Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Lòng người trong nhân bánh

Lòng người trong nhân bánh

Trăng mười ba sáng quá. Ở vùng quê hẻo lánh nầy, ý nghĩa của ánh trăng không nằm ở chỗ nên thơ mà thực dụng hơn rất nhiều. Nó giúp những người tham công tiếc việc đồng áng có thể quây quần bên mâm cơm giữa sân mà khỏi phải đốt đèn dầu.
Nhà bà Tư hôm nay là vậy. Mải miết ngoài vườn, đến khi ông bà vào nhà thì trăng đã sáng. Trăng làm ánh lên những tàu lá chuối trước sân, làm con đường đất dẫn vào nhà bà như trở nên loang lỗ. Nhớ lại suốt ngày qua, ông bà thật là mệt mỏi…
Hết đứng lại ngồi, cả hai ông bà dõi mắt như ngóng trông ai đó. Mà họ trông ngóng thật, từ sáng đến giờ đã bán được chiếc bánh nào đâu? Nghĩ cũng khổ, xưa nay hai ông bà nào có biết buôn bán là gì. Chỉ tại đứa con trên thành phố, nhân dịp tết đến nên nó bày ra tiệm bánh tạm thời dưới quê giao cho cha mẹ. Thế là một già một lão ngẫu nhiên trở thành chủ tiệm. Từ đó, ngôi nhà nầy được mọi người gọi là “Tiệm bánh bà Tư”.
Cũng như những người buôn bán khác, chuyện người khách mở hàng luôn được ông bà Tư quan tâm. Nhưng đến giờ nầy vẫn chưa ai đến mở hàng. Ông bà lo lắng quá. Trưa rồi còn gì! Ở vùng quê, mới chín giờ sáng đã gọi là trưa lắm. Sắp đến tết rồi, gió chướng đã ngày càng mạnh. Nắng bắt đâu gay gắt sao vẫn chưa thấy ai đến mở hàng?
Trời càng trưa, nắng càng nóng. Nhưng cái nóng ngoài trời chắc không bằng cái nóng trong lòng dạ ông bà chủ tiệm. Thôi thì ông bà ráng chờ trưa chút nữa thằng Tính đi học về rồi giao cái của nợ nầy cho nó là xong. Chừng ấy hai thân già mới yên tâm ngồi phe phẩy quạt. Hy vọng rằng nó có vận may trong buôn bán. Cha mẹ nó bán buôn trên thành phố, dù về ở với ông bà nội nhưng chắc ít nhiều nó cũng có máu kinh doanh, nó hưởng vía ba nó.
Hai ông bà đang suy nghĩ miên man thì Tính đi học về. Sau khi chào ông bà nội, nó buông ra một câu hỏi trống không:
– Sáng giờ buôn bán được gì không?
– Được gì đâu con ơi, ế quá. Bà nội đáp.
Nó thoáng chau mày rồi đi thẳng vào trong.
Trong bữa cơm trưa, Tính nói với ông bà nội như quả quyết:
– Được rồi, con sẽ tìm cách cho nội bán hết số bánh nầy chỉ trong một ngày nay.
Chỉ nói một câu thôi, ăn cơm xong, Tính xin phép ông bà nội được sang chơi nhà bạn.
Lại hai thân già tiếp tục “trông khách”. Kìa!, ánh mắt nhập nhòe của ông bà cũng kịp nhận ra người khách đầu tiên. Đó là một thanh niên trong dáng vẻ lực điền đến hỏi mua cùng lúc năm chiếc bánh. Khách thì mặc cả, còn ông bà thì dường như không nghe thấy. Họ vanh vách nói về giá cả như  học trò nhỏ trả bài cho thầy giáo:
– Bánh lớn thì hai mươi ngàn, nhỏ hơn thì mười lăm ngàn một bánh. Vợ chồng già nầy chỉ biết bán giá đó thôi, con cháu nó dặn thế chứ tôi nào biết gì buôn với bán.
Rồi thì khách cũng bằng lòng mua và xách bánh đi ra. Nhận thấy người mở hàng suôn sẻ, ông bà già vui ra mặt. Những giọt mồ hôi từ đó cũng giảm dần. Vừa cẩn thận xếp những tờ giấy bạc đặt vào hộc tiền, ông nói với bà bằng giọng vui vẻ:
– Thằng Tính nói thế mà linh, chắc sau nầy nó cũng buôn bán phát tài như cha nó.
Cười với nhau chưa dứt thì lông bà lại có khách vào mua bánh. Người khách lần nầy là một phụ nữ trông có vẻ quê mùa. Nhưng lạ thay, chị ta không hề trả giá. Cứ như vậy, thêm ba chiếc bánh được bán đi. Lần lượt… lần lượt đến chiều thì đã hết sạch số bánh hơn trăm chiếc.
Giờ cơm chiều cũng là lúc Tính đi chơi về. Nó đi bộ nên kịp nghe những lời bàn tán của xóm giềng:
– Quái lạ, tôi nào có thấy gì đâu?. Hay là tôi đã nuốt “nó” vào bụng?
– Tôi cũng vậy. Giọng người khác chen vào.
Và ai cũng hy vọng “nó” còn trong bụng.
Tính vừa đi vừa mĩm cười. Nó nhẫm thầm những dòng chữ mà nó đã viết ban trưa và dán vào cánh cổng, sau đó lẳng lặng đi thông báo. Nó đã viết:
“Tôi là ba Mưu, vợ chồng tôi đã đánh rơi chiếc nhẫn hai chỉ vàng lúc làm nhân bánh. Bà con cẩn thận  khi ăn. Ai bất cẩn mà nuốt vào bụng thì tôi không chịu trách nhiệm. Còn nếu như ai phát hiện ra chiếc nhẫn lúc đang ăn thì nó sẽ thuộc về người đó”.
Lúc nầy ông bà tư vẫn còn vui vẻ vì đã hoàn thành nhiệm vụ thằng con trai đã giao cho. Ông bà nào biết gì đâu?
Bữa cơm tối được bày ra giữa sân dưới anh trăng. Vừa nhai cơm, vừa ngắm trăng non, thằng Tính khoe “công trạng”:
– Ông bà biết không, chính nhờ con viết thông báo đầu ngõ mà ông bà bán hết bánh nhanh như vậy.
Thông báo gì vậy?  Bà Tư nhanh nhảu hỏi
– Con nói thay lời ba con là trong nhân bánh có hai chỉ vàng nhưng không biết ở cái bánh nào. Ai mua trúng chiếc bánh đó thì được hưởng. Nói vậy thôi chứ làm gì có!
Miếng cơm đang nhai trong miệng bà Tư như bỗng biến thành đá sạn. Bà ngồi thần người ra, may mà chén cơm không rơi xuống đất. Trời ơi, sao thằng cháu của bà lại có thể nghĩ ra trò này nhỉ? Trước hết, nó đã kéo ông bà nội nó vào đồng phạm. Hơn thế nữa, nó đã lừa cả xóm làng, những người tối lửa tắt đèn có nhau với ông bà nó bấy lâu nay. Nó học thói lưu manh nầy từ đâu nhỉ? Bấy lâu nay cha con nó trên thành phố khá giả nhờ buôn bán thất đức thế nầy sao? Càng nghĩ bà càng đau, đau hơn cả ngày chuyển dạ đẻ ra cha nó. Ừ thì bà đẻ ra cha nó chứ có đẻ ra hay dạy dỗ thói gian trá nầy đâu?.
Chắc hẳn đêm nay bà Tư khó ngủ. Nhất định sáng mai bà sẽ đi xin lỗi xóm giềng nhưng biết mở miệng sao đây? Ruột gan bà rối bời như nồi canh hẹ. Tất cả cũng bắt nguồn từ trò buôn gian bán lận của vợ chồng đứa con trai để cháu nội của bà tiêm nhiễm. Suy nghĩ của bà Tư như muốn bật thành lời quát mắng đứa con trai trên thành phố:
– Con ơi! Lời truyền dạy tổ tiên bao đời sao con không nhớ? Má đã bao lần dạy con cách sống ở đời. Lẽ nào con không biết câu nói “Sống có đức không sức mà ăn”.
Tiếng tắc lưỡi của con thằn lằn trên vách càng làm tăng nỗi ray rứt trong lòng bà Tư. Bà nặng nề đi vào giấc ngủ với suy nghĩ miên man.
31/1/2024
Chinh Văn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch?

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch? Một nghiên cứu do các nhà khoa học Đức thực hiện tiết lộ cách âm nhạc giúp con người vượt qua những...