Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

Chùm truyện thiếu nhi của Thái Chí Thanh

Chùm truyện thiếu nhi
của Thái Chí Thanh

Nhà văn Thái Chí Thanh hiện là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Ông sinh 1953 tại Nghệ An, từng tham gia chiến trường miền Nam trước năm 1975, tốt nghiệp cử nhân sử học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1981 và cao học tại Moskva, Liên Xô năm 1989.
Từ năm 2002 đến 2014, ông là cán bộ ngoại giao ở Ba Lan và Hoa Kỳ. Về nước ông làm Biên tập viên NXB Hội Nhà văn đến nay.
Thái Chí Thanh đã xuất bản 14 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện đồng thoại cho thiếu nhi. Đặc biệt, tập truyện đồng thoại Gấu con học đếm của ông được NXB Kim Đồng phát hành 30.632 bản vào tháng 7.2009, và nhóm biên soạn sách Tiếng Việt 1, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo, đã soạn thành bài Gấu con chia quà đưa vào sách giáo khoa.
Nhân dịp Trại Sáng tác Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam sắp tổ chức ở Khu Du lịch Sao Mai tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mà nhà văn Thái Chí Thanh là nhân tố chủ lực, Vanvn trân trọng giới thiệu chùm truyện viết cho thiếu nhi của ông.
NGƯỜI Ở
Hè này, bố đi công tác xa, mẹ phải thuê người giúp việc. Đó là Tuyết, chỉ trạc tuổi tôi nhưng siêng cực kỳ. Thấy tôi hay đi học thêm, nó có vẻ ngạc nhiên lắm. Nhất là khi thấy tôi xin mẹ tiền học, nó cứ đứng ngẩn người nhìn. Có lần, nó hỏi:
– Mỗi tháng hè, Minh học hết bao nhiêu?
Tôi cũng chẳng nhớ, nên nói đại:
– Khoảng vài trăm nghìn gì đó.
Nó thè lưỡi:
– Khiếp! Học những gì mà hết nhiều tiền thế?
– Nhiều lắm. Học ôn lớp cũ, học chương trình lớp mới, học tiếng Anh, học vẽ, học đàn, học võ… Nhiều thứ lắm. Học sinh thành phố chúng tớ là phải học toàn diện…
Nhìn nó há mồm nghe, tôi mới hãnh diện làm sao. Bất chợt, nó lại hỏi:
– Học nhiều thế, chắn Minh giỏi lắm nhỉ?
Ái chà… Nó hỏi kiểu này rất khó trả lời. Tôi đành ẫm ờ “tất nhiên” rồi lảng đi chỗ khác.
Một lần, nó tò mò xem vở làm văn của tôi, rồi hỏi:
– Cậu tả con gì mà hay thế?
Lần đầu tiên có người khen văn mình hay, tôi sướng rơn. Hai cánh mũi của tôi đang phập phồng nở to thì nó lại bật cười:
– A… Cậu tả con lợn… Ôi… Buồn cười quá!
Thì ra là nó chê. Tôi nổi cáu:
– Cậu mà cũng dám cười tớ à?
– Không! Không phải thế – Nó cuống quýt thanh minh – Tớ chỉ cười con lợn thôi. Lợn gì mà… Nó đọc to – da nhẵn thín, mũi trông như cái ổ cắm điện, hai mắt thao láo, tròn vo, còn hai tai của nó mà làm nem chạo thì miễn chê…. Hô…hô…. Nó chẳng giống lợn quê tớ tí nào cả.
– Giống… thế nào được. Lợn thành phố nó phải khác lợn nhà quê của cậu chứ.
Tôi nóng mặt, nói đại lên như vậy. Thế mà nó cũng tin, còn ngạc nhiên hỏi lại: “Thế á?” rồi tròn mắt nhìn tôi. Nó có biết đâu là tôi chưa bao giờ ngắm nhìn một con lợn thật cả. Có chăng cũng chỉ trên ti vi, trong sách hoặc là khi lợn đã được chế biến thành những món béo ngậy trên bàn ăn rồi. Vì thế nên khi làm đề văn: “Hãy tả con lợn nhà em”, tôi bí quá, đành lấy chú lợn đất đựng tiền mừng tuổi ra để tả.
Để đứa ở cười cho, kể cũng bẽ mặt. Nhưng tôi lại cho là nó nhà quê, biết hơn tôi con lợn là đương nhiên, chứ còn những môn khác xem. Thế là từ đó, cứ có nó bên cạnh là tôi đọc rõ to những từ nghe oai oai như là hydro, cacbonich… và nhất là tiếng Anh. Nhiều hôm tôi phải nhọn mồm, rung lưỡi phát âm làm cho nó được một phen điếc tai.
Không ngờ, một lần, nó xem tờ kiểm tra toán của tôi rồi thốt lên:
– Toán mà cậu cũng bị xơi ngỗng ư?
Tôi giật lấy tờ giấy trên tay nó, trừng mắt:
– Đây là toán học thêm, toàn loại nâng cao, khó cực kỳ chứ có phải dễ như toán nhà quê cậu đâu mà đòi nhiều điểm.
Tưởng là nó cũng tin như lần tôi giải thích bài văn tả con lợn. Nào ngờ, nó phì cười:
– Hô… hô… Toàn học thêm gì mà… dễ thế.
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:
– Cậu dám nói bài toán này dễ ư? Vậy thì giải đi xem nào.
Nó gật đầu rồi lấy bút giải, một loáng đã ra đáp số giống như cô giáo chữa ở lớp. Đến nước này thì tôi cũng chẳng cần sỹ diện làm gì nữa, chỉ dặn nó đừng để mẹ tôi biết kẻo lại bị ăn mắng.
Từ đó, tôi thực sự cảm phục Tuyết và càng ngày hai đứa càng thân nhau hơn.
Năm học mới sắp đến, tôi thấy buồn vì sắp phải chia tay Tuyết. Nhưng Tuyết lại tỏ ra vui lắm. Nó khoe với tôi:
– Minh ơi… Mình đã kiếm đủ tiền để đi học tiếp rồi.
Thấy tôi không hiểu, Tuyết giải thích:
– Nhà mình nghèo, chỉ đủ tiền cho em mình đến lớp thôi. May mà mình tìm được việc làm trong hè, mới có tiền cho năm học mới. Ôi… Mình mừng lắm…
Tôi không thể ngờ được một người như Tuyết lại phải làm người ở để kiếm tiền mới được đến lớp. Chẳng bù cho tôi, cái gì cũng có mà…
Tuyết bỗng bùi ngùi:
– Về nhà, mình sẽ rất nhớ bạn và….
Theo ánh mắt của Tuyết, tôi nhìn lên giá sách, thầm thấy xấu hổ vì rất nhiều cuốn tôi chưa đọc. Biết Tuyết vẫn ao ước có nhiều sách như mình, tôi kéo nó lại giá sách:
– Tuyết thích quyển nào, tớ cũng tặng….
Tuyết cảm động:
– Minh tốt quá… Nhưng mình chỉ lấy những cuốn trùng nhau thôi. Trên giá sách này, mình thấy nhiều cuốn sách tham khảo in trùng nhau, chỉ khác mỗi cái bìa… Vả lại, Minh cũng phải xin phép mẹ nữa chứ.
Tất nhiên là mẹ tôi đồng ý rồi. Mẹ còn nói:
– Nhân dịp này, hai mẹ con mình sẽ về thăm gia đình Tuyết.
Nghe vậy, tôi mừng quá, chỉ biết vỗ tay “hoan hô mẹ”. Còn Tuyết, không hiểu vui hay buồn mà miệng thì cười, còn mắt cứ chấp chấp… À… Tôi hiểu rồi. Nó lại xúc động ấy mà…
THẰNG EM TÔI
Tôi dám chắc với các bạn rằng, không có đứa bé nào nghịch hơn cu Dũng em tôi. Tôi làm cái gì nó cũng học theo rồi phá quấy. Mới năm tuổi, bé loắt choắt mà chơi với nhau, lúc nào nó cũng đòi thắng. Có lúc cáu quá, tôi phát nhẹ một cái là y như rằng, nó khóc rinh lên, làm như đau đớn lắm. Chờ mẹ tôi dỗ mãi mới chịu nín. Lại còn cái chuyện ăn tham của nó nữa chứ, tôi có kể cả ngày cũng không hết. Cậy là bé nhất nhà nên cái gì cu Dũng cũng đòi phần hơn. Dù hai là trái ổi, múi bưởi hay bất kỳ thứ quà ai cho, nó cũng đòi phần nhiều, phần to mới đến lượt tôi.
Có lần mẹ tôi mua về hai cái bánh cốm y hệt nhau. Tất nhiên là cu Dũng đòi chọn trước rồi. Nó cứ dương mắt, nhìn đi nhìn lại hai cái bánh, làm cho tôi phải chờ lâu, sốt cả ruột rồi mới bất ngờ cắn một miếng rõ to váo cái bánh nó đưa cho tôi. Đã thế, nó còn cười khoái trá, hở cả mấy cái răng sún, làm cho tôi điên cả ruột. Vậy mà mẹ tôi cũng chỉ mắng nó: “Con hư thế!” rồi xoa đầu tôi: “Con là anh, nhường em vậy”
Nhưng lắm khi cu Dũng cũng dại lắm cơ. Thì ngay chiều qua đấy thôi. Mẹ tôi mua về cho hai anh em hai chú gà trống choai để nuôi. Cu Dũng khoái lắm, lau tau đòi chọn trước. Nó xí ngay con gà nhỉnh hơn nhưng thấp tè, mọc đủ lông đuôi và cánh. Tôi mừng rơn, vì con gà cồ, đang trụi lông thuộc về mình, nhưng vẫn làm ra vẻ buồn nên cu cậu cười tít cả mắt. Thế rồi sáng nay, tôi lụi cụi  đào giun, bắt châu chấu để “bồi dưỡng” cho gà. Cu cậu cũng lanh chanh làm theo. Nhưng nó thì làm được gì. Rốt cuộc, tôi phái cho cả hai con ăn cùng ăn. Gét nỗi, con gà của nó đã ăn chực lại chẳng biết điều, tinh y hệt chủ, mổ nhanh như chớp, tranh hết cả phần của gà tôi. Thế mà cu Dũng còn reo hò, vỗ tay, khen con gà của nó. Bực quá, tôi nổi cáu:
– Này… Chiều nay anh bận học, Dũng phải kiếm mồi cho cả hai con đấy.
Nó vênh váo:
–  Được thôi!
Tưởng cu cậu sĩ diện, nói cho oai, nào ngờ, nó làm thật.
Cho đến lúc đi học về, tôi mới sững người khi biết Dũng bị cảm nắng, đang nằm ở bệnh xá. Thảo nào, ngồi ở lớp, tôi cứ thấp thỏm, lo lo mà chẳng hiểu vì sao. Chắc là Dũng trốn mẹ, ra bãi vồ châu chấu cả buổi chiều đây…
Tôi vù ngay lên trạm xá. May quá, Dũng đã đỡ. Nó nắm trên gường bệnh, từ từ hé cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi
– Em chẳng kiếm được con châu châu nào cho gà cả anh ạ – Nó nói, giọng mệt mỏi.
– Lần sau đừng có mà phơi nắng nữa em nhé – Tôi nói khẽ với  Dũng. Sợ mẹ nghe lại trách, tôi vội lấy một quả quýt bóc vỏ, đưa cho Dũng- Em gắng ăn cho đỡ mệt nào…
– Em…ứ ăn đâu…Dũng vừa nói vừa đưa mắt nhìn bao nhiêu là quà, bánh đặt trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh – Anh ăn đi… Cho anh hết đấy.
– Không… Em không ăn anh cũng…
Tôi cảm động quá, không nói tiếp được nữa. Ôi, thằng em nghịch ngợm của tôi sao hôm nay lại thảo thế. Tự dưng, tôi thấy sống mũi cay cay và nước mắt cứ trào ra. Tôi muốn nói: “Anh thương em lắm. Cố ăn đi cho chóng khỏi” mà chẳng hiểu sao, cứ ngắc ngứ trong cổ, không nói ra được.
CON CŨNG HIỂU…
Hai chị em Thảo và Sơn vừa khiêng rổ ngô vừa trò chuyện rất rôm rả. Cu Sơn bỗng dừng lại rồi đặt  phịch rổ ngô xuống đất, làm văng mấy bắp ra ngoài. Nó lấy tay xoa xoa dòng mồ hôi chảy đầm đìa trên trán, rồi vừa hổn hển thở, vừa cười, hở cả hàm răng sún với chị:
– Bác Lân thế mà dại chị nhỉ? Bác ấy thu hoạch ngô mà để sót ơi là sót.
Thảo đang loay hoay nghiêng rổ, dồn ngô sang phía mình để cho Sơn đỡ nặng, cũng bật cười:
– Thì bác ấy có dại, chị em mình mới mót được bao nhiêu là ngô chứ. Chốc nữa về chắc là mẹ vui lắm đây.
Đúng là mẹ vui thật. Nhìn mẹ cứ xem hết bắp này đến bắp khác thì biết. Nhưng sao mẹ chỉ vui chốc lát rồi lại tỏ ra đăm chiêu, suy nghĩ. Chợt mẹ hỏi:
– Hôm nay hai con mót ngô của nhà ai mà được những ngần này?
– Dạ… Của nhà bác Lân mẹ ạ! Sơn nhanh nhẩu trả lời
– Của bác Lân ư? Mẹ hỏi lại và nhìn vào mắt Thảo như dò hỏi. Sợ mẹ hiểu lầm, Thảo vội nói:
– Chúng con mót ở vườn nhà bác Lân thật mà… Chẳng lẽ…
– Mẹ biết chứ.  Nhưng hai con có hiểu vì sao hôm nay bác Lân lại để sót nhiều ngô vậy không?
Thảo lắc đầu, không hiểu. Thế mà cu Sơn đã lanh chanh trả lời:
– Vì bác ấy dại lắm mẹ ạ – Nó tìm bắp ngô to nhất lên khoe – Bắp này là của con mót được. Chị Thảo nhỉ?  Lúc đầu con thấy nó nằm gần rổ  nhà mình, tưởng là bác ấy làm rơi ra, con nhặt trả lại cho bác ấy. Bác Lân bảo: “Cháu mót được là phần của cháu chứ”.
– Các con ơi…. Mẹ hiểu rồi. Bác ấy làm ra những bắp ngô này phải chịu một nắng, hai sương, vất vả lắm. Nhưng các con ạ, bác ấy thấy nhà mình mùa này vì vườn thấp bị úng nước, mất trắng vườn ngô nên bác ấy muốn giúp đỡ khéo ấy mà… Tình làng nghĩa xóm quý hóa thế đấy… Các con có hiểu không?
Ngọc xúc động, phải gật đầu mấy lần mới đáp thành tiếng: “Con hiểu ạ!”. Còn cu Sơn, không biết có hiểu gì không mà cứ ngơ ngác hết nhìn chị lại nhìn mẹ. Khi mẹ mỉm cười, nhìn nó, nó cũng gật đầu:
– Con cũng hiểu mẹ ạ. Kìa mẹ, đi luộc ngô đi. Con đói ơi là đói…
3/4/2023
Thái Chí Thanh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...