Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Thơ Yevgeny Chigrin

Thơ Yevgeny Chigrin

Yevgeny Chigrin là một trong những nhà thơ đương đại uy tín của LB Nga. Thơ của ông được đăng trên các tạp chí văn học Nga và quốc tế, đồng thời có mặt trong một số tuyển tập trong nước và châu Âu. Ông là tác giả của các tập thơ: «Погонщик» (tạm dịch: Người lái xe. NXB. «Время», Mátxcơva, 2012), «Неспящая бухта»  (tạm dịch: Vịnh không ngủ. NXB. «Время», Mátxcơva, 2014), «Подводный шар» (tạm dịch: Quả bóng dưới nước. NXB. «У Никитских ворот», Mátxcơva, 2015), «Невидимый проводник» (tạm dịch: Người vô hình. NXB. «У Никитских ворот», Mátxcơva, 2018), «Лампа над морем» (tạm dịch Ngọn hải đăng. NXB. «Перо», Mátxcơva, 2020), «Старый кочевник» (tạm dịch: Người du mục già. NXB. «СТиХИ», Тверь –Mátxcơva, 2020), «Невидимый проводник» (tạm dịch: Người hướng dẫn vô hình. Tái bản lần thứ hai, có chỉnh sửa. NXB. Kiev, 2021), «Водяные деревья» (tạm dịch: Những thân cây bằng nước. NXB. «Зебра-Е», Mátxcơva, 2022) . Thơ của Yevgeny Chigrin đã được dịch sang 16 ngôn ngữ trên thế giới, chủ yếu các ngôn ngữ châu Âu và châu Á. Sách của ông đã được xuất bản ở Ba Lan, Ukraine, Serbia…
Ông là nhà thơ đoạt một số giải thưởng văn học uy tín, như Giải thưởng văn học và nghệ thuật Liên bang Nga (2012), Giải thưởng Quốc tế Arseny và Andrei Tarkovsky (2013)), Giải thưởng văn học Gorky ở thể loại thơ (2014), Giải thưởng văn học toàn LB Nga mang tên Pavel Bazhov (2014), Giải thưởng quốc gia «Золотой Дельвиг» vì lòng trung thành với Thiên Chúa và Tổ quốc (2016) và Giải thưởng khu vực Orenburg mang tên Sergei Aksakov (2017). Ngoài ra, ông được trao một số huy chương, trong đó có huy chương của Konstantin Simonov (Nga, 2012) và Nikolai Gogol (Ukraine, 2014). Năm 2021, ông đoạt Giải thưởng của Báo Văn học và Giải thưởng Liên kết vàng của Đường sắt Nga đề cử cho Thơ. Cuối năm 2021, ông nhận Giải thưởng Văn học quốc tế, mang tên Ernest Hemingway của tạp chí Thế giới mới (Canada). Giải thưởng được thành lập từ năm 2015 nhằm hỗ trợ các tác giả viết bằng tiếng Nga. Năm 2022, ông đoạt Giải bình chọn thơ hay nhất năm 2021 của tạp chí Ural (Yekaterinburg). Ông là người biên soạn tuyển tập “Thơ Mátxcơva của năm“. NXB. «У Никитских ворот», 2014, và cuốn sách «Портрет поздней империи» (tạm dịch: Chân dung đế chế quá cố“, để tưởng nhớ Andrey Bitov, NXB. AST, 2020). Thơ của Yevgeny Chigrin từng đăng trên các tạp chí văn học uy tín, nhiều lần chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng của bạn đọc tạp chí “Журнальный зал” (tạp chí của LB Nga). Ông được giới phê bình và các nhà thơ Nga đánh giá là nhà thơ uy tín hàng đầu hiện nay…
Thức dậy lúc ba giờ
Bạn thức dậy lúc ba giờ, nhìn ra cửa sổ:
Tuyết cuộn trắng bông tựa chiếc bánh phồng,
Ngỡ rạp chiếu phim, bảng điều khiển trực tiếp
Những tòa nhà cao, như quảng cáo công trường.
Nơi sự sống đang trào sôi mãnh liệt –
Tất cả chúng ta đến đó, từng người…
Đêm càng vội tựa như ai ném tuyết,
Dòng chảy thì thầm, hối hả khôn nguôi.
Đời sống nhỏ, nơi bạn tự lái xe,
Để vươn tới lặng thầm như đá tảng?
Bạn gái thân quen như số phận trêu đùa
Lồng ngực mở để gió vào phiêu lãng.
Bạn thức dậy lúc ba giờ và nghĩ: tại sao?
Nhâm nhi ly cà phê, trái táo, điếu thuốc –
Một ngôi nhà tựa vườn địa đàng mong ước,
Chẳng lẫn với tị hiềm, như lũ nhỏ xấu xa.
Hãy nhìn vào chiếc áo khoác tỏ mờ
Một con ma bất ngờ đang nhòm ngó
Hãy cười vang lên như một chú hề
Hình bóng xấu xa trong gương để ngỏ…
Bạn đang đặt cược vào sự phấn khích,
Vào bồi hồi, bối rối và lối đi zích zắc
Bạn của Nàng thơ, hay rác thải bên ngoài,
Dù xé nát thịt da cũng không trở thành ai.
Thức dậy lúc ba giờ: điên đảo sương mù,
Não muốn vỡ tung, bóng đêm đi mải miết.
Vậy đây là gì? – một lời mời hành quyết?…
… Gần gũi và thân thương hơn nước sông Styx*.
Chú thích:
* Theo thần thoại Hy Lạp: Styx là con sông tạo nên ranh giới giữa trần gian và âm phủ – thế giới thuộc quyền cai trị của thần Hades. Nữ thần sông Styx là con gái của thần hải dương Oceanus. ND
Đảo đá xanh
“Đất đảo…” – bạn đang nói, và – vang lên câu thơ
Một bông hoa ngô, một ca sĩ ngoại biên xinh đẹp.
Và tất nhiên, đất liền được ngưng đọng trong thơ,
Người ta chỉ thấy bến bờ trong nao nao sự sống.
Nhịp điệu thấm vào mạch nguồn thơ ca sống động,
Rồi ở đó vô tình và con chim dễ dàng xao xác,
Một con rồng tám đuôi cắt vòng sau người Nhật –
Đã hiển nhiên? Hay chỉ mang dáng vẻ người buồn…
Cuộc sống trên đảo nhỏ, bờ vịnh, và nhiều thứ khác…
Một quý ông đeo kính không gọng trong dòng ghi chú,
Từ bấy đến giờ – chắc bạn đã hiểu – thế chẳng tốt sao:
Trong phút giây, bạn lại cảm thấy nhập nhòa, ngắn ngủi
Sakhalin phương Bắc!.. Kiếp trước – lao tới và xin chào! —
Không phải bây giờ, trang vở đang thoảng mùi biển lạnh.
“Đảo đất…” – hãy tưởng tượng, và thấy ánh sáng ra sao
Trên mặt đầm Busse, trên eo biển Bussol hắt lên lấp lánh.
Phong thư
Xé phong thư và ký ức quặn thắt:
Thế giới thân quen len lỏi chốn hoang sơ
Lập tức từ đây bạn bắt đầu lẩm bẩm,
Như đang cố công tự xoa dịu tâm hồn?
Và bạn đứng cạnh Bumbarash* như thế
Với sự quan phòng đã cố tránh xa –
Từ ảo ảnh đến… (thấm đẫm chất độc
không giống cá mập… những cuốn sách buồn…)
Bạn đứng dậy trẻ trung (những ngọn đồi vàng),
Cuộc sống như Fidel trong rượu rum tăm tối
Uống nữa đi uống cho đến ngăn cuối,
Và treo lơ lửng trên đầu tựa một con dê.
Và có điều gì thấp thoáng giữa lời ru?
Sau lớp sóng… Biển bỗng nhiên xuất hiện!
Vun vút cánh chim những mã hàng cập bến
Không khó khăn bất kỳ sự lặp lại nào.
Và khắp nơi bóng tối đã bao quanh
Tựa như chiếc bình vàng tỏa sáng,
Và thú dữ rập rình và muỗi đốt…
Nào hãy nâng lên – uống cạn một ly
Mở lại phong thư… Bao điều chẳng nhớ!
Con sếu trong tay? Những chỉ dấu bầu trời?
Và nụ cười mắc kẹt trong ánh mắt Ngôi Lời –
Điều ấy đã thấy? Hay chỉ là tưởng tượng?
Chú thích:
* Nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên Bumbarash của Arkady Gaidar. ND
 
Ngọn đèn
Sáng trong bóng tối… sợi chỉ ma quái
Bện lại thành cuộn như “đã từng”
Và ngọn đèn dầu kia sáng bừng
Từ con muỗi đến bóng đèn tu sĩ
Có khả năng xuất hiện tứ thơ lập dị
Và kẻ ngốc ngếch muốn xé thịt da…
Ánh sáng – tựa một loài nhuyễn thể –
Khuôn mặt nhăn nheo đã được kéo ra.
Bạn nhớ những gì? Cụ thể, thật cụ thể…
Tôi đang sắp xếp lại mùa hè đã qua:
Tôi rút ra vần điệu có tên “bùn đất”
Nhìn vào “đâu đó” như thấy đánh mất.
Những gì bị bôi nhọ trong thời gian dài
Trong bộ não những chú hề và gái điếm –
Thêm cái gì? Rạp chiếu phim cũ kỹ,
Ở đó các linh hồn đang mải chuyện trò?…
Ghim lại cái gì? Vài nụ cười buồn tẻ
Bóng ma mắc kẹt bên trong lũ chuột?
Khổ thơ trú ngụ trong đôi giầy rách
Nuốt hết ý nghĩa của nhà phát minh?
Ánh sáng vây quanh? Như vùng đất hoang,
Vui vẻ tựa như vườn nuôi vượn
Những con hà mã rống lên sợ hãi
Và người đàn ông vô gia cư huyên thuyên.
Ánh sáng vây quanh? Sáng trong đầu tôi không?
Còn quá khứ, như chiếc áo nhàu nát…
… Cái mỏ gà trống cất cao tiếng hát,
Dội vào linh hồn quỷ ma câu thần chú cổ xưa.
Nhìn ban mai
Nhìn ban mai bông tuyết đang cuộn nhẹ
Trẻ em tìm ánh sáng trong đôi găng tay,
Tuổi thơ ơi – tiếng cười căng như sợi chỉ…
Nói lời tạm biệt với một giấc mơ.
Cái nhìn cởi mở, ấm trà và nhiều hơn nữa
Tuyết đã làm ướt chiếc mũ lưỡi trai.
Ánh sáng ảo mờ. Làm cách nào để kéo
Xin tự nhủ… Sao gieo vần được với trời
Cây cối và làng mạc, ở kia, và xa tít,
Dòng sông nơi rừng rậm  giá băng
Vâng, những đám mây đã đi qua
Giống như con tàu lượn ảo diệu…
13/8/2023
Yevgeny Chigrin
Mai Văn Phấn dịch
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn nữ thử yêu một chút cũng đâu có sao 23 Tháng Tư, 2022 Nhà văn nữ Phương Huyền giới thiệu tác phẩm “Yêu một chút cũng đâu có sa...