Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Một ngày qua vội

Một ngày qua vội

Ngoài kia/ Chiếc lá vàng trôi/ Hình như có kẻ/ Ru đời lãng quên.
Một ngày qua vội
Vội qua
Em ngồi nhặt bóng 
Ngân hà còn đây
Dấu chân
In một dấu gầy
Em buồn như thể
Hàng cây lá sầu
Một ngày 
Em nhặt bóng câu 
Nắng mưa 
Có mỗi nhịp cầu lắc lay
Tiếng con bìm bịp lạc loài 
Bóng quê úp mặt
Nào hay bóng chiều
Em buồn vằng vặc
Phong rêu
Triền sông cổ thụ 
Đò chiều vẩn vơ
Em ơi! nán lại
Bao giờ
Tôi tìm tĩnh lặng
Vần thơ cuối mùa
Thu buồn 
Em của ngày xưa
Lỡ mùa nguyệt quế 
Thêu thùa mà chi
Nhớ em qua thuở xuân thì
Cỏ thơm đã ngủ
Thiên di xa rồi
Ngoài kia 
Chiếc lá vàng trôi
Hình như có kẻ 
Ru đời lãng quên.
Giữa chiều Thác Mơ
Sáng mai 
Tôi đến Phú Riềng
Chợt trông cô gái S’Tiêng sang bờ
Chắc em là của Thác Mơ?
Đâu đây con suối
Trắng ngờ ngợ sương
Tôi về
Bình Phước cung đường
Hàng cây xanh tấp
Ngô nương và đồi
Cao su rừng có vậy thôi
Lá non nhựa ấm
Lên chồi nắng trưa
Đứng bên cột mốc
Chiều mưa
Hoa Lư* nhắn gởi
Thu mùa lá bay
Đường biên rắn rõi đêm ngày
Thương anh chiến sĩ
Bạc vai áo sờn
Lộc Hòa
Mấy nẻo về thôn
Núi xa thấp thoáng
Mây vờn đỉnh mây
Chia tay Bà Rá phương nầy
Chiều nghiêng
Dốc muộn về Tây
Nhớ rừng.
Chú thích: 
* Cột mốc biên giới Việt Nam và Campuchia
Hoa Đỗ quyên
Đỗ quyên
Sương chạm mây trời
Em bên phía nắng
Xa xôi phía rừng
Thung đèo 
Lượn dốc bâng khuâng
Có nàng sơn nữ
Máng lừng hạt ngô
Xanh xanh
Gió hú đỉnh mờ
Núi và núi thẳm
Em ngơ ngẫn lòng
Đỗ quyên 
Nàng cũng thong dong
Gợi tình “lữ khách má hồng”
Về đây
Em đi săn ánh chiều Tây
Ngắm mùa hoa đỏ
Sắc ngày Đỗ quyên
Non sông hùng vĩ nối liền
Hoàng Liên Sơn ngát
Rừng thiêng
Núi ngời
Em lên triền đá chơi vơi
Bàn tay níu vội
Sắc trời
Cỏ lau
Thương miền biên viễn mai nào
Đường nghiêng
Đá hẩm 
Chênh chao bóng người
Đỗ quyên làm bạn
Rừng ơi!
Vẫy chào em nhé!
Yêu rồi Sa Pa
Lai Châu dải lụa sơn hà
Ai về Tây Bắc?
Đón ta cùng về…
8/8/2023
Liên Phương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuốn tự truyện của Andersen và những điều chưa biết về đại văn hào của thế giới 30 Tháng Tư, 2022 Andersen (1805-1875) là đại văn hào ...