Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Chàng thi nhân đầu bạc XXXX

Chàng thi nhân đầu bạc

Nguyễn bước ra khỏi bóng những tán cây. Nhiều năm sau, khi đặt bút viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thêm một dòng lạc thảo đề tặng Xuân Hương, người đã dạy cho chàng không biết sợ. Nhưng rồi chàng lại xoá đi.

Nguyễn đáp một con đò dọc chở gạo và cá khô từ bến thuyền đầu sông Luộc. Chàng đã đi bộ từ quê vợ ở Quỳnh Côi đến ngã ba sông Nhị Hà. Đoạn đường đáng ra chỉ đi mất nửa buổi mà chàng phải bỏ ra một ngày đêm vì bạn bè níu kéo. Khăn xếp, áo lương màu lam, vắt vai cái tay nải cũng màu lam, chàng lững thững trên đường làng như một thầy địa lý. Chàng nghĩ: ”Giá làm thầy địa thì tóc mình đâu có bạc sớm thế này!”

 

Ông tú kép Sinh Từ cùng vợ đang quẩy con lợn nọc, bắt gặp chàng trên đường đến chợ Lĩnh. Thấy Nguyễn , ông quẳng con lợn xuống đất đánh thịch, chào hỏi rối rít. Không từ được lời mời, chàng đành rẽ vào nhà ông tú. Vậy mà lúc quyết định ra đi chàng tự bảo sẽ không báo cho ai. ở nhà ông tú Sinh Từ, chủ khách chỉ uống hết một nậm rượu quê nhưng Nguyễn đã kịp đọc cho ông nghe sáu bài thơ mới làm gần đây thay lời từ biệt Bắc hà. Vậy là một buổi sáng mất toi mà chàng chỉ mới rời nhà ông anh vợ được hai dặm đường. Ông tú tiễn chàng, gạt nước mắt bảo: “Bác ra đi chuyến này làm gì cũng được, chỉ xin đừng để người ta đánh què mà mất một người tài.” Nguyễn cười buồn nói: “Tài ăn khoai cả vỏ! Nếu không bị đánh què chắc chẳng đi hết kiếp văn chương!” Ông tú dậm chân, khóc nhìn theo. Tính ông vốn bộc bạch thế.

 

Gần tối, Nguyễn đến địa phận Duyên Hà. Chàng đã định bụng ghé thăm ông cử Nhạc, bèn rẽ vào cái ngõ trúc. Ngọn trúc kết thành vòm mát rượi trên đầu. Tháng tư, ong bay vo ve quanh chàng.

 

Đêm đó, hai người thức đến canh hai. Khi Nguyễn cởi khăn xếp ra, ông cử nhìn chàng, hốt hoảng: ”Ba mươi tuổi mà đầu đã bạc thế ư? Bọn nhà thơ thời nay nó hèn, tóc chúng nó không bạc như tóc chú đâu!“ Nguyễn không đáp. Bà cử Nhạc cũng là người hay chữ, tính nết lại thích đùa. Bà bảo: “Về kinh gặp nữ sĩ mà mang cái đầu bạc thế kia chắc là không xong rồi. Hay là để tôi nhuộm cho. Giã lá đắng cay mà nhuộm thì cứ là đen nhánh.” Nguyễn chua chát: “Khéo đầu cô ấy còn trắng hơn cả đầu tôi đấy, bà chị ạ.” Chàng chợt buồn, nhớ tới mối tình của mình.

 

Bên nậm rượu và hai cái chén chũm cau đời Khang Hy, ông cử ngồi uống với khách. Khác với ông tú Sinh Từ đã một thời chít khăn đầu rìu đi học võ mưu đánh Tây Sơn, ông cử Nhạc không xuất, không xử mà chỉ ngồi đọc thơ biên tái đời Đường. Ông nói: “Tôi chỉ trung với vua Nghiêu. Phù nhi bất tranh, tôi không thi bơi với thuồng luồng. ”Mười năm lưu lạc quê người, Nguyễn chỉ kết thân với hai người đó. Một người muốn kéo chàng vào chỗ binh đao. Người kia khuyên chàng ẩn mình sau ngõ trúc. Chàng chơi vơi ở giữa. Mười năm! Làm thằng con trai “vô lại”, chẳng nên cơm cháo gì, chỉ chuốc lấy một cái đầu trắng toát giữa tuổi ba mươi. Một thân thể gầy còm vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Một tâm tư rối bời, lạc lối. Một bầu đoàn thê tử nheo nhóc. Và một mối tình như trăng non, gió thoảng. Ba mươi tuổi, chàng tưởng đã quỵ dưới gánh nợ đời. Nhưng chàng không ngã. Chàng lại ra đi, tay nải bên vai. Thư kiếm vô thành, sinh kế xúc, chàng rất đắc ý với câu thơ của mình.

 

Ông cử Nhạc hỏi: “Lần này chú định đi đâu?” Nguyễn đáp: “Em về quê.” Ông cử nói: “Thế là phải. Vua Quang Trung chết được ba năm rồi.” Nguyễn ngẩng đầu: “Nhưng tiếng gươm đao còn loảng xoảng khắp nơi. Chưa ai chịu tra gươm vào vỏ.” Ông cử làm thinh một lúc. Rồi ông đặt tay lên vai Nguyễn: “Đó không phải là việc của chú. Núi Hồng Lĩnh đẹp, chết đói ở đó cũng thơm.” Nguyễn buồn rầu: “Trời cho em cái chân hạc, cắt ngắn đi làm sao được ?”Ông cử bảo: “Đời người có hai lần vui. Một lần đang ngạt trong bụng mẹ mà thoát ra khóc được một tiếng. Một lần được ngủ một giấc dài, không bị vợ con đánh thức. Thế là đời.” Nguyễn cười: “Tiếc là em chỉ mới được hưởng một lần.” Từ đó đến canh hai, mỗi người uống ba chén rượu nếp, nhìn nhau mà không nói câu nào nữa.

 

Bà cử dậy sớm thổi cơm nếp, gói cho Nguyễn một nắm. Hai ông bà tiễn chàng tận bến đò. Khác với vẻ mặt đăm chiêu của chồng, bà vui vẻ bảo: “Nhờ anh cho tôi gửi lời thăm cô Xuân Hương. Thơ anh thì phải đạo mà thơ cô ấy lại tục! Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. Khiếp! Bà nhìn ông cử thăm dò. Thấy ông không nói gì, bà tiếp : “Cứ nỗi nhớ với niềm thương nỉ non như bọn làm thơ hiện nay thì nghe êm tai thật. Nhưng dám đưa cái hỏm hòm hom ra mà giỡn mặt vua quan với bọn cơ hội, bọn đạo đức giả thì cũng sướng cho cánh đàn bà hèn mọn chúng tôi.” Nguyễn đỏ mặt, tuy trên cổ chàng nổi nhiều đường gân xanh. Chàng nói: “Bà chị ơi, đời này chỉ có tình người với cái ấy là thật, còn ra, cái gì cũng giả. ”

 

Đúng thế, Nguyễn tự nghĩ, chính chàng cũng có dám sống thật đâu? Miệng thương người nghèo mà trước đây chàng vẫn ung dung sống trong lầu son gác tía của cha mẹ. Cha chàng luôn nói thương dân mà vẫn gom từng miếng đất của đám dân nghèo Nghi Xuân vốn đã suốt đời kiết xác để vun quén cho con cháu. Chàng muốn mộng mơ mà vẫn giữ khẩu khí  trung quân, lòng tin cạn đến đáy mà cứ cố hướng về giấc mộng khôi phục thời hoàng kim của tiên triều. Chàng ăn chực ở độ mười năm mà chỉ biết than thân, chứ đâu có dám cầm giỏ đi mò ốc đỡ vợ được một bữa.

 

Chàng nhớ tới con rắn mối quen thuộc vẫn leo quanh bờ rào nơi quê vợ, tiếng ếch nhái kêu rên trong ao cạn, những con giun chui từ lỗ lên bò loằng ngoằng trên nền nhà ẩm ướt. Chàng đã làm gì ? Đã làm gì ? Chẳng làm gì hết. Chàng chỉ làm được mấy bài thơ tự thán. Lại còn rưng rưng cảm động khi được mời làm chủ buổi tế tư văn giữa đám hào mục thối nát ấy nữa chứ !

 

Bà cử đặt vào tay chàng một tờ hoa tiên viết chữ. Bà nói: ”Cho tôi gửi Hồ nữ sĩ. Nói hộ là đừng cười lời thơ quê kệch. Ước sao được mấy búp sen tự tay cô ấy hái để ướp chè!” Nguyễn chua chát: “Hoa để tặng người mình sợ, e bà chị chẳng có phần đâu. ” Bà cử nói: “Cô ấy thì sợ ai!”

 

Thuyền đã vào sông Nhị Hà. Nguyễn vẫn nhìn thấy hai vợ chồng ông cử đứng nhìn theo. Tuy hai người không phải Uông Luân, nước sông Nhị không sâu ba ngàn trượng. Nhưng tình thương của hai người đối với chàng chẳng kém người xưa!

 

Nguyễn đưa tay cởi mối giây lạt, mở cánh cửa ngõ tre. Trên đầu chàng một khoảng trống cao vời, màu xanh không tận của thơ Lý Bạch. Bầu trời hiện ra giữa những tán cây vây quanh khu vườn và mấy gian nhà tranh. ở phường Khán Xuân mà chàng chỉ thấy hơi thu ngự trị. Đất ẩm ướt, cây mát lạnh, hồ Tây lãng đãng và buồn. Hay chính lòng chàng ẩm và lạnh ? Những ngày ở Thăng Long với anh và cha, đi học, đi thi, đi càn quấy “dẫm lên hoa rụng”, ôm mộng công hầu, say mê đèn sách và cả cung kiếm, tất cả buổi trưa đời, chàng đã để lại sau lưng.

 

Chàng đang sống lại mùa hè năm đó, lúc đang là một ông quan võ ở Thái nguyên. Chàng ghé qua Thăng Long trên đường về Sơn Tây thăm anh là quan Tả thị lang bộ Binh, kiêm Hiệp Trấn xứ Đoài. Thăng Long đối với chàng còn quen thuộc hơn cả núi Hồng Lĩnh và bến Giang Đình ở Nghi Xuân. Chàng cởi áo lãnh binh, thử làm lính một hôm. Như các chú lính, chàng lê la quán rượu. Cũng say sưa, cũng đập phá, cũng chọc ghẹo như ai. Không ai nhận ra chàng. Chàng đã xa kinh thành mấy năm. Cha chàng chỉ còn là một hào quang mờ dần, chỉ được người ta nhắc tới giữa những danh gia vọng tộc đang chia lìa, xâu xé và chán nản trước giông bão thời cuộc.

 

Nhưng rượu và thú vui tửu quán không an ủi được chàng, không trả lại cho chàng thời thơ trẻ, cái thời mê chơi giữa lũ “đồng du hiệp thiếu”! Chàng uể oải rời quán rượu, một mình trên con đường nhỏ ven hồ. Trước mặt chàng có ba chàng trai, nhìn qua lưng và vai cũng biết là học trò, đang lẽo đẽo theo sau một cô gái. Nắng chiếu lên vạt áo tứ thân và chiếc lưng ong. Cô gái không đẹp. Nhưng cô đang giận. Chàng cảm nhận được cơn giận ấy trong dáng đi của cô. Ba chàng học trò đang buông những lời chọc ghẹo cợt nhả và những câu thơ thối sau lưng cô gái. Như hết chịu nổi, nàng đứng lại, đọc to bằng giọng Nghệ trọ trẹ rất quen thuộc với chàng: ”Này khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ!”… Xong câu đầu của bài tứ tuyệt, nàng đọc tiếp ba câu sau. Tim chàng se lại vì liên tài. Chàng vừa chạm phải ngọn lửa bỏng rát và hiếm hoi của tài năng. Chàng bước dấn lên, bảo ba cậu học trò cũng bằng cái giọng xứ Nghệ ít khi được chàng sử dụng: “Xéo đi, không nước hồ sẽ thối hoắc vì thơ của các ông đấy.” Rồi chàng phá lên cười, tiếng cười sảng khoái của một ông quan võ giữa đám lính. Ba chàng học trò bám tay nhau rẽ vào một lối nhỏ.

 

Đêm ấy, trong ba gian nhà tranh Cổ Nguyệt Đường, Nguyễn Du đã được ăn trầu của Hồ xuân Hương. Những miếng trầu têm theo kiểu Nghệ, hơi thô, không bay bướm như trầu cánh phượng nhưng hạt cau đỏ thắm như son. Trong cơi trầu là một bài thơ nôm viết trên tờ hoa tiên làng Bưởi:

 

Quả. Này có đừng

cau của phải xanh

nho Xuân duyên như

nhỏ Hương nhau lá

 

miếng đã thì bạc

giầu quệt thắm như

hôi rồi lại vôi….

 

Nhiều năm đã trôi qua, hôm nay Nguyễn phân vân đứng trước ngõ Cổ Nguyệt Đường. Hương hoa trong vườn không thoảng mùi hương ngày trước. Chàng tưởng mình đang lạc bước vào cổng chùa.

 

U già ra đón chàng. Bà vẫn nhận ra Nguyễn. Trước đây, khi chàng tới ngâm vịnh với nữ sĩ, việc đầu tiên bà làm là ra ngay đầu ngõ, kéo cánh cổng khoá lại, không cho khách đến sau vào nhà. Danh tiếng cô chủ lan xa, tài tử kinh kỳ đều ghé qua nhà nàng khi họ lên Hồ Tây vãn cảnh. Nhưng bà lão biết rõ mà cũng rất lấy làm lạ, không hiểu vì sao nàng chỉ thật chân tình với mỗi ông quan võ Nguyễn Du mà ông ta lại đã có vợ rồi!

 

Bà lão khóc: “Cô đi làm lẽ người ta rồi ông ơi!”

 

Nguyễn không nói gì. Chàng đứng im như một cây trúc trên mảnh sân mọc rêu vì ít người qua lại. Chàng gầy đến nỗi như lẫn vào cây cỏ quanh mình. Chàng đang cảm nhận được qua da thịt và sờ mó tận tay nỗi đau của đời người, Của chính đời chàng và người đàn bà tài hoa mệnh bạc. Chàng khóc. Có thể ba trăm năm nữa mới có người khóc chàng. Nhưng giờ đây chàng đang khóc cho một người đàn bà, cho một mối tình. Những giọt nước mắt chắt ra từ thân thể gầy còm của chàng. Chàng nhớ đã viết tặng nàng khi hai người cùng đi hái sen ven Hồ Tây: Hoa tặng người mình sợ – Gương tặng người mình yêu… Nhưng nàng đã tặng hoa cho chàng, người mình yêu. Còn gương sen tuổi xuân của mình, nàng đưa cho người lấy nàng làm lẽ! Nàng đã không biết sợ.

 

Chàng không muốn nấn ná ở ngôi nhà tranh thân thiết có tên Cổ Nguyệt Đường nữa. Chàng cũng không muốn lưu lại Thăng Long. Chàng phải về! Về với Hồng Lĩnh, sông Lam của chàng. Để làm gì ư? Để sống. Chàng phải sống như một con người có quyền được sống. Lần đầu tiên trong đời, chàng không nghĩ tới Vua, đến mộng trung quân mà nghĩ tới bản thân mình. Chàng muốn sống như một kẻ lê dân trong thập loại chúng sinh.

Nguyễn bước ra khỏi bóng những tán cây. Nhiều năm sau, khi đặt bút viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thêm một dòng lạc thảo đề tặng Xuân Hương, người đã dạy cho chàng không biết sợ. Nhưng rồi chàng lại xóa đi.

26/9/2017

Nguyễn Quang Thân

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Chiếc nhẫn kim cương

Chiếc nhẫn kim cương

Hỏi mãi, hỏi mãi hắn mới tìm thấy nhà ông giáo già. Ngôi nhà mái ngói nhỏ nhắn nằm nép trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, qua cả chục lần rẽ phải rồi rẽ trái. Đứng trước hai cánh cổng sắt xinh xinh khép hờ dưới giàn thiên lý đang tỏa hương dìu dịu, không hiểu sao hắn run lên. Đôi tay gân guốc đầy những hình xăm vằn vện dường như không đủ sức để đưa ra bấm chuông. Trong cả cuộc đời giang hồ bạt gió, chưa khi nào hắn rơi vào trạng thái sợ hãi như thế này, kể cả những lần đối mặt với các đại ca khét tiếng “trên cơ”. Kể cả những lần vác dao kiếm đi thua đủ với các băng nhóm khác, mà hắn xác định trước rằng có thể sẽ “một đi không trở về”. Thế thì phía trong cánh cổng kia có gì khiến hắn phải sợ hãi và lo lắng thế. Gương mặt ông giáo già, hắn vẫn nhớ như in, cho dù ba năm có lẻ đã trôi qua…
Ông giáo già tiếp vị khách không mời với thái độ ngạc nhiên không giấu giếm. Không phải vì hắn là người lạ mà  vì trong số khách khứa vẫn lui tới nhà ông, không ai có bộ dạng thế này. Nhìn hắn thật lạc lõng với khung cảnh giản dị, hiền lành và lương thiện của cả căn nhà. Khách của ông phần lớn là học trò cũ, là những đồng nghiệp lâu năm, là những ông bạn già trong tổ hưu hay đám con cháu ở quê lâu lâu ào ra thăm, mang cho ông lủng củng những trứng gà, trứng vịt, rau gạo và cả những trái bí to tướng cắt ở vườn nhà. Hơn ba năm đã trôi qua từ khi bà giáo qua đời, căn nhà vẫn nguyên vẹn thế. Thậm chí những chiếc áo bà hay mặc thường ngày vẫn được ông treo trên mắc ngay ngắn, thi thoảng ông lại mang ra giặt, ra phơi, như thể bà chỉ đi vắng đâu đó ít ngày. Biết ông ở một mình buồn, đám học trò cũ cũng hay cử nhau về thăm, ăn với ông một bữa cơm đạm bạc, nói đủ chuyện trên trời dưới bể. Có những học trò học ông từ bốn mươi năm trước, định cư ở tận nước ngoài, về thăm ông phải xưng tên, xưng lớp mãi ông mới nhận ra. Nhưng không ai có bộ dạng như vị khách dữ tướng này…
Khi hắn xưng tên, nói mối liên hệ và mục đích chuyến viếng thăm đường đột này bằng giọng điệu khó nhọc như thể công việc này thật quá sức đối với hắn, ông giáo sững sờ đến  mức chiếc ấm pha trà đang cầm trên tay rơi xuống mặt bàn. Câu chuyện hơn ba năm trước trở về trong trí nhớ, kéo theo biết bao đau đớn…
Ngày ấy, khi biết bà giáo, vợ mình lâm bệnh trọng, ông rơi vào trạng thái không trọng lượng hàng tháng trời. Những lời bác sỹ trao đổi như tiếng sét giữa trời quang. Bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Khi biết chuyện, tất cả mọi người quen thân của ông bà đều thốt lên một câu như nhau: vô lý! Sao bà ấy có thể ung thư phổi? Bởi vì, cả đời bà không biết đến khói thuốc lá. Bà không hút đã đành, ông cũng chưa một lần chạm đến điếu thuốc. Căn nhà nhỏ của ông bà nằm sâu trong con ngõ nhỏ, tràn ngập màu xanh cây lá và các loại hoa khoe sắc suốt bốn mùa. Nghĩa là môi trường sống của bà rất đỗi trong lành, không bị ô nhiễm khói bụi gì. Thế thì tại sao lại ung thư phổi? Ông lờ mờ nghĩ đến nguyên nhân mấy chục năm làm cô giáo dạy Văn của bà. Thời bao cấp, mọi thứ đều thiếu thốn, khó khăn. Ngày ngày lên lớp, bà đã phải hít biết bao nhiêu bụi phấn, thứ phấn rẻ tiền, bở bùng bục, bụi bay trắng bảng mỗi lúc bà viết hoặc xóa bảng. Không chỉ riêng bà mà bất cứ giáo viên nào thời đó cũng đều phải dùng loại phấn này. Thể trạng bà yếu, chắc bởi thế nên lâm bệnh. Hồi còn đi dạy, sau mỗi ngày dạy nhiều tiết quá, bà lại ôm ngực ho. Cứ ngỡ mọi chuyện cũng bình thường, ai ngờ về hưu được ít năm thì bà phát bệnh. Cũng theo lời bác sỹ, từ lúc phát hiện bệnh bà sẽ chỉ còn khoảng nửa năm để chống chọi, rồi sẽ ra đi.
Sau cơn choáng ban đầu, ông giáo gắng gượng lấy lại bình tĩnh. Hai vợ chồng già không con nương vào nhau mà sống, giờ bà bệnh trọng, không biết sẽ ra đi lúc nào, thực sự ông thấy mình hết cả sức lực và hết cả nghị lực sống. Niềm vui của ông, nguồn động viên của ông là bà. Nếu bà ra đi trước, ông còn gì mà sống tiếp. Thế nhưng, trong những đêm trắng ngồi cạnh giường bệnh nhìn bà vật vã thiếp đi trong cơn đau, ông tự nhủ ngay lúc này đây mình phải cố gắng trấn tĩnh lại để làm chỗ dựa cho bà trong những ngày tháng cuối cùng này. Ông đã hứa từ những ngày đầu tiên ngỏ lời yêu với bà, rằng ông sẽ nắm tay bà đi trọn con đường trần nhiều chông gai, cay đắng nhưng cũng rất ngọt ngào này. Vì vậy, không có cớ gì để ông buông tay giữa lúc bà đang cần ông nhất. Những ngày tháng ấy, ông luôn bên cạnh bà, không rời bà quá mười phút. Mọi chuyện nâng giấc, chăm sóc bà chỉ một tay ông. Các cháu chắt ở quê ra, những học trò cũ nghĩa tình thương thầy cô neo người qua lại luôn luôn để giúp, nhưng riêng chuyện chăm bà ông không để cho ai. Tự tay ông tắm rửa cho bà. Tự tay ông xúc cho bà từng thìa cháo, đưa cho bà từng viên thuốc, lật giở cho bà xem từng tấm ảnh cũ trong an bum ảnh mà ông bà gìn giữ bấy nay. Rồi ông thủ thỉ ôn lại những kỷ niệm thật dài trong suốt quãng thời gian họ sống bên nhau…
Tính đến ngày bà lâm bệnh trọng, họ đã có tròn bốn mươi năm bên nhau. Bốn mươi năm ấy, chưa một lần bà nói ông nặng lời, chưa một lần ông giận dữ với bà. Nếu may mắn như những người xung quanh thì họ đã con đàn cháu đống. Thế nhưng tròn bốn mươi năm, căn nhà nhỏ chỉ có ông và bà. Không một lần có tiếng khóc trẻ con. Chưa một lần bà làm mẹ. Khi biết mình không có khả năng sinh con, ông đã thức trắng hai đêm trước khi đưa ra đề nghị chia tay để bà đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng bà khóc nấc lên nói hạnh phúc của bà là ông. Chỗ của bà trong cuộc đời này là ở cạnh ông, trong căn nhà này. Có con hay không có con là do số phận. Ông không có lỗi gì. Và vì thế, không bao giờ bà rời bỏ ông. Ngày ấy, bà còn rất trẻ. Ông đưa ra lời đề nghị chia tay mà lòng tan nát, vì ông còn yêu bà nhiều lắm. Thế nhưng trước sự kiên quyết của bà, rồi nỗi buồn đau không con cái cũng dần nguôi. Không phải không có những lúc trong ông cồn lên nỗi dằn vặt và xa xót khi nhìn tuổi xuân của bà dần dần vơi mà chưa một lần bà được hưởng hạnh phúc làm mẹ, chưa một lần được ôm ấp con thơ. Sống trọn vẹn một đời bên ông, bà chịu thiệt thòi nhiều quá. Ngay cái ngày bà về với ông cũng thật gian truân. Chiến tranh vẫn đang trùm lên toàn đất nước. Không có một đám cưới đúng nghĩa. Chỉ có cơi trầu bố mẹ ông mang sang nhà bà để xin dâu. Lúc đó, ông cũng không có nhà. Bom đạn mù trời, ông không về kịp ngày xin dâu đã định. Cưới một tuần rồi bà mới được gặp ông. Cũng vội vã được có ba ngày, rồi ông lại phải đi…
Bà vẫn nói vui với ông rằng bà về làm dâu mà không lễ gia tiên cùng chú rể, không áo cô dâu cũng không nhẫn cưới như bọn trẻ ngày nay. Ông bảo trọn đời ông vẫn nợ bà một đám cưới đúng nghĩa. Bà lại gạt đi, nói miễn ông bà sống với nhau trọn vẹn và hạnh phúc. Mọi thứ phù phiếm bên ngoài nào có nghĩa gì đâu. Thế nhưng những ngày cuối cùng của bà, nhìn bà vật vã trên giường bệnh, nắm bàn tay khô gầy của bà, ông đã có một quyết định thật bất ngờ.
Gom hết tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, ông tạm biệt bà một buổi sáng để đi thành phố. Số tiền này lẽ ra là tiền dưỡng già của hai vợ chồng, nhưng giờ bà sắp từ biệt ông để về thế giới khác, tiền bạc với ông chẳng còn nghĩa lý gì. Bác sỹ khuyên ông đưa bà về nhà để bà có những ngày cuối cùng trong căn nhà mà bà đã sống trọn cuộc đời làm vợ bên ông. Để bà cho đứa cháu chăm sóc, ông một mình tìm đến hiệu kim hoàn. Ông muốn mua tặng bà một chiếc nhẫn cưới thật đẹp. Một chiếc nhẫn kim cương, đẹp và vĩnh cửu như tình yêu của hai vợ chồng già. Như một lời đính ước, rằng kiếp sau, họ lại hẹn gặp nhau, lại cùng nên duyên chồng vợ. Số tiền của ông chẳng có nhiều, mặc dầu là tiền tích cóp suốt cuộc đời của cả hai vợ chồng không con cái. Cô bé trông coi cửa hàng sau khi biết mục đích của ông là muốn mua nhẫn cưới kim cương  bèn vội vã gọi ông chủ tiệm kim hoàn ra bởi “cháu chỉ trông cửa hàng thôi. Hôm nay bà chủ đi vắng ông ạ”. Ông chủ tiệm kim hoàn có bộ râu quai nón và ánh nhìn dữ tợn.
Khi ấy, vì vội về với bà ở nhà, ông đã không băn khoăn nhiều trước vẻ ngoài bặm trợn của  chủ tiệm kim hoàn, cũng không băn khoăn gì về chiếc nhẫn lấp lánh đang cầm trên tay. Ông đã thật thà một cách đau xót kể về mục đích mua chiếc nhẫn kim cương của mình khi được hỏi ông mua quà cưới để tặng con hay cháu. Ông mua nó để tặng cho bà. Tặng cho người vợ chưa khi nào được đeo nhẫn cưới. Tặng cho một người sắp sửa từ giã cõi đời này. Chiếc nhẫn ấy sẽ theo bà sang thế giới bên kia, như dấu hiệu để mai này họ nhận ra nhau ở một nơi xa lắm; để họ vẫn tìm thấy nhau, vẫn được bên nhau như ở kiếp này… Khi ông run run lồng chiếc nhẫn kim cương vào tay bà, thì thầm với bà những lời yêu thương ấy, khóe mắt bà giàn giụa nước. “Kiếp sau, mình lại tìm nhau nhé? Mình lại bên nhau nhé!” Bà khe khẽ gật đầu.
Hắn cúi gằm mặt trước mái đầu bạc trắng của ông giáo già như một kẻ tội đồ cúi đầu trước Chúa. Trong cả cuộc đời giang hồ ngang dọc, chưa khi nào hắn sợ hãi thế này. Tiệm kim hoàn chỉ là thứ để hắn che mắt thế gian. Thông thường, không làm mà vẫn có ăn thì chỉ là quân ăn cướp và ăn cắp, qua mắt làm sao được những kẻ xung quanh. Thế nên hắn phải tạo cho mình một vỏ bọc có vẻ làm ăn lương thiện. Hắn khoán trắng việc kinh doanh buôn bán ấy cho vợ và mấy đứa cháu ở quê, không một lần nhếch mép hỏi về doanh thu hay lỗ lãi.  Những phi vụ làm ăn của hắn nằm chỗ khác. Những đồng tiền hắn mang về có mùi lừa đảo, cướp bóc và rất nhiều khi vấy máu.
Vợ hắn, như bản tính chung của tất cả đàn bà là cũng rất tham lam. Ngoài việc kinh doanh vàng bạc mụ còn có  tủ hàng tạp hóa bán đủ thứ trên đời, từ gói mì tôm cho đến cái kim băng, hộp xà phòng và quần xi líp đàn ông đàn bà. Có cả những đồ trang sức giả vàng giả bạc để bán cho những cô gái quê lên thành phố, muốn có đồ trang sức như vàng bạc mà lại chẳng có tiền nhiều. Công nhận là công nghệ chế tác đồ trang sức giả vàng, bạc thật tinh vi. Giá sử có đặt đồ thật bên cạnh đồ giả bảo hắn phân biệt hắn cũng chẳng biết đâu mà lần. Cái hôm ông giáo già lên, lập cập đòi mua nhẫn kim cương, vợ hắn lại đi vắng. Con bé cháu bán hàng gọi hắn ra. Nhìn vẻ hiền lành đến ú ớ của ông già trước mê cung nhẫn vàng, nhẫn bạc, dây chuyền, máu lưu manh trong hắn rần rật chảy. Nhất là khi ông tâm sự muốn mua nhẫn cưới kim cương để tặng nó cho một bà vợ già sắp chết, để bà ấy mang xuống mồ. Bố khỉ! Chết đến nơi còn bày đặt! Mà đã mang xuống mồ thì nhẫn nào chẳng như nhẫn nào. Hắn nói với ông chờ một lát rồi lẹ làng chạy sang gian bên cạnh, nơi có tủ hàng tạp hóa của vợ. Hắn lựa một chiếc nhẫn nhìn đẹp nhất, mặt kim cương giả lóng lánh nhất mang sang. Hắn bảo đó là bạch kim đính kim cương nhân tạo. Ông hỏi giá, hắn vờ nhân đức nói giá của nó thật sự thì đắt lắm, nhưng xem ông có bao nhiêu tiền. Nể tình vợ chồng già thắm thiết, bao nhiêu tiền hắn cũng bán cho ông. Ông nhận chiếc nhẫn được đặt trong chiếc hộp sơn mài bé xíu rất đẹp (giâ trị của chiếc hộp đó có lẽ lớn hơn giá trị chiếc nhẫn) mà xúc động, nghĩ hắn thật có tấm lòng cao cả.
Nếu mọi chuyện chỉ dừng ở đó thì không có gì nói tiếp. Chiếc nhẫn kim cương giả kia đã theo bà giáo xuống mồ. Nhưng mọi chuyện lại bắt đầu từ mụ vợ lắm điều của hắn. Con bé bán hàng bép xép với vợ hắn về chuyện ông già đi mua nhẫn cưới kim cương và hắn bán hàng. Vợ hắn ngạc nhiên hết mức vì cửa hiệu kim hoàn con con của vợ chồng thị có bán kim cương đâu. Hắn đắc chí chỉ cho vợ xem xấp tiền của ông giáo và kể về chiếc nhẫn giả trong tủ tạp hóa của thị, kể về câu chuyện chiếc nhẫn cưới cho bà vợ sắp lìa đời của ông giáo. Nào ngờ mụ vợ ngồi lặng đi, nước mắt giàn giụa và một hai đòi hắn mang tiền đến trả cho ông giáo. Lần đầu, hắn tát vợ hai cái, đổ máu mồm máu mũi. Lần thứ hai, hắn chỉ tát một cái. Lần thứ ba, hắn gườm gườm nhìn vợ như nhìn quái vật. Lần thứ tư, thứ năm thì hắn gầm lên: con điên kia, câm mồm đi, tao biết ông ấy ở đâu mà trả!
Sau vụ chiếc nhẫn kim cương ấy, vợ hắn như lên cơn điên. Trước đây mụ sợ hắn một phép thì tự dưng giở chứng cãi lại chồng, bất chấp những cú thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Mụ còn dám nói về luật nhân quả, về việc sống đừng làm nhiều điều thất đức mà di hại đến mấy đời mấy kiếp về sau. Mụ còn khóc ầm ầm nói đến chuyện đời đàn bà, thứ cần nhất không phải là tiền bạc mà là tình nghĩa vợ chồng. có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng yên ấm, yêu thương nhau còn hơn ngồi trên đống vàng thế này mà nay bị ăn tát, mai bị ăn đấm. Có lần mụ còn vác dao lên, ấn vào tay hắn, gào lên: ông giết tôi đi! Tôi chỉ mong chết  mà không được…
Người mong chết là vợ hắn thì không sao cả, nhưng thằng con trai mười hai tuổi của hắn tự dưng không ốm không đau gì lại không bao giờ tỉnh lại nữa sau một đêm ngủ. Sáng ra, không thấy con dậy đi học như mọi ngày, hắn vào giường phát vào mông nó, gọi dậy. Nào ngờ con chết cứng tự lúc nào. Thằng con trai duy nhất của hắn. Thằng cháu trai duy nhất của bố hắn. Thằng đích tôn của cả dòng họ nhà hắn. “Ông giời” của hắn! Những hy vọng tràn trề của hắn! Nó đã không còn nữa. Vợ hắn chết đi sống lại. Hắn cũng chết đi sống lại bao lần. Gượng dậy sau đám tang con, vợ hắn ném vào mặt hắn một câu: trời quả báo ông đấy! Trời quả báo ông vì ăn ở thất đức đấy! Rồi mụ ôm quần áo lên chùa nương náu, không một lần ngoảnh lại, như thể mụ sinh ra đã ở trong chùa rồi.
Những giấc mơ hãi hùng cứ hành hạ hắn hàng đêm. Thằng con hắn, mụ vợ hắn cứ lần lượt sỉ vả, trách  cứ hắn. Rồi bố hắn, mẹ hắn, hai người đã qua đời từ lâu, cũng thường xuyên trở về trong những giấc mơ để hỏi hắn về chuyện chiếc nhẫn kim cương. Kinh sợ hơn, bà giáo già, người được mang chiếc nhẫn kim cương giả của hắn xuống mồ, người  mà hắn chưa bao giờ gặp mặt cũng xuất hiện trong các giấc mơ của hắn. Hễ nhắm mắt vào là hắn gặp những con người ấy. Sau một thời gian dài phờ phạc vì mất ngủ và sợ hãi, hắn nhận ra một điều: mình đã làm một việc thực sự thất đức, bất nhân, như lời vợ hắn nói. Và cuối cùng, hắn quyết tâm đi tìm ông giáo. Trong lần hắn bán nhẫn giả cho ông, ông đã kể rất rành mạch về mình…
Ông giáo già chết lặng trước những lời thú nhận của hắn, trước chiếc nhẫn kim cương thật đặt ở trên bàn đang lấp lánh, lấp lánh. Nỗi đau không thể bật thành lời. Hóa ra chiếc nhẫn mà ông nâng niu đeo vào tay bà trong những phút cuối cùng của bà lại là một chiếc nhẫn giả… Bà không biết điều ấy! Bà mang theo chiếc nhẫn giả về thế giới bên kia với lời hẹn ước của ông, rằng vợ chồng mình lại tìm nhau nhé! Rằng chúng mình lại sống bên nhau trọn một kiếp sau… Chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc nhẫn nại vang lên. Tưởng như hàng thế kỷ đã trôi qua. Tưởng như cả hai con người ngồi đây đã hóa đá rôi. Cuối cùng, ông là người lên tiếng trước. Ông nhìn sâu vào đôi mắt đang bạc đi của hắn, rồi chậm rãi bảo: chuyện đã qua rồi… Anh biết lỗi, biết quay đầu lại, vậy là tốt rồi. Kim cương thì quý thật, nhưng có thứ còn quý hơn nhiều, đó là sự tử tế của con người. Anh biết trở thành một con người tử tế, thì một chiếc nhẫn kim cương chứ một nghìn chiếc nhẫn kim cương cũng không sánh được. Tôi tin dưới suối vàng, bà ấy cũng sẽ tha lỗi cho anh…
Hắn òa lên khóc như một đứa trẻ!.
24/5/2017
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Đá thiêng

Đá thiêng

Tâm trạng bất an và những lo sợ mơ hồ ngày càng tăng đã làm thầy giáo Huy “bỗng dưng” sinh bệnh. Bất cứ ai tới thăm, vừa định cất tiếng chưa kịp hỏi thầy đã nhanh nhạy đáp trước: “Dây thần kinh lo âu. Tôi bị rối loạn dây thần kinh lo âu”, dù trong sổ bác sĩ ghi chẩn đoán: “Rối loạn lo âu do thần kinh suy nhược”. Bác sĩ khám cho thầy tình cờ lại là một học trò cũ của thầy, một trong số những tên học trò thành công trên đường đời, như người ta hay nói về những người có nhiều bằng cấp, có một công việc tốt. Khi tên bác sĩ nhận ra thầy, hắn nhìn thầy như đứa trẻ nhìn quả bóng bay vừa xẹp. Không ngờ Mr.Huy đạo mạo điệu đà ngày xưa giờ lại thế này.
… Khi tất cả thuốc của bác sĩ gần như đã chào thua không tác dụng, tiền uống thuốc cứ cạn dần, thầy Huy mất bình tĩnh và bắt đầu tin vào những chuyện trước đây thầy vẫn cho là nhảm nhí, chuyện lễ bái cầu cúng. Thầy bắt đầu tin có những qui luật hay sức mạnh nào đó đang vận hành bên ngoài ý muốn điều khiển của người ta. Thầy khấn cầu không theo một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng nào và thường quên không biết nguyện gì. Niềm tin nửa mùa kiểu “trong cơn nguy khốn không có kẻ vô thần” này, tuy vậy rất mãnh liệt và hình như cũng linh ứng.
Đó là khi có một nhóm học trò cũ tới thăm thầy đúng vào lúc thầy tuyệt vọng nhất. Một tên trong nhóm chả biết đùa hay thật, nói hắn biết một hòn đảo có rất nhiều một loại đá thiêng. Loài đá này có linh hồn, nó đẹp ngang châu báu nhưng quí hơn châu báu vì nó từng có cuộc sống. Nó đẹp tới nỗi tất cả những xui rủi xấu xa đều không tới gần nó được. Tên học trò còn ba hoa vì hắn sống ở nơi có nhiều đá thiêng hộ mệnh như vậy nên hắn chẳng sợ một cái gì.
Cả nhóm học trò cũ trong đó có tên bác sĩ đều cười vào sáng tác này, không ai cho đó là chuyện nghiêm túc ngoài thầy Huy. Thầy lẳng lặng ngồi nghe và nghĩ chắc chắn tên học trò này đã được dẫn dắt tới đây vì lời cầu xin của thầy. Thầy đã nhớ ra nó. Thằng này có số phận khác hẳn tên bác sĩ. Nó bỏ học rất sớm, rồi phiêu bạt. Suốt thời học sinh nó chưa bao giờ được xếp loại hạnh kiểm tốt, chỉ vì không năm nào nó đạt học sinh tiên tiến. Học lực trung bình, không đạt điểm số cao có nghĩa mày không chăm học. Một học sinh không chăm học tất nhiên không thể hạnh kiểm tốt được, đó là qui định. Thầy đã từng lấn cấn băn khoăn nhiều lần trước khi hạ bút phê hạnh kiểm cho những đứa như thằng này. Có lẽ nó đã quên hoặc không để tâm. Nó vẫn đang tếu táo bô lô ba la những chuyện về loài đá thiêng thần bí ở vùng biển nơi nó đang vùng vẫy.
Thầy Huy bí mật đón xe tới Đầm Y một mình vào một buổi sáng. Thầy khấp khởi gọi ngay cho tên học trò cũ. Nhưng thầy tới trễ mất một giờ. Tên học trò đã đi làm. Hắn không có mặt ở đây. Hắn nói sớm nhất cũng phải 3 giờ chiều hắn mới về.
Thầy Huy hụt hẫng thở dài. Thầy không nghĩ tới tình huống này. Thầy tưởng tên học trò sống ở đây có nghĩa lúc nào nó cũng ở đây. Bất kì lúc nào thầy tới cũng sẽ có nó. Giờ thầy mới nhớ ra nó còn trẻ, còn phải đi làm.
Biết làm gì từ đây cho tới 3 giờ chiều. Không ngờ lại có lúc thầy có cả nửa ngày dài dư thừa rỗng rênh không biết làm gì như hôm nay.
Đầm Y là một vũng biển. Người ta gọi là đầm vì đáy biển nông, đọng nhiều bùn và không có sóng. Bờ đầm, cũng là bãi biển, đọng nhiều rác rến lẫn những vệt bọt sóng màu nâu, lẫn màu lá xanh của những đám dây muống biển hoang dại lấm láp. Cát ven bờ cũng lẫn bùn, lún ướt và không sạch. Đây không phải một bãi biển đẹp, tất nhiên. Trên mặt đầm có rất nhiều những giàn cây từa tựa giàn mướp, thầy không biết là gì nhưng không có ai để hỏi. Có lẽ mấy chiếc ghe nhỏ nằm đổ nghiêng, nửa gối lên bờ cát nửa còn dưới mép sóng là vật trang trí duy nhất cho suốt dải bờ, như hình ảnh những con đò trong bức tranh vẽ cảnh dòng sông bến nước.
Sau cùng, một quần thể những đống đá ở đằng xa mới lọt vào tầm mắt khi thầy đã quá mỏi chân. Thầy đã quên không nghĩ tới lúc sẽ mỏi chân. Thầy quay nhìn khắp xung quanh tìm một chỗ có thể ngồi và phát hiện ra quần thể những đống đá. Nhìn từ xa chúng như một nhúm những hạt cơm rơi và thóc lẫn trong cơm bị lựa ra bỏ gọn một góc mâm cơm của người nông dân. Hay những nét chấm khoanh tượng trưng một nhóm những hòn đảo nhỏ trên sơ đồ mặt vịnh trong cái nhìn của các ngư dân. Trong mắt học trò nó giống một cụm những cái mụt trứng cá trên gồ trán cao của mặt bờ đầm. Còn với ai đó khác quần thể những đống đá có thể gợi hình ảnh đổ nát của một đền đài đã thành phế tích từ lâu. Hoặc hứa hẹn một chỗ ngồi suy tư yên tĩnh vừa ý nhất. Gắng lên, tới đó sẽ được ngồi nhìn ra mặt vịnh tùy thích, bao lâu cũng được, tha hồ cho các ý nghĩ đi hoang trước khi người ta có ý muốn qui phục chúng cho lặng dần.
Hăm hở vậy nhưng khi gần tới nơi thầy Huy mới biết ở đây có người! Cảm giác thất vọng khi biết mình không được một mình ở đây làm thầy mệt bã, xụi hết mọi cố gắng. Nhưng cùng lúc thầy lại thấy vui mừng vì ở đây không phải chỉ có một mình mình.
Thầy ngồi xuống dưới chân một đống đá, lẳng lặng và thờ ơ quan sát hai người dân địa phương. Họ là hai cha con, chắc vậy. Ông già tóc đã bạc. Anh con trai tất nhiên còn trẻ. Cả hai cùng ở trần đang quai búa bổ phầm phập xuống những tảng đá như bổ củi. Lưỡi búa ngập sâu tách tảng đá lớn làm hai. Rồi họ tiếp tục phân thân tảng đá lớn thành những viên đá vuông vuông, dài dài, kích cỡ gần bằng viên đá chẻ xây nhà, y hệt những viên đá trắng ở mấy đống đá bên cạnh.
Phải không? Thầy Huy đứng bật dậy chăm chú nhìn. Thầy chưa bao giờ thấy có đá nào lại mềm như vậy. Những tảng đá lớn màu rêu khô xin xỉn, giống màu những bức tường hoang lâu năm (mà thầy tưởng tượng là những hạt thóc lẫn trong cơm) khi bổ ra trong ruột lại trắng mịn như thạch cao, như những tảng bột lọc người ta xắn trong thúng ra để nặn bánh. Nhìn kĩ xung quanh thầy phát hiện nhiều viên đá trắng vẫn có một, hai cạnh mang màu xin xỉn của tảng đá mẹ.
Không tin và tò mò, thầy cúi xuống rờ thử một mảnh vụn vừa văng ra, rồi nhấc thử một viên. Đúng là đá thật. Cạnh đá mới chặt cứng sắc đau cả tay. Và nó cũng nặng như… đá.
– Đá san hô.
Ông thợ già đáp đúng ba tiếng khi thầy Huy hỏi đây là đá gì. Rồi có lẽ đoán trước thầy sẽ hỏi tiếp, ông nói luôn: “Để bẫy tôm con”.
Nói xong ông quẳng búa, cầm chiếc khăn để cạnh chiếc áo trên đống đá lên lau mồ hôi mặt. Vắt chiếc khăn qua vai, ông ngồi xuống cạnh thùng nước đá bằng nhựa màu nâu đỏ, mở nắp thùng múc nước uống, xong ông đóng nắp lại, úp chiếc ca nhựa màu vàng lên, đốt một điếu thuốc. Anh con trai cũng bỏ búa đến ngồi. Khi anh này mở nắp thùng múc nước uống, chiếc ca nhựa chạm mạnh vào cục nước đá nổi trong đó làm thầy Huy rùng mình vì lúc đó trời đang gió lạnh. Có vẻ hai cha con ông thợ đã sẵn sàng để tiếp chuyện thầy. Thỉnh thoảng cũng có những người lạ tới đây hỏi tìm nguồn tôm giống. Một số người khác tới để đặt họ làm những hòn núi giả bằng san hô. Nhưng thầy Huy đã nhìn đi nơi khác và bỏ đi. Anh con trai nói với ông già: “Ông này ổng bị sao?”.
Ông già chắc chắn không biết câu trả lời. Ông dụi tắt mẩu thuốc, uống thêm một ca nước rồi đứng lên tiếp tục làm việc. Tiện tay ông lượm mấy mảnh vụn bỏ gọn lại một chỗ.
Thầy Huy đi xuống bãi nơi có những đống đá khác hồi nãy thầy đã đi qua, đã thấy nhưng không chú ý. Xâu chuỗi các vật chứng trên bờ đầm, thầy thấy mọi vật trở nên rõ ràng. Đó là sau khi chặt những viên “đá chẻ” đúng kích cỡ yêu cầu, việc tiếp theo người ta sẽ khoan lỗ trên từng viên. Bằng chứng đây, một đống đá trắng đã khoan xong gồm toàn những viên có lỗ như vậy. Những lỗ khoan tròn chi chít nghịch ngợm như có một người nào đó đã chọc ngón tay vào những cục bột ướt rồi đem phơi khô. Đến mùa người ta sẽ chở hết những viên đá này ra đầm, dòng dây thả xuống nước. Những “giàn mướp” gác dày đặc cây que trên mặt đầm kia là để người ta cột dây “neo” những cục san hô vào đó. Và cứ mỗi sáng sớm những chiếc thuyền kia lại bơi ra đầm. Những người trên thuyền nắm lấy sợi dây cước màu xanh này lần lượt kéo từng cục đá lên. Họ ngó nghiêng tìm những cặp râu tôm con thò ra từ những cái lỗ khoan như hai sợi anten. Sau khi tóm bắt chúng (để bán cho những bè nuôi tôm thịt), họ lại thả tòm những cục đá xuống nước để sáng hôm sau lại bơi thuyền ra kéo lên. Mỗi cái lỗ khoan trên những cục san hô thành một cái hang kín đáo an toàn dụ lũ tôm con chui vào ẩn náu, dù chúng dòng giống tôm hùm. Biển ngoài kia càng động tôm hùm con dạt về ven đầm “lánh nạn” càng nhiều. Việc thu bắt tôm con cứ lặp đi lặp lại hàng ngày vào mỗi sáng sớm cho đến hết mùa biển động.
Hết mùa bẫy bắt những viên đá sẽ được kéo lên gom thành đống trên bờ để đợi mùa sang năm. Cục đá nào cũng mang trên đầu hai sợi dây cước lưới màu xanh bện xoắn hình dây thừng. Hai sợi râu xanh này thật ra là hai đầu của một sợi dây xỏ xuyên qua cục đá. Độ dài của mỗi sợi dây bằng khoảng hơn hai lần độ sâu từ mặt nước xuống tới đáy đầm. Nhìn cả đống đá cứ xã xượi xanh xanh những sợi cước dài lòng thòng như những đường mạch máu ốm yếu bệch bạc, như chúng chưa từng óng ả xanh biếc lúc còn nguyên trong cuộn mang từ cửa hàng về.
Ngoài những đống san hô mùa cũ, còn có một bãi những cục san hô cũ hơn đã bỏ đi. Rõ ràng cứ sau mỗi mùa chúng lại hao mòn rất nhanh. Sóng biển bào mòn làm chúng nhỏ dần đi, biến dạng, trơn lì, không còn cạnh sắc và kích cỡ ban đầu, cũng không còn trắng nữa. Màu trắng của ruột đá lúc mới chặt ra dần dần trở lại màu rêu cũ ban đầu. Tới khi chúng bị mòn nhỏ đến mức không còn đạt tiêu chuẩn kích cỡ nữa người ta sẽ bỏ đi. Vì vậy bên cạnh số san hô cũ tàn tạ bị thải ra hàng năm, luôn phải có số đá san hô mới chặt chẻ và khoan lỗ sẵn chuẩn bị thay thế.
Thầy Huy ngồi xuống bên một bãi san hô mùa cũ đã bỏ đi. Bất chợt điện thoại rung làm thầy giật mình. Tiếng tên học trò cũ choang choang dội vào tai làm thầy nhăn mặt, đưa chiếc điện thoại dịch ra xa.
– Alo. Thầy đang ở đâu?
– Tôi đang ở đây. Tôi…
Mất sóng. Cố gọi lại mãi không được, thầy nhìn cái điện thoại rồi bỗng như sực nhớ một việc, thầy lật đật mở điện thoại thử tìm coi có thông tin nào về tên học trò cũ. Thật bất ngờ thầy thấy ngay tên hắn gắn với tên một tour du lịch đảo. Cạnh mấy hình ảnh san hô chụp qua tàu đáy kính còn có một “bài văn” hắn dán trên đó để quảng cáo. Thầy đọc và bất ngờ. Thầy không ngờ một đứa học trò suốt đời học lực trung bình lại có trong đầu nó trí tưởng tượng như này.
“… Hãy hình dung một rạn san hô như một khu rừng bon sai dưới nước. Một khu rừng nhiệt đới có những ngàn lau hoa trắng mềm mại ngả nghiêng trong gió (sóng nước), có đồi hoa sim hoa mua tím ngát, có những vạt rừng phong lan từng chùm rủ xuống sặc sỡ sắc màu. Có những cánh rừng toàn tre trúc, hay một dáng cổ thụ đơn độc cứng cáp uy nghi xòe tán trên đỉnh núi, dưới gốc cây đầy những loài nấm, rêu đá, những đàn bướm (cá) và rất nhiều cây kì cỏ lạ.
Cũng như rừng sâu hay có những loài cây cỏ quí hiếm, dưới biển sâu cũng có những loài san hô đỏ và đen. Thời xa xưa san hô được coi là báu vật, một loại vật chất thiên tạo mang vẻ đẹp tinh thần linh thiêng. Thổ dân Châu Mỹ xưa coi san hô là đá thần. Người Tây Tạng đeo chuỗi hạt san hô để trừ tà ma. Người Châu Âu thời trung cổ có thói quen mang theo một mảnh san hô trong người làm bùa hộ mệnh. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nữ trang bằng san hô trong hoàng cung Ai Cập. San hô cũng được dùng trang trí trên một số bảo vật và đồ thờ trong hoàng cung triều Nguyễn…
“Tôi biết một nơi có đầy bùa hộ mệnh, có ai muốn theo tôi ra đảo không? Hãy nhớ chỉ những ai không còn sợ hãi mới thấy được đá thiêng. Người nhiều sợ hãi sẽ chỉ thấy đá là đá thôi. Há há!”.
Thầy Huy ngồi ngẩn người. Hóa ra sự thật về đá thần đá thiêng là vậy. Suýt chút nữa thầy đã thành trò cười cho đứa học trò cũ. Lũ quỉ sứ. Như vậy nó nói đang đi làm có nghĩa nó đang theo một tour ra đảo và phải 3 giờ chiều nó mới về tới đây đúng rồi.
Điện thoại lại rung. Tiếng tên học trò cũ vẫn như hét lên:
– Alo. Thầy còn đó không. Thầy đang ở đâu?
– Vẫn ở đây, nhưng tôi sắp về rồi.
– Thầy không đợi được ạ. Thầy ở lại đi. Đã tới đây rồi, em…
Lại mất sóng. Sóng ngoài đảo mùa này dễ chập chờn. Nhưng ở lại làm gì nữa. Thầy Huy giận dỗi đứng lên.
Đi qua chỗ “công trường đá”, thầy dừng lại. Hai cha con ông thợ đã về nghỉ trưa. Thầy nhìn đống mảnh vụn. Tảng đá nào khi chặt xong cũng có một phần mảnh mẩu nhỏ bị loại ra, như vụn vải thừa sau cắt may. Ở đâu đó có lẽ chúng đã được coi là đá thiêng, nhưng ở đây chúng vung vãi như một thứ rác. Những mảnh rác xương xác san hô.
Thầy có đọc được ở đâu đó rằng ấu trùng san hô khi mới nở trong trứng ra sẽ trôi nổi trong nước cho tới khi nó gặp được một rạn san hô để bám vào, phát triển và lớn lên. Một khi đã tấp lại nơi đâu con san hô sẽ phải gắn bó thân xác nó với rạn san hô đó suốt đời, cho đến khi nó chết đi và cả sau khi chết. Sau khi chết xương xác nó vẫn dính bám tại chỗ, làm nơi đậu lại cho những ấu trùng san hô đời sau. Cứ vậy đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác, chồng chất, qua hàng trăm, có khi hàng triệu năm để hình thành một đảo đá san hô, trở thành những rạn san hô vĩ đại che chở cho lũ tôm cá dại dưới biển, rồi lại bị chặt chẻ thành những cái bẫy bẫy tôm con, rồi hao mòn, thành đồ bỏ trên bờ. Đâu là ý nghĩa. Có con san hô nào sống được muôn triệu năm để thấy suốt được hành trình này.
Lũ tôm hùm có thể không oán san hô, nếu chúng thích được nuôi trong lồng no đủ, an toàn và không cần tiến hóa. Cuộc sống tự do ngoài biển cần thiết để linh hồn tiến hóa, nhưng chẳng dễ dàng gì, đầy rình rập hiểm nguy, làm sao để không sợ hãi.
Thầy Huy cầm lên một mảnh xương xác san hô tổ tiên, thầy kính cẩn để nó ngay ngắn lên đống đá cao và cúi lạy. Nước mắt bỗng ứa ra, thầy gỡ kính xuống lau. Qua màn nước mắt thầy bỗng thấy màu trắng ruột san hô đẹp thật. Vẻ đẹp của nó không giống ngọc. Thầy thấy như nó có linh hồn.
Từ nãy, hai cha con ông thợ đã xách đồ nghề ra. Họ tò mò nhìn thầy Huy. Anh con trai che miệng nín cười. Bị họ bắt gặp, thầy Huy lúng túng ngượng ngùng bỏ đi.
Đã sang chiều rồi. Không nhanh sẽ không kịp đón chuyến xe cuối. Nhưng thầy vội về làm gì chứ? Dây thần kinh lo âu thì thào run rẩy. Nó sợ những thử thách quá sức lại làm nó rối loạn bất an. Thầy bỗng cảm thấy đói. Đã lâu lắm từ ngày bị bệnh thầy không biết đói, không có cảm giác thèm cơm.
Thầy Huy quyết định ở lại gặp đứa học trò cũ để ngày mai theo nó ra biển. Mai cũng là ngày tên bác sĩ hẹn thầy tới để hắn tái kiểm tra.
Khi nghe thông báo thầy Huy đang ở biển tìm kiếm đá thần, tên bác sĩ cười ngất. Hoang mang. Hắn nói: “Bệnh nặng rồi!”.
Còn tên học trò “đá thiêng” lại thấy vui khi nhìn thầy Huy chơi với những mẩu san hô trên đảo. Hắn mừng vì ông thầy đã chịu xa được nơi phát bệnh để tới đây với hắn.
26/9/2017
Vân Hạ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Lão Sướng

Lão Sướng

Khi những cánh hoa đào còn đang chúm chím xinh xinh đậu trên cành cây, lão Sướng sắp xếp công việc đồng áng cho gọn để lên thành phố. Mấy hôm nay, các nhà xung quanh nhà lão đã lên thành phố mua hoa đào về chơi tết. Năm nay, lão cũng muốn có được cành đào trong nhà chơi mấy ngày tết cho bõ công lão vất vả quanh năm suốt tháng.
Mấy năm nay mưa thuận gió hòa, nhà nông được mùa nên có vẻ xúng xính, dư dả, có tiền cũng muốn nở mày nở mặt với thiên hạ. Làng đào được mùa phất lên như diều, tha hồ quát giá. Những cành đào mấy năm trước đáng giá vài ba chục nghìn, năm nay giá lên đến vài ba trăm. Có những cây đào thế, mấy kẻ giàu có, thích lối trưởng giả học làm sang mua vài ba chục triệu, thậm chí có cây lên đến vài ba trăm triệu. Đắt, nhưng ai cũng hỉ hả.
Nhà nông vẫn thế. Mời nhau ăn cỗ, đánh nhau chia gạo. Giá cả hạt lúa củ khoai cao thì nhà nông cũng muốn chia sẻ với kẻ trồng cây, tỉa lá. Người phơi mông cho nắng, kẻ bán mặt cho giời. Tôi có, anh có và chị cũng có.
Từ sáng sớm, lão bắt xe lên thành phố. Lão lượn hết vườn hoa này đến vườn hoa nọ. Lão ngắm hoa, đếm cánh. Lão ngó gốc liếc cành. Lão thấy cây nào cũng đẹp và hoa nở đều đẹp. Cái sắc màu hồng hồng như môi con gái làm lão chả phân biệt được cây nào đẹp, cành nào đang vào độ hàm tiếu lặng lẽ chờ chút mưa xuân bay phây phây mà bung cánh khoe dáng. Có cây lão thích thì khi nghe chủ nhà phát giá, lão vã mồ hôi. Nếu lão không phải là lão nông tri điền, ăn sáu, bảy bát cơm chưa no thì có lẽ lão đã lăn quay vì choáng.
Rồi lão gặp ở chợ hoa một người trung niên, dáng cũng thô thô như lão. Cái bộ quần áo cũng nhàu nhĩ, màu nước dưa và loang lổ vệt mồ hôi của năm tháng còn lại làm chỗ bạc chỗ sẫm. Nhất là lão thấy cái ông bán đào này cũng chẳng như người khác, chèo kéo, khen hoa của mình là nhất, còn hoa của người khác đều là thứ bỏ đi. Khi lão hỏi giá, người bán hoa nói nhát gừng, túc ta túc tắc. Cũng cành hoa như thế, có người nói cao gấp cả chục lần.
Người bán hoa nói giá, lão trả thử một câu thì người trung niên đã bán. Lão chặc lưỡi, mua lấy cành đào về cắm tết. Cứ đào là được. Cành đào cắm trong bình hoa rồi thì dẫu có xấu đẹp, nhà lão vẫn có cành đào. Lão Sướng vác cành đào nghênh ngang đi dọc phố.
Bụng lão nghĩ, năm nay nhà lão cũng có đào. Lão có quyền vênh mặt với những ai hay coi thường lão nghèo. Thiên hạ nhìn ba ngày tết. Cả năm đói no mấy ai biết. Bụng lão sướng rung lên. Mấy cái cơ bụng nhồi lên nhồi xuống như bị bắt chuột nổi u nổi cục. Lão tên là Sướng, vất vả cả đời đến bây giờ mới được sướng.
– Có mắt không đấy mà đi đứng thế hả?
Giật mình, lão đứng khựng lại. Lão nhìn kỹ vào cái mặt vừa mới phát ra tiếng quát. Cái mặt tròn tròn, dèn dẹt, loang loáng mỡ. Hai má nhiều mỡ nổi u ép vào cánh mũi còn nhỏ tin hin như lỗ con cun cút mà bọn trẻ hay chơi trò lấy nõn tre chọc xuống câu.
Lão nghĩ, ừ, cái má này phì nhiêu như cánh ruộng bãi nhà lão mới được chia vậy. Ruộng bãi nhà lão phì nhiêu là nhờ hằng năm lũ đưa về hàng mét phù sa. Lẫn trong lớp phù sa ấy là biết bao nhiêu cỏ rác, xác súc vật mà sau này thành chất mùn cho cây. Nghĩ được vậy thì lão đã tự chất vấn cái đầu của mình. Chết. Chết. Ai lại đi ví cái má của con người với cánh bãi nhà mình. Nghĩ thế phải tội chết. Ở đời lão sợ nhất là mắc tội với ai đó. Ai làm ác được chứ lão thì chịu.
Để tránh việc liên tưởng phải tội, lão nhìn xuống cổ người mà lão vừa nghĩ xấu. Ối giời ơi! Lão không thể không liên tưởng tới cái cổ con trâu mộng mà lão Sung hàng xóm đang ra sức chăm bẵm để đưa đi hội thi sắp tới. Cái cổ nần nẫn những thịt. Mà sao cái người này thịt cổ nhiều đến thế. Lão há hốc miệng ra.
Rất nhanh, lão nhớ ra quanh năm suốt tháng hút thuốc lào, chắc răng lão cáu bẩn và nhiều bớn lắm, có khi lại còn mùi hôi thối cũng nên. Lão ngậm vội miệng lại. Sao dạo này nhìn thấy cái gì là lão hay liên tưởng để xem nó giống cái gì thế. Hay là lão đã đến tuổi đốc chứng. Không, lão chưa muốn thế đâu. Đang gặp thời gặp vận có chút sung sướng, lão phải sống thêm để hưởng đã. Chết ở tuổi này, phí lắm. Phủi phui cái mồm. Phủi phui cái mồm. Lão nghĩ thầm.
Không dám nhìn vào người đối diện vì lão lại sợ có liên tưởng xấu. Lão cúi xuống dợm bước định đi.
– Này. Làm gãy cả cây đào của người ta, lại định bỏ đi sao?
Sững lại. Lão hoa mắt. Giời đất ơi! Cây đào mới đẹp làm sao. Cả đời lão sống bằng này tuổi đầu, chưa bao giờ được thấy cây đào đẹp đến thế. Nếu có nó được một lần, lão chết cũng còn sướng. Cây đào có cả thế trực thế hoành, có cành chiếu thuỷ, ngũ long chầu nguyệt. Tuyệt. Lão nhìn kỹ. Một nhánh đào nhỏ, gãy lủng lẳng mắc trên cành. Cái nhánh nhỏ có dăm ba nụ hoa nhỏ bằng đầu tăm. Lão biết nói gì đây. Cách tốt nhất là ngậm miệng. Các cụ xưa vẫn dạy: Ngậm miệng ăn tiền mà.
– Có tiền đền không? Không có hả?
Lão lấy đâu ra tiền để đền cây đào giá trị bằng cả cơ ngơi nhà lão. Có giết lão cũng chịu. Cành đào lão mua được đây cũng ngốn của lão ba bốn tạ thóc chứ có ít ỏi gì.
Thấy lão vẫn im lặng, một người đi từ trong sân của ngôi nhà mà theo lão đoán là của người có cây đào mà lão vừa làm gãy cái nhánh nhỏ. Người đó cười cười, nhỏ nhẹ:
– Không tiền thì để cành đào của lão lại.
Lão phải để cành đào lại. Lão có nghe nhầm không? Để có được nó, suốt một năm qua lão đã phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, mồ hôi vắt ra thành nước, nhịn cả chén rượu tối tối giãn lưng giãn cốt. Mụ vợ lão, nước mắt ngắn nước mắt dài khi lão bắt phải mang mấy tạ thóc đi bán. Giá bán thóc còn bị bọn buôn bắt chẹt bằng một nửa giá ngày thường. Đứa con lão chấp nhận năm nay vẫn mặc bộ quần áo cũ, tết không mua sắm mới.
Vẫn cái giọng nhỏ nhẹ nhưng tiếng rít gió từ trong vòm họng thì sắc như cật nứa xát vào nhau.
– Có đền không hả?
Tay người đó đưa về sau như muốn rút cái gì. Lão đã nghe nói dạo này trên thành phố hay xử nhau bằng đao búa lắm. Hai người đi xe máy va quệt nhẹ mà cũng rút ngay dao ra đâm nhau chết. Có người bán hàng rong, nghe khách gọi, gánh vội chạy sang, dây quang lỡ chạm vào áo cô gái ngồi sau xe máy. Ấy thế là cậu thanh niên dựng xe, túm tóc đánh người bán hàng rong đến đi viện. Lão nghe nhiều chuyện đến ù tai, da sởn gai ốc.
– Có đền không hả?
Tiếng hỏi lần này có cả âm khí của xác chết.
Lão đặt vội cành đào đang vác trên vai xuống vỉa hè. Cứ thế lão bước lùi, bước lùi xa dần, xa dần cành đào. Lão lùi đến khi lưng lão chạm cái vật rắn, xù xì. Giật mình, lão tưởng có người chặn phía sau. Quay lại. Thì ra là cái gốc cây. Toát mồ hôi hột. Giơ tay quệt ngang mặt, lão chạy. Lão chạy như ngày còn bé qua cánh mả bị ma đuổi.
– Tuyệt vời. Nhánh đào gẫy gắn hờ vào thế mà được cả cành đào vài ba trăm. Em chịu anh.
– Chuyện vặt. Các chú còn phải học anh nhiều. Mà chú diễn cũng giỏi lắm. Nào vào nhà làm ly rồi mang cành đào ra chợ. Ta lại bán.
Lão cứ chạy. Lão chạy mà không biết chạy đi đâu. Hình như có tiếng chân của ai luỵch uỵch phía sau. Lão cứ chạy như thế cho đến khi lão mệt quá, vớ được cái gốc cây, lão ngồi bệt xuống.
– Ông chạy đi đâu mà khiếp thế? Làm tôi đuổi theo mệt bở cả hơi tai.
Lão Sướng đưa mắt nhìn. Cái ông trung niên bán hoa cho lão hồi nãy. Mà sao cái ông này lại chạy theo lão thế không biết. Không lẽ ông ta cũng chạy theo đòi lại cành đào?
– Thế ông chạy theo tôi có việc gì?
– Cành đào của ông bị chúng nó lấy mất rồi đúng không?
– Sao ông biết?
– Tôi thấy ông chạy, lại không thấy có cành đào tôi vừa bán nên tôi đoán thế. Tôi chạy theo để bảo ông. Thôi đừng chạy nữa, vào nhà tôi. Tôi cắt cho cành đào khác mà đem về chơi tết.
– Thế mà tôi cứ nghĩ chúng nó vẫn còn đuổi phía sau. Sao ông không nói sớm để tôi không phải chạy?
– Thì ông cũng có đứng lại nghe tôi nói đâu. Làm tôi chạy theo cũng mệt đứt hơi đây này. Nào, đứng lên, đi về nhà tôi cắt cho cành khác.
Người bán hoa cúi xuống, nắm tay, kéo lão đứng lên. Bóng hai người dìu nhau đi giữa những sắc hoa loang loáng trong phố chợ.
26/9/2017
Phạm Thanh Khương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Trái tim người lính

Trái tim người lính

“Con người được sinh ra để tìm thấy hạnh phúc quanh mình,
dẫu đôi lúc nỗi buồn che đôi mắt. Cứ tin rằng hạnh phúc sẽ trở lại…”
Xuân là cái nhụy của bông hoa thời gian vô hình, là tiếng cười trong veo của gió, là ánh nắng ấm áp từ mặt trời. Với những người lính năm ấy, những tia nắng ấm áp không đơn thuần xuất phát từ mặt trời rực rỡ kia, mà còn là những yêu thương đè nén đợi chờ một ngày được gặp lại. Anh đợi lâu lắm mới được về thăm nhà một lần, chỉ là đoàn quân của anh hành quân ngang qua khu làng mà anh ở, còn cách làng vài ba cây số mà lòng anh cứ nôn nao mãi. Nơi nào cất giữ tình yêu trọn vẹn nhất? Đó là trái tim, là tâm hồn, là tấm lòng của một người lính trẻ.
– Chi ơi… Anh về rồi này? – Anh chạy thật nhanh vào cổng nhà như cứ sợ nếu chậm một chút sẽ không thể gặp được người anh yêu.
– A… Anh Huy… Anh về được lâu không đấy? – Chi vui đến nỗi cười híp cả mắt.
– Anh về với em luôn đây này. – Huy ôm chầm lấy Chi, xoa xoa tấm lưng gầy.
– Em không tin đâu… – Chi ngọ nguậy đầu trong lòng anh mà vừa vui vừa buồn. Cô biết anh về rồi lại đi, hội ngộ để rồi xa cách, hai sự kiện trái ngược nhau mà nối tiếp chia thanh xuân của họ thành những đoạn những chặng đường nhuộm một màu chờ mong, hoài vọng.
Anh cười khổ nhìn Chi, cô gầy gò đi hẳn, mặt hốc hác, ôm cô mà lòng anh xót xa, chỉ trách anh chẳng thể ở bên cô hằng ngày lo lắng cho cô từng bữa ăn, giấc ngủ. Giờ đây cô lọt thỏm giữa vòng tay anh, lại sợ cô bị thiệt thòi nhiều. Tình yêu là gì? Là một người ướt vạt áo trước, một người ướt phía áo sau, vì đã ôm nhau thật sát khi mưa trút nước bất chợt. Với anh tình yêu đơn giản vậy thôi, vẫn tự nuôi dưỡng hạnh phúc từng ngày.
– Thả em ra… Anh vào nhà đi, để em dọn cơm cho anh ăn, đứng đây cảm lạnh bây giờ. – Cô ngượng ngùng đi vào sau nhà, để lại anh nhìn theo mà lòng trống trải.
Thời gian ở lại nơi đây thật sự rất chóng vánh, tích tắc đã hai ngày, đối với anh bao nhiêu ngày cũng không đủ để anh không phải hối tiếc. Đáng lẽ ra, anh được ở đây một tuần, nhưng vì nhận lệnh khẩn cấp nên ngày mai anh phải rời đi. Cô đợi anh lâu như vậy, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này qua tháng nọ,… Cũng chỉ để đợi anh về, vậy mà chưa làm được gì cho cô đã phải lên đường lại. Gió xuân lại làm tê tái cả một cõi lòng. Tối đó, anh ngồi trước hiên nhà cùng cô trò chuyện, kể cho nhau nghe không biết bao nhiêu chuyện trên đời, hạnh phúc đầy vơi…
– Mình cưới nhau em nhé? Chờ anh một chút nữa thôi… Có được không? Anh sẽ chèo ghe đưa em đi hái sen, cùng em dậy sớm lên chợ huyện sắm đồ… – Anh cầm tay Chi nhẹ nhàng nói, hơi ấm từ tay truyền đến tay.
– Nhưng anh ơi… – Cô lưỡng lự nhìn anh, mắt ngân ngấn nước mà anh chẳng hay.
– Anh sẽ bù đắp cho em, mình sẽ cùng nuôi một đứa con trưởng thành, và sau này nó cũng sẽ đi theo cách mạng như chúng ta. – Anh xoa xoa mái tóc mềm của cô, hạnh phúc tràn ngập ngay trong cả giọng nói. Anh đang vẽ nên một tương lai mới cho mình, và cho cả người con gái anh thương.
Nghe giọng anh tràn đầy hi vọng mà lòng cô tan nát từng chút, từng chút một. Cô không dám nhìn thẳng vào mắt anh nữa, nước mắt chợt tràn ra khỏi khóe mắt, lau vội đi mà hàng mi vẫn còn ươn ướt, tận đáy lòng cũng cảm thấy quặn đau.
– Ngày mai anh phải đi rồi hả? – Cố kìm lòng, cô hỏi nhỏ.
– Ừm… Em sao vậy? Không nỡ để anh đi sao? – Anh gỡ vài ngọn tóc dính trên trán cô, buồn buồn.
– Anh ơi… Em phải lấy anh Chương con bác Ba… Ba mẹ em ép cưới ngay… Giờ em phải làm sao đây?
Anh nhìn lại bộ đồ đã cũ mà anh đang mặc, đời lính có mấy khi được sướng đâu, nhìn mặt Chi đầy nước mắt mà trái tim anh cứ đập những hồi thổn thức, đau đến chạnh lòng. Anh ôm lấy bờ vai đang run lên theo từng tiếng nấc của cô, nhẹ xoa tấm lưng gầy. Cô vẫn khóc trong lòng anh, tức tưởi, ức đến nghẹn ắng cả cổ họng. Chương là con trai của Hiệu trưởng trường tiểu học mà Chi đang đi dạy, nếu làm phật lòng họ, chẳng phải sẽ khó khăn cho công việc của cô sao? Cô còn đàn em nhỏ, ba mẹ đã già làm sao lo đủ để chúng ăn học. Đêm đó, anh không ngủ được, cứ trằn trọc suốt, hết tay trái rồi đến tay phải gác lên trán, anh nghĩ về mọi thứ, về ngày mai…
Khi mà cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy chiếm chính quyền, vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, của Quân Giải phóng miền Nam trên hầu hết lãnh thổ của nước ta bắt đầu, cũng là lúc anh lại phải lên đường đi xa một lần nữa. Lần này chẳng biết khi nào mới được về thăm nhà. Anh không biết cô có biết rằng anh sắp đi một chuyến hành trình thật dài, chẳng biết có quay về kịp không nữa, nhưng thật tâm trong lòng anh tình yêu tha thiết dành cho cô chưa bao giờ lụi tàn. Anh chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ thật tốt mà quay về bù đắp cho những tháng ngày chờ đợi của cô. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, giờ đây anh phải rời xa rồi, rảo từng bước trên con đường đất dài thật dài, cứ ngoảnh đầu mong ngóng một điều gì đó từ phía sau, mà chờ hoài không thấy. Cô không đi tiễn anh… Trời lất phất mưa phùn.
Anh lặng lẽ bước chân đi mà không quay đầu lại nữa, sự thật vẫn luôn tàn nhẫn như vậy. Anh đi được một tháng thì hay tin cô lấy chồng, khi mà hạnh phúc không chạm đến được tay anh cũng không chạm đến được tay người là khi anh nhận ra trong lễ đường đó, chú rể ấy chẳng phải là anh. Anh nhìn về một nơi xa xăm nào đó, lại nhìn lá cờ tổ quốc phấp phới trong gió mà lẳng lặng thở dài. Chỉ mong cô được hạnh phúc. Trái tim anh chờ cô đã bao ngày mà chẳng hề phôi phai. Nỗi buồn đan xen với sự bất lực lăn lõi trong ánh mắt, chảy dài theo từng giọt nước mắt, rơi xuống, chạm vào lòng bàn tay nóng hổi.
Những đêm hành quân vượt qua bao núi rừng, vượt qua bao bom đạn, súng giặc chĩa thẳng vào đầu anh  và đồng đội. Chiến trường năm 68  thật khốc liệt. Những thằng lính Mỹ lái máy bay  rà trên đầu , chẳng biết bọn chúng rãi thứ gì mà vài ngày sau những cành cây bỗng nhiên trọc lá. Về sau mới biết đây là một trong những chất độc hóa học cực mạnh  mà Mỹ đã dùng  hủy diệt cây lá để dễ dàng nhận dạng các đồng đội của ta, nhưng chúng đâu nghĩ  hậu quả như thế đã là một tội ác quá lớn đối với đồng bào dân tộc ta trong và sau chiến tranh. Trên đường hành quân  không biết bao đồng chí đã hi sinh, đi là đi, đến phải đến và vì nhiệm vụ anh phải đau đớn vượt qua bao xác của người anh em… Nhưng những đau đớn sợ hãi  ấy đâu thể làm trái tim người lính chùn bước, anh vẫn luôn hướng về Tổ quốc đấy thôi.
Chiến tranh kéo dài khiến cho việc đi lại và lương thực quá khó khăn, chi phí hao tổn quá lớn cả về nhân mạng lẫn vật chất. Mặc dù còn rất nhiều hạn chế nhưng cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân đã mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải chấm dứt chiến tranh xâm lược vô điều kiện và chịu ngồi vào bàn hội nghị  Paris. Có một đêm trời đầy trăng sao, anh lại nhìn đồng đội mỉm cười rất vui, anh thì thầm vào tai họ: “Mình chỉ mong cho chiến tranh mau kết thúc để nước nhà được  bình yên…”. Nói đến đây tự nhiên anh ôm lấy đầu rồi bất ngờ ngã trên tay một người anh em.
Cả đồng đội hốt hoảng vội đi gọi y tá, sau vài giây đo tim mạch và thăm khám, cô y tá trẻ buồn bã nhìn mọi người lắc đầu: “ Thêm một đồng chí nữa đã hi sinh…”. Nói xong cô nhẹ nhàng vén chiếc ống quần xanh của anh lên cho mọi người xem và nghẹn ngào nói: “Anh đã  bị thương và do vết thương quá sâu nên bị nhiễm trùng gây sốt cao, dẫn đến tổn thương não…”. Những giọt nước mắt rươm rớm nhìn anh tiễn biệt, nhưng không một ai dám khóc lên thành tiếng.
Những người lính đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, có ai đó đã từng nghĩ cho hạnh phúc của họ chưa? Có ai đã từng nghĩ đến những mất mát hi sinh của họ nơi chiến trường đầy bom đạn? Ai cũng có thể nhìn thấy bề nổi của một tảng băng mà chẳng mấy ai quan tâm bên dưới ấy là những thứ gì. Vượt qua bao nhiêu trận đánh ác liệt của giặc, những người lính còn vượt qua cả nỗi nhớ nhà nhớ người thân. Họ đem đến hạnh phúc một cách âm thầm, mà bản thân họ được bao nhiêu người có thể ôm trọn lấy hạnh phúc vào lòng?.
26/9/2017
Bùi Đức Ánh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Tượng Balzac

Tượng Balzac

Hình như những phác thảo càng cố gắng gần với Balzac bằng xương bằng thịt… lại càng xa với hình ảnh Balzac trong đầu của nhà nặn tượng bất hạnh kia…
Lại xóa, lại dập… Lại thử những người mẫu giống hơn, trong những tư thế ưu đãi hơn.
Mười tám tháng vèo qua.
Thiên hạ đã bắt đầu xì xào.
Tượng khổng lồ, mộ giấy đá vô danh 
Có phải đời sống con người quá vất vả, cực nhọc dày vò, nên ai cũng hy vọng, cũng đinh ninh rằng khi chết mình sẽ được yên nghỉ.
Balzac là một trong số những người đó.
Ông đã phải làm “mọi” cho đám nhà văn thị trường sản xuất đủ các thứ truyện bá láp mà giới văn học thường gọi chung là “tiểu thuyết của người gác cổng” để sinh nhai.
Thiên hạ nghĩ rằng chỉ có làm cu ly ba tê mới cực nhọc.
Viết văn cũng cực nhọc, cũng phu phen chẳng kém gì. Đi khuân vác về, mệt, có thể làm một tợp rượu rồi lăn ra ngủ giấc ngủ của “kẻ công chính,” chuẩn bị sức cho ngày hôm sau. Người viết văn không được cái yên ổn ấy… thường sống những đêm ân hận, dằn vặt,… Mình đã bôi bẩn những trang giấy thật trong trắng kia để làm gì? Sao mình lại mài mòn bộ óc, tiêu xài hoang phí những giấc mộng đẹp tuổi trẻ để viết những trang sách mà ngày mai, ngày kia… người ta sẽ vứt vào sọt rác…
Để đổi lấy những đồng nhuận bút chết đói!
Ôi! Cái nghề văn…
Không ai tính được những đêm thấp thỏm của Balzac, những giấc ngủ hoảng loạn, chập chờn đầy ác mộng, như giấc ngủ một kẻ bất lương.
Ngay cả khi đã nổi tiếng… và trở thành một trong những nhà văn hàng đầu của thế kỷ XIX… cuộc sống của ông cũng chẳng nhàn nhã vui thú gì. Chưa viết xong một tiểu thuyết đã phải lập tức nghĩ đến cốt một tiểu thuyết khác.
Balzac suốt đời khao khát một chút điều kiện để có thể viết một tác phẩm văn học “như mình thích.” Ôi! ước gì mình có 500.000 quan… mình sẽ để thời giờ chuốt lại từng câu văn, đẽo gọt từng chi tiết… sửa đi sửa lại cho đến khi không còn sửa được nữa… một kiệt tác, cỡ một bức tượng của Michel Ange… nó sừng sững tồn tại với thời gian và cạnh tranh với quyền lực vô biên của tạo hóa.
Balzac không phải không kiếm được nhiều tiền… Nhưng ông tiêu còn nhiều hơn… tiền cho mình… tiền cho bạn… cho cả đám người không quen biết thường cộng sinh trên lưng những người lương thiện. Và Balzac lại kéo cày, lại phải viết vội… viết như bổ củi, để đến lúc sửa morát lại dập xóa, lại thêm bớt, làm tình làm tội đám thợ sắp chữ…
Và giữa tuần trăng mật với người yêu, thành hôn sau hàng chục năm trời xa cách thương nhớ… một nữ bá tước đẹp, trẻ và nhiều tiền ở một nước Nga huyền thoại đầy tuyết trắng, thì Chúa lại bắt ông đì.
Với hàng tấn trang viết lặc lè thồ trên lưng, làm sao người ta có thể sống lâu được…
Viết… viết… buồn ngủ lại nốc cà phê… lại đắp nước lạnh vào mặt… để lại viết. Balzac thở dài mệt mỏi.
“Tôi chết vì ba vạn tách cà phê…”
Cái chết của Balzac thật rôm rả. Tang lễ đồ sộ. Có cả vòng hoa của Hoàng Đế Napoléon III lúc đó còn làm tổng thống nước Cộng Hòa. Ngay những kẻ thù của ông cũng viết những lời ai điếu có thể là thành thật. Người chết rồi còn nguy hiểm cho ai nữa. Cả những nhà phê bình bẩn bụng nhất cũng bỏ phiếu suy tôn Balzac làm nhà đại văn hào đầu bảng của thế kỷ XIX.
Xã hội có thói quen xử đẹp với người đã chết. Đó là một mỹ tục cần duy trì. Nhưng bao giờ thì xã hội tập được thói quen xử đẹp với người còn sống nó là một đòi hỏi còn cấp thiết hơn và đạo lý hơn. Xóa hộ nhau cái vết chàm mà mấy câu thơ xưa đã in sâu lên mặt nền văn minh vốn mỏng manh của nhân loại.
Sống thì chẳng chịu cho ăn
Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi
Người ta hồ hởi nghĩ việc tạc tượng Balzac.
Nghệ sĩ được giao phó trách nhiệm quang vinh này là một viện sĩ ưu tú Chapu.
Phải một người được trọng vọng, một nghệ sĩ có tước hiệu như vậy mới xứng đáng với Balzac.
Chapu làm việc miệt mài trong sáu năm… Không ai có thể chê trách lương tâm nghề nghiệp của vị viện sĩ này. Mọi việc đương tốt đẹp thì bỗng Chapu lăn đùng ra chết.
Chẳng lẽ cái số vất vả vẫn đeo đuổi Balzac sang phía bên kia mồ. Cũng may là Chapu đã hoàn thành tượng khuôn bằng thạch cao. Pho tượng thật uy nghiêm và tỷ mỷ, xứng đáng với một đại văn hào. Ai cũng khen đẹp. Có người còn nói “Đẹp hơn cả Balzac lúc sống…” Chapu cẩn thận đến từng chi tiết… kể cả cái nốt ruồi bên má phải nhà văn.
Chỉ còn việc đúc đồng nữa là xong. Nếu… không có một người phản đối. Một người, nhưng người đó lại là chủ tịch Hội những người viết văn. Điều này cũng quan trọng vừa thôi. Ở nước Pháp thiếu gì hội những người viết văn… và chẳng có ai ăn lương của hội này cả… Nhưng người đó lại là Emile Zola, trưởng môn phái tự nhiên, một nhân vật nổi tiếng trong giới văn lâm đương thời. (Tại Pháp, giới văn lâm còn mạnh hơn giới võ lâm nhiều). Và một lời nói thông minh điểm đúng huyệt có khi còn đánh gục đối thủ ngon hơn một chưởng đặc sản.
Zola nhận xét: “Pho tượng giống một Balzac chết hơn là một Balzac sống Chúng ta không nên bắt nhà văn phải chết một lần thứ hai.” Và Zola đề nghị mời Rodin, một nhà tạc tượng “trẻ” (mặc dầu đã ngoài ngũ tuần).
Đề xuất trên không phải không gặp nhiều ý kiến phản đối. Rodin dẫu sao cũng chỉ là một nghệ sĩ trơn, mới nổi. Ông không có bằng cấp và không có đuôi tước hiệu.
Zola thắng thể, nhưng Rodin phải làm giấy cam đoan sẽ hoàn thành tượng trong 18 tháng.
Vốn là một độc giả ngưỡng mộ Balzac, Rodin hăm hở bắt tay vào việc. Ông lặn lội về quê nhà văn để tìm hiểu nhân vật… Tài liệu thật đáng nản. Hầu như không có gì ngoài một số tấm ảnh chụp đã mờ. Thời đó nghệ thuật nhiếp ảnh đang chập chững những bước đầu tiên. Và Balzac chẳng có những chiến tích ly kỳ. Tài sản ông để lại chỉ là mấy hòm bản thảo, chữ xấu như ma lem, lại chữa nhằng chữa thịt tựa những lá bùa phù thủy. Ông chết quá sớm để kịp làm vĩ nhân khi còn sống… để thiên hạ kịp gom góp những kỷ vật về ông.
Mọi người chỉ thống nhất ở một điểm: Balzac có một hình thể mà giới chuyên môn thường gọi là “bội bạc đối với nghệ thuật điêu khắc. Cái đầu thì to xù. Người thì thấp. Chân thì bé. Như một con nòng nọc.”
Một nhà hội họa đương thời đã nhận xét:
“Balzac sinh ra dành cho giới biếm họa hơn là giới họa sĩ chân dung.”
Rodin đã đi khắp vùng tìm những người mẫu. Ông cũng đã moi được một ông thợ may quen của nhà văn hào, lúc đó đã già nhưng vẫn còn nhớ được số đo của người quá cố. Rodin thuê ông may những bộ y phục Balzac ưa mặc lúc sinh thời, khoác lên những người mẫu ở đủ các tư thế. Và Rodin hết ký họa lại phác nặn. Chán phè.
Hình như những phác thảo càng cố gắng gần với Balzac bằng xương bằng thịt… lại càng xa với hình ảnh Balzac trong đầu của nhà nặn tượng bất hạnh kia…
Lại xóa, lại dập… Lại thử những người mẫu giống hơn, trong những tư thế ưu đãi hơn.
Mười tám tháng vèo qua.
Thiên hạ đã bắt đầu xì xào.
Và còn người nghệ sĩ kiêu hãnh kia, suốt đời không chịu khuất phục nói khó với ai, phải khẩn khoản, phải vật nài xin gia han một năm nữa.
Rodin lại sục sạo đi tìm người mẫu… lại nặn… lại đập… Và một năm nữa lại đi qua…
Thế này thì quá lắm.
Người ta không còn xì xào nữa… Người ta công khai la ó.
Người ta viết trên báo chỉ trích thái độ vô trách nhiệm, sự lười biếng của người nặn tượng thiếu lương tâm… Một số người trong ban điều hành Hội còn công khai tỏ ý muốn đưa Rodin ra tòa đòi bồi thường vì đã vi phạm hợp đồng. Cuộc cãi cọ được nuôi dưỡng bởi vô số những lá thư quần chúng khắp nơi biểu thị lòng phẫn nộ của những người dân bình thường. Zola phải từ chức. Và Rodin phải ký quỹ 100,000 phrăng để được gia hạn thêm một năm nữa…
Từ cuộc họp sóng gió trở về tìm sự yên ổn tạm thời trong không khí quen thuộc của xưởng điêu khắc và vòng tay người yêu thì… người yêu đã bỏ đi “vì không thể sống mã i như thế này. Nếu ở lại thì tôi sẽ phát điên mất” – Claude.
Thì cho điên luôn một thể… Rodin đập phá những pho tượng không thương tiếc… Và cái xưởng vốn ấm áp kia bỗng ghê rợn, ngổn ngang xác tượng, chẳng khác gì một huyệt chôn người tập thể.
Những chuyện nơi riêng tư ấy lập tức được phanh phui trên báo chí. Và một nhà phê bình mỹ thuật nọ còn đoán chắc rằng sẽ không có tượng Balzac vì Rodin sắp phát điên.
Rodin xa lánh mọi người. Ông lấy một thanh rầm lớn chèn cửa xưởng điêu khắc lại, lầm lũi đi cửa sau.
Và ông vẫn đi tìm…
Vào một đêm mất ngủ, Rodin bỗng nhớ tới một nhận xét của nhà thơ Lamartine về Balzac “Hồn nhà văn sung mãn đến mức có thể đỡ cả thân hình nặng nề của ông một cách nhẹ nhàng…”
Rodin dậm chân: “Đúng là mình ngu lâu thật… mình cứ tìm cách thể hiện phần xác nặng nề của Balzac trong lúc điểm chủ yếu của ông lại là phần hồn…”
Có lẽ Rodin điên thật rồi… Có ai lại tạc tượng hồn của một người.
Tượng vốn là một nghệ thuật cụ thể với những hình khối nhìn thấy được, sờ mó được trong những chất liệu rắn như đá, gỗ, kim loại… làm sao có thể tạc được một linh hồn trừu tượng.
Những ý kiến nghịch lý ấy cứ tra tấn, cứ hành hạ Rodin hoài.
Biết đâu một nghệ thuật lớn lao lại chẳng ra đời từ những nghịch lý điên rồ ấy.
Đôi khi Rodin đổ tội cho quá trình tự học của bản thân. Mình đọc linh tinh nhiều thứ quá … Một người được đào tạo chính quy hẳn là tâm hồn sẽ chuẩn mực hơn… đỡ điên loạn hơn…
Và sẽ yên ổn, sẽ giàu có, sẽ được trọng vọng, kiểu viện sĩ Chapu chẳng hạn… Nhưng để làm gì?
Làm nghệ thuật, nói như Michel Ange, là ký một hợp đồng với ma quỷ… Một nghệ sĩ ít nhiều như một phù thủy… Non tay ấn quyết có thể bị âm binh quật chết…
Thì Rodin cũng sắp bị vật chết đây…
Ông phì cười… Bao nhiêu đêm chập chờn, nửa tỉnh nửa mê… suy nghĩ lan man như vậy…
Và thời gian cứ trôi qua…
Rodin xem lại nhật ký sáng tác… Ông chợt lưu ý mộtchi tiết…
Hôm đó, khi lục lọi phòng riêng của nhà văn… ông tìm thấy trong một xó tấm áo ngủ Balzac khi sống vẫn thường mặc làm việc, hôi rích và rách nát… Khi rũ ra, gián bay vù vù đến phát khiếp…
Ừ, tại sao ông lại không tạc tượng Balzac trong chiếc áo ngủ kia… Nó sẽ cho nhà đại văn hào cái khắc khổ của một tu sĩ… cái trang trọng của một hoàng đế La Mã … và cái khổ sai của một tên tội đồ…
Làm sao Rodin lại có thể quên chi tiết trên được. Ông mua những tấm vải rộng choàng lên người mẫu và thuê thợ lấy thạch cao ướt ném vào vải, hy vọng khi khô nó sẽ tạo thành những nếp áo, những gợn sóng thích hợp…
Và ông lại vẽ, lại nặn, lại xóa, lại đập,… hàng tháng trời, cho đến khi chọn được tư thế và dạng áo thích hợp- Balzac đứng chụm chân, khoanh tay trước ngực, đầu ngẩng lên nhìn một điểm rất xa.
Mùa hè năm ấy… ông đem pho tượng đến trưng bầy tại Phòng triển lãm Mỹ thuật sang trọng của thủ đô Paris…
Chưa đến giờ khai mạc mà giới tao nhân mặc khách, giới quý tộc, trai thanh gái lịch thủ đô đã kéo đến chật ních…
Rodin mở tấm vải trùm bức tượng… Một tiếng ồ nổi lên trong cử tọa. Gỉữa ánh sáng đèn chói lọi pho tượng nom mới xù xì, xấu xí, ma quỷ làm sao!
Đến mức này thì quá lắm… Sau phút sửng sốt là một bùng nổ phẫn nộ… Pho tượng vẫn lù lù ở đó, quái gở, lẫm liệt, lạ lùng, hỗn xược như một thách thức…
“Đúng là một quái thai ngâm dấm…”
Bậc mệnh phụ vừa thốt lời nhận xét trên hình như cảm thấy câu nói quá kinh tởm với cái miệng xinh đẹp của mình phải chạy vội vào nhà toalet.
“Một con ngợm bất thành nhân dạng…”
Cơn lũ phản đối dữ dội đến mức Ban điều hành Hội những người viết văn. tập thể dã đặt Rodin làm tượng, phải tức khắc ra một bản công bố với lời lẽ quyết liệt.
“Chúng tôi hoàn toàn không thấy một chút gì của Balzac trong pho tượng quái gở kia… và đòi hỏi Nhà tạc tượng phải trả lời trước công luận.”
Báo chí sặc mùi đấu tố như những năm 93, 94 dưới thời Robespierre. Ngày nào cũng có đăng những thư phản đối lên án của độc giả từ hang cùng ngõ hẻm nước Pháp.
“Người ta không thể lạ m dụng nghệ thuật để bôi nhọ nước Pháp…”
“Đó là hành động xúc phạm tổ quốc…”
Có thư còn đi xa hơn:
“Phải xét xem trong dòng máu của Rodin có máu Do Thái không”…
Một bức thư dài phản đối được đăng chữ lớn trên trang nhất tất cả các báo thủ đô, dưới có ký tên nhiều nhân vật nổi tiếng như Rochefort, Anatole France v.v…
Điều làm cho chính bản thân Rodin cũng không khỏi động tâm là trong số những nghệ sĩ mà nhà tạc tượng rất kính trọng… như nhạc sĩ Debussy, họa sĩ Lautrec. Một số nhà từ thiện còn đề nghị làm việc công đức quyên tiền mua bức tượng đem đập trước nhà thờ Nôtre Dame, có Đức tổng giám mục đến làm lễ như trong một lễ trục quỷ thời Trung Cổ…
Chưa bao giờ Rodin thấy mình cô đơn như lúc này…
Hình như một mình ông chống chọi với cả nước Pháp…
Rodin không hiểu rằng đa số muốn tạc tượng một Balzac đã chết, một xác Balzac được thánh hóa để sùng bái…
Còn bản thân Rodin thì lại muốn tạc tượng một hồn Balzac sống, không ngừng trò chuyện với thời đại, với trời đất…
Thật là một sự hiểu lầm tai hại…
Nhiều người quen cũ của Rodin trông thấy ông từ xa bỗng đổi vỉa hè…
Và thưa thớt đã có lần nhà tạc tượng bị ném đá…
Rodin phải chọn lúc tối trời để đưa pho tượng về nhà như chôn chui tử thi một kẻ bị trọng tội đáng nguyền rủa hay một bệnh nhân dịch hạch.
Rodin không cần soi gương cũng biết tóc mình đương bạc với tốc độ của một con tuấn mã phi nước đại.
Thì ai bảo Rodin dây vào Balzac làm gì… Con người sinh ra với một ngôi sao quả tạ chiếu mệnh… suốt đời thao thức trằn trọc. .. đến chết cũng không được yên giấc.
Pho tượng Balzac được đặt ở ngoài vườn… Và Rodin cố tình quên nó đi… Cho đến một hôm, một nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi người Mỹ, Edward Steichen, đến thăm xưởng điêu khắc vào một đêm sáng trăng, và xin phép được chụp ảnh khu vườn.
Khi rửa ảnh. Steichen chọn riêng một tấm đưa cho Rodin.
Pho tượng Balzac lù lù nổi lên giữa cỏ rậm và hoa dại đẹp một cách kỳ quái.
Steichen say sưa: “Hệt một thiên thạch.” Rodin lẩm bẩm “một thiên thạch…” Ông nhớ ra rồi. Cách đây nửa thế kỷ. một nhà thơ già cũng đã nói đầu Balzac không phải là đầu người… Đó là đầu của một thiên thạch.”
Có phải cái nhìn của nhà thơ càng già càng nhích gần tuổi trẻ không?
Tại sao ông lại dại dột đem cái đống thu lu ấy đến trưng bày lại một phòng triển lãm xinh đẹp và sang trọng?
Đêm đó, Rodin lại mất ngủ. Ông lần ra vườn ngắm pho tượng. Nó sừng sững đứng dưới ánh trăng đồ sộ, cô đơn như một mộ đại thạch vùng Bretagne hay những tượng đá khổng lồ vô danh thời tiền sử còn sót lại trên đảo Pâques…
Cầu Chúa nó cũng sẽ sống cuộc đời lâu dài và kỳ lạ của những tác phẩm vô danh kia trong cuộc đối thoại bất tận với Vô Cùng.
26/9/2017
Lê Đạt
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Chàng thi nhân đầu bạc XXXX

Chàng thi nhân đầu bạc Nguyễn bước ra khỏi bóng những tán cây. Nhiều năm sau, khi đặt bút viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thêm một dòng lạc t...