Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Từ ma âm tới diệu âm - Văn Cao - Phạm Duy - Trịnh Công Sơn

Từ ma âm tới diệu âm - Văn Cao
Phạm Duy - Trịnh Công Sơn
Bồ Tát Âm Nhạc
Từ Ma Âm Tới Diệu Âm

Hùng Âm Văn Cao

Nhân Âm Phạm Duy

Ma Âm Trịnh Công Sơn
Nếu mang tầm vóc của một Tề Thiên Ðại Thánh thì mỗi lỗ chân lông là một lỗ sáo phát ra âm điệu và mỗi sợi tóc biết đâu chẳng là một ăng ten thu được tiếng cười của tiên nữ và phả được hình bóng của thiên đường lên màn ảnh chiêm bao?
Âm nhạc là chiều thứ năm bên cạnh không gian ba chiều và chiều thứ tư, thời gian. Phải có thước đo đặc biệt vì chiều thứ năm linh diệu như đôi cánh của loài thần điểu bay vượt vũ trụ hình sắc và thay vì bị giam trong thời khắc, âm nhạc có khả năng huyền diệu sáng tạo ra thời gian, thời gian tâm lý. Nó chuyên chở theo mầm linh tính vốn nằm sâu trong nhân tính, vì thế cổ nhân mới nói thành ư nhạc, là thành đạo đi được vào thái hòa tuyệt đối.
Nhạc không thể tạo hứng khởi nếu trong tế bào thần kinh và trong huyết cầu không có căn âm nhạc để đáp ứng. Tiếng chuyển động tuần hoàn của sóng máu, nhịp bập bồng của bạch, hồng huyết cầu, nếu tịnh tâm có thể nghe thấy như một bản nhạc hồn nhiên trong cõi tâm vô bờ vô bến. Tiếng sóng dội từ biển tâm, lan tới vô tận, dập dìu như trăng kéo thủy triều bập bồng lên xuống… ở nơi kỳ diệu này có kẻ từ bỏ ý thức để lạc vào bào thai Hóa Công hoặc giản dị hơn, có kẻ đóng bè thơ thẩn thả ngày tháng trong hồ mắt giai nhân vốn dĩ là bản sao phác họa Cực Lạc.
Tất cả Nghệ Thuật đều tìm lối vào cõi Chân Thiện Mỹ, cho nên âm thanh tinh ròng hồn nhiên chính là âm thanh của cõi tâm xa dần, mất dần, trút bỏ dần không gian uế tạp, thời gian ô trọc, để lọc ra diệu âm trinh tuyền huyền kỳ.
Mỗi thời đại có tiếng động của nó. Cục đất cũng biết nói năng, cỏ cây còn biết than vãn, nữa là… nhạc sĩ có cái tai nhậy cảm nghe ra tiếng động ấy, triển khai thành muôn vàn âm điệu, mỗi cung bậc thành một cái dùi trống đập vào màng nhĩ, khua dậy cơn bão hồng huyết cầu vang lừng… âm thanh lúc này là kết tinh lịch sử, là hô hấp của triệu triệu lá phổi theo cùng một nhịp.
Thuở ban đầu khi kháng chiến còn là phản ứng hồn nhiên của dân tộc, tiếng hét xung phong, tiếng kèn tiến quân… còn là chính âm bật ra từ lồng ngực Lạc Hồng… khí hùng sôi sục của cả dân tộc bị đè nén bật tung… kết vào Văn Cao thành gươm giáo âm thanh, lồng vào cổ họng như lửa nung sông núi. Hùng ca Văn Cao hát lên thấy lỏa tỏa những làn gươm, rờm rợp cờ bay ngựa hí, đôi khi có tiếng nghiến răng ken két, tiếng kèn vang vang sa trường, nhịp trống nện theo nhịp chân lên đường chen chúc, dập dồn như sóng đại dương, loang loáng như lưỡi thép vung lên… không có hào khí lịch sử phổ độ, không có hồn thiêng siêu thức tập thể, không thể hâm những tiếng động đó thành nhạc điệu ngùn ngụt lửa bốc.
Văn Cao là một trường hợp hiếm có: nhạc hùng và nhạc tình của ông đều đạt tới tuyệt đích. Âm thanh tinh ròng như kim cương đã được tẩy sạch quặng đất, tấu lên rất trong và thoát như một kiếm sĩ thượng thừa, gươm ra khỏi vỏ nhẹ nhàng, chém nhát nào đứt phăng nhát ấy… tựa như thơ Cao Bá Quát, mạnh, một hơi, không thừa không thiếu. Thiên Thai là một cõi thời gian sáng tạo, Suối Mơ, Ðàn Chim Việt… là những kiến tạo tô điểm cho chính thiên nhiên tạo tác bởi Hóa Công. Sáng tác nghệ thuật từ sức sáng tạo tiềm tàng trong mỗi nghệ sĩ đều mang tinh lực mãnh liệt sáng thế vũ trụ. Tinh lực ấy như núi lửa bốc lên khoảng mươi năm Trời cho.
Thiên Thai - Văn Cao - Hoàng Oanh
Phạm Duy không cầm gươm lên ngựa xông thẳng vào sa trường như Văn Cao. Ông cầm đàn đi quanh lắng nghe tiếng than của bà mẹ già, nỗi lòng người thương binh, tiếng vỗ cánh của đàn chim trên bến sông Lô… giọt mưa rơi tí tách trong ngõ buồn… tiếng mùa thu chết, lời đưa tiễn một phi công… Ông đi rất nhiều nên nghe được mọi tiếng động của muôn vàn trái tim, trái tim trong trận chiến, ngoài trận chiến, sau trận chiến… ông phổ lời dân vào bài ca bàng bạc âm hưởng của làng xóm đồng ruộng, xôn xao cung bậc của ánh sáng thị thành. Nhạc ông có chiều dài chiều rộng của con người, có chiều sâu của trái tim nhân tình thế thái, âm thanh của ông là là trên mặt đất, chơi đùa với thế nhân… già trẻ lớn bé, lúc nào, cảnh huống nào, cũng có thể tìm thấy trong cung bậc gần gũi thân mật của Phạm Duy. Thế nên nếu Văn Cao tiêu biểu cho hùng âm thì Phạm Duy tiêu biểu cho nhân âm mặc dù cả hai xuất hiện đồng thời đồng lứa.
Phạm Duy cũng có hùng ca, những bài Xuất Quân, Nhạc Tuổi Xanh… của ông tuy vậy chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong dòng nhạc nhân tâm. 
Phải có một chút dã tính mới có thể làm nhạc hùng tới mức. Phạm Duy là một nghệ sĩ nhiều nhân tính tất nhiên sở trường của ông phải là tình ca. Ông không thể phanh thây uống máu quân thù nên nhạc hùng của ông thiếu cái sát khí đằng đằng của khúc quân hành.
Âm thanh Văn Cao như lưỡi sắc của thanh gươm kỳ diệu, âm thanh Phạm Duy là tiếng ru hiền hòa của rặng phi lao bên bờ biển Ðông… Thập niên 40 là của Văn Cao, thập niên 50 - 60 là của Phạm Duy, cuối 60 đầu 70 lại có ma âm Trịnh Công Sơn hiện ra.
Có chút gì huyền bí trong lịch sử. Có chút gì thiêng liêng trong âm thanh. Chẳng thế mà phải có một vị Phật chuyên ngồi nghe âm ba của thế gian, Quán Thế Âm tất chú ý tới tiếng bom đạn của loài người sân hận hơn là tiếng tụng kinh gõ mõ. Cuộc chiến tương tàn Nam Bắc nhạt nhẽo đến độ không bên nào có nổi một bài ca. Miền Bắc nhai lại những bài ca kháng chiến, nhưng lần này thật lạ, tiếng kèn diết dóng như kèn ma và tiếng mandolin nẩy lên như dao găm lựu đạn. Âm thanh trần thế bể khổ hãi hùng lúc này phải là tiếng than khóc, tiếng nắp quan tài bật tung để người chết phải chết hai lần… Thân xác và thân phận con người nhược tiểu da vàng quá nhỏ bé yếu ớt trước hỏa lực ghê gớm của kỹ thuật chiến tranh mới… có những người điên trong thành phố, người phu quét đường dừng chổi nghe tiếng đại bác xa xa…
Trịnh Công Sơn đã bắt được những ma âm đó, nhạc họ Trịnh có tiếng rên la của dân tộc từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh vọng về, mỗi cung đàn là một mảnh lựu đạn, mỗi ngôn từ đều làm bằng chất liệu chiến tranh: tình yêu như trái phá, con tim mù lòa… trong vẻ đẹp của nắng thủy tinh vẫn có nét bi Nam ai của một người nằm xuống, sau cuộc vui chơi phù du lại chúc nhau an nghỉ để nhìn thấy bóng, dù chỉ là bóng Thiên đường mà thôi.
Ma âm ấy quả là có ma lực, nó len lỏi vào thớ thịt, vuốt mềm sức tàn phá, gậm nhấm bãi sa trường, kẻ sắp bóp cò súng có thể uể oải ngần ngừ tự hỏi ta bắn người hay ta bắn tim ta!
Trái tim con người vốn có hai luồng máu đỏ và máu đen, lịch sử nhân loại cả thiện lẫn ác, ma âm thuộc về dòng máu đen của bản chất con người. Nhạc Trịnh Công Sơn mang dấu tích thời đại, thời đại máu đổ thịt rơi tất phải phát ma âm. Có thế mới chứng nghiệm phần huyền bí của lịch sử, song song với tấn tuồng trần thế, còn có trận thư hùng trên siêu trường giữa Thánh Thần và Ma Quỷ.
Chiến tranh hết thì ma nhập cũng hết dần. Làn mưa lãng mạn trữ tình Diễm Xưa lại loáng thoáng trở lại với Trịnh Công Sơn, nhưng đã là kết tinh một thời của ma âm, loại nhạc khác có làm cũng không còn ma lực để tạo nên giông tố như xưa.
Có người nói mỗi thời đại xuất ra một nhân vật được Thánh ốp hay Ma nhập mới sáng tạo được sự nghiệp vĩ đại hoặc xây dựng đời đời, hoặc phá hoại đời đời, theo chiều Thánh thì thế này, theo chiều Ma thì thế kia. Nhưng đấy là chuyện lịch sử trần thế. Người nghệ sĩ sáng tạo chân chính nào cũng cao như đám mây bay trên thời đại. Âm thanh tinh ròng là cái tinh của vật chất, vượt được không gian và thời gian thế tục để đi vào cõi tâm bao la vô biên.
Cõi tâm huyền diệu tự nó là âm nhạc tiết tấu của đại vũ trụ. Mỗi vì sao là một nốt nhạc trong bản đại hòa âm siêu linh. Những tia tử ngoại nhảy múa theo nhịp điệu của hành tinh, sóng tinh cầu ngân nga dội bờ sông Ngân… một âm một dương, nhịp thở nhịp tim của bào thai nếu khuếch đại lên sẽ nghe rất giống tiếng xột xoạt của loài sao bay lên bay xuống.
Trong cuộc sống hiện đại inh tai nhức óc này con người đang bị ô nhiễm thính giác bởi các loại thú âm loạn động từ quái trống da đen, từ cổ họng điên la hét, từ máy móc động cơ… nhân loại đang cần tìm một nhạc thánh tấu lên bản Diệu Âm huy hoàng, thức tỉnh được thiện âm lặn sâu trong cõi tâm hùng hồn, dùng chiếc đũa thần tiết tấu lùa quỹ đạo địa cầu vào thần âm vụ trụ hợp hòa… hay ít ra kỷ nguyên mới cũng phải nảy sinh một kỹ sư âm thanh kỳ tài, có thể phổ tiếng gió vào ống phản lực máy bay thành loại nhạc bay ngân nga trên trời, hoặc lọc tiếng máy nổ xe hơi thành loại xa nhạc có âm điệu êm đềm dưới đất.
Nếu tất cả hoàn vũ đều được nhạc hóa thì lý tưởng thành ư nhạc sẽ được viên mãn. Nhưng nhạc ở mức tối cao lại là nhạc tĩnh, ở đây tất cả đều tịnh lặng, chỉ có Diệu Âm bay bổng như ngón tay tiên bồng bế từng trái tim bé bỏng đi vào Thiên Thai.
23/1/2016
 Lưu Văn Vịnh
Theo http://nhac-viet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...