Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Đến với bài thơ “Trăng khuya” của Nguyễn Thị Điệp

Đến với bài thơ “Trăng khuya” 
của Nguyễn Thị Điệp
Một dịp tình cờ tôi được chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ nhiệm CLB thơ ca Mây Hồng cho xem bài thơ “Trăng khuya” chị vừa sáng tác. Là thành viên trong BBT nên tôi có điều kiện đọc khá nhiều thơ của anh em Hội viên và thi hữu, nhưng ít khi có được cảm giác lâng lâng, ngơ ngẩn phút đầu, như khi đọc bài “Trăng khuya” của chị.
Trước tiên ta thử xem qua bài thơ như sau:
TRĂNG KHUYA
Thả hạt ưu tư ngắm nguyệt cài
Đêm nghiêng nhạc trỗi khúc mơ say
Lặng lờ lá chiếc rơi khe khẽ
Hun hút sông khuya chảy miệt mài
Dõi bóng mây trôi khơi dĩ vãng
Giục tình thơ dậy thắp tương lai
Thuyền ai khuấy động hồn trăng vỡ
Ngọt đắng men đời nén lệ cay.
Nguyễn Thị Điệp
Một bài thơ tả cảnh, tả tình, có thuyền du, có trăng soi, có mây bay, lá rụng…
Thật là một bức tranh sinh động! 
1/. Về cấu tứ toàn bài:
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta luôn có nhiều ưu tư, muộn phiền, trăn trở… Những điều này thường dễ làm cho con người trở nên bi quan buồn chán. Nhưng ở đây, tác giả biết trút bỏ mọi phiền não trong tâm hồn để hòa mình vào thiên nhiên, tìm cho mình một cõi riêng tĩnh lặng:
Thả hạt ưu tư ngắm nguyệt cài
Đêm nghiêng nhạc trỗi khúc mơ say
Chúng ta hãy thử cùng tác giả thả hồn mình vào cảnh vật thiên nhiên lúc ấy: trên bến sông khuya, ánh trăng chênh chếch đỉnh đầu, dòng sông êm đềm trôi lờ lững. Vài chiếc lá…. Ồ không! Ở đây tác giả chỉ thấy một chiếc lá đơn độc, rời cành, nhẹ nhàng buông mình khe khẽ giữa dòng nước mênh mang, miệt mài trôi chảy, giống như bước chân của một người cô độc, buông xuôi, len lỏi giữa nhịp sống hối hả triền miên…
Lặng lờ lá chiếc rơi khe khẽ
Hun hút sông khuya chảy miệt mài
Là người, ai cũng có một quá khứ, dù huy hoàng, mộng mơ, tươi đẹp, hoặc bi thương hay hùng tráng… thì đó cũng là những hình ảnh không thể nào phai trong tiềm thức. Giữa cuộc sống bộn bề nhiều nỗi lo toan, thường khi chúng ta bỏ quên, những hình ảnh đó nằm im trong ký ức. Để rồi có một phút giây bất chợt, ta muốn thả hồn về dĩ vãng mong gợi lại những hình ảnh xa xưa.
Ở đây, khi nhìn những áng mây trôi bồng bềnh, tác giả cũng muốn gởi tâm tình trôi theo áng mây, mong tìm lại những hình ảnh thân thương trong quá khứ. Nhưng tác giả đã bộc lộ cảm xúc của mình một cách kín đáo. Vì thế người đọc không biết tâm trạng của tác giả là buồn, vui, hờn, trách hay nuối tiếc, thương yêu… Đến lúc trở về thực tại, tác giả vội “giục tình thơ” để “thắp sáng tương lai”.
Dõi bóng mây trôi khơi dĩ vãng
Giục tình thơ dậy thắp tương lai
Qua hai câu luận nêu trên, chúng ta hiểu được rằng tác giả là người phụ nữ đoan hậu, tế nhị trong giao tiếp, không biểu lộ tình cảm thái quá và luôn lạc quan trong cuộc sống.
Đến đây ta thử nhìn lại, qua sáu câu thơ trên đi từ cặp đề cho đến cặp luận, tác giả đã phác họa lên một bức tranh êm đềm, thơ mộng. Tuy nhiên dù đẹp đến mấy, nó cũng chỉ là một bức tranh tỉnh vật, ví như cuộc sống yên bình, tĩnh lặng và nhàm chán. Vì thế, tác giả đã tạo ra một sự bùng nổ, vỡ tan trong cấu trúc khi “mượn” hình ảnh con thuyền khuấy động ánh trăng, giống như cuộc đời không bao giờ luôn yên ả. Chính những xao động trong đời là thử thách đắng cay nhưng lại càng làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Điều này được thể hiện rõ trong hai câu kết:
Thuyền ai khuấy động hồn trăng vỡ
Ngọt đắng men đời nén lệ cay.
2/. Nghệ thuật dùng từ:
Trong toàn bài thơ trên, tác giả sử dụng từ ngữ nhẹ nhàng hợp với loại thơ tả cảnh tả tình, gây cho người đọc cảm giác bâng khuâng, man mác. Đặc biệt, theo tôi – có một số từ khá nổi bật trong câu:
1/ Thả hạt ưu tư: Thông thường khi viết văn, người ta hay dùng: nỗi ưu tư, mối ưu tư, hoặc muốn hình tượng hóa thì nói giọt ưu tư. Ở đây tác giả dùng hạt ưu tư, làm ta liên tưởng: Giọt được nén lại thành hạt, tức từ thể lỏng biến sang thể rắn, để cụ thể hóa một danh từ trừu tượng: hạt ưu tư là một cái gì đó có thể nhìn thấy, đụng chạm được. Một từ sáng tạo hợp lý, có tính khoa học.
2/ Hun hút sông khuya: Từ hun hút có nghĩa là xa xăm, sâu thẳm. Nếu dùng diễn tả hang động hay đường hầm thì không gì đáng nói. Tác giả dùng “hun hút sông khuya” làm cho người đọc dễ nhận ra một dòng sông mênh mông, xa thẳm và tối tăm, không biết đâu là bờ bến, càng làm cho không gian tăng thêm sự thâm u, tĩnh mịch.
3/ Hồn trăng vỡ: Ở đây tác giả không ngắm trăng, mà là cảm trăng, cùng tâm sự chia sẻ vui buồn với trăng. Trăng không ở trên cao mà trăng ở đáy nước, vì thế ta thấy có sự gần gũi thân quen đồng cảm với tác giả. Khi con thuyền vô tình khuấy động làm tan vỡ mảnh trăng, là như mang theo cả một tâm hồn chưa vơi tâm sự.
4/ Nén lệ cay: Thông thường, có thể ai đó viết là: “xót lệ cay” hoặc “giấu lệ cay”. Ở đây tác giả không xót xa và cũng không giấu giếm, vì như thế là yếu đuối, là buông xuôi trước nghịch cảnh. Một lần nữa, tác giả đã tự thể hiện là người phụ nữ đầy nghị lực và có một đời sống nội tâm.
Bài “Trăng khuya” là một bài thơ thuộc loại tả cảnh tả tình, được tác giả Nguyễn Thị Điệp viết bằng thể thơ Đường luật một cách cô đọng, ý tứ thanh thoát, lời thơ mượt mà, câu từ không bị sáo mòn. Từng cặp đề, trạng, luận, kết phân minh, bố cục chặt chẽ, dùng từ ngữ nhẹ nhàng để diễn đạt ý tưởng, để rồi sau cùng tác giả tạo ra sự đột biến cần thiết ở cuối bài, gây cho người đọc ấn tượng khó quên.
Theo tôi, đây là một trong những bài thơ Đường luật hay, xin giới thiệu để chúng ta cùng thưởng thức và suy ngẫm.
                                             Thành Nhân
Theo http://thoduonghanoi.com/
                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...