Rực rỡ và đằm thắm những ngày hội
văn hóa Tây Bắc tại Thủ đô
Hà Nội
Nhịp trống xòe rạo rực, nhịp gõ rộn ràng của múa sạp tưng bừng
trong tiếng nhạc đệm của đàn tính tẩu, sáo, chiêng của đồng bào Thái. Những bài
hát giao duyên đắm đuối trong tiếng kèn môi, khèn bè cùng điệu múa ô sôi nổi
duyên dáng của các chàng trai cô gái Mông. Tiếng cồng chiêng trầm bổng quyến rũ
của các thiếu nữ Mường như bài ca từ văn hóa Đông Sơn
xa xưa vọng về,... Tây Bắc là thế - đầy ắp những nét đẹp văn hóa đa dạng của hơn 20 dân tộc, những người con của xứ sở
“núi vút ngàn trùng xa” có một truyền thống đoàn kết lâu đời trong đại gia đình
Việt Nam. Những làn dân ca, điệu múa của họ đã cùng dân tộc đi suốt cuộc
kháng chiến chống Pháp, làm dịu bớt đi những gian nan vất vả trên đường chiến dịch,
giữa những lúc ngừng tiếng súng và bừng sáng, rộn ràng trong ngày chiến thắng.
Có thể nói, những Ngày văn hóa Tây
Bắc tại Hà Nội đã được tổ chức thật hoành tráng, rực rỡ và gần gũi với nhân dân
thủ đô và cả nước. Nhân dân thủ đô có dịp giao lưu trực tiếp với các đoàn văn
nghệ quần chúng của Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và
đại diện miền Nam là đoàn Gia Lai, Cà Mau. 500 diễn viên nghệ nhân nghệ thuật
quần chúng của 11 đoàn tỉnh, thành, ngành và 250 diễn viên của các trường
văn hóa nghệ thuật, nhà văn hóa,
đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã thực sự tạo nên những ngày hội văn hóa Tây Bắc tưng bừng trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch
sử Điện Biên Phủ. Những bài hát truyền thống và sáng tác mới về Điện Biên: Âm
vang Điện Biên, Về lại Điện Biên, Hành quân lên Tây Bắc,... vang lên thật hùng
tráng.
Hội trại văn hóa lễ hội và trò
chơi dân gian của 6 tỉnh Tây Bắc tại công viên Thống Nhất đã thực sự cuốn hút
đông đảo các công chúng bởi tính độc đáo của những sắc màu và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Trên bãi cỏ rộng hửng ánh nắng cuối
xuân, má các cô gái ửng hồng như hoa ban, những nếp váy thổ cẩm rực rỡ màu sắc
của người Mông, những hàng cúc bạc duyên dáng trên ngực áo các cô gái Thái, những
vành khăn ôm lấy mái tóc những thiếu nữ Mường... Nhân dân thủ đô được thưởng thức
và trò chuyện trực tiếp với chủ nhân của những vòng xòe rực lửa, của những điệu
dân ca du dương mang theo cả tiếng vọng của núi rừng, của buổi bình minh bên suối,
của những trò chơi dân gian như ném còn, ném pao. Đoàn Điện Biên đã tái hiện lễ
hội Kin Lẩu Nó (lễ hội Mừng măng mọc) trong tiếng đàn tính tẩu, tiếng pí réo rắt.
Lễ hội thường diễn ra vào đầu mùa mưa khi những búp măng bắt đầu mọc mà theo một
số dân tộc khác ở Tây Bắc là thời điểm bắt đầu của mùa sản xuất trong năm. Ông
Phạm Huy, giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh Điện Biên tự hào kể về lễ hội Hoàng Công
Chất (vị anh hùng thế kỷ XVIII) là lễ hội tỏ lòng tôn kính, biết ơn với những người
có công xây dựng khối đại đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi của Tổ
quốc. Tham dự lễ hội Hoàng Công Chất không chỉ có nhân dân các dân tộc trong tỉnh
mà còn ở nhiều địa phương khác đến tham dự. Chứng tỏ tình đoàn kết các dân tộc
đã có truyền thống lâu đời ở Tây Bắc và càng được phát huy trong 2 cuộc kháng
chiến và cả trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Đoàn Lai Châu dựng trước trại một sân Hạn Khuống tượng trưng
với cây Lắc Sái Cốc (cây tre lớn chặt từ trên rừng) để nối trời với đất. Bốn
góc trồng 4 cây Lắc Sái (cây tre nhỏ hơn). Người Thái cùng một số dân tộc Tây Bắc
thường tổ chức Hạn Khuống sau vụ thu hoạch vào mùa trăng sáng. Nơi tổ chức cuộc
vui thường là trên một khoảng đất rộng thoáng ở bản, thanh niên nam nữ dựng sàn
cao khoảng hơn 1 m (Hạn là sàn), có hàng rào bằng phên mắt cáo, chỉ có một cửa
ra vào. Đầu tiên các cô gái lên trên sàn đó quay sa, dệt vải, rồi thêu thùa vá
may và hát. Có người già lên kể chuyện cổ tích, ôn lại truyện ông bà thuở xưa
và các chàng trai kéo đến, đứng hát ở dưới. Khi thấy hài lòng, các cô mới mời
lên và họ cùng hát đối đáp đến sáng mới chia tay. Hạn Khuống là một sinh hoạt cộng
đồng truyền thống của đồng bào dân tộc Thái mang đậm màu sắc văn hóa vui tươi, lành mạnh và giàu sáng tạo qua lời hát, đối đáp,
kể chuyện.
Lễ hội Mừng chiến thắng (Ghềnh bờ) được 40 diễn viên quần
chúng của tỉnh Hòa Bình tái hiện sôi động trong âm vang trầm bổng du dương của
dàn cồng chiêng từ vùng đất cổ Hòa Bình, quê hương của trường ca đồ sộ “Đẻ đất
đẻ nước”. Anh Ngô Quốc Hùng, giám đốc VHTT tỉnh Hòa Bình cho biết: “Đây là một
lễ hội dân gian từ rất cổ xưa. Từ năm 1431, khi đoàn quân chiến thắng của vua
Lê Lợi đi qua Hoà Bình, dân bản địa đã tổ chức lễ hội để mừng nhà vua và đoàn
quân. Lễ hội ra đời và được tổ chức hàng năm từ đó. ý nghĩa của lễ hội này thật
trùng hợp với không khí lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hôm nay”.
Đoàn Sơn La mang đến một chương trình có chủ đề tập trung hướng
về kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ca ngợi vùng Tây Bắc giàu đẹp với những
bài hát Mừng Điện Biên đổi mới, đến Ngày hội Tây Bắc. Nhiều điệu múa được khai
thác từ các điệu múa dân tộc như: Thấp thoáng đầu non (múa dân tộc Mông), Khát
vọng tình yêu (múa dân tộc Khơ Mú), ánh nắng ban mai (múa dân tộc Thái), Tiếng
chuông ngày hội (múa dân tộc Dao)...
“Những dấu chân huyền thoại” là tiêu đề của chương trình đoàn
Yên Bái ca ngợi Tây Bắc và Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiết mục múa Khèn Mông do
Giàng A Xa người Mông ở Trạm Tấu biểu diễn và điệu múa Sắc xuân do tốp nữ dân tộc
Thái, bản Tòng Poọng, thị xã Nghĩa Lộ tự biên tự diễn có sức cuốn hút mạnh.
Đoàn còn trình diễn độc tấu khèn bầu khèn bè và múa Dậm Thuông của dân tộc Tày.
Đoàn Lào Cai làm nổi bật nghệ thuật của các dân tộc Mông và Dao, Tày Lự với các
tiết mục tấu nhị cùng khèn lá, múa khèn múa hát Mời bạn về hội, Lửa đêm xòe, Về
lại Điện Biên...
Tây Bắc có nhiều lễ hội đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu
số. Điện Biên ngoài lễ hội Kin Lẩu Nó còn có lễ hội Xên Pang Lẩu của dân tộc
Thái có ý nghĩa là uống rượu đầu mùa được tổ chức vào đầu năm mới để tạ ơn trời
đất, cầu mong mưa thuận gió hoà, năm mới tốt đẹp. Lễ hội Tù Cải của người Dao ở
Lai Châu là lễ đặt tên cho người con trai trưởng thành. Sơn La có Lễ hội Hoa
ban rất tưng bừng. Đây là dịp các nghệ nhân, trai gái ở trong các bản đua tài.
Hòa Bình có lễ hội Ghềnh Bờ của dân tộc Mường với niềm tin và khao khát vào điều
thiện. Lễ hội Lồng Tồng ở Yên Bái là lễ hội quan trọng trong đời sống tín ngưỡng
của người Tày. Các đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh đã trích đoạn hoặc
sân khấu hóa diễn tả các lễ hội này khiến chúng ta có thể hình dung những lễ hội
đầy màu sắc ở những vùng núi xa xôi Tây Bắc.
Diễn viên của các đoàn đều trẻ và biểu diễn điêu luyện, chứng
tỏ phong trào văn nghệ quần chúng ở các tỉnh Tây Bắc phát triển mạnh. Chính lực
lượng văn nghệ sung sức này đã bảo tồn và phát huy vốn văn hóa nghệ thuật lâu đời của các dân tộc Tây Bắc. Nhân dân
thủ đô đã được cảm nhận và xúc động trước những bông hoa nghệ thuật Tây Bắc rực
rỡ sắc màu đầy sức thanh xuân. Yêu vô cùng những nét duyên thầm của văn hóa Tây Bắc, chính những nét đẹp đó là một phần không thể thiếu
trong vóc dáng của dân tộc Việt Nam đã làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cách đây vừa tròn 50 năm.
Hiền Thu Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét