Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Ba đi kiếm cá

Ba đi kiếm cá

Hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, ngày nào ba tôi cũng một tay cầm vài ba chiếc cần câu, cọng bằng trúc dài khoảng một mét, một tay cầm thùng nhựa đi dọc theo các ao mương của cơ quan.
Cơ quan của ba rộng mênh mông, có rất nhiều ao, mương như một nông trại vì đó là trường Trung học Nông nghiệp Hậu Giang. Ngoài các ao để nuôi cá, cấm mọi người trộm cá, còn lại là ao mương phục vụ tưới tiêu, dẫn nước từ ngoài sông vào khu vực nhà trường. Dọc con mương chính, hai bên trồng xoài, dưới gốc xoài, cỏ mọc xanh um. Cứ đến mùa, đám con nít tụi tui lượm những trái xoài non rụng quanh gốc cây đem về chơi đồ hàng, ngồi lựa trái xoài to hơn thì ăn với mắm đường, thêm chút ớt dằm là chảy nước miếng. Tụi con nít còn thích nhổ cây cỏ lông gà, một loại cỏ mà bây giờ tôi không còn thấy nữa. Trò chơi “đá gà” bằng cách: cầm cọng cỏ có bông dẹp dẹp, bầu bầu, rồi đứa này dùng cọng cỏ quất vào bông cỏ của đứa kia, bông nào rụng trước thì đứa đó thua.
Mỗi lần ba đi kiếm cá, hôm thì tôi hôm thì em gái đi sau bước chân của ba, đám cỏ ngã rạp theo dấu chân hai cha con. Ba và tôi men theo bờ ao, bờ mương, tìm đúng mấy cái lờ đã đặt hôm qua để giở lên. Mỗi lần giở lờ, mấy con cá sặc, cá bảy trầu, tép… nhảy choi choi. Ba trút miệng lờ vào cái thùng nhựa, sau đó lấy mồi (là đầu cá nấu lên cho thơm sau đó gói lại trong lá môn), bỏ lại vô lờ rồi đặt xuống nước, lấy cỏ đắp lên trên. Ba tiếp tục thăm cần câu. A, dính cá rồi. Sau khi gở cá ra khỏi lưỡi câu, ba móc mồi, thường là con dế trũi, tiếp tục cắm cần câu xuống bờ ao. Các giáo viên của trường vốn là dân thành thị nên không mấy người đam mê kiếm cá như ba tôi. Hồi nhỏ ba tôi thường theo ông nội đi câu, chài cá, bắt cá, làm lờ… nên đã học được chút kinh nghiệm. Để đan một chiếc lờ, ba ra chợ mua vật liệu người ta bán sẵn như: mê lờ (thân lờ), hom lờ, tất cả làm bằng thân tre vót mõng. Ba cầm mê lờ cuộn lại bằng một cây đũa, đưa đầu hom vào hai bên thân lờ, buộc lại bằng dây ni lông. Buộc làm sao phải có miệng lờ nằm trên thân lờ để trút cá. Trong nhà tôi lúc đó ít nhất gần chục cái lờ như vậy. Ba còn có một chiếc chài lưới, thỉnh thoảng ba ngồi vá lại những chỗ bị rách. Cảnh ba chài cá không hoàng tráng như trong phim đâu vì tôi chỉ thấy ba chài cá trong ao. Mấy năm ở tập thể, nhà tôi lúc nào cũng có cá tươi để ăn, có lẻ vì thế mà đến giờ tôi không thích ăn cá biển và cá khô.
Cách ba nhấp cá mới phiêu. Ba buộc vịt con vào dây câu, phía dưới là lưỡi câu, có mắc mồi sẵn. Ba nhấp bằng cần câu tre tự tạo. Mỗi khi đặt dây cần câu lên mặt nước, thay vì có cái phao thì đã có con vịt, nó kêu ỏm tỏi nghe thấy tội. Con cá lóc to đùng phía dưới đám lục bình chực chờ ăn con vịt bé xíu. Đôi khi ba giật cần lên, nhưng vuột mất mồi câu, lại móc mồi mới. Sau một hồi chiến đấu với con cá, nó đã mắc cái miệng vào lưỡi câu, ba ghì từ từ chứ không vội. Ba để cho nó mệt đừ, rồi kéo cần sát vào bờ, dùng tay gỡ lưỡi câu khỏi miệng cá. Có trường hợp, con cá nuốt lưỡi câu sâu vào bên trong thì cầm luôn cần về nhà để xử lý. Lúc này, con vịt may mắn thoát nạn. Mấy ngày sau, một vài chú đồng nghiệp của ba cũng nhấp vịt như ba nhưng không phải ai cũng thành công.
Sau này, gia đình tôi chuyển chỗ ở, ba tôi ít khi đi kiếm cá như hồi xưa. Mỗi lần đi khá xa, tận vành đai phi trường 31. Càng ngày đất chật, người đông, ba xếp đồ nghề, từ giã thú vui dân dã. Cũng từ đó, chị em tôi đã lớn, không còn thích theo chân ba như ngày còn nhỏ.
Kể ra, bây giờ khi tôi đã ngoài 50 mùa xuân, sống trong thành phố mà kể chuyện đi cắm câu, đặt lờ… với ba nghĩ cũng thú vị. Ao, mương đã bị lấp. Hàng xoài, bãi cỏ chỉ còn là dĩ vãng. Những năm tháng đã qua, nuôi dưỡng tâm hồn tôi sống đơn giản, gần gủi với đất, với cây cỏ. Rồi ai sẽ cũng trở về với cỏ cây.
29/12/2023
Nguyễn Thúy Dung
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...