Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Giấc mơ tuổi thơ

Giấc mơ tuổi thơ

Tôi thường mơ những giấc mơ ngày còn bé, nhìn thấy những con bướm bay quanh vườn cải của mẹ và ước gì không bao giờ khôn lớn để chìm ngập trong thiên đường tuổi thơ ấy.
Mười năm đầu tiên của cuộc đời là mười năm của tuổi thơ không lo lắng, không cần đối diện với khó khăn của sự sống. Hai mươi năm tiếp theo là sự đối đầu với những thử thách khắc nghiệt của sự sống. Hai mươi năm kế tiếp là đương đầu trách nhiệm, bổn phận, tuổi già và sức khỏe.
Thuở ấu thơ ba mẹ chỉ mong chúng ta làm đủ ba chuyện: ăn, ngủ, chơi. Mỗi khi xin phép đi chơi mẹ luôn dặn nhớ về đúng giờ ăn cơm, nhưng ham chơi để mẹ gọi mới chạy ù về. Bọn trẻ con chúng tôi có cả những khoảng đất rộng để thỏa thích chơi đùa. Chân không mang dép, lúc nào lấm lám dính đầy bùn đất. Mỗi khi đến hiên là múc nước trong ảng để rửa chân rửa tay rửa mặt, mang dép mẹ mới cho vào nhà ăn cơm.
Bữa cơm gia đình theo chúng tôi ngày ấy rất linh thiêng, nếu vắng mặt một người thì hạnh phúc không được vẹn toàn. Ngày nay ba mẹ không còn những hạnh phúc đó: mỗi người một việc, bận rộn với chuyện mình nên cứ có việc thì ăn trước rồi đi làm hay những gia đình có con làm ăn xa thì không khí quây quần ấy chỉ chờ đến tết. Cho nên không khí đoàn tụ trong bữa cơm gia đình cứ vậy mà chạy theo thời gian lẩn vào trong kí ức.
Ở quê ngày ấy bếp đun bằng rơm, bằng củi, bằng vỏ trấu nên mỗi lần nấu thì phải ngồi canh không được bỏ đi đâu. Cái ảng nước nằm ngay bên cạnh được cách ngăn bởi miếng liếp. Bên trên là chiếc gáo dừa được úp xuống. Bếp quê thời ấy ấm áp với một chạn gỗ đựng chén bát và thực ăn. Cái bàn tròn với mấy cái ghế đẩu, cái mâm bằng tre, vài chiếc xoong chảo, những chiếc chén sành tô sành dọn lên bữa cơm quê dậm đà tình cảm. Bây giờ tìm đâu ra những vật dụng đơn sơ bình dị ấy, nó gắn bó với cả cuộc đời con người. Gian bếp ám đầy bụi, bồ hóng, ngai ngái mùi tro bếp ấy vậy mà không hiểu sao tôi đâm ra nghiện cho đến tận bây giờ.
Ngày ấy đâu có điện nên nước đầy chum đầy ảng đều được gánh từ chiếc giếng đầu làng hay nước mưa trữ để dành. Còn nước để rửa thì gánh từ con mương chạy trước nhà. Đèn thắp sáng là đèn dầu hỏa, nhà nào cũng chỉ có một hai chiếc đèn, nhà nào khấm khá thì có đèn măng – xông ánh sáng không được rõ lắm.
Mùa hè ngày dài nên cả nhà quây quần bên tấm chiếu ăn bữa cơm chiều, vừa dọn dẹp xong trăng đã lên ngọn tre. Chị em tôi ra trước ngõ tụ tập cùng với lũ bạn trong xóm hát ca, trò chuyện vui vẻ. Cảnh sinh hoạt ấy vui không thể tả, cảnh ấy những đứa trẻ thời của tôi ai cũng trải qua, cảnh đẹp không quên được.
Vẫn thích ngắm những vườn cải khi đã trổ bông gọi đến đàn bướm xinh đẹp đủ màu sắc rập rờn. Khu vườn ấy là nơi mình đã rong chơi, đuổi theo những chú bướm chú chuồn chuồn rồi lăn tròn cuộn mình ở những bụi cỏ như cuộn cả tuổi thơ của mình vào đấy. Cây ổi cuối góc vườn đã có trái chìn mùi hương phảng phất kích thích khứu giác của tôi. Lén trèo lên cây ổi, hái ổi và đôi khi chỉ là trái ổi chín đã bị chim ăn một nửa nhưng nhận phần còn lại rất thơm rất ngọt.
Có thể bây giờ đang ăn món ăn vặt đắt tiền nhưng tôi chắc một điều nó sẽ không ngon bằng trái ổi chín bị chim khoét một nửa hay trái ổi vẫn còn vị chát chát. Trong tâm hồn của mình lúc bấy giờ không có sự rong ruổi, không có sự quyến luyến hay những nổi bồn chồn lo lắng cho tương lai. Không có sự ràng buộc về quá khứ, không lo lắng cho tương lai những đứa trẻ ngày ấy cứ hồn nhiên vô tư lớn lên như đồng như sông.
Hàng cau thẳng tắp, gian trầu nội trồng bên cạnh vườn cải hoa vàng của mẹ. Sáng nào nội cũng cầm cái gàu đầy nước tưới cau còn một ít thì tạt lên giàn trầu. Những giọt nước đọng lại trên gân lá được ánh sáng mặt trời xuyên qua nhìn long lanh như những hạt kim cương. Suốt bốn mùa mảnh vườn của mẹ của nội đầy ắp tiếng chim líu lo ríu rít. Những mo cau trở thành trò chơi của chúng tôi khi kéo nhau quanh xóm, hò hét ầm ĩ, bùi cuốn theo mù mịt. Trong sáng hồn nhiên của chúng tôi là thế!
Trong giấc mơ tôi nhìn thấy nụ cười hiền hậu của mẹ đang tưới nước cho luống cải. Tưới xong mẹ đẫn chi em tôi ra cái ảng nước bên hiên nhà tắm. Thích thú nhất là dòng nước mát lạnh gột trôi đi trong tiếng cười sặc nước. Tôi lắng tai nghe tiếng gió, tiếng thì thầm của bọn dế bọn côn trùng hay tiếng hát của cô thôn nữ ở ngoài đồng vọng lại. Đặt tay lên tấm liếp, nhớ lại những lần ăn vụng nhai nhồm ngoàm có khi nuốt trọng bởi tiếng bước chân của mẹ đến gần. Nhớ như cả bầu trời tuổi thơ!
Bây giờ, trong yên tĩnh, ta nhìn ra cánh đồng mênh mông trước mặt đang xôn xao tiếng những hạt mầm, ta thấy trong góc vườn nhà ai đó những nụ hoa đang hé nở.
Ta bước đến những nơi chốn đó, trong ngọn gió ấm đầu tiên của mùa xuân vừa thổi đến từ chân trời, ta thấy lòng mình vang lên những giai điệu náo nức và ấm áp.
Cái se lạnh của buổi sáng sớm làm tôi nhớ mùa đông ở quê. Đâu đó trên đường, góc phố hay hàng hiên những ngô nhà đã chưng mấy cành mai còn chưa tỉnh giấc dài ngủ đông. Tôi đã bắt đầu cảm thấy thoang thoảng đâu đó cái hương vị của mùa xuân, của ngày Tết đang đến rất gần. Lòng tôi thấy xốn xang và nhớ quê nhà vô cùng.
Hiện hữu trong tôi giấc mơ tuổi thơ với những luống cải, cánh bướm chập chờn và hình ảnh thân thương của gia đình nơi quê nhà.
23/12/2023
Phạm Thị Mỹ Liên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...