Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

“Dấu xưa” - Một bài thơ giàu cảm xúc và trí tuệ

“Dấu xưa” - Một bài thơ giàu cảm xúc và trí tuệ
của Đại đức Thích Trường Xuân
Xã Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai - Hà Nội vốn là một vùng đất danh lam thắng cảnh nổi tiếng từ xưa với quần thể chùa Thầy, hồ Long Trì, núi Thầy. Nơi đây còn lưu dấu tích thiêng liêng hàng ngàn năm của các bậc tu hành đắc đạo, các danh nhân, hào kiệt đã tới nơi đây để vịnh thơ, ngắm cảnh... đặc biệt là dấu tích của Thiền sư  Từ Đạo Hạnh.
Theo gót chân tu hành của các nhà sư tu hành đắc đạo, Đại Đức Thich Trường Xuân (hiện đang trụ trì tại chùa Long Đẩu, nằm trong khu di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở chùa Thầy) có cơ duyên đến tu hành ở đây từ lâu, đã tốt nghiệp trường Học viện Phật giáo Việt Nam khóa II (1994 -1997) với luận văn loại giỏi. Đại Đức rất am hiểu và say với di tích danh lam thắng cảnh sơn thủy hữu tình ở nơi này. Là người hiểu sâu, biết rộng, cảm hứng lịch sử và cảm hứng trước vẻ đẹp của người và cảnh vật ở chùa Thầy, đó giúp Đại Đức Thích Trường Xuân sáng tác rất nhiều những bài thơ đậm đà, thi vị, đủ các thể loại. Trong đó, bài thơ đường luật “Dấu xưa” là một bài thơ có chiều sâu và rộng của cảm xúc, của trí tuệ. Bài thơ như một món ăn tinh thần quý giá nuôi dưỡng tâm hồn, tạo nguồn sinh lực cho Đại Đức vững bước trên con đường hành đạo. Dưới đây là nguyên văn bài thơ trên:
Bác về làm việc tại chùa Thầy
Dấu tích của Người mãi vẫn đây
Giọt nước Xuân Hương lưu vạn thưở
Hồn thơ Bá Quát đượm hương bay
Thượng Hiền, Nguyễn Hiếu tình đằm thắm
Quang Dũng, Sài Sơn nghĩa ngất ngây
Loại chí hiến chương Huy Chú viết
Còn ghi lịch sử những trang dầy.
(Đại Đức Thích Trường Xuân)
Một bài thơ thất ngôn bát cú được kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh, chuẩn mực theo thi pháp Đường luật cả về pháp vận, thanh điệu và đối. Bài thơ không nghiêng về vịnh cảnh mà đi sâu vào dòng hồi tưởng với những cảm xúc đẹp đẽ, lớn lao của Đại Đức Thích Trường Xuân. Hai câu đầu là những ký ức về Bác Hồ khi Người đến chùa Thầy làm việc và hoạt động bí mật của năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: “Bác về làm việc tại chùa Thầy/ Dấu tích của Người mãi vẫn đây”.
Là nhà tu hành trụ trì ở nơi này đã lâu, Đại Đức biết rất rõ những hồi ức về Bác Hồ khi Người về đây hoạt động cách mạng. Từ những hồi ức cộng với những kỷ vật thiêng liêng, chân dung thiêng liêng của Người ở khu nhà lưu niệm Bác Hồ bên chùa Một Mái trên núi Thầy, đó gợi cho Đại Đức Thích Trường Xuân những dòng cảm xúc vô cùng tự hào và xúc động. Bác Hồ về đây không những làm việc chỉ đạo phong trào cách mạng, mà Bác về đây còn để ngắm cảnh chùa Thầy. Đại Đức hiểu rõ vẻ đẹp tâm hồn thi sĩ của Bác. Vẻ đẹp thần tiên, kín đáo của núi Thầy, chùa Thầy rất hợp với chốn ẩn dật của Người. Bác rất yêu những cảnh sắc như thế. Khi mới về nước, Bác cũng chọn một không gian kín đáo, ẩn dật và rất thơ mộng là hang Pắc Bó ở Cao Bằng: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang” (Tức cảnh Pắc Bó - Hồ Chí Minh). Chùa Thầy nằm ở phía Tây đồng bằng Bắc Bộ, bên tả ngạn sông Đáy, thuộc xứ Đoài nổi tiếng có nhiều cảnh đẹp, chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng hơn 20 km. Nơi đây đã vinh dự được Bác Hồ 4 lần về thăm. Chính vì vậy mà Đại Đức Thích Trường Xuân đã khẳng định đầy tự hào “Dấu tích của Người mãi vẫn đây”. Đặc biệt, có lần Bác Hồ đã từng ở và làm việc một tháng (từ ngày 3 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3 năm 1947) trong khu chùa Một Mái trên núi Thầy. Đây là ngôi chùa nhỏ rất đẹp chỉ có một mái độc đáo dựa vào vách núi. Bên trong khu vực tam bảo là một hang động rất đẹp, nước rỏ tí tách. Chùa dựa hoàn toàn vào núi rất vững chắc. Sau chùa có lối nhỏ đi lên động Gió lùa, (người dân còn gọi là động Bác Hồ) vì đó chính là nơi Bác và các cán bộ cách mạng ở và làm việc. Gọi là động Gió lùa vì mùa hè đến, đứng trước cửa động luôn có luồng gió  từ trong động thổi ra mát rượi. Cửa động rất hẹp, chỉ đủ một người đi vào, nhưng bên trong động lại rộng như một ngôi nhà có thể chứa được tới vài chục  người. Có lẽ, Bác Hồ đã không ít lần ngắm cảnh từ động đẹp này. Cảnh sắc nơi đây càng đẹp và kín đáo, thuận tiện bởi còn có con đường mòn rất nhỏ hẹp ven sườn núi dẫn đến hang Cắc Cớ và khu vực ở chùa Cao trên núi. Thời gian chỉ có một tháng mà đã dệt nên chiều dài và độ dày của dấu ấn thiêng liêng trên mảnh đất chùa Thầy. Giặc Pháp đã không thể ngờ rằng, Bác Hồ và Trung ương Đảng ta đã bí mật chọn ở chùa Thầy một tháng mà chúng không thể phát hiện ra. Ở đây một tháng, rồi Bác và Trung ương Đảng lại bí mật chuyển lên chiến khu Việt Bắc để bảo toàn cơ quan đầu não, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn…
Ngược theo dòng hồi tưởng tràn đầy cảm xúc, Đại Đức Thích Trường Xuân nghĩ đến dấu ấn đẹp đẽ của các thi nhân mặc khách xưa kia đã từng đặt chân đến chùa Thầy, từng làm thơ vịnh cảnh ở nơi này: “Giọt nước Xuân Hương lưu vạn thuở/ Hồn thơ Bá Quát đượm hương bay”. Hai câu thực, Đại Đức đã rất khéo trong nghệ thuật đối và phép gợi, diễn tả được nhiều ý nghĩa thi vị. Chọn hai thi nhân nổi tiếng làm dẫn chứng tiêu biểu, đó là: Nữ sĩ Xuân Hương và thánh thơ Cao Bá Quát, đều là những thi sĩ tài ba từng đặt chân đến chùa Thầy, làm thơ về chùa Thầy. Những bài thơ đặc sắc xưa vẫn còn lưu danh muôn thuở. Nhắc đến nữ sĩ Xuân Hương, Đại Đức không cần đưa ra câu thơ nào của nữ sĩ, mà chỉ dùng phép gợi bằng lối ẩn dụ “giọt nước”. “Giọt nước” là cụm từ vừa gợi tới vẻ đẹp kỳ thú của hang động trên núi Thầy, vừa gợi tới vẻ đẹp của thơ Hồ Xuân Hương. Núi Thầy có những hang động nổi tiếng bí hiểm và đẹp, có những nhũ đỏ kỳ lạ với những giọt nước tinh khiết từ vòm hang tí tách rơi xuống đều đặn, muôn thuở. Ta có thể cảm nhận vẻ đẹp tinh khiết của những giọt nước trong lành ấy với những cảm nhận khác nhau. Ở đây, Đại Đức Thích Trường Xuân cảm nhận bằng sự chuyển hóa đẹp đẽ, tinh tế khi nghĩ tới những câu thơ trác tuyệt của nữ sĩ Xuân Hương. Dường như thơ Xuân Hương viết về chùa Thầy như vẫn còn lưu muôn thuở, như những giọt nước trong lành ấy. Dường như vẫn còn đâu đây hình bóng, tiếng cười ngạo nghễ của nữ sĩ Xuân Hương. Một nữ sĩ luôn có những khám phá độc đáo, góc nhìn mạnh mẽ của một người phụ nữ tài sắc, bất hạnh do bị xã hội phong kiến vùi dập. Trong tâm hồn ta như còn vang vọng đâu đây những câu thơ trong bài “Hang Cắc Cớ” của nữ sĩ năm nào: “Trời đất sinh ra đỏ một chòm/ Nứt ra hai mảnh hỏm hòm hom/ Kẻ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn/ Luồng gió thông reo vỗ phập phòm/ Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm/ Con đường vô ngạn tối om om/ Khen ai đẽo đá, tài xuyên tạc/ Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm”. Hang Cắc Cớ là hang động vừa đẹp vừa bí ẩn nhất ở núi Thầy, thu hút biết bao du khách trong và ngoài nước về đây chiêm ngưỡng và khám phá. Đây cũng là nơi những đôi trai thanh, gái lịch có dịp thổ lộ cảm xúc khi về thăm quan thắng cảnh chùa Thầy. Nên mới có câu ca: “Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Dưới điểm nhấn của nữ sĩ Xuân Hương, một người luôn khao khát được yêu và hạnh phúc trần tục, đó cảm nhận bằng văn hóa phồn thực khi dựng lối thơ đa thanh, đa nghĩa, gợi nên cả sự hớ hênh, vô duyên của thiên nhiên từ cảnh hang động một cách thật tài tình. Đến với thắng cảnh chùa Thầy, nữ sĩ còn leo lên tận điểm cao nhất trên đỉnh núi Thầy (gọi là chợ Trời).
Bài thơ “Chợ Trời” cũng là một bài thơ vịnh cảnh đậm chất thế sự đặc sắc và nổi tiếng xưa nay: “Khen thay con tạo khéo trêu ngươi/ Bày đặt ra nên cảnh chợ Trời!/ Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng/ Ban chiều mây họp, tối trăng chơi/ Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn/ Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi/ Bán lợi, buôn danh nào những kẻ/ Chăng nên mặc cả một đôi lời”. Còn cụ Cao Bá Quát, khi còn trẻ từng là lãnh tụ phong trào khởi nghĩa ở Quốc Oai. Cụ đã từng đến thắng cảnh chùa Thầy du ngoạn, làm thơ. Cụ nổi tiếng là “thánh thơ” cùng thời với cụ Nguyễn Siêu nổi tiếng, từng được tôn là “Thần Siêu”. Hồn thơ của cụ Cao Bá Quát là hồn thơ đẹp đẽ, nhân hậu, giàu tính yêu thương và có sức thẩm thấu sâu sắc lòng người. Say mê với cảnh trí nơi đây, cụ cũng đã có những bài thơ vịnh cảnh núi Thầy đặc sắc mà nổi tiếng là bài “Vân du Sài Sơn, vũ hậu đăng sơn đề bách”… Cảnh đẹp núi Thầy đó chắp cánh cho hồn thơ của cụ Cao Bá Quát thăng hoa, bay bổng… Dưới ngòi bút của bậc thánh thơ, cảnh đẹp núi Thầy như được tôn lên gấp bội. Cảnh núi Thầy như một hòn ngọc của tạo hóa ban phát cho đồng bằng Bắc Bộ, cho đất thiêng sinh ra những nhân tài. Dưới góc nhìn của tâm linh, Đại Đức Thích Trường Xuân linh cảm như hồn thơ xưa của cụ Cao Bá Quát như vẫn còn đâu đây, trở thành bất tử, hòa quyện với mây trời gió núi, tỏa hương thơm đượm nồng hòa với hương khói thiêng liêng của ngôi chùa thiêng cổ kính ngàn năm ở nơi này.
Trong cuộc hành trình đi tìm dấu xưa của dòng hồi tưởng ấy, Đại Đức còn tìm thấy rất nhiều tên tuổi vĩ đại của các bậc danh nhân, thi sĩ: “Thượng Hiền, Nguyễn Hiếu tình đằm thắm/ Quang Dũng, Sài Sơn nghĩa ngất ngây”. Hai câu luận của tác giả tiếp tục liệt kê tên tuổi nổi tiếng các danh nhân để lại dấu ấn khi về đất chùa Thầy. Phép đối tiếp tục được tuân thủ chặt chẽ theo vần điệu của thi pháp thơ Đường cổ điển. Đại Đức dựng bốn danh từ đối nhau đều là tên tuổi mang đậm dấu xưa trên đất chùa Thầy. Vế thứ hai của hai câu luận đều được kết cấu cụm tĩnh từ có mức độ cao sâu để nhấn mạnh cảm xúc. Luật bằng trắc cũng rất chuẩn mực trong từng vế câu và giữa hai câu với nhau. Điều đó chứng tỏ Đại Đức Thích Trường Xuân nắm rất rõ thi pháp thơ Đường. Quả là một nhà tu hành có nhiều năng lực và trí tuệ. Điều đáng quý trọng nhất là vốn kiến thức văn học, vốn sử học kim cổ khá uyên thâm của Đại Đức. Tên tuổi mỗi bậc hiền tài được nhắc đến với giọng thơ đầy tự hào, trịnh trọng. Cụ Nguyễn Thượng Hiền vừa là một danh nhân tài cao đức trọng thế kỉ XIX, từng có dịp đến du ngoạn đất Sài Sơn. Một trong những bài thơ do cụ sáng tác về cảnh chùa Thầy là bài: “Chơi Sài Sơn”- một bài thơ có chiều rộng và sâu của tình đời và thế sự. Cụ Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu cũng là một bậc hiền tài của thi ca. Một thi sĩ rất hay ngao du thưởng ngoạn, nên không thể không đặt chân, lưu bút khi đến thăm thắng cảnh chùa Thầy. Nói về thơ Tản Đà, người đời thường nhắc đến bài thơ nổi tiếng của cụ là bài “Thề non nước”. Còn cụ Quang Dũng là nhà thơ nổi tiếng thời kỳ chống Pháp, cũng là thi sĩ của đất Xứ Đoài và viết nhiều về xứ Đoài. Nếu như nhà thơ Huy Cận có bài thơ “Các vị La Hán chựa Tây Phương” được nhiều người hâm mộ, thì cụ Quang Dũng có bài thơ cũng được rất nhiều người yêu thích là bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây”. Đất Quốc Oai,
Sài Sơn cũng là nguồn cảm hứng đẹp đẽ với Quang Dũng: “Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đờm trăng!”. Những tên tuổi, những bài thơ của các danh nhân, thi sĩ lần lượt được Đại Đức Thích Trường Xuân gợi lên theo trình tự thời gian với biết bao cảm xúc đẹp đẽ. Dường như mỗi lần nhắc đến một tên tuổi ấy, là một lần tác giả lại rưng rưng xúc động. Những dấu xưa không chỉ dệt nên độ dày của lịch sử văn hóa đầy tự hào của dân tộc nói chung, của Xứ Đoài - đất chùa Thầy núi riêng, mà còn như dệt nên cả một tầm hiểu biết, một tình cảm lớn đẹp đẽ trong tâm thức của nhà tu hành . Những cụm từ “tình thắm thiết - nghĩa ngất ngây” cùng phối hợp, làm nổi bật giá trị truyền cảm và sức sống muôn đời của “dấu xưa” nơi đây. Dấu xưa là nguồn sống, nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ, làm đắm say và thức tỉnh từ đáy lòng hàng triệu con người. Chùa Thầy không chỉ để lại biết bao dấu xưa của các bậc tu hành đắc đạo, các bậc hiền nhân quân tử, các bậc thánh nhân, mà chùa Thầy càng tự hào hơn bởi đây chính là mảnh đất sinh ra biết bao người đức tài nổi danh sông núi. Trong đó, bậc hiền tài lỗi lạc nhất phải nhắc đến là nhà sử học, nhà văn hóa Phan Huy Chú: “Loại chí hiến chương Huy Chú viết/ Còn ghi lịch sử những trang dầy”. Nhà bác học Phan Huy Chú sinh ra và lớn lờn trên đất chùa Thầy. Cụ vốn nổi tiếng cả vùng Phủ Quốc- Sơn Tây về tài cao, học rộng từ thuở nhỏ. Trình độ học vấn và sự trải đời đó giúp nhà bác học trở nên nổi tiếng trong nước và cả nước ngoài về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, viết sách. Sự nghiệp trước tác lớn nhất của cụ Phan Huy Chú là bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”. Đây là bộ sách đồ sộ, có giá trị lớn về nhiều lĩnh vực quan trọng của quốc gia. Nếu như Truyện Kiều làm nên tên tuổi của cụ Nguyễn Du về thơ ca, thì bộ sách quý này của cụ Phan Huy Chú làm nên một tên tuổi hiếm có về các nhà bác học của Việt Nam thời xưa. Với tầm vóc lớn lao ấy, tên tuổi cụ Phan Huy Chú vẫn “Còn ghi lịch sử những trang dầy”, lưu truyền cho đến hôm nay và thế hệ mai sau. 
Đọc đi đọc lại vài lần bài thơ “Dấu xưa” của Đại Đức Thích Trường Xuân, ta thấy được dụng ý và tình cảm của một vị tu hành có trình độ khá uyên thâm. Bài thơ đó đề cập một đề tài, một chủ đề lớn và giá trị văn hóa, nhân văn rất cao. Bài thơ như lời tự nhắc nhở và cũng là bức thông điệp quý giá của Đại Đức Thích Trường Xuân nhắc nhở mọi người “Hãy biết trân trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Đó sẽ là động lực để ta sống sao cho xứng đáng với các bậc tiền bối và xây dựng quê hương đất nước tốt đẹp hơn, ngày càng giàu đẹp hơn”.
Nguyễn Duy Cách
Theo http://thoduonghanoi.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tấm bưu thiếp tố cáo  Có một vụ xô xát nảy lửa xảy ra trong khuôn bếp này. Vệt máu khô này tôi đoán là của ông cụ. Tuy ông cụ Phố và gã ...