Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Khóm chuột mà thương

Khóm chuột mà thương

Hồi xưa, đất quê tui ngậm lắm phèn chua nên mần lúa không được trúng mùa như những vùng khác. Vì vậy, người dân phải tính tới việc canh tác thêm cây gì đó để góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Theo kinh nghiệm thì trồng mía và khóm là tốt hơn cả bởi hai giống này chịu được cái tính acid cao trong lòng đất.
Theo thói quen, bà con thường kêu nơi này là rẫy. Vậy là mỗi lần nghe nói đi thăm mía hoặc khóm thì những người có thiên hướng lãng mạn liền liên tưởng đến một vùng không gian rộng lớn, xanh ngắt, đầy nắng với gió và xem ra cũng nên thơ lắm. Rồi bằng cái trí tưởng tượng phong phú sẽ đưa con người đến một vùng trào dâng cảm xúc đượm chân quê hoà quyện bởi hương vị cỏ cây pha lẫn mùi đất xồm xộp áo phèn vàng tươi của những buổi trưa oi nồng. Có người cho rằng đó là một kiểu tự trào của bà con để trí não được thư giãn mà quên đi cái mệt nhọc tháng ngày.
Phàm trồng cây gì cũng cần phải chăm sóc. Mần mía ắt thường xuyên đánh lá. Đây là hoạt động tuốt lá già cho rời khỏi thân cây như một kiểu dọn vệ sinh vậy. Bởi lá vốn mọc ra nhiều theo cái sự lớn lên của mía. Nếu không róc đi thì nó sẽ làm cây chậm lớn. Đánh lá còn để giúp lóng mía dài ra, thân cây hấp thụ được ánh sáng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển. Mỗi bận làm vệ sinh như vậy là bị lá mía cắt bàn tay đến chảy máu. Rồi tới lúc thu hoạch thì vác mía cây nặng đến nỗi sưng vai ê ẩm lúc đêm về.
Còn mần khóm thì tất phải làm cỏ. Cái xứ nước phèn nên nhiều loại cỏ dại mọc cực tốt và rất khó diệt. Vậy là bà con phải luồn trong khóm để chặt gốc cỏ nên bị gai đâm vào tay tới tét da mặc dù có đeo găng hẳn hòi. Rồi thêm cái cảnh lội liếp, đang cắm đầu bứng mấy cây mua bị dây bòng bong quấn kín mít che hết không gian đón ánh sáng của khóm thì bất thần đám ong ùa ra tấn công làm sưng cả mặt mũi. Ong nghệ vốn thích làm ổ trên mấy cái cây bông tím này. Đến lúc thu hoạch khóm thì đẩy xuồng đi gom trái gặp phải đỉa đeo lủng lẳng ống chân. Cái giống hút máu này sinh sôi nảy nở chưa đến nỗi nhiều như bánh canh nhưng cũng đủ để bất cứ ai phải nổi da gà. Hôm nào nước kém thì cứ cần xé mà vác khóm về điểm tập kết khiến vai cũng đau không thua gì mần mía.
Nói chuyện ong. Ong bầu, ong bần, ong nghệ, ong lác và vò vẽ đều có đủ. Cũng may là xóm tui chưa có người bị dính ong lỗ. Loài này thường làm ổ dưới mặt đất nên ai mà trúng thì coi như sụp hầm. Nghe bà con nói nó đánh trâu còn rống nên người thì vô phương chịu nổi. Đồn rằng ác nhất là ong lỗ, nhì mới vò vẽ. Chẳng biết có đúng hay không nữa bởi tui chưa gặp lần nào. Mà kì thực cũng chẳng muốn gặp bao giờ. Theo mấy người biết chuyện thì ong lỗ cũng gần giống vò vẽ nhưng bự và dữ tợn hơn nhiều.
Nhưng cho dù thế nào thì xem ra trồng mía hay khóm gì cũng đều cực hết. Khổ nỗi, cái câu có làm mới có ăn chẳng bao giờ lạc hậu nên bà con đành phải phải quần quật suốt ngày đầu tắt mặt tối. Đúng là một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ba má tui cũng không ngoại lệ. Rồi để cải thiện kinh tế gia đình, ông bà chọn cây khóm. Vậy là gắn bó luôn. Từ làm liếp, giăm con khóm, trồng thành hàng, mần cỏ đến đổ khí đá để kích ra trái và cắt bán cho thương lái đều là những hoạt động quen thuộc đối với tui.
Chuyện quê kể ra thì dài. Mà nói nhiều quá sinh nhàm chán nên tui chỉ lược lại một chút ký ức mà bất cứ ai sống ở xứ khóm cũng đều biết. Đó là khóm chuột. Tức trái bị chuột cắn.
Vùng quê dường như nơi nào cũng có chung một đặc điểm là chuột nhiều vô kể. Chuột chạy trong nhà. Chuột ra ngoài đồng. Chuột trèo cây dừa. Rồi chuột bừa luôn bờ mẫu. Cái đặc điểm của loài gặm nhấm này là gặp gì cũng cạp, phần để no bụng, phần để cho mòn bớt mấy cái răng cửa đang mọc dài không ngừng. Vậy là chúng quất luôn khóm nhà tui. Tội nghiệp má tui quần quật bán mặt cho đất, bán lưng cho trời một mình một dao mần cỏ để chăm sóc mấy cái liếp mong được ít đỉnh trái vậy mà bị ông Tý nhấm nháp nên cũng thấy tiếc làm sao.
“Khóm chuột ngọt lắm!”, má tui hay nói vậy. Có lẽ bà đang tự an ủi và khuyến khích đám con tận dụng cái thành quả lao động của mình cho dù không còn nguyên vẹn. Rồi nghe vậy, tui cũng lựa một trái bị chuột cắn mà bạt vài đường dao gần tới phần cùi bên trong để đưa vô miệng nhấm nháp. Kể cũng ngon thiệt. Vừa ngọt, vừa giòn. Mới thấy má nào mà không thương con, có bao giờ nói sai với tụi nhỏ đâu, thậm chí còn dành miếng ngon cho chúng nữa là. Không chừng cảm giác thưởng thức khóm chuột lại càng ngọt dữ hơn nữa bởi được điểm thêm bằng mấy câu khuyến khích của má cũng nên.
Mà ngẫm ra cái ngọt của khóm chuột cũng có lý do của nó. Lại nói chuyện ông Tý. Bọn này kể ra cũng ranh mãnh lắm. Phàm mấy trái khóm mà phơi mình ngoài nắng thì được trời đất ưu ái cho vị ngọt thơm và có màu sắc vàng tươi nên nhìn hấp dẫn lắm. Chắc ánh nắng mặt trời đã giúp cho quá trình tổng hợp đường trong trái tốt hơn hay sao đây. Vậy là lũ chuột cũng tự nhiên leo lên đó mà cạp luôn. Đúng là cái giống khôn lanh còn biết lựa trái đẹp và ngọt mà ăn nữa.
Tuy vậy, không cứ khóm chuột là ngọt. Đó là vào mùa chuột đẻ đông ken, bắt đầu từ cuối tháng Tám đến tháng Mười Một âm lịch. Đông quá nên tất giành giật và ăn tạp. Vậy là già không bỏ, nhỏ không tha. Mấy trái khóm chín trốn trong mát vốn không ngọt cũng bị cắn. Rồi tới loại còn xanh tươi cũng bị chuột ăn luôn. Cho nên có lúc thấy khóm chuột bị chua là vậy. Cũng nói thêm một chút khóm xanh còn gọi là khóm Mỹ. Không phải là giống có nguồn gốc từ xứ sở cờ hoa mà do các công ty thường mua loại này để đóng hộp xuất khẩu nên nông dân mới gọi bằng cái cách hình tượng đó.
Cho dù bị tấn công nhiều nhưng bà con cứ để tự nhiên chớ không sử dụng thuốc đuổi chuột nên số lượng khóm bị hao hụt bởi cái bọn phá hoại này cũng đáng kể. Xét về phương diện tự nhiên thì người và chuột là những thực thể tồn tại như nhau trên cõi đời này nên thôi đành, chắc bà con suy nghĩ đơn giản vậy, hay là chưa có cách trấn áp bọn này hiệu quả cũng nên.
Người mua khóm cẩn thận lắm. Mỗi khi đến là săm soi các kiểu để bảo đảm rằng không có khóm chuột cho dù đó là một vết cắn rất nhỏ. Họ nói như vậy sẽ không bán lại được. Rồi nào là trái hư sẽ lây cho trái nguyên bởi đã bị biến chất. Nghĩ cũng đúng thôi, ai chẳng muốn hàng của mình mua luôn được hoàn hảo. Đồng tiền vốn đi liền khúc ruột mà. Nhưng đôi khi khắc nghiệt quá thì kể cũng tội, giống như ép hàng vậy. Rồi lại nghĩ chuyện ép uổng trong bán buôn cũng là bình thường. Tại hàng mình không chất lượng chớ đâu phải do người ngó lơ. Thôi thì tận dụng mấy trái khóm hư lớp ăn, lớp cho, lớp phơi khô, rồi thậm chí bán rẻ được đồng nào hay đồng nấy vậy.
Dường như có sự phân công bất thành văn. Má tui lo vườn rẫy, còn ba tui thì ruộng đồng. Nói vậy thôi chớ làm sao mà thoát ra khỏi cái câu của chồng công vợ được. Cho nên mỗi khi vào vụ là cả nhà từ trên xuống dưới phải xúm vô mà mần cật lực. Mấy dịp nông nhàn, ba tui với mấy anh em trai vác cây phảng, còn má cùng mấy chị em gái thì cầm cái dao ra rẫy khóm mà mần cỏ. Rồi nhiều khi sẵn cây phảng bén ngót trong tay ba tui cũng lựa một trái khóm chuột mà lia vài đường rồi đưa lên miệng thưởng thức trước khi ngồi nghỉ làm điếu thuốc rê. Có bận ăn xong, ông gật gù ra vẻ vừa ý nói với má: “Khóm này nấu canh chua được nè mình!”. Ba tui vốn thích canh chua, mà phải nấu khóm mới chịu. Ông nói khóm có vị ngọt chua, thanh thanh, lại thơm nên hoà cùng mấy loại cây mùi như rau om hoặc ngò gai thì dễ chịu cho cái lỗ mũi lắm. Mùi hấp dẫn thì miệng ắt sẽ thấy ngon. “Mà phải của má mày chế biến mới được nghen!”, nhiều khi ông cũng ghẹo bà.
Mỗi khi ba tui thèm canh chua nhìn dễ biết lắm. Từ ngoài ruộng vô là trên tay ông đã có một mớ rau muống thân màu đỏ vốn mọc lan trên đồng cùng vài trái khóm chuột và mấy con cá lóc vừa gỡ lưới. “Con nhớ lặt cẩn thận!”, ba hay nói với tui như vậy khi quăng cho mớ rau muống. Ông lo cái đọt của nó có chất nhớt nên ăn vào dễ bị đau bụng. Thấy cá, chị tui liền cầm cây dao yếm cùng cái rổ để cho ba bỏ vào và đi ra sau hè, rồi bằng vài đường điệu nghệ là chúng đã sạch trơn và nằm gọn gàng trong rổ chỉ chờ má thả vào nồi nấu canh chua mà thôi.
Có hai loại thức chấm cho cái sở thích thưởng thức canh chua của ba tui là muối cục và nước mắm dằm ớt. “Tao thích cái mặn mòi!”, ba tui thường nói vậy khi tự tay rót nước mắm từ cái can nhựa để bên vách vào dĩa. Nước mắm này là do má tui nấu. Bà mua cá cơm về ủ muối, sau đó nấu lấy nước kèm theo thắng đường chảy để tạo màu, rồi cho vô hũ mà ăn dần. Thứ này không có màu sắc đẹp nhưng mùi cũng thơm và vị ngon.
Tối đến, quây quần bên chái, cả nhà ngồi vô mâm ăn bữa cơm gia đình. Hôm nào cũng vậy, tầm bảy giờ mới đông đủ. Thôi thì đủ thứ chuyện trong một ngày. Chuyện câu cá lòng tong của chị. Chuyện đi cày của anh. Chuyện giữ trâu của tui. Cả chuyện bán khóm chín của má. Rồi chuyện thời sự của ba. Một mâm cơm gia đình ấm cúng và vui vẻ.
Dạo này gần nhà tui cũng có một bác già bán khóm chín. Ngày nào, ông ta cũng chạy cái xe tải tới đậu bên lề, rồi gọt khóm ướp đá lạnh để cung cấp cho người đi đường. Mấy dạo ngang qua nhìn cái phần thịt vàng ươm, thơm phức nghĩ cũng thèm. Vậy là hương vị đồng quê ngày xưa vương vấn tâm hồn kẻ xa xứ. Thỉnh thoảng, tui cũng dừng lại mua vài trái. Phần để ăn, phần để nấu canh chua. Mỗi khi ngồi vào mâm, tui lại văng vẳng nghe đâu đây cái câu của ba nói với má thuở nào: “Khóm này nấu canh chua được nè mình!”. Rồi bỗng nhớ tới mấy trái khóm chuột ngày xưa mà thương hết sức luôn vậy.
18/10/2023
Lê Trung Lương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...