Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Bạn văn ở quê

Bạn văn ở quê

Đọc Mai Tiến Nghị (MTN) những năm gần đây, tôi quý giọng văn mộc mạc, chân quê của người vùng chân sóng. Tại trại viết Phú Yên do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, tôi gặp Mai Tiến Nghị. Nhà văn quê hương vốn là lính thời chống Mỹ hẹn hò, dịp nào về quê gặp nhau.
Đợt này, về quê đúng dịp kỷ niệm 135 năm thành lập huyện (Hải Hậu -Nam Định), tôi gọi cho MTN và đến thăm anh.  Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong vườn rộng ở khu phố 2 thị trấn Yên Định, cạnh cầu sắt sông Múc là nơi nhà văn sống và viết.
MTN đón tận ngõ. Nghị bảo, sẽ có một người đặc biệt sắp đến. Câu chuyện giữa chúng tôi chưa tàn khói thuốc lào thì một người dáng nhỏ thó, râu bạc, tóc bạc phóng xe điện dừng trước cửa. Tôi nhận ra Phạm Công Trứ (PCT) bạn học cùng trường cấp 3 Hải Hậu (khóa 1967-1970).
Tôi nghe PCT không được khỏe. Nhưng hôm nay thấy anh nhanh nhẹn, rất mừng. Chúng tôi ôm nhau sau vài chục năm xa cách.  Ngày ấy, PCT là PGS- TS – giảng viên trường luật.  PCT không phải nổi tiếng từ danh vị ấy mà bởi những câu thơ chân quê, neo đậu lòng người. “Lời thề cỏ may” là một ví dụ :
Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín cỏ may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Thế rồi xinh đẹp là em
Em ra tỉnh học em quên một người
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê.
(Lời thề cỏ may)
So sánh vốn khập khiễng, song tôi đồng ý cách dẫn của MTN. Rằng, nói đến thơ lục bát hiện đại, ở đất Thành Nam này, sau Nguyễn Bính phải kể đến Phạm Công Trứ, Nguyễn Thế Kiên…
Năm 1967 chúng tôi vào học lớp 8 (hệ 10/10) PCT ở lớp D còn tôi ở lớp C. Năm 1970 tôi đầu lính vào Nam thì 1972 Trứ vào binh chủng công binh (Bộ đội Trường Sơn) ….
Mai Tiến Nghị ít hơn vài tuổi nhưng chỉ học cách chúng tôi 1 lớp. Lính chiến của Sư 2 Liên Khu 5 từ 1971. Xuất ngũ học sư phạm rồi về dạy toán và làm đến chức hiệu trưởng trường xã. Theo cuốn Những mảnh hồn quê (NXB Hội Nhà văn - 2022) thì MTN nhập làng văn hơi muộn. Chính Nguyễn Danh Khôi, Lã Thanh An là nguồn cảm hứng để MTN nhảy từ khoa học tự nhiên sang KHXH. Đó là cây viết có nét riêng ở thể loại văn xuôi với 5 tập truyện ngắn (Lộc rơi lộc vãi; Nợ nhân gian; Mía đắng; Quý nhân; Áo lính) và 2 tiểu thuyết (Lính trơn; Đông trùng hạ thảo)… và sở hữu nhiều giải văn chương của TƯ và địa phương.
Câu chuyện bạn văn ở quê tưởng như không dứt về số phận con người và sự khắc nghiệt của nghề cầm viết. Quả  thực như thế, thời mở cửa đất nước ta có biết bao là hội: Hội chính trị xã hội, hội chính trị xã hội nghề nghiệp, hội xã hội… mỗi hội có vài triệu  đến vài chục triệu hội viên. Nhưng có lẽ hội nhà văn là tổ chức xã hội chính trị nghề nghiệp có ít hội viên nhất. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có chừng 1400 hội viên (đã từ trần khoảng 300) nay chỉ còn hơn 1000 hội viên. Nam Định góp mặt gần trăm người.
Riêng Hải Hậu đếm trên đầu ngón tay chưa tới 10 hội viên. Các nhà văn nổi tiếng đã hy sinh và từ trần như : Nguyễn Thi ( Nguyễn Ngọc Tấn ), Đào Hồng Cẩm, Nguyễn Ngọc Ký… giờ chỉ còn: Vũ Quần Phương, Phạm Công Trứ, Lê Hà Ngân, Bình Nguyên Trang, Mai Tiến Nghị, Trần Thế Tuyển… đang sống và viết.
Sự khắc nghiệt nghề liên quan đến mái ấm gia đình của các nhà văn. Trời không cho ai tất cả. Họ cháy hết mình vì sự nghiệp cầm viết và số phận con người nên phải chấp nhận “hy sinh” hạnh phúc riêng.
Đọc “Khóc cười với Nguyễn Danh Khôi” của MTN xác tín điều đó.  Chàng cựu trung úy pháo binh đa tài, đa đoan, lãng mạn ấy chịu thiệt nhiều quá. Ngay khát vọng học đại học chưa thành, huống chi trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam (?!). Cá tính mạnh, ngay cả chức danh hội viên hội VHNT tỉnh cũng không giữ được. Cú sốc ấy đã hạ gục nhà văn. Nguyễn Danh Khôi dừng nỗi đam mê sau chặng đường sáu mươi năm cộng bảy ngày trên dương thế. Tôi biết Khôi hơi muộn, nhưng hiểu nhau.
Chuyện bạn văn ở quê kể mãi không hết. Xin mượn bài thơ của Nguyễn Danh Khôi khép lại bài viết này.
Tại rượu mình ngon
Cho ta dại dột
Ngày mai ngày mốt
Có còn say không?
Bống bống bống bống
Ai ru tôi ngủ
Bao giờ rượu đủ
Cho vơi lặng thầm
Bao giờ rượu đủ
Cho vơi lặng thầm…
(Tại rượu mình ngon)
Theo sách đã dẫn thì nhạc phẩm này tam đồng tác giả (thơ Nguyễn Danh Khôi; nhạc Mai Tiến Nghị; hát Lã Thanh An).
Nguyễn Danh Khôi ơi, tôi vẫn hình dung tam tác giả đang trình bày nhạc phẩm. Nước mắt các bạn chảy tràn sang mắt bạn văn ở quê và người đọc, người nghe.
Hải Hậu, 3/9/2023
Trần Thế Tuyển
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dũng tướng Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông 2 lần trên đất Triều Tiên, ông là ai? 17 Tháng Năm, 2022 Lịch sử hay nhắc đến nhà Trần v...