Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Phạm Duy và điệu Tango

Phạm Duy và điệu Tango
Đỗ Trung Quân: Cái lão già hom hem này là hình ảnh của mình vài ba năm nữa. Hom hem, lơ phơ râu tóc nhưng ôm vào cây đàn thì mặt mũi lẳng lơ khôn tả, những ngón tay dài, thon, hơn 60 tuổi mà môi đỏ hồng, đối mắt vô cùng láu lỉnh của một hoàng tử bé. lão ấy làm thơ, dân văn nghệ ”trong luồng” thường không biết lão, thơ lão thật sự chỉ có một vài bài hay còn lại thì… rất hay, lão viết nhạc nhưng chỉ hát cho bạn bè nghe nên không ngạc nhiên khi đọc lão viết về âm nhạc. 
Nguyễn Quang Tấn
Thế giới suy tôn điệu Tango là vua, Valse là nữ hoàng. Nhưng cả vua lẫn nữ hoàng bây giờ đã thoái vị. Vua thì lú lẫn, nữ hoàng cũng hom hem. Năm 2009 Unesco đã công nhận điệu Tango là di sản văn hóa phi vật thể (Intangible Cultural Heritage) cần phải giữ gìn, nếu không người ta sẽ quên nó, sẽ thất truyền. Ở Việt Nam bây giờ, chẳng mấy khi chúng ta nghe được một bài Tango hay Valse trên những phương tiện truyền thông công cộng. Còn ở những tụ điểm ca nhạc, những quán cà phê thì tuyệt đối không. Những ca khúc viết theo hai điệu này chỉ còn sống trong lòng những người già tiếc nhớ thanh xuân.
Lần khác, chúng ta sẽ nói về điệu Valse. Bây giờ hãy nói về những ca khúc viết theo điệu Tango ở Việt Nam.
Có nhiều loại Tango: Tango Argentino, Tango Canyengue, Tango Hanbanera, Tango Oriental, Tango Uruguayan, Tango Liso, Tango Salon, Tango Angola, Tango Milonguero, Tango Nuevo, v.v… Nhưng hầu hết những ca khúc Việt Nam đều là Tango Argentino (thường gọi là: Tăng gô Á Căn Đình).
Ngày xưa nhiều người viết nhạc Tango: Lam Phương, Phạm Đình Chương, Ngọc Bích, Thẩm Oánh… Nhưng được chú ý đến nhiều nhất là Hoàng Trọng - Hồ Đình Phương và cả Phạm Duy nữa.
Phạm Duy vừa qua đời, chúng ta hãy nói về những bản Tango của ông. Hình như ông chỉ có vài bài viết theo điệu này: Phố Buồn, Tiếng Đàn Tôi và Bên Cầu Biên Giới… 
Trong 3 bài này, xuất sắc nhất có lẽ là bài Phố buồn. Hẳn là tác giả đã nghe nhiều ca khúc Tango lắm nên thẩm thấu được cái hồn của thể điệu này. Lối sử dụng bán cung (demi ton) rất điệu nghệ: (và chỉ làm phố buồn thêm), hợp âm (Accord processo) rất lạ. Chủ âm là Mi mineur chuyển qua Mi major rồi qua La mineur làm cho giai điệu lúc tối lúc sáng nhưng cũng chỉ là thủ pháp thông thường, nhưng từ La mineur mà qua Fa dièse mineur với note Do dieses rồi quay về chủ âm thì quả là gây bất ngờ cho người nghe và càng bất ngờ hơn đối với nhạc công. Bất ngờ và thú vị: (Đời nghèo không yêu thương chi bóng dáng xuân sang). Kỹ thuật này hình như chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào sử dụng. Mặc dù phức tạp như vậy nhưng giai điệu vẫn đẹp, vẫn hồn nhiên nên gây xúc động cho người nghe. Ta có thể yên tâm mà đặt Phố buồn ngang hàng với những tác phẩm Tango kinh điển trên thế giới như La Cumparsita, Tango de roses v.v…
Phố Buồn   Thái Hiền
Phố Buồn   Khánh Ly
Phố Buồn     
Bên cầu biên giới thì trái lại, giai điệu gượng ép, hòa âm thiếu tính sáng tạo, ca từ sáo mòn: Về cuối trời… sống trong lòng người đẹp… Bể mắt đắm chìm đời phong sương… Nhưng bất ngờ (Phạm Duy luôn gây bất ngờ) ta bắt gặp câu hỏi: - Lòng ta sao vẫn còn biên giới? Dừng chân bên chiếc cầu biên giới rồi tự trách lòng mình sao vẫn còn biên giới thì quả là một tứ thơ hết sức lạ lùng. Tứ thơ này bao trùm cả Phật giáo: - Kẻ thù của ta là chính ta. Thiên Chúa giáo: - Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Nho giáo: - Trách mình trước khi trách người (tiên trách kỷ, hậu trách nhân). Có lẽ đây là kỹ thuật tuyến tính của thi ca: Cả bài phụng sự cho một câu, một câu thắp sáng cả bài. Vì thế, ta lại thấy Bên cầu biên giới là hay, hay ngang với Phố buồn. 
Bên Cầu Biên Giới     Thái Thanh
Bên Cầu Biên Giới     Vũ Khanh
Thì cứ dừng lại đi, không nhất thiết phải dừng lại bên cầu biên giới, dừng lại giữa phố Saigon cũng được, dừng lại rồi nhìn vào lòng mình sẽ thấy vô vàn biên giới: Ta thấy điều hay lẽ phải nhưng không dám nói, nói ra không ăn cái giải gì mà còn chuốc họa vào thân. Ta là trầm hương, kẻ khác là gỗ mục. Ta là gấm vóc lụa là kẻ khác là giẻ lau bếp. Ta là nhà thơ đẳng cấp thành phố nên không thèm nói chuyện với nhà thơ tỉnh lẻ. Những cái lặt vặt này có phải là những biên giới làm lòng ta nghèo nàn chật hẹp hơn không?.
Tiếng Đàn Tôi     Elvis Phương
Tiếng Đàn Tôi     Khánh Ly
Vài dòng nói theo cảm tính, xem như là điếu văn gởi theo người nhạc sĩ tài hoa. Không phải chia buồn mà là chúc mừng. Chúc mừng ông đã bình yên vượt qua biên giới sau cùng của kiếp người: Tử và Sinh.
Đỗ Trung Quân
Sưu tầm: Lê Ngọc Phượng
Theo https://sites.google.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...