Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Truyện ngắn của Trần Thúy Lành: Mặt nạ

Truyện ngắn của
Trần Thúy Lành: Mặt nạ

Dạ tiệc hôm nay có sự hiện diện của rất nhiều vị khách, thân sơ đều có cả bởi nàng giao tiếp rộng, có nhiều mối quan hệ. Biết nàng khai trương cái spa thứ năm trong chuỗi spa làm đẹp do mình làm chủ, nhiều người không nhận được thiệp mời cũng đến chúc mừng. Có tiếng trầm trồ: “Giỏi thế! Mới bốn mươi tuổi đầu mà chẳng thiếu thứ gì”. Nàng mỉm cười kiêu hãnh. Gương mặt trang điểm kỹ càng, mái tóc búi gọn sau gáy và chiếc đầm màu hổ phách, khoét rộng cổ, để lộ cái rãnh giữa ngực sâu hun hút, khoe bờ vai trần trắng nõn nà. Tiếng ly cụng lách cách. Tiếng chúc tụng râm ran. Tiếng cười nói ồn ào.
– Chúc mừng em! Thật bất ngờ phải không? – Người đàn ông chạc ngoại tứ tuần, mặc com-plê màu ghi, dáng người bệ vệ, mái tóc xịt gôm bóng lộn, giơ ly rượu ra trước mặt nàng.
Nàng giật mình, tim như bỗng loạn nhịp:
– Là anh? Anh Phong! Sau một phút bối rối, nàng trấn tĩnh lại, giọng đầy vẻ giễu cợt: – Cơn gió nào đưa anh đến đây?
Bốn mắt chạm nhau. Nàng tưởng như thời gian đang ngưng đọng. Nàng tưởng như xung quanh chỉ còn lại hai người. Bao nhiêu ký ức của mối tình đầu ùa về chẳng khác nào những thước phim quay chậm.
– Em đẹp lắm! Đẹp hơn cả ngày xưa, Hương ạ! – Phong thì thầm, đủ để mình nàng nghe thấy.
Mặt nàng đỏ rần vì xúc động, vì bất ngờ. Người đàn ông đang đứng trước mặt nàng đúng là Phong.
– Em thế nào?
Nàng mỉm cười, vẫn nụ cười kiêu hãnh. Nàng muốn chứng tỏ với người yêu cũ rằng nàng đang rất hạnh phúc, rất mãn nguyện. Sắc đẹp, tiền bạc, sự thành công. Nàng có đủ cả. Nhưng tự sâu thẳm lòng mình, từng lớp sóng như đang cuộn lên dữ dội. Nàng chỉ muốn gào lên: Hai mươi năm qua anh đi đâu? Đi đâu? Tại sao anh bỏ mặc nàng bơ vơ, cô độc ở chốn thị thành này với duy nhất cái bằng trung cấp dược trong tay và khao khát bám trụ Hà Thành bằng mọi giá. Anh đột ngột biến khỏi cuộc đời nàng như cơn lốc ào đến rồi ào đi. Anh hứa sẽ cùng nàng vượt qua giông gió của cuộc đời nhưng lời hứa mãi mãi chỉ là lời hứa. Tình đầu vỏn vẹn một năm, hai tháng, mười bốn ngày, đủ khiến trái tim nàng đau đớn, như bị một bàn tay ai đó bóp nghẹt. Nàng nhớ như in cái hôm cuối cùng hai người gặp nhau. Phong rủ nàng đi xem phim nhưng nàng không thích, thế là anh đèo nàng ra Hồ Tây hóng gió. Suốt buổi tối hôm đó, Phong không nói một lời nào cho đến khi nàng hỏi: “Anh có chuyện gì sao?”. Anh bóp chặt bàn tay của nàng: “Anh xin lỗi! Chúng mình dừng lại ở đây thôi”. Nàng không hiểu, cứ tưởng Phong nói đùa nhưng nhìn vẻ mặt bần thần của anh, tim nàng nhói lên. Giọng nàng trở nên bấn loạn: “Vì sao? Vì sao chứ?”. Phong vẫn im lặng, không một lời giải thích. Lòng tự ái của người con gái hai mươi tuổi đã khiến nàng bỏ về một mình. Phong không đuổi theo, không níu lại, để mặc nàng với trái tim tan nát. Đêm ấy, nàng không tài nào ngủ được nhưng nhất định không khóc. Có một cái gì đó đỗ vỡ từ bên trong, trống rỗng. Nàng tự nhủ mình phải mạnh mẽ.
Một thời gian sau, nàng nghe phong thanh Phong đã đi nước ngoài, đi bằng con đường kết hôn với con gái của một ông cán bộ ở đại sứ quán. Chẳng biết kết hôn thật hay kết hôn giả nhưng chắc chắn đó là con đường mà Phong đã lựa chọn. Không tin nhắn, không gọi điện. Nàng nghĩ thế lại hay, càng chóng quên. Những lời thủ thỉ của anh bên tai nàng xưa kia bỗng trở thành vô nghĩa: “Em là tình yêu duy nhất của anh, cưng ạ! Không có người con gái nào khác có thể thay thế được em trong trái tim anh”. Thật là giả dối! Thật là điêu trá! – Đã nhiều lần nàng tự thốt lên mỗi khi nhớ lại những lời tỏ tình ngọt ngào ấy của Phong.
Từ đó gương mặt nàng trở nên lạnh tanh, vô cảm, đến nỗi anh Cương, chủ hiệu thuốc tây – người thuê nàng bán hàng cho anh phải chấn chỉnh:
– Em thử soi gương xem! Cái mặt có khác gì ma-nơ-canh không? Cứ giữ cái mặt lạnh te như thế thì bán hàng làm sao được. Mất khách hết thôi.
Thế là nàng tập mỉm cười. Mỗi lần thấy nàng hé môi, anh Cương cũng nhoẻn miệng cười:
– Đấy! Thế có phải xinh đẹp hơn không?
Người con trai hơn nàng cả chục tuổi đã phải lòng nàng lúc nào không hay. Nàng nhẩm tính: hộ khẩu Hà Nội, con trai một, nhà chung cư, cửa hàng thuốc tây…Thế cũng ổn. Nàng chặc lưỡi. Chẳng cần phải yêu với đương làm gì cho mệt, bớt được khoản giận hờn, nhung nhớ, khổ đau… Cứ cưới về rồi yêu, như các cụ ngày xưa lấy nhau chỉ qua mai mối mà vẫn ăn ở với nhau đến lúc đầu bạc răng long đấy thôi.
Cưới rồi, nàng mới tá hỏa, không biết xoay sở thế nào với căn nhà chung cư rộng chưa đầy 30 mét vuông, ở trên tầng năm mà chứa cả thảy năm người: bà mẹ chồng góa bụa đã lâu, cộng thêm hai cô em chồng lớn tồng ngồng và vợ chồng nàng. Đôi vợ chồng trẻ đành ngăn phòng bằng tấm ri-đô rực rỡ. Đêm tân hôn, nàng sợ đến nỗi không dám thở chứ đừng nói đến chuyện cựa mình. Nàng bàn với chồng:
– Hay là mình thuê nhà ra ngoài ở cho rộng rãi, đỡ bất tiện. Cứ thế này, em thở làm sao được!
Chồng nàng trợn mắt lên:
– Không được! Mẹ chỉ có mình anh là con trai, lại là lớn, phải ở đây để lo cho mẹ, lo cho các em. Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu. Chật một tí nhưng vui cửa vui nhà.
Nàng xịu mặt, lặng câm. Chả thấy vui cửa vui nhà ở đâu, chỉ toàn thấy ra va vào chạm. Sáng nào mẹ chồng nàng cũng lục đục dậy từ tờ mờ, đụng nồi đụng niêu loảng xoảng. Miệng lầm rầm không ngớt: “Đã bảo bao nhiêu lần rồi, bát thì úp từng cái thế này này, cho nó mau khô. Cái chảo thì phải để chỗ này cơ mà. Ối giời ơi, đứa nào đi vệ sinh không xả nước thế này…”. Lúc đầu nàng khó chịu lắm, cứ như bà ấy nói mình không bằng. Lâu dần thành quen, nàng vùi đầu vào ngực chồng ngủ tiếp. Nhiều bận nàng điếng người vì đang ôm chồng ngon giấc thì mẹ chồng kéo tấm ri-đô đánh xoẹt một cái. Nàng giật mình, bật dậy như lò xo, bắn vào góc giường:
– Thằng Cương đâu? Sửa vòi nước cho mẹ!
– Cương ơi! Bồn cầu bị tắc!
– Thằng Cương! Dậy tập thể dục! Mau lên!
Vân vân và vân vân…
Chồng nàng ngái ngủ, lồm cồm bò dậy. Nàng ngồi thu lu trong góc giường, trân trối nhìn chồng răm rắp làm theo lời mẹ. Nhiều lần như thế, nàng mất hết cả hứng mỗi khi gần gũi chồng. Rủ anh “đi khách sạn” để đổi gió thì anh quặc lại: “Em điên à”. Anh kéo nàng vào nhà tắm, cái nhà tắm bé tí khiến nàng cảm thấy mình như bị chồng cưỡng bức. Đang loay hoay thì cô em chồng đã gào lên: “Ai ở trong nhà tắm lâu thế? Có cần phải mắc màn không?”. Nàng giật bắn mình, nỗi uất nghẹn trào lên, nước mắt lưng tròng. Đến một khoảng riêng tư để vợ chồng yêu nhau cũng không có.
Hai cô em chồng tên Thắm và Thía thì tính nết giống hệt nhau. Hễ đi khỏi nhà thì thôi chứ về đến nhà là chí chóe, tỵ nạnh xem ai nấu cơm, ai rửa bát, ai tắm trước, ai tắm sau…Hai cô làm công nhân ở công ty may nhưng không biết may, chỉ làm khâu đóng gói, gần ba mươi tuổi mà vẫn chưa có người rước. Tiền lương hàng tháng được bao nhiêu, hai cô mang đi mua vàng để “phòng thân”. Từ ngày nàng về làm dâu ở cái nhà này, hai cô em chồng bỗng biến thành cảnh sát. Hễ nàng đi vắng là Thắm và Thía lại rủ nhau lục tung tủ quần áo của nàng lên xem cái nào mới thì thử trước, cái nào ưng thì mượn luôn. Đồ trang điểm của nàng chủ yếu phục vụ hai cô em chồng. Vừa mua được thỏi son Hàn Quốc, Thắm đã xí xớn bôi choe choét. Nàng tức lộn ruột mà cũng phải nín nhịn. Hễ nàng mặc váy ở nhà là Thía lại liếc ngang liếc dọc. Nàng thầm nghĩ: “Thôi, đành sống chung với lũ vậy”.
Hiệu thuốc của vợ chồng nàng khá chạy hàng. Nàng bàn vớí chồng tìm mối để buôn bán thêm dụng cụ y tế. Lời lãi nhiều lên trông thấy. Nàng ra sức kiếm tiền. Chỉ có tiền mới có thể làm được nhiều việc khác. Mặc cái thai cứ lớn dần trong bụng, nàng không nghỉ ngơi một ngày nào. Nàng nhập dụng cụ y tế từ nước ngoài, móc nối với các cơ sở thẩm mỹ. Tiền nàng kiếm được giờ phải quy ra đô – la. Chồng nàng khen: “Công nhận em giỏi thiệt!”. Nàng nguýt chồng: “Không giỏi thì cũng phải giỏi, đói thì đầu gối phải bò. Nuôi những năm miệng ăn, những đứa con lại sắp sửa ra đời, không kiếm tiền thì lấy gì mà đổ vào miệng?” – Giọng nàng trở nên đay dả. Chồng nàng im bặt.
Nàng sinh con trai. Thằng bé càng lớn càng mập mạp, trắng trẻo. Nhưng lên hai tuổi mà cu Tin vẫn không bập bẹ một tiếng nào. Vợ chồng nàng không để ý vì mải mê trong cái guồng quay của cuộc mưu sinh. Tiền kiếm được càng nhiều nàng càng ham. Lúc đầu là sắm xe hơi, sau là đổi sang căn nhà chung cư rộng hơn, mỗi người được một phòng riêng. Thuê được ô sin giúp việc nhà. Và còn nhiều dự định khác nữa, nhất định nàng phải làm bằng được. Nàng sẽ mở một cái spa làm đẹp để kinh doanh.
Về đến nhà là mệt nhoài, nàng chỉ muốn lăn ra ngủ. Cu Tin gần như là độc quyền của bà nội nó. Lúc nào bà cũng ôm cháu khư khư như ôm bọc vàng. Thằng bé chưa đầy một tuổi nàng đã cai sữa và cho nó ngủ hẳn với bà. Đến khi phát hiện ra con bị tự kỷ thi nàng lồng lên, như con thú bị thương, gầm gào:
– Chỉ tại bà cho cháu xem ti vi nhiều quá mà ra nông nỗi này. Cho ăn cũng xem ti vi, ru ngủ cũng bằng ti vi. Chơi cũng xem ti vi…
– Chị có giỏi thì từ nay đi mà chăm sóc con chị! – Bà mẹ chồng ngắt lời, chỉ thẳng tay vào mặt nàng, nghiến răng kèn kẹt – Chị đừng tưởng mới kiếm được vài đồng bạc mà đã cứt lộn lên đầu.
Bao nỗi bực bội bị kìm nến bấy lâu nay được dịp trào ra. Nàng gân cổ lên:
– Con nói thế có sai không? Con đã bảo cho nó đi nhà trẻ sớm mà bà không cho đi. Bà cứ giữ nó ở nhà để ôm ấp nên mới đến nông nỗi này.
– Giỏi! Chị giỏi lắm. Chị thử xem một ngày chị dành cho thằng bé được bao nhiêu thời gian. Chị chỉ mải mê kiếm tiến thôi.
– Không kiếm tiền thì cái nhà này có mà đói rã họng!
Cuộc khẩu chiến giữa mẹ chồng và nàng dâu chỉ chấm dứt khi chồng nàng quát: “Cô im đi! Già mồm”. Nàng nhìn chống bằng ánh mắt oán hận.
Nàng bế con đi hết viện nọ đến viện kia để chạy chữa nhưng ánh mắt cu Tin vẫn vô hồn. Nó chả thèm giao tiếp với ai, mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ. Những ngày tháng rong ruổi đưa con đi “vái tứ phương” khiến nàng mệt mỏi, rã rời. Chồng nàng muốn sinh một đứa con nữa nhưng nàng không nghe. Nàng sợ, nỗi sợ hiện hữu ngay trước mắt. Đó chính là thằng Tin, càng lớn sự phát triển trí tuệ của nó càng có khoảng cách so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Nàng mặc cảm, chẳng muốn đưa con đi đâu chơi. Không dám đưa nó về quê thăm ông bà ngoại. Nàng sợ những ánh mắt soi mói, sợ những lời dị nghị. Thằng bé cũng chẳng muốn chơi với ai. Nàng gọi, nó cũng không bận tâm. Nàng quát, nó cũng không phản ứng. Chồng nàng trở nên cáu bẳn, khó chịu, hơi một tí là giở giọng cục cằn, thô lỗ với vợ. Nàng thấy mình bất lực, như chơi vơi trong cái địa ngục trần gian. Nỗi cô đơn xâm chiếm, choán hết cuộc sống của nàng.
Cái giọt nước cuối cùng làm trào cốc nước ấy là khi nàng bắt quả tang chồng nàng ngủ với con bé giúp việc, trên chính chiếc giường cưới của vợ chồng nàng. Tội nghiệp! Con bé dập đầu lạy sống nàng lia lịa. Còn chồng nàng, mặt cắt không ra giọt máu. Nàng ghê tởm. Nàng nhổ một bãi nước bọt rồi quay ngoắt đi. Nàng bế con đi thuê nhà ở, ném lại tờ đơn ly dị vào mặt cái người mà nàng từng gọi là chồng.
Thế là nàng được giải thoát. Bao nhiêu tài sản chia đôi. Nàng dồn vào mở một cái spa giữa lòng thành phố. Nàng nghe lời bác sĩ tư vấn nên gửi con trai đến trung tâm giáo dục đặc biệt thay vì nhốt nó trong bốn bức tường. Bây giớ nó chính là điểm tựa, là niềm an ủi duy nhất bên cạnh nàng. Nàng gồng mình lên để làm việc gấp đôi, gấp ba so với trước kia. Những nếp nhăn nơi khóe mắt xuất hiện đã được nàng xóa sạch bằng công nghệ thẩm mỹ hiện đại. Nước da nàng trở nên nõn nà, mịn màng sau vài lần tắm trắng. Hai bầu ngực tưng tửng, cứ như trêu ngươi. Nàng đẹp lên mỗi ngày. Tiền nàng kiếm được cũng nhiều lên mỗi ngày. Đàn ông ve vãn quanh nàng cũng nhiều hơn. Nhưng nàng dửng dưng. Bốn mươi tuổi, nàng đủ chín chắn để hiểu rằng những gã đàn ông đang bu xung quanh nàng hoặc là thích “bóc bánh trả tiền” hoặc chỉ thích sở hữu chuỗi spa hái ra tiền của nàng chứ yêu thương gì đứa con bị tự kỷ của nàng.
– Em có hạnh phúc không? – Phong thì thào như gió thoảng bên tai nàng.
Nàng lại giật mình, cái giật mình ấy không qua được ánh mắt của Phong. Mọi người liên tiếp đến chúc mừng nàng, giúp nàng né tránh câu hỏi của anh. Nàng uống hơi nhiều, rượu nhẹ cũng khiến người nàng nóng ran. Điệu nhạc dặt dìu, dặt dìu, gương mặt nàng như lộng lẫy hơn dưới ánh đèn lê-ông. Hôm nay nàng là nhân vật chính nên khách khứa cứ đổ dồn ánh mắt về phía nàng. Ai cũng trầm trồ khen bà chủ spa: “Đẹp quá!”. Chen lẫn giữa những lời khen là những tiếng thì thào, khả ố: “Phí của giời”.
Tiệc tan, mình nàng trơ trọi giữa những lẵng hoa đủ các sắc màu.
– Anh sẽ đưa em về! – Giọng Phong quả quyết.
Nàng chưa kịp từ chối thì anh đã nắm chặt bàn tay nàng, kéo ra xe. Khi cả hai đã yên vị trong chiếc xe hơi sang trọng, Phong hờn trách:
– Sao em không hỏi anh đến đây để làm gì? Sao em không hỏi vì sao anh phải ra đi? Và hai mươi năm qua anh sống ra sao?
Nàng vẫn im lặng. Hỏi để làm gì. Nếu muốn thì anh đã tự nói ra, chẳng cần nàng phải hỏi. Đường phố về khuya đã trở nên vắng vẻ. Thi thoảng có vài chiếc xe phóng vèo qua hoặc đi ngược chiều. Nàng lơ đãng nhìn ra bên ngoài, ánh mắt xa xăm như nhìn vào hư vô.
– Anh biết là em không hạnh phúc. Đừng đánh lừa anh bằng gương mặt hóa trang. Anh cũng đã từng mang gương mặt của em: tiền bạc, thành công, anh có thừa nhưng hạnh phúc thì không. Chúng ta mải mê kiếm tiền nhưng chúng ta không nhận ra rằng tiền không phải là hạnh phúc. Anh có một chuỗi spa từ Bắc vào Nam nhưng đổi lại anh đã đánh mất em.
– Thế còn vợ con anh thì sao? – Đột nhiên nàng buột miệng.
– Cô ấy không chịu về Việt Nam. Mỗi người đi một con đường. Đứa con lớn ở với anh, con bé ở với cô ấy – Anh nói rành mạch, như đã chuẩn bị câu đó để nói với nàng từ lâu lắm rồi.
“Thôi! Không hỏi thêm bất cứ điều gì nữa” – Nàng tự nhủ. Nàng sợ phút yếu lòng của chính mình. Xe đã đỗ trước khu chung cư nàng ở. Không đợi Phong mở cửa, nàng tự đẩy cửa bước ra. Trống ngực nàng đập rộn ràng, chẳng khác nào lần đầu hò hẹn. Nàng bước nhanh, chỉ sợ Phong đuổi theo, ôm nàng lại. Trời ơi! Nàng sẽ tan thành nước mất. Quả nhiên, Phong bước vội ra khỏi xe, định chạy theo nàng nhưng không hiểu sao chân anh khựng lại. Nàng đã khuất vào thang máy, chỉ còn mùi nước hoa thoang thoảng, lẩn quất đâu đây.
Nàng nhìn mình trong ba mặt gương của buồng thang máy. Quay cuồng. Gò mà ửng hồng, đôi môi tô son đỏ mọng. Hai bầu ngực phập phồng, run rẩy. Chỉ một lát nữa thôi, khi thang máy dừng lại, nàng sẽ trở về với chính mình. Không phấn son, không lộng lẫy. Tiền bạc và những ham muốn bị ném hết ra ngoài. Nàng trở về là một người mẹ. Con nàng đã được người giúp việc cho ngủ say. Nàng khẽ đặt một nụ hôn lên trán con rồi quay về phòng mình. Chỉ có bóng đêm làm bạn và những giọt nước mắt rơi thầm trên gối.
1/8/2021
Trần Thúy Lành
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...