, rảo bước vào chợ, thênh thênh bờ môi tưởng mình vẫn mới mười tám, đôi mươi. Tấm áo trước ngực vẫn còn đậm màu, in mờ ảo hình đứa con thơ cô địu mỗi ngày. Và, sau lưng cũng thế, có khác chăng là hình chiếc gùi thân thuộc lắm.

Chơ Rao ngày nào cũng vậy. Chim vẫn quanh quẩn trên cành. Chơ Rao vẫn đi nhặt củi. Củi để đẽo tượng mẹ bồng con ủ dột đứng cạnh nhà mồ. Củi để làm cầu thang đi lên chơi nhà Nữ thần. Củi lại dựng xây miền Tây Nguyên trong hoài niệm buôn dân. Chơ Rao đi qua, thấy mình in bóng xuống dưới sông, bên suối. Cánh chim bay lại, điểm dấu tích trên đỉnh non cao, cộng hưởng dư ba vào đại ngàn biêng biếc, rọi ánh tinh khôi của cái nắng cuối tháng Năm cũng đầy khắc khoải. Chơ Rao có khi mang theo màu xanh xao của buổi tan trường, cuối khoá. Cánh chim rừng có khi lại xua sắc màu sử thi về với mảnh đất đỏ bazan.

Chơ Rao vậy là đã phủ lên mình bộ cánh huyền bí của rừng thiêng. Long lanh những giọt sương đọng trên trái tim cây dọc mùng ven róc rách suối. Óng ánh những ngọc lục bảo đầu tơ trái, nhánh rẫy cà, bên réo rắt rừng le.

Chiều rồi lại về, Chơ Rao thương gội mình dưới làn nước mát lạnh. Dòng suối bỡn đùa với những thanh âm lanh lảnh. Những hòn đá cuội cởi vội chiếc áo xanh xao rêu phong để cọ hồng tấm thân người con gái ấy. Chơ Rao là một loài chim mà. Tôi không thôi tiếng hát đầy nội lực, phóng khoáng. Tôi hát cho cỏ cây thêm tươi. Tôi ca lên để đám hổ trong rừng gầm gừ. Tôi múa để các loài chim đương yêu. Chồng của tôi cũng là một loài chim, sinh ra trên ngọn cây pơ-lang mùa hoa nở. Chúng tôi đón giọt máu của mình chào đời đúng mùa dã quỳ rộ thắm ven đường, dọc suối, quanh ngọn Hàm Rồng mấy mùa mây phủ, sương sa.

Rồi một ngày, đúng mùa tắc kè gọi bạn tình bất kể ngày hay đêm buông xuống, lanh lảnh bên mái hiên nhà sàn, vợ chồng Chơ Rao soạn sửa hành trang. Họ chải chuốt bộ cánh trở nên đen mướt như tấm lụa hong phơi giữa cái nắng, cái gió đại ngàn. Tiếng hót thanh tao bất tuyệt. Những cú chuyền cành nay dứt khoát, uyển chuyển, và tinh tế. Già làng Paly vẫn trông theo từng động tác dù nhỏ nhất của những đứa con của núi rừng trưởng thành, lực lưỡng. Lệ của già làng bỗng rơi khi mường tượng hành trình gian nan, rực rỡ vinh quang mà dặn dò lần ân tình sau cuối:

– Các con thật sự đã lớn khôn? Chuyến đi về miền vô cùng, các con nên đem theo bên mình cả hằng sản lẫn hằng tâm phong phú, vững vàng.

Vợ chồng Chơ Rao ngoảnh lại nhìn bao kỉ niệm khảm trong màu gỗ trên cái cột trơn láng, cái kèo sần sùi. Mấy con bò cột dưới chân nhà sàn ngưng gặm rơm khô. Ánh mắt đen nhánh dừng lại, bắt gặp nét mặt nghiêm nghị, sáng lắm nhân từ của già làng. Họ đồng thanh cất tiếng:

– Sinh tử sự đại, chúng con đã chuẩn bị cho chuyến hải hành này từ khi Giàng ban cho chúng con biết nhận thức, suy nghĩ. Khi tiếng hót của con còn the thé, bộ cánh chỉ đầy lông tơ trắng lốp, khi con nai rừng chưa thay gạc, chú hổ con chưa biết vồ mồi, chúng con vẫn khắc ghi ngày trọng đại này.

Già làng nài nỉ chiếu lệ, vì biết bằng thừa:

– Các con có nán lại đêm nay, buôn dân sẽ đông như hội, tiếng hát khan của ta sẽ trở về những câu chuyện từ thời cổ đại, thì …

Trước vẻ kiên tâm, gan lì, và tự tin của đàn chim hùng dũng sắp vỗ cánh, già làng bất chợt ngưng lời, mà dư ba của nó vẫn còn cộng hưởng vào thiên nhiên bất tận.

– Thời giờ đã điểm. Sứ mệnh truyền trao. Lịch sử lại tiếp tục viết nên. Đôi cánh chúng con nặng gánh ngãi tình buôn làng, và cả muôn loài đã dung dưỡng. Xin cho chúng con bay đi, tiếp bước của tổ tiên. Già và dân làng xin hãy ở lại chốn này giữ trong nguồn nước suối, đẽo thêm nhiều tượng quanh nhà mồ, cất lên giọng bay bổng thanh âm, rộn ràng điệu nhảy xoang bên ánh lửa linh thiêng ngàn đời.

Thế là, tiếng thổn thức của đất trời, của cái nắng, cái gió, và cả núi đồi hoang sơ đã nâng cánh cho chuyến đi để được trở về với khởi thuỷ, nguồn cơn.

Vậy đấy, dân tôi sinh ra bằng thanh âm của suối, sắc đẹp của hoa, cao vút của cánh rừng đầu buôn. Tiếng gió rít bất kể ngày đêm. Ban nhạc côn trùng hẹn hò cất tiếng. Trước khi đập cánh, tôi cúi gập đầu, thấy mình mãi luôn gắn bó nơi đây, bất kể chuyến hải trình kia còn vô cùng vô tận.

14/6/2023

Đỗ Văn Minh

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...