Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Einstein Đời sống và tư tưởng 2

Einstein Đời sống và tư tưởng 2

BỨC THƯ LỊCH SỬ
Cuối tháng 7 năm 1939, hai vật lý gia Hung Gia Lợi Leo Szilard và Eugene Wigner, giáo sư ở Princeton, vẻ mặt lo lắng, lại kiếm Einstein lúc đó đương nghỉ mát ở Long Island, tỏ ý ngại rằng Đức Quốc Xã đương nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nếu họ thành công thì chẳng những châu Âu mà khắp thế giới sẽ bị nằm dưới gót sắt của họ nếu không bị tiêu diệt.
Szilard bảo ông:
- Ông chịu viết thư cho tổng thống, thúc tổng thống lập một chương trình chế tạo bom nguyên tử không?
Einstein thấy đề nghị đó táo bạo quá, ngồi im lặng một lát. Mới mấy năm trước đây, hô hào các nhà bác học trên thế giới đừng chế tạo vũ khí tối tân để nhân loại giết nhau nữa, bây giờ làm sao có thể chấp nhận một đề nghị như vậy được, đâu có thể tiếp tay vào việc tàn sát nhân loại được. Nhưng rồi ông nghĩ lại: Hitler tất nhiên không thể có một chút lương tâm gì cả, và nếu Đức chế tạo được bom nguyên tử trước Hoa Kì thì mới làm sao? Ông đáp:
- Tôi chưa hề gặp Tổng thống, giá có viết thư thì cũng chẳng ích gì…
Wigner mỉm cười, bảo:
- Tổng thống quí ông lắm, chỉ một mình ông là có thể làm cho Tổng thổng lưu tâm tới vấn đề đó được thôi.
Ông nói:
- Tôi không khi nào tán thành cai ý dùng bom đó, trừ trường hợp bất khả kháng. Nhưng nếu Hoa Kì có được thứ bom đó mà làm cho Hitler phải suy nghĩ lại thì tôi sẽ gởi thư lên Tổng thống.
Einstein bèn đọc bằng tiếng Đức đại ý nội dung một bức thư cho một người giúp việc tên là Teller chép. Rồi Szilard theo những ý đó mà viết thành hai bức, một dài một ngắn, để Einstein lựa. Ông lựa bức dài rồi kí, chẳng thêm bớt gì cả. Bức thư đó như sau:
Albert Einstein
Old Grove Road
Nassau Point
Peconic, Long Island
Ngày 2-8-1939
F.D. Roosewelt
Tổng thống Hoa Kì
Bạch Ốc
Washington D.C
Thưa Tổng thống,
Tôi đã được đọc bản thảo các công việc nghiên cứu mới đây của E. Fermi và L. Szilard và tôi tin rằng chất uranium có thể một ngày gần đây biến đổi thành một nguồn năng lực mới rất quan trọng. Theo tôi có vài khía cạnh của tình trạng đáng cho chính quyền chú ý tới và nếu cần, phải hành động mau nữa. Vì vậy tôi tự xét có bổn phận trình lên Tổng thống thấy những sự kiện và những lời dặn dò dưới đây:
Do những công việc của Joliot ở Pháp, của Fermi và Szilard ở Hoa Kì bốn tháng gần đây, người ta thấy rằng có thể gây nên những phản ứng hạch tâm dây chuyền trong một khối uranium, những phản ứng đó có thể phát sinh được một sức mạnh vĩ đại và rất nhiều chất phóng xạ. Hiện nay gần như chắc chắn rằng sắp có thể đạt được kết quả đó.
Hiện tượng mới đó cũng làm cho người ta chế tạo được bom, và có thể chứ chưa thật chắc chắn rằng những thứ bom mới này cực kì mạnh, tới nỗi chỉ một trái thôi chở trên một chiếc tàu, để nổ trong một hải cảng thì trọn hải cảng và một phần miền chung quanh sẽ tan tành. Nhưng có thể rằng những bom đó nặng quá không thể chở bằng máy bay được.
Hoa Kì chỉ có ít quặng uranium mà quặng đó lại rất xấu. Ở Gia Nã Đại, ở cựu[25] Tchécoslovaquie có quặng tốt, nhưng những mỏ uranium lớn nhất thì ở Congo thuộc Bỉ.
Xét tình trạng như vậy, Tổng thống có thể thấy rằng chính quyền nên tiếp xúc thường xuyên với các nhóm vật lí gia ở Mĩ đương nghiên cứu các phản ứng dây chuyền. Có một cách là giao công việc đó cho một người được Tổng thống tin cậy và người đó sẽ tiếp xúc với các vật lí gia một cách không chính thức. Nhiệm vụ của người đó có thể là:
a/ Tiếp xúc với các cơ quan chính quyền, cho các cơ quan đó hay mọi sự phát triển sẽ thực hiện được, đề nghị với chính quyền những biện pháp cần thiết, và đặc biệt chú ý tới việc mua và dự trữ đều đều quặng uranium.
b/ Làm gấp công việc nghiên cứu hiện nay giao cho các phòng thí nghiệm tại các đại học mà ngân sách rất eo hẹp, phải tăng ngân sách cho họ; tiếp xúc với các tư nhân muốn trợ lực vào công việc đó, hoặc yêu cầu các phòng thí nghiệm kĩ nghệ hợp tác, nếu họ có đủ dụng cụ cần thiết.
Tôi tin rằng Đức đã cấm bán uranium đào được ở các mỏ Tchécoslovaquie mà họ đã chiếm được. Nếu chúng ta nhớ rằng viên thứ trưởng bộ ngoại giao Đức được biệt phái qua viện Kaiser Wilhelin ở Berlin, mà tại viện đó, người ta tiếp tục một phần công việc nghiên cứu về uranium, thì chúng ta hiểu được tại sao họ vội cấm bán uranium như vậy.
Kính chúc Tổng Thống.
Bức thư Einstein gởi cho Tổng thống Roosewelt
[25] Cựu, vì lúc đó Tchécoslovaquie đã bị Đức chiếm.
NỖI ÂN HẬN CỦA NHÀ BÁC HỌC
Bức thư đó là một tài liệu lịch sử quan trọng và sau này làm cho Einsten rất ân hận.
Trong thế chiến thứ nhì, mặc dầu vẫn nghiên cứu về thuyết “champ unifié”, ông cũng không quên nỗi khổ của nhân loại. Ông thường dự những công cuộc từ thiện để giúp các trẻ em Anh tị nạn chiến tranh, giúp những nạn nhân trong vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng, khuyến khích mọi người mua quốc trái…
Khi Đức đầu hàng rồi, Hoa Kì muốn thanh toán quân đội Nhật cho mau. Ông phản đối chủ trương thả bom nguyên tử xuống các thị trấn Nhật. Ông gởi một bức thư nữa cho tổng thống Roosevelt, cho hay cái hại ghê gớm của bom nguyên tử, và đề nghị mời Nhật tới một miền hẻo lánh nào đó rồi cho nổ bom nguyên tử để họ thấy sức tàn phá kinh khủng của thứ bom đó, mà sẽ đầu hàng. Nhưng bức thư đó còn vẫn còn nằm trên bàn của Roosevelt, khi ông này mất thình lình ngày 14.4.45. Chính quyền Hoa Kì không nghe, thả hai trái bom xuống Hiroshima và Nagasaki.
Ngày 6-8-1945, ông đương nghỉ ngơi ở bờ hồ Saranac thì một phóng viên tờ New York Times lại kiếm ông cho hay rằng một trái bom nguyên tử mới thả xuống Hiroshima. Ông rầu rĩ bảo:
- Nước ta chưa đủ khôn để sử dụng một năng lực như vậy[26].
Phóng viên nói tiếp mà có vẻ như cái máy, không tin điều mình nói:
- Trên sáu chục ngàn người chết. Vô số người chết nữa vì chất phóng xạ.
Einstein nghe nói mà choáng váng. Giá mà biết trước người ta dùng bom nguyên tử cách đó thì ông không gởi bức thư trên cho tổng thống Roosevelt. Ông viết trên tờ Atlantic Monthly, số 15-11: “Tôi tự cho tôi là người gây ra sự giải phóng nguyên tử năng. Tôi chỉ dự vào việc đó một cách gián tiếp. Sự thực hồi đó tôi không ngờ rằng người ta thực hiện được cái đó trong đời tôi. Tôi tưởng chỉ mới dùng về lí thuyết thôi”.
Cho tới suốt đời, Einstein và một nhà bác học nữa, Oppenheimer, ân hận về việc đó và lo lắng cho tương lai nhân loại, cho nên ông hăng hái chiến đấu cho hoà bình, hô hào các bạn bác học hãy huỷ bỏ bom nguyên tử đi, chỉ dùng nguyên tử năng vào các mục tiêu hoà bình nếu không thì “văn minh nhân loại sẽ sụp đổ”.
Một kí giả hỏi ông nếu thế chiến thứ ba phát sinh thì người ta sẽ dùng vũ khí nào. Ông đáp:
- Tôi không biết. Nhưng tôi có thể nói chắc rằng trong thế chiến thứ tư, nhân loại sẽ dùng đá để liệng nhau!
Ông viết một tập nhỏ nhan đề là Only then shall we find courage (Chỉ tới lúc đó chúng ta mới đủ can đảm) trong đó ông bảo: “Chỉ khi nào lương tâm và trí óc của ta minh mẫn thì lúc đó chúng ta mới đủ can đảm để thắng nỗi sợ nó ám ảnh thế giới”.
Ông thấy cần phải thành lập một uỷ ban kiểm soát bom nguyên tử, do đó ông chấp nhận ý của Bertrand Russell, một bạn thân của ông, rằng phải có một tổ chức quốc tế với một vũ lực mạnh mẽ thường bị[27]. Có người hỏi ông như vậy không sợ chính quyền quốc tế đó độc tài sao, ông đáp:
- Sợ chứ, nhưng bom nguyên tử còn đáng sợ hơn.
[26] Sau này đô đốc Nhật Matsumoto cũng nói: “Chúng tôi đã định đầu hàng, không đợi Mĩ phải dùng bom nguyên tử. Tại sao họ còn thả thêm xuống Nagasaki làm chi. Bom nguyên tử ở trong tay họ như một con dao sắc ở trong tay một đứa bé hư hỏng”.
[27] Coi cuốn Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại của Bertrand Russell, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB văn hoá, 1997.
EINSTEIN CẢNH CÁO CHÚNG TA
Còn kẻ thù chung là Đức, Nhật thì Nga, Mĩ, Anh còn liên minh với nhau; khi Đức và Nhật sắp bị diệt, chiến tranh sắp tàn thì họ vội nghĩ ngay tới việc chia phần: hội nghị Yalta và hội nghị Potsdam là cái sỉ nhục của các cường quốc mà cũng là cái mầm gây hoạ cho khắp thế giới, hiện nay chưa dứt, biết bao nước nhược tiểu phải chịu tai hoạ, đau đớn nhất là Việt Nam.
Nga đã ngoạm một phần lớn Đông Âu và Trung Âu nhưng vẫn chưa vừa lòng; Mĩ làm bá chủ hoàn cầu thì tất nhiên muốn giữ hoài địa vị đó, gầm ghè với Nga, Mĩ muốn giữ độc quyền nguyên tử, mà Nga thì muốn phá độc quyền đó, muốn đuổi kịp Mĩ.
Chiến tranh mới chấm dứt, Nga chưa có bom nguyên tử mà Einstein lại đòi kiểm soát vũ khí nguyên tử, nên nhiều người Mĩ ngờ ông là thân Nga. Sự thực ông không thân Nga. Có lần ông phục Lénine là hi sinh cho sự công bằng xã hội, nhưng ông không chấp nhận phương pháp của Lénine. Người ta sực nhớ rằng ông vốn là Do Thái, đã ba lần thay đổi quốc tịch, không có tinh thần quốc gia, nên đả kích ông dữ. Nhưng danh ông lớn quá, lòng ông chân thành quá, những lời vu oan ông không làm hại ông được.
Ông vẫn can đảm đề cao tự do, hoà bình, hợp tác quốc tế, và hai năm trước khi mất, trên báo New York Times, ông cảnh cáo dân Mĩ:
“Các nhà trí thức xứ này (Mĩ) phải đương đầu với một vấn đề rất nghiêm trọng. Các chính trị gia phản động đã âm mưu với nhau doạ dân chúng phải coi chừng một tai hoạ ngoại lai, để tiêm vào lòng dân chúng niềm nghi ngờ mọi gắng sức tinh thần. Tới nay họ đã thành công; họ đương chuẩn bị diệt sự tự do giáo dục và làm cho những kẻ nào không chịu phục tòng sẽ phải mất chức mà sẽ đói khổ.
“Thiểu số trí thức phải làm cách nào chống tai nạn đó? Thực tâm tôi nghĩ rằng chỉ có cách là phản động theo chính sách bất hợp tác của Gandhi. Nhà trí thức nào bị mời tới một uỷ ban điều tra thì phải từ chối không chịu bảo chứng, nghĩa là sẵn sàng vô khám, sẵn sàng chịu nghèo đói, tóm lại sẵn sàng hi sinh sự an toàn của chính mình cho sự an toàn của văn hoá xứ này.
(…) “Nếu có đủ một số trí thức chịu liều thân như vậy họ sẽ thành công. Nếu không thì họ không đáng được hưởng gì hơn là cái ách nô lệ người ta chuẩn bị cho họ”.
Sở dĩ Einstein phải lên tiếng như vậy là vì nước Mĩ vẫn tự hào là thành trì của tự do, tự nhận nhiệm vụ cầm đầu thế giới tự do, mà lại có biện pháp dùng một số trí thức làm mật vụ, điều tra về chính kiến, hoạt động của thanh niên, sinh viên, và những kẻ nào họ cho là khả nghi thì không được thu dụng trong các công sở[28].
[28] Ở Anh cũng vậy, có giáo sư Oxford làm mật vụ. Coi cuốn đã dẫn ở trên của Bertrand Russell.
ĐỒNG CHÍ CỦA BERTRAND RUSSELL
Năm 1950, ông soát lại những toán của ông về thuyết “champ unifié”, chưa được hoàn toàn thoả mãn, nhưng thấy đã có thể tuyên bố được.
Năm 1952, sau khi Chaim Weizmann mất, Aba Eban, sứ thần Israël ở Hoa Kì được giao phó cho việc mời ông làm Tổng thống Israël. Ông từ chối, biết rằng mình không có tài làm chính trị.
Ông giống như Spinoza hơn là giống Leibnitz. Spinoza mài kính để mưu sinh, không phải tuỳ thuộc ai, mà có thể tự do suy tư về triết lí, còn Leibnitz thì làm cố vấn cho các vua chúa, trước sau viết tới 15.000 bức thư có tính cách chính trị. Einstein không bao giờ làm cố vấn cho một nhà cầm quyền nào, sở dĩ viết báo, diễn thuyết, viết thư cho các bạn bác học, gia nhập các uỷ ban hô hào hoà bình, chống bom nguyên tử, chỉ là do lòng yêu nhân loại, muốn bảo tồn những giá trị cao quí của nhân loại.
Cũng như Bertrand Russell, ông ghét nhất chiến tranh và chính sách chỉ huy tư tưởng, chính kiến của cá nhân.
Lần đó, trước thế chiến thứ nhì, hai ông bà lại toà Đại sứ Mĩ ở Đức để làm nốt mấy thủ tục xin giấy thông hành. Một nhân viên tra vấn ông:
- Chính kiến của ông ra sao?
Ông ôn tồn đáp:
- Tôi không có chính kiến nào cả.
- Ông có ở trong một nhóm nào không?
- Có, nhóm người chống chiến tranh.
- Những người đó là ai?
Ông nổi nóng lên, đáp:
- Các bạn tôi. Nhưng tôi không hiểu tại sao ông lại hỏi tôi những câu đó.
Rồi ông đưa mắt nhìn bà. Bà hiểu ý, lượm chiếc nón và chiếc áo khoác ở trên một chiếc ghế dựa.
- Nếu bị tra vấn như vậy thì thôi tôi không qua Mĩ nữa.
Ông khoác áo, bước ra. Ra tới khỏi cửa, ông hết giận, bảo bà: “Anh chàng đó có lẽ chỉ tuân lệnh trên thôi”[29].
Hôm sau điện tín tới tấp bay lại nhà ông, “xin ông bỏ qua cho sự ngu xuẩn của một số công chức”. Và một nhân viên toà đại sứ Mĩ mang tờ thông hành lại tận nhà cho ông.
[29] Chép theo Nouveaux Horizons; bản Seghors hơi khác.
VÀI NÉT VỀ ĐỜI TƯ CỦA EINSTEIN
Ông dậy vào lúc tám giờ sáng, chơi đàn piano một lát, tắm rửa xong, ăn điểm tâm, rồi nhồi một ống điếu, vô phòng làm việc.
Nhiều người thường hỏi ông làm việc mấy giờ một ngày. Ông không biết trả lời ra sao. Ông hỏi lại những người khác làm việc bao nhiêu giờ một ngày. Người ta đáp: tám hay chín giờ. Ông nhún vai: “Tôi không thể làm việc nhiều như vậy được. Mỗi ngày tôi chỉ làm bốn, năm giờ thôi. Tôi ngại rằng tôi không siêng năng lắm”. Làm việc đối với ông là suy nghĩ, là làm toán. Ông nói như vậy chớ thực sự óc ông không lúc nào được nghỉ ngơi. Cho nên cả những ngày chủ nhật, đương lúc ông thả thuyền buồm, hễ[30] nghĩ ra một ý nào, ông cũng trở vô làm việc liền.
Có người hỏi ông:
- Chủ nhật giáo sư cũng làm việc sao?
Ông đáp:
- Chính Thượng đế cũng làm việc ngày chủ nhật kia mà.
Một lần Philippe Frank và ông rủ nhau đi thăm viện Thiên văn vật lí Potsdam, hẹn đợi nhau ở một chiếc cầu nào đó. Frank không biết đường phố Berlin, sợ tới trễ. Einstein bảo: “Ông tới trễ thì tôi đứng đó đợi ông chứ có gì đâu”. Frank bảo như vậy làm mất thì giờ của ông. Ông đáp: “Công việc của tôi làm ở đâu mà chẳng được. Tại sao đứng ở cầu thì tôi lại không suy nghĩ về các vấn đề của tôi như ở nhà tôi được?”
Einstein đang thả thuyền buồm của mình trên hồ Saranac
Trong khi làm việc ông không ngại bị người khác quấy rầy. Một bọn sinh viên sau giờ học, hỏi ông:
- Xin thầy cho chúng con biết giờ nào thầy làm việc ở nhà.
Ông đáp:
- Ban ngày, các anh tới giờ nào cũng được.
- Như vậy chúng con sợ làm ngưng công việc của thầy chứ.
- Có ngưng lại một chút đấy. Nhưng các anh về rồi thì tôi lại làm việc.
Tư tưởng của ông như một dòng nước chảy xiết. Liệng một hòn đá xuống, nước toé lên rồi lại tiếp tục chảy.
Nhưng ông sợ nhất là người trạm mang thư lại. Có lần ông bảo: “Kẻ thù đáng ghê nhất của tôi đấy. Không làm sao tránh khỏi nanh vuốt của chú ấy được”.
Là vì thư từ của mọi hạng người khắp nơi trên thế giới gởi tới nhà ông hằng chồng mỗi ngày. Bà Elsa phải lựa trước liệng một số lớn đi, tự trả lời một số khác, chỉ giữ lại một số ít đưa ông đọc. Thực là một cực hình đối với ông. “Ban đêm tôi nằm mê thấy tôi bị thiêu ở dưới âm ti, mà tên quỉ sứ hành hình tôi chính là chú trạm đưa thư”. Nội cái việc đọc thư và trả lời đó nuốt của ông mất mấy giờ mỗi ngày rồi.
[30] Sách ghi: hể (Ca_kiem)
GIẢN DỊ…
Ông sống cực kì giản dị.
Hồi về già, ông được nhiều người coi như một nhân vật huyền thoại vì không tưởng tượng được làm sao ông chỉ nhờ suy tư mà tìm được những luật thiên nhiên rất mầu nhiệm rồi chỉ dùng cây bút, chứ không cần có phòng thí nghiệm mà chứng thực được những luật đó. Một nữ sinh có lần viết thư cho ông, bảo: “Con viết thư cho cụ chỉ để xem cụ có thực không”.
Nhưng ai đã gần ông đều thấy ông rất dễ thương “tới nỗi muốn ôm lấy ông, siết tay ông, hoặc vỗ nhẹ vào lưng ông… mà đồng thời vẫn trọng ông vô cùng”.
Một nét đặt biệt của ông là mớ tóc bù xù, không khi nào chải, ngay từ hồi ông còn trẻ, và về già thì có lẽ cả năm không hớt. Ở trong nhà, ông chỉ bận chiếc áo cụt ấm bằng len hay bằng da; đi dự lễ thì bận bộ đồ “complet” chứ không chịu bận “smoking” (lễ phục), ngay cả lần lãnh giải Nobel cũng vậy.
Chỉ mỗi một lần, đúng hơn là hai lần, ông chịu bận đồng phục. Năm 1910, ông được vời làm giáo sư đại học Prague. Theo lệ, giáo sư nào ở Áo cũng phải bận một đồng phục tựa như đồng phục của sĩ quan hải quân: mũ ba sừng cắm lông chim, áo quần có nẹp kim tuyến, gươm đeo bên sườn, để làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Ông may bộ đồ đó, bận một lần trong buổi lễ, sau bán lại cho giáo sư Frank. Nhưng trước khi bán, cậu Hans, con lớn của ông bảo:
- Khoan đã ba, ba bận bộ đồ đó, dắt con đi chơi đã.
Ông hiểu ý cậu muốn khoe với bạn trong khu phố, rằng ba cậu “rất oai”.
Bà Mileva can:
- Thiên hạ sẽ nghĩ sao đây?
Ông đáp:
- Sẽ tưởng anh là một vị đô đốc Brésil.
Rồi ông bận bộ đồ đó, dắt con đi chơi, chiếc gươm đeo bên sườn, dài quá, có khi làm cho ông vấp.
Qui tắc của ông là hạn chế nhu cầu để được tự do thêm, bớt tuỳ thuộc tha nhân và ngoại vật. Ông bảo: “Chúng ta là nô lệ cho cả triệu cái, mà cứ mỗi ngày mỗi nô lệ thêm… Nô lệ cho phòng tắm, tủ lạnh, xe hơi, máy thu thanh…”.
Ông để tóc dài cho bớt lệ thuộc người hớt tóc, chỉ dùng một thứ xà bông để giặt, tắm, gội đầu, chỉ bận một chiếc áo cụt bằng da trong mấy năm, muốn bỏ cả vớ nữa. Vì vậy mà nhiều bạn đồng sự cho ông là kì cục.
… MÀ HỒN NHIÊN
Ông rất hồn nhiên, yêu trẻ và thanh niên.
Hồi ở Princeton, một đêm Noel, một đám trẻ trai gái lại hát trên bồn cỏ trong vườn ông. Ông nghe xong rồi hỏi các em:
- Các cháu có chịu bác ôm cây vĩ cầm đi theo các cháu không?
Chúng đồng thanh đáp:
- Chịu, chịu.
Thế là ông khoác thêm chiếc áo bằng da, chụp cái mũ nồi lên đầu, xách cây vĩ cầm nhập bọn với chúng. Có một vĩ nhân nào dễ thương như vậy không?
Ngôi nhà số 112 Mercer Street ở Princeton, New Jersey, Hoa Kì
Einstein sống trong ngôi nhà này từ 1935 cho đến cuối đời
Trẻ em mà lại thăm ông thì ông bao giờ cũng vui vẻ tiếp đón. Một hôm một em gái nhỏ lại xin ông giải cho một bài toán. Khi em về rồi, bà trách ông:
- Nhiều khi mình coi thì giờ của mình không quan trọng gì cả.
Ông mỉm cười, đáp:
- Em ấy sẽ trả công anh một cách xứng đáng, lấy tiền túi ra mua cho anh cục kem.
Một em gái khác táo bạo hơn, hễ gặp bài toán nào khó cũng lại xin ông gà cho. Má em hay vậy, lại xin lỗi ông. Ông bảo:
- Bà và cháu khỏi phải xin lỗi tôi. Tôi nói chuyện với cháu, có lợi cho tôi hơn là có lợi cho cháu.
Một nam sinh trung học, trình độ đệ lục của ta viết thư xin ông giải cho một bài toán về đường tiếp xúc với một hình tròn. Ông vẽ hình, chứng minh cho, rồi kí tên: A.E. gởi cho.
Những sinh viên được học ông đều quí mến ông. Hans Tanner, môn đệ của ông từ 1911, viết về ông như sau:
“Khi thầy Einstein lần đầu tiên vô giảng đường, áo sờn, quần ngắn quá, chiếc dây đồng hồ bằng sắt, anh em chúng tôi hoài nghi quá.
“Nhưng cách giảng của thầy làm cho tấm lòng sắt đá của chúng tôi phải cảm động. Thầy chỉ ghi những điểm quan trọng trên một miếng giấy nhỏ bằng tấm danh thiếp. Bài giảng từ trong óc trực tiếp phát ra, thành thử chúng tôi biết cách suy nghĩ của thầy ra sao, như vậy thích thú hơn là những bài giảng đã nghĩ sẵn, gọn, không có lỗi hành văn của các thầy khác (…) Mỗi khi không hiểu một điểm nào thì chúng tôi có thể ngắt lời thầy được (…) Đôi khi thầy thân tình, thẳng thắn nắm lấy cánh tay của một sinh viên để giảng cho một điểm trong bài, như nói chuyện với một người bạn”.
Buổi chiều, giờ tan học, Einstein thường hỏi: “Nào có ai muốn ra tiệm cà phê với tôi không nào?” Thế là thầy trò kéo nhau ra tiệm, vừa đi vừa bàn về các vấn đề khoa học hoặc xã hội. Có lần thầy trò ngồi với nhau tới khi tiệm cà phê sắp đóng cửa mà vẫn chưa hết chuyện, thầy kéo trò về nhà nói chuyện tiếp.
Ông thường khuyên môn đệ của ông phải kiên nhẫn, kiên nhẫn, nếu tìm tòi, suy nghĩ hoài mà không ra thì cũng nên mừng vì “đã bắt thiên nhiên phải thách đố mình rồi”. Một sinh viên phàn nàn rằng mất năm giờ mới tìm ra được chỗ lầm trong bài toán, ông mỉm cười bảo: “Đã thấm gì đâu”.
Ông thú thực với một nhà báo: “Tôi suy nghĩ, suy nghĩ cả tháng, cả năm. Một trăm lần thì tôi suy luận sai tới chín mươi chín lần. Tới lần thứ một trăm may mà đúng”.
Nhà báo đó hỏi thêm:
- Theo giáo sư thì có công thức nào để thành công?
Ông hóm hỉnh đáp:
- Cho x là sự làm việc, y là sự tiêu khiển, a là sự thành công. Công thức của tôi là: a = x + y + z.
Nhà báo ngạc nhiên:
- Thế còn z là gì?
Ông mỉm cười:
- Là biết làm thinh.
… VÀ NHŨN NHẶN, GHÉT QUẢNG CÁO
Một đức nữa cũng rất quí của ông là đức nhũn nhặn. Như trên tôi đã nói, ông không chịu nhận rằng có công lớn với nhân loại, thấy ai so sánh ông với Gandhi thì ông ngượng vì ông thực tâm nghĩ rằng khoa học không có giá trị gì lớn lắm khi phải giải quyết các vấn đề nhân bản; con người chỉ tìm ý nghĩa chân chính của cuộc đời khi hi sinh cho xã hội như Gandhi. Ông rất phục Gandhi, bảo các thế hệ sau này khó mà tin được rằng Gandhi đã sống trên trái đất.
Ông không muốn ai nhắc tới mình để được yên ổn làm việc nhưng không được. Ông nhận được mấy trăm bằng cấp danh dự và huy chương (mà ông không khi nào đeo); phải dự không biết bao nhiêu là cuộc tiếp rước, hội họp, ông lấy làm ngán lắm. Một lần ông trách bà Elsa:
- Tại sao mình nhận lời dự buổi hội họp mà không hỏi ý anh trước? Anh không ưa cái chỗ đó: xa xỉ, khoe khoang quá.
Lần khác, đi đâu về nhà thấy khách khứa đầy nhà ông phụng phịu bảo bà:
- Anh đi chỗ khác thôi, nơi đây đông người quá.
Ngày sinh nhật ông bảy mươi bốn tuổi, đại học đường Yeschiva đã xin phép ông lấy tên đặt cho trường Y Khoa[31], tổ chức một buổi tiệc để quyên tiền cho trường, ông bắt buộc phải tới dự. Ông chẳng ăn uống gì cả, cuối bữa tiệc một người hỏi ông các món ăn có ngon không. Ông đáp:
- Rất ngon, nhưng xong rồi, tôi thấy mừng quá.
Trong một buổi họp khác đã có nhiều người diễn thuyết rồi tới phiên ông. Ông ghét những lời rỗng, sáo, “xin được kéo một khúc vĩ cầm mà khỏi đọc diễn văn, như vậy chư vị sẽ dễ hiểu tôi hơn mà mến tôi hơn”. Và ông chơi một bản nhạc của Mozart, một cách rất tự nhiên, cảm động[32].
Biết ông ham chơi vĩ cầm, một người tặng ông một chiếc vĩ cầm đáng giá cả chục ngàn Mĩ kim do Guarneri[33] chế tạo. Ông từ chối:
- Cây đàn quí như vậy, phải là nhạc sĩ bậc thầy mới đáng dùng nó.
Không khi nào ông quan tâm tới tiền nong. Khi đại học Princeton mời ông làm giáo sư, xin ông định cho số lương. Ông lúng túng:
- Tôi không biết nữa, ba ngàn Mĩ kim một năm được không ông?
Người kia biết rằng ông không hiểu chút gì về giá sinh hoạt ở Mĩ, tưởng đâu cũng như Đức, Thuỵ Sĩ, vội vàng bảo:
- Thôi, vấn đề đó để bà giáo sư và chúng tôi bàn với nhau, ba ngàn Mĩ kim thì làm sao đủ sống.
Các nhà báo lại phỏng vấn về đời tư của ông thì ông luôn luôn từ chối: “Trong đời một người như tôi chỉ suy nghĩ, tìm tòi, thì cái quan trọng nhất là tôi suy nghĩ về những vấn đề gì chứ không phải là tôi làm những gì đau khổ ra sao”.
Và ông rất ghét các nhà giám đốc Hollywood muốn lợi dụng danh tiếng của ông để trục lợi. Khi ông công bố thuyết “champ unifié”, một nhà sản xuất phim nọ đề nghị với ông một số tiền vĩ đại, mà chỉ xin ông cầm cục phấn đứng trước bảng đen vài phút thôi. Ông bảo bà:
- Anh không chịu đóng cái trò con khỉ thông thái đâu.
Nhiều nhà sản xuất xe hơi, khi cho ra một kiểu mới, xin tặng ông một chiếc có ý quảng cáo, ông cũng từ chối hết.
[31] Tức ngày 14 tháng 3 năm 1953; tên trường là: Albert Einstein College of Medicine. (theo http://en.wikipedia.org/). (Goldfish).
[32] Nguyễn Xuân Sanh thuật lại buổi tiếp tân ở Prague như sau:“Tại Prag nơi ông đã làm giáo sư năm 1911 người ta đến nghe chật ních cả phòng họp một cách nguy hiểm. “Người ta đến không phải để hiểu mà cốt để tham gia, chứng kiến một sự kiện kích thích”. Tại buổi tiếp tân đêm đó, sau khi nhiều người phát biểu, đến phiên Einstein thì ông nói: “Có lẽ sẽ dễ chịu và dễ hiểu hơn cho Quý vị nếu tôi chơi một bản nhạc trên đàn vĩ cầm cho Quý vị thay vì đọc một bài diển văn”. Thế rồi ông lấy đàn ra và chơi một bản Sonate của Mozart một cách say sưa ngon lành.  Ông như muốn trình bày bằng âm thanh tính phức tạp của vũ trụ nhưng lại có thể được diễn tả - qua khả năng tri thức của con người – bằng những công thức đơn giản”. (Sđd, tr. 111, 112). (Goldfish). 
[33] Sách in là: Guanneri. (Goldfish).
THÍCH GIÚP NGƯỜI
Nhưng thấy ai đáng giúp thì không khi nào ông tiếc công.
Một lần để giúp trong một cuộc quyên tiền của một cơ quan nào đó, ông chép tay lại bài báo của ông về thuyết tương đối mà ông đã đăng từ lâu. Bản chép tay đó một thư viện mua với giá mấy triệu Mĩ kim.
Khi bà Elsa mất rồi, cô Margot, con riêng của bà và cô Dukas, thư kí của ông thay phiên nhau che chở ông cho khỏi bị khách quấy rầy.
Một hôm đi chơi về, ông thấy một phóng viên đứng đợi trước cửa. Nhà báo đó chào ông rồi thưa:
- Cô thư kí của cụ cấm không cho tôi vô, nhưng nếu tôi không nộp cho toà soạn được một bài về cụ thì người ta không nhận cho tôi làm.
Thấy thanh niên đó nghèo túng lạnh run, quần áo đã sờn mà không đủ ấm, ông bảo:
- Thầy vô đi, tôi cho thầy phỏng vấn. (Ông nhăn mặt, nói thêm). Nhưng nên mau mau lên kẻo cô Dukas bắt gặp thầy ở đây.
Khi cô Dukas trách ông đã phí thì giờ, ông ôn tồn đáp:
- Làm sao được, thầy ấy gốc gác ở Ulm, người đồng hương của tôi mà.
Trước thế chiến thứ nhì, hồi ông còn ở Berlin, một thanh niên tên là Leopold Infeld vẻ mặt xanh xao, lại kiếm ông, thưa:
- Làm mất thì giờ của giáo sư, tôi ngại lắm, nhưng ở Berlin này tôi không quen biết ai cả. Tôi…
Thấy chàng có vẻ thông minh, hăng hái, ông bảo chàng có điều gì muốn nhờ cậy thì cứ nói.
Infeld kể tình cảnh: con một người thợ đóng giày nghèo ở Cracovie, Ba Lan, chỉ ước ao được làm giáo sư vật lí; nhưng không trường đại học Ba Lan nào nhận vì chàng gốc Do Thái; qua Berlin, xin vô đại học mà đơn không được xét. 
Ông nói giúp chàng và chàng được vô học thử[34].
Sau Infeld cũng tị nạn Đức Quốc Xã, cũng qua Mĩ, lại Princeton, được cấp học bổng trong một năm, để làm phụ tá cho ông. Học bổng không được tái cấp, chàng lúng túng, nhưng không chịu nhận tiền của ông. Một hôm chàng lại thưa với ông:
- Thưa thầy, con đã nghĩ ra một cách… Xin thầy đừng chê con tự phụ, ngu ngốc…
- Cách gì đó, nói đi.
Chàng ngượng nghịu đề nghị:
- Cách này đây: thầy và con viết chung một cuốn về sự phát triển của môn vật lí. Ý là ý của thầy nhưng con sẽ trình bày cho giản dị.
Einstein vuốt râu, rồi đưa tay cho Infeld bắt:
- Được đấy, chúng mình sẽ viết cuốn đó.
Ít tháng sau, trước ngày lễ Lao động năm 1937, Einstein và Infeld gởi bản thảo cuốn The Evolution of Physics (Sự Tiến triển của Khoa Vật lí)[35] cho nhà xuất bản Simon and Schuster. Trong bài tựa có câu:
“Cuốn sách này chỉ là một cuộc đàm thoại giữa độc giả và chúng tôi. Độc giả có thể cho nó là chán hay thích thú, nhưng nếu nó giúp độc giả có được vài ý niệm về sự gắng sức bất tuyệt của trí óc con người để hiểu rõ hơn những luật chi phối các hiện tượng vật lí, thì mục đích của chúng tôi đạt được rồi”.
Cuốn đó xuất bản năm 1938, bán rất chạy, khắp nơi trên thế giới đều hỏi mua, chính nhà xuất bản cũng ngạc nhiên.
Einstein góp nhiều công trong cuốn đó, nhưng khi bản thảo viết xong rồi, ông không nghĩ tới nữa, muốn in ra sao thì in, ông cũng chẳng buồn ngó ấn cảo. Infeld phải nói dối nhà xuất bản rằng ông thích cách trình bày lắm. Sự thực, sách tới, ông không mở ra coi nữa.
Nhưng ông phải đề tặng không biết bao nhiêu bản, tới nỗi hễ trông thấy cuốn sách nào có bìa xanh dương là ông “chụp ngay cây viết, như một cái máy” (lời của ông).
[34] Sau đó, năm 1921, Infeld được trao bằng tiến sĩ tại Đại học Jagiellonian (Ba Lan) (Theo http://en.wikipedia.org/wiki/Leopold_Infeld). (Goldfish).
[35] Các bạn có thể tải bản PDF của tác phẩm này tại: http://rs2p12.rapidshare.com/. (Goldfish).
TƯ TƯỞNG CỦA EINSTEIN
Tôi thấy ít có nhà khoa học hiện đại nào mà tinh thần quân bình như Einstein. Ông chuyên về toán và vật lí nhưng cũng biết yêu nghệ thuật như âm nhạc, văn chương, trên tôi đã nói ông phục Mozart, Bach, Schiller, Goethe, lại thường đọc các triết gia như Spinoza, Schopenhauer, Nietzsche “để biết chứ không nhất thiết theo chủ trương của họ”. Hồi nhỏ ông không ưa các môn cổ ngữ La, Hi, nhưng lớn lên ông thấy môn cổ học có lợi cho sự đào tạo tâm hồn con người. Nhờ vậy ông có một nhân sinh quan cao đẹp.
Dưới đây tôi xin giới thiệu nhân sinh quan của ông. Ông không hề thắc mắc về mục đích của đời sống; ngay từ hồi trẻ, ông đã chủ trương rằng sống thì phải phục vụ cái thiện, cái mĩ và cái chân; nếu chỉ lo kiếm tiền và hưởng lạc thì thứ lí tưởng đó ông gọi là lí tưởng của con heo.
Ông đặt cái thiện (đạo đức) lên trên cái chân (khoa học). Mặc dầu là nhà khoa học, ông nhận rằng:
“Lí trí không thể dẫn dắt ta được, chỉ có thể phục vụ ta thôi. (…) Trí năng rất tinh mắt khi tìm phương pháp và phương tiện, nhưng nó lại đui khi nhận định mục tiêu và giá trị”.
Mà mục tiêu của chúng ta là phải dựng nên được một cộng đồng gồm những người bình đẳng, tự do và sung sướng.
Vì vậy ông chiến đấu cho tự do. Quan niệm về tự do của ông sâu sắc. Theo ông, tự do cá nhân đành là cần thiết rồi, nhưng chỉ là ngoại diện; cần có tự do nội tâm nữa, nghĩa là con người cần “giữ cho tư tưởng của mình được độc lập đối với những hạn chế do thành kiến xã hội, đối với thủ tục và các thói quen”; muốn vậy mỗi người phải được đủ ăn, có thì giờ nhàn rỗi để trau dồi tri thức[36], đạo đức, và phải được dạy dỗ từ hồi nhỏ theo một tinh thần khác tinh thần trong các học đường ngày nay, nghĩa là không bị nhồi sọ mà tập suy tư một cách độc lập.
Einstein chơi violon cho một buổi hoà nhạc từ thiện
trong một giáo đường Do Thái ở Berlin vào năm 1930
Ông lại chiến đấu cho sự bình đẳng xã hội và kinh tế. Ông bảo:
“Chúng ta bao lâu nay vẫn không tìm được những giải pháp thích hợp với cuộc xung đột chính trị và các tình trạng khẩn trương kinh tế (…). Có lẽ sự tương phản về quyền lợi kinh tế giữa các cá nhân, giữa các dân tộc là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng nguy hiểm, đáng lo ngại hiện nay trên thế giới”.
Ông cực lực chống chiến tranh, như chúng ta đã biết, và như Bertrand Russell, ông đề nghị thành lập một tổ chức siêu quốc gia, nắm quyền tối cao về kinh tế và võ bị. Bao nhiêu vũ khí nguyên tử giao cho tổ chức đó hết, như vậy mới tránh được nạn tiêu diệt nhân loại. Ông không nói rõ ra, nhưng chắc ông cũng nghĩ rằng những nguồn lợi thiên nhiên trên thế giới phải là của chung của mọi dân tộc, như vậy mới có sự bình đẳng.
Theo ông, bất kì người nào cũng phải giúp vào sự thực hiện tổ chức đó bằng cách truyền bá những tư tưởng hoà bình, nhân đạo, phải buộc các ứng viên vô quốc hội… đại diện cho mình, một khi trúng cử sẽ hoạt động cho trật tự thế giới.
Riêng các nhà bác học có nhiệm vụ quan trọng hơn: phải cảnh cáo chính quyền, chống chính quyền bằng đường lối bất hợp tác của Gandhi, mỗi khi chính quyền tỏ ra độc tài, hiếu chiến. Ông cho rằng sở dĩ các chính quyền thời nay có sức đàn áp quần chúng kinh khủng, chính là do các nhà bác học đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo các phương tiện đàn áp cho bọn cầm quyền.
Lời buộc tội của ông chắc làm cho rất nhiều nhà bác học xấu hổ. Người ta khen “đức độ của ông còn rực rỡ hơn thiên tài của ông” là phải. Ông chẳng những đáng làm gương cho chúng ta, mà còn đáng làm bậc thầy cho tất cả các nhà bác học trên thế giới nữa.
[36] Sách ghi: trau giồi trí thức. (Ca_kiem).
TRIẾT NHÂN EINSTEIN
Thái độ của ông đối với lẽ sinh tử y như thái độ của các triết gia thời cổ.
Ngay từ 1916, một lần ông đau nặng, tưởng không qua khỏi, ông đã bảo một bà bạn:
- Tôi tự coi tôi là một phần tử của tất cả những gì sống trong vũ trụ; sinh và tử chỉ như thuỷ trào lên xuống nên tôi không quan tâm tới khởi thuỷ và chung cục của mỗi đời sống.
Giáo sư Einstein, tranh của Low
Một Lão tử của thế kỷ 20 đi tìm cái “Đạo” của vũ trụ[37]
Lần khác ông nói với môn sinh của ông là Infeld:
- Đời sống là một cảnh tượng say mê. Tôi thích nó. Nó tuyệt diệu. Nhưng nếu tôi biết trước rằng ba giờ nữa tôi chết thì tôi cũng tuyệt nhiên không xúc động. Tôi sẽ nghĩ cách dùng ba giờ cuối cùng đó ra sao cho có ích nhất, tôi sẽ bình tĩnh, sắp đặt các giấy má của tôi, rồi tôi bình tâm nằm xuống.
Các khoa học gia chân chính sao mà gần gũi các triết gia thế. Khi suy tư mấy chục năm về thiên nhiên thì dù theo con dường nào, rốt cuộc người ta cũng đồng hoá với vũ trụ.
Ngày 13 tháng 4 năm 1955, ông đau nhói dữ dội ở đại động mạch quản (aorte)[38]. Các y sĩ đòi mổ, ông không chịu. Một giờ rưỡi sáng ngày 18-4 ông nghẹt thở, thì thào mấy lời bằng tiếng Đức mà cô y ta không hiểu. Rồi ông tắt nghĩ.
Theo di chúc, không có một lễ long trọng nào của chính quyền, cũng không làm lễ tôn giáo. Di hài ông được hoả thiêu, chỉ có vài người cực thân tới dự, vì giờ và chỗ thiêu được hoàn toàn giữ kín[39]. Vốn là tro bụi, Einstein lại sớm trở về với tro bụi. Trước ông chưa có đám táng một vĩ nhân nào mà giản dị, khiêm tốn tới mực đó, mà sau ông cũng chỉ thấy có đám táng của Bertrand Russell[40]. Cả khi chết rồi, ông cũng còn cho nhân loại một bài học nữa.
Toàn thế giới xúc động. Báo nào cũng loan tin. Điếu văn rất nhiều, nhưng tôi không chép lại vì trước cái chết của những người như Gandhi, Einstein, tôi thấy lời điếu nào cũng là vô nghĩa hết.
Sài Gòn ngày 1-10-1970
(In theo bản NXB Lửa Thiêng, 1972 Sài Gòn)
[37] Lời chú thích trong Sđd, trang 268. (Goldfish).
[38] Tức động mạch chủ. Xem thêm bài Cái chết của nhà vật lý vĩ đại A.Einstein của Bùi Hữu Cường trên trang http://antg.cand.com.vn/vi-VN/hosomat/2010/6/72521.cand. (Goldfish).
[39] Trước đó, có lần ông bảo: “Tang lễ tự nó, chẳng nghĩa gì cả (…) Chăm lo tang lễ chẳng khác gì lo việc đánh giày, chỉ để cho không ai có thể chê mình rằng đi giày dơ”.
[40] Coi cuốn Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại của Bertrand Russell – Văn hoá xuất bản 1997, và cuốn Bertrand Russell chiến sĩ tự do và hoà bình (nt)
Đám tang của Mozart, nhạc sĩ mà Einstein thích nhất cũng chỉ có một số rất ít người đi đưa, nhưng hoàn toàn khác hẳn: tình đời bạc bẽo, bao nhiêu người trước kia ngưỡng mộ Mozart lúc đó quên Mozart và ngay mấy người đi đưa đám, giữa đường gặp bão tố, cũng bỏ về hết, chỉ còn trơ hai người phu khiêng quan tài tới huyệt.
Nguyễn Hiến Lê
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...