Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Một chuyến ngược xứ Mường

Một chuyến ngược xứ Mường

Lên Hòa Bình có gì…
Nói đến tỉnh Hòa Bình đa phần ai cũng nghĩ ở Hòa Bình là xứ Mường lừng danh với bốn vùng người Mường cư ngụ từ lâu đời là Bi, Vang, Thàng, Động đầy huyền thoại. Là vùng người Thái ở bản Lác huyện Mai Châu còn giữ nguyên bản sắc dân tộc Thái đến ngày hôm nay mà khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến quanh năm…
Là Hòa Bình chỉ có Công trường thanh niên cộng sản thủy điện sông Đà, giờ là Nhà máy thủy điện sông Đà to nhất nhì Đông Nam Á, là công trường trị thủy có số người tham gia đông đảo nhất sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khởi công xây dựng từ năm 1979 và hoàn thành hòa lưới điện quốc gia là năm 1994. Công trình thủy điện  ấy còn khiến cho ai đến thăm cũng phải …bâng khuâng vì có bức thư đặt trong khối bê tông hình thang với tấm biển khắc dòng chữ: “Thư gửi các thế hệ tương lai”, và hẹn ngày mở vào 1/1/2100 tại sân Nhà truyền thống của nhà máy. Và bây giờ Nhà máy thủy điện sông Đà  trở thành biểu tượng lòng quyết tâm của thế hệ trẻ Việt Nam ngày đó với nhiệm vụ  trị thủy dòng sông hùng vỹ và góp phần cung cấp nguồn điện năng cho đất nước bảo đảm bảo an ninh năng lượng. Công trình của biểu tượng tình đoàn kết keo sơn, gắn bó mang tầm quốc tế giữa hai nước Việt Nam – Liên Xô của thời điểm lịch sử mang ý nghĩa đặc biệt. Và bức thư mang số phận “huyền bí” đó, gần đây đã được các nhà báo khai thác từ các nhân chứng thực hiện lá thư gửi mai sau thì thông tin đơn giản chỉ là những lời tâm huyết của thế hệ tham gia Công trường thanh niên cộng sản thủy điện sông Đà ngày ấy (xin trích một câu trong nhiều lời thư đó): “…Thế hệ chúng tôi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, nhưng chúng tôi vẫn chắt chiu và quyết tâm xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, biểu tượng tốt đẹp của tình hữu nghị Việt – Xô cho đời đời con cháu mai sau”…
Lần này tôi trở lại Hòa Bình với tâm thế khác, là vì có người bạn, người em của chúng tôi là Lê Quốc Khánh nguyên là Phó giám đốc  Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, giờ là Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình dẫn dụ chuyến đi mà chúng tôi lên đường đến Hòa Bình trong tiết thu vừa mưa vừa nắng, và tôi đã có cơ duyên để khám phá xứ Mường theo một cách khác…
    Tôi nhớ năm 2015 tôi lên Hòa Bình, đã đến xem Bảo tàng của anh họa sĩ hiện đang công tác ở Nhà xuất bản Lao động, tên là Vũ Đức Hiếu, sau khi xây dựng xong Bảo tàng Mường thì người ta gọi luôn, đến Bảo tàng Hiếu Mường đi. Giờ thì đã thành tên gọi quen thuộc của nhân dân dân và du khách. Bảo tàng Hiếu Mường là không gian văn hóa Mường nằm trong một thung lũng núi đá vôi nhỏ có diện tích khoảng 5ha nơi đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Bảo tàng là nơi sưu tầm, trưng bày các hiện vật cũng như tái hiện không gian văn hóa phản ánh rõ nét đời sống tinh thần, phong tục tập quán của người Mường với 4 khu nhà sàn đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường xưa, đó là: Nhà Lang, nhà Ậu, nhà Noóc và nhà Noóc trọi cùng với đó là các hiện vật cồng, chiêng, lư, công cụ đánh bắt cá, khung dệt, cọn nước, dụng cụ săn bắn, đồ dùng sinh hoạt gia đình…Không gian bảo tàng mang đến cho du khách có thêm những cảm nhận sâu sắc về đời sống tinh thần, phong tục tập quán, kinh tế – xã hội, văn hóa đặc trưng của người Mường qua nhiều thế kỷ. Du khách đến đây không chỉ tham quan không gian văn hóa mà còn được cảm nhận, được hòa mình vào cuộc sống của người Mường…
Và gặp người Mường bảo tồn di sản văn hóa Mường
Và lần này tôi được Lê Quốc Khánh dẫn đến Bảo tàng của ông người Mường “chính hiệu” tên Bùi Thanh Bình, không gian này hẹp hơn, nhưng lại chứa đựng một niềm đam mê bảo tồn giá trị văn hóa của người Mường cổ với đa dạng hiện vật. Chúng tôi gặp ông Bình, ông vui vẻ tâm sự về cuộc đời và đam mê với công việc bảo tồn văn hóa Mường, được biết ông đã kinh qua nhiều công việc,  cho đến khi làm phó giám đốc công ty Du lịch tỉnh Hòa Bình thì ông nghỉ hưu. Vốn dĩ gia đình có cơ sở kinh doanh ăn uống có tên là Cơm lam mường Động khá phát triển, và nhờ có nguồn tài chính ổn định, ông đã mạnh dạn thực hiện ấp ủ của mình là xây dựng Bảo tàng văn hóa Mường trên chính mảnh đất của gia đình để được cống hiến cho dân tộc mình bảo tồn di sản cha ông cho đời sau…
   Khi tôi hỏi, ông đã thực hiện ấp ủ làm bảo tàng Di sản văn hóa Mường từ bao giờ. Ông Bùi Thanh Bình đã tâm sự, ông bảo vừa nghĩ, vừa làm, từ khi ông ấp ủ đến bây giờ cũng đến 40 năm rồi. Bảo tàng của ông Bình hiện có 6 ngàn hiện vật giá trị. Trong số đó phải kể đến chiếc trống đồng Heger2 hay còn gọi là Trống đồng Mường. (Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger- tức có niên đại từ thế kỷ IV trước công nguyên)
Trong Bảo tàng của ông Bình, là trưng bày các hiện vật của các nhà Lang – tầng lớp quý tộc trong cộng đồng Mường thời xa xưa. Là những chiếc sanh đồng bốn quai, là bộ chăn gối tự tay cô gái thêu mang về nhà chồng trước khi cưới, là rất nhiều đồ gốm có niên đại các thời Lý, Trần, Lê; Mạc; Nguyễn… các đồ gốm có giá trị là được sưu tầm từ các gia đình người Mường đào được từ các khu mộ táng lâu đời. Về trang phục đủ các loại dệt may của người Mường từ xa xưa, về đồ đan nát cũng chiếm một khối lượng lớn các hiện vật là nông cụ của người Mường. Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông Bùi Thanh Bình còn có một điều đặc biệt là có bộ lưu giữ và trưng bày bộ Lịch tre (dân gian quen gọi là lịch Đoi/Roi) của người Mường. Bộ lịch tre đặc biệt này được trưng bày mô phỏng phóng to tỉ lệ lớn, nhìn như bức bình phong trước nhà trưng bày, nếu không có sự giới thiệu của chuyên gia bảo tàng Lê Quốc Khánh thì chúng tôi cũng…đi qua! Theo Khánh chỉ dẫn thì bộ lịch tre của người Mường Hòa Bình làm từ những thanh tre được dóc, vót và đánh bóng kỹ lưỡng, sử dụng để khắc các khấc, vạch, chấm – gọi là các ký hiệu, biểu tượng- là hiển thị cho ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Bộ lịch dân gian này có 3 dạng hình thức: Một là bộ lịch tre thanh dài, có chiều dài 25 – 30 cm, rộng 2,2 cm, dày 0,5cm; hai là bộ lịch tre thanh trung bình, có chiều dài 15 – 20 cm, rộng 1,5 – 2 cm, dày 0,5 cm; ba là bộ lịch tre thanh ngắn, có chiều dài 10 – 15 cm, rộng 2 – 2,5 cm, dày 0,5 cm. Cả 3 dạng đều có 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi thanh tre được tạo hình chữ nhật, có 2 mặt rộng gọi là mặt lịch và 2 mặt hẹp gọi là sống lịch. Trên mỗi thanh tre có các bộ phận chính gồm: Gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thanh tre đều khắc 30 khấc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng, 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Bộ lịch tre này là tri thức dân gian xuất hiện rất sớm của người Mường Hòa Bình trước khi có nguyên liệu giấy xuất hiện nên nó là một giá trị hiếm có của dân tộc Mường. Vì thế, lịch tre của người Mường Hòa Bình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay theo thống kê, toàn tỉnh Hòa Bình hiện còn 5 bộ lịch tre cổ có từ hàng trăm năm và khoảng hơn 100 bộ lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Tri thức dân gian này chủ yếu được các ông mo và một số ít người cao tuổi ở 4 vùng Mường là Bi, Vang, Thàng, Động nắm giữ. Để bộ lịch độc đáo này không bị mai một, thất truyền, tỉnh Hòa Bình đã lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa. Cùng với Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch Tre của người Mường Hòa Bình được công  nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2022, đó là một tin vui với những người làm bảo tồn, bảo tàng không chỉ ở xứ Mường.
Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông Bùi Thanh Bình ở thành phố Hòa Bình hàng năm thu hút từ 5 đến 7 ngàn người đến tham quan – nhưng với tinh thần tận hiến vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa Mường, ông dùng nguồn kinh phí của gia đình để thực hiện công việc sưu tầm và trưng bày, duy trì hoạt động Bảo tàng của gia đình.  Bảo tàng không thu vé, ông cũng không xin hỗ trợ từ địa phương, khách đến tham quan có thể tùy tâm đóng góp. Chúng tôi thật sự thú vị khi đến không gian này với một ông chủ quá tâm huyết về tinh thần Mường. Mỗi ngôi nhà sàn là một khu trưng bày từng loại hiện vật, khu nhà sàn dành riêng trưng bày các loại chiêng cổ, đủ loại. Và vì thế, từ năm 2011 mở cửa Bảo tàng, ông cứ túc tắc làm và hơn mười năm qua ông là người đã được mời đến các tỉnh có đồng bào Mường ở Lâm Đồng, Hà Nội, Đắc Lắc… để truyền dạy cho bà con người Mường học đánh chiêng. Năm 2022 ông được Bộ văn hóa và Thông tin phong tặng công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Ông bảo có được không gian trưng bày này là nhờ các chuyên gia bảo tàng hỗ trợ giúp đỡ trưng bày các  nội dung khoa học là ông Quách Văn Ạch, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin và Du lịch tỉnh Hòa Bình, là anh cán bộ trẻ năng động khi đó Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Quốc Khánh  và một số người tâm huyết hỗ trợ cho ông thỏa tâm nguyện được cống hiến cho văn hóa Mường mà ông ấp ủ từ lâu. Ông mừng vì được thỏa mãn niềm đam mê của mình, dù ông biết năm tháng đã và đang đè lên vai người nghệ nhân, người con của đất Mường nhiệt huyết về di sản văn hóa Mường ấy về tuổi tác và nhiều vấn đề khác nữa để giữ gìn và phát huy được Ngôi nhà – Bảo tàng của dân tộc mình lâu bền hơn…
Một chuyến ngược xứ Mường với tôi thật thú vị, là được chạm vào một vùng văn hóa Mường đặc sắc lừng danh từ xa xưa với những nhà Lang giàu có, với những huyền thoại của phong tục tập quán người Mường từ sử thi Đẻ đất, đẻ nước mà chúng ta đã biết từ lâu. Xứ Mường một lần tôi đến đã cho tôi thêm những cảm nhận sâu hơn về miền đất đặc biệt đó trong tiếng gọi xứ Mường!.
19/10/2023
Vũ Thảo Ngọc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...