Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Tìm về cội nguồn từ truyền thuyết nỏ Thần An Dương Vương

 Tìm về cội nguồn từ truyền thuyết
nỏ Thần An Dương Vương

Khi bắt tay chế tác nỏ Thần trong truyền thuyết ‘An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy’, kỹ sư Vũ Đình Thanh chỉ tâm niệm nếu thành công sẽ chứng minh cho cả thế giới rằng, nước Âu Lạc, triều đại An Dương Vương là có thật, cũng như bí kíp chế tạo vũ khí của ông cha ta đã có từ hàng nghìn năm trước…
Người giải mã bí mật của nỏ Thần…
Theo học ngành tên lửa chống tăng tại Học viện kỹ thuật quân sự Cộng hòa Czech, hiện kỹ sư Vũ Đình Thanh đang làm cho Công ty Cổ phần NPO Almaz thuộc Tập đoàn hàng không vũ trụ Almaz-Antey của Nga. Ý tưởng phục dựng nỏ Thần đến với kỹ sư Thanh trong một lần anh cùng du khách nước ngoài đi thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Khi người thuyết minh giới thiệu mô hình nỏ Thần An Dương Vương, các vị khách nước ngoài gật gù khen ngợi, song họ nói với anh rằng mô hình này không thuyết phục, bởi xét về kỹ thuật, không thể có chiếc nỏ nào bắn xa cùng lúc nhiều mũi tên như truyền thuyết…
Điều này khiến cho anh trăn trở và quyết tâm nghiên cứu, phục dựng nỏ Thần An Dương Vương. Anh tâm niệm, nếu chứng minh được nỏ Thần của triều đại Âu Lạc khoảng hơn 2.000 năm trước là khả thi và có thật, thì triều đại An Dương Vương, các Vua Hùng cũng là có thật… Từ đó, sẽ góp thêm tiếng nói khẳng định việc người Việt là chủ nhân của nước ta từ thuở hồng hoang…
“Mỗi chiếc nỏ bắn ra một mũi tên là chuyện bình thường, nhưng liệu có một chiếc nỏ bắn ra cùng lúc nhiều mũi tên và phải bay xa, hướng trúng mục tiêu?” – Trăn trở đó cứ đeo bám anh trong suốt quá trình chế tác nỏ Thần. Bắt đầu nghiên cứu từ đầu năm 2019, với thử nghiệm làm nỏ bằng các cánh cung mà các vận động viên thể thao sử dụng nhưng không thành công, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã lặn lội lên Sơn La gặp nghệ nhân Lò Văn Thuận để đặt làm cánh nỏ bằng cây luồng. Nhưng sau vài lần bắn thử vẫn không thành công, kỹ sư Thanh lại lặn lội vào huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) để tìm loại gỗ có độ đàn hồi tốt và độ bền cao về làm cánh nỏ.
Làm được cánh nỏ rồi, từ khuôn đúc mũi tên cùng các mũi tên đồng của nỏ Thần khai quật được tại di tích Thành Cổ Loa, kỹ sư Thanh lại mày mò nghiên cứu thiết kế mũi tên đồng, ống tên, lẫy nỏ cũng như cơ chế bắn làm sao cho giống với nỏ Thần trong truyền thuyết nhất. Và rồi, những trăn trở cùng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Nga, những người có kinh nghiệm chế tạo tên lửa S300, S400…, chuyên gia vũ khí Vũ Đình Thanh đã chế tác thành công mô hình nỏ Thần An Dương Vương. Cho đến nay, mô hình nỏ Thần do kỹ sư Vũ Đình Thanh sáng chế bắn nhiều tên cùng lúc là duy nhất trên thế giới, sáng chế này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng Độc quyền sáng chế ngày 25.8.2022
Và những phát hiện mới
Vừa trở về Việt Nam, kỹ sư Thanh hào hứng chia sẻ về những phát hiện mới sau lần bắn thử gần đây nhất. “Quân Tần, Trọng Thủy, Triệu Đà, người dân Cổ Loa xưa và rất nhiều người ngày nay, kể cả các nhà khoa học Trung Quốc đều lầm tưởng rằng bí mật nỏ Thần chỉ là cho tên vào ống rồi phóng đi. Ý nghĩ đơn giản đó chỉ khiến chùm tên bay tung tóe khoảng 2m và tất nhiên không phải là bí mật ngàn năm của nỏ Thần, không phải là siêu công nghệ bí mật vượt thời gian khiến vua An Dương Vương chủ quan khinh địch, điềm nhiên tiếp tục đánh cờ khi Triệu Đà tấn công với câu nói đầy vẻ khinh thường quân thù: “Đà không sợ nỏ Thần của ta sao?”…” – Kỹ sư Thanh chia sẻ.
Anh Thanh cho biết, anh vừa có phát hiện mới. Đó là, nỏ Thần bắn được như truyền thuyết có nghĩa là một phát bắn chết vạn quân nếu đặt trên cao. “Nỏ Thần bắn có 2 giai đoạn. Thứ nhất, bắn đồng loạt vạn mũi tên ra xa và lên cao, giai đoạn này chưa đủ lực gây chết người. Thứ hai, các mũi tên sau khi đạt độ cao sẽ rơi nhanh dần đều và đây mới là nhân tố gây ra cái chết vạn quân giặc…”- Kỹ sư Thanh giải thích, đồng thời quả quyết: Thành Cổ Loa phải xây cao đúng như trong truyền thuyết để đặt nỏ Thần bắn từ trên cao.
Tìm về cội nguồn
Trong số khách thập phương dự Lễ Dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương tại đền Thượng (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) hôm mùng 7 tháng 3 năm Quý Mão vừa qua, có hai vị khách đặc biệt: Michal Ruzicka và Andrei Ngo – du khách đến từ Cộng hòa Czech. Trong đó, Andrei Ngo là người gốc Việt (bố là người Việt Nam, mẹ là người Czech).
“Tôi thấy rất may mắn khi lần trở về này đúng dịp địa phương tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương…” – Andrei Ngo chia sẻ và cho biết, anh được cha kể nhiều về lịch sử và các câu chuyện truyền thuyết của Việt Nam, nhưng anh nhớ nhất truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy. Trong đó, chi tiết mà anh quan tâm hơn cả là chiếc nỏ Thần An Dương Vương. “Vì sao một chiếc nỏ có thể bắn ra được hàng vạn mũi tên khiến cho kẻ thù khiếp đảm phải dùng mưu kế để đánh tráo lẫy nỏ? Phải chăng đây chỉ là huyền thoại?” – Andrei Ngo phân vân. Thế rồi tình cờ khi lướt Youtube, biết đến kỹ sư Vũ Đình Thanh đã phục dựng lại mô hình nỏ Thần An Dương Vương, Andrei Ngo đã rất hào hứng rủ bạn về thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến.
Từ thông tin về việc Việt Nam đã phục dựng thành công mô hình nỏ Thần An Dương Vương, nhiều người con xa xứ đã tìm về để thêm một lần được tìm hiểu lịch sử về quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông…
7/2/2024
THANH THANH
Nguồn:  PLVN
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trung tướng Trần Độ và ký ức về những ngày ở Điện Biên Phủ

Trung tướng Trần Độ và ký ức về những ngày ở Điện Biên Phủ Trung tướng Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, bí danh Chín Vinh, sinh năm 1923...