Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Guột rừng trắng - Truyện ngắn của Trang Thụy

Guột rừng trắng
Truyện ngắn của Trang Thụy

Hoàng hôn le lói sau đỉnh đèo Keo Nưa. Con đường dẫn xuống bản Ót mờ dần trong màn sương trắng đục.
Cái rét vê qua vê lại quanh mang tai khiến Sử rùng mình. Cả ngày không được việc gì. Cái xe vứt ở lùm lô lô, hoang vu là thế vẫn bị thó. Nay Sử lên Cò Luống để xin lại lô hàng mụ vợ để sổng. Cái nhục mất xe, chạy đua với ánh sáng làm sao nhục bằng số thằng dân vận phải vác mặt đi xin xỏ. Bao nhiêu năm nắn môi nắn lưỡi trên bục giờ phải ngồi một đống nghe biên phòng vặn răng vặn lưỡi. Hễ buôn bán có sự gì ả lại sai y chường mặt ra cãi chầy cãi cối. Xin lắm nhẵn mặt, lần nào y cũng xin được, riêng lần này cái lỗi lộ ra như đàn bà chửa không thể giấu hay lấp.
Sương giàn giụa, y bắt đầu thấy rét. Tiếng “u hu” của gió va vào đá rơi xuống chân núi vỡ ra sắc như nứa. Mùi khói có hơi gỗ xoan ở đâu vãng tới khiến y chùn gối. Có khói tức có bếp, có lửa hẳn có người. Y co chân chạy men theo lối mòn nhờ nhờ sáng. Gian nhà gỗ thấp thoáng hiện ra trong bờ sương ảo não. Cửa mở, người đàn bà có khuôn mặt sắc sảo hiện ra, giọng nói lạnh như đá phơi hoang trên núi.
– Anh cần gì?
– Tôi nhỡ đường, cô có thể cho tôi…
– Anh vào đi.
Thị quay vào, hơi lạnh toát ra muốn hất y đập vào gốc săng lẻ gãy đôi lưng. Không phải gỗ xoan, thị sưởi ấm bằng những cành săng trọc trơ, phía ngọn lúc lỉu những mụn thịt mà cánh thợ xẻ bảo là hoa. Những u lành chưa kịp nở đã chết rét, co cứng như sỏi suối. Căn nhà lọt thỏm giữa bốn bề gió máy. Trên vách dắt đôi liềm với cái rạ quắm dài. Góc nhà kê tấm ván gỗ, có hai đứa nhỏ đang rúc trong cái chăn con công nặng ịch. Sử kiếm khúc củi đằm tay để khều to ngọn lửa. Gian lán lặng tờ chỉ có ngọn lửa nhấp nhổm cháy. Bê tới bát nước ngô, thị lẳng lặng quay đi. Cái bụng Sử lại sôi ré lên, nhờ thế mà thị ngoái cổ hỏi:
– Anh đói à?
– Ừ…! Nhà còn gì ăn không?
– Còn… ngô bung.
Nồi ngô đặt sát cái kiềng thọt chân, dưới đáy kê cục táp lô vuông vắn, nắp đã dàn dũa bụi tro. Bát đũa leng keng, bốn người ngồi vây lấy cái nong sàng gạo, vỏ trấu còn dính vào những vách nan. Gỡ mẩu ngô dính ở mép con gái, thị cười. Nụ cười sáng như nắng rọi vào bông lúa trĩu hạt, xuyến xao cả làn gió vãng lai. Ả đàn bà có cả đàn con thế thằng đàn ông đâu nhỉ? Suýt chút nữa Sử mở răng ra hỏi nhưng y đã kịp lủm đi, nhai với ngô. Cơn gió bấc đi qua mái nhà không nén được tiếng thở dài khi vấp phải mùi ngô. Cái rét ngấm vào ngọn lửa, hòn than cũng rét không sưởi nổi cho ai. Thị vơ lấy đống guột rừng, căn căn bó bó. Sử kê đuôi chổi lên khúc gỗ dùng dao phạt cho ngay ngắn. Đêm trôi theo tiếng dao phạt bằn bặt vào đoản gỗ.
Tảng sáng, gà gáy dồn dập phía rừng săng lẻ, tiếng xoe xóe như dằm thông bị cháy. Sử chống gối nhỏm dậy, cái bụng muốn ở lại nhưng cái chân phải về. Ngót đêm mặt thị ngấm rét càng thêm lạnh, kể cả lúc tiễn khách ra cửa thị vẫn không hé môi cười lấy một nụ nhè nhẹ.
Nắng lên. Mây xám luồn vào mây xanh. Cả thung sâu càng sâu hun hút. Sử tạt vào quán lòng dồi nằm chênh vênh trên bãi đá hình cục tiết, trên thây thủng lố đố như trúng bom bi. Dồi luộc, dồi nướng kẹp lá mơ nhâm nhi với riềng non, sả tắt… có đủ cả. Lão chủ dùng lạt tre vót nhọn đâm bụp vào cuộn dồi nở căng. Đâm nhát nào bật ra tiếng xì hơi “u éo” nghe rờn rợn như săm thủng. Ngó lại con dốc vừa trôi qua Sử thấy buồn. Y nhớ ánh mắt có vệt mây trôi ngang, sáng nhưng buồn thê thiết của thị. Y nhớ cả hạt ngô nhám nhụa mùi khói, dẻo trết vào hàm răng mọc lộn xộn của lũ trẻ. Những cặp mắt côi cút neo lại mái nhà lụp xụp đang theo y về tận phố huyện lập lòe.
Cởi túi ra khỏi người, y gọi chai rượu. Núi cao, gió rét thì rượu phải cốt. Chỉ có rượu đầu nồi mới ghìm được cơn sốc lạnh đang ập vào tim phổi. Đặt bát đánh “đạch”, y dỏng tai nghe bàn bên nói về người đàn bà ở bản Ót. Mùa đông đã rét, vào bản Ót càng rét gấp trăm gấp bội. Sử cười sùng sục rồi lại rót. Tự y cũng thấy rét nhưng là rét khi rời khỏi căn nhà có người đàn bà đó. Sao càng uống càng thấy rét thế này? Cuộn dồi bay dần từng khúc như ngày nối ngày trăng rụng khỏi đỉnh đồi. Y lắc đầu “khà” ra đằng tai thì va phải đoạn hội thoại chứa đầy thiên cơ.
Thị từng là cô giáo, đó là cái lúc đời chưa vập vào thằng Dư “nậu” ở bãi sông Chải. Ngày ấy, thị vừa mới ra trường lên miền Tây xứ này nhận việc. Ấm ớ thế nào lại gặp Dư, rõ là cái số muồm muỗm lội phải bãi úng ven sông. Dư tử tế tới độ nếu hắn không chạy làng sẽ chẳng ai biết hắn là thằng mất dậy. Dây vào thằng lậu gỗ lại to bụng thì còn dạy nổi ai. Thị ở lại đẻ cặp song sinh giống thằng gieo giống y lột, nếu Dư ngoác mõm chối cả bản sẽ thắp đuốc tới giã cho hắn thành nước.
Mới ba mươi đã nạ dòng đèo bòng hai đứa, đẹp đến mấy gặp phải thằng vô sỉ thì đời cũng nát, hết mùa khô chẳng ai nhận ra là hoa hay cỏ. Nàng giờ đã là hoa mọc giữa đường, thằng nào thò tay ngắt chả được. “Cho cân gạo, dúi con cá bương nó lại chả nằm ngửa cho mà xơi tắp lự”. Cặp bợm rít lên rồi chụm đầu cười hô hố. Sử nắn móp chén rượu, rõ ràng y đã bóp méo chén rượu. Chủ quán thả rơi cuộn dồi đang quằn quại trên vỉ nướng để dụi mắt. Tiếng eo éo của mỡ gặp than chẳng thể dập tắt hòn than đỏ rực. Bỏ bát, Sử lắt lưởi đi dọc đường mòn. Ô tô bấm còi “òe òe” cũng kệ, y cứ đi như một kẻ vô hồn.
Chập tối, y về tới cửa, nhà có người mà trông rầu rĩ như đống rấm ven đê. Vợ bấm điện thoại nhoay nhoáy không cần biết y ngồi ở hè. Mệnh ai nấy quản, Sử đã quen với việc vợ chồng chung một mái nhà mà chẻ đôi thế giới. Chỉ còn điều duy nhất sót lại là hai đứa con bằng da bằng thịt chẳng thể nào tùng xẻo đi được. Rồi vợ cũng biết Sử về. Ả thủng thẳng đi ra, bĩu một nhát vào bộ dạng lay lắt của y rồi lên giọng:
– Về rồi đấy à? Có được việc không?
– Cô đừng đánh hàng nữa.
– Sao…? Không đánh hàng thì bốc gì nhét vào mồm? Đồng lương của anh có nuôi nổi tôi không?
– Thôi đi! Nếu cô cần tiền đến vậy thì cứ đi buôn, cố mà leo lên Trưởng với Phó. Tôi đấm thèm vào.
Vứt cặp vào ghế, y lếch nhếch về phòng. Chả biết từ khi nào, giá trị đào bới của hai người đã lệch pha, hạnh phúc đang là bom hẹn giờ. Có thể nổ, có thể không chỉ biết giai đoạn bom ngâm rất mệt mỏi. Sử đè gỗ qua trán để tâm trí rơi tự do. Ánh mắt tha thẳm của thị vây lấy trái tim y cô độc. Những sợi khói bay lắt xắt qua mái hiên quạnh quẽ, cả những lọn gió chuốt mỏng sợi khói kia… tất cả xoa dịu nỗi nhục của một thằng đàn ông đang sa lầy trong chính cái ao mình đã è cổ đào. Kể ra chả thằng nào muốn bị vợ coi rẻ, đã là vợ chồng sống mà không biết đủ thì nhà có lợp lên rồi cũng dỡ. Cả đời cứ dỡ với lợp, có ván cờ cứ xóa đi rồi đánh lại chả được cái mốc mẻ gì. Có nhiều lý do để y dựa mình vào cái cột cô đơn, lý do to nhất vẫn là cố giữ cho lũ nhỏ một cái áo dù cái áo đó đã sứt chỉ, sổ tà.
Nay từ bản Ót về, y thấy râm ran những suy nghĩ rất điên rồ. Y muốn bỏ nhà lên núi, bỏ cả công việc vàng hiện tại của y để đi cắt cỏ bó chổi. Nói trắng ra y muốn chăm lo cho người đàn bà bị ruồng bỏ ở phía Đông rừng săng lẻ. Một đêm ngắn ngủi lại khiến y khao khát có thêm nghìn lẻ đêm khác. Chỉ cần ngồi bện chổi, ngửi mùi ngan ngát cay của guột rừng thôi y đã thấy đời trôi đi thật dịu. Những ổ gà, ổ voi được vá víu dù đường kim mũi chỉ rất vụng về.
Mờ sương, Sử vội vã trở lại bản Ót, lần này y gửi xe ở quán chứ không đem vào tận rốn. Rét! Con đường lên bản giòn như quẩy rán ráo mỡ. Cả rừng săng vong vỏng đu lên cao, nhuộm rực khoảng trời màu tro bếp. Từng bước chân thấp thỏm tiến sát căn nhà, giọng của ai quen quen khiến Sử phanh đứng lại:
– Mai kia anh viết giấy giới thiệu, em đưa hồ sơ tới nhập học cho hai đứa. Mọi việc cứ để anh lo.
Nhòm qua vách gỗ y thấy Vỹ “đồn phó” ngồi trên cục gạch đỏ cạnh bếp, tay hắn mân mê nhánh guột rừng điểm hoa trắng liu riu, ánh mắt nhìn San si dại, nếu không có cú điện thoại hồn Vỹ sẽ lìa khỏi xác. Đời nhiều khi có quá nhiều sự trùng hợp mà ta cứ nghĩ bị ai đó sắp đặt. Sử nín thở đợi cho tới lúc Vỹ khuất dạng. Sử rất quan tâm thái độ San dành cho Vỹ, có vẻ so với y cũng không ấm lên là bao. Nụ cười của San cứ lạc vị như nước luộc lòng cho mì chính. Không biết Vỹ thế nào còn y khi đón lấy nụ cười đó cổ như bị siết lại, tất cả lòng dồi dưới núi tròng vào khiến yết hầu y bị nêm chặt, cấn sạn mà chẳng thể khạc nhổ.
San ngoái cổ nhìn ra cửa, ánh mắt lạnh như hoàng hôn rời xa ngọn lúa. Hoang vu ùa về, bẻ gập nhánh cỏ may nơi đồng bãi. Y chỉ muốn ôm lấy, rút hết giá rét đang chế ngự San tới đỏ môi, đỏ má. Đặt chai mắm, bánh kẹo lên cái nong mất vành Sử tự cho mình cái quyền được hoạnh họe:
– Ai đấy? Hắn tới có việc gì?
– Bộ đội… tới nắm bản.
– Nắm mỗi bản thôi à?
– Mỗi bản.
– Cô biết, hắn có vợ rồi không?
Một loạt câu chữ xồng xộc phi ra, y không cấm cản được. Y quên mất, chính y cũng đang vợ con đề huề. Có ai hiểu được trạng thái của y lúc này? Chân dẫm trên đất mà hồn như đã lạc vào rừng già, đi mãi đi mãi không tìm thấy lối ra. Tiếng của thị đưa Sử về với thực tại:
– Anh tới có việc gì?
– Tôi lên có việc.
– Việc gì?
Bị truy vấn lại, mặt y trắng nhợt như lòng ngâm nước lạnh. Y không biết nói thế nào vì hễ mở miệng là nói thật. Nói đi, thử một lần trong đời dối trá vì yêu thì đã sao, nếu có hệ lụy gì thì cũng là cái giá phải trả. Y quyết định xổ hết khói trong bụng ra cho đỡ ngốt.
– Tôi đi bán nước mắm. Còn một chai, cho em. Tôi hay ghé bản. Em cần gì, cứ nói.
Đặt tờ giấy ghi số điện thoại lên nắp nồi, y đi ra cửa. Sử muốn được cản bước, muốn lắm. “Ngô vừa xay còn ấm vỏ lụa, sao em không giữ tôi lại cùng đổ bánh?” Câu hỏi thành con vít xoáy vào lồng ngực, máu ứ lại tím lìm lìm màu thịt trâu bị trúng độc. Với cái thế “có vợ” y không thể móc hết ruột gan bỏ lên nong cho San thấy. Y chỉ có quyền đi bên lề cuộc đời San, lặng lẽ làm một bức vách ở gian bếp hoen nhoèn khói. Ngọn lửa Sử nhen lẩy bẩy cháy, ngày nào đó sẽ thoi thóp đỏ nhưng y vẫn không muốn để gian bếp trong tim mình chết cóng.
Bản Ót nằm lại, hoàng hôn lùa thùa trên ngọn săng lẻ trơ trọi lá. Sử tha thẩn trên con đường nhẵn nhụi cỏ may. Đi mãi cũng tới quán lòng dồi. Gọi chai rượu, Sử dốc liền mấy bát. Quán rượu như lằn ranh giữa quá khứ, thực tại. Cũ, mới đan xen khiến y khi bâng khuâng lúc lại hoang mang. Phía Đông, nơi mặt trời mọc là sợi thừng trói buộc bởi pháp lý lẫn luân lý. Phía Tây, nơi mặt trời lặn là vũng tình đầy rẫy những bồn chồn, xốn xang. Sử chỉ muốn cởi bỏ hết để với tay tới đóa guột rừng trắng muốt. Ở San toát ra thứ hơi lạnh man mác của gió núi, nỗi hao gầy của “đá vọng phu” nhưng chính hơi lạnh đó đã ủ ấm, tiêu biến cơn ho đang chực bật ra cổ. Có đận y xem phim hoạt hình, trong phim con quỷ núi vừa hỏi vừa cười sằng sặc:
– Tình yêu là cái quái gì?
Tình yêu chẳng là cái quái gì cả nhưng nhân gian này gieo một tiếng yêu là gặt muôn ngàn nỗi khổ, cạn một chum yêu là nuốt hết bi ai vào người. Chỉ tình yêu mới có năng lực giết chóc và hồi sinh. Việc y tuân theo hay kháng cự không phải vấn đề, vốn dĩ tình yêu nằm ngoài vạch vôi kiểm soát của loài người.
Khuya khoắt, đèn he hé sáng sau cánh cửa có vệt nứt chảy dài. Sử loạng choạng đi vào, tiếng vợ cất lên khiến y vập mặt vào mép cửa.
– Anh đi hoang tận đâu giờ mới về?
– Có việc gì?
– Anh cố xin lấy lô hàng để tôi còn vớt vốn. Cả gia tài đổ hết vào đợt này. Sao anh không nhờ các sếp, mở mồm nói một câu thì mất gì?
Sử cười phè phè, phả hơi rượu vào bức vách nguệch ngoạc nét vẽ. Đời chỉ đâu đánh đó thật đấy nhưng y đếch muốn luồn cúi. Không có lô hàng đó cũng chẳng ai chết. Ăn ít thịt không chết chứ gắp thêm miếng nhục là sống khổ sống sở. Bấy nay lên Cò Luống chườn ườn mặt ra là quá đủ rồi. Không thấy y nói gì, ả trừng mắt:
– Té ra, tôi lấy phải cái ngữ sĩ, vừa bất tài lại hay viện dẫn lương tâm. Anh để vợ phải nằm ngửa ra xin thì mới thỏa phải không?
– Cút…! Cút về phòng cho tôi.
Y chỉ thẳng ra cửa, hai đứa con lấm lét nhìn máu đông cứng trên mặt bố. Đứa lớn tháo giày, đứa nhỏ lấy vôi thoa dưới gan bàn chân. Công tác giải rượu rất thuần thục, đó là phúc ấm mấy mươi đời không phải thằng say nào cũng có. Mắt nhắm, mí đeo chì nhưng Sử đã tỉnh. Y có lỗi vì đã để lũ trẻ thấy bộ dạng hôi hám, chán đời của một ông bố.
Hai đứa đi rồi, Sử nhấc mồm cười đau đớn. “Nằm ngửa ra xin” ư? Sao cô phải khổ thế? Đàn bà thật ấu trĩ. Cứ tưởng đàn ông đói khát tới độ gặp đàn bà là liền sấp, ngửa. Lâu quá rồi, Sử không thiết tha gì mùi hành răm chiết ra từ da thịt của vợ. Cả cái nốt vừng đen đen, y nhớ mang máng chứ không nhớ rõ nó được vãi ở khu đồi bên trái hay bên phải. Sử thở một hơi dài như trút bỏ chiêm bao, trong ý nghĩ tự nhủ:
– Có lẽ lại cố xin nốt đận này rồi mệnh ai nấy sống. Kiểu gia đình trong nát ngoài tươm như này, xã hội đầy
Xế trưa, San quảy bó guột rừng về tới cửa, mắt Sử vừa hửng cười đã tắt lụi khi thấy Vỹ, hắn cõng một bó củi to như con bò. San cười. Vỹ cười. Chẳng lẽ y lại không cười. Vỹ chao người đổ củi xuống gốc dẻ còn y cố giấu đi nụ cười đã sống sượng. San nhóm bếp, mùi lá nếp bay vấn vít khắp chòm hiên mốc meo. Sự hiện diện của Sử không khiến Vỹ bối rối. Nhân lúc San lúi húi trong buồng, Vỹ thả ống tay áo thủng thẳng nói:
– Lô hàng vừa có lịch tiêu hủy, anh bảo chị lo nộp phạt.
– Không vớt được tý nào sao?
– Vớt làm sao được. Anh làm dân vận lại đưa pháo về cho dân đốt. Anh thấy có được không? Chị nhà không bị truy cứu là may.
Nay thái độ của Vỹ cứ sao sao, vừa hôm nọ còn gật gù bảo vớt được gì sẽ vớt giờ thẳng thừng tuyên cáo, không có chút áy náy nào. Việc gì ra việc đó chứ. Cái thế của hắn có hơn gì y, đều đang có con vợ ngồi chễm chệ ở nhà. Vỹ thực sự đang có ý với San, xem ra tương quan lực lượng giữa đôi bên không hề khấp khểnh. Trông vẻ “bố đời” của Vỹ, y chỉ muốn tròng cả cuộn dồi vào cổ, siết cho hắn vào thẳng cõi niết bàn. Sử không muốn ra về trong bẽ bàng sớm thế nhưng y lại mắc kẹt giữa việc vợ giao và khối tình đơn chiếc vừa chớm nở. Sửa lại áo xống, Vỹ lại lia giọng:
– Riêng số đao kiếm, đèn đóm… tôi có thể linh động. Anh bảo chị lên làm việc.
Ai lại chủ hàng mất hút còn anh lại chầy mặt ra.
– Rảnh không? Đi uống chén rượu cho ấm cổ.
– Được! Quán “Dổi” nhé. Anh ra đi.
Vỹ đã nói thế, y còn cớ gì để nán lại. Nắng chói, gió hanh đua nhau tớp vào mặt. Vẻ đắc ý của Vỹ như hạt thóc xót xảy cứ chà đi xát lại khắp mặt. Sử nắn chặt quai chén, hơi thở đứt quãng như ngọn rơm bị chuột cắn. Đĩa dồi lạnh ngắt thì Vỹ ra tới nơi, chủ quán vội đưa dồi đi làm nóng. Kéo tuột xéc áo da, Vỹ rê ghế tới ngồi dệnh dạng. Tự rót đầy chén rượu, hắn bô bô hỏi:
– Nghe nói, anh lên bán nước mắm…?
Thằng mặt củi, hỏi như vỗ vào mặt khiến tợp rượu trong cổ Sử đắng lét. Ừ…! Thằng này viện cớ rao mắm để vào bản đấy, chẳng nhẽ tao phải nhân danh tổ chức thần thánh nào đó thì mới được phép. Việc của vợ không nên nì nằn, nhắc lại thêm rầy rà. Việc của San cũng đừng sửng cồ hay sỗ sả. Xưa nay đã làm dân vận là phải điềm tĩnh và từ tốn. Cụng chén rượu đánh chát, Sử cười ha hả:
– Ông lại bóc mẽ tôi. Hỏi thật nhé, ông còng lưng cõng củi để làm gì? Vì dân à?
– Chả vì dân thì vì cái đệch gì?
Một chữ “vì” khiến cái chân phải đi, cái lưng phải gù. Còn ai xứng đáng được yêu hơn Vỹ? Sử om ngụm rượu cho lưỡi cay xè rồi cố nuốt. Xem ra đàn ông thằng nào cũng có lòng trắc ẩn, chỉ muốn thêm chứ chẳng muốn bớt. Cuộc giằng co có vẻ sẽ dằng dai. Mọi sự chưa thể nói trước, lật bài sớm quá sẽ mất vui. Sử lái câu chuyện về phía Dư “nậu” để biết rõ hơn về cục diện.
– Ông có biết Dư “nậu” không? Tay đó còn qua lại hay đã chấm dứt?
– Cả ải này ai chả biết Dư “nậu”. Một thằng máu gái và mất dậy. Ông thích thì nhích đi, sao phải trông chừng nó?
Vỹ thả lỏng cơ hàm nhai cuộn dồi, đầu đu đưa theo điệu gió rít. Một lời của Vỹ lại khiến y thấy hổ thẹn trào lên chua khe khé ở cổ. Buổi mới gặp, y biết sẽ phải yêu San trong âm thầm giờ Vỹ bảo “nhích” thật đánh đố một thằng lắm râu nặng cằm. Câu chuyện về San ngốn không ít dồi và rượu, lúc đứng lên núi Phu Xai đã võng qua võng về như chiếc lá đánh đu trên sợi tơ. Túc tắc đi hết quãng đường lởm cởm đá, Sử cũng về tới cái đống rấm nhì nhèo cháy. Cửa mở, mụ vợ rốt ráo chạy ra, có vẻ ả đang đợi y. Không để ả phải hỏi, Sử phất tay nói sang sảng:
– Cô buôn gì, bán gì mặc xác cô. Nhớ… đừng chụp váy lên đầu tôi.
– Anh say à?
– Đời tôi từ khi gặp cô đã say… không muốn tỉnh. Cô về phòng đi.
Y say thật. Người dão ra một đống như bột chưa cán sợi. Mặt căng giống quả bom sắp bị cưa trờ tới. Mồ hôi vã ra. Sử thấy mình nằm giữa triền đồi lặng gió, guột rừng trổ hoa trắng li ti. Mỗi độ gió lùa, cả khu đồi lại chao đảo trong làn hương se sẽ cay, nhày nhạy sống mũi. Những băn khoăn va quệt với ánh mắt thao thiết buồn của San, những hư hao cuốn Sử trôi về miền tít tắp. Ai đã yêu với khoảng ngực bị bom câm cày nát sẽ hiểu những bứt rứt, dứt day mà y gặp phải. Vỹ bảo “mọi việc cứ để anh lo” còn Sử yêu mà chẳng lo được gì. Ôi! Cái thứ tình yêu khói chẳng phải khói, sương chẳng phải sương. Yêu mà không rõ hình hài, chả biết là sợi hay giọt nên cứ bắt kẻ trúng tiễn phải chới với, chơi vơi.
Công việc lu bu, Sử ít có dịp lui tới bản Ót. Y ôm nỗi nhớ San mỗi ngày trên con đường liểng xiểng đá dăm. Sớm nọ, y hộ tống vợ lên Cò Luống gặp Vỹ, xong xuôi ả đòi ghé chợ săn nếp nương, măng ót. Giáp Tết, chợ đông hơn kiến cỏ, dân ở đây cứ nhè Tết mới đi chợ thì phải. Trong cái ồn ĩ của chốn huyên náo, Sử vẫn mơ hồ nhận ra hương guột rừng lãng đãng. Sử dừng lại ở hàng chổi, thẫn thờ ngắm bó guột rừng tua tủa hoa. Những bông tuyết xíu xiu neo vào nhành hoa mảnh khảnh, dìu dặt những sợi hương vùi đắm. Cô bán chổi không cởi nón chẳng mở môi mời mọc, thị cứ im re khiến vợ Sử phát cáu:
– Này em, bán buôn gì mà câm như hến thế?
“Lấy cho anh bó guột rừng” – Sử cướp lời vợ nhưng vừa dứt câu thì vợ đã ngồi thụp xuống gạt bó hoa ra. Tay chỉ vào bó đót nhơ nhỡ, ả nói to để át tiếng ồn quanh đó ập tới:
– Guột trổ hoa quét tước gì được, lấy cho chị bó “chít đót” để dọn ban thờ.
– Cả guột lẫn đót, em bó cả vào.
– Ơ hay… Anh bỏ tiền mua vớ mua vẩn để làm gì?
– Một bó hoa cứ căn ke mãi. Mua đi.
– Mang về, tổ rác nhà. Không mua.
Chốt hạ lấy một câu ả đứng dậy đi thẳng, trăm ánh mắt đổ dòm vào. Sử tức nổ phổi vẫn phải nhịn cho êm sự. Thật quá ngại với cô bán chổi, Sử cúi xuống dém lại bó hoa thì:
– Vợ anh đấy à?
Giọng nói ấy vẫn rét ngọt, cấu lên ngọn cải thìa non xớt. Nụ cười ấy vẫn ấm như lửa có hơi gỗ săng chết cóng. Phút gặp lại, nàng vẫn hài hòa vẻ đẹp của tạo hóa, dửng dưng mà chuốc say cả triền đồi. Đón lấy bó hoa, Sử bị dòng người xô về một góc, mưa bụi lắc thắc rơi ướt mèm mái đầu lấm tấm bạc. Nụ cười của San xa dần, mất hút sau làn gió xuân đắng đót. Cả chặng dài, Sử không nói với vợ câu nào. Chồng trước, vợ sau. Thong dong trên một chiếc xe mà linh hồn bị dồn đuổi về hai phía. Còn gì chua chát bằng phu thê với nhau lại lạc điệu ngay trên cõi đi về.
Nhà buồn theo thẻo. Sử phờ rạc vì những đắn đo. Một sớm, Sử tan vào màn sương còn lúa nhúa khói rấm. Y chả thể đi đâu ngoài bản Ót. Căn nhà gỗ cài then im lỉm, Sử áp tai tìm tiếng lửa nổ nhưng chỉ nghe thấy gió tông vào vách gỗ rơi xuống nền đất lạnh căm. Y không biết. Chớm Xuân, Vỹ đã đón San về căn nhà dựng bằng gỗ săng, cạnh con đường lát nhựa êm ru dẫn xuống Huyện. Vỹ ly dị vợ, chấm hết cuộc hôn nhân bức bối. Cả ải này đố ai lanh lẹ như Vỹ, tưởng vô tình nhưng dạ đầy hữu ý, tưởng hời hợt nhưng không hề thờ ơ.
Sử lững thững đi về chốn cũ, khép nhẹ cửa không muốn ai biết sự hiện diện của mình. Khe khẽ hương guột rừng chờn vờn bên cánh mũi, y bật dậy nhìn ra cửa sổ. Lọ guột rừng ở đó từ khi nào? Y nuốt gọn làn hương vừa gần vừa xa, vừa khô vừa ẩm… cẩn thận nhấc chiếc lọ ra khỏi dòng chữ:
– Em xin lỗi! Chồng ơi…!
Vì lẽ gì vợ đã…? Sử vuốt phẳng vạt giấy nhớ màu mỡ gà, ánh mắt run rẩy nhìn về cánh cửa có nhiều vết rạn. Vợ y đang ở sau những đường dài ngắn, khô khốc đó.
17/8/2023
Trang Thụy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...