Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Quyền năng biến đổi của Ruth

Quyền năng biến đổi của Ruth

Suchen Christine Lim sinh năm 1948 ở Malaysia. Bà lớn lên ở cả hai phía của eo biển ngăn cách Malaysia khỏi Singapore. Bà đến Singapore năm 14 tuổi, học ở  Tu viện của trường Holy Infant Jesus, và sau đó là Đại học Quốc gia Singapore. Bà dạy ở một trường cao đẳng và làm chuyên viên thiết kế chương trình giảng dạy ở Bộ Giáo dục. Suchen nghỉ việc vào năm 2003 để dành toàn thời gian cho viết lách. .
Lần đầu tiên để ý đến Ruth trong tu viện, tất cả những gì tôi thấy nằm cuộn tròn như một bào thai trên chiếc bàn lớn bằng ván là một người phụ nữ tóc tối màu, cỡ người như một đứa trẻ 9 tuổi, da bọc xương đã biến dạng nghiêm trọng. Người khoác đồ len dày, cô ở trong trạng thái đông cứng. Cô không thể di chuyển mà cũng không nói được.
“Đây là con gái tôi, Ruth,” Helen, trưởng nhóm thiền của chúng tôi nói.
Năm đó tôi bay tới Denver, Colorado, trong lòng vẫn sôi sục căm giận. Vì nóng lòng muốn quên đi cõi lòng tan nát, tôi quyết định tham gia một khóa tu thiền ẩn dật hai tuần ở Tu viện Benedictine ở Snowmass. Tôi thuê một chiếc xe và lái lên dãy Rocky tới thị trấn Aspen, nằm ở 2400 m trên mực nước biển.
Thật là điên rồ. Tôi chưa từng đi đâu một mình bao giờ. Lawrence sẽ không chấp nhận chuyện đó đâu. Mà tôi cũng chưa bao giờ lái xe lên núi nên tôi chả nghĩ ra được là giữa tháng ba vẫn còn là mùa đông ở Rockies.
Nửa đường lên núi trời bắt đầu đổ tuyết lớn. Sáng hôm sau, Aspen trông như một cảnh lấy ra từ một tấm thiệp Giáng Sinh, toàn bộ đều bao phủ bởi tuyết, còn Helen thì đang chờ để đưa tôi đến tu viện.
“Cô Sarah Verghese phải không?” một người phụ nữ Mỹ mập mạp mặc áo khoác da nâu và mang ủng bắt tay tôi. Cái bắt tay của bà ấy ấm áp và đôi mắt xám của bà ấy cũng vậy.
“Nào, để tôi giúp.”
Với một động tác vung tay khéo léo, bà ấy đã lẳng được cái vali nặng trịch của tôi vào cốp chiếc xe hai cầu của mình rồi. Tôi há hốc, “Cô làm vậy thì sụn lung mất.”
Trông bà ở độ tuổi 60, hơn tôi 20 tuổi, thế mà bà nâng cái vali của tôi lên như thể nó là một túi đồ tạp hóa. “Đừng lo. Tôi quen rồi. Mình đi nhé.”
Tu viện nằm trong một thung lũng cao bao bọc bởi rừng cây và những ngọn đồi tuyết phủ. Có một kí túc xá, một nhà nguyện và vài ngôi nhà tranh nằm tách biệt vốn là nơi ẩn dật dành cho những ai muốn suy ngẫm một mình. 20 người chúng tôi thuộc nhiều độ tuổi và từ khắp nơi trên thế giới sẽ ở trong kí túc xá. Không ai theo đạo hết.
Sau này tôi mới biết được là có vài người theo Hội Giám lí, thuyết Calvin hoặc theo Giáo hội Trưởng lão. Tu viện này chào đón tất cả mọi người, nhưng họ phải tuân theo một nguyên tắc đơn giản – đó là luôn luôn im lặng khi ở trong nhà.
Sáng hôm sau chúng tôi bị đánh thức vào 4 giờ 30 bởi tiếng chuông nhẹ. Tới 5 giờ, chúng tôi đi vào phòng thiền được thắp sáng dìu dịu. Helen đã ngồi trên tấm đệm của mình rồi. Trên đường chở tôi tới đây bà đã kể là mình sống trong làng dưới kia cách đây vài dặm. Tôi nghĩ là bà sẽ phải dậy trước 4 giờ rưỡi để lái xe lên dãy núi tối tăm để đến được tu viện trước 5 giờ, và trong cái lạnh cắt da cắt thịt nữa, vì tuyết rơi cả đêm qua.
Chúng tôi ngồi trên đệm trên sàn nhà, người quấn khăn choàng và chăn dày cộp. Một bức tường trong phòng được làm hoàn toàn từ kính từ sàn tới trần, tôi có thể thấy là bên ngoài tối như hũ nút khi Helen rung chuông, và tôi nhắm mắt lại.
Khi tôi lại mở mắt ra trước tiếng chuông thì bầu trời vẫn tối thui. Chúng tôi đứng dậy và chậm rãi đi quanh phòng để giãn chân trước khi ngồi nữa. Vài người tới sau nháo nhào đi vào và chúng tôi lại ngồi thêm nửa giờ nữa tới 6 giờ. Tới lúc đó, một thứ ánh sáng ảm đạm nhàn nhạt đã xuyên qua bức tường kính, còn những bụi cây tuyết phủ bên ngoài ánh hồng. Chúng tôi lặng lẽ lần lượt đi ra khỏi phòng tới nhà bếp kiêm phòng ăn nơi có một cú sốc đang chờ.
Cuộn mình nằm nghiêng ngái ngủ trên chiếc bàn ván ghép là người phụ nữ toàn da bọc xương đó. Chúng tôi ăn sáng với bánh mì mới ra lò trong sự yên lặng khó chịu, đưa mắt yêu cầu người bên cạnh đưa giúp bơ hoặc mứt. Tôi cố gắng tránh không nhìn chiếc bàn.
Sự biến dạng nghiêm trọng của người phụ nữ đó khiến tôi đau đớn. Tôi không chịu nổi khi nhìn cô ấy, và tôi xấu hổ. Xấu hổ về nỗi đau đớn của mình. Tôi liếc nhìn những người khác. Không ai nhìn vào cái bàn hết. Không ai tới gần nó vào sáng hôm đó.
Tối đó, vì không thể chịu đựng nổi sự im lặng nữa nên vài người ra vườn nói chuyện. Một người phụ nữ từng ở ẩn trước kia kể chúng tôi biết là Ruth 36 tuổi, và cô ấy bị điếc. Tôi đi vào nhà. Tôi không muốn nghe nữa. Tôi không muốn nói về con người mang hình hài trẻ thơ bị biến dạng này. Lawrence cứ khăng khăng đòi phá thai khi người ta bảo chúng tôi là bào thai trong bụng tôi mắc phải những khiếm khuyết gen nghiêm trọng. Anh ấy nói không muốn có con.
Tôi không muốn nghĩ về Ruth. Thế nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của cô ấy được. Mỗi ngày cô ấy đều ở đây với chúng tôi, cuộn tròn trên chiếc bàn ván ghép khi chúng tôi dùng bữa và uống cà phê giữa các buổi thiền. Giờ ăn trưa nào chúng tôi cũng nhìn Helen, mẹ cô, bế cô như một đứa trẻ vào một căn phòng riêng để cho ăn và thay tã, còn trái tim chúng tôi tràn ngập nỗi xót thương Helen.
Vào buổi sáng thứ ba, tôi để ý thấy đôi mắt sẫm màu của Ruth dõi theo khi chúng tôi đi loanh quanh phòng ăn. Hôm sau nữa, tôi nghĩ mắt cô ấy nháy với tôi khi tôi đi ngang qua. Điều đó khiến tôi dừng lại. Khi tôi nhìn cô, mắt cô dường như mỉm cười dù không một khối cơ nào nhúc nhích trên khuôn mặt cứng đờ của cô.
Sáng hôm sau, tôi đứng ở chỗ cái bàn ván và cử động miệng nói ‘xin chào.’ Mắt cô dường như sáng lên khi nhìn thấy, và tôi thấy rất vui. Vào ngày thứ năm, tôi cúi xuống chỗ cô và thì thầm, “Xin chào, tôi đến từ Singapore.”
Từ đó trở đi, tôi quyết tâm dừng lại bên chiếc bàn như người khác để nói vài lời với Ruth dù người ta đã nói là cô ấy bị điếc.
“Tôi thấy một chú chim ngoài cửa sổ đấy,” tôi bảo cô vào một buổi sáng và chạm vào lòng bàn tay cô. Cảm giác động chạm đó làm tôi sốc và tôi rụt tay lại ngay. Những ngón tay gầy guộc của cô cứng đờ và cong lại như vuốt một con chim đã chết. Dù Ruth không thể nào nhìn thấy mặt tôi vì cô không quay đầu được, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình phải xin lỗi.
“Xin lỗi Ruth,” tôi thì thầm, “tôi không quen chạm vào xương.” Tôi cố rặn ra một nụ cười vì nghe sướt mướt quá. Thế nhưng khi nhìn vào mắt Ruth, tôi biết là cô ấy hiểu lời xin lỗi vụng về này.
Mấy ngày tiếp theo tôi để ý thấy những người khác trong nhóm ngày càng quen thuộc với Ruth hơn. Cũng như tôi, họ nắm tay cô, vỗ lên người cô và khẽ cười với cô như thể họ nói chuyện với nhau vậy. Vào buổi sáng thứ chín, trong khi đang thì thầm điều gì đó với Ruth, tôi giật mình nhận ra mình đã không còn coi cô là một con người tàn phế dặt dẹo xấu xí nữa.
“Có thứ gì đó đã biến đổi trong tôi,” tôi thì thầm với cô. “Tôi không còn muốn lao tới thọc dao vào tim chồng mình nữa. Không muốn khiến anh ta cũng đau đớn như đã gây ra cho tôi. Tôi vẫn đau khổ, nhưng tôi không còn muốn trả thù nữa.”
Tới lúc đó, tôi cảm thấy rằng cái cơ thể vặn vẹo nằm trên bàn kia thực sự chứa lòng trắc ẩn đầy thông hiểu. Mỗi ngày tôi lại nhận ra là mình dừng lại lâu hơn một chút trước cái bàn. Có thể là lúc đó tôi đang nói cho mình nghe, thế nhưng khi nhìn vào đôi mắt sẫm màu của Ruth, chúng dường như ánh lên sự thấu hiểu. Thực tế thì trông Ruth có vẻ ít biến dạng hơn, không còn phải nhận lòng thương hại nữa. Tôi không tài nào miêu tả cô ấy là một bào thai người lớn da bọc xương được nữa. Cô ấy là một con người. Như tôi thôi.
Nghĩ lại mấy ngày câm lặng trong phòng ăn ở tu viện, tôi tin rằng sự hiện diện lặng lẽ của Ruth mỗi ngày ở đó buộc tôi phải nhìn nhận mọi thứ vượt qua mức thể xác thông thường. Mỗi ngày tôi đều nhìn thấy Helen mang cô con gái 36 tuổi như một đứa trẻ vào phòng riêng để cho ăn và thay tã trong nhặng xị ra sao như thể đó là một việc bình thường vậy. Sự tận tụy của Helen khiến tôi nhận ra được bản chất của tình yêu không điều kiện ràng buộc. Vào ngày cuối cùng ở đó, tôi thu hết can đảm hỏi Helen về Ruth, và đây là câu chuyện của họ.
Gia đình Ruth có sáu người. Helen là người nấu ăn trong tu viện trước khi trở thành trưởng nhóm thiền. Cha bà là thợ mộc. Khi các tu sĩ lần đầu tiên mời Helen tới tham gia nhóm lãnh đạo thiền ở tu viện, bà từ chối vì không thể để Ruth ở nhà cả ngày được. Các tu sĩ bảo bà là cứ mang Ruth tới tu viện luôn.
Sau đó, khi các tu sĩ khám phá ra là sự hiện diện của Ruth có tác động tích cực lên những người tới đây tu tập thì họ để Ruth trở thành một phần của nhóm lãnh đạo thiền và trả lương tháng cho cô luôn. Cha trưởng tu viện nói là Ruth có những bài học có thể dạy chúng ta.
Nhiều năm sau đó tôi đã tự hỏi là, chúng tôi đã học được bài học gì từ Ruth, một con người hoàn toàn không thể tự lo liệu cho bản thân và phụ thuộc vào người khác như một đứa trẻ sơ sinh, vậy mà vẫn có tác động biển đổi lớn lao đến người khác đến vậy.
Như một đứa trẻ sơ sinh.
16/9/2023
Suchen Christine Lim
Trương Thị Mai Hương dịch
Nguồn: Digestablewords.wordpress.com
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...