Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Không gian và nghệ thuật tạo dựng không gian

Không gian và nghệ thuật
tạo dựng không gian

“Trở về với núí” là trở về với không gian văn hóa vùng cao. Không gian đó vừa là không gian thực có núi, có hoa, có gió, có nắng, có sương, có hương và có lửa nhưng không gian ấy cũng là không gian nghệ thuật mà tác giả sáng tạo ra.
Kiều Duy Khánh là tác giả ở địa phương miền núi Sơn La, gần đây nhiều tác phẩm của anh đã vươn xa, góp mặt vào văn đàn cả nước. Nhiều tác phẩm của anh được đăng ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Báo Văn Nghệ, được các đài phát thanh chọn đọc, được chọn in vào tuyển tập Truyện ngắn hay Việt Nam năm 2018, 2019, 2020, 2021 do Nhà xuất bản Văn học tuyển chọn. Gần đây nhất anh được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản tập truyện ngắn “Trở về với núi”. “Trở về với núi” là một bước tiếp trên con đường sáng tạo văn chương của anh. Điều gì làm nên thế mạnh trong tác phẩm của anh? Theo tôi, đó là vì nhà văn đã thành công trong việc giới thiệu không gian văn hóa Tây Bắc với một nghệ thuật tạo dựng không gian sắc sảo, hiếm thấy ở những cây bút trẻ hiện nay.
1. Không gian vùng cao Tây Bắc
1.1 Không gian núi rừng Tây Bắc
Truyện của Kiều Duy Khánh không mạnh ở cách tạo dựng cốt truyện li kì, hấp dẫn. Nhiều khi truyện chỉ là những dòng tâm trạng lồng ghép nhưng vẻ đẹp của không gian nghệ thuật thì luôn làm say đắm lòng người. Không gian trong tác phẩm Kiều Duy Khánh là không gian núi rừng Tây Bắc đẹp, hoang sơ, không gian của các phong tục tập quán vùng cao với các quan niệm tâm linh hết sức kì bí. Đó là không gian núi rừng trong các đêm trăng rộng và sáng, cảnh vật cùng hoà quyện vào nhau, lung linh, huyền ảo. Tả không gian đêm trăng ở vùng cao tác giả viết: “Trăng lên, ánh trăng sóng sánh chảy tràn từ trên núi xuống bản” (Mộ mắt), “Đêm như được phủ lên một dòng bạc vừa được đun tan chảy sáng lóng lánh”(Hoa Sàng Giàng), “Giữa tiếng suối chảy ầm ồ như reo, giữa lóng lánh ánh trăng tràn trên mặt nước, dưới hủm Sủ Sung nhìn như một chú cá khổng lồ đang nằm nghiêng khoe những cái vảy sáng lấp lánh”(Hồn Piêu), “Trăng lên bàng bạc, tiếng xe máy gầm rú leo dốc phá tan sự im lặng của núi rừng đêm”. Đến với núi rừng hoang sơ, khi con người còn thưa thớt thì những âm thanh thường được ghi cảm nhiều hơn. Đó là những âm thanh vui, chứa đựng sự sống:“Mặt trời lên cao, lắng nghe không gian đã trở lại yên bình, tiếng chim ríu ran hót trên những vòm cây xanh” (Mộ mắt), âm thanh reo vui của cây rừng khi chứng kiến chuyện tình đẹp của đôi trai gái: “Cơn gió đêm tinh nghịch vuốt ve tán cây bồ quân rì rào nghe như tiếng reo mừng” (Hồn Piêu).
Đối lập với âm thanh đẹp của sự sống là những âm thanh của tự nhiên mang nỗi buồn của con người: “trong rừng xa vẳng lại tiếng cú rời rạc, tiếng cầy hương gọi bạn”(Hương ngọc lan bay lên),“Mưa cứ đều đều, rung rúc như tiếng gió thở ngoài nương ngô khô những chiều cuối đông” (Như vạt rêu ngoài suối), đó còn là âm thanh rùng rợn mang dự cảm về một điều chẳng lành: “Có tiếng chim lợn kêu ba tiếng sắc lạnh như con dao liếc trên hòn đá trơn ngay trên đỉnh khau cút gần nhà” (Hồn piêu), hay âm thanh mang đầy tâm trạng: “Những cơn gió khuya nghe buồn và vắng”, “Giữa rừng sâu nghe tiếng gà rừng vừa thấy cảm giác xa vắng vừa thấy yên bình, thanh thản” (Gió vẫn thổi giữa rừng). Không gian núi rừng Tây Bắc còn được cảm nhận trong sự đan xen như những bức tranh nhiều màu sắc: “Cây lá ngón mượt xanh nở những chùm hoa vàng rực rỡ bò chùm lên cả cây đào rừng” (Hương ngọc lan bay lên), “Mùa đông về, sương mù lười biếng u oải cả ngày trên những quả đồi nâu sậm một màu của cây ngô khô giòn nằm rạp mình nhớ nắng” (Trở về với núi).
Không gian núi rừng dù có đôi lúc mang tâm trạng u buồn nhưng về đại thể không gian đều được cảm nhận trong sắc thái tươi vui nên đọc các tác phẩm của anh người đọc được thanh lọc tâm hồn không ít và lòng người sẽ tràn đầy luyến lưu như hình ảnh mặt trời trong câu văn: “Mặt trời dùng dằng, bịn rịn như không muốn đi xuống núi xa để chia tay một ngày đẹp nhất” (Hoa Sàng Giàng). Đọc tác phẩm của Kiều Duy Khánh tôi cũng có cảm giác dùng dằng như muốn lưu giữ những không gian rất hữu tình vì đâu đó tôi đã gặp trong cuộc đời mình.
1.2. Không gian đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc
Với mong muốn giới thiệu về mảnh đất Tây Bắc không chỉ ở cảnh núi rừng với không gian thiên nhiên mà còn là không gian trong đời sống tâm linh của con người, của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc nên trong hầu hết các truyện tác giả lồng vào cốt truyện các phong tục tập quán, tín ngưỡng, các công việc của người vùng cao ở những nét riêng biệt nhất. Truyện “Gió vẫn thổi giữa rừng” là phong tục cúng dịp tết của người Mông và công việc săn gà rừng, truyện “Nắng cuối rừng” là phong tục đặt tên cho con, truyện “Như vạt rêu ngoài suối” là tín ngưỡng cúng mo khi chết để được lên mường trời gặp ông bà tổ tiên, phong tục cúng ma nhà nhận mặt con dâu.
Phong tục thêu và sử dụng khăn piêu trong tác phẩm “Hồn piêu”, tín ngưỡng iểm bùa giữ của và quan niệm về linh hồn sau khi con người chết ở “Lửa bạc”, các lễ hội ném còn, gội đầu trong “Sương khuya lách tách” đều là những tím ngưỡng, phong tục tiêu biểu của các dân tộc khác nhau ở vùng núi Tây Bắc. Khi viết về các phong tục, tín ngưỡng cổ truyền nhà văn Kiều Duy Khánh đều mô tả rất tỉ mỉ và mang đầy cảm xúc. Như khi nói về phong tục làm khăn piêu của người con gái Thái tác giả dùng những lời văn giàu chất thơ, khêu gợi cảm xúc nơi người đọc: “Piêu này không tặng cho mẹ cho cha, không tặng cho chị cho cô ngày về nhà chồng. Piêu này chỉ để dành tặng cho người con trai mình hợp mình yêu, muốn cùng chung chăn chung gối”.
Tập truyện ngắn “Trở về với núi” của Kiều Duy Khánh
2. Nghệ thuật tạo dựng không gian
Để tạo nên không gian núi rừng Tây Bắc nhiều màu sắc như vậy Kiều Duy Khánh dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật nhưng cơ bản là dùng phương thức tự sự mang đậm màu sắc trữ tình và phương thức tạo dựng yếu tố kì ảo.
2.1. Phương thức tự sự mang đậm màu sắc trữ tình
Người vùng cao thường sống nội tâm, diễn đạt bộc trực, khi muốn diễn đạt một tâm trạng, một hình ảnh nào đó họ thường mang tâm trạng, hình ảnh đó để so sánh với các hình ảnh các hoạt trong thực tế lao động sản xuất của mình. Các sáng tác của Kiều Duy Khánh có sức lay động lòng người do nhà văn có dụng ý khi sử dụng liên tiếp lối so sánh để tạo nên không gian văn hóa đậm chất vùng cao. Đọc “Trở về với núi” ta liên tiếp bắt gặp các câu văn có cách so sánh độc đáo, đầy sức gợi hình, gợi cảm. Đây là những cách tả niềm vui: “Vui như cái vải chàm được thêu lên những hàng chỉ đẹp” (Gió vẫn thổi giữa rừng), “Lòng ông vui như con nước ngày mưa” (Lửa bạc), “Hai vợ chồng La ngập tràn niềm vui như cái ruộng mạ khô bỗng có nước chảy về nhiều”, “Lòng Lấm vui như bông hoa lau gặp gió, đôi mắt thì cứ sáng lấp láy như mắt con chim cu rừng mùa lúa chín nương” (Nắng cuối rừng).
Cảm giác sợ ở nhiều sắc độ khác nhau được đặc tả qua các hình ảnh so sánh: “Người trong bản thấy tạo thì sợ như con gà rừng thấy con cáo không dám ngẩng lên nhìn” (Như vạt rêu ngoài suối), “Buổi sáng thức dậy, nghĩ đến đi làm là lại thấy sợ cứ như khói bếp sợ gió” (Trở về với núi), “Phạnh sợ nhìn thấy quan tạo như con gà rừng sợ nhìn thấy cái nỏ” (Gió vẫn thổi giữa rừng). Các trạng thái tức giận cũng được mô tả tài tình: “Bụng tức như cái que mục đập vào hòn đá to”, “Thấy máu trong người bị đun sôi lên, đôi mắt phìa trợn tròn, lồi ra, trắng ởn như hai quả trứng chim luộc chín bóc vỏ”, “Phải cố gắng để nuốt cái tức vào trong bụng, thấy khó nuốt như nuốt con sâu róm vậy” (Như vạt rêu ngoài suối). Những cung bậc cảm xúc trong tình yêu cũng được nhà văn mô tả qua cách ví von: “Nghĩ về nhau mà không được ở gần nhau thì khác gì đôi chim mùa gọi đôi lại bị nhốt riêng ở hai cái lồng” (Gió vẫn thổi giữa rừng), “Từ hôm gặp Tươn, Sừa lúc nào cũng như con cáo bị say ánh đèn”, “Quả tim trong ngực Tươn càng đập nhanh hơn, mạnh hơn, thình thịch như tiếng trống đất sau ngày mưa của lũ trẻ chăn bò” (Hồn piêu), “Nhúa mong tiếng đàn môi của Khàng như cái hạt dẻ đã tách vỏ trên núi, chỉ đợi mưa để mọc mầm” (Hoa Sàng Giàng). Những hình ảnh “vải chàm được thêu lên những hàng chỉ đẹp, cái ruộng mạ khô bỗng có nước chảy về nhiều, bông hoa lau gặp gió, mắt con chim cu rừng mùa lúa chín nương, nuốt con sâu róm, hạt dẻ đã tách vỏ trên núi, chỉ đợi mưa để mọc mầm….” là những hình ảnh gần gũi gắn với công việc làm nông nghiệp của người dân, khi được mang ra để so sánh vừa có tác dụng làm cho những cung bậc tình cảm như vui, giận, sợ, yêu của nhân vật được diễn tả rõ ràng vừa khiến cho người đọc có những liên tưởng thú vị về không gian núi rừng Tây Bắc với các hoạt động, trạng thái rất cụ thể.
Thủ pháp so sánh cũng được vận dụng hết sức sáng tạo để gợi ra ngoại hình các nhân vật mang dáng dấp những người dân bình dị sống ở vùng cao có đời sống nội tâm phong phú. Đó là lão Tàng lòng chứa đầy lòng tham được đặc tả ở cái da và cái mồm để thấy hắn chả được gì sau nhiều toan tính: “Da đen dăn deo như vỏ quả bưởi mốc phơi khô”, “cái mồm lổm chổm râu há hốc như quả rẻ gai bị bổ đôi” (Gió vẫn thổi giữa rừng). Cái mặt tên buôn bán thuốc phiện Vàng Lao Chứ được tả ở độ dày, độ bẩn, hiện lên với vẻ trơ trẽn “Cái khuôn mặt tai tái như miếng bánh giày để mưa” (Hương ngọc lan bay lên). Khuôn mặt lão Lía qua cái nhìn vừa thương hại vừa căm ghét của ông Nọi: “Khuôn mặt sạm đen, răn reo chuyển sang màu trắng bệch nhìn không khác gì tờ giấy bị ngâm nước rồi đem phơi… cái sẹo kéo dài từ gò má xuống tận cằm đen sạm nhăn nhúm như con rết phơi khô… Kiểu đi khuỳnh khuỳnh rạng hai chân, cứ như bị con ong đốt vào chỗ kín” (Như vạt rêu ngoài suối). Nhân vật tên bác sĩ có thói trăng hoa được mô tả đem lại cảm giác ghê sợ: “Đôi mắt mỏng như cái lá gianh non” (Hồn Piêu).
Ngược lại với những nhân vật phản diện, những nhân vật chính diện được khắc họa rõ nét qua thủ pháp so sánh. Một chàng trai hết sức đẹp đẽ, cái đẹp kì vĩ: “Ngực Sừa bạnh đỏ, nở căng như tảng đá gan gà dưới chân núi Khau Chia….Hai cánh tay vẫn cuồn cuộn xoắn những bắp thịt rắn chắc, gân guốc như cây gỗ Cộc Chia già trên núi Sắng” (Hồn Piêu). Người con gái đẹp được tả với nét đặc trưng về làn da trắng và mềm mại, mang suy nghĩ của người vùng cao: “Làn da trắng hồng như quả trứng gà đẻ non đặt trước ánh đèn trong đêm tối…bàn tay mềm mại như cánh hoa săng” (Hồn piêu). Em bé xinh xắn, đáng yêu khi được gợi tả: “thằng cu bụ và trắng mẫm như con sâu trong ống măng non” (Nắng cuối rừng).
Các nhân vật bị héo mòn do bệnh tật cũng thật tiều tụy, đáng thương: “môi bợt bạt như cánh hoa ban ngâm lâu dưới nước, đôi má trắng hồng như quả roi đang chín giờ đây gầy tọp đi, bờn bợt chẳng khác gì tấm vải chưa nhuộm chàm đã bị luộc quá lửa… đôi mắt trũng sâu như hai hốc đá tai mèo”(Lửa bạc). Nhân vật Sừa sau trận ốm mất hết vẻ cường tráng về thể chất và mạnh mẽ về tinh thần, tác giả tìm được những hình ảnh mang ra để so sánh rất tinh tế: “rệu rã như cây rau non bị phơi ngoài nắng… giấc mơ dài lê thê như dòng nước nhỏ len lỏi chảy trên vách đá chông chênh dài khúc khuỷu trên sườn núi Pó Bua” (Hồn piêu). Một điều có thể thấy là nhà văn Kiều Duy Khánh đã mang vào trong ngôn ngữ nghệ thuật của mình cả thế giới vật chất và tinh thần của con người nơi anh sinh sống. Suy nghĩ của họ, cuộc sống lao động của họ được anh thấu hiểu và viết lên những câu văn có lối so sánh đẹp nhất, sâu sắc nhất. Kiều Duy Khánh sẽ là một trong số không nhiều tác giả mà ngôn ngữ sẽ không cũ đi theo thời gian vì anh đã làm mới, làm phong phú hơn tiếng nói của nhân dân, của cộng đồng mình.
Góp phần tạo dựng không gian văn hóa vùng cao, rất nhiều khi Kiều Duy Khánh đưa vào những trang văn những thành ngữ, câu tục ngữ mang hơi thở, suy nghĩ của con người vùng cao. Thành ngữ, tục ngữ được vận dụng linh hoạt và có biến đổi ít nhiều. Những thành ngữ như: “nghĩ cạn đêm, nghĩ cho ngắn cái đêm cho dài cái tóc, khôn như con cáo đực mùa hoa ban, xinh như con chim Tuổng Dua, xấu đen như cái khúc cây cháy dở…” mang đến những khái niệm vừa gợi hình vừa gợi lạ cho bạn đọc. Hoặc đôi khi đọc những câu tục ngữ dài, giàu sức gợi về cuộc sống của con người miền núi ta như được nhâm nhi chén trà vừa ngọt vừa đắng vậy.
Đọc truyện “Hương ngọc lan bay lên” ta bắt gặp thật nhiều câu tục ngữ khác nhau, khi đặt vào miệng các nhân vật các câu tục ngữ bộc lộ nhiều suy nghĩ, tính cách khác nhau. Nhận vật buôn thuốc phiện xấu xa như tên Chừ thì có nhưng lời lẽ hết sức xảo quyệt để thuyết phục anh công an Pùa, cũng là họ hàng với mình: “Cầm con dao sắc, chặt cây vườn mình thì chặt đằng lưng, sang vườn nhà người thì mới chặt đằng lưỡi”, khi giải thích cho hành động xấu xa của mình hắn dùng cách nói: “Mày lội ruộng mà không nể cái bờ thì ta chặt cái cây phải thương gì con sóc đang trên ngọn”, hay giọng ngụy biện: “Chỉ biết ngửi chân người khác rồi chê thối bắt đi rửa, còn cái chân mình dính đầy thứ thối thì không nói”. Lời trách mắng, khuyên răn của các anh công an với người chót mắc nghiện cũng thật sâu cay: “Cơm trắng cơm dẻo mày không muốn ăn, lại thích ăn cứt con tê tê, uống nước đái con hổ đẻ”, “Chân dẫm phải bùn nếu không rửa thì sao mà sạch được”. Trong truyện “Lửa bạc” đối lập với tâm lí tham lam của người cha thì anh con trai ông lại nghĩ một đạo lí rất đúng đắn qua câu tục ngữ: “Cái cây cho ta bóng mát lúc nắng, cái hang đá cho ta trú lúc trời mưa. Lúc hết nắng đừng bẻ đi cái cây, lúc hết mưa thì đừng phá đi cái hang đá”. Việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ là cách tác giả đưa lời ăn tiếng nói, kiểu tư duy của những người dân lao động vào trang sách từ đó vừa khắc sâu nội tâm, tính cách của nhân vật vừa khơi gợi không gian mà nhân vật sinh sống.
Cùng với cách viết giàu liên tưởng so sánh thì những trang văn của Kiều Duy Khánh còn đậm chất trữ tình nhờ lối diễn đạt mang âm hưởng của truyện thơ dân gian. Đó là những câu văn đẹp do sử dụng nhiều vế câu sóng đôi, có sự đăng đối, có nhịp điệu, hình ảnh. Ta thử đọc một số đoạn văn, nếu đọc đúng và hay ta cần có cách ngắt nhịp, cách lên giọng, xuống giọng như đọc một đoạn thơ vậy: “Những chum rượu cần được bê ra, những bương rượu sắn được bê tới. Người chiến sĩ bị thương nặng được bà con dìu xuống không thể ngồi thì nằm tựa vào cái đệm bông lau. Cái chân đau nhưng cái mồm không đau thì phải uống thật nhiều, uống thật no, thật say đấy nhớ. Vui như đêm hội, vui cả hơn đêm hội” (Mộ mắt), “Phạnh lặng lẽ rời bản, Phạnh đi mãi vào rừng. Cứ thế vượt qua hết ngọn núi này sang ngọn núi khác. Đói thì bắn con gà rừng, lấy lửa từ cái ống tre chất củi đốt nướng thịt ăn. Khát thì tìm mó nước dưới lũng, không tìm thấy mó thì chặt cây nứa to lấy nước trong ống mà uống. Phạnh cứ đi, đi mãi, không biết đã qua bao mùa trăng” (Nắng cuối rừng), “Mùa đông về, sương mù lười biếng u oải cả ngày trên những quả đồi nâu sậm một màu của cây ngô khô giòn nằm rạp mình nhớ nắng” (Trở về với núi).
Quan sát, suy ngẫm nhiều, sống gắn bó với cuộc sống của nhân dân vùng cao Kiều Duy Khánh đã đưa lối tư duy trực cảm, lối nói giàu hình ảnh của họ lên các trang văn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khi đưa nhiều cách diễn đạt dân gian theo kiểu so sánh ví von, dùng thành ngữ, tục ngữ, lối diễn đạt giàu nhịp điệu của truyện thơ vào tác phẩm làm cho tác phẩm thêm bay bổng lãng mạn, làm say đắm lòng người nhưng một vấn đề đặt ra là liệu “ảnh hưởng sâu đậm của các yếu tố dân gian có khiến cho nhân vật được xây dựng theo kiểu nhân vật chức năng hay nhân vật loại hình trong các truyện cổ tích, thần thoại mà thiếu chiều sâu phân tích, lí giải để nhân vật có được tính cách riêng”. Lo ngại đó không phải không có cơ sở. Tuy nhiên xét về góc độ trình độ tiếp nhận của độc giả vùng cao và tính trữ tình độc đáo được tạo ra từ tác phẩm thì cách viết của nhà văn Kiều Duy Khánh vẫn là một hướng đi đúng.
Bên cạnh lối viết trữ tình dân gian, những tác phẩm gần đây nhất tác giả Kiều Duy Khánh đã có sự đổi mới. Đó là lối viết có sự đan xen nhiều giọng kể tập trung thể hiện tâm lí nhân vật. Ta thử đọc một đoạn văn trong truyện “Mộ mắt”, tả cái đói và cái mệt của các chiến sĩ trên đường hành quân, đoạn văn có sự đan xen nhiều tiếng nói tạo nên cách kể đa giọng: “Đói đến vàng mắt. Ai đã nói câu này, sao mà đúng thế (Lời của nhân vật anh chiến sĩ đang bị đói), những ánh mắt lờ đờ nhìn vào lùm cây chó đẻ lúp xúp ven đường (giọng kể của tác giả), nhìn lên tán cây dẻ, cây nhãn rừng rậm um tùm chỉ thấy nhoè nhoẹt một màu vàng đến quặn ruột (cả giọng của tác giả và giọng của nhân vật). Thèm một củ sắn nướng chín đến nứt vỏ. Khẽ bẻ ra. Bở tơi, nóng hổi, trắng nhức. Nhồm nhoàm nhai (giọng nhân vật). Ăn trong tưởng tượng thì ăn càng nhiều chỉ càng thêm đói. Càng đói thì càng muốn ăn (vừa như lời anh lính vừa như lời của nhân vật thứ ba đứng ra tranh luận).
Trong “Hoa Sàng Giàng” ta cũng bắt gặp nhiều đoạn trần thuật có sự đa xen nhiều giọng như thế: Khàng ngồi ngoài sân làm nỏ, thỉnh thoảng lại liếc mắt vào trong nhà ngắm trộm Hiền một tí. Càng ngắm càng thấy Hiền vừa đẹp vừa duyên (Lời tác giả đan xen lời nhân vật). Giọng cô giáo sao mà trong và ngọt thế, cứ như giọng con chim chòe lửa hót trên ngọn tre Sông A buổi sớm (giọng nhân vật). Việc phối hợp giữa giọng trần thuật của tác giả và giọng của nhân vật sẽ giúp chiều sâu nội tâm, tính cách của nhân vật được bộc lộ đầy đủ hơn. Đây phải chăng là một sự đổi mới trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn? Hi vọng với lối viết kết hợp cả thế mạnh đã có và không ngừng làm mới mình trong thời gian tới nhà văn Kiều Duy Khánh sẽ xây dựng được những hình tượng văn học lớn.
2.2. Phương thức tạo dựng yếu tố kì ảo.
Cùng xu hướng đưa vào trang văn yếu tố kì như cách mà các nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Huy Thiệp… đã làm, yếu tố kì ảo cũng được Kiều Duy Khánh sử dụng như một thủ pháp tạo dựng không gian nghệ thuật. Vùng núi Tây Bắc luôn luôn tồn tại yếu tố đối lập, tạo tiền đề cho những cái kì ảo nảy sinh tồn tại, đó là sự bao la hiểm trở của núi rừng đối lập với sự thưa thớt của dân cư và sự phân bố rải rác của các mường bản, đó là các tập tục, tín ngưỡng tâm linh trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc được lưu giữ từ hàng ngàn năm nay. Am hiểu về các tập tục, tín ngưỡng, với tư duy mẫn cảm của một tài năng văn chương Kiều Duy Khánh đã tạo nên một thế giới kì ảo mang sức ám gợi người đọc, một không gian vừa thực vừa hư, mang tầm triết lí và tính nhân văn cao cả.
Trong truyện “Gió vẫn thổi giữa rừng” yếu tố kì ảo là hình ảnh con gà trống đỏ có chiếc đuôi màu trắng cong như vầng trăng. Bình thường những con gà trống rừng vẫn có màu đỏ tía nhưng con gà có màu đỏ như màu máu kia phải chăng là ám hiệu về khát vọng giàu có, quyền lực; sợi lông đuôi màu trắng như vầng trăng là phần hồn trong trẻo giữ cho khát vọng không biến thành sự cuồng vọng bất chấp mọi thủ đoạn, âm mưu. Truyện mang thông điệp về sự đấu tranh giữa cái thiện cái ác trong cộng đồng. Còn có những người sẵn sàng bỏ cả lợi ích của mình để hóa giải hận thù như nhân vật Của thì vẫn còn những người trong lòng luôn chứa đầy hận thù, tham lam, xảo trá như lão Tàng. Và trong cuộc sống của cộng đồng ta, những người tham lam như lão Tàng vẫn tồn tại, họ như là những cơn gió độc làm vẩn đục đời sống cộng đồng các dân tộc vùng cao.
Truyện “Lửa bạc”, yếu tố kì ảo đưa người đọc về tín ngưỡng để dành của người xinh mun với hàng loạt chi tiết kì ảo. Ban đầu là chi tiết ông Thàng phát hiện chum bạc nhờ chòm lửa sáng trắng to như cái mũ cối từ bụi tre, rồi chi tiết ông lấy hết số bạc ở chum mà không để lại một ít bạc để giữ hồn vía cho người chết. Cuối cùng là chi tiết ông bị báo ứng, con mèo đen cắn con dâu ông làm con dâu ông phát bệnh và chết. Các chi tiết kì ảo gắn với tín ngưỡng chôn giấu của cải và lưu giữ linh hồn của người xinh mun giúp tác giả truyền tải thông điệp, triết lí “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, truyện gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đối với mỗi người lòng tham như một ngọn lửa, nếu ta không chế ngự được ma lực của nó thì nó sẽ thiêu đốt lương tâm ta, sẽ đem đến những tai hoạ cho bản thân và những người thân trong một mái nhà.
Ở truyện “Hồn piêu” yếu tố kì ảo là một sáng tạo của tác giả Kiều Duy Khánh. Trên nền hiện thực câu chuyện tình đẹp nhưng éo le của đôi trai tài gái sắc Tươn và Sừa, cũng như bao nhiêu chuyện tình của chàng các chàng trai cô gái thái khác, chiếc khăn piêu như là vật chứng mang linh hồn. Khi bắt đầu nảy sinh tình yêu, “tiếng khèn nỉ non, run rẩy đã làm những đường hoa văn không thành hình quả trám núi, cái cút piêu không còn được tròn như quả pắc rừng”. Trong đêm hẹn hò đầu tiên “Tươn tháo chiếc mặc piêu quàng vào cổ Sừa”. Khăn piêu là vật thể có linh hồn mang hồn của tình yêu thế nên khi hiểu ra được sự hi sinh chồng dành cho, Tươn đã lấy cúc áo của mình và cúc áo chồng làm cút piêu rồi dọc chiếc khăn piêu làm hai mảnh, một mảnh giữ bên mình, môt mảnh đặt lên giữa mộ chồng để thể hiện lòng chung thủy. Qua truyện ngắn này nhà văn muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp: trong tình yêu con người ta cần sự đam mê và chân thành còn trong hôn nhân con người cần có sự thấu hiểu và thuỷ chung, tình yêu của con người đẹp lung linh muôn màu như chiếc khăn piêu nhưng cũng như chiếc khăn piêu có những chiếc cút piêu làm linh hồn thì tình yêu ấy chỉ đẹp và lâu bền khi con người biết hi sinh, sống vì nhau.
Ở truyện ngắn “Nắng cuối rừng” chi tiết kì ảo là con sói cứu bé Lấm (con trai ông Phạnh), rồi con Sói được ông Phạnh cứu và ở làm bạn với ông, ở cuối tác phẩm khi ông Phạnh tìm được người con trai của mình sau cả một đời đi tìm thì con sói được trả về với rừng. Qua chi tiết này tác giả muốn gửi đi một thông điệp người ở vùng cao: hãy gắn bó với núi rừng và muông thú, muông thú sẽ gắn bó và trả ơn người nếu con người có những ứng xử phù hợp. Hình ảnh nắng cuối rừng mang một thông điệp kép, đó là vẻ đẹp hoang sơ của rừng gắn liền với sự tự do, đó là con người cũng biết đến hạnh phúc khi bền bỉ kiếm tìm hạnh phúc và tự do.
Sử dụng yếu tố kì ảo là một xu thế của văn học thế giới và Việt Nam hiện nay. Yếu tố kì ảo khơi gợi trí tò mò của độc giả, đáp ứng nhu cầu giải trí của người đọc đồng thời là một thủ pháp giúp tác giả lí giải các vấn đề phức tạp đang nảy sinh trong cộng đồng. Có thể thấy trong hầu hết những sáng tác của mình Kiều Duy Khánh đều sáng tạo nên những chi tiết kì ảo, góp phần lí giải, khái quát những bài học nhân sinh, tạo nên sức hấp dẫn và sống sống bền lâu cho tác phẩm.
Tất cả các truyện ngắn trong “Trở về với núi” đều có tên gọi khơi gợi một không gian: Gió vẫn thổi giữa rừng, Hồn Piêu, Nắng cuối rừng, Hương ngọc lan bay lên, Lửa bạc, Trở về với núi, Sương khuya lách tách, Hoa Sàng Giàng, Mộ mắt. Cũng như tên tập truyện, “Trở về với núí” là trở về với không gian văn hóa vùng cao. Không gian đó vừa là không gian thực có núi, có hoa, có gió, có nắng, có sương, có hương và có lửa nhưng không gian ấy cũng là không gian nghệ thuật mà tác giả sáng tạo ra: “Trở về với núi” là tìm lại cái vững chãi, cái thuần khiết, hồn hậu trong tâm hồn, sự trở về đó giúp con người chiến thắng được ngọn “lửa” của lòng tham, thắng được những ngọn “gió” độc của những mưu toan, để luôn giữ được “nắng” ấm trong tâm hồn, để mình luôn là “hương” thơm, để mình luôn cảm nhận được vẻ đẹp của “hoa”, của “sương”. Trong một thời đại mà khoa học kỹ thuật, đời sống vật chất không ngừng phát triển nhưng đạo đức và tình người đang đứng trước nguy cơ của sự xơ vữa thì tập truyện “Trở về với núi” đã và đang mang đến một món ăn tinh thần ngon và lạ vì cả không gian và nghệ thuật tạo dựng không gian văn hóa vùng cao mà tác giả Kiều Duy Khánh đã làm nên.
17/8/2023
Đặng Thị Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...