Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

Ngôi nhà nguồn cội ngôi nhà thơ

Ngôi nhà nguồn cội ngôi nhà thơ

Hình ảnh bóng quê nhà là nguồn cảm hứng vô tận. Về mặt kỹ thuật là sự sắp xếp tập trung một chủ đề cho tập thơ. Cách làm này tạo hiệu ứng nhất định, như những vòng sóng cùng mã vạch, vô hồi, day dưa không dứt, tương hỗ nhau; mỗi bài thơ, ngoài vẻ đẹp hoàn chỉnh của mình, còn kiến tạo hấp lực cho trường thơ chung của tập thơ. “Tiếng chim về cũ” cũng theo chủ ý ấy. Nhưng tôi còn quan tâm ở khía cạnh khác: khi tìm thấy, nhận ra bóng quê nhà, nhà thơ đã tìm thấy chính mình, cho thơ.
1. Không kể những khác biệt về thể loại, hình thức, trường phái, phong cách…, mỗi nhà thơ có những vin tựa vùng chất liệu, cảm xúc căn cốt, tạo ra không gian thơ riêng; nếu thành công, họ định vị trong bạn đọc một vùng giao thoa, một “trường” đặc hữu làm nên thương hiệu. Ví dụ Nguyễn Bính với trữ tình chân quê đượm màu ca dao, Xuân Diệu với mọi cung bậc tình yêu thời “cái tôi” dám bộc bạch, Bàng Bá Lân với vẻ đẹp làng, Tố Hữu và cách mạng…Đương nhiên, các yếu tố học vấn, môi trường sống, các sâu xa địa văn hóa, bóng dáng thời cuộc, những tư duy nghệ thuật, và xu thế bạn đọc có tác động không nhỏ. Thơ là tiến trình. Người thơ cũng vậy.
Nếu lấy mốc thời gian in tập thơ đầu tay Cổ tích tình yêu (1991) đến tập thứ bảy Tiếng chim về cũ (2020), Mai Thìn đã có 30 năm với thơ, khoảng thời gian đủ để có thể đúc kết một xu hướng thơ, một đời thơ. Từ cái háo hức yêu- thơ và người, và đời – ở tuổi trong ngoài hai mươi đến buổi “đầu đã bạc”, với những mơ ước, thành bại, hoặc ít nhất những trải nghiệm, suy tư về nhân thế- hành trình nhận thức của chiều thuận lớn lên tất yếu- cũng khiến người và thơ khác đi.
Dễ dàng nhận thấy, dù viết nhiều đề tài: tình yêu, quê hương đất nước, chiến tranh, đời sống, văn hóa…, nhưng xúc cảm nhà thơ có phản xạ nhanh nhạy nhất về vùng đất thân thuộc: thành Hoàng Đế- Đồ Bàn, về An Nhơn- Bình Định. Ngay tên các tập thơ cũng phần nào thấy nguồn mạch cảm xúc ấy. Ngoài 2 tập thơ đầu và mới nhất kể trên, các tập khác là: Hai mảnh yêu thương (in chung với QVK), Đồng quê, Khúc sơn ca, Lặng lẽ xanh, Thiên đường thơm rèm cửa nhà mình. Một số sách biên khảo, tản văn bút ký: Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành, Làng ven thành, Lá rụng buồn tênh, nội dung cũng quanh bao trầm tích văn hóa bản địa, những dấu xưa thành cũ, những phong hóa, tập tục, những địa chỉ địa danh, hiện thực và huyền thoại trên vùng đất nhiều dư ba.
Hiểu và yêu. Chưa thật hiểu cũng yêu. Cái tình yêu uyên nguyên, vốn ngoài mọi biện giải, bởi đó là dành cho quê hương, nguồn cội.
Vậy đó là đồng quê nào? Đương nhiên cái đồng quê vùng thành Hoàng Đế quê ông, có núi Mò O- núi thiêng dân tộc Chiêm Thành, sông Quai Vạc, ao Dìm Chuông, Bến Gỗ…- gắn với những truyền thuyết về Tây Sơn; đồng quê Bình Định với ngôi nhà lá mái, với di chỉ Văn Miếu, với các đền tháp đặc sắc; với Bàn Thành Tứ Hữu, tiếng hát bội, bài chòi…; với mẹ, với em. Em, con chim sơn ca của đồng quê, một biểu tượng trữ tình, vòng vọng những khát khao yêu thương, hạnh phúc; quê hương là “nơi sơn ca làm tổ”, dệt mộng yêu thương, hiền hòa tự ngàn xưa đến giờ. Cũng như em, lá vẫn rụng về cội nhưng buồn tênh, xa vắng. Có một thực tế: người ta thường nhận ra cái đẹp, điều quý giá khi mọi thứ đã ngoài tầm tay, đã mất đi. Mối cảm hoài (chứ không phải sự nuối tiếc) giăng mắc giữa hai bờ thời gian, ký ức và hiện hữu, thực và mộng, thành thơ, thành vùng riêng nhất quán trong sáng tác của Mai Thìn.
Nhưng nếu như tiến trình thơ Mai Thìn, dù thay đổi ít nhiều thủ pháp, cách tiếp cận, vẫn thường trực mảng hồn cốt thiết thân ấy, thì nó lâu nay, cũng chỉ là một ý thức chứ chưa thành bức thiết, riết róng như trong Tiếng chim về cũ. Đến tập thơ mới nhất này, nhà thơ Mai Thìn như đã đi trọn tâm nguyện: từ quê hương đến quê hương, trong mỹ cảm sáng tạo của mình.
2.
Bài thơ mở đầu tập thơ, cũng là cái tựa sách Tiếng chim về cũ, có lẽ là bộc bạch gan ruột nhất và cũng như một phát ngôn chính thức về thơ mình, của ông:
Gần hết một đời
mong được đóa hoa thơm dâng tặng quê hương
đầu đã bạc
mỏi chân tìm lại ngày xưa
bất chợt
dưới bóng quê nhà
tiếng chim ca
về cũ.
Cảm thán “đầu đã bạc” là chung cho mọi chí nguyện không thành xưa nay của nhân sinh. Nó, dù vậy, cũng giúp con người bắt đầu ghi dấu trong tâm cảm khái niệm “dưới bóng quê nhà” như sự chở che, nương tựa. Ngôi nhà nguồn cội, cuối cùng, là nơi an trú của tâm hồn, con người thường chỉ tìm thấy khi đã đi qua chặng nồng nhiệt và nhiều ảo vọng tuổi trẻ. Tiếng chim ca vừa thực lẽ sinh diệt tuần hoàn quy luật, vừa vọng suốt bao đời người- những bóng người dưới bóng làng; tiếng chim ca trong tâm tưởng, đã âm vọng!
Bài thơ như mã khóa, như đề xuất cách tiếp cận tập thơ: ngoài đề tài tập trung nhất quán, Tiếng chim về cũ còn là một chặng mới trong tìm tòi, thay đổi thi pháp của nhà thơ. Cái miên man òa ập bung thỏa đã nhường chỗ cho sự trong sáng, giản dị và cô kiệm câu chữ, cảm xúc. Nó chấp nhận nhẹ thoảng tinh tế, mà đằm sâu, khơi gợi, dành cho người cẩn trọng thưởng lãm chứ không phô phang bề nổi, không hiệu ứng tức thì. Như một chén trà ngâu, trà sen ướp theo cách truyền thống - người làm, người thưởng thức đều ngấm cái bí quyết tuyệt đích của vô ngôn, cái thấu tận tinh khiết của hồn, trong khiêm nhã mà kiêu hãnh.
Tập thơ “Tiếng chim về cũ” của Mai Thìn, NXB Hội Nhà văn 2020
Hình ảnh bóng quê nhà là nguồn cảm hứng vô tận. Về mặt kỹ thuật là sự sắp xếp tập trung một chủ đề cho tập thơ. Cách làm này tạo hiệu ứng nhất định, như những vòng sóng cùng mã vạch, vô hồi, day dưa không dứt, tương hỗ nhau; mỗi bài thơ, ngoài vẻ đẹp hoàn chỉnh của mình, còn kiến tạo hấp lực cho trường thơ chung của tập thơ. Xưa giờ, nhiều nhà thơ đã thực hiện. Tiếng chim về cũ cũng theo chủ ý ấy. Nhưng tôi còn quan tâm ở khía cạnh khác: khi tìm thấy, nhận ra bóng quê nhà, nhà thơ đã tìm thấy chính mình, cho thơ.
Bóng quê nhà, do vậy, là cuộc tương hợp của đề tài và thi pháp. Không ồn ào to tiếng, không nỗ lực chứng tỏ, không loay hoay những tìm tòi, cách tân, nhà thơ có cho mình một hài hòa tình và ý, tâm và lời như qua cuộc thanh tẩy kỳ diệu: đã có một Mai Thìn khác dù vẫn trên nền tảng chất liệu quen thuộc. Có thể nói, bóng quê nhà “phát hiện” ra nhà thơ!
Chúng ta dễ dàng nhận ra những “hình hài” đa diện, đa ảnh của bóng quê nhà. Tất nhiên, trung tâm là hình ảnh những người thân, mẹ, cha,… trong ngôi nhà thật, khu vườn xưa, từ thuở ông nội trồng cây mít đầu ngõ. Hãy đọc một số:
Lâu lâu con lại về ngôi nhà xưa
lau dọn từng ký ức
sáng lên dưới lớp bụi mờ
mà như thấy mẹ đi mẹ đứng mẹ nằm mẹ ngồi
dáng còng liêu xiêu
cơi trầu nhẫn nại
mấy chục năm rồi vẫn không già hơn
nghe như ca cẩm, nghe như dỗi hờn
kẽo kẹt từng tiếng mọt
vọng ngàn xưa
võng đưa…
lâu lâu con lại về
lau chùi từng ký ức
như lau gương mặt mẹ
mừng vui dưới bụi mờ.
(Lau dọn ký ức)
Hoặc:
bàn tay cha
mở ra nụ cười
lúc nào cũng sáng tươi
trong mắt nhìn của mẹ.
bà thường chúm chím
nhất là khi ăn trầu
không dám cười to
ông trồng cho mẹ một dây trầu
bò tốt tươi trên cây chùm ngây
dây trầu xanh
đến giờ tôi vẫn giữ
ngày giỗ
tôi hái chín lá đặt lên ban thờ
rồi ngắm ảnh mẹ
chúm chím cười bên cha
tôi chăm dây trầu
mà như thấy bóng cha
nụ cười của mẹ.
(Bóng cha)
Và đây là ghi chép bên chái bếp của mẹ:
Tôi nhớ chái bếp của mẹ/ trống tuềnh trống toàng/ bồ hóng treo lủng lẳng trên đầu ông Táo/ chạn chén đu đưa/ hũ dưa thõng cà/ và uôi xơ mít/ nuôi tôi lớn lên// bẹ chỉ tàu thơm vườn nhà/ dạy tôi nhẫn nại/ dạy tôi chăm chỉ/ từng mũi kim mẹ chằm, lợp nón// cây xương rồng trên cát/ dạy tôi bền lòng/ bờ tre cha trồng/ dạy tôi làm đàn ông/ phải biết bảo vệ, phải biết nhún nhường…
(Bên chái bếp của mẹ).
Không gian ngôi nhà miền quê Nam Trung bộ, vùng quê Bình Định, quá thân thuộc nhiều người; và đó là không gian yêu thương, hạnh phúc. Bạn thích hay không tạng thơ ngôn từ cô đọng, giản dị một khung cảnh, một tấm lòng trải ra, tùy bạn. Tôi chỉ thấy ở đó, những câu chữ, hình ảnh đầy cảm giác, dường như khước từ mọi kỹ thuật, dường như không phải “làm thơ”, mà nhà thơ đang là một thành tố cùng sinh ra, dưới bóng quê nhà. Nhà thơ gặp lại, nhìn thấy cha, mẹ, mà cũng là nhìn thấy, bắt gặp mình. Có chăng dấu ấn tác giả là gợi ý từ việc ngắt dòng như cách đọc chậm, thật chậm, và vẻ đẹp bài thơ dần hiện.
Trở đi trở lại trong tập thơ là “bóng”: bóng làng, bóng quê, bóng cây, bóng tháp, bóng cha, bóng mẹ, bóng người… và rồi như tất yếu, cái bóng của mình. Giờ thì bóng quê nhà đã mở rộng hơn, vấn đề chủ thể khách thể trong thao tác thơ rõ rệt chứ không nhòa mờ. Đây là quan sát, cảm thấu cảnh người mẹ mình, phải rời quê về phố sống với con:
Rã rời trong nỗi nhớ quê
mẹ mang cau héo hong nhờ mái hiên
dõi nhìn bóng nắng xiên xiên
trầu têm nửa cánh ưu phiền nhạt vôi
các con rong ruổi đường đời
không mang theo được góc trời quê hương
mái nhà tranh, gốc trầu vườn
cột kèo xiên trính, khói hương bàn thờ
một đời bóng mẹ tỏa quanh
cây lên thành trái, trái thành chúng con
bây giờ dáng mẹ hao mòn
vào ra thơ thẩn nhớ con, nhớ làng.
(Nhớ quê)
Và bóng mẹ bóng cha đã rợp thành bóng làng:
Tiếng ve ran/ cha tôi cởi trần vót nan làm nón/ bóng mít xòe bóng cha/ mơn man chòm râu bạc
Bóng chim quẩn theo bóng người/ tiếng hót// Làng Vĩnh Phú lưu giữ một tuổi thơ/ sum suê trong ký ức/ tôi đi muôn nơi/ bóng của làng rợp theo/ mơn man…(Bóng làng).
Bóng quê nhà còn là cánh đồng, dòng sông với “con bống con ấp vào trong bóng mẹ” (Bóng quê nhà); hay bờ tre kẽo kẹt, tiếng hát bội đêm trăng, là những di tích thành Hoàng Đế, ao Dìm Chuông, Văn Miếu… “những địa danh lăn lóc bao đời”. Có khi cụ thể “giọng hò vang vọng cụ Sáu Hanh”, hay chi tiết xíu xiu trong ký ức “chiếc răng rụng trên mái nhà chuột rúc”.
Và không thiếu bóng dáng tiền nhân Bàn Thành Tứ Hữu, những người góp phần làm rạng rỡ vùng đất văn chương Bình Định. Hàn Mặc Tử: “nhập vào trăng/ làm thiên thu…”, Quách Tấn: “vì trời không có mắt/ chữ ông sáng trong tim”, Yến Lan: “tháng tám trời trong mây lướt thướt/ mấy chục năm ròng/ đã tới chưa”, Chế Lan Viên: “thơ ông cuối đời như máu/ lọc/ tự nhân gian”. Đã có nhiều thơ hay viết về tiền nhân, nhưng chắt đọng đến sánh đặc, tinh kết và lung linh về thân phận và tài năng của nhóm “tứ linh” lừng lẫy này, hẳn nhà thơ đã cảm thấu bằng suy tưởng, về thơ, về người, chứ không chỉ tự hào chung chung.
Trong logic có phần nhập vai, hóa thân, nhà thơ viết về một bóng quê nhà vang động khác- khúc bi tráng của vương triều Tây Sơn, bằng mối đồng cảm trên vùng ngoại sử, chao chát huyền tích hoặc mơ màng bình yên. Nó khác, vì cũng trong mối bao dung dưới- bóng- quê- nhà:
đứng bên Cánh Đồng Cô Hầu
tiếng ve ran ran cháy
tiếng ve như lửa 
thiêu đốt ruột gan
đại ngàn
sử sách…
(Buổi chiều trong rừng Mộ Điểu)
Hương thị chín rơi trong bồ lúa/ đưa hương thơm suốt mấy trăm năm// Gió xíu xít hay tiếng chim về cũ/ thả lên cây huyền thoại bao đời// Dạo bước trong vườn nhà Nguyễn Huệ/ bình yên/ bên cõi nhân gian.
(Trong vườn nhà Nguyễn Huệ)
Bóng quê nhà, ngoài niềm ân hưởng, nhà thơ còn nồng nhiệt chia sẻ cùng con gái của mình đi du học trời Âu- tất nhiên không phải để đứa con đang tràn đầy ước mơ, khát vọng tuổi trẻ đồng cảm như mình- mà chỉ là tiếng reo vui hạnh phúc không thể kìm nén trước việc “tìm thấy” của mình. Những ký gửi, so sánh, liên tưởng có thể thành ngô nghê, với ai đó, không sao cả, cũng quy luật thôi trạng thái cảm xúc quá ngưỡng:
những ước mơ của con nơi trời Âu trời Á khác với cánh diều thuở nhỏ làng ta, nhưng cũng có thể bay cao có thể rơi vào tâm bão. lòng người là cỗ máy siêu nhiên, ba muốn con đừng quên sợi dây nguồn từ mái nhà ta.
rồi đây con có thể đi xa
đến những nơi có nhiều hơn cái nhất
nhưng đừng quên
trên thế giới này có mái nhà ta.
(Trên thế giới này có mái nhà ta)
mẹ nhớ con dù đã gửi theo rất nhiều áo ấm/ cả mì tôm và lọ dầu dừa/ con nhớ mẹ, nhớ nhà dù ba đã cố nhét vào ba lô/ thêm một cuốn sách về quê hương
Châu Âu rộng mười triệu một trăm tám mươi nghìn cây số vuông/ lớn hơn mười tỉ một trăm tám mươi vạn lần cánh đồng làng ta chứ mấy/ hãy/ cùng Châu Âu rực rỡ nắng vàng.
(Gửi con gái và mùa thu Châu Âu)
Từ ngôi nhà góc vườn quen thuộc với những người thân, người làng; từ những mái làng, bóng quê mộc mạc và di sản; rồi lớn lên vô hạn trong đối sánh cùng thế giới- ngôi nhà nguồn cội là ánh chiếu huyền diệu của tâm thức, nguồn sáng vô tận và là những phát kiến, cho thơ.
3.
Tiền nhân trong Tiếng chim về cũ không thiếu các di sản đền tháp ngót ngàn năm. Mai Thìn nhiều lần viết về tháp: Hồn tháp, Những viên gạch tháp Chàm, Dương Long…Những viên gạch rụng trong lòng tháp hoang phế, những rêu phong tuế nguyệt ngui ngút bóng thời gian từng là cảm hứng bất tận cho thi sĩ tiền bối họ Chế nhập vai hoàn hảo cuộc khóc than những lộng lẫy rồi tàn phai- những vần thơ kinh dị, ma quái, đầy ám ảnh của Điêu tàn, năm mới 17 tuổi.
Nhà thơ Mai Thìn lớn lên trên quê hương thanh bình, đất nước thống nhất trọn vẹn chứ không phải thời “vong quốc nô” thuở ấy, xúc cảm về tháp là sự ngưỡng mộ người xưa, những trí lực, tâm linh siêu việt làm nên vẻ đẹp kỳ tuyệt, “những vị thần/ những đỉnh núi quên tên/ làm nên dáng đá”, những “vũ nữ Apsara vòng eo rêu xanh/ phập phồng/ bước ra từ đá”, những viên gạch “dán lên thời gian/ mã vạch của vẻ đẹp vĩnh cửu”…
Nhưng nếu vậy chỉ là suy gẫm, chiêm bái, tự hào chung chung, như “líu lo/ tiếng chim/ hát/ ngợi quê nhà” (An Nhơn). Cho đến một lần, cùng 2 người bạn đến tháp Dương Long- một người là nhà thơ xứ xa- ý thức “chủ nhà”, cuộc nhập hồn với bóng quê nhà mới thực trọn vẹn:
Ba ngọn bút vẽ lên trời xanh
vẽ lên thời gian
vẻ đẹp của tháp
ba chàng trai bước ra từ lửa
bước ra từ đất, từ nước
tôn cao nhau
quyện vào nhau
tiếng hát
chúng tôi đến thăm
vô tình
làm dài thêm
bóng tháp.
(Dương Long)
Có thực tế cụm tháp Dương Long khá hài hòa vẻ đẹp kiến trúc tổng thể, là “tháp gạch cao nhất Đông Nam Á”. Không rõ ý nghĩ người xưa, nhưng cụm tháp “tôn cao nhau/ quyện vào nhau” như biểu tượng hoàn mỹ “tam vị nhất thể” ba vị thần Hin du giáo: Brahama, Vishnu, Shiva. Và sự “vô tình” của hậu thế hôm nay, cuộc thành ý chiêm bái làm dài bóng tháp: nói như không một hiện thực, mà suy gợi bao điều. Cái còn lại- vượt qua mọi khác biệt, cả hận thù- là lòng người biết trân quý, gìn giữ những vẻ đẹp, những khát vọng hướng tới các giá trị cao cả. Cái đẹp được nhân thêm lên trong tiếp nối và lan tỏa với ánh sáng nhân văn.
Thế có “vô tình” có thơ hay không? Có thể, đó là may mắn trong sáng tạo. Nhưng, như đã nói ở trên, khi “tìm thấy” bóng quê nhà, nhà thơ Mai Thìn đã “bắt gặp” chính mình trong điềm tĩnh và giản dị cô kết ngôn từ, hình ảnh thơ, để vươn tới sự hàm súc, độ chín trong suy tưởng- cuộc đoạn tuyệt những rườm rà giãi bày, nồng nhiệt vốn có. Tất nhiên không dễ dàng gì: trong Tiếng chim về cũ vẫn còn dư vị cũ, đâu đó.
Tôi tin thay đổi tích cực trong thơ Mai Thìn: không chỉ những chuyển động đáng mừng từ vùng nguồn cội bước vào thế giới thơ, mà còn chính từ “ngôi nhà thơ” ấy, đã có một Mai Thìn khác, tự thân, kiểu như: “Ngày nào ông cũng ngồi ở cái bàn ấy/ lách cách gõ bóng mình/ lên thời gian miên chảy” (Thời gian không buồn chảy), hay: Thèm một câu thơ về loài hoa rũ tàn rồi bung nở/ tôi chọn cà phê một mình/ trong góc nhỏ nhìn ra ô cửa nhỏ/ cây mai già trầm tư// chiêm nghiệm về phận người về nhân thế/ mai còn một khoảng để vàng xuân
tôi một mình/ với cái bóng của mình/ mòn nhau.
(Với cái bóng của mình)
Đó là cái cô đơn, bất lực đáng để kỳ vọng.
24/7/2021
Lê Hoài Lương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...