Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Tản mạn Vàm Cỏ Đông

Tản mạn Vàm Cỏ Đông

Có lẽ trên trái đất này, không ở đâu cái giá để có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc lại ”đắt” như ở Việt Nam. Để có hình hài đất nước, vị thế quốc gia như ngày hôm nay đã có hàng triệu triệu người con ưu tú ngã xuống. Máu xương của họ tan biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ bay lên hóa linh khí quốc gia.
MỘT
CỘT MỐC LÒNG DÂN
Những ngày Tháng Tám lịch sử này, chúng tôi trở lại chiến trường xưa. Đứng bên chân cầu Tân An (Long An) nhìn lục bình trôi trên dòng sông Vàm Cỏ thơ mộng và nổi tiếng, lòng tôi như có ngàn đợt sóng trào dâng. Hôm nay, chúng tôi trở về chiến trường xưa để làm một việc, như là món nợ với đồng đội - những người đã ngã xuống nơi đây trước ngày toàn thắng: Xây dựng bia ghi nhớ chiến công của quân và dân ta, trong đó những người lính Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) làm lực lượng nòng cốt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975.
Nguyên Bí thư tỉnh ủy Long An Phạm Thanh Phong, chúng tôi quen gọi là anh Ba năm nay đã quá tuổi 80 nhưng vẫn còn minh mẫn, thông tuệ: ”Phải làm chớ. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của các đồng chí. Đáng lẽ, chúng ta phải xây dựng Bia ghi nhớ chiến công này lâu rồi. Không chỉ tri ân người hy sinh mà nhắc nhớ muôn đời con cháu về giá trị độc lập tự do “.  Cùng suy nghĩ và cảm xúc ấy, nguyên Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Nam Việt và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Thị Nhanh bày tỏ ”Chúng tôi cảm kích trước tấm lòng và trách nhiệm với đồng đội của các đồng chí. Chúng tôi sẽ góp tiếng nói để các đồng chí lãnh đạo đương thời”  trả món nợ ”với những người đã khuất”.
Tan buổi họp, tôi và Trình Tự Kha lang thang dọc con đường mà cách đây gần nửa thế kỷ chúng tôi đã cùng đồng đội vượt qua ”cánh đồng chó ngáp” về giải phóng thị xã Tân An. Để có ngày về chốt chặn trên lộ 4 (cũ) giải phóng đô thị có tính chất yết hầu dẫn về miền Tây Nam bộ này, đã có gần 1000 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn  và các đơn vị bạn nằm lại nơi biên giới Vĩnh Hưng, Long Khốt và trên những cánh đồng Tháp Mười bát ngát hương sen.
Vì thế, khát vọng của chúng tôi là còn chút sức lực và thời gian hãy vận động xây dựng đền thờ đồng đội ở Long Khốt và Bia ghi nhớ chiến công của Trung đoàn ở thị xã Tân An, nơi giữa trưa 30 tháng 4 năm 1975 các chiến sĩ của Tiểu đoàn 5 do Chính trị viên Bùi Đức Trần và Tiểu đoàn trưởng Đinh Bá Đài chỉ huy đã cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của QĐNDVN trên nóc dinh tỉnh trưởng Long An.
Đó là việc nên làm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa gần 50 năm. Nhưng thực sự đối với những người lính Cụ Hồ chiến tranh chưa chấm dứt. Chỉ ít lâu sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử ấy, súng đã rền vang trên biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và máu đồng đội, nhân dân vẫn đổ ở Trường Sa, Hoàng Sa…vì độc lập, tự do, vì nguyên vẹn lãnh thổ thiêng liêng và bình yên đất nước.
Việc xây dựng những ”cột mốc” như thế có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Đó không chỉ tri ân người đã khuất mà còn nhắc nhớ muôn đời con cháu mai sau. Trong hơi gió ngạt ngào hương sen từ Đồng Tháp Mười, tôi nghe văng vẳng bên tai lời dặn dò của anh Ba Phong, nguyên Bí thư tỉnh ủy Long An.
HAI
GIỌT MẮT CỦA VỊ TƯỚNG
Không phải lần đầu tôi mới gặp vị tướng ấy khóc. Ông là một trong những vị tướng trưởng thành qua chiến tranh và vì thế mới hiểu hết giá trị của độc lập tự do, hòa bình.
Lần đầu tiên, tôi chứng kiến ông khóc, ấy là khi chúng tôi đưa ông về thăm lại chiến trường xưa Long Khốt. Vào đền thờ liệt sĩ, nơi chúng tôi vừa dựng tạm, mắt ông nhòe đi trước danh sách gần 1000 liệt sĩ đã nằm lại nơi đây. Trên đường trở lại thành phố, ông khóc và chia sẻ với chúng tôi rằng, phải tìm nguồn xây dựng lại ngôi đền thờ liệt sĩ này để tạ ơn máu xương của hàng ngàn liệt sĩ và xứng tầm với khu Di tích lịch sử cấp quốc gia. Như có hương hồn liệt sĩ dẫn đường, ít lâu sau, ông kết nối được với nhà tài trợ. Và công trình Đền thờ liệt sĩ Long Khốt đã hoàn thành đúng kế hoạch, mặc cho cuộc chiến ” chống dịch Covid 19 như chống giặc ” đang diễn ra quyết liệt. Lần thứ 2, tôi chứng kiến ông khóc. Ấy là khi gặp gỡ các thương binh nặng, có hoàn cảnh đặc biệt. Ông bảo rằng, thương binh nặng theo chính sách, người ta tính trên tỷ lệ phần trăm mất sức. Nhưng tôi nghĩ thương binh nặng là những người đã để lại chiến trường đôi chân, hai tay và đôi mắt của mình. Và ông khóc, khi nói về họ. Nghỉ hưu, thay vì vui thú với gia đình sau tháng ngày cống hiến, ông lại dấn thân một lần nữa : trực tiếp làm Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Sư đoàn 5.
Vào cuộc, ông bàn với các tướng lĩnh, đồng đội tham gia thường trực Ban Liên lạc phải quan tâm đến những người lính có hoàn cảnh đặc biệt này. Tự thân ông dọc ngang khắp nẻo vận động để có nguồn tài chính và vật chất để tổ chức gặp mặt tri ân những người con trung hiếu. Ông nói, vấn đề không phải mình tặng quà các thương binh nặng mà cái chính là gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh em và làm lan tỏa những tấm gương hy sinh thầm lặng, cao cả
ấy. Và, ông đã khóc khi nói chuyện với họ. Có thể tuổi tác chúng ta có khác nhau, có thể
quân hàm, chức vụ có khác nhau. Nhưng điều chắc chắn, gặp các bạn sẽ thấy ngay rằng các bạn đã cống hiến, hy sinh vì đất nước. Và, sự khắc nghiệt không chỉ dừng ở đó, khi trở lại đời thường, các bạn đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn cực nhọc khi đôi chân, hai  tay, hai con mắt không còn để giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ. Nghe vị tướng ấy chia sẻ như thế, cả hội trường hàng trăm con người không ai không xúc động. Nhiều người đã lấy khăn lau nước mắt.
Việc tri ân những người có công với đất nước, hy sinh cả cuộc đời hoặc hiến dâng một phần thân thể cho độc lập, tự do của tổ quốc bấy lâu Đảng, nhà nước và toàn xã hội vẫn làm. Nhưng sao cho thiết thực, hiệu quả, chạm vào lòng trắc ẩn, trái tim của mỗi con người là điều đáng suy ngẫm. Việc làm của Ban Liên lạc Truyền thống Sư đoàn 5 do vị tướng ấy - Trung tướng Lưu Phước Lượng làm Trưởng ban là việc làm đáng suy ngẫm và học tập.
Tháng Tám mùa thu trời Phương Nam như trong xanh thêm. Đi dọc Vàm Cỏ Đông - dòng sông đã đi vào thi ca như huyền thoại, bỗng nghe trái tim mình rung lên nhịp lạ.
Tân An, 27/8/2023 
Trần Thế Tuyển 
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...