Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Niềm vui vì được cùng tên

Niềm vui vì được cùng tên…

Một. Có bao giờ bạn thấy tên mình, mà thực tế đó là tên của người khác, trên sách vở, và nói rộng hơn, trên một phương tiện truyền thông, một nhật báo online chẳng hạn? Và nếu có, lúc ấy, bạn cảm thấy vui!? Nếu thế, thì tôi đã được khá nhiều niềm vui như vậy. Nói là vui, nhưng thật ra, lòng tôi còn hơn thế nhiều…
Cách đây khoảng hơn bảy năm rưỡi, tôi đã viết ngắn “Một hình ảnh quê nhà” để ghi lại niềm vui vô bờ của tôi khi tôi tình cờ đọc thấy tên đệm và tên của tôi là tên của một xã của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, quê ngoại của tôi: xã Duy Thành trên VnExpress. Khỏi phải nói, lúc ấy không những tôi vui mà còn yêu mến thêm quê mẹ của tôi…
Hai. Cách đây hơn bốn năm, một niềm vui gần giống như vậy đã lay động tâm trí tôi khiến tôi đã viết “Chuyện tình cờ” vì tình cờ, khi ghé vào một quán café trong một chung cư trước kia tôi từng ở và bắt gặp ở đó một cuốn sách có cái tên rất hay: “Đừng Vì Cô Đơn Mà Yêu Một Ai Đó”. Đó là một tuyển tập gồm 16 truyện ngắn của những tác giả còn khá trẻ ở độ tuổi 8X, 9X… do nhà xuất bản Văn Học phát hành trước đó hai năm. Nhìn chung, đó là những truyện ngắn khá hay và nhiều chỗ khiến cho độc giả phải suy ngẫm. Thế nhưng, điều duy nhất tôi muốn nhắc lại là trong số 16 truyện ngắn đó, có truyện “Yêu Một Bình Minh Mới” của một tác giả có bút danh khiến tôi phải… chú ý: Hamlet Duy Thành. Đó là câu chuyện về một chuyện tình tay ba gồm nhân vật Tôi, H. và V. có thể tóm tắt: Trong khi sống với H., nhân vật Tôi lại luôn nghĩ về… V. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng, theo tôi nghĩ, tác giả của nó muốn người đọc thấy được sự khác biệt giữa hai khái niệm tình cảm mà xưa nay người ta hay… lẫn lộn, đó là “thương” và “yêu”. Nhân vật Tôi yêu V. và thương H. Thế nhưng, khi cuối cùng để quên V, cô đã “chuyển” H từ người cô thương thành người cô yêu. Câu chuyện còn ẩn chứa tấm lòng bao dung của H: anh vẫn yêu thương nhân vật chính khi biết rằng tuy sống với anh, trong trái tim nàng vẫn ẩn hiện hình ảnh của V. Tuy nhiên, sự chân tình của anh đã thắng cuộc khi tin rằng, một ngày nào đó, họ sẽ cùng nhau “yêu một bình minh mới”.
Lúc đọc xong truyện, trong tôi cũng có “một bình minh mới” khi biết tên khai sinh của tác giả cũng giống với tên đầy đủ của tôi…
Ba. Hôm nay, tôi cố ý đọc báo Phụ nữ để tìm kiếm một điều gì đó, một đề tài nào đó khả dĩ có thể khiến tôi viết cho Ngày Phụ nữ của chúng ta. Và tôi một lần nữa lại có một niềm vui rất… khó tả khi tôi đọc một bài viết của một tác giả mà tôi có thể nghĩ rằng anh (chị) ấy đã chia sẻ tên họ với mình: Trần Duy Thành.
Bài tản văn viết về một cuốn sách có tựa đề “Có một ngày bố mẹ cũng già đi”, một tuyển tập của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Tôi chưa có dịp đọc cuốn sách, nhưng phải nói là tôi đã hết sức đồng ý với hai chuỗi ý tưởng của nó:
Một, từ sách: “Năm tháng vẫn mãi trôi, thời gian không trở lại. Bạn chẳng bận rộn như bạn nghĩ, năm tháng cũng không dài như bạn tưởng. “Có một ngày, bố mẹ cũng già đi ” và “Người già là hạt nhân của gia đình, người già còn, trong lòng mọi người đều nhớ, vì thế sẽ không đi quá xa. Người già không còn, ai lo việc nấy, tình cảm cũng dần nhạt phai”.
Hai, nhiều hơn, từ bài viết: “Luật tử sinh vốn bất tuân ý nguyện con người. Dù ta có thương cha mẹ, người thân nhiều đến đâu thì rồi cũng đến lúc họ rời đi. Nghiệm ra điều này sớm, ta sẽ trân quý hơn những phút giây còn được kề bên, xem đó như may mắn trong đời.”, “Con người, trong mọi hoàn cảnh, rồi cũng phải sống tiếp nhưng ký ức sẽ nuôi dưỡng hoặc bào mòn ta, tùy cách ta trải qua. Nếu sống hiếu-lễ-nghĩa với người thân thương, ta sẽ không phải ân hận về sau. Việc chứng kiến sự già đi hay phải “sinh ly tử biệt” dẫu buồn nhưng sẽ không làm ta đau khổ vì day dứt, hối tiếc.”
Tôi không còn cha mẹ già vì song thân của tôi đã khuất bóng. Mẹ tôi mất cách đây gần 10 năm, còn cha tôi thì gần 3 năm. Thế nhưng, tôi vẫn thường nhớ tới hình ảnh của hai người tôi vẫn thương yêu nhất. Tuy không phải ân hận hay hối tiếc vì điều gì sai trái, nhưng tôi biết rằng những gì tôi đã làm cho cha mẹ tôi, chỉ như những thìa muối mà tôi đã hòa vào đại dương bao la. Tình nghĩa của cha mẹ tôi dành cho tôi vô bờ bến, tôi đã không thể nào bù đắp nổi. Giờ đây, nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của song thân, tôi chỉ còn biết nhang khói mỗi ngày…
Trở lại với những cảm xúc của mình, tôi chân thành cám ơn những ai đã có tên giống tôi với những sáng tác dù đã khiến tôi phải nghĩ suy về việc này, việc nọ; thậm chí, phải “tự kiểm” bản thân về phương diện này, phương diện khác, tôi vẫn cảm thấy vui như được chia sẻ tâm tư, tình cảm của những tác giả đó.
Và, tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui này với tất cả mọi người. Biết đâu, còn sống còn hy vọng, niềm vui này không phải chuyện “tày gang”…
1/8/2023
Trần Danh Thùy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...