Lệ Quyên và
những thực tại òa vỡ
Mới đầu, do phấn son và cách trình bày, nàng đập vào mắt như
một geisha.
Dần dà, nàng biết khôn khéo tận dụng nghệ thuật y trang đẳng
cấp để thăng hoa và tỏa sáng, làm nổi bật điểm mạnh nơi dáng người cân đối, đôi
bờ vai cẩm thạch gợi cảm.Mắt nàng ngước nhìn lên. Một vẻ đẹp Tây phương táo bạo, lộng
lẫy, cần thiết cho một dự án nghệ thuật nhiều tham vọng: khởi đi từ nhạc trẻ,
nhạc «sến», nhạc vàng, nàng đã không tự bằng lòng với danh hiệu
«nữ hoàng phòng trà” – rồi “nữ hoàng nhạc
xưa» –, như một số nhà báo đã trao cho, mà còn tiếp tục đi xa
hơn, đặc biệt gần đây với việc bước sang thế giới tình ca lãng mạn của một Vũ
Thành An1 tưởng như mút xa vời vợi.Vơi con số hiện đã tới gần 21 triệu lượt người nghe, chỉ với những album của nàng trên mạng2, Lệ Quyên là ca sĩ được nhiều người ưa thích hoặc quan tâm đến nhất hiên nay. Đó là điều không thể chối cãi. Nhưng Lệ Quyên là ai? Chất giọng và kỹ thuật hát của nàng có gì lạ, khiến nàng đạt được nhiều thành công như thế? Và sự kiện ấy, tự nó, nói lên điều gì, trong bối cảnh xã hội Việt Nam?.Đôi nét về hành trình một ca sĩ giàu cá tính
Lệ Quyên tên thật là Vũ Lệ Quyên sinh năm 1981 tại Hà Nội (trùng tên với một ca sĩ khác, sinh năm 1959 và đang định cư ở Pháp), trong một
gia đình 9 anh chị em, có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ đều là nghệ sĩ hát
chèo. Do có một thời gian vì hoàn cảnh kinh tế phải lên sống ở Thái Nguyên, Lệ
Quyên sau này đã từng gặp ý kiến, chủ yếu trên mạng, cho rằng nàng không “chính
gốc” Hà Thành và phát âm không đúng “chuẩn” xứ ngàn năm văn vật…Nàng bắt đầu sự nghiệp ca hát vào khoảng năm 2000, khi còn
theo học âm nhạc tại Đại học Văn hóa Hà Nội và đã có nhiều bước gian nan trong
buổi đầu.Điều đáng chú ý ở đây là Lệ Quyên không hề tránh né việc đề cập
đến thuở “hàn vi” của mình. Nàng thổ lộ3:“Khi không có danh phận thì chuyện bị bầu sô, chủ quán
mắng sa sả ngay trước mặt người khác là bình thường. Tủi nhục lắm, nhưng vẫn phải
cắn răng chịu. Có những hôm trời mưa như trút, hát xong, tôi vừa khóc vừa đội
mưa để về cho mau vì sợ gia đình lo.Song điều kinh khủng nhất của tôi ngày xưa hay bất kỳ một ca
sĩ nào trong vị thế hát lót đều đã từng gặp là bị khán giả đuổi xuống khỏi sân
khấu. Họ không chửi tôi hát dở mà vì họ không thích nghe tôi hát nữa, họ chỉ
thích xem “sao” hát thôi. Không ít người phũ phàng ném vỏ chai nước, quăng rác,
giấy và làm những hành động cực kỳ thiếu văn hóa. Vì vậy, tôi đồng cảm và rất
thương những người ca sĩ đang có bước khởi đầu như tôi trước kia, cái thuở lận
đận không danh phận, sức lao động bị bóc lột và danh dự bị coi thường”…“Hát lót”: chao ôi, ai đã tài tình nghĩ ra một từ độc đáo –
nếu không là độc địa – như thế, cho cái sứ mệnh nghề nghiệp bạc bẽo kia?!Nhờ Lệ Quyên mạnh dạn nói ra, ta mới biết thêm về những sự thật
đắng cay, mới hiểu thêm về tâm lý quần chúng! Cũng như về tâm tình sâu xa của
những nghệ sĩ phải nổi chìm với thân phận “kiếp cầm ca”:“Như tôi khi ấy làm gì có tiền để mua ca khúc hay, mà nếu có,
chưa chắc nhạc sĩ đã muốn giao sáng tác của họ cho mình. Thế nên ca sĩ trẻ tụi
tôi chỉ biết cover lại những bài hit của các ca sĩ tên tuổi. Khi ấy tôi là một
cái gì đó không rõ rệt, bài nào hay tôi hát và dù có trình bày tốt đến mấy đi
chăng nữa thì cũng vẫn chỉ là một ca sĩ ăn theo người ta. Lúc đó mong ước cháy
bỏng nhất của tôi là có được ca khúc cho riêng mình, để mà không phải là Phương
Thanh hay Mỹ Tâm, không bị người ta gọi là một bản sao ăn theo Thanh Thảo, Mỹ Lệ,
Cẩm Ly”...May thay, vào thời điểm 2004, Lệ Quyên đã làm một chọn lựa có
tính quyết định khi dám từ chối lời mời tham dự cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn mà khỏi
qua vòng loại, để tập trung ra album riêng “Giấc Mơ Có Thật” : tên tuổi nàng đã
thật sự nổi lên từ đó.Theo Wikipedia4, những ca khúc trong album này, “từ khi
phát hành cho đến năm 2008, đi đến đâu cũng nghe, từ quán cà phê, những trung
tâm thương mại, siêu thị cho đến các tiệm ăn bình dân, cửa hàng”. Hãy nghe
lời phát biểu thú vị sau đây từ chính nữ ca sĩ, về thành công vượt ngoài mong đợi
của album đầu tay:"Khi nghe lại các ca khúc trong Giấc Mơ Có Thật, Quyên tự
hỏi mình tại sao mình lại hát một cách ngô nghê, khờ khạo như vậy trong khi
mình có thể hát điêu luyện hơn, kĩ càng hơn. Nhưng Lệ Quyên nghĩ rằng khán giả
thích chính cái sự ngô nghê và khờ khạo đó và dang rộng vòng tay đón nhận ngay
kể từ album đầu tiên".Một cách lý giải rất khéo. Nhưng cũng có thể đó là một sự thật
thuộc lãnh vực… tâm lý quần chúng!Trong những năm tíếp theo, các CD khác mà Lệ Quyên phát hành
chủ yếu vẫn xoay quanh những sáng tác của nhạc sĩ trẻ, phần lớn thuộc thể loại
pop ballad với những giai điệu dễ dãi, mùi tai, những ca từ da diết, nhiều tâm
trạng.Rồi một bước ngoặt khác bỗng đến, với sự ra đời của album
Khúc Tình Xưa, đưa Lệ Quyên vượt thẳng lên vị trí ca sĩ đại chúng hàng đầu: một
thành tựu khá ý nghĩa, bởi nó hoàn toàn không do tình cờ mà là điểm gặp gỡ tất
yếu giữa một bên là ấp ủ nghệ thuật lâu năm của Lệ Quyên – theo lời ca sĩ5– cùng
tài năng diễn đạt của nàng, và bên kia là ngọn lửa lòng âm ỉ của cả một thế hệ
thích ngắm soi hoài niệm.Vài hình ảnh tiêu biểu trong loạt Albums Khúc Tình XưaMột cuộc gặp gỡ khác, rất” lịch sử” trong sự nghiệp âm nhạc Lệ
Quyên, cũng đã diễn ra với tác giả bản nhạc Tình Khúc Thứ Nhất: Vũ Thành
An quyết định trao cho nàng vai trò hát toàn bộ và làm người “giữ đền”
cho phiên bản chính thống những bài hát của nhạc sĩ, do chính ông xác nhận đã
“hiệu đính” lại sau bao năm tháng bị các ca sĩ tự ý sửa lời lẫn… nhạc. Album
Vùng Tóc Nhớ ra đời, theo sau là hai liveshow hoành tráng vinh danh những Bài
Không Tên vào cuối năm 2014 và cuối hè 2015 tại nhà hát Hoà Bình.”Nữ hoàng nhạc xưa” bỗng chốc được đăng quang trên nền lời
khen tặng rất… Vũ Thành An của người nhạc sĩ vốn được mến mộ, mà phong cách nghệ
thuật và nhất là hành động ngoài đời6 có thể nói gợi nhiều đến chất “tâm
linh” nhất:“Mỗi thời đại trời sinh ra những nghệ sĩ vừa đẹp vừa có tài để
đem lại niềm vui cho mọi người. Tôi đã nghe rất nhiều ca sĩ hát những bài hát của
mình, và mỗi người đều có một thế giới riêng để truyền tải cảm xúc. Lệ Quyên là
một vóc dáng hiếm quý. Ở Lệ Quyên, tôi thấy được một nét đẹp và giọng hát hiện
đại nhưng đâu đó vẫn lẩn khuất sự chia sẻ giữa tình người muôn thuở” 4Vài điểm đặc trưng của một giọng ca quyến rũLệ Quyên có giọng dày Trời cho, là ưu điểm tuyệt đối
để làm ca sĩ.Nhiều người khác tuy giọng không mỏng mấy, cũng là nữ trầm,
cũng khàn khàn như nàng, nhưng không hát thành công bằng. Hơi nàng ngắn, âm vực
(tessiture) không rộng, âm sắc (timbre) không có gì ngoại hạng. Thế thì bí quyết
thành công của Lệ Quyên nằm ở đâu?Theo thiển ý, về cơ bản, Lệ Quyên biết xử lý thông minh mọi
khả năng nhả chữ dành cho nhạc nhẹ để tạo màu sắc cho tiếng ca. Nói như Vũ
Thành An, giọng nàng hiện đại: từ cách hát tách chữ (staccato) sống
động thay cho cách hát liền chữ (legato) thường thấy, hát “ bỏ nhỏ” – nhẹ
hoặc cực nhẹ (pianissimo) – cho đến cách tạo độ căng và sức năng động bằng
sự thay đổi nhịp điệu bài hát (là điều mà nhiều ca sĩ Việt Nam dường như không
mấy quan tâm). Cộng thêm với những chủ bài khác như lối phát âm thảng thốt, nồng
nàn và kỹ thuật rung như gió thoảng hơi bay…Minh họa cho những điều này có lẽ là bài Nửa Hồn Thương Đau7 chẳng
hạn, hoặc các bài trong album Tình Khúc Yêu Thương8, là những nhạc phẩm trong
đó tài năng và sự tinh tế, óc thẩm mỹ của người hát được lộ rõ trong từng chi
tiết một: cảm xúc dồn nén qua hơi thở hoặc giọng cổ thì thào, khi ướt, khi
khô, khi tắt nghẹn, khi cao trào, nhưng hình như lúc nào cũng để lại một dư vị,
một chút gì để nhớ, nếu không phải là chính ý tưởng trung tâm của tác phẩm, những
sâu lắng tư duy.Trước Lệ Quyên đã có nhiều giọng hát tầm cỡ thể hiện rồi, những
bài hát đã trở thành quá “kinh điển” đó: trong thí dụ vừa nêu, ngoài tuyệt tác
của Phạm Đình Chương, những bài nổi tiếng như Hoa Sữa (Hồng Đăng), Nỗi Nhớ Mùa
Đông/ Lãng Đãng Mùa Đông Hà Nội (Phú Quang), Xa Rồi Mùa Đông (Kim Tuấn), đều đã
được nhiều danh ca để dấu ấn sâu đậm trong lòng người. Thế mà Lệ Quyên, với niềm
tự tin tuổi trẻ đáng quý, đã dám chọn trình bày lại. Và ở đây, nàng đã thuyết
phục.Mặt khác, Lệ Quyên còn làm sống lại nhiều bài “Boléro” vang
bóng một thời, đem lại cho nàng những thành công to lớn bất ngờ. Song, để nhận
chân tài năng của nàng, thiết tưởng không thể chỉ dựa trên sự giản lược vào cái
nhãn ca sĩ nhạc “sến” hoặc nhạc xanh, vàng nào đấy. Bởi giá trị quyết định
chính là cái hồn ca sĩ đã thổi được vào tác phẩm.Nói về những sáng tác mới thuộc dòng nhạc trẻ trong album Nếu
Như Ngày Đó, Lệ Quyên cho biết: “Tôi rất xúc động khi thu âm […] và như
tìm thấy được chính mình trong từng câu chữ. Những tình cảm riêng tư nhất tôi vẫn
cất giấu cho riêng mình nay được sẻ chia trong không gian âm nhạc của riêng
mình.” 9Về những nhạc phẩm cũ trong Khúc Tình Xưa, nàng chia sẻ: “Ý tưởng thực hiện album này đã được ấp ủ từ rất lâu nhưng đến tận bây
giờ, Quyên mới cảm thấy mình đủ độ “bản lĩnh” để hoàn thành và giới
thiệu đến khán giả. Được tiếp xúc với nhạc xưa từ năm 12 tuổi nên những tình
khúc nổi tiếng này đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một niềm đam mê mãnh liệt
của Quyên. Thế nên chắc chắn không có chuyện Quyên đang chạy theo
trào lưu hát nhạc xưa của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay”.5Độ chín trong tiếng hát của Lệ Quyên chắc bắt nguồn từ đó. Và
ta dễ cảm nhận ngay cái hương sắc vô hình tế nhị ấy, qua mỗi ca từ, mà
khi cất lên sẽ như một tín hiệu gói ghém những nỗi niềm, để tai nghe
nắm bắt trên cùng tần số. Vai trò của người thể hiện nghệ thuật hát hoặc kịch
nói là thế. Tầm quan trọng đặc biệt của lời nói so với chữ viết là
thế. Như đã từng được Aristote (384-322 tr.Công Nguyên) nêu lên trong tác phẩm De
L’interprétation,cách đây 24 thế kỷ:«Les sons émis par la voix sont les symboles des états
de l'âme, et les mots écrits les symboles des mots émis par la voix (xin tạm dịch: Tiếng nói
ra là biểu tượng của tâm trạng, còn tiếng viết ra là biểu tượng
của tiếng được phát âm)».10Ít ai sở hữu được như Lệ Quyên cách lột tả, qua gam màu phong
phú của giọng ca, những tâm trạng chất chứa trong tác phẩm: nàng “hát như
trút hết tâm can của một người phụ nữ”4. Một phụ nữ “đa đoan”11 như chính
ca sĩ đã có lần tâm sự...Nói như vậy không có nghĩa là Lệ Quyên tự mãn với những gì đã
có. Cho đến giờ, nàng luôn tỏ ra có ý thức về những bước tiến phải làm. Chẳng hạn,
nếu lấy lại ví dụ bài Lãng Đãng Mùa Đông Hà Nội ở trên, nàng đã đổi cách hát
trong CD đó so với phiên bản cũ12, chủ động nén giọng ở nhiều chỗ thay vì phô
trương lực hát khỏe tự nhiên, hoặc dùng giọng “óc”(tiếng chuyên môn gọi là giọng
đầu [voix de tête]) thay vì giọng ngực (voix de poitrine) cho những nốt cao. Kỹ
thuật này, trong một chừng mực nào đó, dường như nàng đã sử dụng theo phong
cách các ca sĩ nổi tiếng thế giới như Lara Fabian13 chẳng hạn, mặc dù Lệ
Quyên không có cùng quãng giọng lẫn chiều kích kịch tính…Khi hát những Bài Không Tên, Lệ Quyên tự biết là chưa đạt14.
Nàng thành thật tuyên bố: “Tôi nghĩ mình cần thêm thời gian để tìm hiểu kỹ
hơn và ngấm hơn âm nhạc của Vũ Thành An”.Đó là một điểm son chứng tỏ Lệ Quyên biết tự đánh giá mình.
Song, có những giới hạn dường như rất khó vượt qua, ngay cả đối với người giàu
ý chí nhất.Từ “Ảo ảnh Thanh Thúy” đến hiện tượng nhạc xưa:có chăng một “ảo giác Lệ Quyên”?Khi nghe Lệ Quyên hát những bài như Mưa Nửa Đêm15, Nửa Đêm
Ngoài Phố16, người ta dễ liên tưởng đến Thanh Thúy, “nữ hoàng điệu boléro”
của một thời.Thanh Thúy là một thứ thần tượng của công chúng, là “nàng
Thơ” gợi hứng cho nguyên cả một lớp những nhà sáng tác văn thơ, âm nhạc và điện
ảnh, được ngợi ca bởi nhiều văn nghệ sĩ, trí thức Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ17.
Thậm chí, nàng còn được mơ tưởng tới như “người yêu trong mộng” theo cách nói của
Nguyên Sa18. Năm 1964, Nguyễn Văn Trung có viết một bài mang tựa đề “Ảo ảnh
Thanh Thuý”19 cho ta nhiều nhận xét sâu sắc và chất liệu thời đại, là điều
– tiếc thay – quá hiếm hoi trên văn đàn Việt Nam: cái nhìn với cảm quan xã
hội học.Nói về Thanh Thuý, Hồ Trường An – trong “Chân Dung Những Tiếng
Hát” vào cuối thập niên 1990 – cho rằng: “Cô là một nhà ảo thuật âm
thanh. Cô giỡn vọt âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, bỏ đứt nền nếp chân truyền trong
lối hát. Chính ở cách phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó cô thành công rực
rỡ”.Ta có thể không đồng ý với tác giả, nhưng lý giải này nghe có
vẻ khá gần với phân tích trên kia về nguyên nhân sức hút của Lệ Quyên. Tuy
nhiên, sự tương tự giữa hai “sao”, nếu có, cũng chỉ dừng ở đó.Bởi lẽ, trước hết, hãy xem Nguyễn Văn Trung mô tả về “tiếng
hát khói sương”20 ấy như thế nào:“Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng
làm ra vẻ không chú ý đến khán giả, không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng
cử chỉ nụ cười, cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò,
tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn vào khán giả. Lúc hát không làm một
cử động nào, hai tay luôn luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất
hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không
cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất
cả.” (Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.148)Đúng là chẳng có chút gì giống với Lệ Quyên bây giờ, mặc dù
ta đã kể tới yếu tố khác biệt vốn có giữa hai thời điểm cách nhau cả nửa thế kỷ.Nhưng chưa hết, tác giả còn cho thấy những nét sâu hơn:“Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn
bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy bị lôi kéo về
một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt những
hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê, đồng
ruộng, với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa
phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định… Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn đó.” (Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.149)Vị giáo sư Triết nổi tiếng ở Miền Nam chúng ta đã làm nhiệm vụ
đáng quý của một triết gia: ghi lại và giải mã cuộc sống, đặc biệt trong lãnh
vực văn nghệ, với tư cách một nhân chứng tư duy.Và những lý giải của ông cũng vẫn còn hiệu lực, kéo ta về với
thực tại hôm nay, trước trào lưu mê nhạc “sến”, nhạc vàng.Thực tế đó là gì? Xin hãy bắt đầu bằng quan sát hiện tượng4:Màn Một: «Lệ Quyên thực hiện liveshow đầu tiên
trong sự nghiệp của mình tại Nhà Hát Thành Phố vào ngày 25 tháng 12 năm
2011 với chủ đề Khúc Tình Xưa 2 – Trả lại thời
gian [...], vé của liveshow đã bán hết trước ngày công diễn cả tuần. Nhiều
người vì biết thông tin muộn nhưng vẫn đến cổng Nhà hát Thành phố với hi vọng sẽ
mua được vé từ các "phe vé" hoặc những người bận không đi được...»Màn Hai: «Ngày 26 tháng 10 năm 2013, Lệ
Quyên chính thức phát hành vé liveshow tại cả Sài Gòn và Hà Nội, tuy trong
thời điểm khó khăn và giá vé kỷ lục (500.000-3.600.000 ở Sài Gòn và
800.000-3.900.000 ở Hà Nội) nhưng chỉ trong thời gian ngắn (1 tháng), toàn bộ
vé liveshow Q Show của Lệ Quyên đã được tẩu tán sạch sẽ.»Nhưng ngay cả thời gian trước đó, đã có người ghi nhận:«Vào tháng 8 năm 2010 hai ca sĩ mà tên tuổi gắn liền với
"nhạc sến", Hương Lan và Tuấn Vũ đã trình diễn những
bản nhạc vàng ở Nhà Hát Lớn Hà Nội nửa tháng trời với giá vé lên đến
1.700.000 đồng mà mỗi suất vẫn kín chỗ. Nhạc vàng theo nhận xét của nhạc
sĩ Trần Chí Phúc đã đi từ địa vị bị cấm đoán năm 1975 để rồi đến năm 2010 đã
"lên ngôi vua" ở giữa thủ đô Hà Nội.»21Chừng đó sự kiện, phải chăng, cũng đã đủ cho ta thử giải
thích hiện tượng: nhạc vàng thỏa đáp những khao khát được ru ấp, vỗ về, vốn
bị dồn nén, vùi dập bởi mấy chục năm chiến tranh, là một kiểu «tẩy chay»,
một dạng «đối trọng» hòa bình, trước ý thức hệ thống trị mà nhạc đỏ,
hay – đúng hơn – cái xác của nó, vẫn còn giữ vai trò đại diện, với tư cách một
giá trị chuẩn?Những gì Nguyễn Văn Trung nói về mối tương quan giữa khán
thính giả với nhạc Thanh Thúy chạm đúng lõi cốt vấn đề, và vẫn còn áp dụng cho
thời buổi Lệ Quyên: «... Người nghe hình như cũng không đòi hỏi hiểu
được lời ca vì cái cốt yếu là truyền cảm được nỗi buồn, bằng một giọng buồn và
thông cảm được điệu buồn, nỗi buồn không nội dung rõ rệt» (Nguyễn
Văn Trung, sđd, tr.150)Hóa ra, giữa nhạc vàng và thi ca cổ điển, giữa những Thanh Thúy, Lệ Quyên, Xuân Diệu, Bà Huyện Thanh Quan..., giữa vọng cổ, ca Huế, hò
đưa..., có một mẫu số chung vừa mang tính dân gian, dân tộc, vừa ngang tầm văn
học muôn thuở: mối sầu vạn cổ.«Hôm nay trời nhẹ lên cao«Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...» (Chiều, Xuân Diệu)Trong thực tế văn nghệ, có những nỗi buồn cũng mông lung
nhưng da diết hơn, làm nền cho cả một «tình tự mỹ học» và sâu đến độ
như muốn tra vấn cả lịch sử và tiềm thức dân tộc: một thứ tiếng vọng mơ hồ
như đến từ cõi những hồn hoang nào đó, những vết thương u uất chưa lành, sau
bao cuộc chiến chinh và chinh chiến.Ngược lại, cũng có nỗi buồn rất cụ thể, canh cánh bên lòng, ở
đây và bây giờ: sự bất lực trước thời cuộc.Những cái đó không hề là ngoài đề. Bởi vì, tất cả đều ít nhiều
ảnh hưởng lên thị hiếu và cách thưởng ngoạn của quần chúng. Bởi vì, chẳng hạn,
âm nhạc còn có tác dụng «tinh lọc» tâm hồn, hiểu theo thuật ngữ
Hy Lạp catharsis22 mà Aristote đã xác định, đặc biệt trong tác phẩm La
Politique của ông: nó làm dịu những căng thẳng, giải tỏa những dằn vặt.
Antonin Artaud (1896-1948)23 còn dữ dội, hiện đại, và đi xa hơn khi nêu ra
khái niệm «trừ tà» (exorcisme) của nghệ thuật cho con người, cho xã hội...Với ngần ấy những nhân tố cấu thành và tác động, trong không
gian văn nghệ «tái tê» hiện tại, hiện tượng thích nhạc «sến»,
nhạc xưa, nhất định không thể là ngẫu nhiên. Và nói cho cùng, phải trân trọng
nhận xét này của nhạc sĩ Võ Công Diên, là điều kiện để hiểu vì sao trên kia
Nguyễn Văn Trung nói Thanh Thúy gợi «những hình ảnh rung động, cảm
nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê, đồng ruộng»:«Nhạc vàng thực chất là dòng nhạc quê hương mang âm hưởng dân
ca các vùng miền Tổ quốc, nó rất gần gũi với tâm tình của người Việt Nam chúng
ta, do đó nó có sức cuốn hút đối với số đông».21Đặc biệt nếu muốn nhìn rộng hơn, thì riêng sự kiện thiên hạ
có lúc ùn ùn kéo nhau đi nghe nhạc cũ, dù ở Hà Nội hay Sài Gòn, còn có thể được
phân tích dưới góc độ «mô hình» tam giác của thuyết «Désir
mimétique»24 (nôm na Việt hoá là Ước muốn kiểu «ăn theo»): tôi
ao ước theo đúng cái mà «người kia» đã chọn, bởi người đứng
làm trung gian (médiation) đó chính là «khuôn mẫu» của tôi. René Girard, cha đẻ
của thuyết này, còn nói sâu hơn: «tout désir est désir
d’être» (xin tạm dịch: mọi ước muốn đều là ước muốn được tự tại)25.
Đó là sự ham muốn được vươn tới mức viên mãn thể tính (plénitude
ontologique) mà chủ thể tự gán cho khuôn mẫu thần tượng của mình, nói
chung. Trong trường hợp cụ thể của hiện tượng mê nhạc vàng ở đây, đó đồng
thời cũng là sự hội tụ hạnh phúc giữa nỗi khắc khoải u hoài và cái gu
thiên về quá khứ rất ư Việt nam hậu-75, nói riêng...Nhưng để làm sống lại không gian hoài cảm, phải đánh thức
«Nàng công chúa giữa rừng sâu» trong trí tưởng (l’imaginaire) mọi
người, phải phôi phục lại hình tượng và làm mới âm thanh, màu sắc, thể điệu của
nó: Lệ Quyên đã đáp đúng những chờ đợi đó.Thách thức của nàng bây giờ là tạo ra một huyền thoại mới. Việc
này đòi hỏi một nỗ lực phi thường. Lệ Quyên đã «bao sân» vùng nhạc
trẻ, nhạc vàng; do đó, sự chinh phục dòng nhạc lãng mạn «đẳng cấp» là bậc
thang cuối cùng trong lô-gic chiếm lĩnh trọn vẹn đài danh vọng.Nhưng nhạc Vũ Thành An không phải là nhạc Phú Quang, Phạm
Đình Chương, Nguyễn Văn Thương..., nên tiếc thay nàng chưa «nhập
vai» đến mức trở thành hiện thân da thịt (incarnation charnelle) của nó,
và do đó chưa thuyết phục được khách sành điệu:«... nhiều ý kiến cho rằng, giọng hát nức nở của lệ
Quyên không hợp, thậm chí làm mất đi nét đẹp ca từ trong nhạc của Vũ Thành An.
Và dù rằng nhạc tình của Vũ Thành An rất buồn nhưng nó không bi lụy và thảm
thương như những gì nữ ca sĩ Hà Thành thể hiện. Thậm chí, rất nhiều khán giả
khó tính cho rằng, chất giọng được đẩy nhanh ở các nốt cao, và cách xử lý nốt
thấp trong hầu như 8 tác phẩm Không tên của Vũ Thành An bị "dứt đoạn"
không mềm mại mượt mà như vốn dĩ trước đó khán giả từng quen nghe».26Người xem thì có thể, nhưng người nghe ít khi nhầm: Lệ
Quyên hát sai nốt nhạc khá nhiều chỗ, đặc biệt những nốt trầm trong Bài Không
Tên Số 627chẳng hạn. Giọng nàng đậm đặc cảm xúc thật, nhưng cách xử lý có khi
quá trắc trở – thậm chí có thể gây mệt –, thiếu chiều cao tâm linh và sự
thanh thoát để chuyển tải tinh túy tác phẩm Vũ Thành An.Thêm vào đó, có những dấu hiệu đáng lo ngại: giọng nàng
trở nên khàn hơn trước và, gần đây, khi hát trực tiếp trên đài truyền hình28 hoặc
trước công chúng29, có nhiều chỗ phản thành tích (contre-performance), kém hẳn
so với các CD. Nghĩa là ngược hẳn với những ca sĩ tài năng, thường dễ xuất thần,
lập kỷ lục về quãng giọng cũng như về lối ca đẹp khi hát «phiêu» ở ngoài phòng
thu.30Có lẽ Lệ Quyên không mơ hồ về khả năng của mình. Nàng đã từng
tỏ rõ thiện chí, sau album Vùng Tóc Nhớ: “Xét về tuổi đời, tuổi nghề, tôi
thấy mình vẫn còn trẻ nên luôn để ý lắng nghe những ý kiến khen-chê, cả nhắc nhở
nhẹ nhàng lẫn góp ý thẳng thừng. Có thể, tôi cần có thêm thời gian để thể hiện
lại cho tốt hơn.”14Lệ Quyên được may mắn nhiều mặt nhưng cũng thiếu nhiều mặt.
Chẳng hạn, xem cách nàng thể hiện31 tuyệt phẩm Cô Đơn của Nguyễn Ánh 9, so
với phiên bản Trần Thu Hà thu khi còn ở đỉnh phong độ32 thì, khách quan mà
xét theo tiêu chuẩn hàn lâm về thanh nhạc, Lệ Quyên thua xa. Gần đây hơn, nếu
được nghe Hương Trà hát live33, thính giả sẽ dễ thấy rằng Lệ Quyên, trên cùng một
bài,34 khó lòng sánh nổi với cô đồng nghiệp trẻ măng có chất giọng thiên
phú này.Nói chi đến Thanh Thúy, «huyền thoại không bao giờ lặp
lại35» của nhiều thế hệ!Đó là những sự thực vỡ oà trước mắt, chắn chắn không đơn giản
cho Lệ Quyên. Nhưng, nghệ thuật chân chính có bao giờ xây trên may rủi?
Có sáng tạo nào lại không trả bằng giá của tim óc, mồ hôi?Đối mặt với nghịch cảnh, may thay, Lệ Quyên vẫn còn có những
chủ bài và hấp lực nhất định, vẫn khiến nhiều người phải thú nhận đã «nghiện»36 lối
hát của nàng. Mặt khác, chỉ riêng việc Lệ Quyên chấp nhận thách đố, trở thành
ca sĩ đầu tiên hát «một lèo» 10 tình khúc Vũ Thành An trong một album26,
cũng là đáng khen.Mikel Dufrenne có nói: «Le critère de la véracité
esthétique, c'est l'authenticité»37 (xin tạm dịch: Tiêu
chuẩn của chân lý mỹ học là sự đích thực). Cho nên, bao lâu Lệ Quyên còn
biết nghiêm khắc, chặt chẽ (rigoureuse) với chính mình38, trau dồi, học hỏi để
khắc phục những hạn chế và nhất là tạo được cái riêng nổi bật, thì vẻ ngời sáng
trên khuôn mặt và đôi mắt đầy biểu cảm của nàng – như trong hình cạnh
đây – sẽ không phải chỉ là... ảo giác.
Nghệ thuật, khi đạt, thường cho ta những phút giây hạnh phúc
dẫu có phù du, hư ảo.
Như lằn chớp trong chiều mưa, như bong bóng phập phồng trên bề
mặt cuộc đời, thực tại có lúc vỡ tung theo cảm xúc, như cảm nhận tột cùng của một
Hoàng Trúc Ly trước một Thanh Thúy ngày nào:
«... Sợi buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa» (Sầu Ca Sĩ)
Lệ Quyên không thể có một Hoàng Trúc Ly cho mình:
nàng không là «người trong mộng» của trí thức thập niên 2010.
Thanh Thúy thời ấy đã được xem là một ảo ảnh, nghĩa là một
đối tượng ước muốn – như nước với khách lữ hành trong sa mạc –, bài hát chỉ
là cái cớ «trung gian», theo ý nghĩa thuyết lý của René Girard. Còn
Lệ Quyên, cho đến thời điểm này, vẫn chỉ là một trung gian : chính bài hát
mới là đối tượng ước muốn thực sự của công chúng. Và những thực tại mà tiếng
hát nàng vinh danh cũng chỉ là những thực tại được tái hiện trong ký ức:
nó oà vỡ trước thực tế.
Thực tế đó tàn ác, đầy băng hoại và âu lo.Chính thế, trong phút giây diễm phúc, cái Đẹp vụt đến như một
sự cứu rỗi: nó là «sự phủ định những đắng cay đau khổ, những thể nghiệm
không may trong mỗi phận đời. Là bến hẹn cuối cùng của nhân tính đam mê,
khi mọi thành trì niềm tin đều sụp đổ». 39
Vì vậy, bao lâu Lệ Quyên còn gợi mời mỹ cảm – như
Thanh Thúy, ở một thời không xa –, tiếng hát đó vẫn sẽ vang vọng bay cao.
Để khỏa lấp hư vô. Để dịch chuyển điêu tàn.
Chú thích:1/ Lệ Quyên đổi mới mình để hát nhạc Vũ Thành An, http://www.nguoidothi.vn/.
2/ https://www.youtube.com/3/ Lệ Quyên: 'Tôi từng bị khán giả đuổi xuống sân khấu!', http://news.zing.vn/.
4/ https://vi.wikipedia.org/.5/ http://kenh14.vn/musik/.
6/ https://vi.wikipedia.org/.
7/ Nửa Hồn Thương Đau, http://mp3.zing.vn/
8/ Tình Khúc Yêu Thương,
http://www.nhaccuatui.com/
9/ http://www.baomoi.com/.
10/ http://www.echosdumaquis.com/.
11/ Lệ Quyên: Cuộc sống thiếu ngọt ngào do tôi quá đa
đoan,
http://thethaovanhoa.vn/.
12/ Mời so sánh giữa các phiên bản (đặc biệt với cả Mỹ Linh
và Trần Thu Hà) để thấy sự khác biệt: http://lyric.tkaraoke.com/.
14/ http://laodong.com.vn/.15/ Bài thứ 5 (ở phút 19:22) trong loạt bài trên CD đã dẫn ở
chú thích số 2/: https://www.youtube.com/
16/ Lệ Quyên, Nửa Đêm Ngoài Phố, https://www.youtube.com/17/ Nguyễn Việt, Thanh Thúy “TIẾNG HÁT LIÊU TRAI” ngày xưa và bây giờ, https://cafevannghe.wordpress.com/
18/ Vương Trùng Dương , Thanh Thúy, Liêu Trai Hòa Nhập,
http://khanhly.net/
... Nguyên Sa viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi
ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà
thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy, triết gia Nguyễn Văn Trung. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà
thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông
trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành... Trịnh Công Sơn những
ngày đầu đời đã viết Ướt Mi cho Thanh Thúy”.
19/ Nguyễn văn Trung, Ảo ảnh Thanh Thúy (đăng lần đầu
dưới bút danh Hoàng Thái Linh trên tạp chí Hành Trình số 1, 1964), Nhận Định
IV, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn (1970)
20/ Hà Đình Nguyên, Những bóng hồng trong thơ nhạc:
"Thúy đã đi rồi", http://thanhnien.vn/.
Nhà thơ Vũ Hối, đã viết tặng Thanh Thúy: «Liêu
trai tiếng hát khói sương/ Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình...
21/ https://vi.wikipedia.org/.
22/ Theo https://fr.wikipedia.org/. Xem
thêm về ý nghĩa mỹ học của hai khái niệm Mimêsis và Catharsis ở Chân Dung Cái Đẹp
II; http://www.vanchuongviet.org/.
23/ Xem thêm ở https://fr.wikipedia.org/.24/ Xem thêm ở : https://fr.wikipedia.org/.
25/ René Girard, Quand ces choses commenceront, Arlea, tr. 28.
26/ http://motthegioi.vn/.
27/ http://www.chacha.vn/.
28/ http://thegioivanhoa.sunflower.vn/.
29/ https://www.youtube.com/watch?v=OFAcB8AvUoA: cùng là
bài Nửa Hồn Thương Đau nhưng phiên bản quay vidéo live này có nhiều khuyết điểm
so với phiên bản CD!
30/ Điển hình là Whitney Houston (xem về giọng nàng ởhttp://nhathanhdl.blogspot.com/
->”cùng một ca khúc nhưng live 100 lần thì là 100 phiên bản
khác nhau, khiến đa số mọi người đều thích thú tìm nghe các bản live của cô hơn
là bản thu âm studio đã nghe mòn tai”
31/ Lệ Quyên, Cô Đơn, https://www.youtube.com/32/ Trần Thu Hà, Cô Đơn, https://vi.wikipedia.org/.
33/ Hương Tràm, Nếu em được lựa chọn,
hoặc, dưới một góc thu hình khác, ở
https://www.youtube.com/watch?v=idrr8PgPzI0&index=2&list=RDYqX0KtltSiQ
34/ Lệ Quyên, Nếu em được lựa chọn, https://www.youtube.com/
35/ Thiên Ca, TRỊNH CÔNG SƠN VÀ ẢO ẢNH Thanh Thúy, http://nguyentrongtao.info/.
36/ http://dantri.com.vn/.37/ Mikel Dufrenne, Esthétique et philosophie, Klincksieck,
Paris, 1967, tr.26
38/ «Ông hoàng» hát nhạc thính phòng (đặc biệt là
những lieder) của châu Âu (và có lẽ cả thế giới) Dietrich Fischer-Dieskau đã
từng đơn phương lấy quyết định ngưng sự nghiệp ca hát, đang lúc còn ở
tột đỉnh vinh quang, ngay sau khi ông tự nhận ra giọng minh không được tốt
nữa: một bài học đáng suy ngẫm cho rất nhiều ca sĩ nổi danh khắp nơi,
trong đó có những «huyền thoại» của sân khấu Việt Nam...
39/ Bùi Đức Hào, Cái Đẹp như thách thức trong Văn
Nghệ và Triết Học, http://www.vanchuongviet.org/.
15/12/2015Bùi Đức Hào
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét