Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Khát khao yêu thương

Khát khao yêu thương

Mây đặc quánh, bao phủ trên con đường dẫn vào trạm y tế xã. Mùa này ở đây chỉ cách một bước chân thôi đã không nhìn rõ mặt nhau rồi. Ban đêm, không gian càng trở lên tĩnh lặng hơn bởi mọi cảnh vật chìm sâu vào giấc ngủ, thi thoảng tiếng cựa mình của những chú dế phát ra cũng đủ phá vỡ đi không gian tĩnh lặng như tờ đó. Nằm trong chăn ấm, Yến đang đọc những trang cuối cùng cuốn tiểu thuyết về tình yêu của nhà văn Quỳnh Giao, đây là thú vui và cũng là sở thích của chị từ thời học cấp 3. Vì vậy mà trong cuộc sống tình cảm, chị hay bị chi phối bởi những nhân vật trong những cuốn thiểu thuyết của chị. Sụt sùi lấy tay lau nước mắt thương cho số phận bi đát của cô gái trong truyện, chị chợt nghe có tiếng gọi rất thanh từ bên ngoài. Chị vội vàng vùng khỏi chăn chạy vội ra ngoài, quên cả khoác áo ấm.
Bác sĩ Yến ơi, cứu vợ tao với….nó đau đẻ từ sáng đến giờ con vẫn chưa chịu ra, mà con vợ tao thì nó kiệt sức mất rồi!
Yến nhìn người phụ nữ đang nằm trên cáng, máu chảy đầm đìa, thấm qua lớp chăn dày rơi xuống đất. Khuôn mặt đã tái nhợt đi. Chị vội đưa bệnh nhân vào phòng sản cấp cứu. Ngoài trời lạnh, nhưng trong này mồ hôi đã thấm ướt lưng chiếc áo thu đông đang mặc trên người chị. Ngoài kia, người nhà bệnh nhân kéo đến rất đông, ai cũng lo lắng hướng về căn phòng gần cuối hành lang nơi chị đang cùng bệnh nhân chiến đấu với tử thần.
Mỷ ơi, mày cố lên…đừng nhắm mắt lại như thế…con mày sinh ra nó cần có mẹ…nó cần mày!
Đây là một ca đẻ khó, chị vừa truyền thuốc kích đẻ cho Mỷ để cổ tử cung nó mở ra, rồi rạch tầng sinh môn để kéo con nó ra. Sau gần 3 tiếng vật lộn, cuối cùng chị cũng lôi được thằng bé ra. Mặt nó đã tím tái vì thiếu ô xi, chị lại phải tét vào mông nó mấy cái cho đến khi tiếng khóc oe oe cất lên, chị mới thở phào nhẹ nhõm. Cứu được mẹ được con, chị mừng lắm. Tiến lại gần, vuốt lên mái tóc rối tung của Mỷ đang nằm thở ô xi, ánh mắt nghẹn ngào nhìn Mỷ động viên:
Mày giỏi lắm, mày đã cứu được con mày rồi.
Nước mắt Mỷ rơi xuống nhìn chị đầy biết ơn, nó định nói với chị điều gì đó, nhưng không thành lời. Dùng bàn tay yếu ớt của mình chạm nhẹ bàn tay chị, thay cho lời cảm tạ ân nhân.
Kim đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng, lúc này Yến đã thấm mệt, chị thay bộ quần áo dính đầy máu trên người rồi lên giường nằm nghỉ. Chị thiếp đi trong niềm vui với gia đình nhà Mỷ khi vượt qua được lưỡi hái tử thần.
Mùa đông vùng cao thật khắc nghiệt, nhiệt độ hạ thấp chỉ còn 2 – 3 độ, lạnh buốt, tê cóng, trời mưa rả rích, những con đường mòn ướt nhẹp đầy những sình lầy. Ở đây có khi cả tháng không nhìn thấy ánh nắng mặt trời, bầu trời lúc nào cũng bị tấm chăn đen phủ kín. Chưa bao giờ kể từ ngày chị đặt chân lên mảnh đất vùng cao này, chị có chút thiện cảm với mùa đông, vì mùa đông đối với chị thật u ám, ảm đạm. Mùa đông khiến chị nhớ nhà, nhớ quê hương nhiều hơn. Năm nay nhà nước bắt đầu kéo điện lên xã, chị mua cho mình chiếc ti vi mới, nó cho chị biết được nhiều thông tin hơn chuyện trong nước cũng như ở nước ngoài và quan trọng là khỏa lấp đi được phần nào mỗi khi chị cảm thấy cô đơn.
Bác sĩ ơi! Bác sĩ!
Cứu em với bác sĩ ơi!
Chị chạy ra ngoài sân thì thấy người thanh niên quần áo bê bết bùn đất, người trên lưng anh ta đang cõng đã lịm đi, chị vội vàng cùng người thanh niên đỡ người bị thương vào phòng thủ thuật rồi chạy đi lấy thuốc sát trùng, bông băng và chỉ khâu. Sau một hồi cấp cứu, người bị thương đã dần tỉnh, chị đưa người đó sang buồng điều trị tích cực để theo dõi thêm. Qua tìm hiểu chị biết được người bị thương tên là Hải quê ở mãi Nam Định, cậu ta làm công nhân truyền tải điện, đang thi công kéo đường dây qua xã, do trời mây mù không nhìn rõ đường nên đã trượt ngã và bị cây vầu cắm sâu vào lòng bàn chân.
Mà kể cũng lạ, mặc dù cậu ta kém chị gần chục tuổi, nhưng từ khi vào nằm điều trị tại đây chưa bao giờ thấy cậu ấy gọi chị là chị, toàn xưng tên. Nhiều khi bắt gặp ánh mắt cậu ta nhìn mình, khiến chị thấy bối rối, nhưng rồi cho qua vì chị nghĩ cậu ta chỉ là đàn em.
Trời lại mưa. Hôm nay đến phiên chị trực. Vẫn thói quen cũ là sau khi nhận bàn giao chị đi từng phòng hỏi han bệnh nhân đang nằm điều trị xem họ có cần gì không, chị ân cần chăm sóc họ, coi nỗi đau của họ như của mình. Do vậỵ bệnh nhân đến chữa bệnh ai cũng yêu quý chị. Đến buồng của Hải, anh ta nhờ chị xem lại vết thương ở chân. Sau khi sát trùng, thay băng xong cho Hải, anh ta chợt nắm tay chị, nhìn thẳng vào mắt chị. Hành động đó khiến chị bất ngờ đánh rơi cả cái kéo xuống đất. Trấn an lại tinh thần, chị vội ngạt tay Hải ra quay mặt ra ngoài cửa nói giọng gắt gao
 Cậu…cậu làm gì thế?
Cậu có biết, cậu chỉ đáng tuổi em tôi không?
Hải vẫn nhìn chị chăm chú, rồi điềm tĩnh nói với chị:
Yến à, từ hôm vào đây, mình đã để ý đến Yến rồi. Mình thấy Yến rất tốt, quan tâm, chăm sóc mình chu đáo, mình thấy hạnh phúc vì điều đó.
Yến nhìn Hải, rồi lại quay mặt ra ngoài bối rối trả lời
Cậu có biết là ai bị bệnh khi đến đây tôi đều làm như vậy không?
Nhưng với tôi thì lại khác Yến ạ, Yến là người đầu tiên đem lại cho tôi cảm  xúc ấm áp khi ở bên. Tôi…tôi thích Yến!
Thôi cậu đừng nói nữa, từ giờ cậu đừng làm như thế nữa, mọi người lại hiểu nhầm.
Nói đoạn, chị đi vội ra ngoài. Về phòng trực nằm chùm chăn kín mít, chị lại thấy lòng mình xốn xang. Nghĩ về những câu Hải nói với mình ban nãy. Liệu đó có phải những câu thật lòng không, hay lại là những lời ong bướm như những gã đàn ông đến với chị trước đây.
Có lẽ người đàn ông chị yêu nhất là mối tình đầu. Yêu đến chết đi sống lại, hết lòng vì người đó. Chị nghĩ, cả đời này sẽ không thể sống nếu thiếu người đó. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, người đàn ông ấy sau khi biết chị tình nguyện lên vùng cao công tác đã theo một người con gái khác mà bỏ chị. Anh ta đã không nói lời từ biệt chị, bỏ chị cô đơn, quên lời hứa hẹn.
Suốt mấy năm trời một mình nơi đất khách quê người, chị sống như người mất hồn, đau khổ vô vọng. Nhiều đêm nằm khóc một mình mà không ai hiểu được nỗi đau ấy ngoài chị. Chị lao vào công việc để khỏa lấp đi nỗi buồn, cho đến khi gặp chồng chị. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, khi đứa con đầu lòng cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc chồng chị đi theo người con gái khác. Anh ta không chịu được cảnh rừng núi heo hút, quanh năm mây phủ, cuộc sống khó khăn trăm bề. Nỗi đau đó khiến chị muốn bỏ nghề về xuôi, chưa bao giờ chị mơ hồ vì con đường mình đã chọn này.
Hôm chị khăn gói định ra đi, chị đến nhà chào trưởng bản. Sau khi biết ý định của chị, trưởng bản đã nói “cô đi rồi, thì dân bản để lại cho ai”. Chị khóc, trưởng bản cũng khóc, vợ trưởng bản thấy như vậy chạy lại ôm chị khóc rồi mếu máo “mày ở lại đi, không có mày dân bản biết phải làm sao khi ốm đau; thằng thầy cúng nó không chữa được bệnh như mày đâu”. Thế là chị ở lại, tình cảm chân thành của người dân khiến chị không nỡ ra đi. Điều quan trọng là chị vẫn nặng lòng với nơi này, nặng lòng với lời hứa năm xưa.
Thấm thoát đã 10 năm trôi qua, bây giờ chị đã có hai đứa con nhưng chúng lại không cùng cha. Những người đàn ông đến với chị được một thời gian rồi lại bỏ chị ra đi. Không biết hận bao lần, tủi nhục bao lần. Nhưng trong tình cảm chị như một đứa trẻ thơ dại, luôn tin vào những lời hứa hẹn tình yêu chân thành. Để rồi vấp ngã hết lần này đến lần khác. Tưởng như cảm xúc của chị đã chai sạn, mài mòn bởi những vấp ngã đó. Nhưng hôm nay, khi nghe Hải nói, lòng chị lại xốn xang. Phải chăng người đàn bà trong chị vẫn khát thèm hơi ấm của đàn ông.
Hôm nay, trạm y tế tổng kết cuối năm. Chị làm cơm mời mấy anh trên xã và các cô giáo cùng chung vui. Ngồi vào mâm, mọi người đang mời nhau thì Nga – hiệu phó trường tiểu học xã quay sang nói với thằng Sinh đứa lớn nhà chị:
Mày không mời bố hả Sinh?
Thằng Sinh ngơ ngác, vẫn chưa hiểu chuyện gì. Nhưng mọi người ở mấy mâm bên cạnh đều quay sang nhìn chị, rồi nhìn Hải. Chị ngượng chín đỏ mặt, còn Hải cũng lúng túng cười ngượng với mọi người. Chị biết mọi người đang nhìn chị với ánh mắt giễu cợt pha lẫn tò mò về mối quan hệ của chị với Hải. Trước bữa cơm mọi người đã bàn tán xôn xao rằng hôm nay chị làm cơm để ra mắt chồng mới…Chị nén tiếng thở dài, trấn tĩnh lại, tảng lờ sang chuyện khác.
Thưa các anh, các chị, hôm nay tôi làm mâm cơm này, mời các anh, các chị đến chung vui cùng trạm y tế, trong năm qua đã đạt được nhiều thành tích được cấp trên khen ngợi.
Bữa cơm xong xuôi, trời cũng đã khuya. Lúi húi dọn dẹp thì Nhung gọi chị vào phòng nói chuyện
Chị Yến ạ, em chơi thân với chị đã lâu, có chuyện này em phải nói với chị nhưng chị không được buồn, không được giận em đâu đấy nhé?
Em cứ nói đi, chị không sao!
Lưỡng lự một lúc, Nhung cất lời:
Chị ạ…chuyện của chị với Hải là thế nào?
Chị…chị…!
Em rất mong chị được hạnh phúc! chị đã quá đau khổ vì đàn ông rồi, chị hãy suy nghĩ cho thật kỹ đừng để trái tim mình tổn thương thêm một lần nữa. Em thấy anh ta kém chị gần chục tuổi, lại là trai chưa vợ, quê ở xa…liệu bố mẹ, gia đình anh ta có chấp nhận chị không?
Chị…chị…không biết!
Em lo rằng anh ta đến với chị chỉ là chơi bời qua đường, rồi chị lại sẽ đau sẽ khổ…tỉnh táo lại đi chị…đừng mù quáng như vậy!
Nhưng chị…em…em  có biết thời gian qua chị cô đơn đến thế nào không. Ở nơi này, không người quen, không người thân thiết, trái tim chị nhiều khi nghẹt thở muốn vỡ tung…chị cần…cần có một gia đình em ạ, chị cần có một bờ vai để dựa vào…chị không cần biết anh ta là người như thế nào nhưng hiện tại chị cảm thấy hạnh phúc khi ở bên anh ta là được rồi.
Chị…chị Yến!
Thôi em không cần nói nữa, chuyện của chị, chị biết mình cần phải làm gì.
Trời mỗi lúc một lạnh. Trên cây, những giọt sương đã đóng băng trong suốt nhìn như những hạt ngọc long lanh trắng muốt. Mùa đông năm nay thật lạnh, người dân không lên nương mà ở nhà vật lộn với băng giá để chống rét cho trâu bò. Yến lại cặm cụi leo dốc đến từng nhà dân để hướng dẫn cách phòng tránh rét cho người già và trẻ em. Sau khi hoàn tất công việc trời cũng nhá nhem tối, chị định bụng qua chỗ lán của Hải để đưa cho anh mớ rau chị vừa mua được của người dân. Đến nơi, toan định gọi Hải ra thì chị nghe thấy tiếng Hải nói chuyện với mấy người cùng đội truyền tải:
Tao có điên mới lấy bà ấy, vừa già vừa xấu lại có hai cái đuôi.
Thế sao tao thấy mày cứ bám lấy bà ấy?
À…chỉ là tìm bạn để vui thôi. Mày thử nghĩ xem, ở cái nơi khỉ ho cò gáy này kiếm đâu ra gái đẹp mà chơi. Mà tao có mất gì đâu “cơm no bò cưỡi”…không sướng à.
Nói đoạn, cả bọn cười ha hả. Chị không tin vào tai mình nữa, mới hôm qua thôi, khi anh ta đến với chị, anh ta vẫn còn hứa hẹn rằng sẽ đưa chị về ra mắt rồi sẽ chuyển lên đây sống với chị. Chị ngồi bệt xuống đất, hai hàng nước mắt tuôn trào như dòng suối, lồng ngực chị như có ai đó bóp đến nghẹt thở. Chị khóc không thành tiếng. Bàng hoàng đứng dậy, bước những bước đi liêu xiêu trên con đường gập ghềnh sỏi đá.
Trời đất, chị bị làm sao thế này?
Chị không sao!
Chị bị ngã ở đâu mà quần áo lấm lem bùn đất, nhanh vào đây, bỏ quần ra em xem nào, máu chảy ngấm hết ra cả quần ngoài rồi kia kìa.
Cái Hiên dẫn chị vào phòng thủ thuật, nó xuýt xoa vì những vết thương trên chân, trên tay chị
Chị đi kiểu gì mà ngã ra nông nỗi này?
Chị không biết nó đã làm gì cho chị nữa, vết đau thể xác không làm chị đau đớn bằng vết đau trong tim chị.
Chị tự nhốt mình trong phòng, gặm nhấm nỗi đau. Chị khóc cho thân phận mình bọt bèo, chỉ là chỗ qua đường cho những người đàn ông. Chị cười vì cuộc sống này quá nhẫn tâm với chị. Ngoài kia, tuyết rơi trắng xóa một vùng, chưa năm nào tuyết lại rơi nhiều như năm nay.
Chị Yến….chị Yến…mở cửa cho em?
Giọng Nhung khẩn thiết bên ngoài:
Chị….chị mở cửa cho em đi?
Chị còn mặt mũi nào nhìn Nhung nữa, chị không nghe lời khuyên của Nhung, nên bây giờ mới bị như vậy. Nhung đập cửa gọi chị thấy ngại lên chị đành phải ra mở cửa. Chị kéo chốt cửa ra, Nhung đã vội đẩy cửa vào ôm chặt lấy chị khóc ngon lành, như Nhung là người gây ra tội.
Thôi em…chị có làm sao đâu!
Chị…em nghe hết chuyện rồi. Em thương chị quá.
Chị không sao mà, rồi cũng qua nhanh thôi. Nhưng Nhung à, có lẽ chị sẽ đi khỏi đây thôi. Chị không còn mặt mũi nào nhìn em, nhìn mọi người nữa!
Chị…chị đừng đi…mọi người hiểu cho chị mà.
Không em ạ, hai ngày qua, chị đã suy nghĩ rất nhiều chuyện, nơi này để lại cho chị nhiều đau buồn quá, có lẽ chị đành thất hứa với bác sĩ Mai thôi!
Chị còn em…còn dân bản, chị đừng đi!
Sau nhiều ngày âm u, hôm nay trời cũng đã hửng nắng. Những giọt nắng yếu ớt của mùa đông không đủ bao phủ lên những cành cây ngọn cỏ. Bản làng khoác lên mình những mảng màu sáng tối khác nhau. Chỉ còn một tuần nữa là Yến sẽ rời xa nơi này, rời xa mảnh đất chị đã gắn bó hơn 10 năm qua. Ngồi buồn nhìn xa xăm chị nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này.
Em thay chị, chăm sóc người dân nơi đây em nhé, cuộc sống của họ đã nghèo và khó khăn lắm rồi, đừng để bệnh tật đẩy họ vào bước đường cùng em ạ, như thế thì bất hạnh lắm.
Trước khi rời khỏi cõi trần, bác sĩ Mai đã cầm chặt tay chị nói với chị như vậy, bác sĩ Mai đợi chị gật đầu rồi mới ra đi. Chị không sao quên được cái ngày định mệnh ấy. Cả đời bác sĩ Mai đã gắn bó với dân bản, hôm chị ấy mất do bị ung thư phổi, người dân đã đến đưa chị rất đông, họ khóc thương cho chị. Và khi ấy, chị hiểu được sự cống hiến của bác sĩ Mai dành cho dân bản nơi đây như thế nào. Giờ đây mỗi khi nghĩ lại, lòng chị lại nặng trĩu khi không giữ được lời hứa trọn vẹn. Nghĩ đến quá khứ, hiện tại và tương lai, nước mắt chị lại tuôn trào. Lau vội dòng nước mắt bởi tiếng gọi của Hiên
Chị Yến…chị Yến ơi!
Thằng Sùng đang cõng con trên lưng. Thằng bé mắt nhắm tịt nằm bất động trên lưng bố, chị cùng mọi người đưa nó vào buồng cấp cứu. Hỏi qua mới biết nó sốt đã gần một tuần nay, nhưng nhà nó nghèo quá nên không dám đưa đi viện, đến hôm nay thấy nó nằm bất động, sợ quá gia đình nó mới đưa đến trạm y tế.
Thằng bé nằm sốt miên man, chị cho nó uống hạ sốt, rồi cởi quần áo lau người hạ thân nhiệt cho nó. Khoảng 1 tiếng sau mồ hôi nó vã ra như tắm, lúc này chị mới thở phào nhẹ nhõm. Chị quay sang hỏi bố nó:
Sao anh đưa nó đến trạm?
Tại nhà tao…nhà tao không có tiền.
Thằng bé có thẻ bảo hiểm cơ mà, chữa bệnh có mất tiền đâu?
Tao…tao không biết.
Ai lại để cho thằng bé sốt cao thế này, đến chậm một tý nữa là nó chết rồi!
Thằng Sùng gãi đầu, gãi tai, mặt đỏ ửng vì biết lỗi của mình. Cũng tại nó, cứ mỗi lần bác sĩ Yến đến nhà tuyên truyền thì nó lại bảo vợ đóng cửa không tiếp, nó bảo có việc gì thì mời thầy cúng là khỏi hết. Do suy nghĩ cổ hủ đó mà con nó suýt chết.
Nó bị viêm phổi nặng rồi, phải nằm chữa lâu đấy!
Có mất nhiều tiền không bác sĩ?
Không mất đâu, anh yên tâm mà bảo người nhà về bớt đi, ở đây có chúng tôi rồi.
Ngày cuối cùng làm việc tại trạm y tế. Mọi thủ tục bàn giao công việc đã hoàn thành. Đang thu dọn đồ đạc thì thằng Sính chạy vào, trên tay cầm bó hoa xuyến chi trắng muốt đưa cho chị. Nó không nói câu nào, nhưng nhìn ánh mắt thơ ngây của nó, lòng chị thấy nặng trĩu. Chị biết đây là tình cảm mà nó dành cho chị. Đúng lúc đó có một bà cụ chống gậy đi vào, cụ tiến lại gần phía chị cầm tay chị rồi mếu máo khóc:
Cô…cô đừng đi!
Cụ già khóc, mọi người trong trạm tiến lại gần vây quanh chị. Ai cũng chung một tâm trạng là không muốn chị rời xa nơi này. Chị hiểu được tình cảm sâu nặng của người dân nơi đây dành cho chị. Nhìn mọi người, đôi mắt chị ướt nhòe lúc nào không hay.
Này bà kia…muốn chết à mà đi kiểu đấy?
Tôi…tôi xin lỗi!
Muốn chết thì tìm cách khác mà chết nhá, đừng có hại người khác như thế.
Chị vội vàng đi nhanh lên vỉa hè, hòa mình vào giữa dòng người ngược xuôi. Mặc dù đã chuyển hẳn về thành phố được gần 1 tháng, nhưng chị không thể nào quen được với cách sống nơi đây. Nó ồn ào, vội vã…khiến chị quay cuồng như mớ bòng bong. Chị nhớ dân bản, nhớ cái cảm giác yên bình của núi rừng trong mỗi sớm mai. Nhiều lúc chị muốn buông bỏ tất cả để chạy nhanh về nơi trước đây. Nhưng chính chị lại là người dứt áo ra đi, liệu dân bản còn tin tưởng chị.
Cô Yến…có phải cô Yến không?
Chị giật mình quay lại, bởi tiếng gọi thân quen.
Trời ơi,  bác trưởng bản, sao bác biết cháu ở đây?
Tôi…tôi xin địa chỉ của cô Hiên.
Bác…bác tìm cháu có việc gì không?
Tôi…tôi đi tìm cô, cô hãy về với dân bản đi, mọi người nhớ cô lắm…từ khi cô đi dân bản ốm đau không biết nhờ vào ai!
Còn mọi người ở trạm mà bác!
Dân bản chỉ muốn cô chữa bệnh thôi, họ nói không có cô họ không đến trạm chữa bệnh đâu!
Bác…cháu…cháu.
Tôi…tôi xin cô, dân bản ai cũng quý cô cả…cô về với chúng tôi đi!
Nằm nghe tiếng mưa rơi lẫn trong tiếng xe cộ, tiếng ồn ào của quán karaoke bên cạnh, chị suy nghĩ về câu nói của bác trưởng thôn lúc chiều. Trong lòng chị lúc này chị đã biết mình muốn gì và nên làm gì.
Đỉnh Quan Thần Sán hôm nay thật đẹp, ánh nắng vàng hòa cùng trời xanh bao phủ khắp bản làng. Yến ngắm nhìn trời mây, hít một hơi thật sâu cho thỏa nỗi nhớ.
Bác sĩ Yến…bác sĩ Yến đã về dân bản ơi!
Tiếng nói rất thanh của thằng Sùng khiến chị giật mình quay lại. Trên con đường mòn dẫn về trạm y tế, người dân kéo đến rất đông. Trên những khuôn mặt lam lũ ấy đều nở nụ cười tươi và ánh mắt rạng ngời vui sướng đón chị quay về với bản làng, quay về với lời hứa năm xưa. Chưa bao giờ chị cảm thấy lòng mình lại yên bình đến như vậy, chị hạnh phúc vì xung quanh còn rất nhiều người yêu quý chị. Chị sẽ không đi đâu nữa, nơi này là nhiệt huyết là tình yêu và là cuộc sống sau này của chị. Màu trắng của chiếc áo blue quen thuộc sẽ mãi quyện với màu xanh của núi rừng để tạo thành màu của yêu thương chân thành nơi đỉnh Quan Thần Sán hùng vĩ.
6/10/2023
Hồng Loan
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...