Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2
Người kể chuyện lúc nửa đêm
MƯỜI SÁU
Đêm nay, tôi lại ngồi im lặng bên lò sưởi trong ngôi nhà của
Heinrich Boll. Xung quanh tôi chỉ có những quả đồi xứ Ai-len bất tận, chỉ có tiếng
gió thổi suốt đêm từ biển cả vào, chỉ có mình tôi. Và trong tiếng gió vẳng lên
như từ xa xôi tiếng cừu kêu đêm nghe như tiếng trẻ gọi mẹ. Đây là lần đầu tiên
tôi sống trong khung cảnh này. Tôi có cảm giác như mình đang sống trên phần đất
cuối cùng của thế gian và chỉ cần đi qua bên kia dãy đồi là đến một thế giới
khác. Tôi phải cám ơn số phận đã cho tôi được đi qua những năm tháng có đau đớn,
có hạnh phúc, có buồn bã, có mệt mỏi và được sống ở nơi đầy sự hoang vắng tưởng
như vô tận này. Có những buổi chiều tôi lang thang trên vùng đồi giống như
chàng Robinson xưa. Và trên khắp vùng đồi kia bạt ngàn hoa dại nở. Có thể có những
bông hoa mà chưa ai nhìn thấy bao giờ. Nhưng nó vẫn nở. Nở cả mấy triệu năm nay
trong im lặng và cô độc. Nó nở không phải để cho ai trầm trồ về vẻ đẹp của nó.
Nó nở như tự thân nó phải sinh ra như vậy và kiêu hãnh như vậy dưới trời xanh
vô tận kia. Nếu nó chỉ nở với mục đích để cho người khác nhìn thấy mà cúi đầu
trước nó thì nó đã tàn lụi từ lâu rồi. Bởi nó không đủ kiên nhẫn để đợi trong mấy
triệu năm cho tôi hay ai đó một chiều như chiều nao nhìn thấy nó và cúi đầu
chiêm ngưỡng. Và tôi chợt nghĩ về số kiếp bé bỏng hình như chẳng có ý nghĩa gì
của tôi trên thế gian này. Tôi đang sống không có ai biết đến những ngày ở vùng
đồi mênh mông này. Những ngày không thù hận, không đố kỵ, không nguyền rủa, oán
trách, không hơn thiệt. Nhưng có một điều tôi nhận thấy rất rõ, khi tôi đứng
trên đỉnh đồi một mình với hoa cỏ, với gió, với trời xanh thì lòng tôi dâng lên
niềm kiêu hãnh vô cùng vì đã được sinh ra trên thế gian này để được nhìn thấy một
bông hoa dại mọc như mơ hồ dưới những lá cỏ mà không ai nhìn thấy và cũng có thể
họ không cần nhìn thấy. Và tôi tự hát chỉ mình tôi nghe thấy về sự sinh ra, về
sự hiện diện của tôi và của bông hoa dại kia.
Khi nhận phòng, tôi thực sự choáng váng. Một căn phòng tồi tệ
mà tôi chưa gặp ở bất cứ loại khách sạn nào. Những chiếc gối màu tối, ga giường
nhợt nhạt, tường loang lổ vết ố, cửa kính bị vỡ, một chiếc quạt trần loạng choạng
quay, bồn rửa mặt cũ kĩ và xám... Nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị cho giấc ngủ
sau chặng bay không dài nhưng nhiều ám ảnh. Lúc đó, chúng tôi mới sực nhớ đồ
dùng cá nhân như khăn tắm, bàn chải và thuốc đánh răng đã để tất cả trong vali
gửi ở sân bay quá cảnh. Chúng tôi hỏi nhân viên khách sạn nếu họ có thể mua
giúp chúng tôi bàn chải và thuốc đánh răng không. Chúng tôi rất cần những thứ
đó vì sau chặng bay, miệng chúng tôi cảm giác như khó thở. Người nhân viên
khách sạn gật đầu và bỏ đi. Nửa tiếng sau ông mang về cho chúng tôi hai chiếc
bàn chải và một hộp kem. Hai chiếc bàn chải không bao bì và hình như đã được
dùng. Nhưng dù mang cảm giác ghê ghê thì chúng tôi vẫn phải sử dụng. Trước khi
đánh răng, chúng tôi phải đánh sạch chiếc bàn chải bằng một cục xà phòng trong
toilet nhỏ như một chiếc kẹo ngậm.
Câu chuyện của bà làm tôi nhớ tới một câu chuyện cổ tích tôi
nghe từ khi còn nhỏ. Câu chuyện cổ tích nói về một cây cầu bằng cát bắc qua một
vực sâu để đến một hồ nước có tên là Hồ nước Trường sinh ở trong lòng núi. Một
nguyên tắc duy nhất để đi qua cây cầu cát đó là không được sợ hãi và không được
cất tiếng. Nếu người đi qua sợ hãi hay có bất cứ tiếng nói nào phát ra thì cây
cầu sụp đổ. Tuy biết được câu chuyện của nữ nhà báo Anh, chúng tôi vẫn quyết định
tìm đường đi Kabul. Không có nỗi đe dọa nào đối với chúng tôi. Chúng tôi có một
lí do rất tự tin là chúng tôi không phải người da trắng. Hơn nữa, chúng tôi lại
là người Việt Nam và mang theo một vật như Thần hộ mệnh: cuốn Kinh Koran. Trong
một chuyến đi trước đó của chúng tôi đến biên giới Afghanistan và Ấn Độ, chúng
tôi dừng lại bên đường để mua thêm nước uống và chụp ảnh một làng bên đường. Thấy
chúng tôi, một số người dân đã bước đến với vẻ tò mò. Sau khi biết chúng tôi là
người Việt Nam, một người già nói một tràng tiếng mẹ đẻ của ông. Khi ông nói
xong, người phiên dịch của chúng tôi định dịch cho chúng tôi nghe thì tôi xua
tay ra hiệu cho ông không cần dịch. Tôi nói với người phiên dịch là tôi hiểu
ông già Hồi giáo kia nói gì. Người phiên dịch cười vẻ không tin. Nhưng người
phiên dịch vô cùng ngạc nhiên khi tôi nói lại với ông ta nội dung ông già Hồi
giáo kia nói với chúng tôi. Người phiên dịch kêu lên với vẻ nghi ngờ: “Có phải
ông biết tiếng của chúng tôi không? Sao ông im lặng suốt bao ngày nay và không
nói gì với tôi.” Tôi đâu có biết tiếng mẹ đẻ của ông. Nhưng khi ông già Hồi
giáo nói tôi đã nghe được hai từ: Việt Nam và America cùng cách diễn đạt của
ông. Và tôi biết ông già Hồi giáo nói gì với chúng tôi. Ông nói về cuộc chiến
tranh ở Việt Nam và người Việt Nam đã thắng người Mỹ trong cuộc chiến tranh đó.
Ông tỏ ra rất khâm phục. Những người Hồi giáo lúc đó không cần biết người Mỹ
đúng hay sai nhưng họ không thích người Mỹ. Tôi hiểu đúng những gì ông già Hồi
giáo nói vì sự thật là hầu hết những người dân ở mọi quốc gia trên thế giới chỉ
biết đến Việt Nam thông qua cuộc chiến tranh với người Mỹ trong thế kỷ 20 mà
thôi. Ngoài ra họ không biết gì về Việt Nam cả. Một sự thật mà chúng ta phải thừa
nhận là: nhiều năm sau chiến tranh, cái tên Việt Nam bị lu mờ trên bản đồ thế
giới.
8. Nhiều lúc tôi nghĩ nếu cho tôi làm đại sứ ở một nước nào
đó thì tôi cũng xin chịu vì những những thói quen ăn uống cố hữu của mình. Mặc
dù báo An ninh Thế giới chuẩn bị tiền nong cho chuyến đi của chúng
tôi quá chu đáo, tôi vẫn mang theo một thùng mì tôm để phòng khi làm việc khuya
đói thì có cái cầm hơi. Hơn nữa khẩu vị của tôi đã quá quen với những món ăn
nhiều nước và gia vị. Một hôm nhà báo Như Phong phát hiện ra một cây húng quế cổ
thụ trong vườn cây cảnh của khách sạn. Và thế là món mì tôm trở nên hấp dẫn hơn
khi ăn kèm rau húng quế. Trước khi định ăn mì tôm tôi lang thang trong vườn cây
cảnh như người đi dạo và bẻ một cành húng quế bỏ vào túi cho bữa ăn của mình. Nếu
tôi ở đây thêm một tháng thì chắc chắn cây húng quế sẽ biến mất khỏi khu vườn.
Mấy năm trước, trong một lần ngồi ăn cơm với con gái mình,
tôi hỏi: “Nếu bây giờ thần thánh cho bố một món quà là được chọn một trong những
người thân yêu của bố đã mất sống lại thì con có biết bố sẽ chọn ai không?” Con
gái tôi trả lời: “Bố chọn cụ nội.” Nghe vậy, tôi ứa ước mắt vì hạnh phúc.
Khi một cái cây biến mất thì nó để lại nơi đó một lỗ thủng. Nó để lại một sự trống rỗng không bù đắp được. Một ngôi nhà bị đổ có thể xây lại trong hai, ba năm. Nhưng một cái cây 100 năm tuổi biến mất chúng ta phải đợi 100 năm nữa mới được nhìn thấy. Nhiều năm trước kia, người ta đã cho lấp những hồ nước ở Hà Nội để xây nhà. Khi biết chuyện này, tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi kể chuyện đó với một người bạn nước ngoài và không chỉ ngạc nhiên, ông kinh hoàng, ông không tin điều đó. Rồi ông nổi giận. Ông thấy chính ông bị xúc phạm. Ông không phải là người Hà Nội và có một ngôi nhà ven hồ nước bị lấp đó. Nghĩa là quyền lợi của cá nhân ông không bị ảnh hưởng. Nhưng hành động lấp hồ nước, đối với ông, là một hành động điên rồ không thể tha thứ được.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét