Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Vai trò của diễn ngôn trong nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử

Vai trò của diễn ngôn trong
nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử

Đứng trước truyền thống mĩ học đề cao giá trị hiện thực, các tác phẩm tự sự lịch sử ở nước ta không tránh khỏi cái nhìn đối chiếu văn – sử từ phía người đọc. Một số tác phẩm thổi bùng lên những cuộc tranh luận gay gắt. Đáng chú ý nhất là cuộc tranh luận cuối thập niên 1980 về ba truyện lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp. Nội dung cuộc tranh luận chia thành hai luồng ý kiến.
1. Từ sau năm 1986 và đặc biệt trong khoảng hai thập niên gần đây, dòng tiểu thuyết lịch sử nở rộ với nhiều tác phẩm thú vị, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, trở thành đối tượng khảo sát của nhiều nhà nghiên cứu. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết các ý kiến tranh luận cũng như những công trình nghiên cứu quy mô đều mổ xẻ, đánh giá tiểu thuyết lịch sử dưới ánh sáng của phản ánh luận marxist truyền thống Xô-viết. Tiếp cận tác phẩm dưới ánh sáng lí thuyết phản ánh tất yếu phải đặt ra vấn đề hiện thực, tức là đi vào giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa sử thực và hư cấu, phạm vi và quyền hạn sáng tạo của nhà văn.
Đứng trước truyền thống mĩ học đề cao giá trị hiện thực, các tác phẩm tự sự lịch sử ở nước ta không tránh khỏi cái nhìn đối chiếu văn – sử từ phía người đọc. Một số tác phẩm thổi bùng lên những cuộc tranh luận gay gắt. Đáng chú ý nhất là cuộc tranh luận cuối thập niên 80 về ba truyện lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp. Nội dung cuộc tranh luận chia thành hai luồng ý kiến. Một số phản bác gay gắt sáng tạo của nhà văn, xem đấy là những truyện “chứa không ít sai lầm, lệch lạc” khi xây dựng những chi tiết hư cấu về anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hoán đổi vai trò lịch sử của Nguyễn Du, Nguyễn Ánh. Những cuộc tranh luận tương tự lại diễn ra với tiểu thuyết Hội thề (2010) của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Nhà phê bình Lê Thành Nghị, trong bài “Hội thề” – lịch sử và tiểu thuyết, cho rằng nhà văn có quyền sáng tạo tác phẩm nghệ thuật để lấp đầy “những trang trắng của lịch sử”. Nhà phê bình Hoài Nam, trong bài “Hội thề”, một cái nhìn giải minh lịch sử, cũng cho rằng thành công của cuốn tiểu thuyết nằm ở chỗ tác giả chọn đúng khoảnh khắc lịch sử để phóng trí tưởng tượng của mình giải minh lịch sử, kích thích người đọc hứng thú tìm tòi, suy ngẫm về các khả năng quá khứ và tương lai. Các nhà văn Hà Văn Thùy, Trần Mạnh Hảo, Phạm Viết Đào và nhiều người khác phản đối quan niệm nói trên. Theo họ, viết Hội thề, Nguyễn Quang Thân đã khiếm khuyết ở nhiều thông tin sử liệu, hơn hết là đã làm “sai lệch tinh thần” (ý kiến của Hà Văn Thùy), “sai lệch bản chất sự thật” (ý kiến Trần Mạnh Hảo) lịch sử thời hậu Lê. Cơ sở sự thật mà những người phản đối Hội thề đưa ra là tinh thần đoàn kết chiến đấu, thiện chiến nhưng nhân nghĩa của tướng lĩnh Lam Sơn trong Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo.
Có thể thấy công chúng và giới chuyên môn quan tâm luận bàn chủ yếu quanh vấn đề sử thực và hư cấu. Ở vị trí người sáng tạo, các nhà văn bày tỏ quan điểm của mình qua các cuộc phỏng vấn, bài viết tranh luận. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Thái Vũ ủng hộ quan điểm hư cấu nghệ thuật nhưng cần đảm bảo tính chân thật, không bịa đặt làm méo mó tinh thần lịch sử. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn giải phóng (ngày 25.8.2013), khẳng định: “Sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử đáng tin cậy hơn vì nó được giải mã, nó có cuộc sống. Sự thật lịch sử trong lịch sử chỉ là những tín hiệu chứa đựng những thông tin vô cảm. Nhưng trong tiểu thuyết lịch sử nó lại sống động”. Điều này cũng có nghĩa, vai trò phục dựng quá khứ của nhà văn có thể đạt vị trí cao hơn nhà lịch sử. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ: Bản chất của tiểu thuyết là hư cấu; đối với đề tài lịch sử, nhà văn dùng đặc quyền hư cấu để thể hiện những khả năng có thể xảy ra. Nhà văn Nguyễn Quang Thân, trong bài Đọc tiểu thuyết lịch sử để lấy lại niềm tin, đề cao vai trò hư cấu cũng như tư duy sắc sảo của người viết trong đề tài lịch sử: “Những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay không cung cấp sử liệu, sử cứ mà cho độc giả một cái nhìn, một cách sống, một hướng đi được kiểm chứng qua lịch sử”.
Vấn đề sử thực và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử thu hút sự quan tâm, luận bàn của nhiều nhà nghiên cứu. Đáng chú ý là quan điểm của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài viết Lịch sử và tiểu thuyết lịch sử, khẳng định “lịch sử thực chất cũng chỉ là một thứ diễn ngôn”. Ông tán đồng quan điểm của các lí thuyết gia tân lịch sử, cho rằng “sự thật lịch sử là một khái niệm ẩn dụ, mang tính chủ quan” mà nhà văn thông qua hình thức biểu đạt nghệ thuật kết nối vấn đề của quá khứ với con người và xã hội đương đại. Nhìn lại chặng đường văn học đổi mới, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân, trong bài Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại: phác họa một số xu hướng chủ yếu, cho rằng: “Tiểu thuyết lịch sử phải căn cứ vào sự kiện và nhân vật có thật, cho nên dù có hư cấu thì cũng chỉ có thể tạo ra các sự kiện giống như “chất phụ gia”, cho lịch sử chứ không thể làm sai lệch lịch sử”. Chính vì thế, “hư cấu của tiểu thuyết lịch sử phải có giới hạn”, “không được phép mâu thuẫn với logic của các sự kiện và cốt truyện lịch sử” và “phải lấy tính chính xác làm yếu tố nòng cốt”. Bởi “sự thiếu chính xác có thể sẽ dẫn đến những đánh giá sai lệch và những suy diễn chủ quan, làm cho người đọc hiểu sai lịch sử”.
Tóm lại, trong giới nghiên cứu ở ta tồn tại hai quan niệm về vấn đề sử thực và hư cấu, tương ứng với hai hướng đánh giá giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết lịch sử. Hướng thứ nhất đề cao tính chân thật lịch sử, đòi hỏi tác phẩm văn học tuân thủ nghiêm ngặt sự chính xác thông tin về nhân vật, sự kiện và tinh thần thời đại vốn được lưu trong sử sách chính thống. Điều này đồng nghĩa với quyền sáng tạo của nhà văn bị giới hạn. Hướng thứ hai đề cao yếu tố hư cấu và nghệ thuật tự sự mang lại cho tác phẩm tính hấp dẫn cùng những tầng nghĩa mới mẻ, sâu sắc về con người và đời sống. Những người theo quan điểm này loại ra khỏi quỹ đạo nghiên cứu tự sự lịch sử những tác phẩm “lịch sử hóa” tiểu thuyết hay giáo huấn lịch sử, vì cho rằng chúng không có đóng góp đáng kể thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật, thậm chí chưa thể được coi là tác phẩm văn chương. Trong quan niệm này, chân lí nghệ thuật được đề cao, yếu tố hư cấu đi cùng sự thay đổi phương thức tự sự và sự dịch chuyển vị trí trung tâm ý nghĩa (con người cá nhân) được đánh giá như là bước tiến bộ vượt bậc của nghệ thuật tự sự hiện đại. Nói cách khác, dù đề cao hư cấu hay đề cao sử thực đều là những biểu hiện của tư duy “đơn trị”, tuyệt đối hóa một chân lí, một tri thức (lịch sử hoặc nghệ thuật).
Những tranh luận về chúng sẽ kéo dài vô tận, không có hồi kết. Thực tiễn phát triển văn học đòi hỏi được tiếp cận dưới ánh sáng của mô hình tư duy khác: mô hình của cái đa bội, trong đó có lí thuyết diễn ngôn.
2. Quan niệm diễn ngôn đã được đề xuất từ rất sớm. Người đầu tiên đề cập đến diễn ngôn là M. Bakhtin. Tuy không sử dụng chính thức thuật ngữ “diễn ngôn” (discourse) nhưng vấn đề ông đặt ra về lời nói mang nội hàm của thuật ngữ “diễn ngôn” sau này, thậm chí có thể nói chính M. Bakhtin đã truyền cảm hứng cho các lí thuyết gia diễn ngôn theo hướng xã hội học. Ngày nay, lí thuyết diễn ngôn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn. Mỗi lĩnh vực tiếp cận diễn ngôn theo hướng riêng. Có nhiều hướng tiếp cận diễn ngôn văn học. Chúng tôi đặc biệt quan tâm hướng tiếp cận phong cách học thể loại của M. Bakhtin và các nhà tự sự học ứng dụng Nga.
Từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỉ trước, M. Bakhtin đã đề cập đến vấn đề “lời nói” (tức diễn ngôn) như là một thực thể độc lập, đối lập với ngôn ngữ. Trong tiểu luận Vấn đề các thể loại lời nói (in trong Mĩ học sáng tạo ngôn từ, 1979), M. Bakhtin lí giải: Ngôn ngữ (hệ thống kí hiệu toàn dân) đi vào đời sống thực tiễn qua hành vi phát ngôn. Phát ngôn là “đơn vị thực tế” của giao tiếp lời nói. Cấu trúc của phát ngôn có ba đặc điểm. Thứ nhất, tính ranh giới rạch ròi: dấu hiệu mở đầu và kết thúc tạo khung cho phát ngôn đồng thời xác định sự thay đổi chủ thể lời nói. Thứ hai, tính đối thoại nội tại: thể hiện tinh thần chủ động, tích cực của chủ thể lời nói qua việc cấu trúc phát ngôn như một chỉnh thể hồi đáp có lường trước phản ứng của người nghe. Thứ ba, tính chỉnh thể hoàn kết: thể hiện ở tính cạn kiệt về ý nghĩa sự vật, ý đồ người nói (mời chào, hối thúc hồi đáp) và hình thức kết cấu – thể loại của phát ngôn. M. Bakhtin nhấn mạnh, phát ngôn nào cũng thuộc về một “thể loại lời nói” nào đó, trong một phạm vi sử dụng ngôn ngữ nhất định. Khái niệm “thể loại” ở đây được hiểu như “những loại hình phát ngôn tương đối ổn định”, chịu sự chế định của ba yếu tố: nội dung chủ đề, phong cách và tổ chức kết cấu. Thể loại lời nói rất phong phú, đa dạng. Ông phân biệt hai thể: nguyên sinh (gốc) và phái sinh. Thể nguyên sinh là những lời nói đơn giản trong sinh hoạt thường nhật, ra đời trong điều kiện giao tiếp trực tiếp. Thể phái sinh là lời tư tưởng hệ, ra đời trong điều kiện giao tiếp phức tạp. Văn học là lời phái sinh. Mỗi tác phẩm là một phát ngôn, một diễn ngôn hoàn chỉnh. Lí thuyết thể loại là di sản quan trọng bậc nhất của M. Bakhtin đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu diễn ngôn văn học. Bằng việc xác định thể loại văn học mang bản chất lời nói, ông đã chuyển trọng tâm nghiên cứu diễn ngôn văn học từ hệ thống cấu trúc bề mặt sang hệ thống cấu trúc chiều sâu.
Nói chung, ở “bước ngoặt diễn ngôn”, thế giới được nhìn nhận không phải là thực thể khách quan, độc lập, bất biến, mà như là cái được kiến tạo trong quan hệ giao tiếp năng động. Nghiên cứu văn học dưới ánh sáng của lí thuyết diễn ngôn, trong đó diễn ngôn trần thuật ở vị trí trung tâm, là đặt tác phẩm trong quan hệ giao tiếp, xem hành vi giao tiếp là tiến trình diễn ra đồng thời ở nhiều cấp độ, xem đối tượng tham chiếu thuộc về ý đồ phát ngôn, và nhìn bức tranh thế giới không ngoài bản chất cái được kiến tạo.
3.Trong kỉ nguyên hậu hiện đại, khoa học bác bỏ mối quan hệ có tính chất mô phỏng giữa biểu đạt và quy chiếu, giải phóng các hình thức biểu đạt ra khỏi thực tại. Nó thừa nhận thế giới hiện diện trước chúng ta chỉ là những diễn ngôn thấm đẫm tư tưởng hệ.
Trên tinh thần giải phóng các hình thức biểu đạt ra khỏi hiện thực quy chiếu, lí thuyết tân duy sử (new-historicism) bác bỏ quan niệm lịch sử là đối tượng thuần nhất mà ta có thể tiếp cận một cách trực tiếp và nguyên khối. Lịch sử, theo họ, là cái đa trị, liên tục biến đổi và được điều chỉnh theo những mục đích khác nhau. Hayden White, trong công trình Metahistory: The Historical Imagination in 19th-Century Europe, tước đi đặc quyền diễn giải quá khứ của khoa học lịch sử, xóa nhòa ranh giới giữ sử học và văn học. Theo ông chúng chia sẻ chung các cấu trúc tự sự, ý thức hệ và bản chất ngôn ngữ. Bằng cách so sánh việc tạo lập văn bản lịch sử và sáng tạo văn học, H. White khẳng định tác phẩm lịch sử là “một cấu trúc ngôn từ mang hình thức của diễn ngôn văn xuôi tự sự”.
Như vậy, lịch sử cũng chỉ là những biểu đạt về quá khứ và luôn có nhiều cách biểu đạt về một sự kiện quá khứ. Sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta đặt lên vai sử gia nhiệm vụ không tưởng: khám phá sự thật nguyên bản. Nghiên cứu của H. White có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không hạ bệ hay giới hạn vai trò của khoa học lịch sử với con người, mà đặt lại vai trò của sử gia: giải phóng con người ra khỏi “gánh nặng lịch sử”, giải phóng hiện tại ra khỏi quá khứ. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu của H. White cũng “giải phóng” sử học khỏi địa hạt của cái được gọi là sự thật tuyệt đối, trao quyền tự do diễn giải lịch sử cho nhiều lĩnh vực khác, trong đó có văn học.
Trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu, các lí thuyết văn học phương Tây được giới thiệu rộng rãi ở ta. Lí thuyết diễn ngôn tuy còn nhiều tranh cãi nhưng đã được một số nhà khoa học vận dụng nghiên cứu. Từ bức tranh chung về tình hình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử ở ta hiện nay, chúng tôi mạnh dạn phác họa những hình dung cần thiết trong nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử Việt Nam theo góc nhìn lí thuyết diễn ngôn, như một cách tìm tòi, tiếp bước những thành tựu khởi đầu của học giới.
Trước tiên, cần giới thuyết quan niệm diễn ngôn được sử dụng ở đây. Chúng tôi hiểu thuật ngữ “diễn ngôn” theo quan niệm của V.I. Chiupa trong công trình Tự sự học là khoa học phân tích diễn ngôn tự sự, cũng là quan niệm được các nhà phong cách học thể loại thống nhất. Theo đó, “Diễn ngôn (tiếng Pháp: discours – lời nói) là phát ngôn, hành động lời nói tạo sinh văn bản gồm người nghe bình đẳng với người nói và được xem là “sự kiện giao tiếp tương tác văn hóa xã hội” (Van Dijk) giữa chủ thể, khách thể và người tiếp nhận”.
Là hoạt động giao tiếp, tương tác diễn ngôn có thể diễn ra trực tiếp (khẩu ngữ), hoặc gián tiếp (văn viết). Trong văn viết, người đọc không xuất hiện cụ thể, trực diện mà được chủ thể diễn ngôn hình dung, ấn định vị thế tiếp nhận. Dù ở hình thức nào, cấu trúc giao tiếp của diễn ngôn cũng bức thiết sự tham gia đồng thời của ba yếu tố: người nói/người viết, người nghe/người đọc và đối tượng được nói đến/đối tượng tham chiếu. Ba yếu tố này không tồn tại độc lập. Chúng tương tác, chi phối chiến lược, cấu trúc và nội dung diễn ngôn.
Nghiên cứu diễn ngôn của V.I. Chiupa cho thấy có thể giải mã cấu trúc chiều sâu (cấu trúc thể loại) và nội dung diễn ngôn tiểu thuyết lịch sử từ bình diện của các thẩm quyền giao tiếp. Xuất phát từ bình diện chủ thể phát ngôn, người nghiên cứu có thể sử dụng lí thuyết thể nguồn để khám phá chiến lược giao tiếp từ đó giải mã thông điệp tác phẩm. Bức tranh thế giới được tiếp cận ở đây như cái biểu đạt của chiến lược giao tiếp. Xuất phát từ bình diện thẩm quyền cái được tham chiếu, người nghiên cứu cần khái quát bức tranh thế giới thành hệ chủ đề, lí giải cơ sở xây dựng hệ chủ đề bằng điểm tựa tạo nghĩa, điểm nhìn định giá, từ đó xác định bản chất thể loại của tác phẩm. Xuất phát từ bình diện thẩm quyền tiếp nhận, người nghiên cứu có thể đi từ hệ chủ đề, phân tích tương quan vị thế giữa chủ thể tiếp nhận và chủ thể phát ngôn. Vấn đề mặt nạ tu từ và bối cảnh thời đại (thiết chế văn hóa xã hội) cũng cần được xét đến, bởi chúng tham gia chi phối ý đồ phát ngôn của chủ thể và xu hướng tiếp nhận.
Với giải mã diễn ngôn tiểu thuyết lịch sử từ bình diện cái được tham chiếu, chúng ta có thể tiếp cận từ ba vấn đề lớn: hệ chủ đề, điểm nhìn định giá và bản chất thể loại. Trước hết, xác định hệ chủ đề bằng cách quan sát và phân tích bức tranh thế giới, mà thực chất là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Bản chất lịch sử là gì? Trong phân tích diễn ngôn, chúng ta hiểu bức tranh thế giới của tác phẩm không phải và không thể là thế giới thực, mà chỉ là mô hình về thế giới được xây dựng trên một điểm tựa tạo nghĩa nhất định do nhà văn lựa chọn. Quan niệm này đưa chúng ta thoát khỏi việc quy chiếu sơ giản ý nghĩa tác phẩm. Cần lưu ý, hệ chủ đề không phải luôn trùng khớp với thông điệp mà chủ thể phát ngôn muốn truyền tải tới người tiếp nhận. Ở tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn, hệ chủ đề xử thế đối lập, xung đột là một biểu đạt về căn tính dân tộc và những bước đi huyền diệu của hồn đất, hồn nước. Tiếp theo, ta xác định hệ chủ đề tác phẩm được kiến tạo trên điểm nhìn định giá nào, mà từ đó chủ thể phát ngôn phóng chiếu giá trị vào bức tranh thế giới. Giải quyết vấn đề điểm nhìn tức là trả lời câu hỏi: Lịch sử được kiến tạo theo cách nào? Ví dụ, hệ chủ đề tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải (Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý) là quyền lực với điểm tựa tạo nghĩa mẫu gốc “cha”. Hệ chủ đề này được xây dựng trên điểm nhìn định giá: sự ưu thắng của lập trường quốc gia. Lịch sử, bằng cách ấy, được kiến tạo như hành trình của các sự kiện quốc gia. Hệ chủ đề tư tưởng xử thế trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh được xây dựng trên điểm nhìn định giá của nguyên tắc lưỡng cực âm – dương. Lịch sử, theo đó, được kiến tạo như là hành trình của các tư tưởng xử thế. Cuối cùng, từ hệ chủ đề và điểm nhìn định giá, chúng ta xác định bản chất thể loại của Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa là dụ ngôn. Đi vào vấn đề bản chất thể loại tức là trả lời câu hỏi về hạt nhân cấu trúc của tiểu thuyết lịch sử.
Để làm sáng tỏ cấu trúc diễn ngôn ở bình diện cái được tham chiếu, chúng ta có thể vận dụng các quan niệm về thể loại lời nói của M. Bakhtin, quan niệm về thể nguồn của N.D. Tamarchenco, quan niệm về chiến lược giao tiếp của V.I. Chiupa… Mặt khác, diễn ngôn trong giao tiếp là cuộc hành trình của các mã (tư tưởng hệ, văn hóa, thể loại…). Với đối tượng như thế, người nghiên cứu không thể sử dụng thống nhất và duy nhất một lí thuyết. Sự phát triển đa dạng, phức tạp của văn học trong kỉ nguyên hậu hiện đại đã cho thấy không có một lí thuyết nào đa năng, có thể tồn tại độc lập mà không tiếp thu, cộng hưởng các lí thuyết khác. Với đối tượng phức tạp như diễn ngôn, chúng ta có thể kết hợp vận dụng các hướng tiếp cận khác về diễn ngôn như: kí hiệu học văn hóa của Iu. Lotman, xã hội học diễn ngôn của M. Foucault, thi pháp học thể loại của G.N. Pospelov, lí thuyết liên ngành như phân tâm học của C.G. Jung.
Tóm lại, tiếp cận tiểu thuyết lịch sử dưới ánh sáng lí thuyết diễn ngôn là con đường góp phần giải phóng sử học ra khỏi tư duy quy phạm, đồng thời mở rộng quyền hạn, phạm vi sáng tạo của văn học về lịch sử, cũng là bình đẳng hóa các loại hình diễn ngôn trong vai trò diễn giải quá khứ, kiến tạo tri thức về con người và thế giới.
31/7/2021
Lê Thị Gấm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...