Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Nu lông công mắt phượng

Nu lông công mắt phượng

Chẳng biết từ bao giờ tôi lại có đôi mắt chuồn chuồn, loại mắt nhiều múi nhìn bắt sợ luôn, mỗi múi mắt của tôi cắc cớ lại có đường dẫn ánh sáng từ một hướng riêng. Tôi nuối tiếc vô cùng cặp mắt trước kia của mình, loại mắt đơn với võng mạc trung tâm có khả năng hội tụ tốt, hình ảnh sắc nét, chân thật hơn nhiều “cái của báo hại” này.
Mắt chuồn chuồn tuy thấy rộng, khỏi nhọc công quay đầu nhưng nhìn nhập nhòe. Từ lúc phát hiện mình “đổi mắt” đến giờ, tôi không còn dám tin trăm phần trăm những chuyện mình “thấy” như trước kia; riêng chuyện tổng hợp thông tin nhận được từ các múi đơn lẻ thôi đã làm cho não bộ của tôi đứ đừ.
… Hồi những năm cuối thế kỷ trước, tôi có chuyến công tác đặc biệt đến năm buôn làng miền núi: Ngức Đi, Đờ Phú, Hiêm Khuy, Buốc Rặng và Mô Tắng, là năm điểm quan trọng trong chương trình phòng hộ rừng. (Gọi là đặc biệt cho oai chớ thiệt ra chỉ đến để viết, thường cũng chỉ tụng ca, lấp liếm vớ vẩn, nghề báo tỉnh lẻ thời ấy lạ gì, tôi cũng đang cố thoát khỏi vết cũ để viết một cái gì đó cho ra hồn, nhưng thật không dễ gì). Ấy vậy mà chuyến đó tôi được trạm kiểm lâm cắt cho chiếc jeep lùn và anh tài xế râu quai nón chở đi mới oách. Đó, cũng vì oách, cũng vì chuyện “mây mưa” của anh tài râu này làm tôi điên cái đầu, đôi khi mấy cái sự cố trên trời rơi xuống lại quan trọng hơn chuyện chính mà mình đã tính toán, chuẩn bị đến tận chân răng.
Khi xe bò lên dốc núi dựng đứng mà trời đang mưa tầm tã mới thấy hết “uy lực” của chiếc jeep trần trụi hai cầu này. Cũng nhờ con mắt chuồn chuồn mà tôi phát hiện bốn bánh xe quay trơn tuột tại chỗ trong dòng nước đục lẫn đất sét vàng chạch chảy ào ào từ trên xuống. Thôi rồi, với cái kiểu “đứng lại là thụt lùi” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thì dòng nước ghê gớm này sẽ cuốn cả xe cả người quăng xuống vực mất. Trời đất, dưới kia hun hút sâu, lởm chởm đá, có bề nào thì trong thoáng chốc tôi và anh chàng râu quai nón này chỉ còn hai nắm thịt bầy nhầy thôi. Biết tình hình bất ổn, anh tài trả số lùi, xoay xe lại chạy de lui, thoạt đầu tôi tưởng vậy cho khi bị trượt xuống còn có cơ tránh né sống sót, hóa ra chỉ đơn giản lùi mạnh hơn tới.
Già làng K’Bo ra đón chúng tôi với nụ cười móm mém vui vẻ, chắc ông bị rụng răng sớm chứ tuổi không bao nhiêu, ánh mắt còn sắc lắm. Ông dắt tôi ra sau nhà cho thấy một người đàn ông đang chuẩn bị cơm nước. Người này đang lột da con cá sấu dài hơn sãi tay. Già làng nói: Sấu này bắt trong búng nước đầu nguồn đó, chờ khách quý, giờ lấy bộ da và thịt thôi… Cái bụng mình muốn vậy mà! (Con mắt chuồn chuồn của tôi nhanh chóng phát hiện ra còn mấy con sấu nữa đang bị trói ké nằm cách đó không xa, nó đang dương mắt nhìn chúng tôi). Miệng sấu bị quấn buộc nhiều vòng bởi một sợi dây rừng. Người đàn ông đặt con sấu lên khúc gỗ dài, bẻ quặt đầu xuống, đâm một nhát dao vào xương sống, sấu quẫy mạnh, ông ta phải dùng cả tay cả chân để đè nó xuống. Yên, ông ta dùng một cây sắt dài thọc vào dọc xương sống cá sấu đến tận đuôi. Ông ta làm mọi động tác một cách thản nhiên, dứt khoác rồi treo con cá sấu lên cành cây, máu chảy xuống ròng ròng, máu bắn dây vào đầy người ông ta. Sấu từ từ oặn mình yếu ớt, máu cũng đã rỉ ra những giọt cuối cùng.  Ông ta cứa quanh cổ sấu bằng đường dao bén ngọt, điệu nghệ trước khi lột da. “Lột da khi nó đang sống thì da mới tốt”, ông ta vừa lách lưỡi dao vừa nói vậy khiến tôi rùng mình, toàn thân nổi gai. Tôi thật không đủ can đảm nhìn tiếp cảnh tượng này.
Bữa ăn đầu tiên với thịt sấu ở đây khiến tôi cứ rùng mình liên tục, tôi không cách gì nhá nổi một miếng, hình ảnh cây sắt chọt vào lưng tới tận đuôi con sấu cứ chập chờn hiện ra trước mắt. Mà cũng “bệnh nghề nghiệp”, tôi cứ ám nghĩ mãi đến việc bắt sấu hoang dã ăn thịt là phạm pháp. Cổ họng tôi cứ đẩy ra chứ cương quyết không chịu nuốt vào. Nhưng chuyện ấy cũng chưa làm tôi ấn tượng mạnh bằng chuyện món quà sẽ chuyển tặng cho một “cán bộ bề trên”: Khối nu lông công mắt phượng. Lần đầu tiên tôi nghe nói đến loại đệ nhất nu này, có khi nó phải ăn đứt cả cổ vật kim sách, quyển sách mà từng trang của nó dát bằng vàng ròng của một công chúa xưa, nghe đồn trước đó “người buôn gỗ lớn” đã tặng…
Bữa ăn hôm ấy còn có một người đàn bà tầm ba mấy, hai mắt đảo liếc lẳng lơ, dáng cong ẹo lẳng lơ, cách ăn mặc “thiếu vải” lẳng lơ. Chẳng biết cô ta từ đâu đến, từ lúc nào đã ngồi cạnh người đàn ông làm thịt sấu, nghe nói “người nhà của sếp lớn dưới tỉnh”.
Con gái của già làng K’Bo khoảng mười tám, mười chín, mặc váy thổ cẩm, phần trên để trần, cặp vú eo hai tầng như hai trái bầu hồ lô săn chắc nhô thẳng ra phía trước, hai tay nâng trái bầu khô thật đựng nước suối nguồn. Khi một người hút rượu buông cần thì cô lại tiến đến, quỳ xuống, châm thêm nước vào chóe, miệng luôn cười tươi. Tôi ngồi cạnh già làng và bên trái là anh tài râu, anh này có vẻ khoái món thịt sấu với rượu cần men lá nên ăn uống “nhiệt tình”. Một loáng, mắt tài râu đã lờ đờ, miệng tài râu đã lè nhè:
Không gì phía sau… không gì… phía trước
Mưa đen… hay… mưa trắng… trắng… trắng…
Già làng K’Bo mặt đỏ kè bởi mấy tua rượu cần liên tiếp, ông say sưa vừa nói vừa bấm từng ngón tay giảng giải cho chúng tôi nghe về thứ bậc giá trị từng loại gỗ nu: Đệ nhất nu là lông công mắt phượng, nhì nu lồi, tam nu cám, tứ nu gai, ngũ nu chun, lục nu sụn…
Cũng nhờ đôi mắt chuồn chuồn mà tôi phát hiện khối nu lớn đang được giấu đậy cẩn thận dưới nhà sàn, xung quanh khối nu ấy lúc nào cũng tỏa ra một thứ gì đó, từng luồng, từng luồng mờ mờ ánh sáng ngũ sắc nửa giống như từ trường, nửa như hào quang. Trên khối gỗ có nhiều cục nu nối nhau, quặn xoắn và nhiều vết khuyết hình mắt phượng phân bố không đều. Thoạt đầu tôi nghĩ đây là loại nu mà người ta cưa dát mỏng như tờ giấy và bán mắc như vàng. Tôi đã lầm, loại đó chỉ là loại nu lồi, xếp sau cái khối nu giấu dưới kia. Tôi đã buộc miệng hỏi về khối nu. Sau thoáng giật mình, phân vân, già làng K’Bo hiểu rằng chỉ có “người nhà” mới biết bí mật nu lông công mắt phượng nên mạnh dạn “bật mí” luôn. (Ông cho biêt “Cán bộ bề trên” đang tính phương án chuyển về cho êm). Rượu vào lời ra. Ông giảng và kể về kế hoạch thẻo lấy khối nu lông công mắt phượng có một không hai, “kì công, nguy hiểm lắm cán bộ à”.
… Đó là khối nu gỗ chò chỉ đen lớn nhất xưa nay mà bọn tui được biết đến, đường kính của nó phải gần bốn mét. Nó là nu của “vua cây” trên sườn núi hiểm trở. “Vua cây” là một cây chò chỉ đen cao lớn, sừng sững, ngọn vút trời cao, trên tán cây có thể đậu đến hàng vạn con chim, vòng gốc phải đến hơn chục người giang tay ôm mới giáp.  Thấy “vua cây” nhưng chưa ai đến gần được vì các vực sâu lởm chởm đá xung quanh. Phải là dân bọn tui từng trải rừng rú ở vùng này mới biết đường đi lối về…”.
“Giá nào cũng không được để trầy xước!” Đó là lệnh…
“Đứa nào làm khối nu ấy rơi xuống vực thì nhảy theo luôn đi! Không còn đường sống, chắc luôn!” Đó là quy định chắc như đinh đóng cột.
“Mang được nó về đây thì muốn gì được nấy, kể cả muốn… con gái tao cưới!” Đó là lời hứa, cũng chắc như đinh đóng cột…
Và Mang Mai, kẻ thương thầm nhớ trộm con gái già làng K’Bo, kẻ ôm mộng làm rể già làng đã tập trung hai mươi người, được già làng trang bị đầy đủ các loại cưa, búa, bí mật đi qua một hang núi thâm u, dây leo chằng chịt, rắn rít nhiều vô kể, trèo qua sống đất đá ngoằn ngoèo duy nhất đó để đến gốc “cây vua”. Đến cũng không đơn giản, phát được đám gai mây, gai dí, gai móc dày đặc ấy để có con đường thôi đã mất bảy ngày với sức chặt dọn cật lực của từng ấy người. Giữa đường, mọi người đang nghỉ chân ăn cơm dưới gốc thị đen thui tỏa bóng rậm rạp thì một con rắn “chủ đất” cũng đen thui, chỉ vài chỗ ngã sang tia tía, to bằng bắp chân,  dài khoảng sãi tay lù lù xuất hiện. Ba người trong đoàn ngã lăn ra co giật, nôn mửa, hai ngày sau thì đem chôn bên sườn núi. (Với loại rắn “chủ đất” hay còn gọi là rắn Bà này không cần bị cắn, chỉ cần đến gần hoặc hơi gần mà ở dưới gió là dính độc, dân làng gọi là bị “Bà bắt”). Kinh hãi! Mất mật! Mười bảy người còn lại, kể cả Mang Mai đều lấm la lấm lét quơ vội đồ nghề mở con đường vòng trên gió để đi. Phát dọn đến gốc cây nào hơi lơn lớn là cúng tế, đi đến đâu thắp nhang cúng đến đó. Càng gần gốc “vua cây” sương núi càng dày đặc, cách ba bốn bước chân đã không thấy gì, trước mắt chỉ một màu trắng đục, người đi như đang bơi trong bể sữa. Và cuối cùng một bệ thờ tế “dã chiến” lập ra ngay dưới gốc “cây vua”. Ba con nai lớn được cắt cổ mới đủ máu tươi rưới giáp vòng gốc cây. Phải chín lần hú dài nối nhau tiếng hú mới trườn được đến ngọn. Chim chóc từ tán cây đồng loạt vỗ cánh đổ bóng che tối một góc rừng…
-Nghe thôi đã thấy rùng rợn. Người đàn bà lẳng lơ vừa làm động tác giả rùng mình vừa trề môi nói.
Già làng K’Bo hút thêm một hơi rượu nữa, thủng thẳng xé thêm miếng thịt sấu trên miếng lá dầu lông. Nhai nuốt xong miếng thịt ông mới nhếch môi cười: Chưa! Chưa đâu! Nhầm nhò gì! Việc thẻo được khối nu từ “vua cây” mới đáng sợ… Rồi ông hắng giọng kể tiếp :
…Chuyện đóng giàn giáo treo quanh khối nu là chuyện thợ rừng phải thành thạo, ba ngày đã xong. Nhưng vừa đặt cưa vào khối nu, hai người có dây buộc quanh thân bảo hiểm mà vẫn bị đứt dây văng xuống vực sâu. “Vua cây” không ưng cái bụng rồi…
Thật ra chuyến đi  này cũng chẳng có gì nhiều để viết nếu không có “sự cố” chấn động gây kinh hoàng giữa đêm rừng núi thâm u.
Đêm đó, già làng đi họp chi bộ. Mọi người sắp sửa lăn ra ngủ chợt nghe một tiếng rú thảm thiết vang vọng rừng núi, vang vọng buôn làng, vang vọng nhà sàn. Thất kinh hồn vía, tất cả đều bật dậy, nhiều bó đuốc được đốt sáng đây đó, có cả ánh đèn pin loang loáng. Chà gạc vác vai, giáo mác cầm tay, họ ào đi về phía tiếng rú, vừa đi vừa hú gọi vừa gõ xủng xoẻng ầm ĩ với các loại xoong, mâm, gỗ, đá như cách người làng đuổi cọp xưa nay. Tiếng hú phát ra trong hướng khu rừng cấm. Khi đến gần bìa rừng, mọi người sựng lại. Gã đàn ông lột da sấu cho tôi biết do lời nguyền gì đó mà đã có nhiều người vào đây bị “ma dẫn giấu trong bụi tre”, có người về được thì điên loạn và cũng có người đã mang bệnh “trầm kha” rồi qua đời… Tôi căng đôi mắt chuồn chuồn nhìn bao quát một lượt khu rừng tối, quả thật tôi cũng thấy rờn rợn nhưng chưa biết vì điều gì.
Ngay lúc đó, một người đàn bà trần truồng hớt hãi lao từ trong lùm rậm ra, cơ thể trắng non dưới ánh đèn pin của ai đó vừa bật lên. Cô ta vừa chạy vừa rú điên dại. Mọi người sựng lại kinh hoàng khi thấy từ đôi tay bụm lấy bầu vú bên phải một dòng máu tươi ròng ròng đỏ lênh loang xuống tận cặp đùi trần lồ lộ. Đàn bà xúm lại. Đàn ông giãn ra. Ai đó lao đi hái lá cầm máu. Ai đó cởi nhanh chiếc áo ngoài che tạm cho người đàn bà. Ai đó la hét sai khiến, xua đuổi  những người đàn ông… Người đàn bà ngất xỉu trên tay những người đàn bà khác. Ai đó hoảng hồn vụt miệng hỏi có nên đi gọi già làng, gọi công an… Nháo nhào. Hoảng loạn. Bối rối.
Có tiếng bước chân hối hả. Già làng K’Bo và một anh công an chạy đến. Câu đầu tiên của già làng là “Có muốn chết không mà vào rừng cấm hả? Về hết! Về hết! Khiêng người này vào làng ngay!”
Đám đông nhanh chóng biến mất, nhanh như cách đám đông xuất hiện giữa rừng đêm. Tôi ở lại. Tất nhiên tôi đã lách người vào bóng tối khi nghe tiếng già làng. Và tôi quyết định đi về phía cô gái chạy ra để tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Nhờ đôi mắt chuồn chuồn mà tôi lờ mờ thấy đường vào sâu trong rừng.
…Mưa đen… hay… mưa trắng
Tất cả… đều trong ta… trong ta…
Nghe giọng lè nhè sau lưng tôi vội quay lại thì tài râu đưa một ngón tay lên miệng và ngoắc ngoắc. Theo bước chân ngã nghiêng của kẻ say rượu, chưa tới phần tư “chà gạc” đường, (chà gạc là loại dao rừng cán cong, móc lên vai đi mỏi sang qua vai khác thì tính đoạn đường một chà gạc), thì đôi mắt chuồn chuồn của tôi thấy rõ một bãi gỗ khổng lồ lem luốc tro than. Nghề báo là nghề quan sát nên tôi không lạ gì những khối gỗ được phủ chà đốt lem luốc này, đây là thủ đoạn của lâm tặc hô biến gỗ thành củi. Nhưng tôi vẫn còn ngơ ngác chưa giải thích được tại sao khu rừng cấm linh thiêng của buôn làng lại thành bãi tập kết gỗ khổng lồ…
Tài râu đột ngột quỳ xuống chân tôi. Anh ta khóc rấm rứt như trẻ con. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Đúng là anh ta khóc thật và lè nhè cầu xin tôi tìm cách cứu anh ta, trong lúc làm tình với người đàn bà ấy, do uống nhiều rượu và chắc là ăn nhiều thịt sấu mà anh ta đã nổi cơn ham muốn cuồng điên, đã trườn lên bụng người đàn bà và cắn đứt… một núm vú… Úi trời! Tôi thật không còn tin vào tai mình nữa. Anh tài râu ôm cả vào chân tôi mà nài nỉ, anh ta nói đã cố tình dẫn tôi đến bãi gỗ bí mật này vì muốn đổi lại sự giúp đỡ của tôi.
Điên cái đầu thật! Tôi ngồi xuống cạnh anh ta, đốt liên tiếp ba điếu thuốc mà vẫn chưa nghĩ ra được cách gì để anh ta thoát tội. Hai thái dương tôi căng cứng, nhưng nhức. Vẫn bế tắc. Thông tin về bãi gỗ bí mật này thật “đáng giá”, nhưng chạy tội cho anh ta kiểu gì cũng phạm pháp. “Sao lại có kẻ dâm đãng tới mức ghê rợn, ác độc như vậy chứ! Đồ bệnh hoạn!…”, tôi nổi đoá mắng nhiếc thậm tệ, anh ta vẫn cúi đầu không dám đáp lại.
Chuẩn bị đốt điếu thuốc thứ tư, mắt tôi chợt sáng lên, “không giúp chính là giúp”. Nghĩ ra “hư chiêu” này vì tôi chợt nhớ có lần một nhà báo đàn anh “dạy”: “Đôi khi nhuận bút của sự không viết nó cao hơn ngàn lần, triệu lần nhuận bút của bài báo được viết ra”. Tôi vỗ hai tay vào nhau đánh bốp, “tìm ra cách rồi!”.  Tôi nói anh ta không cần lo lắng! “Ông chủ” hoặc “người trông coi” bãi gỗ này vì muốn giữ bí mật sẽ tự lo chữa trị và đưa một số tiền “bồi thường” cho người đàn bà ấy và cả đe dọa nữa, miễn chịu câm miệng, miễn sao giấu nhẹm mọi chuyện liên quan đến bãi gỗ. Lại sẽ có câu chuyện li kì do vào rừng cấm mà bị… ma cắn mất núm vú. Tất nhiên điều kiện là… cả tôi và anh im lặng rời khỏi đây, xem như chưa biết gì…
Cũng xin nói thêm, mấy năm trước, ông Lê Tăng, một cán bộ về hưu và một số người ở Mô Tắng có đơn tố cáo nạn phá rừng ở đây nhưng một năm trôi qua không có cơ quan thẩm quyền nào xem xét, giải quyết. Tình cờ đọc được đơn của Lê Tăng nên tôi đến ngay huyện này. Tiếp cận thêm một số nguồn thông tin khác, tôi xác định vụ phá rừng này là có thật. Tôi đã tìm gặp Lê Tăng, ông dẫn tôi lần theo dấu vết lâm tặc để chụp hình từng gốc cây bị đốn hạ và đã viết một bài đăng trên báo Tin Tức Sáng. Bài báo đã gây xôn xao dư luận vả Tổng Biên tập đã vì bài báo đó mà mất chức..
Nhìn bãi gỗ khổng lồ sau lưng gã tài xế cuồng dâm, tôi bàng hoàng, quả là bọn lâm tặc đã quá táo tợn. Lẽ nào có ai đó “rất bự” chống lưng cho bọn này? Một câu hỏi khó có câu trả lời cứ lờn vờn trong đầu tôi. Ai đó phải thật quyền lực mới làm tê liệt các cơ quan kiểm lâm, không chỉ bịt miệng được chính quyển ở đây mà còn vô hiệu hóa các trạm kiểm soát trên đường.
Cơn mưa chò chỉ. Rào rào. Rào rào… Hàng ngàn, hàng vạn cánh chò chỉ xoay vòng, quay cuồng rơi trong vũ điệu hoang dã, vũ điệu cuối cùng và duy nhất của những cánh chò chỉ tai thỏ.
-Chết mới được múa.
Một phóng viên đài truyền hình đã thốt lên văn vẻ như thế khi chúng tôi đứng dưới gốc “vua cây”, đứng dưới cơn mưa chò chỉ từ trời cao rơi xuống. Cuối cùng thì chúng tôi cũng chui qua được vòm hang thâm u và đến được nơi cần đến. Đang ngước mắt nhìn lên tán cây có thể là nơi đậu của hàng vạn con chim ấy, tôi chợt quặn đau từng khúc ruột khi thấy vết thương toang hoác, nơi mà người ta đã thẻo đi khúc nu lông công mắt phượng khổng lồ. Rất nhiều, rất nhiều khối nhựa cây hình giọt lệ trườn xuống, nối nhau, những giọt lệ màu đỏ sậm như máu khô, bám quanh dấu vết tội lỗi của những kẻ đã dám trộm cắp cả hồn vía của rừng.
Đó là chuyện khoảng một tuần sau cái đêm người đàn bà bị cắn mất núm vú, tôi âm thầm kết hợp với đài truyền hình tỉnh mang theo đầy đủ lương khô, võng dù, đèn pin và cả máy hình với hơn chục cuộn phim, chúng tôi băng rừng, lội suối, không chỉ chụp, quay được toàn bộ bãi tập kết gỗ lậu trong khu rừng cấm mà còn tìm ra hàng mấy chục bãi gỗ lậu khác có khối lượng hàng ngàn mét khối. Quả đúng như tôi đã dự đoán với gã tài râu dâm đãng, người đàn bà ấy đã “biến mất”, không kiện cáo gì. Nghe loáng thoáng là sau khi bịt lá rừng, uống nước rễ cây và được dân làng tận tình chăm sóc, vết thương trên vú lành lặn, bà ta đã nhận tiền bồi thường từ già làng K’Bo và khăn gói âm thầm ra đi.
Đang đứng dưới gốc “vua cây” loay hoay chụp mấy kiểu hình vết sẹo lớn, tôi bỗng nhớ lại trong bữa ăn thịt sấu hôm nào, già làng K’Bo đã kể câu chuyện về nhóm người của Mang Mai thẻo khối nu lông công mắt phượng trong sự phẫn nộ của “vua cây”…
…Lễ cúng tế lại diễn ra lần nữa, nhưng khi lưỡi cưa vừa kéo được những đường cưa đầu tiên thì một dòng nhựa đỏ tuôn ra và nhanh chóng khô cứng tạo thành một lớp keo dày giữ chặt lấy lưỡi cưa.  Hơn chục người thợ rừng rành nghề đều bất lực. Và ngay lúc đó một cơn gió rất mạnh nổi lên, cơn rung lắc kinh hoàng diễn ra, may mà các thợ rừng đều buộc hai ba dây bảo hiểm quanh người. Gió yên, mọi người hớt hãi đu theo dây xuống lại mặt đất.
Ba ngày sau, hai chiếc máy cưa lớn từ dưới xuối vừa chuyển lên đã giúp nhóm thợ cưa khoét hiệu quả hơn. Vậy mà khi khối nu sắp cắt khỏi cây thì thân cây bỗng nhiên chuyển màu, một màu đỏ sáng loang dần từ trên xuống. Đám thợ mắt tròn mắt dẹt, chết trân nhìn, đến khi vết loang đỏ ấy đến gần mọi người mới la lên kinh hãi tột độ, quýnh quíu tụt dây xuống. Nhưng không kịp nữa rồi. hàng triệu triệu con kiến vàng ào đến, bu cắn khắp các cơ thể người. Kiến vàng thay nhau đái vào những đôi mắt sưng húp. Kiến vàng chui vào nách vào háng mà cắn điên cuồng khiến những người thợ cởi hết quần áo ra mà quăng vãi lung tung vào không trung. Hai chiếc máy cưa bay vút xuống vực sâu. Tiếng la hét, ú ớ vang lên khắp giàn giáo. Cả đám người trần truồng sưng phù vừa giãy giụa, quằn quại vừa mò tìm dây tụt xuống đất. Họ lăn lộn, đau đớn rứt từng cái càng kiến ra khỏi da thịt và la hét trong đau đớn, ám ảnh. Trong đợt tấn công của kiến vàng đã có tới ba người đứt dây rớt khỏi giàn giáo và bị kiến các loại bu lại ăn sạch hai hốc mắt…
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Tôi nghĩ sau đó, nhóm thợ mới có lẽ phải dùng đến các bó đuốc để đốt đuổi kiến  thì mới lấy được khối nu…
Những thước phim, những tấm ảnh chúng tôi quay được, chụp được cùng với lời khai của khoảng ba chục nhân chứng sống là bằng chứng không thể chối cãi. Chúng tôi quyết định mang tất cả ra Bộ Nông Lâm (cũ) và nhân ra một bản nữa gửi thẳng đến Văn phòng Chủ tịch nước.
Đây là vụ án phá rừng kinh thiên động địa với quy mô chưa từng có, kéo dài 4 năm tại một tỉnh miền Đông. Hơn trăm ngàn mét khối gỗ đã bị khai thác lậu.
Một chiến dịch báo chí liên tục đăng tải các bài liên quan làm chấn động xã hội. Các bộ ngành đã vào cuộc điều tra, ngăn chặn.
Đã có kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vụ tàn phá rừng: Ngoài việc tàn phá hoàn toàn rừng Núi Bà, họ đã “luồn lách” đưa hàng ngàn hecta rừng xung quanh ra khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước để rồi sau đó “xẻ thịt” dần bằng các dự án “trồng rừng, trồng cây công nghiệp”.
Hàng chục phiên tòa liên tiếp được tổ chức công khai. Một mẻ lưới lớn được cất:
Nhiều tập thể và cá nhân bị khiển trách, cảnh cáo.
Nhiều đối tượng đang bỏ trốn và đang bị truy nã toàn quốc.
Đặc biệt trùm buôn bán gỗ lậu phải nhận mức án 20 năm tù.
Toàn bộ Ban thường vụ Huyện ủy T. bị kỉ luật.
Bí thư Tỉnh ủy bị kỉ luật, cho nghỉ hưu.
Ông Chủ tịch UBND tỉnh, người chủ mưu, bị kỷ luật, cách mọi chức vụ liên quan đến Đảng, khai trừ khỏi Đảng, buộc thôi chức Chủ tịch…
Ba năm, sau vụ án phá rừng lớn nhất, chấn động nhất trong lịch sử, tôi quay lại Mô Tắng. Con gái của già làng K’Bo giờ đã mặc áo kín phần trên, tôi biết cô bé hầu rượu cần ngày nào giờ đã có chồng, chắc cô ấy lấy Mang Mai, tôi đoán vậy. Cô đang phụ trách một đội trồng rừng nên lúc nào cũng tất bật với công việc, gặp một lúc trong giờ nghỉ, cô cho tôi biết, cha cô đã nhai một thứ lá độc tự tử vì “không mặt mũi nào nhìn ai nữa”. Người đàn bà lẳng lơ đã gặp lại gã tài râu, họ dắt nhau lên làng Mô Tắng, sống bằng nghề buôn bán tạp hóa. Có vẻ đời sống vợ chồng không hạnh phúc, gã tài râu đâm nát rượu, suốt ngày chân nam đá chân chiêu lảo đảo say xỉn trên đường, miệng lảm nhảm gì đó, hình như là: Mưa đen… hay… mưa trắng…
Ông Chủ tịch tỉnh giờ đã thành thường dân, mấy lần ông mời tôi đến nhà uống trà. Thoạt đầu tôi đề phòng trả thù nên không đến. Khi ông bệnh nặng, tôi tự đến thăm. Nằm trên giường bệnh, ông nắm tay tôi, giọng vẫn còn oang oang:
– Tôi muốn thú thật với ông… Khi tôi làm Chủ tịch tỉnh, không nhà báo nào dám đụng tôi. Ông là nhà báo tự do mà dám… “đánh” tôi mất chức… Sau này, khi tôi muốn mời ông uống trà, không ít người thân cận của tôi lấy làm lạ hỏi tôi sao lại muốn uống trà với kẻ thù. Tôi nói mình mất chức thật nhưng nhà báo ấy đã đánh trúng. Tôi phải cảm ơn nhà báo. Nếu không bị mất chức trong vụ này thì rất có thể sau đó tôi sẽ tiếp tục sa lầy và chưa biết hậu quả sẽ đi đến đâu…
Đang nói chợt hai tay ông ôm lấy ngực, một cơn đau quặn và ngộp thở của ông khiến người nhà nháo nhào, hoảng hốt. Thấy vậy tôi thả bước ra dạo vườn, rất nhiều cây kiểng đẹp được sắp xếp ngay hàng thẳng lối, tôi nghĩ có lẽ đây là những “của cúng” lúc ông còn đương chức. Chợt rùng mình, đôi mắt chuồn chuồn của tôi đột nhiên hoạt động trở lại, một tầm nhìn bao quát hiện ra. Trong ngôi thủy tạ bát giác trên hồ có thứ gì đó đang tỏa ra từng luồng, từng luồng mờ mờ ánh sáng ngũ sắc nửa giống như từ trường, nửa như hào quang. Tôi tiến gần xem kỹ thì ra là khối nu rất lớn, có thần, nhiều cục nu to nối nhau, quặn xoắn, vân gỗ ánh vàng như kim tơ mộc và nhiều vết khuyết hình mắt phượng phân bố không đều. Phải nói là một “kiệt tác” của Mẹ Thiên Nhiên! Nhưng tôi cảm giác những “mắt phượng” trên khối nu đượm vẻ u buồn. Tôi bước thêm bước nữa về hướng chiếc cầu sơn đỏ chót bắt ra thủy tạ thì chợt sựng lại, rùng mình. Dưới mặt nước hồ có gì đó đang chuyển động. Những đôi mắt mở to và những tấm lưng gai. Trời! Tôi giật mình thảng thốt. Cá sấu. Rất nhiều sấu lớn, có con to bằng con người nằm bất động bên mép nước. Mắt sấu trắng dã, lạnh lùng, khóe mắt lấp lóa những dòng lệ chảy nhễu.  Tôi chợt nhớ đến những dòng huyết lệ trên thân “cây vua”, nhớ những xác người với những hốc mắt trống hoác. Hình ảnh về những đôi mắt vô cảm, kỳ dị cứ chợt hiện, chợt mất. Và tôi cũng chợt nhớ lời già làng K’Bo nói về nu, rồi lẩm nhẩm lại một mình: Nhất lông công mắt phượng, nhì lồi, tam cám, tứ gai…
Tôi cũng không ngờ hôm ấy cũng là ngày qua đời của cựu Chủ tịch tỉnh, một tội đồ phá rừng “cộm cán” bị mãi nhắc đến trong lịch sử thăng trầm của quê hương tôi.
17/8/2023
Nguyễn Hiệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...