Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Đám giỗ không có nhang

Đám giỗ không có nhang

Được tin hai đứa con sắp trở về lần nữa, đêm nay bà cụ không sao ngủ được. Thật lòng cụ nghĩ, mình đã gần tám mươi tuổi đầu mà vẫn không hiểu được vì sao dân làng cứ gọi con cụ là Việt kiều ?. Nó vẫn là thằng Tần, thằng Tảo của cụ kia mà. Chỉ có điều, dưới mắt cụ, bây giờ chúng khác xưa nhiều quá. Bà đã dễ dàng nhận ra điều nầy trong lần chúng về nước cách nay sáu, bảy năm.
Ba ngày nay, nhà cụ lúc nào cũng đầy những khách là khách. Họ đến để thăm hỏi, để chúc mừng và cũng để “xem Việt kiều”. Sự trở về của hai “chú Việt kiều” làm cho cái xóm  nhỏ nầy nhộn nhịp hẳn lên. Đi đâu cũng nghe toàn những lời bàn tán. Người thì cho là bữa tiệc chiêu đãi xóm giềng quá lớn; người thì chê bai chúng là những “trưởng giả học làm sang”. Hồi đó ở đây chúng chỉ biết rặt những cày và cuốc, nào có học hành đỗ đạt gì đâu. Nói gì thì nói, sự giàu sang của Việt kiều hiện ra quá rõ. Nhất là ở vẻ mặt tỏ ra thương hại mọi người. Trên gương mặt ấy có cái miệng toàn nói ra những điều nhân nghĩa ở đời. Thỉnh thoảng lại đệm vào câu nói những tiếng Tây nghe rất oai chứ nào ai ở xứ nầy hiểu họ nói gì và sai đúng ra sao?
Không hiểu bà cụ thức đợi con về hay vì tuổi già nên bà khó ngủ?. Đã gần một giờ sáng mà “thằng” Tần, “thằng” Tảo đi ăn giỗ xóm trên vẫn chưa về. Bà lo quá. Rồi thì bà cũng được mở cửa đón con. Cũng như ngày xưa, bà cảm thấy vui như mỗi lần ngồi đun nước tắm con. Chỉ có khác là con bà bây giờ đã ngoài bốn mươi tuổi cả.
– Má già rồi sao không ngủ sớm cho khỏe?. Nếu không ngủ được thì ngồi đây nói chuyện với tụi con. Giọng “lơ lớ” của Việt kiều cộng với cái nhè vì rượu khiến cụ bà vất vả lắm mới nghe được trọn câu. Cụ thầm nghĩ, ngày xưa lúc ở đây nó đâu nói bằng cái giọng nầy. Vẫn giọng ấy nói tiếp:
– Con nghĩ kỹ rồi, phận làm con là phải báo hiếu cho cha mẹ. Con nay ở xa, ít khi về thăm má. Ba thì đã mất, tụi con chỉ còn có má để có dịp làm tròn bổn phận người con.
Giọng nói ấy cứ đều đều kéo dài tưởng chừng như vô tận. Giữa đêm khuya, nó có vẻ giống như giọng thầy đồ giảng dạy sách khai tâm cho những đứa trẻ mới nhập môn Nho giáo. Bà cụ vẫn ngồi trên góc ván. Nghe thì câu được câu không nhưng miệng cứ móm mém cười. Chắc là bà vui lắm. Người con mà bà gọi là “thằng Tần” vẫn lớn giọng:
– Mùng chín tháng nầy sẵn có giỗ ba, con với thằng Tảo định gom hai lễ thành một và định đãi tiệc ở nhà hàng trên Sài Gòn.
– Lễ gì mà định gom hai thành một?, đến lúc nầy bà cụ mới lên tiếng.
– Tụi con định mừng thọ má luôn…
Hôm nay, bà cụ và những bà bạn già thuở còn đi gặt được xe đến tận nhà để rước lên Sài Gòn dự tiệc. Phần thì vị nể, phần thì cả đời chưa biết Sài Gòn nên các cụ chuẩn bị từ rất sớm. Những chiếc áo dài gấm thêu hình chữ “thọ” được các ông khoác lên nghiêm chỉnh. Các bà cũng thế, những chiếc áo đẹp nhất dành để mặc lúc lâm chung giờ được mang ra diện hết. Nếu có người để ý chắc dễ dàng nhận thấy chút gì không vừa ý hiện lên trên mặt hai “chú Việt kiều”. Phải chăng họ cho rằng ăn mặc như thế mà ngồi xe Mercedes đời mới và ăn nhà hàng sang trọng thì không hợp chút nào?
Trên đường đi, niềm háo hức của các cụ cứ giảm dần theo từng cây số. Không biết các cụ khác thì sao chứ “bà mẹ Việt kiều” thì buồn ra mặt. Mà làm sao không buồn được chứ? , đã hơn ba tiếng đồng hồ bà chưa được ăn miếng trầu nào. Mặc dù tối hôm trước hai người con đã dặn không được ăn trầu lúc đi Sài Gòn nhưng cụ vẫn lén giấu trầu cau trong túi áo. Vậy mà bây giờ thèm không biết làm sao để giở ra ăn?. Cụ sợ con mắc cỡ vì cái nhà quê của cụ.
Phố phường, xe cộ tấp nập quá. Tiếc là mắt bà không còn sáng tỏ để nhìn thấy hết vẻ hào nhoáng của đất Sài thành mà tới tuổi nầy bà mới đặt chân lên.
Đến nhà hàng, các cụ vui lên một chút vì đươc thoải mái hơn. Các cụ vui thì hai “chú Việt kiều” có vẻ ngại ngùng. Ai đời giữa nhà hàng nổi tiếng, toàn là thực khách sang trọng mà các cụ cứ oang oang chuyện sạ lúa, bón phân, nuôi heo, nuôi cá…
Không khí có phần dịu hơn khi những món ăn lần lượt được dọn lên. Nhiều quá, thơm quá, đẹp và lạ quá!. Bà cụ được ngồi ở vị trí trang trọng nhất của bàn tiệc.
– Thưa các bác, hôm nay là ngày giỗ của ba cháu và cũng là ngày mừng thọ má cháu tròn bảy mươi tám tuổi.
– Sao giỗ mà không có nhang đèn?. Giọng một ông cụ xen vào.
Chú Việt kiều tên Tần thoáng chau mày rồi điềm tĩnh trả lời:
– Con giỗ giống bên Tây, nhang nhiều khói quá và bụi rơi vào thức ăn rất mất vệ sinh. Thôi bây giờ mời các bác cầm đũa !
Vì “hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay” nên các ông bà ăn thì ít, nhai thì lâu mà hỏi thì nhiều:
– Món nầy gọi là gì? Ăn thì chấm vào dĩa nào?….
Bà cụ – nhân vật chính của bữa tiệc cảm thấy ngậm ngùi. Giá như ông nhà bà còn sống để nhìn thấy sự sang trọng nầy. Bà đinh ninh rằng mãi đến lúc chết đi ông vẫn chưa được nếm những món nầy. Đến hôm nay ông mới được cúng nhưng đám giỗ không có nhang thì làm sao vong hồn theo khói hương mà về nhậm lễ?. Bà thấy thương cho ông quá. Những ngày cuối đời ông đau mà không tiền mua thuốc. Hai thằng con trai thì đi biền biệt không biết sống chết ra sao?. Bây giờ chúng trở về trong sự sang cả thì ông không còn nữa.
– Má mệt, má muốn về nhà. Bà lão kéo con trai và thều thào nói.
– Được ! con cho xe đưa má về ngay.
– Nhưng còn bữa tiệc?. Thức ăn còn nhiều, bỏ thì uổng quá!
– Bỏ đi, giờ má thèm gì để con mua cho má mang về?
– Má muốn mua mắm cá đồng để cúng ba con. Hồi còn sống, ổng thường nhậu mắm với xoài xanh sau những buổi đi cày. Ở đây có bán không con?
Người con báo hiếu nói gần như quát:
– Trời ơi, cúng ba như thế thì chỉ có ở nhà quê!
Bà cụ im lặng ra xe.
Qua mấy trăm cây số vừa mệt vừa buồn nên tối nay bà ngủ sớm. Trong giấc mơ, bà nghe như  đã từng nghe giọng ông cách đây mấy mươi năm:
– Má thằng Tần khuya nay nhớ kêu tui dậy sớm đi cày!.
8/10/2023
Chinh Văn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...