Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025
Nhà thơ Bằng Việt và cái nhìn hiện thực bằng ánh mắc xanh ngăn ngắt của thi sĩ
Nhà thơ Bằng Việt và cái nhìn
Ban đầu, tôi có ý định lấy lại nguyên văn đầu đề bài viết “Thay
cho lời tựa” cho Tuyển tập của nhà thơ Bằng Việt, làm tiêu đề của bài viết
này: “Người của một thời, thơ của một người…”. Ngay cái tên của bài viết đó đủ
nói lên một phần nào về sự đúc kết lại những suy ngẫm, trăn trở và đôi khi dằn
vặt, từ mọi trải nghiệm của một đời người cầm bút, khi kinh qua chặng đường dài
gian khó hiểm nguy nhất của vận mệnh một đất nước, một dân tộc. Đó cũng là tiếng
nói từ cõi lòng sâu thẳm của người đứng trong cuộc đối với thời đại của mình.
Hà Văn Thể và cảm thức bên những tinh cầu hừng hực thầm trôi
Hà Văn Thể và cảm thức bên
những tinh cầu hừng hực thầm trôi
Tắt mặt trời. Nồng bụi tro than
Gió hú thét. Đá rầm rầm chuyển động
Tôi cưỡi đá bay qua phố phường, đồng ruộng
Hoảng loạn gọi con người - người trốn biệt nơi nao
Không khỏi bất ngờ, vào lúc này còn có những nhà thơ ôm theo
khối tâm sự từ thế kỷ XX với dòng lãng mạn đến chân thành, như cơn gió thổi ào
đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI:
“Tôi nhìn về phía ngôi nhà của mình sau màu mây trắng
Thấy tất cả những ngôi nhà đã trắng màu mây (…)
Vũ trụ vạn kỷ nay bình lặng
Những tinh cầu hừng hực
Thầm trôi”
(Tản mạn)
Mơ mộng quá và cô đơn quá! Trơ trọi vì yêu con người quá hay
là dự cảm hoặc một sự cảnh báo về một nền đạo đức chăng? Có những câu hỏi sẽ được
đặt ra, nhưng đối với tôi, những câu thơ này vẫn hút tôi về phía một tinh cầu
nhỏ bé của nhà thơ đang lượn theo vòng quay miên viễn của trái đất và của thế
thái nhân tình. Tinh cầu nhỏ bé ấy đang theo sát con người, trong chờ đợi và hy
vọng. Liệu ai dám quả quyết rằng suốt cuộc đời, họ sẽ chẳng bao giờ rơi vào những
hoàn cảnh khó khăn và nhận ra mình hoàn toàn trơ trọi, bất lực, chẳng là cái gì
đáng kể ở trần gian này?
Sự trơ trọi và hoang vắng được tạo nên trong những câu thơ
thuộc về thế giới tâm cảm phát lộ từ thần thức của nhà thơ. Nếu xét về phương
diện lý trí, chúng không là hiện thực- song, chúng vẫn cuốn hút bởi khát vọng
giao cảm giữa con người với con người được đặt ở vị trí cấp bách. Và, tôi nhận
thấy cái tinh cầu nhỏ bé của nhà thơ đã đánh thức toàn bộ những xung động tiềm ẩn về
tính nhân văn đang chứa ẩn trong mỗi chúng ta. Ngay lập tức, chúng lấp đầy cái
hố vực hoang vắng trơ trọi từng hiện ra trong tâm thức con người.
Đoạn thơ tôi vừa trích dẫn ở trên nằm trong tập thơ “Lạy xin
mây trắng” của nhà thơ Hà Văn Thể, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm
2005. Trước tập thơ “Lạy xin mây trắng”, Hà Văn Thể đã xuất bản ba tập
thơ: Khi tôi trên mặt đất (1991), Thời bình (1995) và tập
thơ dành cho thiếu nhi Vườn cây bà ngoại (2001). Tôi đã được đọc tập
thơ Khi tôi trên mặt đất của Hà Văn Thể, và đến Lạy xin mây trắng,
tôi thấy rằng Hà Văn Thể vẫn duy trì được cái năng lượng thi sỹ đã được thổi
lên từ tập thơ đầu tay của anh. Khi tôi trên mặt đất là một trong những
tập thơ mà tôi có ấn tượng cho tới lúc này. Ở đó, cái tinh thần thi ca lãng mạn,
phóng túng và vô cùng chân thật- nó như ngọn gió đầy hứng khởi và nhiệt huyết
cuốn đi trong “cõi người ta”. Và tôi nhớ mãi Hà Văn Thể với bức chân dung mà
anh đã tự phác họa cho mình. Tất nhiên, đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi, còn
sự cảm nhận được đánh giá của những người trong giới như thế nào, thực ra tôi
làm sao mà quan tâm hết được.
Lạy xin mây trắng là tập thơ tiếp tục duy trì cái khí mạch
chính của thơ Hà Văn Thể. Ở nước ta, hình ảnh cây cọ vốn là loài cây đặc trưng
của vùng trung du, từng được mô phỏng và tái hiện trong nghệ thuật và thơ ca. Đến
Hà Văn Thể, hình ảnh cây cọ đã được đẩy lên thành hình tượng thâu tóm toàn bộ hồn
vía, mang tính tâm thức tâm linh đặc trưng văn hóa trung du.
Đây là hình ảnh thực của cây cọ gắn với đời sống cá thể của
nhà thơ:
Ban mai tôi thức dậy
Vẫn cây cọ trước nhà
Những tàu xanh
Sương đêm vơi đi phần tươi non của lá
Chiếc gai dần cứng lại và cùn…
Ban mai tôi thức dậy
Gặp sợi tóc trên đầu rụng xuống
(Ban mai)
Cây cọ hiện lên song trùng với chặng đời mang tính sinh học của
nhà thơ. Theo thời gian, qua nắng lửa, qua gió rét, rồi bão táp mưa sa, làm “vơi
đi phần tươi non của chiếc lá/ Chiếc gai dần cứng lại và cùn”. Rồi “Ban mai tôi
thức dậy/ Gặp sợi tóc trên đầu rụng xuống”, ta như nghe thấy tiếng vang lên của
tàu lá cọ vừa rụng xuống trên sườn đồi. Cũng hình ảnh cây cọ này được đẩy lên
thành hình tượng “Như người lính đứng canh dọc thuở Vua Hùng”:
Bởi yêu đất những người lính ngàn năm không đi khuất
Hóa thân tươi xanh đứng hát giữa trời
(Những cây cọ trung du)
Cây cọ được dựng dậy trong sáng tạo của Hà Văn Thể chính là
những người lính tự nghìn năm “đứng canh dọc thuở vua Hùng”, “Áo giáp khiên
xanh/ Vung gươm lên thề cùng trời đất” đã hóa thành những cây cọ hiên ngang vẫy
gió giữa đại ngàn. Với hình tượng cây cọ này không thể không ghi điểm về sự
sáng tạo độc đáo của thơ Hà Văn Thể. Hình tượng cây cọ đã thâu tụ và truyền dẫn
đầy đủ khí mạch từ nguồn cội tổ tiên, phất lên ý chí kiên cường, khí phách giống
nòi của dân tộc Việt. Ở một cảnh giới khác, nhà thơ đã tự bạch một cách cụ thể
chân thực như sau:
Khu vườn của làng nhỏ tôi ơi
Nơi thịt da tôi sinh thành, nơi anh em quần tụ
Dưới lớp đất nâu kia và trên ngọn cây kia
Tôi hoà tan trong tươi non, trong cằn cỗi
Giữa bầu trời nặng như trì
Hoặc nhẹ bẫng như không
Tôi là đám cỏ khô, là dòng nhựa chảy
Tôi hòa vào mặt đất nhão bùn
Là những hoàng hôn và ban mai hối thúc
Giữa dòng người đến sau, đến trước
Cùng hát lên khát vọng tổ tiên mình…
(Khúc hát về làng nhỏ)
Đọc thơ Hà Văn Thể, xuất hiện trong tôi một ý nghĩ, tôi băn
khoăn về ý nghĩ này, nhưng rồi cuối cùng quyết định vẫn nói ra: hình như kiếp
trước Hà Văn Thể mang bản thể mộc, tức là cây thì phải.
Không chỉ hình tượng cây cọ, mà hình ảnh đặc trưng về cây đa ở
làng quê hiện dậy trong thơ anh với nhiều nét riêng biệt và có đặc trưng “Hà
Văn Thể”. Có lẽ vì vậy, chúng tạo sự ám thị đối với tôi khi tiếp xúc với những
hình ảnh thơ này:
Cây đa mấy trăm năm ở ngã ba đường
Nhân chứng cho sự đi về, lụi tàn hay phát đạt…
Cây đa cổ thụ ngã ba đường
Từng chứng kiến cuộc- ra- đi- lặng lẽ
Những cuộc ra đi, đi mãi, đi dài…
Tạc lên gương mặt người vết chìm nổi thời gian
Tạc lên con đường nặng nề sỏi đá
Tạc lên cánh đồng mưa, nắng, bão, lũ
Tạc lên dòng sông khuya khoắt, đầy vơi
Trong giấc ngủ chập chờn kiệt sức
Lại mơ về đầy đặn ngày mai
(Khúc hát về làng nhỏ)
Cây cối cũng như sinh vật cùng, Hà Văn Thể đã sở hữu chiếc
chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật vào thế giới và đời sống của chúng với cái
nhìn nhất thể:
Mỗi loài có cuộc sống riêng, một bài ca, một lễ hội riêng
mình
Bình đẳng, tự tin giữa đất trời nắng mưa, bão táp
Đọc đoạn thơ, tôi thấy tin ngay sự khơi mở từ những câu thơ về
đời sống của muôn vật, chúng đều có một lễ hội của riêng mình. Phát hiện
này quả là lạ và độc đáo
Đọc tập thơ Lạy xin mây trắng, tôi tiếp tục bị thuyết
phục bởi những ý tưởng được khơi lên từ những câu thơ. Tại một bài thơ, nhà thơ
kể về “làn gió sớm mai ùa vào căn nhà nhỏ”, và nhà thơ nhận thấy chúng “sắp xếp
những bộn bề ngày qua còn lại/ Chở ý nghĩ tôi ra khỏi ngôi nhà”.
Phải để lòng trống vắng thanh tĩnh lắm, cùng với đôi cánh của
sự lãng mạn mới cảm nhận được sự sinh động biến hiện của làn gió đến như vậy.
Ơi chú nhện giăng tơ ngoài cửa sổ/ Dệt nên tấm lưới mẫn cảm bằng
thịt da mình…/ Con tôi mở cửa ra vô tình làm hỏng mất/ Nhưng chú không buồn/ Lại
nhẫn nại dệt nên tấm khác/ Bởi thế ngôi nhà tôi có bao nhiêu sinh linh, thì bấy
nhiêu niềm hy vọng/ Cứ diễn ra như thế ngày ngày (Bài ca ngôi nhà nhỏ)
Đoạn thơ này tàng chứa dấu vết Phật tính, làm tôi hoàn
toàn bất ngờ. Đây là một sự thật chưa hề được biết tới, chưa có nhà thơ nào nói
bằng một cách chân thực và trực tiếp về sự hiện diện có tính thiêng liêng của một
sinh linh bé nhỏ, luôn hằng tồn tại bên cạnh đời sống của chúng ta, như Hà Văn
Thể vừa biểu đạt bằng một ngôn ngữ giản dị; và chúng quả đã được hiện hình từ một
đời sống đặc biệt, một kinh nghiệm đặc biệt của nhà thơ.
Có lẽ xuất phát từ cảm nghiệm về cái nghiệp lực đeo đẳng con
người trong cuộc sống nơi trần gian, làm cho nhà thơ không khỏi bận lòng.
Chợ trần gian họp ngày đêm
Bước chân mỏi mệt vấp trên cõi đời…
Bao nhiêu người trước khuất rồi
Lối sau ngoảnh lại, lá rơi lấp đầy
(Đi chợ trần gian)
Hình như có một sự phũ phàng nào đó phả lên từ những câu thơ
lục bát này, và nỗi niềm thật không mới nhưng chưa từng cũ, bởi những lời đó
phù hợp và chỉ thẳng vào đời sống tâm thức của con người, thời nào cũng vậy
không ai tránh được.
Phố nhỏ ven sông
Cứ đêm đêm vẳng về tiếng chim thảm thiết
Chúng tìm gì trên nóc phố nhấp nhô
Trên những ngôi nhà trăm năm hình thù không đổi khác
Chỉ có những khuôn viên méo mó, vuông vức
Nơi con người trú ngụ, được chở che
Từ lúc lọt lòng trần trụi sinh ra
Đến khi mở cửa: Đi khuất
(Tiếng chim kêu đêm)
Chúng ta từng biết, thế giới trước hết hiện ra khi chủ thể tự
phóng chiếu ra ngoài. Sự sợ hãi mất mát chính mình rình rập sau mỗi con người.
Làm sao thoát khỏi ảo giác của sinh thành hoại diệt. Thực ra, khi con người ta
khuất núi, rời khỏi thế gian “chỉ là giai đoạn rơi xuống một đời sống mới, đời
sống này mang con người tới gần đích giải thoát thêm một bước nữa. Đây chính là
mục đích cao tột, cuối cùng của tất cả các cố gắng trong kiếp người”. (C.G.JUNG)
Những câu thơ trên của nhà thơ Hà Văn Thể đã mở toang cánh cửa
trực tiếp đối diện với một vấn đề cơ bản nhất của con người, đó là cái chết;
nhưng với một cách nhìn, một tâm thế vô cùng bình thản nhẹ nhõm:
Từ lúc lọt lòng trần trụi sinh ra
Đến khi mở cửa: Đi khuất
Cái chết chỉ là những cuộc đi,
những hành trình dù miên viễn nhưng đã được định sẵn, với tâm hồn đã được khai
phóng.
Tôi nhìn về phía ngôi nhà của mình sau màn mây trắng
Thấy tất cả những ngôi nhà đã trắng màu mây…
Ta sống, người ơi ta được sống
Dẫu rủi ro cũng là hạnh phúc rồi
Vũ trụ vạn kỷ nay bình lặng
Những tinh cầu hừng hực
Thầm trôi
(Tản mạn)
Một cuộc đi, ngoái lại và sự bình thản tràn ngập dâng cao.
Nguyên sự sống, được sống đã là sự hân hưởng niềm vĩnh phúc lớn lao, dẫu những
rủi ro cũng là những yếu tố cần thiết để xác lập nên cái vĩnh phúc của cuộc đời
mỗi con người, như Những tinh cầu hừng hực/ Thầm
trôi. Hỏi còn muốn gì hơn?
“Thế giới có thực là một thế giới có niềm vui, nỗi buồn, có
thiện, có ác. Tóm lại đó là một thế giới luôn luôn có hai cực, thế giới nhị
nguyên. Nếu có ai đứng ngoài được sự tranh chấp giữa hai cực đó, người ấy sẽ hiểu
được tri kiến nhất nguyên. Với tri kiến này, người ta sẽ không còn mâu thuẫn,
vì nhìn thấy được vạn hữu trong một thể trọn vẹn thống nhất” (Lạt ma Chogyam
Trangpa Rinpoche). Những ý thơ của Hà Văn Thể thực tế đã tiến sát những vấn đề
rất cơ bản mà những kiến giải tôi vừa dẫn trên đây với những câu thơ sâu sắc một
cách trực giác. Có một điều bất ngờ đối với tôi khi đọc tập thơ Lạy xin
mây trắng của Hà Văn Thể, đó là dấu vết Phật tính nơi khoảng trống
rỗng tâm hồn anh, chúng được hiển lộ thành công năng của những câu thơ. Điều
này tôi chưa từng nghĩ đến khi đọc thơ của nhiều nhà thơ, đặc biệt đối với thơ
của Hà Văn Thể tôi lại càng không có một gợn ý thức nào trước khi đọc tập thơ mới
xuất bản của anh. Ấn tượng mạnh mẽ nhất của thơ Hà Văn Thể đối với tôi trước
đây là tinh thần lãng mạn trong những vần thơ đầy dung dị, đến tập thơ mới này
vẫn còn tiếp tục duy trì khí mạch đó- dù chúng chưa phủ được ở một diện rộng và
dâng thành cao trào. Nhưng, một điều kỳ diệu là sự xuất hiện phẩm tính Phật
tính trong tập thơ mới này, quả có gây chấn động trong tôi- tiếc rằng, yếu
tố mới mẻvà cuốn hút này anh chưa tạo được một dòng chảy là mạch chủ mạnh đủ
quán xuyến toàn bộ tập thơ.
Cách đây vài ngày, do vô tình tôi gặp Hà Văn Thể, trong khi
trò chuyện tôi nhắc lại kỷ niệm, ấn tượng từ tập thơ đầu tay của anh Khi
tôi trên mặt đất, Hà Thể bộc bạch rằng, tập thơ đó ám anh
đến bây giờ, nó làm anh long đong vất vả và lận đận đường đời. Tôi đùa anh: nếu
không còn long đong, lận đận, chắc gì đã còn thơ? Hà Văn Thể lặng im, tôi thấy
đôi mắt anh nhìn xa vời.
Đêm
Ngọn đèn
Khuya khoắt
Khi những con muỗi no nê đi ngủ rồi
Gió không còn về lay cửa
Trang giấy thành biển khơi…
Tôi ngửa mặt lên trời
Bóng tối nửa tinh cầu đè xuống
Những âm thanh không có trên mặt đất
Vây bủa tôi
Lại như mọi lần
Tôi khát đợi một tiếng chó sủa
Tôi cầu mong một tiếng đập cửa
Tiếp sức cho mình đón một bình minh
(Hằng đêm)
Những câu thơ hiện trên trang giấy trắng quá mỏng manh, mà
mênh mông vô tận dường nào. Áp lực của cuộc sống hay áp lực của kiếp người như
một trái núi lớn đè lên thân tâm nhà thơ?- Và một lần nữa, tôi lại thấy hiện
lên một cái tinh cầu nhỏ bé của nhà thơ trống trải, cô đơn và trơ trọi quá,
hoang vắng quá, mà chất chứa trong lòng nó một khối lửa nóng bỏng, đang miệt
mài lượn theo vòng quay của thế gian, không ngớt biến động của kiếp người, quỵ
xuống rồi lại gắng gượng đứng dậy: Lại như mọi lần/ Tôi khát đợi một tiếng
chó sủa/ Tôi cầu mong một tiếng đập cửa/ Tiếp sức cho mình đón một bình minh.
Nghị lực hay là khát vọng, hay là tác động của một nghiệp lực
theo đuổi? Tôi vẫn thấy bao quanh nhà thơ ngọn lửa rừng rực trong hoang lạnh và
trơ trọi. “Tôi cưỡi đá bay qua phố phường, đồng ruộng/ Hoảng loạn gọi con người-
người trốn biệt nơi nao”
Ôi, ở thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 này, nhà thơ còn khao
khát về con người đến vậy sao - đó có phải là câu hỏi lớn dựng lên trước thời đại
này!.
Hà Đông, 5/12/2005
Dương Kiều Minh
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Hai đoạn suy tưởng về cổ ý và về thơ ca
Hai đoạn suy tưởng về
cổ ý và về thơ ca
* Suy tưởng về cổ ý:
Tôi cứ ám ảnh về câu chuyện mà Vũ Phương Đề thuật lại
trong Công dư tiệp ký. Câu chuyện kể về nhà sư Huyền Minh trụ trì chùa
Quang Minh (xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc), về già một đêm ông nằm mơ thấy Phật
Di Đà giáng xuống điện thờ, triệu ông đến bảo rằng: “Nhà ngươi có công với Phật
giáo, đến nay đã được nhiều năm. Tấm lòng từ bi của người đã thấu đến Thượng đế.
Kiếp sau ngươi được giáng sinh xuống làm vong quốc Hoàng đế. Người nên nhớ lấy.”
Tỉnh dậy, ông gọi các đạo tràng bảo rằng: “Ta từ khi xuất gia
quy y cửa Phật, vẫn tưởng tiền duyên rửa sạch, thiện quả viên thành, hậu thân
được siêu linh vào nơi bảo tọa tòa sen. Không ngờ ngày sau luân hồi, đem bao
năm công phu giới hạnh đổi lấy địa vị khó nhọc nhất ở trần gian. Có lẽ tiền
sinh nghiệp chướng của ta chưa được rửa sạch mà phải chịu thế chăng?”
Sau Lễ bộ thị lang Nguyễn Tự Cường đi sứ Trung Quốc, vua Minh
vời tới và nói với ông: “- Trẫm sinh ra, trên vai có viết mười chữ son đỏ rằng:
“An Nam quốc Quang Minh tự sa Việt tì khâu”. Đó chính là 10 chữ mà
nhà sư Huyền Minh trước khi mất, đã dặn các đạo trăng dùng son viết 10 chữ vào
vai ông trước khi làm lễ hỏa táng.
Cái ám ảnh của tôi có lẽ là câu chuyện kỳ lạ về hậu thân của
nhà sư Huyền Minh lại là một vị vua của nhà Minh. Cái ám ảnh hơn cả, là việc
nhà sư Huyền Minh than rằng, nếu hậu thân làm vua thì tức là “đổi lấy địa vị
khó nhọc nhất ở trần gian”. Đúng, ngôi vua là địa vị khó nhọc nhất,
nhưng cũng là khát khao quyền lực lớn nhất của mỗi kiếp người nằm ẩn sâu trong
tiềm thức khi con người đó hiện diện ở trần gian. Có lẽ một tham vọng đã được
nhóm lên trong tiềm thức nhà sư Huyền Minh ngay từ ấu thời, nhưng rồi do hoàn cảnh
hoặc do duyên phận mà hạt mầm đó phải nén lại và xoá mờ dấu vết. Trước khi mất,
tham vọng đó lại trồi lên trong mơ.
Tác giả “Luận bàn về văn minh” đã nói rất thú vị về việc
tránh đau khổ tìm đến niềm vui sướng và hạnh phúc của con người, để tránh những
va đập và những cản trở không thể vượt qua của thế tục, có một con đường đạt đến
nó là tu hành. Nhưng, theo tác giả thì niềm vui sướng này có thể đạt được,
nhưng rất bằng phẳng đơn điệu và tẻ nhạt.
Tu hành là duyên nghiệp, nhưng cũng có thể nó được quyết định
bởi hoàn cảnh đặc biệt, hoặc bởi sự xô đẩy hoặc thoái lui của con người khi nhận
thấy những tham vọng, ước vọng của mình bị thế tục ngáng trở và đè bẹp – tức là
một sự thừa nhận thất bại của ham muốn trong thế tục.
Tôi đọc đi đọc lại nhiều năm vào những thời kỳ khác
nhau Đạo đức kinh của Lão Tử. Ngày đầu xuân, tôi chợt nhận ra rằng,
đúng đó là cuốn sách dạy làm vua một nước – nhưng đó chính lại là cuốn sách chứa
đầy tràn ham muốn tham vọng của con người - để đạt đến ham muốn và tham vọng,
con người cần phải tạm thời xoá nó đi, tạm thời đè nó xuống. Lão Tử nhận ra cái
gốc rễ sâu xa bản chất của con người, là ham muốn và tham vọng chế ngự vĩnh viễn
họ. Cùng với sự vận hành của đời sống con người và sự vật luôn diễn ra trong sự
nghịch lý, phi lý – Lão Tử đã mách bảo con người, rằng cái áp lực được tạo ta
là từ ham muốn, tham vọng của mỗi con người. Con người không nên và không thể
diệt trừ hoàn toàn ham muốn. Lão Tử đã dạy con người phải thuận theo lẽ tự
nhiên ấy, tức là thuận theo cái tưởng như nghịch lý, phi lý để đạt đến ham muốn
và tham vọng, cao vọng. Bởi cái đích đến của mọi ham muốn và tham vọng luôn
luôn gặp những khó khăn trở ngại, đối mặt với những lực phản từ những ham muốn
và tham vọng khác, luôn cùng tồn tại sát kề không rời, nó hằng mọc lên tủa tủa
như nấm sau mưa trong ý thức và vô thức của con người.
Thực ra Khổng Tử cách quá xa Lão Tử. Khổng Tử quá tin vào thế
tục và thế sự theo hướng giáo lý một chiều ép mình theo lễ, phảng phất màu của
lãng mạn và lý tưởng – có chăng, đó chính là cái thế giới mang màu của ảo giác
chất chứa tràn đầy khát vọng về con người và trật tự của xã hội loài người. Khổng
Tử chưa kịp nhìn thấu bản chất của con người như Lão Tử đã phơi bày nó trước
thanh thiên bạch nhật - mà chính cái bản chất đó lại quyết định sự vận hành của
các xã hội loài người.
* Nhà thơ và thi ca
Con đường tìm tới niềm vui và hạnh phúc của con người qua mợi
thời đại trong đời sống thế tục là bất khả giải. Tác giả “Luận bàn về văn minh”
đã chỉ ra 3 con đường tìm tới niềm vui và hạnh phúc mà con người đã làm, nhưng
chỉ dành cho một thiểu số rất nhỏ bé với những người có tư chất thiên phú đặc
biệt, hoặc hoàn cảnh đặc trưng, hoặc dùng kích thích hoá chất từ bên ngoài.
Nhìn chung, niềm vui này cũng chỉ diễn ra trong những thời khắc quá ngắn ngủi
so với thời gian đẵng đẵng mà kiếp người phải trải qua trong đời sống trần
gian. Những bất hạnh mặc nhiên cứ như những làn sóng thuỷ triều dềnh liên tiếp
lên số phận của con người.
Nhà thơ và những người thuộc về nhóm sáng tạo, được thiên phú
tư chất đặc biệt, anh ta tìm kiếm và cảm nghiệm hiện tại từ thế giới của sự vật
và thế giới con người, rồi làm hiện hình một sáng tỏ cái cảm nghiệm mang rất
nhiều yếu tố của trực giác qua tác phẩm sáng tạo của mình.
Tôi đồ rằng thi ca hiện ra từ thế giới ảo giác của nhà thơ.
Thơ ca chính là thứ ký hiệu của thông điệp mà nhà thơ muốn gửi tới đồng loại
trong khát khao kiếm tìm sự đồng cảm với thế giới ảo giác của mình. Do sẵn mang
cái hạt mầm của thế giới ảo giác trong tư chất ngay từ ấu thời, nên nhà thơ
không khỏi lận đận trong những bước chân nơi thế tục gập ghềnh khúc khuỷu và
ngoắt ngoắt như những mê lộ, càng đi càng xa càng bị cuốn sâu vào những
ngõ ngách của ma trận đồ, sự thất vọng càng tăng, khát vọng lại càng bùng
cháy.
Cái ký hiệu để biểu đạt thế giới ảo giác của nhà thơ với công
cụ chủ yếu là ngôn ngữ của đồng loại; nhưng cái ký hiệu của ý tưởng bằng nhịp
điệu, âm điệu và hình tượng thông qua ngôn ngữ, thì chỉ có một số ít đồng loại
tiếp nhận và hiểu chúng, còn lại số đông, hoặc hờ hững, hoặc không hiểu chúng.
Do vậy, mới cần đến những người giải mã được những ký hiệu của ngôn ngữ đó, để
truyền đạt nó đến số đông. Vậy nên, ngay sự tìm kiếm sự đồng cảm của nhà thơ với
những thông điệp của mình là vô cùng khó khăn – từ sự khó khăn này làm dâng lên
khát vọng đồng cảm thật lớn lao trước đồng loại.
Thi ca là sản vật thăng hoa của nhà thơ mang dấu vết đậm đặc
của khát vọng, ước vọng mà con người không thực hiện được trong đời sống thế tục.
Sản vật của nhà thơ, là những ký hiệu bằng ngôn ngữ từ bản thông điệp của khát
vọng, ước vọng muốn truyền đạt tới đồng loại và khao khát tìm kiếm sự đồng cảm
của đồng loại.
Hà Đông, 6/1/2010
Dương Kiều Minh
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Nhà thơ Vũ Xuân Hương trong sắc giới ảo tượng bụi thiên hà
Nhà thơ Vũ Xuân Hương trong
sắc giới ảo tượng bụi thiên hà
Đang giữa xuân làn mưa bụi giăng mờ xa xa, từ lúc nào thảm
hoa dại với những cánh nhỏ xíu mỏng manh đã phủ kín khoảng đất trống rộng thênh
dâng ngập niềm xuân phân. Trước mặt tôi là tập thơ mới của một nhà thơ, một người
bạn từng gắn bó thân thiết những năm nửa sau thập kỷ 80 thế kỷ trước.
Tôi được biết, từ năm 1996 đến nay, nhà thơ Vũ Xuân Hương đã
xuất bản ba tập thơ và một trường ca. Tập thơ Bụi Thiên hà vừa xuất bản
đầu năm 2010, đa số các bài thơ trong tập được tác giả sáng tác và hoàn thành ở
thế kỷ trước, có một số bài tôi đã được đọc khi còn là bản thảo cách đây hơn
hai mươi năm, như các bài thơ “Đề tặng”, “Ứng tác”, “Qua thành nhà Hồ”,…
Trong tập thơ Bụi Thiên hà của nhà thơ Vũ Xuân
Hương, lần đầu tiên tôi gặp và được đọc những bài thơ anh sáng tác trong thời
gian du học ở Nga (Liên Xô cũ).
Những ngày ta ở nhà
Ngậm ngùi, cay đắng…
Nay những ngày nơi xa
Mấy lần hơn cay đắng, ngậm ngùi!
Nửa căn phòng tạm gọi cho ta,
mùa đông Nga mở mắt ra đã tối,
thằng bạn Nga thở dài,
ngạc nhiên nghe ta thở dài hơn nó.
(Ngậm ngùi)
Liệu ta có thể tìm thấy trong thơ một tâm sự nào thực hơn vậy.
Năm 1989, tôi trở lại với lam chướng sông núi Hoà Bình, nhà thơ Vũ Xuân Hương
cùng hai nhà văn cùng[I1] khoá được chọn tiếp
tục đi tu nghiệp ở Học viện Gooc-ki; và lúc đó, chúng tôi thấy chân trời phía
trước thênh thang mở rộng chào đón họ. Đọc những dòng thơ có tính tự bạch này của
nhà thơ Vũ Xuân Hương, tôi thực sự thấy phân vân.
bùng nhùng
muôn mối
chuyện xa, chuyện gần
chuyện gì cũng phải phân vân
cái tình làm tội cái thân vật vờ!?
Thế giới này qủa “mênh mông rộng lớn”
mà dễ đâu tìm được chỗ của mình!
(Ngậm ngùi)
Quả là thế giới quá mênh mông rộng lớn, và quả là thật
khó tìm được chỗ của mình trong cái thế giới mênh mông đến choáng ngợp
ấy.
Xem ra, có mấy ai quả quyết rằng mình đã tìm được chỗ của
mình nơi nhân gian rộng thênh này. Trong thế giới mênh mông đó, người ta
chỉ có thể neo đậu vào chính bản thân mình; Và có lẽ, đó là cái chỗ tối
thượng mà con người có thể đạt đến được, trong cuộc nỗ lực kiếm tìm với “bao bầm
dập.../ vẫn trong lành/ ở trong…” vậy.
Một bài thơ khác nhà thơ Vũ Xuân Hương viết trong thời gian
lưu học ở Nga, là bài thơ “Chú quạ mùa đông”. Bài thơ kể về “một chú quạ con/ bới
tìm trong tuyết/ mẩu bánh mì đen/ với đầy tâm huyết/ mười mấy độ âm/ đôi chân
cóng quắt/ chú vẫn dán mắt/ xuống nơi kiếm tìm”. Trong nỗ lực tột cùng của
mình, chú quạ con đã tìm được một miếng bánh mì nhỏ, nhưng rồi chú quạ con thất
vọng nhận ra đó không phải là mẩu bánh mì mà chính là một chiếc “dăm gỗ sồi”; “miếng
mồi quá cứng/ nuốt mãi không trôi?/ mới hay mình gặm/ nhầm dăm gỗ sồi!...”. Bài
thơ thật giản dị, chỉ là câu chuyện kể về một việc cũng rất giản đơn, nhưng cái
ý nghĩa ngụ ý có tính ngụ ngôn thì thật sâu sắc, toát ra từ mối tâm sự xót xa của
nhà thơ trong cái cảm nghiệm cuộc sống thấm mùi vị chua chát.
Rừng Nga, chúng ta từng được biết qua văn xuôi và thơ ca của
các nhà văn, nhà thơ Nga. Rừng Nga hiện lên trong thơ của nhà thơ Vũ Xuân
Hương, nơi “Rừng Nga một chiều”, thì “phải ta giờ – con thú/ giữa rừng, nhưng lạc
rừng”. Với “Rừng Nga, lại một chiều hè”, thì “Cây như người đứng chờ/ gió như
người mất sức”. Trong cái buổi “chớm tuyết” của mùa đông Nga, tác giả đã ghì riết
sự kiên nhẫn trong việc “dành sức lực qua mùa đông trì đọng/ khỏi vội đánh mất
mình trong khối lạnh hư danh…!”.
Đọc những bài thơ nhà thơ Vũ Xuân Hương sáng tác và hoàn
thành trong thời gian lưu học ở Nga, tôi nhận thấy một mối tâm sự thật xa xót
và chua chát, nó thấm đẫm mùi vị của sự trải nghiệm trong ảm đạm và vô vọng.
Tôi thật sự chưa hiểu được cái hiện thực đằng sau mối tâm sự này của nhà thơ.
Như tôi đã nói ở phần đầu bài viết, tôi và nhà thơ Vũ Xuân Hương là bạn thân
thiết trong quãng thời gian những năm nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau
khoá học, năm 1989, tôi trở lại với lam chướng sông núi Hòa Bình, nhà thơ Vũ
Xuân Hương được tuyển chọn tiếp tục tu nghiệp ở Nga, từ ấy chúng tôi
không gặp lại. Sau 21 năm, vào cuối năm ngoái, chúng tôi mới gặp lại nhau trong
thời khắc ngắn ngủi. Dù xa cách đã lâu, khi gặp chúng tôi cũng không nói với
nhau nhiều, tôi không tiện hỏi và cũng không có cảm hứng để hỏi chuyện thời
gian nhà thơ Vũ Xuân Hương lưu học ở Nga, bởi anh về nước đã lâu. Giờ đọc những
bài thơ nhà thơ Vũ Xuân Hương viết trong thời gian sinh sống ở Nga, tôi nhận thấy
một điều gì đó mà mình chưa hiểu được. Tôi thật sự ám ảnh bài thơ “Chú quạ
mùa đông” của nhà thơ Vũ Xuân Hương. Đó là hình ảnh chú quạ con trong mùa đông
băng tuyết kiếm tìm một mẩu bánh mì, nhưng rồi nhận ra đó lại là một mẩu “dăm gỗ
sồi”. Có lẽ đó là ngụ ý sâu sắc nhất mà tôi nhận thấy trong những bài thơ anh
viết ở Nga, được in trong tập Bụi Thiên hà – ngụ ý của bài thơ đem lại
cho ta cái cảm giác về một kiếp người thật nhọc nhằn, chẳng có bao ý nghĩa,
cũng chẳng mấy thú vị, cũng chỉ nằm trọn trong cái ảo tượng Bụi Thiên hà mà
thôi.
Mảng thơ viết về thôn quê mang đến luồng thanh phong ẩm ướt
trong lành và thanh sạch trong thơ Vũ Xuân Hương. “Mưa rào mịn mái rơm tươi/
Thu chớm tàu cau cuối hạ” (Tháng bảy). Hoặc “Trong nắng xế ngang chiều/
ngóng vọng tiếng thư cưu…”. Rồi những kỷ niệm hiện lên qua những giấc
mơ, tựa như tia nước vọt lên từ mạch ngầm mà ta không thể kiểm soát hoặc kiềm
chế được, thôi thì cứ để nó tự chảy tràn trên mặt đất:
Những giấc mơ thi thoảng lại hiện về:
Mảnh vườn xưa bọc xanh nhà bà ngoại
Nơi tôi có bao nhiêu là vụng dại
Rồi lớn lên dưới bóng những cây chè
(Mảnh vườn xưa)
Ơi ngọn núi quê hương rạch ngang trời xanh ngắt,
Hát lên nào trường khúc những mùa thu (…)
Thế đấy bạn bè tôi,
hãy thương xót cọng rạ nghèo đất Mẹ,
hãy nhìn ra chung cuộc thời mình
hãy sum họp dựng xây
đừng chia năm xẻ bảy!
(Khúc hứng gửi bạn bè)
Ở trong một cảnh giới thật huyền tịnh, ta chợt nhận ra rằng chiều
sơn tự với những đá, những rêu, vô ngôn đấy -
nhưng chúng lại chất chứa sự vĩnh hằng trong đại định giữa thiên thu.
Trong sâu thẳm và bí huyền của cảnh vật, nơi thinh không chợt vang lên “tiếng
mõ gõ vào đêm sơn điểu” - đó chính là tiếng vang động thiên lương thức dậy,
rung lên trong sâu thẳm tâm thức của nhà thơ.
Chiều sơn tự vô ngôn, huyền cảnh vật
đá rêu ngồi đại định với thiên thu (…)
và tiếng mõ gõ vào đêm sơn điểu
(Đại trước chùa)
Xin cảm ơn cây – người thầy, người bạn
Đã cho tôi phút giây thư giãn
Xua đi tạp niệm
Hình tướng phù vân
(Phác thảo những khoảnh khắc)
Thật khó có thể hoà nhập làm một với một loài cây loài[Y2] đó, nhưng trong những khoảnh
khắc thì ta có thể chứng nghiệm được sự hoà hợp đồng điệu này. Có gì an nhiên
hơn, thân thiện hơn và trong lành hơn với bầy loại và với con người hơn những
cái cây? Không giống với cỏ cây và các sinh vật sinh tồn trên bề mặt vỏ của
trái đất, có lẽ chỉ có lý trí của con người mới sản sinh ra những tạp niệm và hình
tướng phù vân. Tôi tự nghĩ có lẽ là như vậy. Và với những chiếc lá cây:
Chiếc lá vàng vừa dứt cuống, bay bay
phải chiếc vé cổ nhân dành lại (…)
giờ đây, anh như một bóng cây
thưa dần từng chiếc lá,
lộ ra dần thăm thẳm sắc thu không…
(Đề trên lá thu)
Từ cảm nghiệm trong sự giải thoát hướng tới hoà đồng với
thiên nhiên, nhà thơ Vũ Xuân Hương với cái nhìn ngược về quá khứ, đã nhận
ra chiếc lá vàng vừa dứt cuống, bay bay là chiếc vé cổ nhân dành
lại. Qua năm tháng của sự ngâm trải với bao bầm dập, như một bóng cây, dù
qua thời gian năm tháng [I3] nhọc nhằn của đời người thưa
dần từng chiếc lá, nhưng lại hiển lộ một cõi thăm thẳm sắc thu không. Tôi
chợt tự hỏi, trong sự cố gắng tột bậc của mọi kiếp người, phải
chăng sự đốn ngộ là kết quả cao nhất mà năng lực của một con người
có thể đạt tới. Khi lộ ra dần thăm thẳm sắc thu không cũng có nghĩa
là lúc con người đã rũ bỏ được những sự vướng bận tục luỵ trần gian rồi. Con
người đã gỡ ra khỏi cái mà không có gì làm khó cho con người bằng việc con người
tự làm khó cho mình nơi cuộc sống bỏng khét những tham muốn đến phi lý.
Sự phát ngộ này đã khơi dậy trong cảm hứng của nhà thơ một hứng
khởi đặc biệt đặc trưng “Vũ Xuân Hương”, đó là cảm hứng “nhớ Trời”:
Trời! Tự nhiên ta nhớ Trời – vòm thanh thiên mỗi nhật…!
(Nhớ Trời)
Cuốn vào luồng gió và ánh sáng thiên thanh, nhà thơ bay bổng
trong ảo giác của Bụi Thiên hà. Đây phải chăng là ảo tượng nằm
trong cảm thức và trong mối quan tâm hướng tới nền tảng cảm hứng thi ca của nhà
thơ Vũ Xuân Hương trong tập thơ mới xuất bản này - đó phải chăng cũng là ý
nghĩa chung cuộc đối với mọi cuộc sinh tồn nơi trần thế mà tác giả muốn gửi gắm
mối tâm sự sâu xa của mình.
Ta như hạt bụi – thiên hà
Vi trần vi cực, nhưng là cái Riêng!
Riêng – trong bản tính thiêng liêng
Riêng – trong cái cách hoàn nguyên cuộc đời (…)
Ta Bà trót nhận quê hương
Vi trần: số phận, tình thương: thiên hà…
(Bụi thiên hà)
Dù trong một sát-na, nhà thơ Vũ Xuân Hương đã có cảm
thức mình giống như hạt bụi – thiên hà, nhưng ta vẫn thấy trồi lên
trong tâm cảm của tác giả cái phần lý trí thật mạnh mẽ, không những không bị
xoá đi lu mờ mà cái lý trí đó còn hiện rõ hơn lúc nào hết, đó là sự triết luận
về cái Riêng, Riêng trong bản tính và Riêng trong cách
hoàn nguyên, trong sự thức nhận về số phận, về tình thương và vi
trần vi cực ở cõi thế tục Ta Bà. Tôi thầm nghĩ, hình như số phận của
mỗi con người trên trần thế được quy định bởi nhiều sự tác động, nhưng có lẽ
tính cách của mỗi con người mang lực đẩy vô hình mạnh mẽ nhất quy định số phận
con người đó. Tính cách giống như mái chèo trên chiếc thuyền lan mỏng mảnh, nó
dẫn mỗi con người theo những luồng lạch bên những dòng hải lưu trên đại dương
trập trùng của số phận.
Tâm tính lành như đất
nhà quen gọi “Cu Mì”
sau vì bao o ép
suýt thành tên hung đồ (…)
Văn chương vài ba bịch
sách vở dăm bảy bồ
mang tiếng người sang lịch
tính ngang tàng gió mưa
nếu sống lại thời xưa
tài dám ngang Lý, Đỗ
nếu sống thời mai xa
đỉnh Thi Sơn ta ngự
(Tự tiếu cuồng)
Những câu thơ trên có thể được coi là những vần thơ tự bạch của
nhà thơ Vũ Xuân Hương với những ý tứ rất mạch lạc rõ ràng, mang tinh thần như
Lão Tử đã từng nói “tự tri giả minh, tự thắng giả cường”.
Đọc thơ Vũ Xuân Hương, tôi vừa bất ngờ vừa phân vân ở một điều
gợn thoáng qua trong những vần thơ của anh, đó là những câu thơ nhắc đến đồng
tiền, với cái nghĩa là tiền bạc. Rải rác trong tập thơ Bụi thiên hà, quá
ba lần nhà thơ nhắc đến tiền:
“Đời cứ thế kiếm tiền xuôi ngược”
(Nhớ Trời)
“cũng lẩm nhẩm tiền nong giá cả”
(Bên gốc bạch dương Nga)
“chói tai Karaoke:
ai có tiền lập tức thành ca sĩ!”
(Như chẳng là đêm)
“Thất thường tiền
thất thường em”
(Trò chuyện với chiếc đồng hồ hỏng)
“Ta lắng nghe
Thời gian đánh Kassa trên tường (…)
Có điều, đừng vội đánh Kassa
Trước cám dỗ những quầy hạ giá!”
(Nhật ký ngày sinh nhật)
Theo chú thích của tác giả, Kassa (tiếng Nga): quầy
tính tiền.
Tôi bất ngờ và phân vân, là đồng tiền quả có sức mạnh
trong việc từng làm đảo lộn nhiều giá trị xã hội và trong lòng người.
Tôi không nghĩ và không tin rằng, đồng tiền lại làm vướng bận được và trở thành
mối quan tâm của một nhà thơ chỉ “Nhớ Trời”, tự coi mình “như hạt bụi – thiên
hà” và “Tự tiếu cuồng”, tự gọi thơ mình là “Thơ người bệnh tưởng”. Tôi vẫn tự vấn
rằng: Liệu đồng tiền có thật chứa đựng được “siêu sức mạnh” như thế đối với nhà
thơ Vũ Xuân Hương không?
Đọc bài thơ “Tự tiếu cuồng” của nhà thơ Vũ Xuân Hương mà tôi
đã dẫn:
“Văn chương vài ba bịch
sách vở dăm bảy bồ
mang tiếng người sang lịch
tính ngang tàng gió mưa
nếu sống lại thời xưa
tài dám ngang Lý, Đỗ
nếu sống thời mai xa
đỉnh Thi Sơn ta ngự”
Tôi chợt nhớ lại một hình ảnh để lại ấn tượng mạnh về nhà thơ
Vũ Xuân Hương trong ký ức của tôi. Đó là thời gian quãng năm 1987, trong một buổi
chiều trước sân trường viết văn Nguyễn Du khóa III, khi đó còn là một bãi đất cỏ
mọc um tùm trước dãy nhà xiêu vẹo lợp lá cọ,[14] đứng trước bạn bè cùng khóa, nhà thơ Vũ Xuân Hương dõng dạc chỉ tay về dãy nhà lá và nói: “Sau này,
người ta sẽ phải dựng tượng Vũ Xuân Hương ở đây!”. Câu nói đó của nhà thơ Vũ
Xuân Hương lúc này lại vang lên trong tôi. Nơi mà nhà thơ Vũ Xuân Hương nói người
ta sẽ dựng tượng anh, nay là Khoa lý luận – sáng tác do nhà văn, giáo sư Văn
Giá trụ trì. Thời chúng tôi học, khuôn viên nơi này còn rất thoáng đãng, nay
nhà cửa đã dựng lên san sát. Thời điểm nhà thơ Vũ Xuân Hương nói sẽ dựng tượng
anh, không gian ở đấy thật hợp lý, nhưng giờ nơi này quá chật hẹp chen chúc.
Tôi nghĩ vào một dịp nào đó gặp gỡ và thưa với nhà thơ Vũ Xuân Hương, liệu có
phải cứ nhất định phải dựng tượng anh trong khuôn viên chật chội của Khoa lý luận
– sáng tác do nhà văn, giáo sư Văn Giá hiện đang trụ trì hay không?.
Hà Đông, 21/3/2010
Dương Kiều Minh
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Valentine cho người chưa gặp mặt
Valentine cho người chưa gặp mặt Trong nhiều lần bay qua Mỹ thăm gia đình, chúng tôi thỉnh thoảng có những chuyến layover tại một trong nhữn...

-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Sự tích mặt đất và muôn loài Trái đất ngày xưa không được đẹp như bây giờ, một nửa đất sống, một nửa đất chết. Lúc ấy bề mặt quả đất ...