Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Những nét độc đáo trong tư duy người Việt qua văn học dân gian

Những nét độc đáo trong tư duy người Việt 
qua văn học dân gian
Văn học dân gian Việt Nam là dòng văn chương bình dân nhưng đã ẩn chứa những khái niệm trừu tượng, những phán đoán và sự nhận thức của người Việt. Hay nói khác đi, văn học dân gian Việt Nam đã có những quan niệm nhất định về vũ trụ, nhân sinh không hoàn toàn vay mượn tư tưởng của Nho, Phật, Lão. Đó chính là những nét độc đáo của tư duy người Việt về thế giới, con người.
Văn học dân gian Việt Nam là nguồn tư liệu ít được khai thác về mặt triết học vì, trước hết người ta thường coi đó là thứ văn học truyền miệng, kỹ thuật lưu truyền thấp kém nên dễ bị tam sao thất bản. Thứ đến, nó bị xem là loại văn phong không bác học, có nhiều hạn chế, lạc hậu. Song, thật ra trong thứ văn chương bình dân ấy đã ẩn chứa những khái niệm trừu tượng mà ở đó, chúng ta cũng có thể nghiệm được năng lực tư duy, phán đoán, phân tích và nhận thức của người Việt Nam. Hay nói khác đi, văn học dân gian Việt Nam cho thấy giá trị bản nhiên của tư duy người Việt, không hoàn toàn vay mượn tư tưởng của Nho, Phật, Lão. Trong phần nghiên cứu này, chúng tôi muốn chỉ ra những nét độc đáo của tư duy người Việt qua văn học dân gian để minh chứng cho nhận định trên.
Trong tác phẩm Tư tưởng Việt Nam - tư tưởng triết học bình dân, Nguyễn Đăng Thục đã chỉ ra những tư tưởng triết học bình dân của người Việt được thể hiện từ các vật thể như trống đồng, mộ cổ… đến những sinh hoạt tinh thần như hội hè, đình đám và tục ngữ phong dao. Theo ông, cái vũ trụ quan Âm - dương và Vạn vật đồng nhất thể của Lão Trang đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm về vũ trụ, về thế giới của người Việt, mà cụ thể ở đây là quan điểm đồng nhất người - vật được thể hiện trên trống đồng với hình ảnh con chim Lạc Hồng nửa người nửa vật, trong thần thoại Con rồng cháu tiên, hay trong những câu hát, những câu ca dao như: Một đàn cò trắng bay tung/ Bên nam bên nữ ta cùng hát lên... Thêm nữa, Nguyễn Đăng Thục còn khẳng định, đến ngay cả tín ngưỡng sùng bái anh hùng dân tộc và sùng bái thần tiên của người Việt đều theo kiểu Lão giáo bên Tàu (1).
Giáo sư Trần Quốc Vượng, trong tác phẩm Theo dòng lịch sử, những vùng đất, thần và tâm thức người Việt còn nhấn mạnh rằng, các truyền thuyết, truyện cổ, tín ngưỡng của dân tộc Việt, như truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, tục thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, vua Thục ở đền Thượng Cổ Loa... đều nhuốm màu sắc Đạo giáo, đều là sự "Đạo giáo hoá" những khía cạnh khác nhau của tâm thức Việt cổ (2). Nhận định về lịch sử tư tưởng Việt Nam, theo Giáo sư là "Không có sáng tạo, chỉ có vay mượn, chỉ có áp dụng, chỉ có thích nghi-đó là sự thực của lịch sử tư tưởng chính thống Đại Việt" (3).
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam  đều thường nhìn nhận tư tưởng Việt Nam như là sự phát triển của ba học thuyết Nho, Phật, Lão; hoặc nhấn mạnh đến những ảnh hưởng, sự vay mượn ba học thuyết đó trong tư duy của người Việt mà chưa chú trọng đến những nét độc đáo, sự sáng tạo, những đặc trưng riêng của tư duy dân tộc trước khi chịu ảnh hưởng của văn hoá ngoại lai được thể hiện ngay trong văn học dân gian.
Chúng tôi không phủ nhận quan điểm cho rằng, văn hóa Việt Nam qua mấy nghìn năm là sự tổng hợp, hỗn giao các trào lưu văn hoá khác nhau từ bên ngoài và tinh thần Tam giáo (Nho, Phật, Lão) được dùng làm tư tưởng cơ bản về vũ trụ, nhân sinh của người Việt. Song, chúng tôi muốn lưu ý rằng, những tư tưởng bác học đó không dễ dàng được tiếp thụ trong một môi trường mà quần chúng nhân dân là những người không biết chữ Hán, và họ không hoàn toàn là người Việt mà còn là những dân tộc thiểu số khác. Hơn nữa, Nho, Phật, Lão đều du nhập vào Việt Nam khi nước ta đã có một nền văn hoá đồ đồng rực rỡ Đông Sơn trước đấy. Theo những nghiên cứu trên tư liệu hiện vật và cả tư  liệu truyền miệng cho thấy, văn hoá Đông Sơn đã hội tụ đầy đủ những tinh tuý để làm nên một cộng đồng người Việt, làm nên một nhà nước Văn Lang đầu tiên. Lúc đó, người Việt đã có một quan niệm nhất định về vũ trụ, nhân sinh theo phương pháp tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp: Núi/ Nước - Trời/ Đất thể hiện trong những truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Âu Cơ - Lạc Long Quân và đặc biệt trên trống đồng. Tư duy lưỡng phân, lưỡng hợp đó còn đeo đẳng cho đến tận sau này trong quan niệm về hôn nhân giữa Tiên Dung - Chử Đồng Tử trong truyền thuyết về Đầm Dạ Trạch. Những yếu tố đầu tiên của một thế giới quan như vậy tất yếu sẽ phát triển thành một hệ thống quan điểm hoàn chỉnh, toàn diện về vũ trụ, nhân sinh nếu như lịch sử dân tộc có bước phát triển liên tục, tuần tự. Nhưng khi quá trình đó vừa mới bắt đầu thì người Hán xâm lược và đặt ách đô hộ mấy nghìn năm. Lúc này, theo Giáo sư Hà Văn Tấn, văn hóa phải chịu đựng một sự tiếp biến cưỡng bức (4). Tuy nhiên, những yếu tố đầu tiên của một thế giới quan như vậy vẫn tiếp tục tồn tại trong dòng văn học dân gian và tạo nên nét riêng biệt của tư duy người Việt so với tư tưởng Nho, Phật, Lão.
Minh chứng cho nhận định trên, chúng ta có thể thấy ngay trong thần thoại Thánh Gióng của người Việt. Mặc dù được lý giải dưới hình thức ngụ ngôn, thần thánh nhưng Thánh Gióng cho ta thấy ý thức tự giác của nhân dân đối với nhiệm vụ thiêng liêng là phải chống xâm lăng để cứu lấy nước. Khi ấy, sức mạnh của họ bất thần trở thành sức mạnh vô địch, siêu nhiên có thể chiến thắng kẻ thù lớn mạnh hơn mình rất nhiều. Điều này chúng ta không thấy có trong tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo hay Lão giáo. Ý thức chống quân xâm lược trải qua quá trình lâu dài của lịch sử một dân tộc liên tiếp có giặc ngoại xâm được nâng lên thành một sự nhận thức lý tính, thành lý luận - đó là chủ nghĩa yêu nước. Các nhà nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam đều thống nhất rằng, chủ nghĩa yêu nước là một trong những tư tưởng triết học đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử tư tưởng dân tộc. Tư tưởng yêu nước là cơ sở để xây dựng một nhân sinh quan - quan niệm về nhân cách, về lẽ sống/chết, về đạo làm người, về nghĩa vụ làm dân đối với nước; một thế giới quan - quan niệm về nguồn gốc tổ tiên, giống nòi, nguồn gốc muôn loài, sự tuần hoàn của bốn mùa, năm tháng... Ngược lại, nhân sinh quan, thế giới quan đó lại toát lên tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc một cách nồng nàn.
Sự tích bánh chưng, bánh dày, ngoài ý nghĩa phản ánh thế giới quan của người Việt, còn cho thấy tư tưởng chính trị không phải của Nho giáo ở chỗ, người lãnh đạo đất nước phải là người tài đức, không nhất thiết theo lệ cha truyền con nối hoặc là truyền cho con trưởng. Do đó, mới có cốt truyện vua chọn Lang Liêu chứ không chọn con trưởng, và mới có câu tục ngữ: Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Tương tự như vậy, chúng ta có thể tìm thấy bản sắc tư duy Việt trong truyện Sự tích quả dưa hấu. Mai An Tiêm dám chống lại vua cha và cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về chàng. Điều đó có nghĩa rằng, quan hệ vua - tôi, cha - con hoàn toàn không tuân theo lý thuyết Tam cương, mà cụ thể là tư tưởng Trung quân/ Quân - Thần nhất nhất của Nho giáo.
Truyện Tấm Cám, là thể loại chuyện phổ biến có thể tìm thấy ở nhiều dân tộc khác vì đều có chung một chủ đề: mâu thuẫn giữa dì ghẻ - con chồng. Song, điểm khác biệt trong truyện Tấm Cám của Việt Nam là tính đấu tranh bền bỉ, quyết liệt của một cô Tấm nhỏ bé, thảo hiền với người mẹ kế độc ác, gian manh. Hình tượng đó phản ánh truyền thống của dân tộc ta, phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường, bền bỉ của một dân tộc nhỏ bé dám chống lại một kẻ thù xâm lược hung hãn, lớn mạnh. Trong Tấm Cám, những giáo điều như trung, hiếu, tiết, nghĩa của Nho giáo hoàn toàn vắng bóng. Hay nói khác đi, trong truyện đó, chúng ta không tìm thấy những phạm trù đạo đức của Nho giáo mà hoàn toàn là những quan niệm độc đáo của người Việt. Lý thú hơn, chúng ta có thể thấy trong cách lý giải sự chết đi sống lại của cô Tấm cũng không phải là thuyết Luân hồi của Phật giáo. Bởi theo Phật giáo, luân hồi là vòng bể khổ của con người, còn luân hồi là còn lạc trong bến mê, chỉ khi đạt đến Niết bàn con người mới thực sự giải thoát khỏi vòng luân hồi đó. Còn cô Tấm "luân hồi" không phải để chịu khổ mà để hưởng cái sướng, để đấu tranh với cái ác, cái xấu... Và cuối cùng, nàng đã chiến thắng, nàng đã được hưởng hạnh phúc và sung sướng.
Mở rộng ra, trong một số lễ hội dân gian, chúng ta thấy sự giao thiệp nam - nữ đã thể hiện một quan niệm "tự do, phóng khoáng" của người Việt. Điều này được miêu tả điển hình qua bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương: Bốn cột khen ai khéo khéo trồng/ Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông/ Trai đu gối lạc khom khom cật/ Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song... Nó khác hẳn, thậm chí là đối lập với nguyên tắc “nam nữ thụ thụ bất thân” của Nho giáo.
Như vậy, văn học dân gian đã có những yếu tố tiến bộ, mang tính chiến đấu ở chỗ: Dám chống lại hoặc không thừa nhận những tư tưởng chính thống, cụ thể là những tư tưởng chính trị - xã hội của Nho giáo mà giai cấp thống trị trong xã hội đang sử dụng. Nó dám lên án tội ác, thói hư tật xấu của giai cấp thống trị: Con ơi mẹ bảo con này/cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan; Tuần hà là cha kẻ cướp; Muốn nói gian làm quan mà nói; Trống chùa ai đánh thì thùng/ Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng. Nó phê phán cả những tập tục, lễ giáo chật hẹp bó buộc cuộc đời con người: Lênh đênh chiếc bách giữa dòng/ Thương thân goá bụa, phòng không lỡ thì/ Gió đưa cây trúc ngã quỳ/ Ba năm chực tiết còn gì là xuân; Sông bao nhiêu nước cũng vừa/ trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng.  Nó đặt ngược lại nhiều vấn đề trong cái gọi là Tam cương, Ngũ thường của Nho giáo. Dân gian có câu "Con hơn cha là nhà có phúc" hay "Tháng sáu em cày, anh bừa/ Tháng mười em gặt, anh đưa cơm chiều",… thể hiện mong muốn phát triển, bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội của con người Việt.
Chúng ta không ngần ngại khi cho rằng, văn học dân gian là cơ sở để xây dựng nên nền văn học bác học. Những nhà thơ lớn của Việt Nam, như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... đều đã khai thác ở chính văn học dân gian nghệ thuật miêu tả, ngôn ngữ. Hồ Chủ tịch, khi nói chuyện hay khi viết sách, thường dùng tục ngữ, ca dao làm cho lời nói dễ hiểu, dễ nhớ và thấm sâu vào lòng người. Và trên thế giới, thơ ngụ ngôn của La Fontaine rất hay, bởi thơ ông chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học dân gian Pháp. Nhạc sĩ thiên tài Bettoven cũng dựa vào âm nhạc dân gian Đức để sáng tác nên những bản nhạc bất hủ của mình v.v...
Các truyền thuyết dân gian cổ xưa do những người dân sơ khai với một trí thông minh chưa phát triển đã đặt vấn đề về nguồn gốc của vũ trụ, con người. Đây cũng là câu hỏi luôn nung nấu các nhà khoa học, nhưng câu hỏi đó, cho đến nay, khoa học vẫn chưa nghiệm ra nên đành coi nó như một tiền đề không cần chứng minh. Thuyết tương đối của Anhxtanh khẳng định rằng, một vật khi chuyển động với một vận tốc nhanh bằng tốc độ ánh sáng thì khối lượng của nó có thể tăng lên, không gian co lại và thời gian thì trôi chậm đi. Thuyết tương đối đó, ngày nay, đã được các nhà bác học kiểm nghiệm là đúng và chuẩn xác. Một con tàu vũ trụ đi với vận tốc xấp xỉ vận tốc ánh sáng, thời gian trôi đi ở đó chỉ có 1 năm; trong khi đó, lấy sự đứng yên của trái đất làm chuẩn thì thời gian đã trôi là 100 năm. Trong truyền thuyết của nhiều dân tộc đã từng có những liên hệ đến tính tương đối của khối lượng, không gian, thời gian tương tự như vậy, chẳng hạn trong truyền thuyết Từ Thức gặp tiên của người Việt Nam. Chàng trai Từ Thức vô tình cứu một nàng tiên bị mắc nạn trên trần thế, vì cảm phục tấm lòng hào hiệp, nàng mời Từ Thức lên cõi tiên chơi có 3 năm. Khi trở về làng quê thì mọi vật đã đổi thay, thời gian trôi đi tận 80 năm, bạn bè người thân đều đã chết hết cả, đứa cháu khi chàng ra đi mới 1 tuổi nay đã trở thành ông lão 80 tuổi.
Một số nhà nghiên cứu văn hoá dân gian trên thế giới đã mạnh dạn tuyên bố rằng, những người sáng tạo ra các truyền thuyết trên đã đi trước các nhà khoa học khi đặt vấn đề nguồn gốc vũ trụ và "rất có thể nhiều giả thuyết của các nhà khoa học về vũ trụ được sinh ra bởi sự thúc đẩy của tâm thức dân gian nhiều hơn bởi các suy luận khoa học" (5).
Tuy nhiên, văn học dân gian Việt Nam vì phản ánh một cách trực cảm hiện thực cuộc sống, mà cái hiện thực đó lại muôn màu muôn vẻ, chứa đựng đầy mâu thuẫn nên nội dung của nó cũng có mâu thuẫn. Ví dụ, khi thì cho rằng: Ăn trộm ăn cướp, thành phật, thành tiên/ Đi chùa, đi chiền, bán thân bất toại; khi khác lại cho rằng: ở hiền thì lại gặp lành/ Những người nhân đức trời dành phúc cho. Trứng chọi với đá có ngày vỡ tan, hay; Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng. Không thiêng cũng thể bụt nhà/ Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em; Chồng khôn thì nổi cơ đồ/ chồng dại luống tổn công phu nhọc nhằn...
Bên cạnh đó, có thể thấy, văn học dân gian là sản phẩm của quần chúng (chủ yếu là nông dân) nên những quan điểm, tính cách tâm lý, giáo dục, nhận thức không thống nhất, hoàn chỉnh. Chẳng hạn, khi thì cho rằng: Đời người có một gang tay/ Ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang, khi lại cho rằng: Nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng. Hay có chỗ dạy rằng: Chồng con là cái nợ nần/ Chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mầm, chỗ khác lại dạy: Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không lái, như ai không chồng. Tương tự như vậy ở các câu sau: Chính chuyên anh cũng được nhờ/ Lẳng lơ nào biết cõi bờ là đâu; Chính chuyên chết cũng ra ma/ Lẳng lơ chết cũng chôn ra ngoài đồng. Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ/ Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu, đối nghịch lại với câu: Ai ơi chớ lấy học trò/ Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm/ Ngày thời cắp sách đi rong/ Tối về lại giữ đèn chong một mình, v.v...
Thế giới quan, nhân sinh quan trong văn học dân gian còn nhiều hạn chế, tiêu cực, mang mầu sắc thần bí, thiên định như: Nhờ trời mưa gió thuận hòa; Trời làm khổ cực hại dân/ Trời làm mất mát có phần nào chăng; Trời sao trời ở chẳng cân/ Kẻ ăn không hết, người lần không ra; Số giàu lấy khó cũng giàu/ Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo; Số giàu đem đến dửng dưng/ Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu; Ngọn gió đâm ngang nên chàng xa thiếp/ Duyên nợ tự trời, ai quyết xa ai; Nhờ ơn cô bác giúp lời/ Chị em giúp của, ông trời định đôi...
Mặc dù có những hạn chế như đã nêu trên, song vẫn phải khẳng định lại rằng, trong cuộc sống của mình, người Việt Nam đã thể hiện sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng của tư duy dân tộc mà không cần đến hay không tìm đến với những quan niệm đạo đức của Nho giáo, triết lý nhân sinh của Phật giáo và vũ trụ luận của Đạo giáo. Điều đó cũng có nghĩa là, văn học dân gian phản ánh những nét độc đáo của tư duy người Việt trước khi chịu ảnh của văn hoá ngoại lai. Nó chính là yếu tố quan trọng góp phần chống lại sự Hán hóa. Tiếc rằng, những tư tưởng ấy chưa được khái quát thành lý luận và có hệ thống. Nhưng qua đó cũng đã cho thấy những nét cơ bản về thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt. Vì vậy, để có thể nghiên cứu những tư tưởng triết học của dân tộc một cách sâu sắc và toàn diện hơn, chúng ta cần phải nghiên cứu, nắm vững những vốn quý xưa của dân tộc mình qua nguồn tư liệu dân gian phong phú này.  
Chú thích: 
(*) Tiến sĩ triết học, Viện Triết học.
(1) Xem: Nguyễn Đăng Thục. Tư tưởng Việt Nam - tư tưởng triết học bình dân. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1963, tr.10 - 81.
(2) Xem: Trần Quốc Vượng. Theo dòng lịch sử những vùng đất, thần và tâm thức người Việt. Nxb VHTT, Hà Nội, 1996, tr. 48.
(3) Vũ Khiêu (chủ biên). Nho giáo xưa và nay. Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.164.
(4) Xem: Hà Văn Tấn. Giao lưu văn hóa Việt cổ. Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 4, 1981, tr.19-20.
(5) Lê Đắc Tất. Vũ trụ không chỉ hiện lên trong kính chiếu yêu Big Bang.  Báo An ninh cuối tháng, số 35, tháng 6, 2004. 
2/2/2018

Đỗ Lan Hiền (*)

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 6 (169), tháng 6/2005
Theo http://philosophy.vass.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...