Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Dòng sông ký ức

Dòng sông ký ức

Dù sông được khởi nguồn tận trên những ngọn núi cao băng giá, hay sinh ra ở hồ nước trong xanh sâu thẳm, nhưng sao có lúc sông giận hờn hung bạo và khi lại rì rầm, êm ái mơn man lên đôi bờ cát.
Sông Lô từ mạn Bắc chảy về, nhập với dòng Gâm từ Chiêm Hoá xuôi xuống, như cánh cung đang gương lên căng đầy sức mạnh, ôm lấy nửa thành Tuyên xanh mát. Từ bến đò Tân Hà, xuống phố cót Xuân Hoà, qua bến phà Nông Tiến, đến phố chợ Tam Cờ, mang theo suối ngòi Chả, rồi trôi qua bến Đất để xuống dưới Bình Ca…
Nước lụt năm to, năm nhỏ, năm nào chả vài bận, mãi rồi cũng thành quen, như bát cơm vơi, nhưng ắp đầy những nỗi âu lo trên nét mặt của cha tôi, mỗi khi thấy ông trời lại hứng chí nô đùa với trò chơi mưa bão. Và chúng tôi cứ hồn nhiên lớn lên trong những mùa gian khó, mà khi ấy đã trở thành bình thường. Tôi nhớ mãi năm một chín tám sáu, lúc ấy quãng rằm tháng bảy âm, trời cứ sầm sì bởi những đám mây xám xịt, nặng trĩu. Rồi mưa, mưa xối xả đến mấy ngày, ngoài đường thì lõng bõng nước. Thị xã nhỏ bé đang yên bình, bỗng lao xao, rồi nháo nhào chạy nước. “Đi xem mực nước sông” đó là công việc đầy trọng trách, nhưng cũng rất thích thú của tụi nhỏ phố tôi, mỗi khi vào mùa lũ lụt. Lội từ dưới cầu Chả, lên đến Quảng Tường trước Cửa hàng ăn uống số 1, để xem nước đã đến chỗ nào. Cầu Chả và Quảng Tường như hai cái “lụt kế” của bọn trẻ trong thị xã đến để thám thính. Chỗ đó, như hai cánh cửa hiểm yếu của thành Tuyên và cũng là nơi đầu tiên để bọn “giặc lũ” tràn vào. Ngoài bờ sông, mặt nước ngầu đục cuốn theo từng đống củi rác, cùng những mảng bọt nước màu nâu vàng lềnh bềnh nhảy múa trong xoáy nước.
Lần đầu tiên tôi thấy có những cây gỗ lớn bị dòng nước xoay vần, cái ngọn thẳng như mũi giáo vừa chĩa lên khỏi mặt nước, rồi lại ngụp xuống giơ chùm rễ to chổng ngược lên trời, trông như cây đinh ba của vua Thuỷ Tề sắp lao vào trận chiến. Dòng nước như con quái vật khổng lồ hung tợn sầm sập réo gào ghê sợ, vừa lao đi nó vừa tung ra những cuộn xoáy ập vào bờ, cuốn theo tất cả những gì cản trở. Bên kia bờ Nông Tiến bỗng trở nên xa xôi cách trở, như chàng trai và cô gái đứng trên hai đỉnh núi, muốn sang nhau chỉ có cây cầu Ô Thước mới đủ dài, để bắc qua lòng sông sâu rộng. Mấy đứa tôi nhìn nhau sợ hãi, vội đánh dấu ngấn nước vào chân của mình “cốt hai tư” rồi hộc tốc chạy về báo cho cha mình biết. Ở nhà, vài cái giường gỗ, bao chăn màn, quần áo, hai chiếc quạt điện và cái xe đạp là tài sản quý được cất lên căn gác xép, nơi mà những mùa lụt năm trước không bao giờ với tới, còn vài thứ đồ dùng hàng ngày được cho lên chiếc mảng, để sử dụng trong những ngày nước ngập. Tôi cũng vội gói gém cặp sách và bao tải truyện, rồi buộc lên góc cao sát với nóc nhà.
Ngày ấy, hầu như nhà nào cũng có một, hay hai cái mảng bằng tre hoặc nứa để chạy nước lụt. Cái nhỏ thì làm nơi trú ngụ cho đôi lợn, đàn gà. Cái to hơn thì dùng làm nơi ở tạm cho người và những đồ lỉnh kỉnh. Cũng có nhà sắm thêm cái mảng ngóc để bơi đi thăm hỏi anh em, bè bạn – mà chiếc mảng đó cũng tiện lợi như chiếc xe hơi bây giờ – trong những ngày lũ lụt. Nước bao giờ cũng lặng lẽ đến từ ruộng rau muống phía sau nhà tôi, nó bò vào sân giếng, leo lên bậc bếp, rồi tràn vào lênh láng khắp nhà. Ngoài đường cái, những chiếc xe ô tô chạy đi, chạy lại rẽ ra con sóng mạnh, như chiếc tàu thuỷ lao đi trên mặt sông. Mấy đứa trẻ xắn quần, đứng hai bên đường để đón những con sóng nước, cái cảm giác bồng bềnh, nghiêng ngả làm bọn tôi vô cùng khoái chí. Sau này đi tắm biển, mỗi lần gặp con sóng lớn, tôi lại nhớ đến những lần nghịch nước xưa kia.
Xẩm tối, nước đã ngập đến bậu dưới cửa sổ. Tiếng chó sủa inh om, tiếng lợn hộc lên sợ hãi, tiếng gà kêu xáo xác, tiếng người í ới gọi nhau khênh tủ, kê bàn… bỗng tất cả tối om “mất điện rồi” tiếng đồng thanh vang lên. Tiếng hỗn độn lặng đi trong chốc lát, rồi lại bật lên ầm ĩ khắp phố trên, phố dưới. Chiếc đèn dầu được treo lên, leo lét cháy trong bóng đêm đen kịt, ánh đèn soi xuống nền nước rồi hắt lên mái nhà những gợn sáng sóng sánh. Nằm trên tấm phản gỗ, được ghép bằng những tấm ván mỏng, trên cái giá bằng tre cao kênh khênh, cao hơn ngấn nước của mùa lụt năm ngoái một sải tay, rồi yên tâm đi ngủ. Bên ngoài, tiếng ràn rạt vẫn dội vào mái lá…
Tiếng gọi, cùng những âm thanh lõm bõm làm tôi choàng tỉnh, khùa tay ra mép phản thấy nước sắp dâng đến gần chỗ ngủ, leo vội lên gác xép thấy chái nhà trống hoác, bên ngoài cha tôi đang dựng thêm mái lều trên chiếc mảng, lúc ấy trời cũng tang tảng sáng. Chiếc mảng được ghép bằng hai chục cây nứa to như ống “điếu ục”, còn cái lều như căn hầm chữ “A” được lợp bằng những mảnh lá cọ, tấm giấy dầu và cả những miếng ni lon xanh, trắng được giắt lên, cố che đi những chỗ rách, thủng. Những hạt mưa bồm bộp, nặng trĩu thi nhau đập vào lều mảng. Đến sáng nước đã ngập lên đến gác xép, nơi an toàn cuối cùng của căn nhà. Cha tôi phá một lỗ trên nóc nhà để lấy bao tải chăn và mấy bộ quần áo, còn tất cả phải bỏ mặc cho nước ngập chìm. Tôi cố lấy cái cặp sách, còn bao tải truyện đành tiếc nuối bỏ lại, vì không còn chỗ để. Chiếc mảng nứa chỉ đủ chỗ cho vài người và ít đồ dùng thiết yếu, cần nhất là thùng gạo và túi cá mắm, mà hầu như nhà nào cũng phải tích trữ trong mùa nước ngập. Sống lênh đênh trên chiếc mảng nhỏ thật bí bách và khó chịu. Việc di chuyển từ đầu đến cuối mảng cũng phải thật nhẹ nhàng, kẻo mấy cái chum sành đựng đầy nước giếng – mà chỉ dành để uống – không bị sánh ra ngoài. Nấu chín được nồi cơm cũng bao khó khăn, vất vả. Đó là cuộc thi nấu ăn ngoài trời, của những gia đình đang bồng bềnh trên nước, mà kết quả sống – chín mỏng manh như tấm ni lon che làm mái bếp. Bốn bề gió ùa vào xua đám khói cay xè bay ra tứ phía, như đàn ong bị chú gấu xông vào ăn tổ. Bị lụt lội cũng khổ, nhưng cũng sướng vì được ăn thịt gà, thịt lợn. Khi thì nhà này có chú lợn nhảy khỏi chuồng rơi xuống nước chết sặc, phải chia phần cho hàng xóm, lúc lại có chú lợn để dành đến tết cũng phải mổ vì không còn cám để nuôi, còn bọn gà phải thịt khi túi cá mắm đã ăn hết sạch cả đầu.
Mấy đứa trẻ phố tôi vẫn hồn nhiên rủ nhau vui đùa dưới làn nước đục, đứa biết bơi thì ngụp lặn, đứa chưa biết thì bám vào đoạn nứa làm phao để tập. Nhưng ngộ nghĩnh nhất là có hai cô chú cạnh nhà, đóng một chiếc mảng bé và đặt cái cũi cho đứa con của mình lên chơi. Giống như chiếc xe nôi của những cặp vợ chồng trẻ, đưa con đi dạo chơi ở Quảng trường thành phố bây giờ. Hình như tất cả tụi trẻ con bọn tôi, đều biết bơi từ những lần lụt lội ấy. Đêm, dù chật chội, dù tiếng ràn rạt trên đầu, tiếng lách tách của mưa đập vào mặt nước sát cạnh tai, nhưng tôi vẫn ngủ ngon lành. Và thật đáng sợ, chỉ sau một đêm nước đã vượt qua đỉnh mái nhà. Không ai nghĩ, năm nay lại nước lên nhanh và ngập sâu như vậy, tất cả đều chìm trong biển nước mênh mông.
Nếu những ai đã sống ở dọc phố bờ sông, cũng hiểu được tính nết của con sông này, nhất là những lúc sông đang trong cơn giận dữ. Ban ngày nhìn ra ngoài mặt nước, thấy sóng cuộn, thấy củi rác và những đám bọt bẩn thì biết nước lần ấy lên nhanh hay chậm, còn ban đêm họ nghe nước réo phía ngoài, nước cuộn vào bên trong là biết, mực nước đã lên cao hay thấp. Nhưng dù nước lên nhanh hay chậm, cao hay thấp thì mấy cây xà cừ cổ thụ xanh tươi vẫn hiên ngang trước gió và bình thản nhìn con sông đang hung hãn gầm gừ, mặc cho đám “giặc lũ” đang ì oạp quẩn quanh doạ nạt dưới chân mình. Dưới phố chợ Tam Cờ, chỉ còn lại Cửa hàng Bách hoá thị xã nổi lên trên mặt nước mênh mông, như chiếc tàu thuỷ uy nghi đang neo đậu ngoài biển nước rộng. Lần đầu tiên tôi căm ghét nước lụt, không hiểu sao mình lại vô tư đùa nghịch cùng đám nước đục ngầu ấy nhỉ. Nỗi ăn năn trào lên như con lũ đầu mùa và tôi lầm rầm ước nguyện “chàng Sơn Tinh oai hùng sẽ vung lên cây gậy thần xua mưa đuổi sét, chắn nước xẻ dòng, bắt gã Thuỷ Tinh hung hăng, bạo ngược, cùng đám thuỷ quái kia cút mau về biển cả”.
Rồi nước cũng chịu dừng lại “cốt hai chín phảy bảy hai mét” anh hàng xóm tay giơ cao chiếc radio kêu lên sung sướng. Những tiếng vỗ tay reo vui ngả nghiêng trên chiếc mảng nhỏ. Tôi nhìn khắp xung quanh, nhưng không có chỗ nào để đánh dấu mực nước đáng sợ đó. Hơn một tuần kể từ khi dâng ngập, cuối cùng nước cũng phải rút về nơi ở của mình. Nhưng thật buồn, lần này thuỷ thần đã cướp đi người bạn của tôi mang theo dòng nước. Mấy ngày sau, tôi cùng vài đứa bạn rủ nhau đến nhà để trả lại cho nó quyển truyện “không gia đình”, mà mấy đứa cứ đọc chuyền tay nhau.
Chúng tôi ngồi nghe cha nó buồn bã kể lại “sáng hôm ấy nước bắt đầu lên, nó giành việc chăn trâu để giúp tôi còn lo chạy lụt. Lúc đuổi trâu lên đồi, nước hãy còn ở dưới đám ruộng thấp. Mấy đứa trẻ cùng men theo bờ suối để đưa trâu lên vạt đồi cao và cắt cỏ để dành cho mấy ngày nước ngập. Quá trưa, chúng buộc trâu trên nương rồi quay về nhà, lúc ấy nước lên to ngập hết cả đám ruộng trên, mấy đứa vừa đi vừa dò dẫm theo đường mòn ven suối, theo dấu mốc là những bụi tre mọc sát đường đi quen thuộc. Bỗng nó bị trượt chân ngã nhào xuống suối, mấy đứa trẻ hoảng sợ la hét gọi người cứu giúp, nó chấp chới vật lộn giữa suối được một lúc, nhưng khi người lớn chạy tới nơi thì nó đã chìm hẳn trong lòng suối đục ngầu. Đến gần tối thì họ cũng tìm thấy nó, thật may những chiếc tay tre dài đã níu giữ nó lại, đúng ở đoạn cuối dòng. Hôm sau chỉ có gia đình và mấy người hàng xóm đưa nó lên đồi. Họ phải tìm một chỗ thật cao, nơi cách xa mực nước đang lên và chở nó đi trên chiếc thuyền đánh cá chỉ đủ chỗ cho một mình nó. Trời vẫn mưa, nước vẫn lên, sườn đồi cứ trơn trượt như thách đố, các anh thanh niên phải chật vật khênh, vác chiếc áo gỗ mới đến nơi hạ xuống. Mộ của nó cũng được đắp xong, nhưng không có ngọn vì đất đã bị mưa nhão”. Và cha nó nhìn chúng tôi trong nước mắt nghẹn ngào. Tôi đặt cuốn truyện được phơi khô, nhưng đã quăn queo vì ngập nước lên bàn học của nó và thầm nhắn nhủ “thôi, thế là từ nay mày không phải chịu cảnh lụt lội nữa rồi, sướng nhé”.
Những mái nhà quanh xóm nhô dần lên trên màn nước đục, tôi bỗng bàng hoàng khi nhận ra ngôi nhà thân thuộc của mình, đã bị lôi ra khỏi mặt nền, trượt xuống rồi nằm tênh hênh vặn vẹo ở dưới vườn. Lớp mái lá dù bị lật ngược lên, nhưng vẫn cố bám vào những chiếc mè ngang. Hàng cột đứng bằng những cây tre già, giơ chân lên chỏng gọng, như chú ngựa hoang đi trên sa mạc, chợt ngã kềnh ra vì đói khát. Trong gác xép, bao tải truyện vẫn nằm im lặng, nhưng miệng nó đã bị bung ra, lớp phù sa phủ dày lên những trang sách mỏng. Nước rút đến đâu phải nhanh chóng quét dọn, vệ sinh theo ngay đến đó, nếu không kịp khùa đám phù sa đặc quánh trôi theo nước, chúng đọng lại có chỗ dày đến nửa gang tay. Mùi của bùn đất, của rác rưởi và nhất là xác chết của những con côn trùng, súc vật cứ tanh khẳn vài tuần sau đó. Cũng mất đến cả tháng cuộc sống mới dần trở lại, dù lần nước ngập này đã làm bao gia đình phố trong, phố ngoài khổ sở và mất mát. Những mái nhà xô lệch, những vách đất trống trơn, trơ ra bộ khung xương tre nứa, vì lớp thịt bùn rơm đã bị sóng nước làm cho nó rã tan.
Trong lúc người lớn đang bận rộn thau giếng, sửa nhà, dọn bếp… tụi trẻ cùng phố vẫn trốn ra đường với những trò chơi vui thích, mấy đứa lấy tàu mo cau mang ra đường và kéo nhau trượt trên lớp phù sa dày mịn. Còn tôi và gia đình phải ở trong căn lều tạm, cho đến khi nhờ được những người hàng xóm dựng lại căn nhà, nhưng lần này nhà đã được ghì, buộc chắc hơn xuống nền đất cứng. Nước vẫn cứ lên, xuống vài bận mỗi năm, nhưng không có lần nào to bằng năm “tám sáu” đáng sợ ấy. Và cũng sau lần nước lụt khủng khiếp đó, tôi không còn hứng thú với những trò chơi đón sóng từ mũi của những chiếc ô tô lừ lừ chạy, hay bơi lặn trong làn nước đục tanh mùi bùn đất và trượt cùng chiếc mo cau trên mặt đường đầy phù sa nhão nhoẹt.
Khi còn học cấp hai, tôi hay đến nhà thằng Vinh “Sâm” cuối phố cót Xuân Hoà, “Sâm” là tên cha nó, bác ấy là một bác sĩ tài hoa của bệnh viện tỉnh. Trước mặt nhà nó là sông Lô, xuống dưới ven sông là xóm nhà bè, mà lớp tôi cũng có một đứa con gái cũng xinh xắn sống ở xóm này, cả dãy nhà bè nối với nhau nằm sát cạnh bờ. Vào đầu hè tụi tôi hay rủ nhau ra bờ sông chơi, dưới đó có nhiều trò để chúng tôi thoả sức vui đùa và khoái nhất là trò thi câu, nướng cá. Nhưng mùa hè cũng là mùa hiểm nguy của xóm nhà bè, nước cứ lên, xuống lúc nhanh lúc chậm, như đứa trẻ hiếu động lúc khóc khi cười. Lúc nước đang lên nhanh, nếu không kéo sát nhà vào gần bờ, chiếc bè sẽ bị đứt dây trôi tuột xuống mãi xóm dưới, còn lúc nước rút xuống, nếu không kịp nhả sợi dây neo, nhà sẽ nằm lại ở trên bờ, phải chờ con nước lần sau tràn về mới xuống được dưới sông. Tôi cũng không nhớ nổi, nhà ở của cô bạn học cùng lớp là căn nhà trên chiếc bè nào, vì chúng đều giông giống như nhau, chỉ biết chắc có một tảng đá to trên bờ, để neo buộc bè vào. Sau một lần nước lên rồi xuống, nhưng không thấy bạn mình đến lớp, tôi tìm đến tảng đá ven bờ, vẫn có những sợi dây neo vào đá cứng, nhưng không có sợi nào neo buộc ngôi nhà người bạn của tôi.
Cuộc sống trên bờ và dưới nước tưởng chừng như gần gũi, nhưng lại khác nhau như hai nửa thế giới đêm, ngày. Những ngôi nhà trên bờ từ lúc sinh ra đã bám sâu vào đất và lặng im trên đất. Còn những mái nhà trên chiếc bè và những con người ở dưới sông kia, từ lúc mới hình hài đã bềnh bồng nổi trôi theo nước. Nhưng dù được sinh ra trên bờ hay dưới nước, cuối cùng tất cả vẫn trở về trong lòng đất mẹ. Hiền hoà và hung dữ. Dù sông được khởi nguồn tận trên những ngọn núi cao băng giá, hay sinh ra ở hồ nước trong xanh sâu thẳm, nhưng sao có lúc sông giận hờn hung bạo và khi lại rì rầm, êm ái mơn man lên đôi bờ cát. Không biết có ai đó sinh ra trên sông, cũng giống như dòng sông không nhỉ?.
Mùa lụt lội qua đi, sông Lô lại lặng lẽ êm trôi đầy quyến rũ, xóm nhà bè lại im lìm neo mình dưới bến sông trong, mấy chiếc thuyền con lại thong thả xuôi dòng thu về vài mẻ lưới. Ai biết được đã có bao gia đình, bao những người con đã được sinh ra, lớn lên bên đôi bờ sông Lô yêu dấu. Dù cho có lúc sông hung dữ giận hờn, hay những khi vỗ về an ủi, nhưng ai cũng nhớ về dòng Lô, nhớ về thành Tuyên thân thương với biết bao ký ức vui buồn. Cứ thế qua bao mùa con nước, những lời khẩn cầu của muôn dân trong lũ cũng thấu đến trời cao. Mười mấy năm sau trận lụt kinh sợ ấy, đã có hàng vạn những chàng trai, cô gái, những cháu con của thần núi Tản Viên cùng hợp sức dời núi, lấp sông để chặn dòng nước lũ, ngăn không cho thuỷ thần tác quái. Và trên dòng sông Gâm xanh mát, đập Thuỷ điện Tuyên Quang kỳ vĩ như tảng đá trời khổng lồ chặn đứng giữa dòng, để cùng con sông Năng hoá mình thành biển hồ trên núi. Đập thuỷ điện to lớn như voi thần Pác Tạ, nằm ngang sông ngăn dòng nước dữ, để nơi tôi không còn lụt lội.
Thành Tuyên hôm nay đã có nhiều cây cầu vững chãi, dù con nước có to, dù dòng lũ có lớn, nhưng những cây cầu vẫn duyên dáng vươn tay nối lấy hai bờ. Trên dòng Lô, dòng Gâm lại có thêm những con đập to, mỗi con đập như bức tường vững chãi, che chắn cho thành phố quê tôi được yên bình. Ở trên mỗi khúc sông hay hồ nước trong mát ấy là những cặp du thuyền xanh trắng, như những đôi thiên nga đang đùa vui trên mặt nước xanh. Những chiếc bè rộng rãi, chứa trong bụng của mình hàng ngàn, hàng vạn những chú cá lớn bé, trắng đen to tròn mập mạp đang quẫy đạp, vui đùa. Dưới sông kia là những chiếc thuyền đánh cá, giờ chỉ là thú vui của bao lữ khách đang thong thả dạo chơi…
Thành Tuyên, 29/4/2024
Lê Thu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...