Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024

Những trường đại học của tôi 1XXXX

Những trường đại học của tôi 1

LỜI GIỚI THIỆU

Những trường đại học của tôi là tác phẩm đầu tiên M.Gorky viết trong thời đại mới thời đại Xô viết. Gorky sáng tác Những trường đại học của tôi chủ yếu vào năm 1922. Đây là tập cuối trong bộ ba tác phẩm tự thuật của ông. Những trường đại học của tôi phản ánh cuộc sống của Gorky ở Kazan (1884 1888) và ở làng Krasnovidovo trên sông Volga (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1888).

Khác với Thời thơ ấu và Kiếm sống, Những trường đại học của tôi là một tùy bút ghi nhanh. Có thể gọi Những trường đại học của tôi là một phòng trưng bày các kiểu chân dung người Nga khác nhau. Nhân vật chính liên kết những bức chân dung đó là Peskov, một chàng thanh niên đang đi tìm chân lí của cuộc sống. Chủ động hoặc ngẫu nhiên do hoàn cảnh bắt buộc, Peskov tiếp xúc với rất nhiều người, những cuộc gặp gỡ thường diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Có lẽ điều đó đã quyết định cách phác họa nhân vật của Gorky trong Những trường đại học của tôi. Tuy rất ít miêu tả vẻ bề ngoài, song những chi tiết miêu tả vô cùng sắc nét. Trong mỗi bức chân dung, Gorky chỉ lựa chọn một số nét, nhưng là những nét tiêu biểu; ông xếp đặt và làm sáng tỏ những nét ấy khiến cho mỗi hình ảnh trở nên sinh động, tính cách và thế giới nội tâm của từng nhân vật đều nổi bật.

Tên gọi của cuốn sách Những trường đại học của tôi rất đáng chú ý. Trường đại học là nơi người ta được học những kiến thức chuyên sâu về một ngành khoa học. Gorky sử dụng số nhiều (“những trường đại học”) để nhấn mạnh không phải chỉ có một trường mà có nhiều trường. “Những trường đại học” này của Gorky là cuộc sống muôn màu muôn vẻ, hối hả, phức tạp, rắc rối, có những sự kiện nặng nề, đôi khi kì quặc đến quái gở, tươi vui cũng có, mà ảm đạm cũng có.

Tên sách không có ý mỉa mai, cũng không có vẻ hài hước, châm biếm, mà vang lên âm điệu bi thảm. Gorky kể cho chúng ta ông đã trải qua “trường đại học đường đời” gian khổ như thế nào khi còn là một thanh niên. Ngôi trường với những con người có tư chất tinh thần, tâm lí khác nhau một cách kì lạ, có những quan điểm về con người, xã hội, nhà nước… nhiều khi trái ngược hoàn toàn.

Chàng thanh niên Peskov khao khát những kiến thức sâu rộng, muốn lĩnh hội chúng một cách có hệ thống, nhưng thực tế phũ phàng đem lại cho trí tuệ ham hiểu biết nhưng còn chưa vững vàng của anh một mớ hỗn độn những ấn tượng, những quan niệm. Nhiều lần Peskov phải băn khoăn thắc mắc sau những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Anh phải nghĩ nát óc để tự tìm ra lời giải đáp.

Mỗi người Peskov tiếp xúc trong thời kì ở “những trường đại học” đều đem lại cho anh, khi tích cực, khi thụ động, một bài học đường đời bổ ích. Peskov luôn luôn tìm kiếm, trông chờ ở họ những lời giải đáp cho bao câu hỏi quay cuồng trong đầu óc anh. Chính vì vậy, anh đã gần gũi mọi người, nghe ngóng, quan sát họ. Đấy cũng là lí do vì sao ở Những trường đại học của tôi, khác với Thời thơ ấu và Kiếm sống, hầu như hoàn toàn không miêu tả đời sống hằng ngày.

Nhân vật chính của cuốn sách là chàng thanh niên Peskov, nhưng nội dung chính lại xoay quanh những con người mà Peskov tiếp xúc, thế giới nội tâm và thái độ của họ với hiện thực. Peskov không đặt “cái tôi” của mình vào trung tâm của cuộc sống xung quanh. Vấn đề làm anh băn khoăn, lo lắng nhất là làm thế nào để trở thành một người thực sự có ích cho nhân dân mình.

Peskov đã trải qua “những trường đại học đường đời” vào lúc tình hình chính trị nước Nga những năm 80 của thế kỉ XIX vô cùng phức tạp, bắt đầu sau thất bại của phong trào cách mạng dân túy. Vào thời kì này, trong một thời gian nhất định nào đấy, chủ nghĩa Tolstoy trở nên thịnh hành. Một số trí thức dân chủ đã bắt đầu tuyên truyền học thuyết Tolstoỵ.

Nhưng cũng vào những năm 80, học thuyết cách mạng vĩ đại chủ nghĩa Marx đã xuất hiện ở Nga và đang trên đà phát triển mạnh mẽ; nó xua tan bóng tối của chế độ phản động, soi sáng con đường đúng đắn duy nhất để tiến lên. Cũng vào những năm ấy, ở Kazan, người kế tục thiên tài học thuyết Marx Engels là V. I. Lenin đã trưởng thành về mặt tư tưởng và chính trị. Ở một số thành phố đã thành lập những nhóm Marxist đầu tiên. Một trong những nhóm xuất sắc trong thời kì này là nhóm Kazan do nhà cách mạng nổi tiếng N. E. Fedoseev lãnh đạo.

Vai trò của Fedoseev trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Marx và cuộc đấu tranh của ông chống lại phong trào dân túy đã được V. I. Lenin đánh giá cao trong bài báo Mấy lời về N. E Fedoseev, Lenin viết:

“Đối với vùng Povolzhie cũng như đối với một số địa phương thuộc khu vực trung tâm nước Nga, vai trò của Fedoseev rất quan trọng; quần chúng đang ở trong bước ngoặt sang chủ nghĩa Marx và chịu ảnh hưởng rất lớn của nhà cách mạng thiên tài và vô cùng trung thành với sự nghiệp cách mạng ấy.”

Thế giới quan của Peskov trong tác phẩm tuy chưa phát triển thật hoàn thiện, nhưng con đường anh đi đã được phác họa và được xác định. Con đường đó nhất định sẽ dẫn anh đến với giai cấp vô sản, với chủ nghĩa Marx, với cách mạng.

Trong Những trường đại học của tôi, vấn đề nhân dân và giới trí thức chiếm một vị trí quan trọng. Câu hỏi “Làm gì?” thường xuyên được đặt ra trước Peskov lúc còn ở nhà ông ngoại cũng như khi đi kiếm sống giờ đây lại có một ý nghĩa mới mẻ đối với chàng thanh niên.

Thời thơ ấu và niên thiếu, Peskov đã trải qua trường học đường đời gian khổ. Nhưng sau khoảng thời gian cực nhọc ấy, chàng thanh niên đã có ước mơ về cuộc sống tươi đẹp, nhân đạo, với những “con người cao thượng”. Anh đồng ý với lời khuyên nhủ của Yevreinov, một học sinh trung học cũng hay mơ mộng và ngây thơ như anh. Anh đã tới Kazan để thi vào trường đại học. Suốt thời gian khoảng bốn năm sống ở Kazan, trong tâm trí anh luôn diễn ra cuộc xung đột gay gắt giữa ước mơ viển vông và hiện thực khủng khiếp.

Cuối cùng, thay cho việc vào học tại trường đại học, để khỏi chết đói, Peskov đành làm phu thợ trên các bến tàu Volga. Tại đây, sống giữa những công nhân khuân vác, những kẻ giang hồ và kẻ cắp, anh cảm thấy mình “là một thỏi sắt được vùi vào đống than đỏ rực”. Những “vị giáo sư” đầu tiên của anh trong “trường đại học” muôn hình muôn vẻ: Bashkin kẻ cắp chuyên nghiệp chuyên bịa ra những bài hát “tàn nhẫn”; Chusov một tay thợ chuyên làm những việc ám muội như tiêu thụ đồ ăn cắp. Nhiều chàng trai đã ngả theo con đường của “những người thầy” như vậy. Nhưng Peskov đã đứng vững.

Cuộc gặp gỡ với nhà cách mạng Guri Pletnyov đã giúp Peskov có ít nhiều cơ sở vững chắc hơn trong nhận thức. Anh bắt đầu tham gia hoạt động trong một nhóm cách mạng bí mật. Nhưng về sau nhóm này lại biểu lộ sự suy đồi về chính trị của giới trí thức.

Sự kiện quan trọng hơn cả trong thời kì Peskov sống ở Kazan là việc anh tham gia vào nhóm dân túy tụ tập tại cửa hiệu của Derenkov. Ở đây, sau khi tiếp xúc với những sinh viên có đầu óc cách mạng, tư tưởng của Peskov thay đổi nhiều. Nhờ hiểu biết thực tế phong phú, quan niệm của Peskov về nhân dân trái ngược với quan niệm của những người dân túy. Tuy vậy, lòng tin của những người dân túy vào phẩm chất của nhân dân mà họ “tạo ra”, lòng yêu mến của họ đối vói nhân dân đã cổ vũ chàng thanh niên, tiếp thêm sức mạnh cho anh.

Peskov bắt đầu thấy rõ hoạt động của giới trí thức tách rời nhân dân sẽ không đưa lại kết quả gì. Lời nói của nhà Marxist Fedoseev đã làm cho Peskov vững tin vào lí tưởng của mình.

Trong những ngày khó khăn đi tìm chân lí ấy, trong lúc nghi ngờ sự đúng đắn của giới trí thức thuộc phái dân tuý, Peskov cũng đã làm quen với “những nhà lí luận” khác của cuộc sống. Tuy họ đối địch hẳn với anh, nhưng những cuộc gặp gỡ ấy đối với anh không phải là vô ích. Anh đụng phải thái độ thụ động của những người thợ làm bánh mì, họ “chịu đựng một cách ngoan cường” tất cả những lời nhạo báng của chủ, có đầu óc vô chính phủ và thái độ hay kêu than. Những lời nói của ông giáo dạy Sử về sự vô nghĩa của cuộc sống và sự vô ích của lao động, rằng người ta đi tìm sự lãng quên, sự an ủi, chứ đâu có phải đi tìm kiến thức những lời nói ấy đã ảnh hưởng tới Peskov và làm anh sửng sốt. Những cuộc tiếp xúc với người theo chủ nghĩa Tolstoy là Klopsky, lão cảnh sát Nikitorich càng làm cho Peskov thêm bối rối.

Thế là Peskov, vào tuổi thanh niên khó khăn nhất, đã ở giữa “đám sương mù” của những tư tưởng và lí thuyết trái ngược, đôi khi phủ định lẫn nhau. Anh thường lạc lối, cảm thấy bất lực trước những bài toán cuộc đời mà anh không thể nào giải nổi. Trong thời gian ấy, những ý nghĩ của anh về cuộc sống “không kém phần nặng nề so với chính bản thân cuộc sống” (thậm chí năm 1887, trong giây phút tuyệt vọng, Peskov đã có ý định tự tử). Thời kì “những trường đại học ở Kazan” của Peskov kết thúc một cách bi thảm như thế.

Mùa hè năm 1888, Peskov cùng với nhà cách mạng thuộc phái dân tuý là Romass rời tới làng Krasnovidovo. Một giai đoạn mới trên con đường đi tìm chân lí của chàng thanh niên Peskov bắt đầu. Theo kết cấu của tác phẩm, đó là phần hai của Những trường đại học của tôi.

Cuộc sống thực tế ở nông thôn nước Nga hóa ra hoàn toàn không giống như người ta mô tả trong các bản thuyết trình ở nhà Derenkov. Peskov đụng phải chủ nghĩa cá nhân, bản năng tư hữu đã được nuôi dưỡng hàng trăm năm của chế độ nông nô, sự ngu dốt, thất học, thiếu tin tưởng vào giới trí thức. Ở đây, anh thấy rõ tình cảnh của người nông dân Nga do hoàn cảnh lịch sử gây nên. Ở đây, anh gặp nhiều người, muôn hình muôn vẻ, có trình độ nhận thức rất khác nhau. Trong cuộc mưu sinh gian khổ hằng ngày để kiếm một mẩu bánh mì, trái tim và tâm hồn con người trở nên cằn cỗi.

Nhưng đồng thời, ở mỗi người cũng có nhiều điểm tốt đẹp, dịu dàng, đôi khi là tâm hồn ngây thơ thực sự.

Izot, Barinov, Kukushkin là những con người như vậy. Họ làm cho Peskov nhớ lại một cách sinh động những người mà anh đã gặp trước đây trong Thời thơ ấu: ngoài đường phố, sau hàng rào nhà ông ngoại; khi Kiếm sống: trên tàu thủy, ở xưởng làm tượng thánh, ở nhà người thầu khoán. Tất cả những người nông dân Nga này “đều sống mò mẫm như những người mù, tất cả đều sợ hãi một cái gì đó, không tin cậy nhau…”

Trong phần này của cuốn truyện, cảm giác vui mừng trước con đường đã tìm thấy, ý thức tham gia vào công việc thực tiễn chứ không chỉ trên sách vở ngày càng tăng.

Peskov hiểu kế hoạch của Romass có điểm hạn chế, nhưng kế hoạch ấy đã thu hút anh vì anh cảm thấy đó là kế hoạch hành động thực tế. Nhưng thực ra đó cũng vẫn chỉ là ý định thể hiện bằng đường lối hoà bình những lí tưởng cũ của phái dân túy, chưa thể giải quyết những nhiệm vụ cách mạng cụ thể đương thời. Chính vì vậy mà Romass đã không đạt được mục đích. lzot bị giết, cửa hiệu của Romass bị bọn phú nông đốt, những người bần nông mà Romass đặt nhiều hi vọng cũng không ủng hộ anh.

Peskov đã rời khỏi làng Krasnovidovo, cảm thấy cần thiết phải đi tìm một học thuyết cách mạng tích cực có khả năng chiếu sáng con đường cách mạng sau này. Thế là trước mắt chúng ta lại xuất hiện những lớp người mới, những sự kiện mới. Tiếp xúc với tầng lớp sinh viên cách mạng, với nông dân, công nhân, Peskov đã có được lòng tin vào khả năng thực tế cải tạo thế giới.

Những trường đại học của tôi là một bài ca lao động. Là người ca ngợi lao động sáng tạo của con người, trong cuốn sách này Gorky đã miêu tả những hình thức lao động khác nhau: lao động chân tay, trí óc và thẩm mĩ.

Lao động chân tay tuy vất vả, cực nhọc, nhưng đồng thời cũng rất vui thú. Cảnh bốc hàng khỏi một chiếc sà lan bị chìm đã được Gorky miêu tả một cách say sưa và thích thú. Trong đó có cả xúc cảm cao độ lẫn sự hùng vĩ, có cả màu sắc rực rỡ lẫn điệu nhạc hùng tráng. Từ bức tranh ấy toát ra khí thế anh hùng đầy chất thần thoại. Nhìn chung, đó là một bức tranh đồ sộ và là một khúc nhạc giao hưởng.

Tác giả đã trực tiếp tham gia vào bản anh hùng ca lao động ấy; nó để lại trong ý thức ông, trong cơ thể ông một niềm vui dào dạt, bất tận. Lần đầu tiên ông rung cảm với bản trường ca hùng tráng của lao động, hiểu được “thế giới loài người dồi dào biết bao sức mạnh hùng hậu”. Ông cảm thấy những con người ấy là những dũng sĩ trong các truyện thần thoại, họ “có thể nắm lấy những tháp chuông và những gác nhà thờ của thành phố lôi đi đâu thì lôi”.

Bức tranh lao động đã hun đúc tinh thần ông, gây lòng tin không gì lay chuyển nổi vào con người lao động.

Năm 1920, trước những chiến công lao động đầu tiên của nhân dân Xô viết, Gorky đã viết một loạt bài báo và “tọa đàm” về lao động. “Lao động thật là vui vẻ và sảng khoái, không có con đường nào đi tới hạnh phúc đúng đắn hơn là con đường lao động tự do!” Bài báo ngày mồng 1 tháng 5 của Gorky Con đường đi tới hạnh phúc đã kết luận như vậy. Sau khi biết tin ngày mùng 1 tháng 5 công nhân thành phố Kostroma đã xây dựng xong ngôi nhà Nhân dân trong một ngày, Gorky viết trong bài báo Những cuộc tọa đàm vê lao động: “Điều đó gần giống như trong truyện thần thoại” và tuyên bố rằng bằng con đường lao động tự do “có thể đạt được những kết quả giống như trong truyện thần thoại”.

Sự tiên đoán của ông trong Những trường đại học của tôi về tấm gương lao động dũng cảm của những người Nga sống trong xiềng xích của chế độ chuyên chế và tư bản phải chăng cũng giống những lời phát biểu tươi sáng của Gorky: “Dường như không gì có thể chống lại sức mạnh điên cuồng và phấn khởi, sức mạnh có khả năng tạo nên những điều kì diệu trên trái đất đầy thành phố và lâu đài tráng lệ như trong truyện thần thoại tiên tri.”

Thời kì “những trường đại học” là một giai đoạn quan trọng trong bước đường phát triển nghệ thuật của Aleksej Peskov nhân vật chính trong cuốn sách của Gorky. Qua cuộc đời sáng tác của Gorky, nhất là những năm 90, chúng ta thấy thời kì Kazan là một kho tàng phong phú đối với nhà văn. Những ấn tượng của Gorky do “những trường đại học” ở Kazan đem lại là cơ sở cho những tác phẩm rất nổi tiếng như Konovalov, Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái, Người chủ, Một chuyện xảy ra trong cuộc đời Makar…

Các nhà văn Xô viết và các nhà văn tiến bộ trên thế giới đã nhiệt liệt đón chào Những trường đại học của tôi. L.Seifullina[1], M.Prishvin[2], S.Zweig[3], R.Rolland[4] đã viết cho Gorky về ấn tượng mạnh mẽ sau khi đọc cuốn sách của ông và ý nghĩa của nó đối với nền văn học và văn hóa Xô viết.

Những trường đại học của tôi là một trong những tác phẩm của M. Gorky được V. I. Lenin ưa thích. Ngày 28 tháng Giêng năm 1924, khi kể về những ngày cuối đời của Vladimir llyich Lenin, N. K. Krupskaja[5] đã viết cho Gorky như sau: “Chiều chiều tôi thường đọc cho anh ấy nghe những cuốn sách mà anh ấy chọn trong số sách được đưa từ thành phố tới. Anh ấy đã chọn cuốn Những trường đại học của tôi. Lúc đầu anh ấy đề nghị tôi đọc cho anh ấy nghe Korolenko[6], sau đó là Những trường đại học của tôi.”

Những trường đại học của tôi của M. Gorky là cuốn sách giáo khoa về cuộc sống không bao giờ cũ đối với thanh niên Xô viết và thanh niên toàn thế giới. Đúng như lời M. Prisvin đã viết cho Gorky: “Cuốn sách này là một sự kiện lớn trong nền văn học Nga, lớp thanh niên của chúng ta sẽ học tập theo nó.” Bằng một câu chuyện đơn giản nhưng mạnh mẽ về cuộc đời chàng thanh niên Peskov, cuốn sách dạy chúng ta không sợ khó khăn, dạy chúng ta đấu tranh và chiến thắng.

Khoảng cách giữa thời kì “những trường đại học” của Peskov và ngày xuất hiện đầu tiên của nhà văn M. Gorky trên văn đàn (1892) còn phải trải qua bốn năm gian truân với nhiều chặng đường gian khó, nhưng cuối cùng Peskov cũng đã vượt qua, bởi con người ấy đã bước trên đường đời với “kiến thức đại học” độc đáo kinh nghiệm sống phong phú, “gói hành lí” trí óc to lớn và lòng tin mãnh liệt vào con người. Với mỗi bước đường đời mới, ở Peskov đã nảy sinh Danko đầy lòng hi sinh, Chim ưng dũng cảm và Bài ca Chim báo bão kiêu hãnh giương cánh tiếp thêm sức mạnh cho anh.

Trần Khuyến

Chú thích

[1] Lydia Seifullina (1889-1954), nữ văn sĩ Nga Xô viết.

[2] Mikhail Mikhailovich Prishvin (1873-1954), nhà văn Nga Xô viết.

[3] Stefan Zweig (1881-1942), nhà văn Áo.

[4] Romain Rolland (1866-1944), nhà văn Pháp.

[5] Nadezhda Konstantinovna Krupskaja (1869-1939), vợ và bạn chiến đấu của V. I. Lenin.

[6] Hồi kí của Gorky về nhà văn Vladimir Korolenko (1853-1921).

PHẦN I

Thế là tôi lên đường để xin vào trường đại học Kazan[7], không thể nào đừng được.

Người gợi cho tôi ý nghĩ xin vào trường đại học là Nikolai Yevreinov, một thanh niên dễ mến, học sinh trung học, đẹp trai, có đôi mắt dịu dàng như mắt phụ nữ. Anh ở trên gác thượng cùng một nhà với tôi. Vì thường gặp tôi cầm sách trên tay nên anh rất chú ý, và chúng tôi đã làm quen với nhau. Ít lâu sau, Yevreinov bắt đầu khẳng định rằng tôi có “những khả năng đặc biệt về khoa học”.

– Cậu vốn sinh ra để phục vụ khoa học. Anh vừa nói vừa lắc mái tóc dài trông rất đẹp.

Lúc bấy giờ tôi chưa biết rằng ngay cả con thỏ cũng có thể phục vụ cho khoa học, và Yevreinov đã chứng minh rất hùng hồn với tôi rằng các trường đại học đang cần những thanh niên như tôi. Tất nhiên anh có nhắc đến gương Mikhail Lomonosov. Yevreinov nói rằng đến Kazan tôi sẽ ở tại nhà anh, trong suốt mùa thu và mùa đông sẽ học qua chương trình trung học, sẽ thi “mấy môn gì đó” đây là nguyên văn lời anh nói: “mấy môn gì đó” vào đại học tôi sẽ được cấp học bổng của nhà nước, và năm năm sau tôi sẽ trở thành “nhà bác học”. Mọi việc đều rất đơn giản, vì Yevreinov mới mười chín tuổi đầu và rất tốt bụng.

Thi trung học xong anh đi trước, khoảng hai tuần lễ sau tôi cũng lên đường.

Lúc tiễn chân tôi, bà tôi dặn dò:

– Cháu đừng có nóng nảy với người khác, lúc nào cháu cũng hằm hằm, cháu trở nên nghiêm nghị và kiêu căng rồi đấy! Cháu giống tính ông ngoại, mà ông cháu thì thế nào? Một ông già đau khổ, càng sống càng đâm ra đần độn. Cháu phải nhớ điều này: Chúa không hay quở phạt người đời, chỉ có ma quỷ mới thích chuyện đó! Thôi, vĩnh biệt cháu…

Bà tôi đưa tay lau mấy giọt nước mắt lấm tấm trên hai gò má nhăn nheo màu nâu sẫm và nói:

– Chắc bà cháu ta sẽ không gặp nhau nữa, cháu sẽ đi xa, nay đây mai đó, còn bà thì chằng sống được bao lâu nữa…

Dạo gần đây tôi luôn sống xa người bà thân yêu và cũng ít khi gặp mặt, nhưng lúc này bỗng nhiên tôi đau đớn cảm thấy rằng tôi sẽ không bao giờ còn được gặp lại con người ấy, con người vô cùng gần gũi và gắn bó với lòng tôi.

Đứng ở đuôi tàu, tôi nhìn thấy bà tôi đứng trên bến, một tay làm dấu thánh giá, còn tay kia cầm góc chiếc khăn san cũ lau mặt, lau đôi mắt đen sẫm long lanh, chan chứa lòng thương yêu vô hạn đối với con người.

Và đây, tôi đã đến một thành phố nửa Tatar, sống trong một gian phòng chật chội tại một ngôi nhà một tầng. Ngôi nhà nhỏ đơn độc nhô lên trên một cái gò ở cuối khu phố nghèo nàn và chật hẹp, một mặt tường giáp với khoảnh đất trống của một ngôi nhà bị cháy, cỏ dại mọc đầy. Giữa những khóm ngải cứu, ngưu bàng và chua me, giữa những bụi cây hương mộc, nổi lên cảnh điêu tàn của một tòa nhà gạch; bên dưới là một cái hầm nhà rộng, nơi trú ngụ và cũng là nơi gửi thây của lũ chó hoang vô chủ. Tôi còn nhớ rất rõ cái hầm nhà ấy, nó là một trong những trường đại học của tôi.

Gia đình Yevreinov một mẹ và hai con trai sống nhờ vào món tiền trợ cấp ít ỏi. Ngay từ những ngày đầu mới đến tôi đã được trông thấy cảnh người đàn bà góa bụa bé nhỏ, tiều tụy ấy đi chợ về với vẻ buồn thảm hại, bày các thứ mua được lên mặt bàn trong bếp và giải một bài tính hóc búa: Phải dùng những mẩu thịt vụn tồi tàn này thế nào để nấu một món ăn ngon đủ cho ba chàng thanh niên khỏe mạnh, chưa kể phần cho chính mình.

Bà là một người trầm lặng. Trong cặp mắt xám của bà đọng lại sự ngoan cường và tuyệt vọng của một con ngựa kiệt sức: Con ngựa kéo chiếc xe lên núi, nó biết rằng không kéo nổi, nhưng vẫn cứ kéo!

Tôi đến đây được khoảng ba ngày thì một buổi sáng, khi hai con bà còn đang ngủ, tôi vào bếp giúp bà gọt khoai, bà khe khẽ và dè dặt hỏi tôi:

– Anh về đây làm gì?

– Cháu về học, cháu xin vào trường đại học.

Đôi lông mày cùng với lớp da trán vàng khè của bà dồn cả lên phía trên, lưỡi dao chạm phải làm đứt ngón tay; bà vừa cho tay vào miệng mút máu vừa ngồi xuống ghế, nhưng lại đứng lên ngay và nói:

– Ôi, quỷ quái thật…

Bà lấy khăn mùi soa buộc ngón tay đứt lại, rồi khen tôi:

– Anh gọt khoai thạo lắm!

Còn phải nói! Rồi tôi kể cho bà nghe về thời tôi làm công trên tàu thủy. Bà hỏi:

– Anh tưởng thế là đủ để xin vào trường đại học đấy à?

Hồi ấy tôi còn chậm hiểu những lối nói hài hước. Tưởng bà hỏi thật, tôi liền kể cho bà nghe trình tự những việc cần làm để cuối cùng cửa “lâu đài khoa học” phải mở ra trước mặt tôi.

Bà thở dài:

– Ôi dào, Nikolai, Nikolai ơi…

Vừa lúc đó Nikolai cũng bước vào bếp để rửa mặt, vẻ mặt còn ngái ngủ, đầu tóc rối bù và vẫn vui vẻ như mọi ngày.

– Mẹ ơi, giá làm được món mằn thắn thì hay tuyệt!

– Được rồi. Bà mẹ bằng lòng.

Vì muốn phô trương sự hiểu biết của mình về nghệ thuật nấu nướng, tôi mới bảo rằng thịt tồi thế này thì khó mà làm mằn thắn được, đã vậy lại ít nữa.

Bà Varvara Ivanovna liền nổi giận và nói mấy câu khá gay gắt khiến hai tai tôi đỏ bừng và như mọc dài thêm ra. Bà vứt bó cà rốt lên bàn rồi bỏ ra ngoài. Nikolai nháy mắt ra hiệu và giải thích cho tôi về cử chỉ của bà:

– Bực mình đấy…

Anh ngồi xuống ghế dài và nói với tôi rằng đàn bà thường dễ nổi giận hơn đàn ông, đó là bản tính của họ. Một nhà bác học lớn, người Thụy Sĩ thì phải, đã chứng minh rõ ràng điều đó. John Stuart Mill[8], một người Anh, cũng đã có ý kiến bàn về vấn đề này.

Nikolai rất thích kèm cặp tôi học, anh tận dụng mọi dịp thuận tiện để nhồi nhét vào óc tôi những điều cần thiết không thể nào thiếu để sống ở đời. Tôi lắng nghe anh như nuốt từng lời; về sau những cái tên Puocault[9], La Rocherfoucauld[10] và La Rochejaquelein[11] cứ lẫn lộn trong đầu óc tôi như tất cả chỉ là một, và tôi không sao nhớ được ai đã lấy đầu ai: Lavoisier[12] lấy đầu Dumouriez[13], hay ngược lại? Chàng thanh niên dễ mến ấy thành thật mong muốn “dạy cho tôi nên người”. Anh hứa với tôi một cách chắc chắn rằng anh sẽ làm việc đó, nhưng anh không có thì giờ và tất cả những điều kiện khác để dạy tôi học một cách nghiêm chỉnh. Tính ích kỉ và sự nông nổi của tuổi thanh niên không cho phép anh thấy được mẹ anh đã lo toan việc nhà một cách khó nhọc và khôn khéo như thế nào. Em trai anh, một học sinh trung học trầm lặng và khó tính, càng không nhận ra điều đó. Còn tôi thì từ lâu đã tường tận những mánh khóe phức tạp của khoa hóa học và kinh tế học trong nhà bếp, tôi thấy rõ tài tháo vát của người đàn bà hằng ngày phải đánh lừa dạ dày của con cái mình và phải nuôi báo cô một anh chàng có diện mạo đáng ghét và cử chỉ thô bỉ. Dĩ nhiên mỗi mẩu bánh mì mà tôi nhận được giống như một tảng đá đè lên tâm hồn tôi. Tôi bắt đầu đi tìm một công việc gì để làm. Tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm để tránh bữa trưa, và những hôm xấu trời thì ngồi lì một chỗ trong gian hầm ở khu đất trống. Tại đây, mũi ngửi mùi hôi thối của xác chó mèo, tai nghe tiếng mưa ào ào và tiếng gió rít, chẳng bao lâu tôi nhận ra trường đại học đối với tôi chỉ là ảo tưởng, giá mà tôi sang Ba Tư có phải khôn ngoan hơn không. Tôi hình dung thấy mình là một thầy phù thủy râu tóc bạc phơ, tìm ra phép trồng được những hạt lúa mì to bằng quả táo, những củ khoai tây nặng hàng pood[14] và nói chung nghĩ ra được nhiều việc tốt để giúp cho quả đất mà trên đó không chỉ có mình tôi phải lê bước một cách khổ cực ghê gớm như thế này.

Tôi học được cách mơ ước đến những việc mạo hiểm phi thường và những chiến công vĩ đại. Điều đó giúp tôi rất nhiều trong những ngày gian nan của đời mình, và vì những ngày gian nan ấy rất nhiều, nên tôi lại càng giỏi bịa ra những mộng tưởng. Tôi không chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài và không hi vọng vào sự may mắn, ngược lại trong người tôi dần dần nảy nở tính bướng bỉnh, và hoàn cảnh sống càng khó khăn thì tôi càng cảm thấy mình vững vàng hơn, thậm chí khôn ngoan hơn. Tôi sớm hiểu rằng con người được tạo nên bởi khả năng chống chọi với nghịch cảnh.

Để khỏi bị chết đói, tôi tìm đến sông Volga, tới các bến tàu thủy là những nơi dễ kiếm được mười lăm, hai mươi kopek. Tại đây sống giữa những người khuân vác, những kẻ lưu lạc và trộm cắp, tôi cảm thấy mình là một thỏi sắt được vùi vào đống than đỏ rực, mỗi ngày đem lại cho tôi không biết bao nhiêu ấn tượng sâu sắc, nóng hổi.

Tại những nơi ấy, những con người cuồng vọng, bản tính thô lỗ, quay cuồng trước mắt tôi như một cơn lốc; tôi thích thái độ căm giận, thù ghét, châm chọc của họ đối với mọi thứ trên đời và thái độ vô tâm của họ đối với chính bản thân. Những gì tôi đã trực tiếp trải qua lôi kéo tôi đến gần với những con người ấy, khiến cho tôi muốn hòa mình vào hoàn cảnh đau xót của họ. Những truyện của Bret Harte[15] và rất nhiều tiểu thuyết “rẻ tiền” mà tôi đã đọc càng khiến tôi có nhiều thiện cảm đối với lớp người ấy.

Gã kẻ cắp chuyên nghiệp Bashkin, trước đây vốn là học sinh trường Sư phạm, đã từng chịu bao nhiêu sự giày vò tàn nhẫn và đang mắc bệnh lao phổi, khuyên tôi một cách hùng hồn:

– Chú mày cứ thẹn thò bẽn lẽn y như con gái ấy, hay là sợ mất danh dự? Đối với con gái, danh dự là tất cả giá trị của họ, còn đối với chú mày danh dự chỉ là cái ách. Con bò sở dĩ hiền lành vì nó có cỏ khô để ăn no bụng.

Tóc hung, râu cạo nhẵn nhụi y hệt một diễn viên, với những cử chỉ nhanh nhẹn và mềm mại của cái thân hình bé nhỏ, Bashkin trông giống một con mèo con. Đối với tôi, gã có thái độ bảo ban, che chở, và tôi nhận thấy gã thành thật mong cho tôi gặp may mắn và hạnh phúc. Là người rất thông minh, gã đọc khá nhiều sách hay, và thích nhất là cuốn Bá tước Monte Cristo.

– Cuốn sách ấy viết vừa có thông điệp, vừa giàu tình cảm. Gã nói.

Gã rất hám đàn bà và thường kể chuyện về họ, vừa nói gã vừa chép chép miệng một cách ngon lành, lộ rõ vẻ háo hức, và thân hình phờ phạc của gã run lên bần bật. Trong cử động run rẩy đó có cái gì bệnh hoạn khiến tôi kinh tởm, nhưng tôi lắng nghe câu chuyện của gã một cách chăm chú và cảm thấy cái đẹp của nó.

– Đàn bà, đàn bà! Gã nói như hát, nước da vàng ệch trên khuôn mặt gã đỏ ửng, cặp mắt đen ánh lên vẻ mê thích. Vì đàn bà, tớ có thể làm tất cả. Đối với họ, cũng như đối với quỷ sứ vậy, chẳng có gì là tội lỗi cả! Không gì thích thú bằng được sống để yêu đương!

Gã là một tay kể chuyện có tài và có thể dễ dàng sáng tác những bài ca cảm động nói về nỗi đau buồn của mối tình bất hạnh để tặng cho các ả gái điếm. Những bài ca của gã được người ta hát ở khắp các thành phố dọc sông Volga, trong số đó phổ biến rộng rãi nhất là bài ca sau đây:

Tôi nghèo mà cũng chằng xinh

Ăn mặc xoàng xĩnh, thân hình lem nhem

Vì thế nền chẳng ai thèm

Lấy tôi làm vợ để đem về nhà…

Chusov một con người có nhiều hành động khả nghi đối xử với tôi cũng rất tốt. Lão ta có vẻ mặt dễ chịu, hay ăn diện và có những ngón tay nhỏ nhắn như tay nhạc công. Tại xóm Admiralty lão có một cửa hiệu nhỏ, bên ngoài treo tấm biển “Thợ sửa chữa đồng hồ” nhưng lão lại làm nghề tiêu thụ đồ ăn cắp.

– Peskov, chú mày đừng học những thói ăn cắp! Lão ta vừa bảo tôi vừa đưa tay vuốt vuốt bộ râu điểm bạc với dáng điệu oai vệ, cặp mắt ranh mãnh, trơ tráo nheo lại. Tao thấy chú mày có con đường khác, chú mày là một người cao thượng.

– Thế nào là cao thượng?

– À, cao thượng là người không ghen ghét ai, chỉ có một đức tính là hiếu kì…

Điều đó không đúng với tôi. Tôi hay ghen ghét và ghen ghét nhiều cái. Ngay cả tài nói chuyện của Bashkin cũng kích thích lòng ghen ghét của tôi. Gã có tài nói giọng đặc biệt, giống như người ngâm thơ và hay dùng những cách so sánh, những lối nói bất ngờ. Tôi còn nhớ rõ đoạn đầu một câu chuyện tình của gã như sau:

“Một đêm trời ảm đạm, tớ ngồi trong một gian buồng tại thành phố Sviyazhsk nghèo nàn, như con cú vọ trong hốc cây. Dạo ấy vào mùa thu, khoảng tháng Mười, ngoài trời mưa lất phất, gió thổi rít lên giống như một gã Tatar đang lúc bực mình cất tiếng hát ngân nga, tiếng hát kéo dài không dứt: O.o.o.u.u.u…

… Thế rồi nàng đến, nhẹ nhàng, hồng hào, như một áng mây lúc mặt trời vừa mọc và trong đôi mắt nàng lộ vẻ trong sạch giả dối của tâm hồn. “Anh yêu.” Nàng nói, giọng thành thật. “Em có làm gì không phải với anh đâu!” Tớ biết là nàng nói dối, nhưng tớ lại tin là thật! Lí trí thì biết chắc chắn thế, nhưng tình cảm thì không thể nào không tin được! ”

Gã vừa kể vừa lắc lư người một cách nhịp nhàng, mắt lim dim, tay nhẹ nhàng xoa xoa ngực, chỗ trái tim.

Giọng gã trầm trầm, nhưng lời nói vẫn lanh lảnh, dường như trong đó có tiếng hót của chim họa mi.

Tôi ghen cả với Chusov, con người ấy nói về Siberia, Khiva và Bukhara thật hay tuyệt, còn nói về cuộc sống của bọn đại giáo chủ thì hài hước và rất cay độc. Một hôm, với vẻ bí mật, lão nói về Aleksandr đệ tam:

– Tên vua ấy đúng là một tên vua nhà nghề!

Tôi có cảm tưởng như Chusov là một “tên độc ác” trong một thiên tiểu thuyết mà người đọc không ngờ về cuối, tên ấy lại hóa thành nhân vật rộng lượng.

Thỉnh thoảng, vào những đêm oi ả, những con người này vượt sông Kazanka, mò về phía cánh đồng cỏ, chui vào các bụi cây, cùng nhau đánh chén, trò chuyện về việc làm của họ, nhưng thường thường họ bàn luận về cuộc đời phức tạp, về những quan hệ rối ren lạ lùng giữa người này với người khác, đặc biệt là bàn nhiều về đàn bà. Họ nói về đàn bà với vẻ phẫn nộ, buồn buồn, đôi khi với thái độ mủi lòng và hầu như lúc nào cũng như nhìn vào bóng tối đầy những sự bất ngờ khủng khiếp. Tôi đã sống với họ hai ba đêm như thế dưới bầu trời đen tối điểm những vì sao lờ mờ, trong hơi nóng ngột ngạt của khu đất trũng mọc đầy liễu dại. Giữa đêm tối tràn ngập không khí ẩm ướt của vùng ven sông Volga, những ánh đèn trên các cột buồm bò ngang dọc như đàn nhện vàng, khối lửa và những vệt lửa chiếu những vết loang lổ vào bờ dốc đen ngòm, đó là ánh đèn từ cửa sổ các quán rượu và nhà ở của thôn Uslon trù phú. Chân vịt của tàu thủy khua động mặt nước; thủy thủ trên dãy sà lan la hét ầm ĩ, nghe như tiếng chó sói; đâu đó vang lên tiếng búa nện vào sắt; một bài hát ảo não kéo dài, dường như tâm hồn ai đang âm ỉ nghe tiếng hát ấy một nỗi buồn phủ lên lòng ta như một lớp tro tàn.

Càng buồn chán hơn khi nghe tiếng nói thì thầm của những con người này. Họ suy nghĩ về cuộc sống, và mọi người đều nói về mình, hầu như chẳng ai chịu nghe ai. Hoặc nằm hoặc ngồi dưới các lùm cây, họ hút thuốc, chốc chốc lại nhắp rượu bia hoặc vodka và nhớ về những kỉ niệm xa xôi…

– Ngày trước tôi gặp câu chuyện thế này… Một người nằm bẹp dưới đất trong bóng tối ban đêm lên tiếng.

Nghe xong câu chuyện, mọi người tán thành:

– Có thể đấy, tất cả đều có thể…

“Đã có”, “thường có”, “có lúc” tôi lắng nghe và cảm thấy như trong đêm hôm ấy người ta đang sống những giờ phút cuối cùng của đời mình, tất cả đều đã qua và sẽ không còn gì sau đây nữa!

Điều này làm tôi dần dần xa cách Bashkin và Chusov, nhưng dẫu sao tôi vẫn thích họ, và cứ theo logic của tất cả những chuyện tôi đã trải qua, nếu tôi có đi theo con đường của họ thì âu đó cũng là một việc hoàn toàn tất nhiên. Niềm hi vọng tủi nhục của tôi muốn được vươn lên, muốn được bắt đầu học tập cũng thúc đẩy tôi đến với họ. Trong những giờ phút đói khát, giận dữ và buồn chán tôi cảm thấy mình hoàn toàn có thể phạm tội, chống lại không riêng gì “chế độ tư hữu thần thánh”. Nhưng đầu óc lãng mạn của tuổi trẻ đã ngăn tôi không đi chệch con đường mà tôi phải đi. Ngoài tác gia Bret Harte nhân đạo và các tiểu thuyết rẻ tiền, tôi đã đọc khá nhiều sách có giá trị. Những sách đó làm thức tỉnh trong tôi lòng khao khát hướng tới một cái gì tuy chưa sáng tỏ nhưng có ý nghĩa hơn tất cả những điều tôi đã thấy.

Và đồng thời tôi cũng có được những mối quen biết mới, những ấn tượng mới. Trên khu đất trống cạnh nhà Yevreinov, các học sinh trung học tụ tập nhau chơi ki[16]. Tôi thích nhất là Guri Pletnyov, một người trong bọn họ. Anh có nước da rám nắng, tóc đen nhánh như người Nhật Bản, mặt đầy những chấm đen li ti như xát thuốc súng. Anh luôn luôn vui cười, chơi rất cừ và khi bàn luận thì tỏ ra khôn ngoan. Anh có rất nhiều mầm mống của những tài năng muôn hình muôn vẻ. Cũng như hầu hết những người Nga có tài năng khác, anh sống nhờ vào những gì trời phú, chứ không nghĩ đến việc đẩy mạnh và phát triển chúng. Yêu thích âm nhạc, có một thính giác tinh tường và sự nhạy cảm tuyệt diệu với âm nhạc, anh chơi các loại đàn gusli[17], balalaika và phong cầm như những nghệ sĩ thực thụ, nhưng không cố gắng để sử dụng được những loại nhạc cụ khác phức tạp hơn, cao cấp hơn. Anh sống nghèo nàn, ăn mặc tồi tàn, nhưng áo quần anh mặc rất hợp với dáng vóc mạnh bạo, với điệu bộ phóng khoáng, với cử chỉ nhanh nhẹn của thân hình gân guốc: một chiếc sơ mi rách, nhàu nát, một cái quần đầy mảnh vá và một đôi ủng gót đã mòn vẹt, có nhiều lỗ thủng.

Anh giống như người vừa mới bình phục sau cơn ốm nặng kéo dài, hoặc như người tù vừa ra khỏi ngục hôm qua. Mọi điều trong cuộc sống đối với anh đều mới mẻ, thích thú, tất cả đều gợi cho anh một niềm vui rạo rực, anh lao giữa cuộc đời như một quả pháo hoa.

Khi biết tôi phải sống vất vả gian nan, anh bảo tôi đến ở chung với anh và gắng học để làm thầy giáo trường làng. Thế là tôi đến ở tại một khu tồi tàn, vui nhộn và kì lạ, gọi là “Marusovka”, mà chắc nhiều thế hệ sinh viên Kazan đã từng quen thuộc. Đó là một ngôi nhà lớn gần như đổ nát ở phố Ribnoryadskaya, hình như nó bị các sinh viên cơ cực, gái điếm và những người cùng khổ đến nỗi không còn ra hình người nữa chiếm đoạt từ tay bọn chủ. Pletnyov ở ngay ngoài hành lang, dưới cái cầu thang lên gác thượng anh kê một cái giường, và cạnh cửa sổ cuối hành lang thì kê một chiếc bàn và một cái ghế. Đó là tất cả đồ đạc của anh. Hành lang chạy dọc qua trước cửa ba căn phòng, hai phòng đầu các ả gái điếm ở, phòng thứ ba của một nhà toán học mắc bệnh lao phổi trước đây vốn là sinh viên Đại chủng viện. Ông ta cao lêu nghêu, gầy gò, người đầy những lông cứng màu hung, trông thật đáng sợ. Áo quần thì rách bươm và bẩn thỉu, qua những lỗ rách lộ ra màu da xanh xao và cả bộ xương sườn nom rất khủng khiếp.

Dường như ông ta chỉ sống bằng móng tay của mình, gặm chúng đến chảy máu. Ngày đêm ông ta loay hoay vẽ, tính toán và ho luôn mồm, tiếng ho nghe khàn khàn. Các ả gái điếm rất sợ ông ta, cho ông là người mất trí, nhưng vẫn thương hại, đem đặt trước cửa phồng ông bánh mì, trà và đường. Ông nhặt những gói thức ăn ấy từ dưới sàn và mang vào phòng, miệng thở khò khè như một con ngựa mệt nhọc. Nếu các ả gái điếm quên hoặc vì lí do nào đó mà không thể có quà đem cho ông, ông mở cửa gọi vọng ra hành lang, giọng khò khè:

– Bánh mì!

Trong đôi mắt sâu hoắm thành hai cái hốc đen ngòm của ông ánh lên niềm kiêu hãnh của một người cuồng si, sung sướng biết mình vĩ đại. Thỉnh thoảng có một người gù xấu xí, bé loắt choắt, chân đi khập khiễng đến thăm ông. Người này tóc bạc, đeo cặp kính to trễ xuống trên cái mũi phồng, và luôn luôn nở một nụ cười ranh mãnh trên khuôn mặt vàng ệch trông như một hoạn quan. Họ khép chặt cửa lại, ngồi với nhau hàng giờ, chẳng nói chẳng rằng trong sự yên lặng kì quặc. Chỉ có một hôm, chừng đã khuya, một tiếng thét giận dữ và khàn khàn của nhà toán học làm tôi giật mình tỉnh giấc:

– Tôi bảo đây là nhà tù! Hình học là một cái lồng chim, đúng thế! Một cái bẫy chuột, đúng thế! Nhà tù!

Người gù xấu xí cười the thé, nhắc đi nhắc lại mãi một tiếng gì nghe rất lạ tai, rồi nhà toán học bỗng hét tướng:

– Quỷ bắt mày đi! Cút!

Khi vị khách của ông ta bước ra hành lang, người thu gọn trong chiếc áo choàng rộng, vừa đi vừa gầm gừ rít lên khe khẽ, thì nhà toán học đứng ngay trên ngưỡng cửa, thân hình cao lêu nghêu, dễ sợ, lùa mấy ngón tay vào mớ tóc rối trên đầu và lè nhè:

– Euclid là một thằng ngốc! Một thằng ngốc… Tôi sẽ chứng minh rằng Chúa khôn ngoan hơn tên Hi Lạp ấy cho mà xem!

Rồi ông ta đóng sầm cửa lại, mạnh đến nỗi trong phòng ông có tiếng đổ vỡ loảng xoảng.

Ít lâu sau tôi được biết là con người ấy muốn xuất phát từ toán học để chứng minh sự tồn tại của Chúa, nhưng ông ta đã chết trước khi kịp hoàn thành việc đó.

Pletnyov làm nghề chữa bản in thử ban đêm cho một tờ báo tại một nhà in, kiếm được mỗi đêm mười một kopek, và nếu tôi không kiếm được tiền thì cả hai chúng tôi mỗi ngày đành phải sống với bốn funt[18] bánh mì, hai kopek nước trà và ba kopek đường. Mà tôi thì không có đủ thì giờ để đi làm: Tôi còn phải học. Tôi học hết sức vất vả, đặc biệt môn ngữ pháp với những quy tắc cứng nhắc và gò bó kì quặc khiến tôi khổ sở. Tôi hoàn toàn không biết làm thế nào đem thứ ngôn ngữ Nga uyển chuyển, sinh động và khó sử dụng ghép vào cái khuôn khổ ngữ pháp ấy. Nhưng, thật thú vị, chẳng bao lâu sau tôi được biết là tôi đã bắt đầu học “quá sớm”, và dù cho có thi đậu làm giáo viên nông thôn thì tôi cũng chẳng được bổ nhiệm vì chưa đủ tuổi.

Pletnyov và tôi ngủ chung một giường, tôi ngủ ban đêm và anh ấy ngủ ban ngày. Cứ sáng sớm anh lại về nhà, người phờ phạc vì thiếu ngủ, gương mặt tối sầm và hai mắt sưng húp. Tôi liền chạy ngay ra quán ăn lấy nước sôi, vì cố nhiên là chúng tôi làm gì có ấm samovar[19]. Sau đó chúng tôi cùng ngồi bên cửa sổ uống trà với bánh mì. Guri kể cho tôi nghe những tin tức trên báo, đọc các bài thơ vui của nhà văn nghiện rượu chuyên viết văn châm biếm với bút danh là “Quỷ mặt đỏ”. Thái độ bông đùa của anh với đời làm tôi ngạc nhiên, và tôi cảm thấy anh đối với cuộc đời cũng có một thái độ như đối với mụ béo Galkina làm nghề bán quần áo nữ cũ và nghề ma cô.

Anh thuê của mụ ta một góc dưới cầu thang, nhưng chẳng có gì để trả tiền “phòng”, do đó anh trả bằng những câu pha trò vui vẻ, những bài đàn phong cầm và những bài hát cảm động. Khi anh cất cao giọng hát, đôi mắt anh ánh lên một nụ cười giễu. Thời còn trẻ mụ Galkina là người hát đồng ca của một ban nhạc kịch, mụ rất hiểu ý nghĩa của các bài hát. Nhiều khi, từ đôi mắt trơ trẽn, những giọt nước mắt nhỏ chảy giàn giụa xuống hai gò má tái nhợt, mũm mĩm của người đàn bà nghiện rượu và phàm ăn ấy. Mụ đưa những ngón tay béo mũm lên quệt sạch nước mắt trên má rồi lấy chiếc khăn tay bẩn lau chùi các ngón tay rất cẩn thận.

– Ồ, Guroshka[20]! Mụ thở dài. Cậu là một nghệ sĩ! Giá mà cậu đẹp trai hơn tí nữa, tôi đã tìm vợ cho cậu! Tôi đã từng mối lái cho bao nhiêu thanh niên trai trẻ với những người đàn bà sầu tủi vì cuộc sống cô đơn.

Một trong những “thanh niên” đó ở ngay tầng gác trên đầu chúng tôi. Anh ta là sinh viên, con một người thợ thuộc da, một thanh niên có tầm vóc trung bình, ngực nở, nhưng cặp mông lại nhỏ một cách kì quặc. Người anh ta giống như một hình tam giác mà góc nhọn quay xuống dưới và hơi bị gãy, bàn chân anh nhỏ xíu giống hệt chân đàn bà. Đầu anh cũng bé tí, thụt sâu giữa hai vai và được trang điểm bằng một đám tóc hung. Trên khuôn mặt trắng bệch thiếu máu của anh, đôi mắt lồi xanh lờ nhờ giương to nom như cau có.

Đói khát như một con chó hoang, anh bất chấp cả ý muốn của bố, và phải khó khăn lắm mới tìm cách học xong bậc trung học rồi xin vào đại học. Nhưng anh có giọng trầm rất êm, do đó anh muốn đi học hát.

Mụ Galkina biết thế và làm mối anh cho một mụ thương gia giàu có khoảng bốn chục tuổi. Con trai mụ là sinh viên năm thứ ba đại học, còn con gái đã học xong trung học. Mụ ta gầy đét, ngực lép kẹp, người ngay đuỗn như lính, khuôn mặt khô khan như một nữ tu sĩ khổ hạnh, đôi mắt to xám xịt ẩn sâu trong hai hốc mắt đen ngòm. Mụ thường mặc đồ đen, đội chiếc khăn vuông lụa kiểu cổ, hai vành tai mụ đeo lủng lẳng đôi khuyên bằng ngọc thạch màu xanh lục.

Thỉnh thoảng vào quãng chiều tối hoặc sáng sớm mụ đến thăm chàng sinh viên của mụ, và đã nhiều lần tôi được mục kích cảnh người đàn bà ấy vội vàng nhảy xô vào cổng và đi qua sân với những bước quả quyết. Khuôn mặt mụ nom dễ sợ, hai môi mím chặt lại đến nỗi gần như không có, cặp mắt mở to nhìn về phía trước với vẻ lờ đờ, tuyệt vọng, lại có vẻ như mù. Không thể nói rằng mụ xấu xí, nhưng trông người mụ, ta cảm thấy rõ có một trạng thái căng thẳng làm hỏng vẻ người của mụ, làm cho toàn thân mụ như bị căng ra, khuôn mặt mụ như bị siết chặt lại tới mức đau đớn.

– Xem kìa. Pletnyov nói. Mụ ta như là người mất trí ấy!

Anh sinh viên rất ghét mụ thương gia ấy, luôn tìm cách lẩn tránh, nhưng mụ cứ theo đuổi anh hệt như một tên chủ nợ nhẫn tâm hoặc một tên do thám.

– Tính tôi hay ngượng. Anh hối hận nói khi đã ngà ngà say. Tôi cần hát để làm gì kia chứ? Với bộ mặt và thân hình thế này thì người ta chẳng cho tôi lên sân khấu đâu, chẳng cho đâu!

– Thôi, hãy chấm dứt cái trò vớ vẩn ấy đi! Pletnyov khuyên.

– Đúng. Nhưng tôi thấy thương hại cho mụ ta! Tôi không thể chịu được, nhưng vẫn thương hại! Giá mà các anh biết được mụ ta đã… Chà!…

Chúng tôi biết, vì có lần đang đêm chúng tôi nghe thấy mụ ấy đứng trên cầu thang cầu khẩn, giọng khàn khàn, run run:

– Hãy vì Chúa… Anh thân yêu! Hãy vì Chúa!

Mụ ta là chủ một nhà máy lớn, có nhà cửa, có ngựa, quyên góp hàng nghìn bạc cho một trường sản khoa, nhưng lại đi van xin sự bố thí ái tình như một kẻ hành khất.

Uống trà xong Pletnyov lăn ra ngủ, còn tôi đi tìm việc làm mãi đến tối mịt mới về, khi Guri sắp phải vào nhà in. Nếu tôi mang về được một ít bánh mì, xúc xích hoặc “lòng luộc” thì chúng tôi chia đôi, và Guri lấy phần mang đi.

Còn lại một mình, tôi đi lang thang dọc theo các hành lang và các ngóc ngách của ngôi nhà “Marusovka” để xem cách sinh sống của những con người mới lạ đối với tôi. Ngôi nhà này lúc nhúc những người là người và giống như một tổ kiến. Trong nhà xông lên mùi chua hăng hắc và góc nào góc ấy dường như đều ẩn náu những bóng đen dày đặc thù địch với con người. Từ sáng sớm đến tận đêm khuya, tiếng ồn ào không lúc nào ngớt: tiếng máy khâu chạy xành xạch, các nữ diễn viên hợp xướng của ban ca kịch luyện giọng, chàng sinh viên hát lên những âm giai trầm trầm, một diễn viên say rượu gần như mất trí đọc to những lời của vai mình đóng, các ả gái điếm say bí tỉ lè nhè kêu thét như điên loạn. Và trong óc tôi bỗng dưng nảy ra một câu hỏi tự nhiên nhưng nan giải: “Những người này làm tất cả những cái đó để làm gì?”

Giữa đám thanh niên nghèo đói ấy có một gã hói đầu, tóc hung, người gân guốc, bụng phệ, chân khẳng khiu, mồm rộng, răng giống như răng ngựa, vì vậy mà người ta gọi gã là “Ngựa Hung”. Đã ba năm ròng gã chạy theo việc kiện tụng với họ hàng là những con buôn ở Simbirsk, và tuyên bố với mọi người rằng:

‘Tớ cũng chẳng thiết sống, nhưng tớ sẽ làm cho bọn chúng khuynh gia bại sản! Chúng sẽ phải đi ăn xin tới cùng trời cuối đất, sống vài ba năm bằng của bố thí, sau đó tớ sẽ hoàn lại cho chúng tất cả những gì mà tớ được kiện, sẽ giả lại hết và hỏi: “Thế nào, hở lũ quỷ sứ?” Thế mới biết tay!

– Đó là mục đích của đời mày đấy à, Ngựa Hung? Mọi người hỏi gã.

– Tớ đã để tất cả tâm trí vào việc ấy và không thể làm gì khác nữa!

Suốt ngày gã có mặt ở tòa án địa phương, tòa thượng thẩm, phòng làm việc của luật sư bào chữa, và thường thường cứ chiều tối gã cho xe ngựa chở về nhiều túi nhỏ, gói, chai lọ và tổ chức ngay tại căn phòng bẩn thỉu với cái trần nhà bị sụt và sàn nhà cong tớn những bữa đánh chén ồn ào. Gã mời đến cả sinh viên lẫn các cô thợ may tóm lại là tất cả những ai muốn ăn uống no say. Còn Ngựa Hung chỉ uống rượu rum, một thứ rượu hễ dây ra khăn bàn, áo quần và sàn nhà đều để lại những vết đỏ thẫm không sao tẩy được. Sau khi uống say, gã la lớn:

– Hỡi những con chim thân yêu của ta! Ta yêu các người, các người là những người ngay thẳng! Còn ta là một kẻ đê tiện, độc ác và là một con cá sấu. Ta muốn làm hại họ hàng của ta và nhất định ta sẽ làm được! Trời ơi, ta không muốn sống nữa…

Đôi mắt Ngựa Hung hấp háy một cách đáng thương và khuôn mặt lố bịch với hai gò má nhô cao của gã ướt đẫm những giọt nước mắt của một kẻ say. Gã đưa lòng bàn tay lên má lau nước mắt và quệt xuống đầu gối, quần gã lúc nào cũng dính đầy những vết dầu bẩn.

– Các người sống ra sao? Gã thét to. Đói rét, ăn mặc tồi tàn… Phải chăng đó là quy luật? Liệu có thể học được cái gì trong cuộc sống ấy? Chao ôi, nếu Hoàng đế mà biết được các người sống như thế này…

Rồi rút trong túi ra một xấp giấy bạc đủ màu, gã bảo:

– Ai cần tiền nào? Cứ lấy đi, anh em ơi!

Các cô ca sĩ và các cô thợ may tranh nhau giật tiền trong bàn tay đầy lông lá của gã, gã cười hô hố và nói:

– Ô, tiền này không phải cho các người! Đây là để cho anh em sinh viên!

Nhưng anh em sinh viên không lấy.

– Lấy tiền của anh làm khỉ gì cơ chứ! Con trai bác thợ thuộc da giận dữ quát to.

Một hôm, lúc đang say, gã tự tay mang sang cho Pletnyov một xấp giấy bạc mười rúp vò nát thành một cục giấy cứng, gã vứt lên bàn rồi bảo:

– Đấy, có cần không? Tớ chẳng cần…

Rồi gã nằm lăn trên giường của chúng tôi, gầm lên và khóc nức nở đến nỗi phải đổ nước lạnh cho gã giã rượu. Khi gã ngủ thiếp đi, Pletnyov cố vuốt mớ giấy bạc cho phẳng nhưng không sao vuốt được, chúng dính chặt vào nhau đến nỗi phải đem nhúng nước mới gỡ được từng tờ.

Căn phòng bẩn thỉu, ám khói, có những ô cửa sổ nhìn sang bức tường đá của ngôi nhà bên cạnh, chật chội, ngột ngạt, ồn ào và dễ sợ. Ngựa Hung la hét to hơn tất cả mọi người. Tôi hỏi gã:

– Sao anh lại sống ở đây mà không ở khách sạn?

– Anh bạn thân mến ạ, ở đây thích chứ! sống với các anh tôi thấy ấm áp trong lòng…

Anh con trai bác thợ thuộc da xác nhận:

– Đúng đấy, con Ngựa Hung ạ! Tôi cũng thế! Giá mà ở nơi khác chắc tôi đã chết ngoẻo rồi!

Ngựa Hung bảo Pletnyov:

– Đánh đàn đi! Hát đi!

Đặt chiếc đàn gusli lên đầu gối, Guri cất tiếng hát.

Hỡi vầng hồng, hãy mọc lên đi, mọc lên đi…

Giọng hát của anh êm dịu thấm sâu vào lòng người.

Cả phòng im lặng, mọi người đều trầm ngâm lắng nghe những lời ca ai oán và tiếng nhạc nhẹ nhàng của những dây đàn gusli.

– Chà, anh hát hay quá! Anh chàng tình nhân tội nghiệp của mụ thương gia lẩm bẩm.

Giữa những người trú ngụ kì lạ của ngôi nhà cũ kĩ ấy, Guri Pletnyov, một con người lanh lợi vui vẻ, đóng vai Ông Thiện trong các câu chuyện thần thoại. Tâm hồn anh được tô điểm bằng nhiều màu sắc rực rỡ của tuổi thanh xuân, nó chiếu rọi cuộc sống bằng những đốm pháo hoa của những câu vui đùa tế nhị, những bài hát hay, những lời chế giễu sâu cay đối với các thói hư tật xấu của người đời bằng những câu chuyện táo bạo về sự dối trá thô bỉ ở đời. Anh vừa tròn hai mươi tuổi, trông bề ngoài như một cậu thiếu niên, nhưng mọi người ở ngôi nhà này đều xem anh là người mà trong giờ phút khó khăn có thể chỉ bảo họ những lời khuyên sáng suốt và lúc nào cũng đủ sức giúp đỡ họ bằng cách nào đó. Những người tốt bụng yêu mến anh, kẻ xấu lại sợ anh, và thậm chí cả lão cảnh sát Nikiforich cũng luôn luôn chào hỏi Guri bằng nụ cười của con cáo già.

Sân nhà “Marusovka” là một “hành lang” dốc nối hai phố Ribnoryadskaya và StaroGorshechnaya với nhau. Tại phố thứ hai này, trạm gác của lão Nikiforich nằm gọn ở một góc đường, cách cổng khu nhà chúng tôi một quãng.

Lão ta là cảnh sát trưởng của khu phố. Đó là một lão già cao, gầy gò, ngực đeo đầy mề đay, gương mặt thông minh, có nụ cười xã giao và đôi mắt quỷ quyệt.

Lão rất chú ý đến ngôi nhà ồn ào này, cả những người cũ và những người sắp dọn đến. Mỗi ngày có đến mấy lần lão xuất hiện ở sân ngôi nhà. Dáng vẻ chải chuốt, lão bước đi chậm rãi và nhìn vào cửa sổ các căn buồng với con mắt của người coi vườn bách thú nhìn các lồng thú. Mùa đông năm ấy tại một căn buồng đã xảy ra vụ bắt bớ, người bị bắt là chàng sĩ quan cụt một tay Smirnov và anh lính Muratov. Cả hai đều là những người được tặng huân chương Thánh George và đã từng tham gia cuộc viễn chinh AkhalTeke do Skobelev chỉ huy[21]. Người ta cũng bắt cả Zobnin, Ovsyankin, Grigoryev, Krylov và một người nữa vì họ mưu tính lập một nhà in bí mật. Để thực hiện việc này, vào giữa ngày Chủ nhật, Muratov và Smirnov đã vào nhà in của Klyuchnikov trên một phố đông người để đánh cắp bộ chữ in. Khi đang làm việc đó thì họ bị bắt. Và một đêm khác, bọn hiến binh lại đến ngôi nhà “Marusovka” bắt đi một người cao lênh khênh, nét mặt lúc nào cũng cau có mà tôi gọi là “Gác Chuông Lang Thang”. Sáng hôm sau, khi biết tin đó, Guri xúc động mạnh, anh vò rối mớ tóc đen nhánh và bảo tôi:

– Thế đấy, Maksimich, mẹ cha nó, hãy chạy nhanh đến…

Sau khi giải thích cho tôi biết phải đi đâu, anh nói thêm:

– Coi chừng, phải cẩn thận đấy! Có thể gặp bọn mật thám ở đấy…

Nhiệm vụ bí mật được giao phó này làm tôi sung sướng vô ngần, và tôi chạy như bay đến xóm Admiralty. Đến đây, trong căn xưởng tối om của người thợ đồ đồng, tôi gặp một thanh niên tóc quăn có đôi mắt xanh biếc khác thường. Anh đang hàn một cái xoong, nhưng trông anh không giống một người thợ. Trong góc xưởng, cạnh máy dập, một bác thợ già bé loắt choắt có mớ tóc bạc buộc gọn bằng sợi dây da nhỏ đang đánh bóng một cái vòi nước.

Tôi hỏi bác thợ đồ đồng:

– Xưởng bác có việc làm không?

Bác già cáu kỉnh trả lời:

– Xưởng thì có việc, nhưng không có việc cho mày!

Anh thanh niên đưa mắt nhìn thoáng qua tôi rồi lại cúi xuống cái xoong. Tôi đưa chân khẽ chạm vào chân anh, anh ngạc nhiên và giận dữ trố cặp mắt xanh nhìn tôi chằm chằm, tay anh nắm chặt cán xoong như sắp sửa ném tôi. Nhưng khi thấy tôi nháy mắt ra hiệu, anh điềm tĩnh bảo:

– Thôi đi đi, đi đi…

Sau khi nháy mắt ra hiệu cho anh một lần nữa, tôi liền ra ngoài cửa đứng chờ. Anh thanh niên tóc quăn vươn vai đứng lên, bước ra theo và lặng thinh vừa nhìn tôi vừa hút thuốc.

– Anh là Tikhon phải không?

– Phải!

– Pyotr bị bắt rồi.

Anh cau mày tỏ vẻ bực tức, đưa mắt nhìn khắp người tôi.

– Pyotr nào?

– Pyotr cao lêu nghêu nom giống như thầy phụ lễ ấy.

– Sao nữa?

– Chỉ có thế thôi.

– Thế tôi liên quan gì tới Pyotr, tới thầy phụ lễ và những việc đó? Anh thợ đồ đồng hỏi, và cách hỏi của anh làm cho tôi quả quyết rằng anh ta không phải là dân thợ. Tôi chạy về, trong lòng lấy làm kiêu hãnh vì đã hoàn thành xong nhiệm vụ được giao phó. Đó là lần tham gia hoạt động “bí mật” đầu tiên của tôi.

Guri Pletnyov là người gần gũi với những hoạt động ấy, nhưng khi tôi yêu cầu cho tôi tham gia những công việc đó, anh trả lời:

– Anh bạn ạ, việc ấy đối với anh còn quá sớm! Anh học đi đã…

Yevreinov giới thiệu tôi với một người bí mật. Việc giới thiệu này được tiến hành rất thận trọng, khiến tôi cảm thấy hẳn phải có một điều gì hết sức hệ trọng. Yevreinov đưa tôi ra ngoại ô thành phố, đến cánh đồng Arskoye. Trên đường đi, anh cho tôi biết trước rằng việc giới thiệu này đòi hỏi tôi phải thật cẩn thận. Cần phải giữ bí mật. Sau đấy Yevreinov chỉ cho tôi một bóng người nhỏ, mờ mờ, đang chậm rãi bước đi giữa cánh đồng vắng vẻ. Anh nhìn quanh, khẽ nói:

– Anh ấy đấy! Cậu cứ đi theo sau và khi nào anh ấy đứng lại thì đến gần và bảo: “Tôi là người mới đến…”

Những điều bí mật lúc nào cũng thú vị, nhưng trong trường hợp này tôi cảm thấy buồn cười: Giữa một ngày nắng chói oi ả, trên cánh đồng, một con người bé nhỏ đơn độc đang lảo đảo đi như một ngọn cỏ tàn úa, và tất cả chỉ có thế! Sau khi đuổi kịp anh ta ngay chỗ cổng nghĩa địa, tôi nhìn thấy trước mặt tôi là một chàng thanh niên có khuôn mặt gầy gò, bé nhỏ với đôi mắt nghiêm nghị, tròn xoe như mắt chim. Anh mặc chiếc áo khoác thể dục màu xám kiểu học sinh trung học, nhưng hàng cúc đồng sáng loáng đã đứt hết, thay vào đó là những chiếc cúc xương đen, trên chiếc mũ lưỡi trai cũ nát của anh còn in vết một chiếc phù hiệu. Nói chung, trong con người anh ta có một cái gì non nớt, dường như anh cố làm ra vẻ ta đây là người lớn.

Chúng tôi ngồi giữa hàng mộ chí, dưới bóng những khóm cây um tùm. Anh ta nói bằng giọng khô khan và ra vẻ quan trọng. Nói chung tôi không ưa anh ta chút nào. Bằng một giọng nghiêm trang, anh hỏi tôi đã đọc những gì và đề nghị tôi tham gia học tập trong nhóm do anh tổ chức. Tôi đồng ý và chúng tôi chia tay nhau. Anh ta ra trước, sau khi cẩn thận quan sát cánh đồng vắng tanh.

Trong nhóm tôi còn có ba bốn thanh niên khác tham gia, tôi là người trẻ nhất và hoàn toàn chưa được chuẩn bị gì cho việc nghiên cứu cuốn sách của John Stuart Mill có lời chú thích của Chernyshevsky[22]. Chúng tôi tụ tập tại phòng riêng của Milovsky, một học sinh trường Sư phạm. Sau này anh ta viết truyện ngắn lấy bút danh là Yeleonsky, và sau khi sáng tác được độ năm tập thì anh tự sát. Biết bao người tôi gặp đã tự nguyện lìa bỏ cuộc đời!

Anh ta là một người trầm lặng, biết suy nghĩ đắn đo, nói năng thận trọng. Anh sống trong căn hầm một ngôi nhà bẩn thỉu và làm nghề thợ mộc để “cân bằng thể xác và linh hồn”. Tiếp xúc với anh thật chán ngấy. Cũng giống như tác phẩm của Mill, những cuốn sách anh ta viết không hấp dẫn tôi tí nào. Chẳng bao lâu, những nguyên lí cơ bản của kinh tế học đã trở nên quen thuộc với tôi. Tôi đã nắm được chúng một cách trực tiếp, chúng đã được ghi trên da thịt tôi. Tôi cảm thấy hình như chẳng cần viết đến một pho sách dày với những lời lẽ khó hiểu như vậy để bàn về điều mà bất kì ai từng tốn sức để “kẻ khác” sống yên ổn và sung sướng cũng đều thấy rõ. Với một tâm trạng vô cùng căng thẳng, tôi phải ngồi suốt hai ba giờ liền trong gian hầm nồng nặc mùi hồ dán, đảo mắt nhìn những chú bọ đất bò ngang dọc trên bức tường bẩn thỉu.

Một hôm, người giảng bài của nhóm đến muộn hơn bình thường, chúng tôi tưởng anh không đến bèn đi mua một chai rượu vodka, bánh mì và dưa chuột về tổ chức một bữa đánh chén nho nhỏ. Bỗng ngoài cửa sổ thoáng qua cái ống quần xám xịt của thầy. Chúng tôi vừa kịp giấu chai rượu xuống gầm bàn thì anh đã vào đến nơi và bắt đầu giải thích những kết luận sáng suốt của Chernyshevsky. Tất cả ngồi im như phỗng, lo sợ chẳng may người nào trong chúng tôi vô ý chạm chân vào làm đổ chai rượu. Cuối cùng, chính thầy giáo làm đổ, anh nhìn xuống bàn và im lặng, chẳng nói nửa lời. Chà, giá như anh cứ gắt mắng om lên lại dễ chịu hơn!

Sự im lặng, nét mặt nghiêm nghị và đôi mắt nheo lại đầy vẻ bực tức của anh làm tôi hết sức bối rối. Liếc nhìn những gương mặt đỏ nhừ vì xấu hổ của các bạn, tôi cảm thấy mình là kẻ tội đồ chống lại thầy giáo và hết sức ái ngại, mặc dù việc mua rượu không phải là do tôi bày ra.

Đọc sách mãi chán quá, tôi muốn ra ngoài, đi đến một xóm Tatar, nơi ở của những con người dịu dàng, tốt bụng có cuộc sống đặc biệt trong sạch. Họ nói tiếng Nga lơ lớ, nghe đến buồn cười. Tối tối, từ trên các đỉnh tháp cao vọng xuống tiếng gọi đi lễ nhà thờ lạ lùng của các muezzin[23]. Tôi cảm thấy những người Tatar có một cuộc sống khác hẳn, xa lạ đối với tồi, không giống như cái cuộc sống mà tôi biết một cuộc sống không hề đem lại cho tôi điều gì thú vị.

Tôi bị lôi cuốn tới sông Volga, đến với khúc nhạc của cuộc sống lao động, khúc nhạc ấy mãi đến nay vẫn làm ngây ngất lòng tôi. Tôi còn nhớ như in cái ngày mà lần đầu tiên tôi rung cảm với bản trường ca hùng tráng của lao động.

Ở gần Kazan có một chiếc sà lan lớn chở hàng Ba Tư va phải đá ngầm bị thủng đáy. Phường phu khuân vác cho tôi nhập bọn để bốc dỡ hàng khỏi sà lan. Độ ấy vào tháng Chín, gió từ miền thượng lưu thổi mạnh về, trên mặt sông xám xịt, sóng chồm lên giận dữ, gió điên cuồng đánh tan những ngọn sóng, rắc xuống sông một trận mưa lạnh buốt. Phường khuân vác này có khoảng năm chục người, ủ rũ đứng ngồi trên sàn một chiếc sà lan trống rỗng, họ cuộn mình trong những chiếc chiếu gai và vải bạt. Một chiếc tàu kéo nhỏ dắt chiếc sà lan, thở hồng hộc và ném vào trong mưa từng bó lửa đỏ.

Trời tối sầm. Bầu trời ướt sũng, đen kịt bao trùm mặt sông. Anh em phu khuân vác càu nhàu và chửi bới, nguyền rủa mưa, gió và cuộc sống. Họ uể oải bò trên sàn sà lan, cố tìm cbỗ tránh mưa và rét. Tôi cảm thấy những con người ngái ngủ này không thể làm việc, không thể cứu được khối hàng hóa sắp bị đắm.

Vào quãng nửa đêm thì chúng tôi tới chỗ chiếc sà lan bị mắc cạn và cho chiếc sà lan rỗng áp mạn vào chiếc sà lan bị va phải đá ngầm. Người phường trưởng, một lão già độc ác mặt rỗ, tính giảo quyệt, ăn nói sỗ sàng, có đôi mắt và cái mũi diều hâu, đưa tay giật chiếc mũ lưỡi trai ướt sũng trên cái đầu hói xuống và kêu the thé như giọng đàn bà:

– Hãy cầu kinh đi, anh em ơi!

Trong đêm tối, trên sàn sà lan, anh em phu khuân vác dồn nhau lại thành một đống đen ngòm và gào lên như một đàn gấu. Người phường trưởng cầu kinh xong trước, thét:

– Đốt đèn lên! Ra tay đi thôi, anh em ơi! cố làm cật lực vào nhé! Chúa sẽ ban phước lành cho, bắt đầu đi!

Và những con người nặng nề, uể oải, ướt lướt thướt ấy bắt đầu “ra tay”. Giống như khi xông vào chiến đấu, họ nhảy ùa sang sàn và lao xuống hầm chiếc sà lan bị chìm với những tiếng reo hò, gào thét và những lời đùa bỡn. Xung quanh tôi, những bao gạo, những kiện nho khô, da thuộc, lông cừu bay nhẹ nhàng như những chiếc gối bông. Những thân hình vạm vỡ vừa chạy đi chạy lại vừa khích lệ nhau bằng tiếng kêu la, tiếng huýt sáo, tiếng chửi bới độc địa. Khó mà tin được rằng những người đang làm việc một cách nhẹ nhàng, vui vẻ và say sưa đó lại chính là những con người chậm chạp, cau có vừa mới đây còn buồn rầu than thở về cuộc đời, về mưa rét. Mưa càng nặng hạt, trời càng lạnh giá, gió càng thổi mạnh làm những chiếc áo cánh bay tung, vạt áo tốc ngược lên đầu, hở cả bụng. Trong đêm tối mưa gió, dưới ánh sáng yếu ớt của sáu ngọn đèn, những lớp sóng người đen ngòm lao đi vun vút, chân nện thình thịch trên sàn sà lan. Họ làm việc như thể thèm khát lao động, như từ lâu ho đã chờ đợi nỗi vui thích được chuyển từ tay người này sang tay người kia những bao nặng hàng bốn pood, vác những kiện hàng trên lưng mà chạy băng băng. Họ vừa làm vừa cười đùa vui vẻ, say mê như trẻ con, với một khoái cảm ngây ngất mà chỉ những lúc ôm ấp phụ nữ mới cảm thấy ngọt ngào hơn thôi.

Một gã râu ria xồm xoàm, người to lớn, mặc áo khoác ngoài, mình ướt đẫm và nhầy nhụa có lẽ là chủ nhân của số hàng hóa hoặc là người thay mặt chủ nhân bất thần kêu to, vẻ kích động:

– Này anh em, ta đặt giải thưởng một thùng rượu đấy! Các tướng cướp ạ, hai thùng cũng được! Làm nhanh lên!

Lập tức từ bốn phía trong đêm tối có mấy tiếng gào to:

– Ba thùng chứ!

– Ba thùng thì ba! Cứ làm khỏe vào!

Và cơn gió lốc lao động lại càng cuồn cuộn nổi lên mạnh mẽ hơn.

Tôi cũng khuân, cũng kéo, cũng ném, rồi lại chạy, lại khuân; và tôi cảm thấy rằng cả bản thân tôi lẫn mọi vật xung quanh đều quay cuồng trong một điệu vũ sôi nổi, rằng những con người ấy có thể làm việc một cách vui vẻ và hăng say lạ thường, không mệt mỏi, không tiếc sức mình, quên cả tháng, năm; rằng họ có thể nắm lấy những tháp chuông và những gác nhà thờ của thành phố lôi đi đâu thì lôi.

Đêm hôm ấy tôi đã sống trong một niềm vui mà trước kia tôi chưa hề nếm trải, trong thâm tâm tôi muốn được sống suốt đời trong trạng thái phấn khởi gần như điên cuồng ấy của lao động. Ngoài mạn tàu, sóng nước như nhảy múa, mưa quất xuống sàn sà lan, gió rít trên mặt sông, và trong bóng tối nhờ nhờ của buổi bình minh, những con người gần như trần truồng, mình ướt đẫm, vẫn chạy đi chạy lại tới tấp và không biết mệt mỏi, reo hò, cười nói, say sưa với sức mạnh và lao động của mình. Rồi bỗng nhiên một cơn gió mạnh xé toang khối mây đen nặng nề, trên mảnh trời xanh thẳm và rực rỡ lóe lên một tia sáng mặt trời hồng tươi. Những “con thú” vui vẻ ấy đồng thanh reo vang, đón chào tia sáng, làm rung rung hàng lông ướt đẫm trên những cái mõm đáng yêu. Tôi muốn ôm hôn những “con thú hai chân” vô cùng thông minh và nhanh nhẹn, vô cùng say sưa quên mình trong lao động ấy.

Dường như không gì có thể chống lại sức mạnh điên cuồng và phấn khởi, sức mạnh có khả năng tạo nên những điều kì diệu trên trái đất đầy thành phố và lâu đài tráng lệ như trong truyện thần thoại tiên tri thường nói đến. Sau khi ngắm nhìn lao động của con người trong chốc lát, tia sáng mặt trời không thắng nổi lớp mây dày, nặng nề, lại chìm sâu vào mây như một đứa bé chìm trong biển cả, và cơn mưa nhỏ bỗng chốc biến thành trận mưa rào.

– Nghỉ đi thôi!

Có người kêu lên, nhưng mọi người giận dữ đáp lại:

– Xong rồi hãy nghỉ!

Và dưới trời mưa như trút, trong gió lớn, những con người mình gần trần như nhộng ấy làm việc không ngơi tay đến tận hai giờ chiều, cho đến khi chuyển xong toàn bộ hàng hóa. Họ làm tôi kính phục nhận thức rằng: Thế giới loài người thật dồi dào biết bao sức mạnh hùng hậu!

Sau đó mọi người lên tàu và ngủ thiếp đi như những kẻ say rượu. Đến Kazan, họ nhảy ùa lên bãi cát như một dòng nước bùn đen ngòm và kéo nhau vào quán rượu uống cạn ba thùng rượu vodka.

Trong quán, gã kẻ cắp Bashkin bước đến trước mặt tôi, ngắm nghía tôi và hỏi:

– Họ kéo mày đi làm những gì?

Tôi phấn khởi kể lại cho gã công việc tôi làm, gã lắng nghe rồi thở dài, khinh bỉ nói:

– Đồ ngốc! Và còn tệ hơn nữa. Đồ ngu!

Rồi huýt sáo, uốn éo thân hình như một con cá, gã lách đi giữa những dãy bàn kê sít nhau, nơi anh em phu khuân vác vừa ăn uống ồn ào xong. Trong một góc quán có người cất giọng lanh lảnh hát một bài ca tục tĩu.

Hây, chuyện xảy ra vào lúc nửa đêm

Một tiểu thư đi dạo trong vườn, hây!

Hàng chục tiếng gào theo vang lên đinh tai kèm những tiếng vỗ tay đôm đốp xuống mặt bàn:

Người tuần tra thành phố đứng rình

Thấy tiểu thư đang nằm ngửa tênh hênh…

Trong quán lại nổi lên những tiếng cười hô hố, tiếng huýt sáo và những lời nói trơ trẽn táo tợn mà có lẽ trên đời này không gì có thể bì được.

Chú thích

[7] Một trường đại học nổi tiếng ở nước Nga thời bấy giờ, có hơn một nghìn sinh viên, chia thành các khoa: Sử học, Triết học, Luật học, Toán học, Khoa học tự nhiên, Y học…

[8] John Stuart Mill (1806-1873), nhà kinh tế học và nhà triết học người Anh. Quan điểm lí luận của ông ta trái với chủ nghĩa Marx - Lenin.

[9] Puocault (1819-1868), nhà vật lí học nổi tiếng người Pháp.

[10] La Rocheríoucauld (1613-1680), nhà văn Pháp.

[11] La Rochejaquelein (1772-1794), thủ lĩnh của phái Bảo hoàng trong thời kì Đại cách mạng Pháp (1789-1793).

[12] Lavoisier (1743-1794), nhà hóa học lớn người Pháp, trong thời kì Đại cách mạng Pháp ông bị bọn phản động giết chết.

[13] Dumouriez, một võ quan thời Đại cách mạng Pháp. Sau năm 1793 y bắt đầu hoạt động phản cách mạng.

[14] Đơn vị đo lường của Nga, bằng 16,38 kg.

[15] Bret Harte (1839-1902), nhà thơ và nhà văn Bắc Mĩ. Để tài những truyện ngắn của ông thường lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt của những tẩng lớp dưới trong xã hội: những người lang thang và những kẻ đào vàng.

[16] Một trò chơi thông dụng ở Nga. Người chơi dùng một quả cầu nhỏ bằng gỗ ném vào những con ki, tức là những khúc gỗ ngắn tròn, cho đổ xuống để tính điểm.

[17] Nhạc cụ gảy nhiều dây lâu đời nhất của Nga.

[18] Funt:Đơn vị đo lường cũ của Nga, bằng 409 g.

[19] Món đổ dùng truyền thống của Nga, dùng để đun nước hoặc sưởi ấm.

[20] Tức Guri - cách gọi thân mật.

[21] Skobelev (1843-1882), một võ quan nổi tiếng trong thời chiến tranh Nga -Thổ (1877-1878).

[22] Chemyshevsky (1828-1889), lãnh tụ phong trào cách mạng dân chủ vĩ đại Nga, nhà triết học duy vật, nhà văn và nhà phê bình văn học.

[23]Thầy tu Hồi giáo, đảm nhiệm việc báo giờ cầu nguyện cho tín đó.

PHẦN II

Có người giới thiệu tôi với Andrej Derenkov, chủ một cửa hiệu bán thực phẩm nhỏ. Cửa hiệu này nằm khuất ở cuối một dãy phố nghèo nàn, chật hẹp, trên một cái cống đầy rác rưởi.

Derenkov là một người bé nhỏ, bị liệt một cánh tay, mặt mũi hiền lành, có bộ râu vàng óng và cặp mắt thông minh. Anh ta có tủ sách quý nhất trong thành phố,, gồm toàn sách cấm và sách hiếm. Sinh viên các trường ở Kazan và những người có đầu óc cách mạng đã từng đọc sách ở đây.

Cửa hiệu của Derenkov nằm trong một ngôi nhà xép thấp, giáp với ngôi nhà của một gã bị hoạn làm nghề đổi bạc. Từ cửa hiệu có cửa thông vào một gian phòng lớn được chiếu sáng yếu ớt nhờ chiếc cửa sổ trông ra sân. Phía sau gian phòng này, đi sâu vào nữa,là một cái bếp chật hẹp. Đằng sau bếp, trong một phòng phụ tối tăm giữa nhà xép và nhà chính, có một cái kho ở trong góc, và đó chính là nơi cất giấu cái tủ sách hết sức bí mật. Một phần của tủ sách đã được chép tay vào những quyển vở dày, như Những hức thư lịch sử của Lavrov, Làm gì? của Chernyshevsky, một số bài báo của Pisarev[24], Ông vua đói[25] Ngón giảo hoạt… Tất cả những bản chép đó đều đã qua tay nhiều người đọc và rất nhàu nát.

Lần đầu tiên tôi tới cửa hiệu, Derenkov đang bận tiếp khách hàng, anh gật đầu ra hiệu bảo tôi đi về phía cửa thông vào phòng. Tôi bước vào và thấy ở góc phòng, trong bóng tối lờ mờ, một ông già bé nhỏ nom giống như bức chân dung Seraíìm của Sarov đang quỳ và cầu nguyện một cách kính cẩn. Nhìn ông già, tôi cảm nhận được một điều gì lạ lùng và kì quặc.

Người ta nói với tôi rằng Derenkov là một người thuộc phái “dân túy”[26]. Theo quan niệm của tôi thì người theo phái dân túy là người cách mạng, mà người cách mạng thì không được tin vào Chúa. Tôi cảm thấy ông già mộ đạo ấy là một người thừa trong ngôi nhà này.

Cầu nguyện xong, ông già cẩn thận vuốt mớ tóc và chòm râu bạc, chăm chú nhìn tôi rồi nói:

– Lão là cha của Andrej. Còn anh là ai? À, ra vậy đấy! Lão lại cứ nghĩ anh là một sinh viên cải trang.

– Thế sinh viên cải trang để làm gì ạ? Tôi hỏi.

– Ôi dào. Ông già khẽ đáp. Dù có cải trang thế nào đi nữa thì Chúa cũng vẫn biết!

Ông lão bỏ xuống bếp. Tôi ngồi bên cửa sổ và suy nghĩ.

Bỗng tôi nghe thấy tiếng kêu:

– Thì ra anh ta đấy!

Một cô gái vận đồ trắng đang đứng ở cửa bếp. Mái tóc vàng óng của cô cắt ngắn; trên khuôn mặt mũm mĩm, tái nhợt, ánh lên cặp mắt xanh như đang mỉm cười. Trông cô rất giống những thiên thần vẽ trong các bức tranh rẻ tiền.

– Tại sao anh lại hoảng hốt thế? Chẳng lẽ trông tôi đáng sợ lắm sao?

Cô ta nói giọng the thé, run run, rồi thận trọng và chậm chạp bước lại phía tôi, tay vịn vào tường hệt như đang đi trên một sợi dây tròng trành căng trong không khí chứ không phải đang đi trên mặt sàn cứng. Dáng đi vụng về đó càng khiến cô giống như người của một thế giới khác. Toàn thân cô rung lên như có những mũi kim đâm vào chân, như thể bức tường đang thiêu đốt những cánh tay mũm mĩm trẻ con của cô. Cả đến những ngón tay cũng đờ ra một cách kì lạ.

Tôi im lặng đứng trước mặt cô. Một sự bối rối lạ lùng và nỗi thương hại sâu sắc xâm chiếm tâm hồn tôi. Trong căn phòng tối này tất cả đều thật kì lạ.

Cô gái ngồi xuống ghế một cách thận trọng, dường như sợ chiếc ghế bay đi mất. Bằng những lời lẽ không thể giản dị hơn, cô kể với tôi rằng cô mới bắt đầu đi lại được đến hôm nay là hôm thứ năm, trước đấy cô phải nằm liệt giường gần ba tháng trời: Cô bị liệt chân tay.

– Đó là một thứ bệnh thần kinh. Cô mỉm cười nói.

Tôi còn nhớ, lúc đó tôi muốn cô giải thích bệnh trạng của cô một cách khác. Bệnh thần kinh điều đó thật quá đơn giản đối với một người con gái như vậy và ở trong một căn phòng kì lạ như vậy, một căn phòng trong đó tất cả mọi đồ vật đều như đang nép vào tường một cách sợ sệt: Ở góc phòng, trước các tượng thánh, ngọn đèn thờ cháy rất sáng, bóng nhữngdây xích bằng đồng bò một cách thản nhiên trên chiếc bàn ăn lớn phủ khăn trắng.

– Tôi đã nghe nói rất nhiều về anh, thành thử tôi muốn gặp xem anh như thế nào. Giọng cô trong trẻo như giọng trẻ con.

Cô gái ấy ngắm nghía tôi bằng con mắt thật là đáng sợ, cặp mắt xanh của cô ta như muốn xuyên thấu tất cả. Với một người con gái như vậy, tôi không thể nói chuyện được vì không biết nói như thế nào. Tôi bèn im lặng ngắm nghía những bức chân dung của Herzen[27], Darwin[28], Garibaldi[29].

Từ ngoài cửa hiệu, một thiếu niên trạc tuổi tôi chạy vào, tóc vàng hoe, cặp mắt ranh mãnh. Anh ta biến mất vào trong bếp sau khi kêu lên bằng giọng trầm bổng:

– Chị mò ra đây làm gì, chị Mariya?

– Thằng em tôi đây, Aleksej ạ. Cô gái nói. Còn tôi đang học lớp sản khoa thì bị ốm. Tại sao anh lại im lặng thế? Anh ngượng phải không?

Andrej Derenkov đi vào, cánh tay bị liệt đút trong ngực áo. Anh ta im lặng vuốt mái tóc mềm mại của cô em gái, xoa cho bù lên và hỏi tôi đến vì việc gì.

Lát sau, một cô gái tóc quăn màu hung, thân hình cân đối, mắt xanh lá mạ bước vào phòng. Cô ta nghiêm nghị nhìn tôi rồi khoác tay cô gái vận đồ trắng kéo đi và nói:

– Đủ rồi, Mariya!

Mariya cái tên đó thật không hợp với cô gái, đối với cô nó có phần hơi thô thiển.

Tôi cũng đi ra, lòng xao xuyến lạ kì. Sau đó một hôm, buổi tối, tôi lại ngồi trong căn phòng ấy. Tôi muốn tìm hiểu xem người ta sống như thế nào trong căn phòng này? Họ sống thật là kì lạ.

Ông già Stepan Ivanovich đáng mến, dịu dàng, râu tóc bạc phơ, người trắng bệch, thường ngồi ở góc nhà nhìn ra, cặp môi thâm động đậy, miệng khẽ mỉm cười như muốn yêu cầu:

– Đừng động chạm đến tôi!

Trong con người ông già có cái vẻ sợ hãi của loài thỏ và linh cảm lo âu về những điều bất hạnh. Điều đó tôi thấy rất rõ.

Andrej bị liệt một tay, thường mặc chiếc áo màu xám có dính dầu và bột ở ngực cứng như vỏ cây, đi lại trong phòng, người nghiêng nghiêng, miệng cười ngượng nghịu như đứa trẻ vừa được tha thứ sau một trò nghịch ngợm. Aleksej, một thanh niên lười biếng, cục cằn, giúp anh bán hàng. Đứa em trai thứ ba là Ivan học ở trường Sư phạm, nó ở kí túc xá và chỉ về nhà vào những ngày lễ. Đó là một thiếu niên bé nhỏ, ăn mặc sạch sẽ, đầu chải bóng mượt giống như một viên chức già. Cô Mariya đau ốm ở đâu đó trên gác thượng, ít khi xuống dưới nhà, và cứ mỗi khi cô ta xuống thì tôi lại cảm thấy lúng túng, hệt như tôi bị trói buộc bởi những sợi dây vô hình vậy.

Công việc nội trợ trong gia đình Derenkov do một mụ cùng ở chung với lão chủ nhà bị hoạn đảm nhiệm. Đó là một người đàn bà cao gầy, có bộ mặt như một con búp bê bằng gỗ với cặp mắt nghiêm nghị của một nữ tu sĩ độc ác. Cô Nastya mũi nhọn, tóc hung, con gái mụ cũng ở đây. Mỗi khi cô ngước cặp mắt xanh nhìn đàn ông, hai cánh mũi của cô lại rung rung.

Nhưng những người chủ thực sự trong căn nhà Derenkov lại là các sinh viên của trường đại học, của Đại chủng viện và Viện Thú y. Họ thường tụ tập tại đây trong những cuộc hội họp ồn ào. Đó là những người biết quan tâm đến nhân dân Nga, luôn luôn lo lắng cho tương lai của nước Nga. Thường xuyên bị kích động bởi những bài báo, những kết luận của các cuốn sách vừa đọc xong, những sự kiện trong sinh hoạt của thành phố và của trường đại học, tối tối, từ khắp các phố của Kazan, họ kéo đến tụ họp tại cửa hiệu nhỏ bé của Derenkov để tham gia vào những cuộc tranh cãi gay gắt, và để thì thầm nho nhỏ với nhau trong các góc nhà. Họ mang theo những cuốn sách dày cộp, rồi vừa thọc ngón tay vào các trang sách vừa la hét để bảo vệ những chân lí mà mình ưa thích.

Tất nhiên tôi không hiểu rõ lắm về các cuộc tranh luận ấy. Đối với tôi, chân lí đã biến đi trong những lời lẽ dài dòng giống như váng mỡ trong nồi xúp lỏng bỏng của người nghèo. Một số sinh viên làm tôi liên tưởng tới những ông già thông thái thuộc giáo phái miền Volga, nhưng tôi hiểu rằng tôi đang gặp những con người sẵn sàng để khiến cuộc sống thay đổi tốt đẹp hơn. Và tuy lòng chân thành của họ bị chìm ngập giữa những làn sóng dữ dội của lời nói, nó không tiêu tan trong đó. Những vấn đề mà họ định giải quyết tôi đều hiểu rõ, và tôi cảm thấy chính bản thân mình cũng say mê với việc giải quyết những vấn đề ấy. Tôi thường có cảm tưởng là trong lời nói của anh em sinh viên cũng vang lên những ý nghĩ thầm kín của tôi, và đối với những con người đó, thái độ của tôi gần như hân hoan, giống một tên tù binh được người ta hứa trả tự do.

Còn họ thì nhìn tôi hệt như những người thợ mộc nhìn một khúc gỗ có thể dùng để làm một đồ vật không đến nỗi tầm thường.

– Một thiên tài tự phát! Họ giới thiệu tôi cho nhau với một niềm tự hào giống như những đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ đưa cho nhau xem một đồng năm kopek bằng đồng bắt được ở ngoài đường. Tôi không thích người ta gọi tôi là “thiên tài”, là “người con của nhân dân”. Tôi cảm thấy mình là một đứa con nuôi của cuộc sống; và đôi lúc tôi nhận thấy rất rõ sức mạnh của cái lực lượng chi phối sự phát triển tâm hồn tôi. Chẳng hạn, có hôm nhìn thấy trên cửa sổ hiệu sách một tác phẩm với nhan đề bí ấn Cách ngôn và phương ngôn[30] tôi nảy ra ý muốn đọc cuốn sách ấy, tôi bèn hỏi sinh viên Đại chủng viện cho tôi mượn cuốn này.

– Gớm thật! Vị chủ giáo tương lai, con người có cái đầu giống như người da đen tóc xoăn, môi dày, răng to thốt lên một cách mỉa mai. Người anh em ạ, đó chỉ là một thứ nhảm nhí mà thôi. Người anh em hãy đọc những gì người ta đưa cho, còn những lĩnh vực không thích hợp với người anh em thì đừng có chõ mũi vào!

Giọng nói thô lỗ kiểu lên mặt dạy đời này khiến tôi rất bực mình. Tất nhiên tôi đã mua cuốn sách đó, tiền thì một phần do tôi kiếm được ở các bến tàu, một phần vay của Andrej Derenkov. Đó là cuốn sách đáng kể đầu tiên mà tôi đã mua, cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ được.

Nói chung, đối với tôi, mọi người đối xử khá nghiêm khắc. Khi tôi đọc xong cuốn Khoa học xã hội nhập môn, tôi có cảm tưởng là tác giả đã cường điệu vai trò của các bộ lạc chăn nuôi trong việc tổ chức đời sống văn hóa, còn những người lang thang giàu óc sáng tạo và những người săn bắn thì bị ông ta lăng nhục. Tôi nói lại những điều hoài nghi của tôi với một sinh viên ngữ văn; anh này sau khi cố tạo cho bộ mặt đàn bà của mình một vẻ oai vệ, liền nói với tôi hàng giờ về vấn đề “quyền phê bình”.

– Muốn có quyền phê bình, cần phải tin vào một chân lí nào đó. Anh tin vào cái gì? Anh ta hỏi tôi.

Anh ta đọc sách cả ở ngoài đường phố; đi trên vỉa hè, anh ta thường úp mặt vào sách, đến nỗi đâm cả vào mọi người. Những lúc vật vã trong cơn sốt phát ban, tại căn gác xép của mình, anh ta vẫn la lên:

– Đạo đức phải là sự phối hợp một cách hài hòa giữa yếu tố tự do và yếu tố cưỡng bức, một cách điều hòa… điều hò…ò…à…

Là một người dịu dàng, ốm dở vì thiếu ăn quanh năm, kiệt sức vì dai dẳng tìm kiếm chân lí vĩnh cửu, anh ta không hề biết một thú vui nào khác ngoài đọc sách. Và mỗi khi anh cảm thấy mình đã dung hòa được những mâu thuẫn giữa hai trí tuệ mạnh mẽ, cặp mắt đen đáng yêu của anh mỉm cười sung sướng như một đứa trẻ con. Khoảng mười năm sau khi sống ở Kazan tôi lại gặp anh ở Kharkov, lúc này anh đã trải qua năm năm đi đày ở Kem và quay lại học ở trường đại học. Tôi có cảm tưởng anh là một người sống giữa hằng hà sa số những tư tưởng trái ngược nhau. Lúc sắp chết vì bệnh lao, anh vẫn cố sức dung hòa Nietzsche với Marx. Vừa khạc ra máu và thở khò khè, anh vừa đưa những ngón tay lạnh giá dính nhớp nháp nắm lấy cánh tay tôi:

– Không có sự tổng hợp thì không thể sống được!

Anh chết trong toa xe điện trên đường đến trường đại học.

Tôi đã thấy không ít những kẻ tử vì đạo như vậy. Đối với tôi hình ảnh của họ thật là thiêng liêng.

Khoảng hai chục người như vậy thường tụ họp tại căn nhà của Derenkov, trong đó có cả một người Nhật, sinh viên Đại chủng viện, tên là Panteleimon Sato. Thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện một người cao lớn, ngực nở, râu rậm, tóc húi theo kiểu Tatar. Anh ta như bị khâu chặt vào chiếc áo khoác dài màu xám có móc cài đến tận cằm. Thường thường anh ngồi trong góc nhà, hút một cái tẩu ngắn và bằng cặp mắt xám, điềm đạm nhìn mọi người vẻ như thăm dò. Cặp mắt của anh thường dừng lại trên mặt tôi một cách chăm chú. Tôi cảm thấy rằng con người nghiêm nghị đó đang thầm đánh giá tôi trong óc. Và không hiểu sao tôi thấy sợ anh ta. Sự im lặng của anh ta làm tôi ngạc nhiên. Tất cả mọi người xung quanh đều nói to, nói nhiều, nói mạnh. Và những lời nói càng vang lên gay gắt chừng nào thì tất nhiên tôi càng thích chừng ấy. Một thời gian rất lâu tôi vẫn không biết được rằng trong những lời nói gay gắt thường ẩn những ý nghĩ tầm thường và giả dối. Chàng lực sĩ rậm râu này im lặng suy nghĩ điều gì?

Mọi người gọi anh ta là “Khokhol”[31] và có lẽ ngoài Andrej ra không ai biết tên thật của anh là gì. Ít lâu sau tôi được biết rằng con người đó vừa mới bị đi đày ở tỉnh Yakutsk về không lâu, anh đã sống ở đấy mười năm trời. Sự kiện này càng khiến tôi chú ý đến anh hơn, nhưng vẫn không giúp tôi đủ can đảm làm quen với anh, mặc dầu tôi không phải là người nhút nhát, rụt rè, trái lại tôi mắc phải cái bệnh hay tò mò, cái gì cũng muốn biết và càng biết được sớm càng tốt. Tính đó suốt đời đã cản trở không cho tôi chuyên chú hẳn vào một công việc gì.

Khi mọi người nói về nhân dân, tôi kinh ngạc và thấy thiếu tự tin, cảm thấy rằng về vấn đề này tôi không thể nghĩ như họ được. Đối với họ, nhân dân là hiện thân của sự sáng suốt, của cái đẹp tinh thần và của sự lương thiện, là một cái gì thống nhất toàn vẹn và có tính chất gần như thần thánh, là đầu mối của tất cả những gì đẹp đẽ, công bằng, vĩ đại. Tôi chưa từng thấy thứ nhân dân như vậy. Tôi đã thấy những người thợ mộc, phu khuân vác, thợ nề; tôi biết Yakov, Osip, Grigori. Nhưng ở đây người ta lại nói đến một thứ nhân dân thuần nhất và tự đặt mình xuống dưới thứ nhân dân ấy, phụ thuộc vào ý chí của nó. Còn tôi thì cho rằng chính họ đã thể hiện trong con người họ vẻ đẹp và sức mạnh của tư tưởng, trong con người họ tập trung và đang rực cháy ý chí nhân đạo tốt đẹp đối với cuộc sống, đối với việc tự do xây dựng cuộc sống theo những quy tắc mới nào đó của lòng nhân đạo.

Quả là tôi đã không thấy lòng nhân đạo trong những con người bé nhỏ cùng chung sống với tôi trước đây. Còn ở đây thì nó vang lên trong mỗi lời nói, rực cháy trong mỗi khóe mắt.

Những lời nói của những con người tôn sùng nhân dân ấy đã tưới vào trái tim tôi như một trận mưa rào mát mẻ, và cả những loại sách ngây thơ nói về cuộc sống tối tăm của nông thôn, về những bần nông khốn khổ cũng đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cảm thấy rằng phải yêu con người thật say sưa, thật nồng nhiệt mới có thể có được một sức mạnh cần thiết để tìm ra và hiểu được ý nghĩa của cuộc sống. Tôi bèn không nghĩ đến mình nữa và bắt đầu để ý đến mọi người nhiều hơn.

Andrej Derenkov, với vẻ tin cậy, nói cho tôi biết toàn bộ số tiền ít ỏi mà anh thu được trong việc buôn bán là dùng để giúp đỡ những người nào tin rằng “Hạnh phúc của nhân dân là trên hết”. Hệt như một thầy phụ lễ trung thành được hầu hạ đức tổng giám mục, anh hay quanh quẩn bên cạnh họ và không giấu được vẻ hân hoan trước sự thông minh lanh lợi của những con người chuộng sách vở ấy. Anh thường mỉm cười sung sướng, nhét cánh tay bị liệt vào trong ngực áo, còn bàn tay kia thì xoắn bộ râu mềm mại và hỏi tôi:

– Khá đấy chứ? Tài thật!

Và cứ mỗi lần chàng sinh viên thú y Lavrov, anh chàng có giọng nói kì lạ, nghe quang quác như tiếng ngỗng kêu, phản đối ý kiến của những người thuộc phái dân túy thì Derenkov lại sợ hãi nhắm mắt lại, miệng lẩm bẩm:

– Thật là đồ gây sự!

Thái độ của Derenkov đối với các sinh viên thuộc phái dân túy cũng giống thái độ của tôi, còn thái độ của các sinh viên đối với anh ta thì tôi có cảm tưởng giống như thái độ thô lỗ và thiếu tôn trọng của những ông chủ đối với người hầu hoặc kẻ tôi tớ trong các quán rượu. Bản thân Derenkov không nhận thấy điều này. Thường thường, sau khi tiễn khách ra về, anh giữ tôi ở lại. Chúng tôi quét lại phòng rồi nằm trên tấm thảm bằng nỉ trải ngay trên sàn, thì thầm trò chuyện thân mật với nhau rất lâu trong bóng tối, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn thờ. Với niềm vui thầm lặng của một tín đồ, anh nói với tôi:

– Cứ có được hàng trăm, hàng nghìn những người tốt như vậy để họ giữ tất cả những địa vị trọng yếu ở nước Nga thì lập tức họ sẽ làm thay đổi cả cuộc sống!

Anh ta hơn tôi đến mười tuổi; tôi nhận thấy rằng anh rất thích cô Nastya tóc hung và anh cố không nhìn vào cặp mắt như thách thức của cô ta. Khi có người ngoài, anh thường nói với cô bằng giọng hơi khô khan như giọng ra lệnh của ông chủ, nhưng lại tiễn cô bằng cái nhìn rất buồn. Còn những khi nói chuyện riêng với cô, anh thường mỉm cười, vẻ bối rối và rụt rè, tay giật giật bộ râu.

Cô em gái nhỏ của anh cũng thường ngồi trong góc nhà quan sát những cuộc đấu khẩu. Bộ mặt non nớt của cô căng lên nom rất buồn cười mỗi khi phải chú ý quá, hai mắt cô mở to, và cứ mỗi lần những lời nói đặc biệt gay gắt vang lên thì cô lại thở dài thật to, hệt như bị người ta vẩy nước lạnh vào người. Anh chàng sinh viên y khoa tóc hung cứ luẩn quẩn bên cạnh cô như một con gà trống đường bệ. Anh ta hay nói với cô bằng giọng gần như thì thầm có vẻ bí mật và nhíu lông mày ra vẻ quan trọng. Tất cả những cảnh đó nom thật hết sức thú vị.

Nhưng mùa thu đã đến, cuộc sống không có công việc ổn định đã trở thành điều không thể chịu đựng được đối với tôi. Mải mê với tất cả những điều đang diễn ra xung quanh, càng ngày tôi càng làm việc ít hơn và phải đi ăn ghẹ người khác. Mà miếng ăn như vậy thì bao giờ cũng rất khó nuốt, cần phải tìm “chỗ trú” cho mùa đông, và tôi đã tìm được ở lò bánh mì của Vassili Semyonov.

Giai đoạn này của cuộc đời tôi đã được tôi tả lại trong các truyện ngắn Người chủ, Konovalov, Hai mươi sáu anh chàng và một cô gái. Thật là một thời kì vất vả! Nhưng cũng lại là một thời kì đã dạy cho tôi nhiều bài học.

Thể xác đã cực nhọc, tinh thần còn nặng nề hơn.

Từ khi tôi bước chân xuống hầm của xưởng làm bánh, lập tức mọc lên một “bức tường quên lãng” giữa tôi với những con người mà nhìn thấy họ và nghe họ nói đã trở thành điều cần thiết đối với tôi. Không có ai trong bọn họ đến xưởng gặp tôi cả, còn tôi phải làm việc mười bốn giờ một ngày, cũng không thể đến chỗ Derenkov vào những ngày thường được. Những ngày lễ thì tôi hoặc là ngủ, hoặc là ở nhà với các đồng nghiệp. Một số người ngay từ những ngày đầu đã nhìn tôi như nhìn một thằng hề ngộ nghĩnh, số khác thì yêu quý tôi một cách ngây thơ như những đứa trẻ yêu quý một người biết kể những chuyện cổ tích thú vị. Chỉ ma quỷ mới biết được là tôi đã nói gì với những người đó, nhưng dĩ nhiên tôi đã nói tất cả những điều có thể gợi lên cho họ niềm hi vọng vào một cuộc sống khác dễ chịu và có ý nghĩa hơn. Thỉnh thoảng tôi thành công trong việc đó, và hễ cứ nhìn thấy những tia buồn bã nhen lên trên gương mặt húp híp và trong các khóe mắt của họ bùng lên tia lửa bực tức và giận dữ, tôi lại thấy vui sướng và tự hào nghĩ rằng tôi đang làm “công tác quần chúng”, đang “giáo dục” họ.

Nhưng tất nhiên thường là tôi cảm thấy bất lực với sự thiếu hụt về kiến thức của mình. Tôi không thể trả lời được ngay cả những vấn đề đơn giản nhất trong cuộc sống và trong đời sống hằng ngày. Những lúc ấy tôi thấy mình như bị ném vào một cái hố tối om, dưới đó mọi người lúc nhúc như những con giòi mù, chỉ cốt sao lãng quên được thực tại và đi tìm sự lãng quên đó trong các quán rượu, trong những cánh tay ôm ấp lạnh giá của bọn gái điếm.

Hằng tháng, việc đi chơi nhà thổ đã thành thông lệ vào ngày lĩnh lương. Một tuần trước ngày hạnh phúc này, mọi người đã công khai mơ ước niềm khoái lạc đó. Và sau khi sống qua ngày ấy rồi, họ còn kể cho nhau nghe rất lâu về những khoái cảm mà họ đã trải qua. Trong các cuộc nói chuyện ấy, người ta thường đem khoe khoang một cách trắng trợn năng lực tình dục của mình. Họ nhạo báng phụ nữ một cách tàn nhẫn, vừa nói vừa khạc nhổ ra vẻ kinh tởm.

Nhưng, thật kì lạ! Tôi có cảm giác rằng đằng sau tất cả những câu chuyện ấy tôi đã nghe thấy sự buồn bã và hổ thẹn. Tôi nhận thấy rằng tại các “nhà giải muộn phiền” ấy, nơi mà với một rúp có thể mua được một người đàn bà trong suốt cả một đêm, bạn bè tôi đã hành động một cách bối rối, ngượng ngập giống như những kẻ có lỗi. Tôi cảm nhận được điều đó rất rõ ràng. Một số người lại hành động một cách hết sức lỗ mãng và táo tợn, và tôi cảm thấy sự lỗ mãng, táo tợn ấy đầy cố tình và giả dối. Quan hệ trai gái hấp dẫn tôi một cách kinh khủng, tôi đã quan sát tất cả những chuyện đó với con mắt sắc sảo đặc biệt. Bản thân tôi chưa được hưởng sự âu yếm của phụ nữ, và điều đó đã đưa tôi vào một tình thế khó chịu: Cả chị em phụ nữ lẫn bạn bè đều nhạo báng tôi một cách cay độc. Chẳng bao lâu sau, mọi người thôi không mời tôi đến các “nhà giải muộn phiền” nữa, họ bảo thẳng với tôi:

– Thôi, người anh em, đừng đi với chúng tớ nữa.

– Tại sao?

– Chẳng sao cả! Đi với cậu không tiện.

Tôi ngẫm nghĩ rất nhiều, cảm thấy những lời ấy có ý nghĩa nào đó khá quan trọng đối với tôi, nhưng tôi cũng chẳng tìm được lời giải thích nào rõ ràng hơn.

– Ô, cái thằng này! Đã bảo đừng đi mà lại! Đi với mày chán lắm…

Chỉ có Artem vừa mỉm cười vừa nói:

– Cứ y như có mặt cha cố hay bố già vậy.

Bọn con gái ban đầu chế giễu sự dè dặt của tôi, sau họ hỏi tôi với vẻ bực tức:

– Anh ghê tởm chúng tôi lắm à?

Terezia Boruta, một “cô gái” Ba Lan bốn mươi tuổi, đẹp, ăn mặc lộng lẫy, là “quản gia” ở “nhà giải muộn phiền”. Mụ nhìn tôi bằng cặp mắt tinh nhanh như mắt chó nòi và nói:

– Thôi, chúng mình buông tha anh ta, các bạn ạ! Anh ta nhất định là có nhân tình rồi, phải không? Khỏe mạnh như thế thì ắt có nhân tình giữ chân chứ còn gì nữa!

Mụ nghiện rượu, thường uống say bí tỉ. Lúc say trông mụ thật đáng ghét, nhưng những lúc tỉnh mụ làm cho tôi phải ngạc nhiên bởi thái độ chín chắn trong lối hành xử với mọi người và sự bình tĩnh tìm tòi ý nghĩa những hành vi của họ.

– Cái bọn kì quặc nhất định phải là bọn sinh viên Đại chủng viện. Mụ kể chuyện cho bạn bè của tôi. Ai lại làm như thế này với bọn con gái bao giờ: Chúng nó sai xát xà phòng lên sàn nhà, bắt một đứa con gái cởi trần truồng nằm bò xuống, chân tay đặt lên đĩa, rồi chúng đẩy đằng đít xem trượt đi có xa không. Cứ thế, hết đứa con gái này đến đứa con gái khác. Đó, như vậy để làm gì nhỉ?

– Mụ chỉ nói láo thôi! Tôi nói.

– Ô, không phải đâu! Terezia kêu lên, giọng điềm tĩnh không có vẻ gì bực tức.

Trong sự điềm tĩnh đó như có cái gì nghẹn lại.

– Mụ bịa ra chuyện đó chứ gìl

– Một người con gái đời nào bịa ra chuyện như vậy được? Chẳng lẽ tôi điên hay sao? Mụ hỏi, hai mắt tròn xoe.

Mọi người lắng nghe cuộc tranh luận của chúng tôi một cách hết sức chăm chú. Còn Terezia vẫn cứ kể chuyện về các trò chơi của những ông khách bằng giọng thản nhiên của người chỉ muốn tìm hiểu xem người ta làm chuyện đó để làm gì.

Những người nghe chuyện nhổ nước bọt tỏ vẻ ghê tởm, họ chửi rủa anh em sinh viên bằng những lời tục tằn. Nhận thấy mụ Terezia đang gây lòng thù hằn đối với những con người mà tôi yêu mến, tôi liền nói rằng anh em sinh viên là những người yêu nhân dân, mong muốn những điều tốt cho dân.

– Đó là những sinh viên đại học ở phố Voskresenskaya, còn đây là tôi nói về các sinh viên Đại chủng viện ở Arskoye Polye! Bọn sinh viên ấy đứa nào cũng mồ côi cả, mà trẻ mồ côi thì lớn lên nhất định phải ăn cắp hoặc lêu lổng, phải thành người xấu, vì bọn mồ côi ấy, chúng có bị ràng buộc vào cái gì đâul

Những câu chuyện kể bằng giọng điềm tĩnh của mụ “quản gia” cùng những lời than phiền độc ác của bọn con gái về các anh em sinh viên, về các viên chức và nói chung về những “giới thanh cao” đã gây nên trong bạn bè tôi không chỉ lòng thù địch mà cả một tình cảm gần như vui thích; nó biểu hiện bằng những lời:

– Vậy ra những người có học lại tồi hơn chúng ta!

Tôi đau khổ và cay đắng khi phải nghe những lời đó. Tôi nhận thấy rằng tất cả nước bẩn của thành phố đều dồn vào những căn phòng chật hẹp, tranh tối tranh sáng này, hệt như dồn vào những cái hố trũng. Nó được đun sôi trên một ngọn lửa đầy khói và đầy sự thù hằn, độc ác, rồi lại chảy ngược về thành phố. Trong những xó xỉnh này, nơi bản năng và sự chán chường cuộc sống đã đẩy người ta vào, tôi biết được những tiếng vô nghĩa trở thành các bài hát cảm động về nỗi lo âu và đau khổ của tình yêu, những chuyện bịa đặt quái gở về cuộc sống của “người có học” cùng thái độ giễu cợt và thù ghét đối với những điều người ta không hiểu đã nảy sinh ra sao. Và tôi nhận thấy rằng các “nhà giải muộn phiền” là những trường đại học mà từ đó các bạn của tôi học được những kiến thức hết sức độc địa.

Tôi đã từng xem những cô gái làng chơi đi đi lại lại trên mặt sàn bẩn thỉu, uể oải kéo lê hai chân. Những tấm thân nhẽo của họ nhún nhảy một cách kinh tởm theo tiếng rít dai dẳng của cây đàn phong cầm hoặc theo tiếng kêu giòn kích động của dây đàn dương cầm. Nhìn họ, tôi nảy ra những ý nghĩ không rõ ràng nhưng đầy lo lắng. Tất cả những cảnh tượng xung quanh tôi tạo nên một nỗi buồn chán, nó đầu độc tâm hồn tôi bằng ý muốn bất lực chạy trốn đến một nơi nào đấy.

Ở xưởng, khi tôi bắt đầu kể rằng có những người đang đi tìm một cách vô tư con đường đến tự do, hạnh phúc cho nhân dân, mọi người liền phản đối:

– Đấy, bọn con gái chẳng vừa kể chuyện đấy còn gì!

Và họ nhạo báng tôi một cách không thương tiếc bằng những lời cay độc vô liêm sỉ. Còn tôi thì như một con chó con hay gây gổ, cảm thấy mình cũng ngu ngốc và bạo dạn không kém gì những con chó lớn, tôi nổi xung lên. Khi bắt đầu hiểu rằng những ý nghĩ về cuộc sống cũng nặng nề không kém gì chính bản thân cuộc sống, đôi lúc tôi thấy như trong tâm hồn mình bùng lên những tia lửa căm thù đối với những con người có sự nhẫn nhục gan lì mà tôi làm việc cùng. Điều làm tôi đặc biệt tức giận là khả năng chịu đựng của họ, sự tuyệt vọng đến gần như ngoan ngoãn phục tùng những lời nhạo báng điên rồ của lão chủ say rượu.

Nhưng như thể trời định chính trong những ngày nặng nề đó tôi đã được làm quen với một tư tưởng hoàn toàn mới mẻ, tuy về căn bản nó đối địch với những suy nghĩ của tôi, nhưng dù sao nó cũng đã làm cho tôi rất bối rối.

Vào một đêm bão tuyết, khi những cơn gió rít độc ác như muốn xé tan bầu trời thành những mảnh vụn và những mảnh ấy rơi lả tả xuống mặt đất, bị vùi dưới những lớp bụi băng, khi cuộc sống trên trái đất dường như kết thúc, mặt trời đã bị dập tắt, không bao giờ còn mọc nữa vào một đêm như vậy, trong ngày xưng tội của tuần chay, tôi từ nhà Derenkov trở về xưởng. Hai mắt nhắm nghiền, tôi đi ngược chiều gió, băng qua lớp không khí xám xịt, mù mịt, quay cuồng như đang sôi sục. Bỗng tôi vấp phải một thân người nằm chắn ngang vỉa hè và ngã bổ nhào. Cả hai chúng tôi cùng thốt lên tiếng chửi; tôi chửi bằng tiếng Nga, còn người kia thì bằng tiếng Pháp.

– Ồ, đồ quỷ…

Tính tò mò của tôi bị kích thích. Tôi nâng người đàn ông dậy, đỡ ông đứng lên. Dáng người ông thấp bé, mảnh khảnh. Ông vừa đẩy tôi ra vừa thét một cách giận dữ:

– Mũ của tao, quỷ tha ma bắt mày đi! Trả mũ tao đây! Tao chết cóng bây giờ!

Tìm thấy chiếc mũ trong đống tuyết, tôi giũ sạch rồi đội lên cái đầu lởm chởm tóc của ông. Nhưng ồng giật mũ xuống, rồi vừa khua mũ vừa chửi bằng hai thứ tiếng và đuổi tôi:

– Cút đi!

Bỗng, ông ta lao chúi về phía trước và chìm trong cơn bão tuyết sôi sục. Đi tiếp, tôi lại bắt gặp ông ta đang đứng, hai tay ôm cái cột đèn gỗ với ngọn đèn đã tắt, miệng lải nhải:

– Lena, anh chết mất… Ôi, Lena…

Hình như ông ta say rượu, và có lẽ ông ta sẽ chết rét nếu như tôi cứ để mặc ông ngoài đường. Tôi bèn hỏi xem nhà ông ở đâu.

– Đây là phố nào nhỉ? Ông kêu lên, gần như phát khóc. Tôi không biết đi lối nào cả.

Tôi ôm ngang thắt lưng ông và kéo đi, vừa đi vừa hỏi xem nhà ông ở đâu.

– Ở Bulak! Ông lắp bắp, người run lên. Ở Bulak… Ở đó có nhà tắm công cộng… Ngôi nhà…

Ông bước lảo đảo, loạng choạng, cản trở bước chân tôi. Tôi nghe tiếng hai hàm răng ông đập vào nhau.

– Si tu savais…(Nếu mi biết…) Người đàn ông vừa lắp bắp vừa đẩy tôi ra.

– Ông nói gì thế?

Ông ta dừng lại, giơ tay lên, nói rành rọt và như tôi cảm nhận được có vẻ tự hào:

– Si tu savais où je te mène… (Nếu mi biết ta đưa mi đi đâu…)

Rồi ông nhét mấy ngón tay vào miệng, lảo đảo như sắp ngã. Tôi ngồi xuống, xốc ông lên lưng và cõng đi. Ông tì cằm vào đầu tôi, càu nhàu:

– Nếu mi biết… Nhưng tôi đang chết cóng đây. Trời ơi…

Đến Bulak, khó khăn lắm tôi mới hỏi được ông ta xem ông ở nhà nào. Cuối cùng, chúng tôi chui vào phòng ngoài của một chái nhà nhỏ ẩn sâu trong sân, giữa làn lốc tuyết mịt mù. Ông ta sờ soạng cửa, gõ một cách thận trọng và thì thầm:

– Suỵt…! Khẽ chứ…

Người mở cửa là một người đàn bà mặc áo choàng đỏ, tay cầm ngọn nến đang cháy. Bà ta nhường lối cho chúng tôi, lặng lẽ lánh sang một bên, rồi rút ở đâu ra một cái kính cầm tay và bắt đầu chăm chú quan sát tôi.

Tôi bảo bà ta rằng hai tay ông ấy có lẽ đã bị lạnh cóng rồi, cần cởi quần áo cho ông và đỡ ông đi nằm.

– Thế à? Bà ta hỏi bằng giọng ngân vang và trẻ trung.

– Nên nhúng hai tay vào nước lạnh…

Bà ta im lặng, cầm chiếc kính chỉ vào góc nhà. Tại đấy, trên một cái giá vẽ có đặt bức tranh họa cảnh sông và cây cối. Tôi ngạc nhiên liếc nhìn nét mặt người đàn bà, nét mặt lạnh lùng kì lạ. Bà ta đi lại góc phòng, đến bên chiếc bàn đặt ngọn đèn có chao màu hồng đang tỏa sáng. Bà ta ngồi xuống, lấy trên mặt bàn một lá bài và bắt đầu ngắm nghía nó.

– Bà không có rượu vodka ư? Tôi hỏi to.

Người đàn bà không trả lời, tiếp tục sắp xếp những lá bài trên mặt bàn. Người đàn ông mà tôi đưa về ngồi trên ghế tựa, đầu gục xuống ngực, hai bàn tay đỏ bừng buông thõng. Tôi đặt ông ta nằm xuống đi văng và bắt đầu cởi quần áo cho ông. Tôi chẳng hiểu gì cả. Cứ như đang sống trong giấc mơ. Bức tường trước mặt tôi, phía trên đi văng, kín mít toàn ảnh chụp, giữa những tấm ảnh lấp lánh một vòng hoa vàng quấn nơ trắng, cuối dải nơ có đề những chữ vàng:

KÍNH DÂNG GILDA VÔ SONG[32]

– Quỷ tha ma bắt anh đi, nhẹ tay chứ! Người đàn ông rên rỉ khi tôi bắt đầu xoa hai tay cho ông ta.

Người đàn bà ngồi im lặng xếp các quân bài một cách chăm chú. Gương mặt với chiếc mũi nhọn của bà trông như mặt chim; cặp mắt to không hề chớp rực sáng. Lúc này bà đang dùng hai bàn tay như tay thiếu nữ vò rối bù mớ tóc bạc của mình mớ tóc lộng lẫy hệt như một mớ tóc giả và hỏi khe khẽ nhưng nghe rất vang:

– Có gặp Misha không, Georgiys?

Georgiys đẩy tôi ra, ngồi dậy thật nhanh, hấp tấp nói:

– Nhưng hắn đã đi Kiev rồi.

– Phải, đi Klev. Người đàn bà nhắc lại, mắt vẫn không rời những lá bài.

Giọng bà ta nghe đều đều và lạnh lùng.

– Hắn sắp sửa trở về đấy…

– Thế à?

– Ờ, thật đấy! Sắp sửa…

– Thế à? Người đàn bà nhắc lại.

Georgiys, quần áo cởi còn dở dang, liền nhảy xuống sàn, và chỉ với hai bước nhảy đã quỳ dưới chân người đàn bà, miệng nói gì đó với bà ta bằng tiếng Pháp.

– Tôi yên tâm rồi. Người đàn bà trả lời bằng tiếng Nga.

– Em biết không, anh bị lạc! Bão tuyết, gió kinh khủng. Anh đã tưởng mình bị chết cóng. Georgiys hấp tấp kể, vừa nói vừa vuốt bàn tay đang đặt trên đầu gối của người đàn bà.

Ông ta trạc bốn mươi tuổi. Gương mặt đỏ với cặp môi dày và hàng ria đen của ông có vẻ như đang sợ hãi, hoảng hốt. Ông vuốt mạnh mớ tóc bạc trên cái đầu tròn xoe của mình, nói với giọng mỗi lúc một tỉnh táo hơn.

– Mai chúng ta đi Kiev. Người đàn bà nói, không ra hỏi, cũng không ra bảo.

– Ừ, mai đi! Vả lại em cũng cần phải nghỉ ngơi. Sao em không đi nằm đi, khuya lắm rồi…

– Misha hôm nay không tới à?

– Ồ, không đâu! Bão tuyết thế này… Thôi em đi nằm đi…

Ông ta cầm ngọn đèn trên bàn và dẫn người đàn bà vào một cái cửa nhỏ nằm phía sau tủ sách. Tôi ngồi một mình rất lâu, không nghĩ ngợi gì cả, chỉ lắng nghe giọng nói khe khẽ, khàn khàn của ông ta. Những bàn tay lông lá xù xì kéo lết trên mặt kính cửa sổ. Ngọn nến rụt rè phản chiếu ánh sáng trong vũng tuyết tan. Gian phòng chất đầy đồ đạc, một mùi ấm áp kì lạ bao trùm khắp phòng làm quên lãng mọi ý nghĩ.

Và đây, Georgiys xuất hiện, bước lảo đảo, hai tay cầm cây đèn. Chao đèn đập khe khẽ vào thông phong.

– Bà ấy đi ngủ rồi.

Ông ta đặt ngọn đèn lên bàn, dừng ờ giữa phòng với vẻ đăm chiêu, và không nhìn tôi, ông cất tiếng:

– Hừ, biết nói thế nào? Không có anh có lẽ tôi chết mất… Cảm ơn! Anh là ai?

Ông ta nghiêng đầu, chăm chú lắng nghe tiếng động ở phòng bên và rùng mình.

– Vợ ông đấy à? Tôi hỏi nhỏ.

– Vợ. Tất cả, toàn bộ cuộc đời của tôi đấy! Ông ta nói đứt quãng, không to lắm, hai mắt nhìn xuống sàn.

Rồi ông lại đưa hai bàn tay vuốt tóc thật mạnh.

– Uống trà nhé?

Ông lơ đãng đi về phía cửa ra vào, nhưng dừng lại vì ông sực nhớ ra rằng đứa hầu gái ăn cá bị bội thực đã được đưa đi nhà thương rồi.

Tôi đề nghị đặt ấm samovar, ông gật đầu đồng ý và có lẽ quên rằng quần áo trên người đang cởi dở dang cứ thế đi chân không trên mặt sàn ướt, dẫn tôi vào một căn bếp nhỏ. Đứng tựa lưng vào bếp lò, ông ta nhắc lại:

– Không có anh có lẽ tôi bị chết cóng rồi, cảm ơn!

Bỗng ông rùng mình, nhìn tôi chằm chặp bằng cặp mắt mở to, vẻ sợ hãi:

– Khi ấy thì vợ tôi sẽ thế nào? Trời ơi…

Nhìn qua khe cửa tối om, ông ta nói nhanh, giọng thầm thì:

– Anh thấy đấy, vợ tôi ốm. Đứa con trai của vợ tôi là một nhạc công ở Moskva đã tự tử, vậy mà vợ tôi vẫn chờ đợi nó, đã gần hai năm trời nay rồi…

Sau đó, lúc chúng tôi uống trà, bằng những lời khác thường, rời rạc, ông kể rằng người đàn bà kia là một địa chủ, còn ông là thầy giáo dạy Lịch sử. Ông gia sư cho con trai bà, rồi đem lòng yêu bà. Người đàn bà bỏ chồng một bá tước người Đức và đi hát trong đoàn ca kịch. Họ sống rất hạnh phúc, mặc dù người chồng trước vẫn tìm mọi cách để phá hoại cuộc đời bà.

Ông kể, cặp mắt nheo nheo, nhìn chằm chặp vào một cái gì đó trong bóng tối chập chờn của căn bếp bẩn thỉu với những tấm ván sàn mục nát cạnh bếp lò. Trà nóng quá, ông uống tí một, bị phỏng lưỡi, mặt ông nhăn lại, cặp mắt tròn xoe chớp chớp vẻ sợ hãi.

– Anh là ai? Ông ta hỏi lại một lần nữa. Ừ, thợ làm bánh mì, công nhân. Lạ thật! Không có vẻ gì giống cả. Thế nghĩa là thế nào?

Giọng ông có vẻ như băn khoăn. Ông nhìn tôi một cách hoài nghi bằng con mắt của một người bị săn đuổi.

Tôi kể sơ qua về tôi.

– Thế à? Ông khẽ thốt lên. À, ra thế…

Và bỗng tươi tỉnh hẳn, ông hỏi:

– Anh có biết câu chuyện cổ tích Chú vịt xấu xí không? Đã đọc chưa?

Mặt ông méo xệch đi. Ông bắt đầu nói với vẻ phẫn nộ, giọng nói khàn khàn của ông lên cao một cách không tự nhiên, gần như rít lên, làm tôi rất ngạc nhiên.

– Chuyện ấy hấp dẫn thật! Vào tuổi anh tôi cũng nghĩ: Không hiểu mình có phải là thiên nga không? Và rồi thì… Đáng lẽ phải vào học viện, thì lại vào đại học. Cha tôi, một linh mục, từ bỏ tôi. Ở Paris tôi nghiên cứu những trang sử đau thương của nhân loại, lịch sử tiến bộ của loài người. Tôi đã viết, phải. Ồ, sau tất cả những cái đó…

Ông bắt đầu câu chuyện, lắng tai nghe một chút và sau đó kể tiếp:

– “Tiến bộ” đó chẳng qua chỉ là chuyện loài người bịa ra đế tự an ủi mà thôi! Cuộc sống vô nghĩa lí, mất hết ý nghĩa. Không có chế độ nô lệ thì không có tiến bộ, không có đa số chinh phục thiểu số thì loài người sẽ dừng lại trên đường đua của mình. Muốn cải thiện cuộc sống, muốn giảm nhẹ lao động, nhưng kết quả là chúng ta làm cho cuộc sống thêm phức tạp, lao động thêm nặng nhọc. Dùng công xưởng và máy móc để chế tạo thêm máy móc, điều đó thật là ngu xuẩn! Công nhân mỗi ngày một đông, trong khi đó thì chỉ cần nông dân sản xuất ra lúa mì là đủ. Lúa mì đó là tất cả những gì cần giành lấy ở thiên nhiên bằng lao động. Nhu cầu của con người càng ít bao nhiêu thì người ta càng hạnh phúc bấy nhiêu, càng nhiều ước vọng bao nhiêu thì càng ít tự do bấy nhiêu.

Có thể những lời đó không hoàn toàn như vậy, nhưng quả thực ý nghĩ khiến người ta phải choáng váng ấy tôi mới được nghe lần đầu, nhất là lại rõ nét, trần trụi nhường ấy. Sau một hồi la thét vì xúc động, ánh mắt ông rụt rè dừng lại trên cánh cửa thông vào các phòng bên trong. Ông nghe ngóng động tĩnh một phút rồi thì thầm với một vẻ gần như giận dữ:

– Anh nên biết, điều mỗi người cần không nhiều lắm đâu: một mẩu bánh mì và một người đàn bà…

Sau khi nói về đàn bà bằng giọng thì thầm có vẻ bí mật, bằng những từ ngữ tôi chưa từng biết và những câu thơ tôi chưa từng đọc, ông ta bỗng giống như gã ăn cắp Bashkin.

– Beatrice, Fiammetta, Baura, Ninon[33]. Ông thì thầm nhắc đến những cái tên không quen thuộc đối với tôi và kể chuyện những ông vua, những thi sĩ si tình. Ông đọc thơ Pháp, vừa đọc vừa giơ cánh tay khẳng khiu để trần đến tận khuỷu đánh nhịp theo. Ái tình và đói rét đang thống trị thế giới.

Tôi nghe thấy giọng thì thầm sôi nổi và sực nhớ ra rằng câu này đã được in bên dưới nhan đề một cuốn sách nhỏ mang tính cách mạng: Ông vua đói. Điều đó khiến tôi càng cảm thấy lời nói của ông có ý nghĩa trọng đại.

– Người ta đi tìm sự lãng quên, sự an ủi, chứ đâu có đi tìm kiến thức!

Ý kiến đó khiến tôi hoàn toàn kinh ngạc.

Khi tôi rời khỏi căn bếp, trời đã sáng. Chiếc đồng hồ nhỏ treo trên tường chỉ sáu giờ hơn. Tôi lội qua những đống tuyết giữa sương mù u ám, nghe tiếng rít của bão tuyết và nhớ lại những lời la hét dữ tợn của con người bơ phờ kia. Tôi thấy những lời nói của ông đã ngưng lại đâu đó trong cổ họng mình, khiến tôi nghẹt thở. Tôi không muốn trở về xưởng và trông thấy những người đồng nghiệp kia nữa. Tuyết bám khắp người, tôi cứ tha thẩn trên những con đường trong xóm Tatar, mãi cho đến lúc trời sáng hẳn và giữa những đợt sóng tuyết đã bắt đầu thấp thoáng bóng người dân của thành phố.

Tôi không bao giờ gặp lại ông giáo ấy nữa, và tôi cũng không muốn gặp ông ta. Nhưng sau này, còn nhiều lần tôi nghe thấy người ta nói cuộc sống là vô nghĩa và lao động là vô ích. Đó là lời của những lữ khách thất học, những kẻ lang thang không nhà không cửa, những người theo “chủ nghĩa Tolstoy”[34] và những người có học vấn cao. Linh mục, giáo sư thần học, nhà hóa học nghiên cứu về chất nổ, nhà sinh vật học theo thuyết “hoạt lực mới”[35] và nhiều người khác nữa cũng nói như vậy. Nhưng những tư tưởng ấy không khiến tôi sửng sốt như lần đầu tiên nữa.

Mãi tới hai năm trước hơn ba mươi năm sau cuộc trò chuyện đầu tiên về vấn đề này tôi bỗng được nghe cũng những ý nghĩ đó bằng cũng những lời nói đó từ miệng một người quen cũ của tôi, một công nhân.

Một lần, tôi và anh ta có dịp “tâm tình”. Con người ấy nhà chính trị giảo quyệt” như anh thường vừa tự xưng vừa nhếch mép cười một cách buồn bã đã nói với tôi bằng một lòng thành thật mạnh dạn mà có lẽ chỉ những người Nga mới có được:

– Aleksej Maksimich thân mến ạ, tớ chẳng cần gì hết, nào học viện, nào khoa học, nào máy bay… đều chẳng để làm gì cả, toàn là vô dụng! Chỉ cần một xó yên tĩnh và một mụ đàn bà để khi nào muốn thì hôn hít và được hôn lại một cách thành thật, bằng tâm hồn và thể xác, như vậy đó. Cậu lí luận theo kiểu người trí thức, cậu không còn là người của chúng tớ nữa mà đã bị mê hoặc rồi. Đối với cậu, tư tưởng cao quý hơn con người. Có phải cậu nghĩ như người Do Thái, rằng con người sinh ra là để cho ngày Sabbath[36] phải không?

– Người Do Thái họ không nghĩ như vậy…

– Có quỷ biết được chúng nghĩ như thế nào, cái bọn ngu dốt ấy. Anh ta trả lời, cầm mẩu thuốc lá ném xuống sông và đưa mắt dõi theo.

Chúng tôi ngồi bên bờ sông Neva, trên chiếc ghế bằng đá hoa cương trong một đêm thu trăng sáng. Cả hai chúng tôi đều khổ sở vì một ngày lo lắng vô ích, vì cái ước vọng bướng bỉnh nhưng vô ích: Muốn làm được một điều gì tốt, có ích.

– Cậu đi với chúng tớ, nhưng cậu không phải là người của chúng tớ, tớ muốn nói như vậy đấy! Anh ta khẽ nói tiếp, giọng đắn đo. Bọn trí thức thích phiền nhiễu, từ bao thế kỉ nay chúng gắn với những cuộc nổi loạn. Chúa Jesus là một kẻ mơ mộng đã nổi loạn vì những lí tưởng xa lạ nào thì bọn trí thức cũng nổi loạn vì những mộng tưởng viển vông như thế. Hễ cứ có một kẻ ôm mộng tưởng nổi loạn là lập tức có bọn vô dụng, đê tiện, vô lại đi theo ngay. Tất cả chỉ vì tức giận mà thôi, vì chúng thấy trong cuộc sống không có chỗ đứng cho chúng. Người công nhân khởi nghĩa vì cách mạng, họ cần đạt được sự phân phối công bằng các công cụ và sản phẩm lao động. Sau khi hoàn toàn giành được chính quyền, anh tưởng họ sẽ tán thành thành lập nhà nước đấy phỏng? Không đời nào! Tất cả sẽ đi mỗi người mỗi ngả, và mỗi người sẽ chỉ lo tìm cho mình một xó yên tĩnh…

Anh nói đến kĩ thuật ư? Nó chỉ tổ siết chặt thêm cái thòng lọng trên cổ chúng tôi, trói buộc chúng tôi chặt hơn mà thôi. Không, cần phải được giải phóng khỏi lao động vô ích. Con người muốn yên ổn. Nhà máy và khoa học không đem lại sự yên ổn. Mỗi người cần không nhiều lắm. Việc gì tôi phải xây dựng thành phố khi mà tôi chỉ cần một ngôi nhà nhỏ! Nơi nào người ta sống chồng chất lên nhau, nơi đó có nào ống dẫn nước, nào cống rãnh, nào đèn điện. Hãy cứ thử sống không có những thứ đó xem, thật dễ chịu biết bao! Không, chúng ta thừa nhiều thứ lắm. Và tất cả những thứ đó đều là do bọn trí thức tạo nên. Chính vì thế mà tôi nói bọn trí thức là loại người có hại.

Tôi lại nhấn mạnh rằng không dân tộc nào biết phủ nhận ý nghĩa cuộc sống một cách sâu sắc và kiên quyết như những người Nga.

– Một dân tộc có tâm hồn phóng khoáng nhất. Anh bạn tôi mỉm cười. Nhưng anh đừng giận. Tôi nói đúng đấy. Hàng triệu người của chúng ta đang nghĩ như vậy, nhưng họ không biết nói ra thôi… cần tổ chức cuộc sống một cách giản đơn hơn, như vậy cuộc sống sẽ nhân từ với con người ta hơn…

Tôi biết rõ lịch sử diễn biến tư tưởng của con người đó; anh ta chưa bao giờ là một người theo “chủ nghĩa Tolstoy”, cũng chưa từng tỏ ra có xu hướng theo chủ nghĩa vô chính phủ.

Sau cuộc nói chuyện với anh ta, bất giác tôi nghĩ: Sẽ thế nào đây nếu như quả thật hàng triệu người Nga chịu đựng những khổ sở nặng nề của cách mạng chỉ vì họ ấp ủ sâu trong lòng niềm hi vọng được giải phóng khỏi lao động? Lao động ít nhất mà hưởng thụ nhiều nhất điều đó, giống như tất cả những gì không thể thực hiện được, giống như bất kì điều không tưởng nào, có sức quyến rũ và hấp dẫn vô cùng mãnh liệt.

Tôi nhớ lại một bài thơ của Henrik Ibsen:

Tôi là người theo chủ nghĩa bảo thủ?

Ồ, không!

Suốt đời tôi thế nào, tôi vẫn là thế đó;

Tôi không muốn di chuyển những quân cờ,

Tôi muốn xáo trộn cả bàn cờ.

Tôi chỉ nhớ có một cuộc cách mạng,

Cuộc cách mạng ấy ưu việt hơn những cuộc sau này,

Nó có thể phá tan tất thảy,

Đương nhiên, tôi muốn nói đến Đại Hồng Thủy,

Nhưng, ngay khi đó, ma quỷ cũng bị lừa,

Anh biết đấy, Noah đã trở thành kẻ độc tài.

Ồ, nếu như có thể, với chiến binh và những nhà hùng biện,

Tôi sẽ không từ chối giúp anh,

Hãy dẫn Đại Hồng Thủy đến nhanh,

Tôi sẽ vui lòng phóng thủy lôi!

Cửa hiệu của Derenkov đem lại khoản thu nhập không đáng kể, nhưng số người và số “việc” cần đến sự giúp đỡ vật chất thì cứ mỗi ngày một tăng.

“Cần phải nghĩ ra cách gì mới được.” Chắc Andrej sẽ nói vậy, tay mân mê bộ râu vẻ lo lắng, cũng có thể anh sẽ nở nụ cười cười hối lỗi hoặc khẽ thở dài.

Tôi có cảm tưởng rằng con người đó tự coi mình như một kẻ bị kết án khổ sai vô thời hạn, buộc phải giúp đỡ mọi người, và tuy đã thuận theo hình phạt ấy, đôi lúc nó vẫn làm cho anh ta đau khổ.

Nhiều lần, bằng những lời lẽ khác nhau, tôi hỏi:

‘Tại sao anh lại đi làm cái việc ấy?

Hình như anh không hiểu câu hỏi của tôi, nên thường trả lời chệch sang câu hỏi “Để làm gì?” Anh nói một cách sách vở và khó hiểu về cuộc sống nặng nề của nhân dân, về sự cần thiết của giáo dục, của kiến thức.

– Thế người ta có thích kiến thức và có tìm đến kiến thức không?

– Ồ, hẳn là có. Tất nhiên! Ngay cả anh cũng thích, phải không?

– Đúng, tôi thích. Nhưng tôi còn nhớ những lời của ông giáo dạy Sử: “Người ta đi tìm sự lãng quên, sự an ủi, chứ đâu có phải đi tìm kiến thức.”

Đối với những thanh niên tuổi mười bảy, tiếp xúc với những tư tưởng sâu sắc như vậy chỉ có hại. Các ý tưởng họ cùn dần qua những cuộc tiếp xúc ấy, và bản thân họ thì cũng chẳng thu nhận thêm được gì.

Tôi bắt đầu nghĩ rằng lúc nào tôi cũng chỉ thấy có mỗi một cảnh tượng: Người ta thích những câu chuyện hay chỉ vì những câu chuyện đó cho phép người ta quên đi cái cuộc sống nặng nề nhưng quen thuộc trong khoảng một tiếng đồng hồ. Chuyện càng “khoác” nhiều bao nhiêu thì người ta càng say mê lắng nghe nó bấy nhiêu. Cuốn sách hay nhất là cuốn sách mà trong đó có nhiều chuyện được bịa khéo léo. Nói tóm lại, tôi như kẻ đang mò mẫm trong một đám sương mù dày đặc.

Derenkov quyết định mở cửa hiệu bánh mì. Tôi còn nhớ, khi ấy người ta tính toán một cách vô cùng chính xác là cứ với mỗi rúp bỏ ra thì cửa hiệu phải được lãi ít nhất là ba mươi lăm kopek. Tôi làm phụ tá cho người thợ chính, và với tư cách là “người của mình”, tôi phải theo dõi không cho người đó ăn cắp bột, trứng, bơ hay bánh mì thành phẩm.

Và thế là tôi được chuyển từ căn hầm lớn bẩn thỉu sang một căn hầm nhỏ, sạch sẽ hơn giữ gìn căn hầm sạch sẽ là trách nhiệm của tôi. Thay cho một nhóm bốn mươi người, trước mặt tôi chỉ có một người.

Người ấy có tóc mai bạc, chòm râu ngắn, nhọn, mặt gầy, da sạm màu bồ hóng, hai mắt đen vẻ đăm chiêu và một cái miệng kì lạ, nhỏ xíu hệt như mồm cá vược, cặp môi mọng, chum chúm tựa đang hôn ai. Trong đôi mắt sâu thăm thẳm ánh lên một vẻ giễu cợt.

Dĩ nhiên là bác ta ăn cắp. Ngay đêm làm việc đầu tiên bác đã đem giấu một chục trứng, gần một cân rưỡi bột funt và một miếng bơ to.

– Những thứ ấy đem đi đâu thế?

– Đem cho một cô nàng. Bác ta nói một cách thân mật, sống mũi nhăn lại. Cô em xiinh ra phết!

Tôi cố thuyết phục để bác ta thấy rằng ăn cắp là tội lỗi. Nhưng, hoặc vì tôi không đủ tài hùng biện, hoặc vì chính tôi cũng không tin chắc lắm vào những điều tôi định chứng minh, thành thử lời nói của tôi chẳng có hiệu lực gì.

Nằm trên hòm bột ngắm những ngôi sao qua cửa sổ, bác thợ làm bánh lẩm bẩm với vẻ ngạc nhiên:

– Nó dạy mìnhl Mới gặp lần đầu mà đã định dạy nhau. Mà tuổi mình lại chẳng gấp ba tuổi nó ấy à. Thật là buồn cười…

Bác ta ngắm nghía các vì sao và hỏi:

– Hình như tôi đã gặp chú ở đâu rồi thì phải. Trước chú làm việc cho ai? Cho Semyonov à? Chỗ bọn làm loạn ấy à? Ồ, thế ra tôi thấy chú trong giấc mơ…

Mấy hôm sau tôi nhận ra con người đó có thể ngủ bao nhiêu cũng được và ở bất kì chỗ nào, thậm chí đứng tựa vào cái xẻng bỏ bánh vào lò cũng ngủ được. Khi ngủ, bác ta rướn cặp lông mày lên và nét mặt bác thay đổi một cách kì lạ, vẻ kinh ngạc và mỉa mai. Đề tài bác ta ưa thích là chuyện về các kho của và những giấc mơ. Bác ta nói một cách tin tưởng:

– Tôi nhìn thấu suốt được trái đất. Nó cũng như chiếc bánh nướng vậy, trong ruột đầy những kho của: Hòm và lọ đựng tiền chôn khắp nơi. Nhiều lần tôi nằm mơ thấy một nơi quen thuộc, như nhà tắm chẳng hạn, ở góc, phía dưới có chôn một hòm đựng toàn bát đĩa bằng bạc. Tôi thức dậy giữa đêm và đi ra đào. Đào được khoảng một arshin[37] rưởi thì thấy than vụn và một cái đầu lâu chó. Đấy, của đấy!… Bỗng, xoảng! Kính cửa sổ vỡ tan, và một bà nào đó hét ầm lên: “Làng nước ôi, trộm!” Tất nhiên là tồi chạy mất, nếu không người ta nện cho nhừ tử. Thật là buồn cười!

Tôi thường được nghe câu đó: “Thật là buồn cười!” Nhưng Ivan Kozmich Lutonin không cười, chỉ có cặp mắt bác nheo lại trông như mỉm cười, chân mũi nhăn, hai lỗ mũi nở rộng ra.

Những giấc mơ của bác không li kì, chúng cũng buồn tẻ và vô nghĩa như thực tại vậy. Và tôi không hiểu tại sao bác ta kể chuyện về những giấc mơ thì say sưa như thế, mà lại không thích nói về cuộc sống xung quanh?[38]

Cả thành phố xôn xao vì chuyện một cô gái, con một nhà buôn chè giàu có, bị cưỡng ép gả gán, sau khi làm lễ cưới đã tự sát bằng súng. Đi đưa đám cô ta có một đám đông thanh niên hàng mấy nghìn người. Anh em sinh viên đọc điếu văn trước mộ cô, và cảnh sát đến giải tán họ. Trong cửa hiệu bên cạnh lò bánh, mọi người bàn tán ầm ĩ về tấn bi kịch này. Gian phòng phía trong cửa hiệu chật ních các sinh viên. Những giọng sôi nổi, những lời gay gắt vọng vào căn hầm của chúng tôi.

– Tại lúc bé người ta ít cho cô ta ăn đòn quá đấy mà! Lutonin nói rồi kể với tôi. Tôi mơ thấy mình đang bắt cá chép dưới hồ, bỗng một viên cảnh sát xuất hiện. “Đứng lại! Anh to gan thế à?” Không biết chạy đi đâu, tôi liền lặn xuống nước, thế là tỉnh dậy…

Tuy cuộc sống thực dường như diễn ra ở đâu đâu bên ngoài tầm chú ý của bác ta, chẳng bao lâu bác cũng bắt đầu cảm thấy rằng trong cửa hiệu có cái gì khác thường. Phụ trách việc buôn bán là mấy ả chẳng có năng lực bán buôn, suốt ngày ngồi đọc truyện. Đó là cô em gái của chủ hiệu và bạn cô ta một ả to béo, má hồng, có đôi mắt dịu dàng. Anh em sinh viên thường tới đây, ngồi rất lâu trong căn phòng phía trong cửa hiệu, la hét hoặc thì thầm với nhau những chuyện gì đó. Ông chủ ít khi có mặt, còn tôi anh chàng phụ việc lại thành ra quản lí của cửa hiệu.

– Chú có họ với ông chủ à? Lutonin hỏi. Hay ông ta định nhắm chú làm em rể đấy? Không phải à? Thật là buồn cười. Thế bọn sinh viên chúng nó cứ quanh quẩn ở đây làm gì? Vì có các cô tiểu thư… Hừ… Được, có thể là thế… Có điều các cô cũng chẳng lấy gì làm đẹp lắm… Xem chừng các chú sinh viên đến để ăn bánh hơn là vì thích các cô…

Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng năm, sáu giờ sáng là ở ngoài đường, bên cửa sổ lò bánh lại xuất hiện một cô gái thấp lè tè. Như được chắp lại từ hai nửa hình cầu có kích thước khác nhau, cô ta nom giống một cái túi đựng dưa hấu. Ngồi đu đưa hai bắp chân trần trên cái hố trước cửa sổ, cô ta vừa ngáp vừa gọi:

– Vanya!

Đầu cô trùm một chiếc khăn sặc sỡ. Những mớ tóc quăn vàng óng tuột khỏi khăn, xõa xuống cái trán thấp, lòa xòa thành những vòng tròn nhỏ trên cặp má đỏ phinh phính như hai quả bóng đồ chơi và chọc vào cặp mắt ngái ngủ. Cô đưa hai bàn tay bé nhỏ uể oải gạt những lọn tóc ở trên mặt, xòe ngón tay ra một cách ngộ nghĩnh, hệt như một đứa trẻ sơ sinh. Lạ thật! Có thể nói chuyện gì với một cô gái như vậy? Tôi đánh thức bác thợ dậy. Bác ta hỏi cô:

– Đến rồi à?

– Thì anh thấy đấy!

– Có ngủ được không?

– Hừ, sao lại không?

– Có mơ thấy gì không?

– Không nhớ…

Trong thành phố thật là yên tĩnh. Tuy vậy, đâu đó vẫn nghe tiếng chổi quét sân, tiếng chim sẻ vừa thức dậy hót ríu rít. Những tia nắng ấm áp buổi bình minh rọi vào kính cửa sổ. Tôi rất thích những phút trầm ngâm suy tư khi bắt đầu một ngày mới. Bác thợ thò cánh tay lông lá qua cửa sổ, cấu vào bắp chân cô gái. Cô thờ ơ để yên, không mỉm cười, chỉ chớp chớp cặp mắt cừu non.

– Peskov, lấy bánh sữa ra đi, được rồi đấy!

Tôi lôi những lá sắt trong lò ra, bác thợ vơ lấy một chục chiếc cả plyushka, sloika và saika[39] ném vào vạt váy của cô gái. Cô này cầm chiếc bánh nóng bỏng chuyền từ tay nọ sang tay kia và nhe những chiếc răng vàng như răng cừu ra để cắn bánh. Bị bỏng, cô rên rỉ xuýt xoa vẻ bực tức.

Bác thợ ngắm nghía cô và nói:

– Kéo gấu váy xuống, rõ không biết dơ…

Và khi cô ả đi khỏi, bác khoe với tôi:

– Đã thấy chưa? Y như một con cừu tơ vậy, cứ là quăn tít hết. Tớ ấy mà, chú em ạ, là người ưa sạch sẽ, tớ không có thèm đám các bà, tớ chỉ đi lại với bọn con gái thôi. Con này là con thứ mười ba của tớ đấy! Nó là con nuôi lão Nikiforich.

Nghe giọng nói khoái trá của bác ta, tôi nghĩ: “Mình cũng sẽ sống như thế sao?”

Tôi lấy mẻ bánh mì trắng bán theo cân ra khỏi lò rồi xếp lên một tấm gỗ dài độ mươi mười hai chiếc bánh tròn và vội vã đem ra cửa hiệu của Derenkov. Trở lại, tôi lấy độ hai pood bánh mì và bánh sữa xếp đầy vào một cái lẵng và chạy đến Đại chủng viện để kịp bữa trà sáng của sinh viên. Tại đây, trong một phòng ăn rất rộng, tôi đứng ở cửa ra vào, đưa bánh cho các sinh viên mua theo lối “ghi sổ nợ” và “trả tiền ngay”. Tôi đứng nghe những tranh luận của họ về Tolstoy. Gusev, một trong những giáo sư của Viện, là kẻ thù cuồng bạo của Lev Tolstoy. Đôi khi trong lẵng của tôi, phía dưới chồng bánh, có những tập sách mỏng; tôi phải bí mật nhét những tập sách ấy vào tay một sinh viên nào đấy. Thỉnh thoảng anh em sinh viên cũng giấu sách và thư từ vào lẵng của tôi.

Mỗi tuần một lần, tôi phải đi xa hơn nữa, tới “Nhà điên”, nơi bác sĩ thần kinh Bekhterev thường giảng bài và dùng người bệnh để minh họa. Một hôm ông ta cho các sinh viên xem một người mắc bệnh hoang tưởng. Khi người đó xuất hiện ở cửa giảng đường, mặc đồ trắng, đầu đội cái mũ giống như một chiếc bít tất dài, bất giác tôi mỉm cười. Nhưng người đó bỗng dừng lại một giây bên cạnh tôi và nhìn vào mặt tôi. Tôi lùi lại, dường như trái tim tôi bị ánh mắt sắc lẻm và đen nhánh của anh ta đâm xuyên. Và suốt quãng thời gian Bekhterev vừa giật giật bộ râu vừa nói chuyện một cách kính cẩn với người bệnh, tôi lấy tay xoa mặt nhè nhẹ, dường như khuôn mặt tôi bị một lớp bụi nóng bỏng thiêu đốt.

Người bệnh nói bằng giọng trầm khàn, anh ta yêu cầu điều gì đó; từ ống tay áo choàng, vẻ dọa dẫm, anh ta giơ cánh tay khẳng khiu với những ngón tay dài. Tôi có cảm tưởng toàn thân anh ta dài ra một cách kì lạ rồi lớn lên vô tận, và với cánh tay đen sạm ấy, anh không cần dời khỏi chỗ cũng sẽ với được tới tôi, nắm lấy cổ họng tôi. Từ hai hốc mắt đen sì trên bộ mặt gầy gò, cái nhìn xuyên thấu của cặp mắt đen ánh lên vẻ hăm dọa và hống hách. Có khoảng hai chục sinh viên quan sát người đàn ông đội chiếc mũ kì dị đó. Một số ít mỉm cười, còn đa số nhìn một cách chăm chú và buồn rầu. So với cặp mắt như muốn thiêu cháy tất cả của anh ta thì những đôi mắt của các sinh viên có vẻ bình thường quá. Anh ta trông thật đáng sợ, và trong anh có một điều gì thật oai nghiêm quả như thế!

Giữa sự im lặng như tờ của đám sinh viên, giọng ông giáo sư vang lên rành rọt. Mỗi câu hỏi của ông lại làm cho người bệnh có giọng nói khàn khàn thốt lên những tiếng kêu hăm dọa. Giọng nói đó hình như vọng ra từ dưới sàn nhà, từ những bức tường trắng im lìm như chết. Dáng điệu của người bệnh chậm chạp và trịnh trọng như một đức giám mục.

Đêm hôm ấy, tôi làm một bài thơ về người bị bệnh hoang tưởng. Tôi gọi anh ta là “vị chúa tể của mọi chúa tể, người bạn và cố vấn của Chúa”. Và rất lâu sau, hình ảnh của người đó cứ luẩn quẩn bên tôi, quấy rầy cuộc sống của tôi.

Tôi làm việc từ sáu giờ tối cho đến gần trưa hôm sau, buổi trưa thì phải ngủ bù nên chỉ có thể đọc sách vào những lúc rảnh tay giữa buổi làm việc: sau khi nhào bột xong, chờ cho bột chua, và sau khi đã cho bánh vào lò. Tôi càng nắm được bí quyết nghề nghiệp bao nhiêu thì bác thợ làm bánh lại càng làm việc ít bấy nhiêu. Bác ta “dạy bảo” tôi, giọng nói thân mật lộ vẻ ngạc nhiên:

– Chú có năng lực làm việc đấy, một hai năm nữa chú sẽ trở thành thợ làm bánh. Thật là buồn cười. Chú còn trẻ, người ta sẽ không nghe lời chú và không kính trọng chú đâu…

Trước sự ham mê đọc sách của tôi, thái độ của bác có vẻ không đồng tình:

– Giá chú đừng đọc sách, nên đi ngủ thì hơn. Bác ta khuyên tôi với vẻ săn sóc ân cần, nhưng không khi nào bác hỏi tôi đọc sách gì.

Những giấc mộng và ước mơ về các kho của cùng cô ả béo tròn và lùn tịt đã hoàn toàn choán lấy bác. Cô ả thường lui tới vào ban đêm. Những lúc đó thì hoặc bác ta đưa cô ả ra gian ngoài, chỗ để những bao bột, hoặc nếu trời lạnh thì bác ta nhăn sống mũi lại và bảo tôi:

– Hãy ra ngoài độ nửa tiếng.

Tôi vừa bước ra vừa nghĩ: “Sao mà thứ tình yêu này khác với tình yêu được miêu tả trong sách đến thế…”

Cô em gái của ông chủ sống trong một căn buồng nhỏ phía sau cửa hàng. Tôi thường đun nước bằng ấm samovar cho cô, nhưng tôi cố làm thế nào để ít giáp mặt cô nhất; đứng trước cô tôi thấy lúng túng. Đôi mắt trẻ thơ của cô vẫn làm tôi khó chịu như những lần gặp gỡ đầu tiên. Trong đáy mắt cô tôi nghi có một nụ cười, và tôi cảm thấy đó là một nụ cười giễu cợt.

Sức lực quá dồi dào khiến tôi thành ra vụng về. Nhìn tôi vần và kéo những bao nặng hàng năm poody bác thợ nói với vẻ thương hại:

– Sức lực của chú bằng ba người khác, nhưng sự khéo léo thì không có. Tuy chú cao nhưng dù sao cũng chỉ là một con bò đực…

Mặc dầu đọc khá nhiều sách, yêu thơ và đã bắt đầu làm thơ, tôi vẫn cứ nói bằng những “lời của mình”. Tôi cảm thấy chúng nặng nề, cục cằn, nhưng tôi cảm tưởng rằng chỉ bằng những lời đó tôi mới diễn đạt được những ý tưởng vô cùng lộn xộn của mình. Đôi khi tôi cố tình ăn nói lỗ mãng vì muốn phản kháng điều gì đó xa lạ với tôi và khiến tôi tức giận.

Một trong những người thầy của tôi là anh sinh viên khoa toán từng trách tôi:

– Có quỷ biết được là anh ăn nói như thế nào. Không phải bằng lời, mà bằng những quả tạ!…

Nói chung, chính tôi cũng không ưa tôi, đó là điều thường thấy ở lứa tuổi thiếu niên. Tôi thấy mình buồn cười và lỗ mãng. Gương mặt với hai gò má cao trông giống người Kalmyk[40], còn giọng nói thì thường không chịu nghe theo tôi tí nào cả.

Cô em gái của ông chủ đi lại nhanh nhẹn và khéo léo như một con chim én bay trong không trung. Tôi có cảm giác những cử động nhẹ nhàng đó trái ngược với thân hình mềm nhẽo và béo tròn của cô. Có điều gì không thực trong điệu bộ và dáng đi của cô, một điều gì như cố ý. Giọng cô vang lên vui vẻ, cô rất hay cười. Nghe tiếng cười trong trẻo đó, tôi nghĩ cô muốn khiến tôi quên đi ấn tượng đầu tiên của tôi về cô. Nhưng tôi lại không muốn quên. Tôi rất quý trọng sự khác thường, tôi cần biết rằng nó có thể xảy ra, rằng nó hiện đang tồn tại.

Thỉnh thoảng cô hỏi tôi:

– Anh đang đọc gì thế?

Tôi trả lời rất ngắn gọn và muốn hỏi lại cô:

– Thế cô cần biết điều đó để làm gì?

Một hôm, bác thợ làm bánh vừa vỗ về cô ả lùn tịt vừa nói với tôi bằng giọng say rượu:

– Hãy ra ngoài kia một lát. Ồ, sao chú mày không vào với con em lão chủ ấy, còn chờ gì? Ngay bọn sinh viên…

Tôi dọa sẽ dùng quả cân đập vỡ đầu bác ta nếu bác còn nói những lời như thế nữa. Nói rồi tôi bỏ ra phòng ngoài, leo lên ngồi trên các bao bột. Qua khe cửa khép không chặt, tôi nghe thấy tiếng Lutonin:

– Việc gì anh phải cáu với nó? Suốt ngày nó chỉ đọc sách và sống như một thằng điên vậy…

Ở phòng ngoài, chuột kêu chí chóe và chạy rậm rịch, ở trong lò bánh thì cô gái nức nở và rên rỉ. Tôi bước ra sân. Ngoài trời mưa phùn lất phất. Tuy vậy, tôi vẫn thấy ngột ngạt, không khí nồng nặc mùi cháy rừng khét lẹt. Đã quá nửa đêm từ lâu. Những ô cửa sổ của ngôi nhà đối diện hiệu bánh vẫn còn mờ sáng. Trong những căn phòng đèn thắp không tỏ lắm, có tiếng hát vọng ra:

Chính thánh Varlami

Trên đầu vàng rực ánh hào quang

Từ trên cao nhìn xuống phía họ

Mỉm cười…

Tôi cố hình dung cảnh Mariya Derenkova nằm trong lòng tôi giống như cô ả của bác thợ làm bánh nằm trong lòng bác ta. Nhưng tôi cảm nhận sâu sắc rằng điều đó là không thể được, thậm chí còn rất kinh khủng nữa.

Suốt đêm cho tới sáng

Nó vừa uống rượu vừa hát

Và, ôi!… Nó còn…

Làm gì đó nữa…

Tiếng “ôi” ồ và trầm nổi lên mạnh mẽ giữa bản đồng ca. Tôi cúi xuống, chống hai tay lên đầu gối và nhìn vào ô cửa. Qua tấm rèm đăng ten tôi trông thấy một căn hầm hình vuông. Những bức tường màu xám được chiếu sáng bằng ngọn đèn nhỏ đặt dưới cái chụp màu xanh da trời. Trước đèn, một cô gái đang ngồi viết, mặt quay về phía cửa sổ. Cô ta ngẩng đầu lên và lấy chiếc quản bút màu đỏ sửa lại mớ tóc mai. Cặp mắt cô ta nheo lại, nét mặt như mỉm cười Cô chậm chạp gấp thư, thè lưỡi liếm dọc mép phong bì và dán lại. Rồi, sau khi ném phong thư lên mặt bàn, cô ta giơ ngón tay nhỏ xíu nhỏ hơn ngón tay út của tôi để dọa nó. Nhưng rồi cô lại cầm phong thư lên, cau mày xé phong bì, đọc lại, rồi cho vào một phong bì khác, dán kín, cúi lom khom trên mặt bàn để đề địa chỉ, rồi cầm phong thư vung lên trong không khí như vẫy một lá cờ trắng. Cô vừa lượn vòng tròn, vung vẩy hai tay, vừa đi vào góc phòng, chỗ có kê chiếc giường của cô. Sau đó cô ta lại đi ra từ trong góc, lúc này cô đã cởi áo ngoài, hai vai cô tròn như những chiếc pyushka. Cô cầm ngọn đèn trên bàn và biến mất vào góc phòng. Mỗi khi ta quan sát một người nào đó khi họ đang ở một mình, ta thường cảm thấy người ấy có vẻ điên rồ. Tôi vừa đi lại trong sân vừa nghĩ: Kì quặc thay cuộc sống của cô ả này những khi chỉ có mình cô trong cái hang của cô.

Nhưng mỗi khi chàng sinh viên có bộ tóc hung đến thăm cô và ngồi xuống thì thầm với cô điều gì đó, toàn thân cô co rúm lại, nom nhỏ hơn ngày thường. Cô vừa nhìn anh chàng vừa mỉm cười rụt rè, hai tay giấu sau lưng hoặc dưới gầm bàn. Tôi không ưa anh chàng tóc hung. Rất không ưa.

Bước đi lảo đảo, khăn trùm kín mít, cô gái lùn đi ra và nói bằng giọng khò khè:

– Vào đi…

Bác thợ làm bánh vừa xúc bột trong thùng ra vừa kể cho tôi nghe cô nhân tình của bác biết chiều chuộng và dẻo dai như thế nào. Còn tôi thì nghĩ: “Rồi mình sẽ ra sao đây?”

Tôi có cảm tưởng rằng đâu đây, phía sau góc nhà kia có một nỗi bất hạnh đang chờ đợi tôi.

Công việc kinh doanh của hiệu bánh mì thuận lợi đến nỗi Derenkov bắt đầu tìm một lò bánh khác rộng hơn và quyết định mướn thêm một thợ phụ việc nữa. Điều đó rất tốt. Tôi phải làm quá nhiều việc, tôi mệt đến ngu cả người.

– Đến lò bánh mới chú sẽ làm phụ việc trưởng. Bác thợ hứa với tôi. Tôi sẽ nói để người ta trả cho chú mười rúp một tháng. Đúng thế!

Tôi hiểu rằng có tôi làm phụ việc trưởng thì bác ta có lợi. Bác không thích làm việc, còn tôi thì làm việc một cách tự nguyện. Sự mệt nhọc có lợi đối với tôi, nó dập tắt những nỗi lo lắng của tâm hồn, kiềm chế những đòi hỏi dai đẳng của bản năng. Nhưng nó lại không cho phép tôi đọc sách.

– Chú quẳng sách đi như thế rất tốt. Để chuột nó gặm đi cho rồi! Bác thợ nói. Mà chẳng lẽ chú không bao giờ nằm mê thấy gì à? Có lẽ có thấy, nhưng chú giấu đấy thôi! Thật là buồn cười. Kể chuyện ngủ mê là việc vô thưởng vô phạt nhất, chẳng có gì đáng lo ngại cả…

Bác thợ bánh cư xử với tôi rất thân mật, thậm chí có vẻ như kính trọng nữa. Hay bác sợ tôi là tay chân của chủ? Dù sao điều đó cũng không ngăn trở bác ăn cắp hàng một cách thường xuyên.

Bà tôi qua đời. Tôi biết tin bà mất bảy tuần sau ngày chôn cất, qua bức thư của một đứa em họ. Bức thư ngắn, không có một dấu phẩy nào, thông báo rằng trong lúc đi ăn xin ở bậc thềm nhà thờ bà tôi bị ngã gãy chân. Đến ngày thứ tám thì mắc chứng hoại thư. Về sau tôi được biết rằng hai thằng và một con em họ tôi tất thảy đều trẻ và khỏe mạnh cùng với con cái của chúng đã sống ăn bám bà lão già bằng của bố thí mà bà đi xin được. Chúng cũng không biết đi mời thầy thuốc nữa.

Bức thư viết:

“Người ta chôn bà ở nghĩa địa Petropavlovsk chỗ đã chôn mọi người thuộc nhà ta chúng em cùng những người hành khất đi đưa đám họ thương bà và họ khóc. Ông cũng khóc ông đuổi chúng em về còn ông thì ở lại bên cạnh mộ chúng em nấp trong bụi cây nhìn ông khóc ông bảo ông cũng sắp chết thôi.”

Tôi không khóc, nhưng tôi nhớ rằng lúc đó bỗng một luồng băng giá choán lấy tôi. Đêm hôm ấy, ngồi trên đống củi ở ngoài sân, tôi rất muốn kể cho ai đó về bà tôi, nói với người ấy rằng bà tôi là một người tốt bụng và khôn ngoan như thế nào, bà là một người mẹ của tất cả mọi người. Tôi đã mang trong lòng cái nguyện vọng đau khổ đó rất lâu nhưng không biết kể với ai, và thế là những điều ấy không được nói ra, cứ dần dần tàn lụi.

Nhiều năm sau, tôi nhớ lại những ngày này khi đọc một truyện ngắn rất chân thật của A. E Chekhov kể về một bác đánh xe ngựa nói chuyện với con ngựa về cái chết của con trai mình. Tôi tiếc rằng trong những ngày rất buồn đó xung quanh tôi không có ngựa, cũng không có chó, và tôi không nghĩ ra cách san sẻ nỗi đau khổ với đàn chuột. Ở lò bánh có rất nhiều chuột, và tôi đã sống hòa hợp với chúng.

Lão cảnh sát Nikiforich bắt đầu lượn xung quanh tôi như một con diều hâu. Người lão ta cân đối, khỏe mạnh, đầu hói bóng như bạc, bộ râu rậm được xén tỉa chăm chút.

Vừa chép miệng một cách ngon lành lão vừa nhìn tôi hệt như nhìn vào một con ngỗng bị cắt tiết trước lễ Giáng sinh.

– Tôi nghe nói anh thích đọc sách lắm phải không? Lão hỏi. Thí dụ như những sách gì? Chẳng hạn Sự tích các thánh hoặc Kinh thánh đã đọc chưa?

Tôi đã đọc Kinh thánh, cũng đã đọc cả Sứ đồ tuẫn giáo. Điều đó khiến Nikiforich ngạc nhiên, và có lẽ đã làm lão ta bối rối.

– Thế à? Đọc sách là một việc hợp pháp và có ích! Thế còn những tác phẩm của bá tước Tolstoy, anh đã đọc bao giờ chưa?

Tôi cũng đã đọc Tolstoy, nhưng lại không phải là những tác phẩm mà viên cảnh sát chú ý.

– Đó có thể nói là những tác phẩm mà ai cũng biết. Đằng này nghe nói có một số tác phẩm mà trong đó ông ta chống lại các cha cố. Giá được đọc những tác phẩm ấy thì tốt!

Tôi cũng đã đọc “một số tác phẩm” mà viên cảnh sát nói đến qua những bản in bằng một loại máy in thô sơ. Nhưng tôi thấy chúng có vẻ buồn tẻ, và tôi biết rằng không nên thảo luận với cảnh sát về những tác phẩm ấy.

Sau một vài lần vừa đi vừa nói chuyện ngoài phố, lão già bắt đầu mời tôi:

– Lúc nào đến chỗ tôi uống chén trà nhé!

Tất nhiên tôi hiểu lão muốn gì ở tôi, nhưng tôi vẫn muốn đến chỗ lão chơi. Tôi hỏi ý kiến những người hiểu biết, tất cả đều cho rằng nếu tôi từ chối nhã ý của lão cảnh sát thì sẽ có thể làm tăng thêm mối nghi ngờ của lão đối với lò bánh.

Và thế là tôi đến chơi nhà Nikiforich. Chiếc lò sưởi Nga chiếm một phần ba diện tích gian phòng hẹp như cái cũi chó, một phần ba nữa kê chiếc giường đôi khuất sau tấm rèm bằng vải hoa, trên giường chất rất nhiều gối bọc trong những áo gối bằng vải điều. Khoảng còn lại kê một cái tủ đựng bát đĩa, một cái bàn, hai chiếc ghế tựa và một chiếc ghế dài bên dưới cửa sổ. Nikiforich ngồi trên chiếc ghế dài, áo ngoài phanh ra, tấm thân của lão che kín cái cửa sổ nhỏ độc nhất của gian phòng. Cạnh tôi là vợ lão, một cô ả trạc hai mươi tuổi, ngực nở nang, má đỏ, cặp mắt giảo quyệt và dữ tợn có một màu kì lạ, hơi tim tím. Cặp môi đỏ tươi của cô ta dẩu ra, vẻ đỏng đảnh, giọng nói gắt gỏng và khô khan.

– Tôi được biết, lão cảnh sát nói, đứa con gái nuôi của tôi là Sekleteya thường lại đằng lò bánh của các anh. Thật là một đứa con gái trụy lạc và đê tiện. Mà đàn bà, tất cả đều là lũ đê tiện hết.

– Tất cả à? Vợ lão hỏi lại.

– Tất!

Nikiforich khẳng định một cách cương quyết, những chiếc mề đay bị lão lắc kêu lẻng xẻng hệt như tiếng ngựa rung yên cương, uống cạn chén trà, lão nhắc lại với một vẻ thú vị:

– Từ đứa con gái đầu đường xó chợ hèn kém… và thậm chí cho đến cả các bà hoàng cũng đều đê tiện và trụy lạc! Nữ hoàng Sheba[41] đã từng đi hàng hai nghìn versta[42] qua sa mạc đến với vua Solomon để truy hoan. Cả nữ hoàng Ekaterina cũng thế, tuy rằng được gọi là Đại đế…

Lão kể tỉ mỉ chuyện một anh thợ đốt lò nào đó chỉ ngủ một đêm với nữ hoàng mà được phong tất cả các tước từ trung sĩ cho đến đại tướng. Vợ lão vừa chăm chú nghe chuyện vừa liếm môi và đưa chân hích vào chân tôi dưới gầm bàn. Nikiforich nói một cách rất uyển chuyển, bằng những lời thú vị. Rồi không hiểu bằng cách nào, lão chuyển sang vấn đề khác:

– Chẳng hạn ở đây có một sinh viên học năm thứ nhất tên là Pletnyov.

Vợ lão thở dài và nói chen vào:

– Không đẹp trai, nhưng dễ thương!

– Ai?

– Ông Pletnyov.

– Thứ nhất, hắn không phải là “ông”. Hắn sẽ là “ông” khi nào hắn tốt nghiệp. Còn bây giờ thì chỉ là sinh viên thôi, hạng ấy chúng ta có hàng nghìn đứa. Thứ hai, dễ thương là thế nào?

– Vui. Trẻ.

– Thứ nhất, thằng hề ở rạp hát cũng vui…

– Thằng hề vì tiền mà làm trò vui.

– Suỵt! Thứ hai, ngay đến con chó già cũng đã có lúc là một con chó con.

– Thằng hề chẳng khác gì một con khỉ…

– Suỵt, tôi đã bảo, mình chẳng chú ý gì cả! Mình có nghe không đấy?

– Có nghe.

– Thế thì được…

Sau khi bắt vợ phải phục tùng, Nikiforich khuyên tôi:

– Này, cứ thử làm quen với Pletnyov xem, anh ta là một người rất hay!

Vì lão đã bắt gặp tôi với Pletnyov ở ngoài phố có lẽ không chỉ một lần, thành thử tôi bảo:

– Chúng tôi có quen biết nhau.

– Thế à? Ra thế…

Giọng lão có vẻ bực dọc. Lão cử động một cách hùng hổ, làm mề đay kêu lẻng xẻng. Còn tôi thì tỏ ra dè chừng, vì tôi được biết Pletnyov đang in những giấy tờ gì đó bằng hectograph (một loại máy in).

Mụ đàn bà vừa lấy chân hích tôi vừa châm chọc lão già một cách tinh quái. Còn lão ta vừa làm điệu bộ quan trọng vừa nói màu mè như một con công xòe ra cái đuôi sặc sỡ. Những trò tinh nghịch của vợ lão làm tôi không nghe được, và một lần nữa tôi không biết giọng nói của lão đã thay đổi từ lúc nào. Nó trở nên khẽ hơn, oai nghiêm hơn.

– Một sợi dây vô hình, anh có hiểu không? Lão hỏi tôi và nhìn vào mặt tôi bằng cặp mắt tròn xoe hệt như đang kinh hãi. Hãy coi đức Hoàng đế như một con nhện…

– Ôi, ông nói gì lạ thế? Mụ đàn bà kêu lên.

– Mụ im đi! Đồ ngốc! Đó là nói cho dễ hiểu, chứ không phải để lăng mạ đâu, giống ngựa cái ạ! Dọn ấm samovar đi.

Lão cau mày, nheo hai mắt lại và nói tiếp bằng giọng oai nghiêm:

– Sợi dây vô hình tựa như một cái mạng nhện. Nó đi từ trái tim đức Hoàng đế Aleksandr III, đi xuyên qua các ngài bộ trưởng, xuyên qua các ngài tỉnh trưởng và qua tất cả các cấp xuống cho đến tận tôi, và thậm chí đến tận người lính cuối cùng. Sợi dây đó ràng buộc tất cả, liên kết tất cả. Chính nhờ sức mạnh vô hình của nó mà ngai vị của Sa hoàng được giữ vững đời đời. Nhưng bọn Ba Lan, Do Thái và những người Nga bị mụ nữ hoàng Anh láu cá mua chuộc lại tranh thủ cố sức giật đứt sợi dây đó bất cứ khi nào có cơ hội, chúng làm như chúng vì nhân dân vậy!

Lão vươn qua bàn, cúi sát vào mặt tôi và thì thầm hỏi bằng giọng hăm dọa:

– Hiểu chưa? Thế thì được rồi! Tại sao tôi lại nói với anh điều đó? Lão thợ làm bánh của anh khen anh là một anh chàng thông minh, thật thà và luôn luôn sống một mình. Nhưng ở hiệu bánh mì của các anh thường có bọn sinh viên lui đến. Đêm đêm chúng ngồi trong phòng con Derenkov. Nếu chỉ có một đứa thì khỏi phải nói. Nhưng đằng này lại đông là thế nào? Hả? Tôi nói không phải để chống lại bọn sinh viên. Hôm nay hắn là sinh viên, nhưng ngày mai hắn là bạn của ông biện lí. Sinh viên là những người tốt, chỉ có điều chúng vội vàng đóng vai trò của chúng quá sớm. Những kẻ thù của nhà vua thì lại đang xúi giục chúng! Hiểu không? Tôi còn cần phải nói cho anh…

Nhưng lão chưa kịp nói thì cửa ra vào đã mở toang. Một ông già mũi đỏ bé nhỏ bước vào. Mái tóc quăn của ông ta được buộc bằng một sợi dây da nhỏ. Ong già cầm trong tay một chai rượu vodka và cũng đã uống say khướt.

– Ta ngả một ván cờ chứ? Ông già vui vẻ hỏi, và lập tức người ông toát lên một vẻ khôi hài.

– Đấy là ông nhạc, thân sinh ra nhà tôi. Nikiforich nói với vẻ bực dọc, khó chịu.

Mấy phút sau tôi cáo từ ra về. Mụ đàn bà tinh quái vừa khép cửa vừa véo tôi và nói:

– Mây đỏ như lửa ấy kìa!

Trên trời, một đám mây nhỏ vàng rực đang tan dần.

Tôi không muốn làm mất lòng các thầy giáo, nhưng dù thế nào tôi cũng phải công nhận rằng viên cảnh sát đã giải thích cho tôi về tổ chức bộ máy nhà nước một cách mạch lạc và rõ ràng hơn các thầy. Ở một nơi nào đó, có một con nhện, và từ đấy phát đi một “sợi dây vô hình” siết chặt, ràng buộc tất cả cuộc sống. Chẳng bao lâu tôi đã bắt đầu cảm nhận được ở khắp nơi những chiếc thòng lọng chắc chắn của sợi dây đó.

Khuya hôm ấy, sau khi đóng cửa hiệu, cô chủ gọi tôi lên phòng và bằng một giọng trịnh trọng báo cho tôi biết cô được giao nhiệm vụ tìm hiểu xem lão cảnh sát đã nói gì với tôi.

– Ôi, trời ơi!

Cô ta kêu lên lo lắng sau khi nghe báo cáo tỉ mỉ. Rồi, như một con chuột, cô chạy từ góc phòng nọ sang góc phòng kia, vừa chạy vừa lắc đầu lia lịa.

– Thế nào, lão thợ làm bánh không moi được gì ở anh cả chứ? Con nhân tình của lão vốn là họ hàng với Nikiforich mà, phải không? Cần phải tống cổ lão đi mới được.

Tôi đứng tựa lưng vào khung cửa và đưa mắt liếc nhìn cô. Cô thốt ra tiếng “nhân tình” sao mà quá dễ dàng. Điều đó khiến tôi không thích. Tôi cũng không thích quyết định đuổi bác thợ làm bánh của cô.

– Phải rất cẩn thận đấy! Cô ta nói.

Và cũng giống mọi lần, cái nhìn của cô như bám chặt vào người khiến tôi bối rối. Tôi có cảm tưởng như nó đang hỏi tôi một điều gì mà tôi không thể hiểu nổi. Lúc này, cô dừng lại trước mặt tôi, hai tay giấu sau lưng.

– Tại sao lúc nào anh cũng cau có thế?

– Bà tôi mới mất gần đây.

Chuyện đó với cô có vẻ buồn cười. Mỉm cười, cô hỏi:

– Anh yêu bà anh lắm phải không?

– Phải. Cô không cần gì nữa chứ?

– Không.

Tôi đi ra. Đêm hôm ấy tôi làm một bài thơ, trong đó tôi nhớ có một câu ngang bướng như sau:

“Cô muốn như ai nhưng chẳng được,..”

Lúc này anh em sinh viên quyết định nên ít lui đến hiệu bánh hơn. Không được gặp họ, tôi hầu như mất hẳn dịp hỏi han những điều tôi không hiểu trong các cuốn sách mà tôi đọc. Tôi bèn ghi những thắc mắc vào một quyển vở. Nhưng một hôm, mệt quá, tôi ngủ thiếp đi trên quyển vở, và bác thợ làm bánh đã đọc hết những điều tôi ghi chép. Bác ta đánh thức tôi, hỏi:

– Chú viết cái gì thế này? “Tại sao Garibaldi không đuổi vua đi?” Garibaldi là ai? Mà chẳng lẽ lại có thể đuổi nhà vua đi được à?

Bác ta giận dữ ném quyển vở xuống mặt hòm bột, rồi leo lên nóc lò sưởi. Từ trên đó bác ta càu nhàu:

– Hãy nói xem nào! Nó muốn đuổi vua đi cơ đấy! Thật là buồn cười! Chú mình hãy vứt những dự định vớ vẩn ấy đi. Sách với chả vở! Năm năm trước ở Saratov những loại độc giả như thế này chẳng bị hiến binh nó bắt như bắt chuột ấy là gì! Chẳng cần thế này cũng đã đủ để lão Nikiforich để ý chú mình rồi. Chú hãy xếp cái chuyện đuổi vua chúa của chú lại. Nó không giống như những con chim bồ câu của chú mình đâu!

Bác ta nói với thiện ý, nhưng tôi không thể đáp lại bác như tôi muốn. Tôi bị cấm nói chuyện với bác về những “vấn đề nguy hiểm”.

Trong thành phố người ta chuyền tay nhau một cuốn sách nhỏ đã làm mọi người xao xuyến. Người ta đọc nó và tranh cãi với nhau. Tôi nhờ anh sinh viên thú y Lavrov kiếm cho tôi một cuốn, nhưng anh ta trả lời một cách không chắc chắn:

– Ồ, không được, anh bạn ạ, đừng có mong đợi chuyện ấy! Tuy vậy, có lẽ nay mai người ta sẽ tổ chức đọc cuốn sách ấy tại một địa điểm nào đó, có thể tôi sẽ đưa anh đến đấy…

Vào nửa đêm “ngày Đức Mẹ lên Trời” tôi đi trên cánh đồng Arskoye. Trong bóng tối tôi dối theo bóng của Lavrov anh ta đi trước tôi khoảng năm mươi sajen[43] Cánh đồng vắng vẻ, tuy vậy, theo lời khuyên của Lavrov, tôi vẫn “đề phòng cẩn thận”: Tôi huýt sáo và hát khe khẽ, làm ra vẻ như một anh công nhân “chuếnh choáng hơi men” vậy. Trên đầu tôi, những đám mây đen trôi chậm chạp và mặt trăng như một quả bóng vàng lăn giữa mây trời. Dưới ánh trăng, những vùng tối bao phủ mặt đất, những vũng nước phản chiếu ánh sáng, lấp lánh ánh bạc ánh thép. Sau lưng tôi, thành phố như gào thét giận dữ.

Người dẫn đường của tôi dừng lại bên hàng rào một khu vườn phía sau Đại chủng viện. Tôi vội vã rảo bước cho kịp anh ta. Chúng tôi im lặng leo qua hàng rào, băng qua một khu vườn rậm rạp. Mỗi lần đụng phải cành cây, những giọt nước lớn rỏ xuống người chúng tôi. Cả hai dừng lại bên bức tường của một ngôi nhà, khe khẽ gõ vào cánh cửa sổ đóng kín. Một người để râu cằm mở cửa sổ, phía sau người ấy là một khoảng tối om và không nghe thấy một tiếng động nào cả.

– Ai đấy?

– Ở chỗ Yakov lại.

– Leo vào đi.

Trong bóng tối om om, tôi cảm nhận được sự có mặt của nhiều người, nghe tiếng quần áo sột soạt và tiếng bước chân, tiếng ho khe khẽ, tiếng nói chuyện thì thầm. Một ánh diêm bùng lên chiếu sáng khuôn mặt tôi. Tôi nhìn thấy một số bóng đen ngồi trên sàn nhà giáp tường.

– Đủ cả rồi chứ?

– Đủ.

– Kéo rèm che các cửa sổ lại cho ánh sáng khỏi lọt qua khe cửa.

Một giọng bực tức nói to:

– Thằng cha nào nghĩ ra sáng kiến nhét chúng ta vào trong cái nhà bỏ hoang thế này?

– Khẽ chứ!

Phía góc phòng người ta đốt lên một ngọn đèn nhỏ. Căn phòng trống rỗng, không có bàn ghế. Chỉ có hai cái hòm, phía trên đặt một tấm ván, trên đó có năm người ngồi giống như những con quạ đen đậu trên hàng rào. Ngọn đèn cũng đặt trên một chiếc hòm dựng đứng. Trên sàn nhà sát tường có ba người nữa, và trên bệ cửa sổ có một người ngồi một thanh niên để tóc dài, thân hình gầy gò xanh xao. Ngoài anh ta và người để râu ra, những người khác tôi đều biết cả. Bằng một giọng trầm, người để râu nói rằng anh ta sẽ đọc cuốn sách nhỏ Những ý kim bất đồng giữa chúng tado Georgi Plekhanov, một người “nguyên thuộc nhóm Ý dân”[44] viết.

Trong bóng tối một người nào đó ngồi ở trên sàn la lên:

– Chúng tôi biết rồi!

Bầu không khí huyền bí làm tôi hồi hộp một cách dễ chịu. Sự huyền bí luôn đem lại cảm giác phấn khích. Tôi thấy mình như một tín đồ trong giờ làm lễ buổi sáng ở nhà thờ, và tôi nhớ đến các mộ hầm[45] cùng những tín đồ đầu tiên của đạo Thiên Chúa. Giọng đọc trầm và khàn khàn bao trùm căn phòng, từng lời vang lên rành rọt.

– Toàn những chuyện nhảm nhí! Một người ngồi ở góc phòng lại la lên.

Ở phía ấy, trong bóng tối, một vật gì bằng đồng trông tựa như chiếc mũ sắt của lính thành La Mã lấp lánh lờ mờ và huyền ảo. Tôi đoán đấy là ống thông hơi của lò sưởi.

Trong phòng vang lên những giọng nói trầm trầm, những tiếng nói sôi nổi lẫn lộn trong bóng tối hỗn độn. Không còn hiểu được là ai nói gì nữa. Phía trên đầu tôi, từ trên bệ cửa sổ có tiếng người hỏi to, giọng giễu cợt:

– Chúng ta có định đọc hay không đây?

Đó là tiếng của chàng thanh niên xanh xao tóc dài. Tất cả mọi người im bặt, chỉ còn nghe thấy giọng trầm trầm của người đọc. Những ánh diêm bùng lên, những đốm lửa thuốc lá đỏ hồng lấp lánh chiếu sáng những khuôn mặt đăm chiêu và những cặp mắt nheo lại hoặc mở to.

Buổi đọc sách kéo dài đến mệt lử cả người, tôi không thể nghe thêm được nữa, mặc dầu tôi rất thích những lời lẽ sắc sảo và đầy nhiệt tình ấy, chúng được xếp đặt một cách dễ dàng và đơn giản thành những ý tưởng rành mạch.

Thình lình, gần như bất ngờ, giọng người đọc bị cắt ngang, khắp phòng vang lên những tiếng hét phẫn nộ.

– Đồ phản bội!

– Những lời sáo rỗng!…

– Đó là sự báng bổ đối với những người anh hùng đã đổ máu.

– Sau khi Generalov và Ulyanov[46] bị xử tử…

Từ trên bệ cửa sổ lại vang lên giọng nói của chàng thanh niên:

– Các vị ơi, có nên thay những lời chửi rủa bằng cách phản đối nghiêm chỉnh và thực sự không nhỉ?

Tôi không ưa những cuộc tranh luận và không quen nghe tranh luận. Tôi rất khó theo dõi những thay đổi bất thường của dòng tư tưởng bị kích động và thái độ tự ái lộ liễu của những người tranh luận luôn làm cho tôi bực mình.

Chàng thanh niên từ trên bệ cửa sổ cúi xuống hỏi tôi:

– Anh là Peskov, thợ làm bánh mì phải không? Tôi là Fedoseev[47]. Chúng ta có lẽ nên làm quen với nhau. Thực ra ở đây cũng chẳng có việc gì đâu, không khí ồn ào này kéo dài còn chán, mà ích lợi thì chẳng được là bao. Ta đi thôi chứ?

Tối đã được nghe nói về Fedoseev như là người đứng đầu của một nhóm thanh niên rất quan trọng. Tôi thấy ưa khuôn mặt xanh xao vẻ căng thẳng và cặp mắt sâu của anh ta.

Trong khi đi với tôi qua cánh đồng, anh hỏi tôi có quen ai trong số các công nhân không, tôi đang đọc sách gì, tôi có nhiều thì giờ rỗi không. Rồi anh nói thêm:

– Tôi có nghe nói về cái cửa hiệu bánh mì ấy của anh. Anh đi làm một việc vớ vẩn như thế thì kì lạ thật. Anh làm như vậy để làm gì?

Ít lâu nay chính tôi cũng thấy việc đó không đem lại ích lợi gì. Tôi bèn đem ý nghĩ ấy nói với anh. Những lời của tôi khiến anh rất vui mừng. Anh bắt tay tôi thật chặt và mỉm cười rạng rỡ, anh báo cho tôi biết ngày kia anh sẽ rời đi độ ba tuần lễ, và khi trở về anh sẽ cho tôi biết chúng tôi sẽ gặp nhau như thế nào và ở đâu.

Việc buôn bán của cửa hiệu bánh mì phát triển hết sức tốt, nhưng công việc của riêng tôi thì càng ngày càng tồi. Chúng tôi đã chuyển sang lò bánh mới, trách nhiệm của tôi lại càng tăng hơn. Tôi phải làm việc ở lò bánh, đưa bánh đến các nhà, đến Đại chủng viện và trường “các thiếu nữ quý tộc”. Các cô gái vừa chọn bánh sữa trong lẵng vừa giúi cho tôi những mẩu giấy, và nhiều khi trên những tờ giấy rất đẹp tôi đã kinh ngạc đọc thấy những lời lẽ trắng trợn viết bằng nét chữ trẻ con. Trong lòng tôi nhen lên một cảm giác lạ lùng mỗi khi đám tiểu thư vui nhộn, ăn mặc sạch sẽ, hai mắt sáng, quây xung quanh lẵng bánh, rồi vừa nhăn mặt một cách ngộ nghĩnh vừa dùng những bàn tay bé nhỏ hồng hộc lục bới đống bánh. Tôi nhìn họ và cố đoán xem ai đã viết cho tôi những dòng chữ trắng trợn, những dòng chữ mà có lẽ họ không hiểu được ý nghĩa xấu xa của chúng? Nhớ lại những “nhà giải muộn phiền” bẩn thỉu, tôi nghĩ:

– Chẳng lẽ “sợi dây vô hình” từ những nhà đó kéo dài cả đến tận đây sao?

Một trong số các cô một cô gái tóc đen, ngực nở, tóc tết đuôi sam dày, chặn tôi lại ở hành lang và nói khẽ, giọng hấp tấp:

– Tôi sẽ cho anh mười kopek nếu anh chuyển hộ tôi bức thư này theo địa chỉ trên thư.

Cặp mắt đen, dịu dàng của cô giàn giụa nước mắt. Cô nhìn tôi, hai môi mím chặt, má và tai đỏ bừng. Tôi từ chối mười kopek với một vẻ cao thượng, còn bức thư thì tôi cầm và đưa đến cho con trai ông thẩm phán tòa thượng thẩm, một sinh viên cao lêu nghêu với cặp má đỏ của người bị bệnh lao phổi. Anh ta lặng lẽ và đăm chiêu đếm mấy đồng tiền lẻ rồi đưa cho tôi năm mươi kopek. Khi tôi bảo là cái đó đối với tôi không nghĩa lí gì, anh ta liền đút tiền vào túi quần. Nhưng anh ta nhét trượt, thành thử tiền vãi tung ra sàn nhà.

Anh ta bối rối nhìn theo những đồng năm và bảy kopek lăn khắp mọi nơi, hai tay cọ vào nhau mạnh đến nỗi những đốt ngón tay kêu răng rắc. Rồi anh ta vừa thở dài khó nhọc vừa lắp bắp:

– Làm thế nào bây giờ? Thôi, từ biệt! Tôi cần phải suy nghĩ…

Tôi không biết anh ta đã nghĩ được gì, nhưng tôi rất thương hại cô gái. ít lâu sau cô ta biến khỏi trường, và khoảng mười lăm năm sau tôi gặp cô dạy học tại một trường trung học ở Crimea. Cô mắc bệnh lao phổi, và cô nói về mọi việc ở đời bằng giọng độc ác không thương tiếc của một con người đã từng bị cuộc đời lăng nhục.

Sau khi đưa bánh xong, tôi đi ngủ. Buổi tối tôi làm việc ở lò bánh để đến nửa đêm đem bánh sữa ra cửa hiệu. Cửa hiệu nằm ở gần nhà hát thành phố, xem biểu diễn xong khán giả thường rẽ vào ăn bánh nóng. Sau đó tôi đi nhào bột để làm bánh mì cân và bánh mì Pháp. Mà nhào bằng tay mười lăm hai mươi pood bột không phải là chuyện đùa.

Rồi tôi lại ngủ độ hai, ba giờ và lại đi đưa bánh.

Cứ như thế ngày này qua ngày khác.

Nhưng lúc này tôi đã mắc phải cái bệnh ngứa ngáy không thể nào chịu nổi: muốn đi gieo rắc những hạt giống của “lí trí, lương thiện, vĩnh cửu”. Là một người dễ gần gũi mọi người, tôi biết kể chuyện một cách sinh động. Trí tưởng tượng của tôi là do kinh nghiệm sống và những điều tôi đọc được trong sách tạo nên. Không cần quá nỗ lực tôi cũng có thể xây dựng một câu chuyện hay mà cốt chuyện là “sợi dây vô hình” uốn khúc quanh co từ một sự kiện thường ngày. Tôi có quen biết mấy công nhân ở nhà máy Krestovnikov và Alafuzov. Đặc biệt gần gũi đối với tôi là bác thợ dệt già Nikita Rubtsov, một người đã từng làm việc qua hầu khắp các nhà máy dệt của nước Nga, một tâm hồn thông minh, hoạt bát.

– Đã năm mươi bảy năm nay bác đi trên trái đất này, Aleksej Maksimich của bác ạ! Chàng lang thang trẻ tuổi, con thoi mới của ta ơi!

Bác nói bằng giọng nghẹn ngào, đôi mắt màu xám nheo cười sau cặp kính râm. Hai mắt kính của bác nối với nhau bằng một sợi dây đồng tự làm lấy, vì thế trên sống mũi và phía tai bác nổi lên những vết ô xít đồng màu xanh. Những người thợ dệt gọi bác là “người Đức” vì bác cạo râu cằm nhưng để lại một hàng ria mép dài và một nhúm râu bạc phía dưới môi dưới. Bác người tầm thước, ngực nở, nét mặt chất chứa một niềm vui chua xót.

– Bác thích đi xem xiếc. Bác vừa nói vừa ngả cái đầu hói mấp mô sang vai trái. Người ta dạy ngựa khéo đấy chứ? Súc vật mà thế đấy! Thật là khoan khoái! Bác nhìn những con vật ấy một cách kính phục và tự nhủ: Hừ, như vậy thì cũng có thể dạy cho con người biết sử dụng lí trí của họ chứ. Những người làm xiếc mua chuộc súc vật bằng đường, còn chúng ta, tất nhiên chúng ta có thể mua được đường ở cửa hàng. Đối với con người thì cần phải có chất đường cho tâm hồn, đó là sự âu yếm. Anh bạn trẻ ạ, như vậy tức là cần phải hành động bằng âu yếm, chứ không phải bằng thanh củi như đã thành thông lệ giữa chúng ta với nhau đâu. Có phải không?

Bản thân bác cũng chẳng âu yếm gì mọi người. Bác thường nói với họ bằng giọng gần như khinh bỉ và có vẻ giễu cợt. Trong những cuộc tranh luận, bác thường phản đối bằng những tiếng hét ngắn, cố tình chọc tức đối thủ một cách trắng trợn. Tôi làm quen với bác trong một quán rượu, lúc mọi người sắp sửa nện cho bác một trận, và người ta cũng đã đấm bác hai quả rồi, lúc ấy tôi nhảy vào kéo bác ra.

– Họ đánh cụ có đau không? Tôi hỏi trong khi đi cùng bác trong bóng tối, dưới làn mưa phùn mùa thu.

– Hừ, thế mà cũng gọi là đánh à? Bác đáp một cách thờ ơ. Khoan đã, tại sao anh lại gọi ta bằng “cụ”?

Thế là từ đó chúng tôi quen nhau. Ban đầu bác thường chế giễu tôi một cách hóm hỉnh và ranh mãnh, nhưng khi tôi kể cho bác nghe “sợi dây vô hình” có vai trò như thế nào trong cuộc sống của chúng ta, bác liền thốt lên, vẻ đăm chiêu:

– Thì ra chú mày không phải đứa ngốc đâu! Chà, chú mày cũng gớm đấy nhỉ?…

Và từ đấy bác bắt đầu đối xử với tôi âu yếm như một người cha, thậm chí bác còn gọi tôi bằng tên và chữ lót nữa.

– Aleksej Maksimich của bác, chiếc kim nhỏ yêu quý của bác! Những ý kiến của cháu đúng đấy, nhưng sẽ chẳng có ai tin cháu đâu, vô ích.

– Bác có tin không?

– Bác chỉ là một con chó đực cộc đuôi, vô chủ. Còn thiên hạ thì là những con chó bị xích, đuôi người nào cũng đầy những gai ngưu bàng: nào vợ, con, nào đàn phong cầm, nào giày dép. Mà con chó nào thì cũng đều yêu cái cũi của nó cả. Họ chẳng tin cháu đâu. Bọn các bác ngày xưa ở xưởng Morozov cũng thế thôi! Đứa nào đi đầu là đứa ấy bị chúng nó nện cho vào trán. Mà trán thì có phải như mông đít đâu, đau lâu lắm.

Bác ăn nói khác đôi chút sau khi làm quen với anh thợ nguội Yakov Shaposhnikov, một công nhân của xưởng Krestovnikov. Yakov bị bệnh lao phổi, anh biết chơi ghi ta và biết nhiều về Kinh thánh. Anh đã từng làm cho bác Rubtsov phải kinh ngạc bởi thái độ phủ nhận Chúa một cách quyết liệt. Yakov thường vừa khạc nhổ ra khắp xung quanh những cục máu từ hai lá phổi ruỗng vừa chứng minh một cách chặt chẽ và say sưa:

– Thứ nhất: Tôi được tạo ra hoàn toàn không phải “theo hình ảnh Chúa”. Tôi chẳng am hiểu gì, chẳng có khả năng làm một việc gì, và hơn nữa cũng chẳng phải là một người tốt. Không, tôi không phải là một con người tốt! Thứ hai: Chúa không hề biết tôi khổ sở như thế nào, hoặc biết mà không giúp được, hoặc có thể giúp được nhưng không muốn giúp. Thứ ba: Chúa không phải là toàn trí toàn năng, cũng chẳng phải là tử tế gì. Nói đơn giản hơn là không có Chúa! Đó là chuyện bịa, tất cả đều là chuyện bịa, toàn bộ cuộc sống đều là bịa đặt cả, đừng có hòng đánh lừa được tôi!

Thoạt tiên Rubtsov kinh ngạc không nói được một lời nào. Sau đó, mặt bác xám lại vì tức giận và bắt đầu chửi rủa một cách tục tằn. Nhưng Yakov vẫn dùng lời lẽ trang nghiêm của những đoạn trích trong Kinh thánh để tước vũ khí của bác, bắt bác phải im lặng và co mình lại một cách thận trọng.

Khi nói, Shaposhnikov trông thật đáng sợ. Gương mặt anh gầy, da ngăm ngăm, tóc quăn và đen giống như người Gypsy, phía sau cặp môi xanh xanh lấp lánh hai hàm răng như răng chó sói. Cặp mắt đen của anh nhìn chằm chằm vào mặt đối phương. Khó có thể chịu đựng nổi cái nhìn nặng nề có sức bẻ gãy tất cả ấy ” nó làm tôi nhớ lại cặp mắt của người bị bệnh hoang tưởng.

Trong lúc cùng tôi trở về từ chỗ Yakov, Rubtsov cau có nói:

– Chưa thấy ai phản đối Chúa trước mặt bác bao giờ. Bác chưa từng khi nào nghe thấy chuyện đó cả. Chuyện gì bác cũng đã nghe nói, nhưng chuyện như vậy thì không. Tất nhiên con người ấy không sống được lâu đâu. Chà, thật là đáng thương! Anh chàng cứ đỏ mặt tía tai… Lạ thật, chú mình ạ, thật lạ quá!

Bác làm thân với Yakov rất nhanh. Bác trở nên sôi nổi và hoạt bát, luôn dùng mấy ngón tay lau hai con mắt đau.

– Hừ… Bác vừa mỉm cười vừa nói. Như thế tức là cho Chúa về vườn à? Hừm. Chiếc kim nhỏ của bác ạ, nếu nói về vua thì bác có ý kiến khác. Đối với bác, vua không phải là một trở ngại, vấn đề không phải ở nơi vua mà là ở bọn chủ. Vua nào bác cũng có thể chịu được, ngay đến cả Ivan Grozny[48]. Nếu muốn, xin ngài cứ ngồi đấy mà trị vì, chỉ cần cho bác được xử lão chủ, thế thôi! Nếu cho phép, bác sẽ đánh dây xích vàng buộc ngài vào ngai, sẽ cầu nguyện cho ngài…

Sau khi đọc xong cuốn Ông vua đói, bác bảo:

– Mọi điều đều rất đúng.

Lần đầu tiên nhìn thấy một cuốn sách nhỏ in bằng thạch bản, bác hỏi tôi:

– Ai viết cho cháu đấy? Viết rõ thật. Cháu bảo với anh ta là bác cảm ơn.

Rubtsov có một lòng ham mê hiểu biết không giới hạn. Bác hết sức chăm chú nghe những lời nhạo báng Chúa cay độc của Shaposhnikov. Bác thường ngồi hàng giờ để nghe tôi nói chuyện về sách. Rồi bác cười phá lên một cách vui vẻ, đầu ngả ra sau, yết hầu bạnh ra, nói với vẻ khâm phục:

– Trí óc con người tài thật! Ôi, tài thật!

Bản thân bác đọc sách rất khó khăn; cặp mắt đau đã ngăn trở bác. Nhưng bác hiểu biết khá nhiều, và bác thường làm tôi ngạc nhiên vì sự hiểu biết đó.

– Trong số người Đức, có một anh chàng thợ mộc thông minh lạ thường. Kể cả nhà vua cũng phải mời anh ta đến hỏi ý kiến.

Sau một số câu hỏi, tôi hiểu ra là bác nói về Bebel[49].

– Sao bác lại biết được chuyện đó?

– Biết chứ! Bác đáp cộc lốc và đưa ngón tay út lên gãi cái đầu hói mấp mô.

Cuộc sống hỗn độn và cực khổ không làm Shaposhnikov bận tâm. Anh hoàn toàn bị thu hút vào công việc đả phá Chúa, nhạo báng thần thánh. Anh đặc biệt căm thù các tu sĩ.

Một hôm Rubtsov thân mật hỏi anh:

– Yakov, sao chú mình chỉ cứ hò hét chống Chúa mãi thế?

Anh lại càng la hét dữ tợn hơn:

– Thì còn có gì cản trở tôi nữa kia chứ, hả? Đã gần hai chục năm nay tôi tin Chúa, tôi đã sống trong sự khiếp sợ Chúa. Tôi đã chịu đựng vì không được tranh cãi: Mọi sự đều do Đấng tối cao. Tôi đã phải sống một cách trói buộc. Đọc kĩ Kinh thánh tôi mới biết toàn là chuyện bịa cả! Toàn là bịa hết, Nikita ạ!

Rồi anh vung tay lên hệt như muốn giật đứt “sợi dây vô hình” và nói gần như khóc:

– Xem đấy, vì thế tôi chưa già mà đã sắp chết rồi đây!

Tôi còn quen một số người khá thú vị nữa. Tôi hay chạy đến lò bánh mì của Semyonov gặp các bạn cũ. Họ đón tiếp tôi một cách hân hoan và sẵn sàng nghe chuyện của tôi. Còn Rubtsov thì ở xóm Hải quân, Shaposhnikov lại ở xóm Tatar, rất xa phía bên kia sông Kaban, người nọ cách người kia khoảng năm versta, nên tôi rất ít có dịp gặp họ. Họ thì lại không thể đến gặp tôi vì tôi không có chỗ nào để tiếp khách cả. Hơn nữa, lão thợ làm bánh mới, một lão lính đã về hưu, thường hay đi lại với bọn hiến binh. Sân sau của sở hiến binh giáp với sân nhà chúng tôi, nên những bộ “quân phục xanh” oai vệ thường leo qua hàng rào để sang mua bánh mì trắng cho đại tá Gangardt và mua bánh mì đen cho bản thân họ. Và còn một điều nữa: Người ta khuyên tôi không nên “xuất đầu lộ diện” nhiều quá để khỏi thu hút sự chú ý không cần thiết của mọi người đối với hiệu bánh.

Tôi nhận thấy công việc của tôi đang dần dần mất hết ý nghĩa. Càng ngày người ta càng không đếm xỉa đến lỗ lãi của việc buôn bán, cứ việc lấy tiền ở két ra một cách bừa bãi đến nỗi đôi khi không còn gì để trả tiền bột nữa, Derenkov vừa vuốt râu vừa mỉm cười một cách chán nản:

– Chúng ta đến vỡ nợ mất thôi!

Anh ta sống cũng khổ. Cô Nastya có bộ tóc quăn màu hung, đang “bụng mang dạ chửa”, lúc nào cũng gầm gừ như một con mèo dữ tợn, thường nhìn mọi vật và mọi người bằng cặp mắt xanh tức giận.

Cô ta hay đâm sầm vào Andrej như thể không trông thấy anh. Andrej vừa mỉm cười như kẻ mắc lỗi vừa né đường cho cô ta đi và thở dài.

Thỉnh thoảng anh phàn nàn với tôi:

– Mọi sự chằng ra cái quái gì cả! Cái gì thiên hạ cũng lấy mất. Thật không còn ra làm sao! Mình vừa mới mua nửa tá bít tất, thế mà chúng đã biến mất ngay lập tức!

Câu chuyện bít tất ấy thật là buồn cười. Nhưng tôi không cười. Tôi thấy rõ con người giản dị, vô tư ấy vất vả như thế nào để cố xây đắp một sự nghiệp có ích. Nhưng những người xung quanh lại có thái độ coi thường và thiếu quan tâm đối với sự nghiệp ấy, họ tìm cách phá hoại nó. Derenkov không mong đợi lời cảm ơn của những người mà anh đã phục vụ, nhưng anh có quyền đòi hỏi ở họ một thái độ săn sóc và thân mật hơn. Anh đã không nhận được thái độ đúng mực ấy. Còn gia đình anh thì tan vỡ nhanh chóng. Ông cụ thân sinh trở nên u uất do những nỗi sợ hãi phát sinh từ tôn giáo. Đứa em trai ham mê tửu sắc. Cô em thì đối xử với anh như một người xa lạ, và hình như cô ta có chuyện gì không được vui với gã sinh viên tóc hung. Tôi thường thấy mắt cô sưng húp vì khóc nhiều, và tôi bắt đầu căm ghét gã sinh viên.

Tôi cảm thấy tôi yêu Mariya Derenkova. Tôi cũng đã từng yêu một cô bán hàng trong cửa hiệu của chúng tôi tên là Nadezhda Shcherbatova, một cô gái đẫy đà, má đỏ, thường xuyên nở nụ cười dịu dàng trên cặp môi đỏ tươi. Nói tóm lại là tôi đã biết yêu. Tuổi đời, tính tình và cuộc sống phức tạp của tôi đòi hỏi tôi phải tiếp xúc với phụ nữ. Và việc đó đối với tôi không phải là quá sớm, có thể nói là muộn. Tôi cần sự âu yếm của phụ nữ, hoặc chỉ là sự để ý thân mật thôi cũng được. Tôi cần thổ lộ tâm sự, cần được thấu hiểu những ý nghĩ rời rạc rối mù và những ấn tượng lộn xộn của tôi.

Tôi vốn không có bạn bè. Những người nhìn tôi như nhìn một “vật liệu cần được chế biến” không gây được cảm tình nơi tôi, và không thể khiến tôi cởi mở. Cứ mỗi khi tôi bắt đầu nói những điều họ không thích, họ liền khuyên:

– Hãy gác chuyện ấy lại!

Guri Pletnyov bị bắt và bị giải đến nhà tù Kresty ở St. Petersburg. Người đầu tiên thông báo với tôi tin đó là Nikiforich, khi lão gặp tôi ngoài đường vào một sáng sớm. Lão đi về phía tôi, vẻ mặt đăm chiêu và trịnh trọng, ngực đeo đủ tất cả mề đay như thể vừa đi duyệt binh về. Lão giơ tay lên vành mũ và im lặng đi ngang qua mặt tôi. Nhưng liền ngay đó, lão dừng lại, và bằng một giọng gắt gỏng, lão nói vào gáy tôi:

– Guri Alexandrovich bị bắt đêm qua…

Rồi lão phẩy tay, nhìn quanh và nói thêm, giọng nhỏ hơn:

– Thế là đi đời một chàng trai!

Tôi cảm thấy trong cặp mắt ranh mãnh của lão long lanh những giọt nước mắt.

Tôi biết Pletnyov cũng đoán trước được việc mình sẽ bị bắt. Chính anh đã báo trước cho tôi chuyện đó và khuyên tôi và Rubtsov không nên gặp anh. Anh cũng thân với Rubtsov như với tôi vậy.

Nikiforich nhìn xuống chân và hỏi bằng giọng buồn bã:

– Sao không lại đằng tôi chơi?

Buổi chiều, tôi đến nhà lão. Lão vừa ngủ dậy, đang ngồi trên giường uống kvass[50]. Vợ lão lom khom vá quần bên cửa sổ.

– Ấy, thế đây! Viên cảnh sát vừa nói vừa gãi bộ ngực đầy lông và đăm chiêu nhìn tôi. Hắn bị bắt rồi. Người ta tìm thấy ở nhà hắn cái xoong hắn vẫn dùng để nấu mực viết truyền đơn chống nhà vua.

Rồi lão nhổ nước bọt xuống sàn và thét vợ bằng giọng giận dữ:

– Đưa quần đây!

– Một tí nữa. Mụ vợ trả lời, không ngẩng đầu lên.

– Bà ấy thương xót, khóc lóc. Lão già đưa mắt về phía vợ và nói. Tôi cũng thương hại. Nhưng một gã sinh viên thì có thể làm gì để chống lại nhà vua kia chứ?

Lão vừa mặc quần áo vừa nói:

– Tôi phải ra ngoài một lát… Đun ấm samovar đi, mình.

Vợ lão vẫn đứng yên nhìn ra cửa sổ. Nhưng khi lão vừa khuất sau cánh cửa, mụ liền quay phắt lại, giơ nắm đấm về phía cửa, nhe răng, nói với vẻ hết sức độc ác:

– Hừ, đồ quỷ già!

Khuôn mặt mụ sưng húp vì khóc. Mắt trái gần như bị một vệt tím bầm lớn che kín. Mụ chồm lên, đi đến bên bếp lò, cúi xuống chiếc ấm samovar và rít:

– Tôi sẽ lừa lão ta, lừa cho lão phải gầm lên! Gầm như một con chó sói ấy. Anh đừng có tin lão ta, đừng có tin một lời nào của lão cả! Lão định tóm anh đấy. Lão nói láo, lão chẳng thương hại ai cả đâu. Lão đang nhử anh thôi! Lão biết hết mọi chuyện của các anh. Lão sống bằng cái nghề ấy mà lại. Săn người là thú ham mê của lão…

Mụ tiến sát đến bên tôi và nói bằng giọng van xin:

– Anh không thể âu yếm em sao?

Tôi vốn không ưa mụ đàn bà này, nhưng con mắt sắc sảo của mụ nhìn tôi với vẻ buồn chua chát khiến tôi ôm lấy mụ và bắt đầu vuốt những sợi tóc cứng, rối bù và nhờn nhờn.

– Bây giờ lão đang theo dõi ai thế?

– Những người nào ở quán trọ đường Ribnoryadskaya ấy.

– Có biết tên là gì không?…

Mụ mỉm cười trả lời:

– Để em bảo với lão những điều anh hỏi em! Lão ta về đấy… Lão tìm ra tung tích Guroshka rồi…

Và mụ nhảy đến bên bếp lò.

Nikiforich đem về một chai rượu vodka, mứt và bánh mì. Chúng tôi ngồi vào bàn uống trà. Marina ngồi cạnh tôi, mời tôi ăn với thái độ âu yếm đặc biệt, con mắt lành của mụ nhìn vào mặt tôi. Còn chồng mụ thì khuyên tôi:

– Sợi dây vô hình đó ở trong tim, trong xương tủy người ta. Có giỏi cứ thử giằng, thử dứt nó xem nào? Vua đối với nhân dân là Chúa!

Và đột nhiên lão hỏi:

– Anh là người đọc nhiều sách, thế anh đã đọc sách Phúc âm chưa? Sao, theo ý anh thì những điều viết trong đó có đúng cả không?

– Tôi không biết.

– Theo tôi, có những cái thừa. Mà không phải ít đâu. Chẳng hạn như nói về những người nghèo khó: Đó là những người nghèo khổ hạnh phúc. Nhưng họ hạnh phúc ở chỗ nào? Nói như thế có sai đôi chút. Nói chung là những chỗ nói về người nghèo có nhiều cái khó hiểu lắm. Cần phải phân biệt người nghèo với người bị lâm vào cảnh nghèo. Người nghèo tức là người xấu! Còn người bị lâm vào cảnh nghèo thì có thể là một người bất hạnh, cần phải suy xét như vậy. Như thế tốt hơn.

– Tại sao?

Lão im lặng, nhìn tôi một cách tò mò. Sau đó, bằng một giọng rành rọt và chắc chắn, lão bắt đầu nói ra những ý nghĩ mà có lẽ lão đã ngẫm rất lâu:

– Trong sách Phúc âm nói nhiều đến sự thương hại quá, mà thương hại là một điều tai hại. Tôi nghĩ như vậy. Sự thương hại đòi hỏi những chi phí rất lớn cho những con người vô dụng, thậm chí những người có hại nữa. Nào là trại nuôi người tàn tật, nhà tù, nhà thương điên. Chính ra cần giúp đỡ những người khỏe mạnh, lành lặn để họ khỏi hao phí sức lực một cách vô ích. Đằng này chúng ta lại đi giúp đỡ những con người yếu đuối. Chẳng lẽ có thể biến người yếu thành người khỏe được sao? Vì cái trò vô bổ ấy mà những người khỏe thì yếu đi, còn những người yếu thì cứ ngồi trên cổ họ mãi. Đó, vấn đề là ở đó! Có nhiều cái cần được quan niệm lại. cần phải hiểu rằng cuộc sống từ lâu đã bác bỏ sách Phúc âm rồi. Nó có đường đi của nó. Đó, anh đã thấy vì sao mà Pletnyov đi đời rồi chứ? Vì lòng thương hại. Chúng ta đi bố thí cho bọn ăn mày, còn các sinh viên thì để cho họ mất mạng. Đạo lí ở chỗ này là đâu, hả?

Lần đầu tiên tôi được nghe những ý nghĩ đó dưới một hình thức sắc sảo như vậy, tuy trước kia tôi cũng đã từng va vấp với chúng. Chúng có sức sống dai dẳng hơn và phổ biến hơn người ta thường nghĩ. Bảy năm sau, khi đọc về Nietzsche tôi nhớ lại rất rõ triết lí của lão cảnh sát Kazan này. Nhân tiện tôi cũng nói thêm: Những điều mà tôi chưa từng thấy trong cuộc sống thì cũng ít khi tôi gặp trong sách vở.

Lão già “săn người” vẫn vừa nói vừa dùng mấy ngón tay gõ vào mép khay đựng chén để đệm nhịp cho lời nói. Bộ mặt khô khốc của lão nhăn lại, vẻ nghiêm nghị. Nhưng lão không nhìn tôi mà nhìn vào cái ánh đồng sáng như gương trên chiếc ấm samovar được đánh bóng loáng.

– Đến giờ ông phải đi rồi đấy.

Mụ vợ đã hai lần nhắc lão, nhưng lão không đáp lại mụ. Lão vẫn cứ xâu hết lời này đến lời khác vào cái sợi dây tư tưởng của lão. Bỗng nhiên dòng tư tưởng của lão chảy theo một hướng khác, bất ngờ đến nỗi tôi không nhận ra được.

– Anh là một thanh niên không đến nỗi ngu ngốc, chữ nghĩa lại thông thạo, chẳng lẽ nghề làm bánh lại xứng với anh sao? Làm việc cho Nga hoàng, anh cũng có thể kiếm ra bằng ấy tiền hoặc hơn…

Tôi vừa nghe lão vừa nghĩ cách làm thế nào báo được cho những người không quen biết ở đường Ribnoryadskaya rằng Nikiforich đang theo dõi họ.

Trong một quán trọ, có một người mới bị đi đày ở Yalutorovsk về tên là Sergei Somov. Tôi từng được nghe người ta kể rất nhiều chuyện thú vị về con người đó.

– Những người thông minh cần phải sống với nhau như ong mật hoặc ong vò vẽ ở trong tổ ấy. Vương quốc của Nga hoàng…

– Trông kìa, chín giờ rồi. Mụ đàn bà nói.

– Quỷ thật!

Nikiforich đứng lên, cài khuy áo khoác.

– Ồ, không sao, ta sẽ đi xe ngựa. Từ biệt người anh em! Cứ đến chơi, đừng ngại…

Khi từ trong đồn đi ra, tôi cương quyết tự nhủ sẽ không bao giờ đến “thăm” Nikiforich nữa. Tôi ghê tởm lão già, tuy rằng ở lão có nhiều cái lí thú. Những lời nói của lão về tác hại của lòng thương đã tác động đến tôi rất nhiều và ăn sâu vào tâm trí tôi. Tôi cảm nhận được trong những lời nói đó có một phần sự thật, nhưng tiếc thay sự thật ấy lại bắt nguồn từ một viên cảnh sát.

Những cuộc tranh luận về vấn đề này xảy ra luôn, trong đó đặc biệt có một cuộc tranh luận đã tác động tới tôi rất mạnh mẽ.

Trong thành phố bỗng xuất hiện một người theo “chủ nghĩa Tolstoy” đó là người theo chủ nghĩa Toystoy đầu tiên tôi mà gặp. Ông ta có dáng người cao, bộ râu đen như râu dê và cặp môi dày như người da đen. Lưng ông ta hơi gù, mắt luôn nhìn xuống đất, thỉnh thoảng cái đầu hơi hói lại ngẩng lên với một điệu bộ rất dứt khoát, đồng thời cặp mắt đen và ướt rực lên ánh nhìn nồng nhiệt. Trong cái nhìn sắc sảo của ông ta có vẻ gì như căm hờn. Cuộc nói chuyện được tổ chức tại nhà một giáo sư đại học. Tới dự có rất đông thanh niên. Và giữa đám thanh niên ấy có một ông cố đạo bé nhỏ, gầy gò, dáng người thanh nhã, đỗ thạc sĩ thần học. Ông ta mặc một chiếc áo dài đen bằng lụa. Chiếc áo đó càng làm nổi bật khuôn mặt đẹp, nhợt nhạt, rạng rỡ một nụ cười khô khan cùng cặp mắt xám và lạnh.

Người theo chủ nghĩa Tolstoy nói rất lâu về sự bền vững vĩnh cửu của những chân lý vĩ đại trong sách Phúc âm. Giọng ông ta hơi khàn. Qua những lời đó có thể cảm thấy sức mạnh của một lòng tin chân thành.

Maxim Gorki

Trần Khuyến - Cẩm Tiêu

Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...