Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Bướm Rồng đuôi trắng trở lại chốn xưa

Bướm Rồng đuôi
trắng trở lại chốn xưa

1. Chiều cỡi lưng sóng biển.
Thúy Liễu, nương gió rũ tóc, tập uốn mình theo dáng liễu. Nàng vốn dòng giỏi thuộc chi thực vật trổ bông trong họ Bằng lăng, người bổn xứ thường gọi là cây bần. Và, có kẻ thương hồ hát nghêu ngao:
“Bướm đeo thủy liễu đôi chùm
Biết ai nhơn đạo xin chỉ giùm làm ơn”
(Ca dao)
Mải mê đeo đuổi mùi lạ hương mới các loài kỳ hoa dị thảo, Bướm Rồng chợt nghe câu hò nghêu ngao của kẻ thương hồ nào đó nơi bến sông.
– Bướm Rồng của em ơi!
Tiếng gọi của Thủy Liễu âm thanh lạc gió.
Đuôi trắng bồng bềnh theo cánh Bướm Rồng trên nền trời sương khói. Thúy Liễu, ngỡ ngàng trước dáng bay của chàng đẹp mĩ miều như khúc vũ đạo nghê thường thướt tha trong cõi tự nhiên.
– Anh đây nè!
Đáp cành bần, Bướm Rồng đuôi trắng xẻn lẻn nói.
– “Anh đây nè!” mà em trông mỏi mắt, gọi khàn cả giọng.
Thúy Liễu, nũng nịu và hờn dỗi.
– Xin lỗi em! Anh xin lỗi em!
Bướm Rồng, hấp tấp nói để người thương được vui.
– Dù rằng anh bay nhanh và khi hữu sự, bay rất nhanh chẳng thua gì chim én. Nhưng, lúc say mê hút mật hoa thì cũng là lúc anh không thể kịp trở cánh bay nhanh và sẽ chết dưới đòn độc của đối phương.
Thì thầm, Thủy Liễu tâm sự.
Hương quê lẫn mùi bùn quen thuộc từ bông bần khiến tinh thần Bướm Rồng hưng phấn và sảng khoái. Thủy triểu biển rút, Thủy Liễu lúng túng và cố che giấu nét thô thiển đang phơi bày trơ rễ phụ nhô lên khỏi mặt bùn.
– Thúy Liễu! Em cứ để tự nhiên điều mà em cho là thô thiển.
Chẳng đợi người thương kịp trả lời, Bướm Rồng nói tiếp:
– Chổ thô thiển nhứt trong cơ thể em chính là nơi đẹp nhứt, và cũng là sự sinh tồn của em giữa bốn bề mênh mông nước mặn.
Thúy Liễu, hoa trắng ửng hồng phấn có lẽ do mắc cỡ từ lời nói của người tình. Nàng đong đưa tóc mơn trớn cánh bướm chàng như chỉ dấu chữa lại chút thẹn thùng.
Ngầm hiểu động tác âu yếm của nàng, Bướm Rồng rủ rê:
– Thủy Liễu! Hay là, em xuất hồn theo anh du sơn một chuyến.
– Không được đâu anh!
Nói xong, Thủy Liễu nhìn bộ dạng Bướm Rồng: tam giác nhọn, góc cánh màu đen cánh trước chúi xuống và giang cánh sau, thon dài điểm trắng kéo thành đuôi…nàng biết chàng đang phật lòng vì lời từ chối.
– Chàng ơi! Em còn phận sự cùng các chiến hữu thuộc những loài cây mắm, đước, sú vẹt, tràm… chặn sóng giữ đất.
Lời thấu tình, lẽ đạt lý. Bướm Rồng đuôi trắng, cúi xuống hôn đôi mắt nàng, rồi lặng lẽ bay trong bóng nắng chiều hôm.
Hải Vương biệt phủ!
Chốn thâm nghiêm biệt phủ nằm về phía nửa cầu Bắc và ở vị trí này, biệt phủ chếch xa mặt trời nên vào mùa đông đêm dài ngày ngắn. Nếu tính theo âm lịch thế gian, thì ứng đúng “Ngày tháng Mười chưa cười đã tối”; đồng thời cũng là thời gian hằng năm Hải Vương ấn định triệu tập quần thần bàn Hải sự xâm lấn đất, mở rộng đại dương.
Trải bản đồ bánh trướng số lên sa bàn, Hải Vương dùng “móng tay quỳ quyệt” thay thế cây que bút chỉ bản đồ về yếu tố địa hình địa vật, các đối tượng hiện tượng và địa lý đã được mã hóa thông tin.
– Nếu, không mở toang được cánh cửa hướng Nam thì đời này sang đời khác, dòng tộc Hải Vương ta cũng chỉ quanh quẩn trong cái ao nhà biệt phủ!
Khẳng định, Hải Vương truyền lý do cho quần thần rõ mục đích.Song, chẳng phải tất cả quần thần thông suốt, lĩnh hội.
– Tại sao phải hướng Nam, không là hướng khác? Thưa Hải Vương!
Tiếng nói ồn ồn chẳng khác chi tiếng sóng biển xô chân vách đá. Ngoái lại, Hải Vương nhận ra Nguyên soái Quỷ Hải – viên tướng gian hùng – và có khi, gian hùng hơn cả Hải Vương.
– Ồ! Nguyên soái của ta!
Hải Vương vừa nói vừa bước tới ôm Quỷ Vương. Rồi, chậm rãi lập lại câu hỏi của Quỷ Hải:
– Tại sao phải hướng Nam?
Mắt ti hí hệ mắt lươn, Hải Vương quét ngang mặt quần thần.
– Ta chọn hướng Nam bởi lẽ, từ cao tằng cố tổ tới nay trải qua hàng thiên niên kỷ dù gắng sức ngoạm cục đất ở hướng cực Nam, nhưng ngoạm hoài ngoạm mãi vẫn không được.
Không để quần thần thắc mắc, Hải Vương quơ tay múa chân, cắt nghĩa rạch ròi:
– Ta vốn là biển Bắc đối diện đất Nam mà phong thủy do ông cha nhà ta dạy rằng: hướng Bắc thuộc âm, hướng Nam thuộc dương và hễ, dương thịnh âm suy. Do vậy, ta nhất quyết phải đoạt Nam để hài hòa âm dương.
Hải Vương đang nói thao thao bất tuyệt, đột nhiên có vị tướng quân nó đó ngẫu hứng vuốt đuôi:
– Chí phải! Hải Vương nói chí phải!
– Chí phải là sao?
Hải Vương gầm lên.
– Dạ! Là duy nhất một con đường và con đường đó, biểu tượng cho sự trường tôn!
– Hay! Hay quá hay!
Đám quần thần lên cơn đồng hùa theo vang dội.
Chờ cơn lên đồng lắng xuống, Hải Vương nói tiếp:
– Chẳng tự nhiên người phương Nam dặn nhau: “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” mà đó là, sự đúc kết trải nghiệm trong cuộc sống.
Quần thần đồng thanh bật tiếng “Ồ” và tiếng “Ồ” ấy, mạnh đến đỗi thành sóng thần trên mặt biển.
– Im lặng! Im lặng!
Nguyên soái Quỷ Hải, hét lớn.
Vạch một đường thẳng đứng từ Bắc xuống Nam, Hải Vương thốt lời nghiêm trọng và thâm sâu:
– Này, các tướng quân của ta!
Hải Vương dúng móng tay dài hơn thước, dừng lại từng điểm trong yếu đã mã hóa.
– Các tướng quân, hãy nhìn kỹ bản đồ!
Mọi cặp mắt nhìn đổ dồn về phía bản đồ tối mật.
– Đây là cục đất Gò Công!
Hải Vương vừa nhập đề giới thiệu, các tướng quân nhao nhao:
– Bãi tha ma của chiến trường qua từng thời kỳ hải tặc xâm lấn!
– Đó là chuyện ngày trước. Còn bây giờ,…
– Còn bây giờ thì sao, thưa Chủ tướng?
Tằng hắng, Hải Vương nuốt nước bọt:
– Lực và thế của ta bây giờ, là vô địch thiên hạ!
Hải Vương diễn giải:
– Gò Công, đất lành nên loài chim công mới tìm về đậu. Vả lại, sơn thủy chốn này chính là chốn hội tụ cuối cùng của dãy núi Trường Sơn và Cửu Long Giang. Mà, như chư tướng quân biết, hạ lưu sông Cửu Long chảy vô miền đất cực Nam bằng hai nhánh sông Tiền và sông Hâu. Rồi, hai nhánh sông đó, đổ ra biển Đông bằng chín cửa; hai trong chín cửa ấy, nằm trên đất Gò Công.
– Vậy, thưa chủ tướng! Có phải hai cửa Tiểu và Đại?
Nguyên soái Quỷ Hải, khoe sự hiểu biết.
– Chính xác!
Hải Vương, trình bày tiếp:
– Cả hai núi sông ấy, cùng nguồn cùng cội xuất phát từ Tây Tạng và cùng kết thúc tại châu thổ Cửu Long mà long mạch, ẩn giấu nơi cửa Tiểu cửa Đại.
Hải Vương khẳng định:
– Nghìn năm trước nghìn năm sau, ông cha ta quyết chí lấn và đánh chiếm vùng đất này là nhằm phá long mạch do hai miệng rồng Tiểu và Đại canh giữ.
Hải Vương, đột ngột hỏi chư tướng:
– Các ngươi đã rõ chưa?
Lóp ngóp, các loài hải sản đội lớp tướng quân rất khó khăn thông suốt. Song, ngại trái lòng chủ tướng, tất cả đều nói:
– Dạ! Thưa Chủ tướng! Rõ!
Riêng Quỷ Hải ngồi im, mặt lộ nét băn khoăn.
– Này, Nguyên soái! Sao thế?
Hải Vương, hỏi gằn từng tiếng một.
– Dạ! Thưa Chủ tướng! Những điều Chủ tướng dạy, thần hoàn toàn lãnh hội. Có điều, …
– Điều gì?
Nóng vội, Hải Vương cướp lời.
– Dạ! Có điều thần muốn tấu trình thêm, là muốn khóa miệng rồng cửa Tiểu và cửa Đại phải khống chế cho bằng được Đại Tiểu Hải Châu (cù lao Lợi Quan) nằm giữa hai con sông cửa Tiểu, cửa Đại. Ngoài ra, còn có con sông Trung cực kỳ lợi hại; đồng thời đặc biệt lưu tâm và cảnh giác cồn Tào, phía Tây Nam Đại Tiểu Hải Châu.
Nghe Quỷ Hải tấu trình, Hải Vương giựt mình: “Ta thiếu sót vì chưa thực địa và Quỷ Hải vừa bổ sung điều hữu ích cho ta”. Nhưng, liền khi đó, sánh Quỷ Hải với Tào Tháo; Hải Vương suy ngẫm: Tào Tháo (Ngụy Võ Đế), kẻ gian hùng xảo trá có thừa và tài đủ sức lừa dối đời. Một lần, Tào Thảo hỏi viên tướng tâm phúc: “Ta là người thế nào?”. Viên tướng thẳng thắn trả lời: “Thời bình, Ngài là vị tôi giỏi và gian hùng thời loạn!”. Hải Vương cười thầm và tự nhủ: “Tướng quân cốt rắn biển này, ta cẩn thận sử dụng và cũng cần chú tâm cảnh giác”.
– Ta rất cảm kích lời tấu trình của Nguyên soái!
Bước xuống bệ ngọc, Hải Vương nắm tay Quỷ Hải.
Được Chủ tướng khen, Quỷ Hải như mở tấm lòng và bèn nhắc lại, những nguyên nhân thất bại của bao lần xâm lấn cố khóa miệng rồng.
– Trước đây, khi đánh vô miệng rồng, ta chỉ chăm bẵm tuyến phòng vệ rừng mắm, rừng đước mà lơ là những cù lao, cồn bãi dày đặc rừng bần. Do đó, dù có vượt qua được hai tuyến đầu thì ta, cũng thất bại hoàn toàn ở tuyến cuối của đối phương.
Sáng mắt, Hải Vương ra chiều tâm đắc lời Quỷ Hải .
Ngoài biệt phủ, sóng rượt nước trùng khơi!
2.
Rừng nguyên sinh đất Gò, chim Công tụ.
Vàng khô lá rụng ngập lối mòn do bước chưn thú đi qua. Bướm Rồng, nhởn nhơ bay dọc theo lối mòn ấy dưới nắng thu.
– Chào công tử!
Nàng Nai khép nép đứng tựa cội bằng lăng.
– Nàng đi đâu? Tôi cho nàng quá giang.
Xòe đôi cánh sắc màu sặc sỡ, Bướm Rồng ngỏ lời.
– Cảm ơn chàng. Em đang hóng gió heo may và đợi một người.
Nghe ba tiếng “đợi một người”, Bướm Rồng dợm hỏi người ấy là ai nhưng kịp dừng lời, vì hỏi vậy rất không phải lẽ.
Liền khi đó, nàng khen đáo khen để rằng chàng đẹp mã khiến kẻ đối diện nhìn thấy mê mẩn.
– Nàng Nai ơi! Ấy cũng chỉ là “Hoa nhi bất thực” mà thôi!
Bướm Rồng, vẫy đuôi trắng vừa nói vừa cười.
– Chàng khiêm nhường đó thôi, chớ nào tất cả đều là “Hoa nhi bất thực” (Tốt mã rã đám)!
Vừa dứt lời, Nàng Nai nhảy cững và mừng rỡ:
– Kìa! Người em đợi đã tới!
Cây rừng xôn xao lá và Bướm Rồng, chưng hửng thốt lên:
– Thủy Liễu!
– Chàng cũng có mặt tại đây?
Vui trong nỗi ngạc nhiên, Thủy Liễu hỏi.
Bướm Rồng chưa kịp ứng phó, Nàng Nai đỡ lời:
– Chỉ là tình cờ thôi chị!
Nhìn thái độ Thủy Liễu và Nàng Nai lúng túng. Bướm Rồng đoán hai nàng có chuyện riêng tư nên vội vã cáo từ.
– Không! Chàng ở lại với tụi em!
Thủy Liễu ngăn cản và cầm giữ.
Đồng thời, Nàng Nai tiếp lời:
– Mình là người một nhà!
Giờ thì, Bướm Rồng đã rõ Thủy Liễu và Nàng Nai từ rất lâu, là đôi bạn tâm giao và sự tâm giao ấy được cả hai giấu kín, vì nhiệm vụ bảo vệ vùng nước miền đất cho muôn loài sinh sống. Nàng Nai rất háo hức bơi lội, đùa giỡn dưới nước; thích đi ăn ven bờ biển và đơn độc ngắm trăng những đêm sáng rừng. Nàng sống một mình và hai mình, khi vào mùa sinh sản. Nàng Nai là đặc vụ tình báo của Thủy Liễu vì nàng sở hữu đôi tai rất thính, có thể nghe ngóng xa ngàn dậm và phát giác mọi động tịnh của kẻ thù.
– Nữ nhi như vậy, trang nam tử như ta thì sao?
Bướm Rồng tự vấn.
Và, lời tự vấn đó được Thủy Liễu giải tỏa:
– Xin chàng giúp em!
Bướm Rồng chưa kịp hỏi giúp việc gì, Thủy Liễu đã nói:
– Bên kia bờ sông cửa Tiểu, đám người vừa neo đậu ghe và cất chòi, rình bẫy giết Chúa sơn lâm.
– Chẳng qua là “Ác giả ác báo” đó thôi!
Ngại Thủy Liễu và Nàng Nai chưa hiểu, Bướm Rồng nói thêm:
– Chúa sơn lâm ác với người thì người, cũng có quyền ác với Chúa sơn lâm!
Tủm tỉm cười, Nàng Nai chậm rãi nói:
– Nếu như không có Chúa sơn lâm, muông thú sống trong rừng làm mồi ngon cho cái miệng ác nhơn thất đức của con người.
Nghiêm sắc mặt, Nàng Nai nói tiếp:
– Con người nhân danh điều thiện để diệt ác. Nhưng, diệt cái ác này, con người đem cái ác khác sẽ ác gấp bội lần hơn!
Lời dẫn giải của Nàng Nai khiến Bướm Rồng tỉnh thức, suy ngẫm: “Lúc mà mình ý thức đang sống cuộc sống yên bình thì lúc đó, cũng là lúc đã chấm dứt sự bình yên”.
– Đăm chiêu suy nghĩ gì vậy chàng?
Ân cần, Thủy Liễu hỏi.
Thiệt tình, Bướm Rồng bày tỏ điều suy ngẫm vừa thoáng qua. Thủy Liễu động viên:
– Tâm hoàn toàn thuộc về nẻo thiện, thì lối ác nào có thể vượt qua!
Rồi, nàng cắt nghĩa cho chàng thông suốt rằng vì sao phải đuổi đám người ta ra khỏi địa bàn, và chuyện sắp tới sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó chưa thể xác định cụ thể. .
Trước lúc trở vô rừng, Nàng Nai nói:
– Dường như có tín hiệu Hải Vương đang chuẩn bị động binh!
Rồi, Nàng Nai chạy nhanh và khuất dạng sau những đồi sim.
Chiều trăng lấp lánh sao Hôm.
Sánh đôi trên lối mòn ven biển, Thủy Liễu nhắc lại những gì đã căn dặn Bướm Rồng và khi làm xong việc, tức tốc bay đến điểm hẹn hội quân.
Lóng ngóng, Thủy Liễu trông đứng trông ngồi chờ tin tức tối mật từ Cá Trích Vua.
Ngoài trời, mưa lất phất bay rỗ mặt biển.
Hiện thời, Thủy Liễu chỉ nắm vỏn vẹn tin tức từ Nàng Nai; nghĩa là mới nắm được điều kiện “có thiếu đủ” để nhận định và đánh giá đúng tình hình đối phương mà vạch ra kế sách chống trả. Cá Trích Vua là đặc tình thứ hai sau Nàng Nai, được Thủy Liễu cài cắm nội gián sâu vào lòng biển trong lực lượng của Hải Vương. Gọi Cá Trích Vua, vì cái vây to trên đầu cá trông hao hao giống như vương miện. Người ven biển thường kêu là Cá Mái Chèo và mỗi lần nó xuất hiện, thì y như rằng thảm họa sóng thần, động đất sắp diễn ra do Hải Vương tạo nên.
Thủy Liễu, gửi tín hiệu khẩn cấp đến Cá Trích Vua qua trái bần dĩa, cây mọc dưới nước và trái bần ổi, cây mọc trên đất khô mang vị chua quyến rũ. Thình lình, Cá Trích Vua xuất hiện nửa đêm về sáng… và biệt dạng trước lúc rạng đông. Vậy là, điều kiện “ắt có và đủ” đã cho phép Thúy Liễu báo động đến Lão Mắm, Cụ Đước chuẩn bị chiến trận.
Cùng thời gian, bên kia sông cửa Tiểu, Bướm Rồng đã chớp cánh đậu trên nóc chòi do người dựng tạm.
– Bây đâu! Gà rừng gáy canh Tư rồi đó!
Âm lượng tiếng hắn nói rền như sấm.
– Nấu cơm, ăn xong và giở mang theo!
Hắn ra lịnh. Đám thợ săn lục tục thức dậy, răm rắp làm theo.
Bướm Rồng, nghía mắt ngó hắn và nhận ra cây thịt vạm vỡ, cơ bắp với khuôn mặt rỗ, miệng bạnh và đôi mắt lộ to như con ốc sên. Lom khom, hắn kiểm tra kỹ lưỡng từng sợi dây thắt mối bẫy Chúa sơn lâm.
Trời sáng tỏ dần.
Hắn cùng đám thợ săn ngồi quây quần bên mâm cơm.
– Bướm! Bướm bướm bay vào chòi!
Cả đám đồng thanh la lên.
Bướm Rồng, bám lườn cây sườn chòi đong đưa đuôi trắng chẳng khác vũ điệu “Trở về mái nhà xưa”; đám người thợ săn im lặng, trố mắt nhìn và chớt thấy lòng nao nao nhớ nhà.
– Rạng sáng, trước lúc xuất hành bẫy Cọp, bươm bướm bay vào chòi thì điềm lành hay dữ?
Có tiếng gã thợ săn nào đó hỏi và không có tiếng hồi đáp.
– Dường như đầu bươm bướm hình rồng!
– Sao lại là đuôi trắng?
Đám thợ săn mặc sức xầm xì, bàn tán…quên cả ăn cơm lẫn chuyện sang sông bẫy Cọp.
– Bướm Rồng đuôi trắng đẹp và hiếm nhứt trần gian!
Ánh mắt đám thợ săn nhìn dồn về hướng phát ra tiếng nói, thì ra là người trung niên có tuổi trong đám thợ săn.
– Dễ gì đời người được gặp!
Hồi lâu, người trung niên giải điềm:
– Rồng biểu tượng Đế vương. Đuôi trắng tượng trưng thanh sạch. Bươm bướm đại diện cho linh hồn người chết mượi thân xác loài bướm trở lại dương gian hưởng hương quả và thăm người thân lẫn người quen biết cũ.
Người trung niên, giọng buồn buồn:
– Biết đâu Bướm Rồng đuôi trắng này, là linh hồn của các bạn thợ săn bị Cọp xé xác phanh thây ở những lần bẫy Cọp lúc trước!
Nói xong, người trung niên quỳ lạy Bướm Rồng rồi quày quả đi ngay xuống ghe.
Đám thợ săn chạy ùa theo!
Hắn đứng trơ trọi, la bải hải nhưng tuyệt nhiên, chẳng bóng dáng thợ săn nào ngoái lại.
3.
Bướm Rồng đậu trên ngọn bần, nhỏng đuôi trắng cảnh giới mặt biển Đông.
Trong đất bùn sâu, Lão Mắm và Lão Đước ra chiều tư lự khi bàn về kế hoạch “Đánh từ sớm và đánh từ xa” của Thủy Liễu. Bởi, trước nay, hai lão luôn đứng đầu sóng ngọn gió, rất mạnh về phòng thủ và tự vệ mỗi khi Hải Vương phát động xâm lấn cạp đất ven biển Gò Công.
– Thưa nữ tướng quân! Thế nào là “đánh sớm”? Ta chưa rõ!
Trầm ngâm, Lão Mắm hỏi.
– Dạ, thưa Lão trượng! “Đánh từ sớm”, chớ không phải “Đánh sớm”!
Rồi, Thủy Liễu nói:
– Đánh từ sớm, nghĩa là phải có dự báo!
– Vậy, thưa nữ tướng quân! Thế nào là dự báo?
Lão Đước chen vô.
– Dạ, thưa Lão trượng:
– Dự báo dựa trên cơ sở tin tức khả tín để đánh giá tình hình có nhiều khả năng hay không khả năng xảy ra.
Thúy Liễu cắt nghĩa.
– Ta hiểu rồi! Nhưng, còn đánh từ xa thì sao?
Hớp ngụm trà, Lão Đước bật rật hỏi.
– Phải hết sức chú trọng ngoại giao thì mới có thể, đánh từ xa.
Chậm rãi, Thủy Liễu trả lời.
– Ngoại giao?
Lão Mắm, ngạc nhiên hỏi.
– Dạ, thưa Lão trượng! Ngoại giao chứa nội hàm đặc thù về tình báo, về nghiên cứu, về sự hợp tác với những đối tác của kẻ thù Hải Vương.
Thủy Liễu dẫn giải rành mạch.
– Thưa nữ tướng quân! Tất cả những công việc ấy tới nay, đã tiến triển như thế nào?
Lão Đước, hỏi thăm dò.
– Dạ, thưa hai Lão trượng! Đã làm xong và đầy đủ.
Thủy Liễu nói chắc cứng.
Và, Thủy Liễu nói thêm:
– Chặn giặc đánh bất ngờ, không chi bằng ta biết đánh từ sớm. Ngăn giặc đánh ta bị động, không gì bằng ta chủ động đánh từ xa!
Bỗng dưng, Lão Mắm và Lão Đước cười rung sóng bờ biển hở mà phía trước là đại dương hở biển Đông. Thâm tâm cà hai lão đều nghĩ: “Gò nơi Công đậu, là mộ chôn xác giặc nếu Hải Vương, manh động xua quân xâm lược”.
Bất chợt, Thủy Liễu nghe tiếng huýt gió của Bướm Rồng truyền âm từ ngọn bần xuống đới bờ biển – điểm đặt tín hiệu, nơi tương tác giữa biển và đất liền – . Biết có biến động, Thủy Liễu mời hai Lão trượng lui về giữ vị trí.
Ngoài khơi, Hải Vương diễu võ giương oai, tạo sóng thần bủa giăng mù trời!
Ở một nơi bí mật, Thủy Liễu truyền lịnh cho Bướm Rồng báo “Tin tối Mật, Khẩn” đến hai trưởng lão Mắm và Đước, rằng: mục đích xâm lược lần này của Hải Vương là nhằm thỏa mãn yêu cầu khóa đôi miệng Rồng sông cửa Tiểu và sông cửa Đại. Như vậy, điểm là đây; còn diện là đới bờ biển thuộc Lão Mắm, Lão Đước.
Trong căn hầm chỉ huy, Thủy Liễu cười nụ cười đầy bí hiểm và chỉ có nàng, không thể có ai khác sử dụng thành thục “Đòn phản gián đòn” đưa quân xâm lược Hải Vương do Quỷ Vương làm Tiên phuông rơi vào nơi tử địa.
Biệt phủ Hải Vương!
– Mời Đặc Vụ trưởng, Đặc Vụ tình báo phản gián Cá Trích Vua, hãy chốt ý kiến cuối cùng về điểm và diện của cuốc tổng lực tiến công ngày N, giờ G nơi đất Gò chim Công tụ.
Hải Vương nghiêm giọng.
Và, căn phòng họp tác chiến im phăng phắc.
– Dạ! Trình Hải Vương và các chiến hữu. Tới giờ phút này, đối phương hoàn toàn mắc kế “Điệu hổ ly sơn” của ta!…
Nguyên soái Quỷ Vương cắt lời Đặc Vụ trưởng Cá Trích Vua:
– Đối phương mắc kế ra sao?
– Toàn bộ lực lượng phòng vệ của Thủy Liễu đã di chuyển phía Bắc đới bờ biển.
– Nghĩa là, phía Nam thuộc hai con sông cửa Tiểu và cửa Đại đã bỏ ngõ?
Gằn giọng, Nguyên soái Quỷ Vương hỏi dò la.
– Mặt trận này, không hẳn đối phương bỏ ngõ mà chỉ là, một số ít lực lượng rau cỏ, đế sậy,… chuồn chuồn tại chổ đồn trú.
Và, Đặc Vụ trưởng Cá Trích Vua, nói chắc như đinh đóng cột.
– Như vậy, sau “Điệu hổ ly sơn” là liền tới đòn sấm sét “Giương Đông kích Tây”, chuyện thắng lợi có khác chi lấy đồ bỏ túi!
– Phen này, trời giúp ta! Trời giúp ta!
Âm lực tiếng nói Hải Vương truyền khắp căn phòng.
Sau lời khẳng định của Cá Trích Vua, kẻ mừng ngất ngây là Nguyên soái Quỷ Vương bởi hắn, lãnh ấn Tiên phuông đánh chiếm và khóa long mạch hai miệng Rồng nơi sông cửa Tiểu và Đại trên dòng Tiền Giang.
Hội nghị kết thúc, Hải Vương và chư tướng đồng ký tên hạ quyết tâm lên bản đồ tác chiến.
Ngứa ngái và nhột lỗ tai, Chúa sơn lâm dợm táng tai vào gốc cây rừng.
– Bươm bướm đây mà!
Bướm Rồng đuôi trắng truyền âm.
– Chuyện chi đó, Bướm Rồng?
Vươn vai, Chúa sơn lâm đứng dậy.
– Nữ tướng quân Thủy Liễu, dặn Chúa sơn lâm từ ngày N, giờ G canh giữ chặt bìa rừng cặp bờ sông cửa Tiểu, chếch hướng Tây.
– Tuân lịnh!
Chúa sơn lâm nhe răng, nhướng mặt tỏ vẻ chấp hành.
Bướm Rồng, truyền mật khẩu:
– Nghe tiếng Nàng Nai kêu thì ngay tức thời, Chúa sơn lâm phải… làm vầy,… làm vầy!…
– Ta rõ!
Gác đuôi lên cánh Bướm Rồng – thái độ tình thân và biết ơn -, Chúa sơn lâm nhắc lại ân tình cũ:
– Hôm đó, nếu Bướm Rồng không hù dọa và đuổi đám người bỏ cuộc săn, thì chắc gì ta không bị bắt do hám mồi sập bẫy.
– Ân tình kia, thuộc về Thủy Liễu!
Trên đường trở về căn cứ chỉ huy bí mật của Thủy Liễu, Bướm Rồng nghĩ ngợi và bái phục người chàng thương yêu. Rõ là, Thúy Liễu rất xứng là Anh Thư của xứ sở. Nàng “Biết người, biết ta” và biết cái biết hơn người biết ta nên nàng, giả vờ tin cậy trao kế hoạch phòng thủ cho Cá Trích Vua. Nàng đã tương kế tựu kế, đồng thời xây xây lực lượng tình báo khác nơi thận cân Hải Vương, như Cá Ngựa – thầy thuốc giúp Hải Vương tăng cường sinh lực – ; Rắn Ba Đầu – kẻ hầu hoàng hậu, sảng khoái giao hoan – ; Chim Biển Nước – thông tin liên lạc – … Thủy Liễu, chủ động tạo ra điều bất ngờ lớn nhứt hoàn toàn thuộc về Hải Vương chớ chẳng phải đối phương.
Căn cứ chỉ huy bí mật, trống hoác!
– Thủy Liễu!
Bướm Rồng gọi khẽ.
Không nghe tiếng đáp lời, chỉ nghe tiếng gió.
Hốt hoảng, Bướm Rồng gọi to:
– Thủy Liễu ơi! Nàng ở đâu? Ở đâu…?
Không gian im lặng.
Rồi, Bướm Rồng đuôi trắng, loáng thoáng nghe lời phát ra từ mặt nước nhẹ tợ hơi sương biển chiều:
“Nước chảy cặc bần rung bây bẩy” (Ca dao).
Giựt nẫy mình, Bướm Rồng xoay cánh, ngó xuống sông cửa Tiểu và sông cửa Đại chôm chổm đặc cứng rễ cây bần đuôi nhọn chỉa ngược lên mặt sông, trông hệt hàng hàng lớp lớp cây cộc trời trồng.
“Bướm bay dưới dạ cây bần
Làm sao kết nghĩa Châu – Trần với nhau”
(Ca dao)
Lời chọc ghẹo, giỡn đùa của Thủy Liễu đã khiến Bướm Rồng nhận ra: “Thủy Liễu, hóa thân thành cặc bần chống giặc!”.
– Thủy Liễu, em! Anh hiểu rồi!
Có tiếng cười khúc khích hồn nhiên vì nước quên thân!
4.
Cửa Tiểu, cuối mùa biển động.
Chàng Bướm Rồng đuôi trắng trở lại chốn xưa!
Chốn xưa, nơi thiên tạo rừng ngập mặn bạt ngàn và sáng tối, Hải Vương biển Đông gầm gừ va đập và gào thét cạp lở đất cát ven duyên hải Gò Công. Gia tộc cũng như cha mẹ chàng, đều là những chiến binh chống Hải Vương, giữ đất.
Bồi hồi trên đất cũ, Bướm Rồng ngậm ngùi đứng trước cảnh tàn hoang của rừng bần xưa và nơi chốn ấy, Bướm Rồng còn nợ món nợ ân tình đối với nàng Thủy Liễu mà chàng, chưa trả được.
Hồn cố thổ dật dờ theo khói sóng sông khuya và hình như, trong khói sóng ấy, có lớp lớp hàng hàng chóp đầu nhọn cặc bần ngoi lên khỏi mặt nước mừng rỡ, chào đón người xưa.
Ngày N, giờ G, tại đây, đã xảy ra cuộc chiến tranh vệ quốc do Thủy Liễu, Tổng chỉ huy chống quân xâm lược Hải Vương.
Dưới bầu trời xanh, sông cửa Tiểu, sông Trung, sông cửa Đại im lìm.
Ngoài biển Đông, Hải Vương điều binh khiển tướng và dốc toàn lực, tiến đánh chiếm điểm của mục tiêu trong tình thế tạo bất ngờ cho Thủy Liễu. Hắn truyền lịnh Tiên phuông Nguyên soái Quỷ Vương “Ngựa tháo nhạc, người ngậm tăm” để giữ bí mật hành quân. Song, nhứt cử nhứt động của hắn, Thủy Liễu nắm rất rõ thông qua Chim Biển Nước, Cá Ngựa, Rắn Ba Đầu…
Phía đới bờ biển, Lão Mắm và Lão Đước sử dụng kế nghi binh bằng hành động biết làm lộ những điều cần lộ và có thể lộ; đồng thời, biết che giấu những điều cần che giấu khiến Hải Vương tin giả là thật, có mắt mà thiếu ngươi.
Trên ngọn bẹo cây rừng, Bướm Rồng nhìn rõ mồn một đoàn hải tặc Hải Vương, dẫn đầu là Nguyên soái Quỷ Vương rụt rè và lần dò từng bước tiến tới hạ lưu sông Tiền. Nhận tín hiệu báo động từ Bướm Rồng, quân thủy chiến cặc bần đồng loạt ngẩn đầu sẵn sàng nghinh chiến.
Chiến trận bùng nổ!
Toàn bộ quân hải tặc lọt vào trận địa mai phục của Thủy Liễu. Ngay lúc đó, Lão Mắm và Lão Đước xuất quân đánh vu hồi vòng sang bên sườn, chặn đường rút Hải Vương. Xác hải tặc đặc lừ các cửa sông.
Thủy Liễu xiết cổ, móc họng Hải Vương.
Giữa lúc Hải Vương mười phần chết, một phần sống thì Quỷ Vương liều mình cứu chủ và Thủy Liễu bị bứng khỏi mặt nước trong thế trận “Mãnh hổ nan địch quần hồ”. Nhanh hơn gió, Bướm Rồng dùng đuôi trắng quét ngang mắt Quỷ Vương và hắn vội buông Thủy Liễu, tay bụm đôi tròng mắt lọt ra ngoài. Bỏ chiến trận, Nguyên soái quỷ Hải nhảy phóc lên bìa rừng cặp bờ sông cửa Tiểu, chếch hướng Tây. Liền khi, Nàng Nai kêu tiếng kêu sát khí chớ không là kêu tiếng kêu “nai vàng ngơ ngác”. Đợi có vậy, Chúa sơn lâm rời nơi mật phục, tát mấy tát vô thân Quỷ Hải khiến hắn lộn ngược té sấp lên hàng ngàn mủi giáo ngọn cặc bần đâm bấy nát thân. Và, xác Quỷ Hải chìm sâu giữa sông cừa Tiểu và sông cửa Đại.
Hải Vương, lâm vào tình thế bế tắc rất khó xử; bởi tiến thì không biết tiến đường nào mà lui, thì chẳng biết chọn ngõ nào lui ra biễn. Chợt Hải Vương nhớ năm xưa khi rời nhà trời về biển, thầy dạy khẩu quyết dùng sóng nhiễu loạn tâm trí đối phương để thoát thân lúc gặp phải nguy biến. Sóng cỡi sóng, âm thanh điếc trời nghiêng đất, Bướm Rồng lảo đảo mất phương hướng bay. Chớp cơ hội, Hải Vương xà tới kẹp cánh Bướm Rồng làm con tin trên đường chạy mưu sống và cũng là vật tế linh hồn Nguyên soái Quỷ Vương. Tức thì, Lão Mắm cùng Lão Đước đem sức bình sinh ngăn chắn sòng và Thủy Liễu, không chần chờ suy nghĩ đã dùng chót mủi cặc bần bắn sinh khí tinh khiết của sự sống vào cơ thể Hải Vương. Hắn rùng mình và tê dại, Bướm Rồng thoát bay. Bất thần, Cá Trích Vua lộ diện cứu chủ; trong một nhịp tấn công, hắn đấm liên tiếp ba đấm vào yết hầu Thủy Liễu. Bình tĩnh, Thủy Liễu hóa giải chiêu thức Tam tinh chùy trong Vịnh Xuân quyền của hắn và cuối cùng, nàng sử dụng thủ pháp chân truyền  Cọc phân thây của Tổ phụ, xé Cá Trích Vua thành từng mảnh. Quân thủy chiến cặc bần ào lên truy sát Hải Vương.
– Các chiến binh! Dừng lại!
Rồi, Thủy Liễu nói liền lời:
– “Chó cùng cắn giậu!”.
Hải Vương ngoi ngóp dưới biển và khuất dạng trong sương khói đại dương.
– Thưa nữ tướng quân! Nàng có biết làm vậy là…
Buồn rầu, Lão Mắm nghẹn lời không nói được hết câu.
– … làm vậy là nàng không thể hồi thân trở lại cây bần!
Lão Đước nối tiếp lời Lão Mắm.
Ôm Thủy Liễu vào lòng, Bướm Rồng khóc rống thấu trời xanh:
– Thủy Liễu! Trời ơi!
– Hãy gọi em là Cặc Bần! Xin chàng chớ bi lụy!
Thủy Liễu, gượng cười giấu nỗi đau khổ biệt ly.
– Chàng là côn trùng, em là thảo mộc. Ta gặp nhau là do ý trời và xa nhau, cũng là do trời xui ý!
Nàng nói luôn:
– Cứu chàng, em dùng sinh khí tinh khiết cây bần bắn Hải Vương; cũng đồng nghĩa, em đã thất thân với hắn. Trinh tiết mất, em mãi là giống đực cặc bần sóng đánh và hoa bần, từ rày vĩnh viễn mất hương thơm.
– Thủy Liễu ơi! Anh không cam lòng!
Bướm Rồng khóc.
Nàng Nai rơi lệ, Chúa sơn lâm buồn bã và hai Lão Mắm, Đước tặc lưỡi lắc đầu… Một chiến thắng vắng tiếng cười, vì sự mất mát, hy sinh của Thủy Liễu quá lớn.
Hình như có tiếng thủy thần: “Đỉnh vinh quang chót vót, hố thương đau càng sâu thẳm”! Rồi thủy thần thúc giục:
– Thời hạn đã hết! Về thôi, Cặc Bần!
Nhá nhen, cù lao Lợi Quan chạng vạng.
Đậu trên đỉnh tháp Lũy Pháo Đài – từ Vàm sông cửa Tiểu sang sông cửa Trung – , Bướm Rồng đuôi trắng cố soi tìm hình bóng Thủy Liễu hóa thân lẩn khuất trong vạn vạn cặc bần đang ngoi mình lên mặt nước giữ đất quê. Nhưng, trời phụ lòng Bướm Rồng nào thấy. Và, thấy chăng, Bướm Rồng chỉ thấy thân xác Nguyên soái Quỷ Vương biến thành cù lao Lợi Quan và tứ chi của Đặc Vụ trưởng Cá Trích Vua biến thành cồn Ngang, cồn Vượt, cồn Chim, cồn Tào… Phải chăng, đó là sự trả nghiệp tiền kiếp do ác nghịch trời gây ra (?).
Trước cảnh trời đất bao la, tâm Bướm Rồng đuôi trắng cảm nhận có lẽ, nàng Thủy Liễu thổi hồn đất nước vào trái tim của người mẹ – những phụ nữ xứ sở sông cửa Tiểu cửa Đại – đã sống có ích cho đời, có lợi cho người và đã lập thành danh linh hiển , như: Bà Từ, Bà Tài, Bà Tiên, Bà Thao, Bà Tổng, Bà Lắm, Bà Chủ…
Trăng đầu hôm cuối tháng, khuyết trời Tây.
Bâng khuâng lòng những bâng khuâng, Bướm Rồng đuôi trắng chao mình sải cánh giã từ rừng bần chốn xưa đầy ắp nhớ thương!
“Bần ơi, ơi hỡi cây bần
Lá xanh bông trắng lại gần không thơm”.
(Ca dao)
4/8/2021
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...