Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Mặn hương Tết biển

Mặn hương Tết biển

Quê tôi là một làng chài ven biển mà dân gian thường gọi là Kẻ Càn thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Những con người gắn đời mình với biển, nếp sống nếp nghĩ của họ rất khác và lẽ dĩ nhiên, cách đón Tết của họ cũng khác.
Có một nét văn hóa đặc trưng mà người dân quê tôi luôn cảm thấy tự hào, đó là lễ tảo mộ vào sáng 30 Tết. Cháu con ra nghĩa trang, sơn, sửa lăng mộ và thành kính mời tổ tiên về đón Tết ấm. Mọi người thực hiện việc đó bằng thái độ tôn kính và tấm lòng tri ân. Lúc đó, khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, tổ tiên và cháu con đang ở cự li gần nhất. Tiếp nối từ thế hệ này sáng thế hệ khác, tôi nghĩ những đứa trẻ sẽ có một kí ức thật đẹp đẽ về ngày Tết cổ truyền và quan trọng hơn, các con sẽ được giáo dục ý thức về nguồn cội từ ngày còn thơ bé. Vì thế, trong số những điều khi nói về vị Tết quê biển, đây là điều tôi ấn tượng nhất và muốn nói đầu tiên nhất!
Cũng như mọi gia đình người Việt khác, nhà nào cũng làm lễ cúng tất niên. Bên cạnh mâm cơm cúng gia tiên thì với những gia đình làm nghề đi biển họ cũng chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn và đưa xuống thuyền. Tại đây, họ nấu những nồi nước thơm để “tắm” cho con thuyền được sạch sẽ. Khi con thuyền đã được gột rửa, trang trí, chủ thuyền sẽ thắp hương tạ ơn trời đất, biển cả vì đã cho họ một cuộc sống ấm no. Nén hương đó còn là sự cầu mong trời yên biển lặng với những chuyến ra khơi an toàn và bội thu. (Lễ này dân quê tôi gọi là lễ cho con thuyền ăn). Ở một số thuyền, lễ này có thể thực hiện trước ngày 30 Tết, tùy thuộc thời gian thuyền nghỉ – không còn ra khơi những ngày áp Tết!
Những khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ, các thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ để kính lạy tổ tiên và đón chào năm mới. Sau khi đón giao thừa tại nhà mình, rất nhiều người đến Đền Cờn – một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng bậc nhất ở xứ Nghệ để cầu mong sự an yên. Nếu không đến được Đền trong thời khắc này, dân làng sẽ đến trong những ngày sau đó.
Sau giao thừa, nhiều vùng quê người dân ít ra ngoài nhưng dân quê tôi lại khác, họ đến nhà nhau xông đất và chúc Tết ngay khi vừa bước sang năm mới. Có phải sống nơi cửa biển, quanh năm đón nắng, đón gió, quan niệm sống của họ cũng cởi mở hơn ?
Tập quán “Mùng một tết cha…”  làng tôi vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Sáng mùng một, con cháu đến mừng tuổi ông bà, cha mẹ, sau đó đi chúc Tết họ hàng, láng giềng, bạn chài. Sau đó là ngày “hóa vàng” được các gia đình tổ chức một cách chu đáo, ấm cúng. Vì thế mối quan hệ của gia đình, xóm làng ngày càng bền chặt. Sống nơi cửa biển, luôn đương đầu với sóng to gió dữ, đặc biệt là những chuyến ra khơi, giữ được sự cố kết cộng đồng như vậy là điều đáng quý và luôn luôn phải có!
Cách ăn Tết của người làng tôi cũng khá đặc biệt. Vì là dân vùng biển nên đồ đãi khách trong những ngày Tết của các gia đình hẳn nhiên không thể thiếu tôm, cá, mực. Mọi thứ được chế biến một cách đơn giản, nhanh gọn. Ý niệm “kiêng kị” ăn mực đầu năm mới dường như không có với người dân nơi đây. Ly rượu thơm kết hợp với sản vật của biển khiến cho những nụ cười của năm mới rạng rỡ hơn, lời chúc ngày xuân ấm nồng hơn và mọi người xích lại gần nhau hơn!
Trong bữa cơm ngày Tết ở quê tôi luôn có nồi cá kho mặn. Cá thu, cá ngừ, cá bồ câu, cá thửng…  là những loại cá được chọn. Giữa những bữa cơm quây quần, một bát cơm trắng, một miếng cá kho, mấy củ dưa hành, bát canh chua cá đôi khi là sự ưu tiên hàng đầu. Bởi thế mà quà Tết của người dân ở vùng đất này thường là những loại cá thật ngon và các loại hải sản khác. Có lẽ đó là nét tâm lý của những người đi biển, sống nhờ biển, gần biển – những ngày Tết họ cũng không thể đi quên đi nghề nghiệp của mình!
Bên cạnh đó, ở Kẻ Càn còn có một món ăn đặc biệt trong mâm cỗ ngày Tết, đó là món Cuốn. Nguyên liệu để làm món cuốn được chuẩn bị một cách cầu kì. Tép biển khô được đảo qua dầu ăn và mật mía. Cuốn được biến tấu ở nhiều địa phương khác, họ thay tép bằng thịt băm hoặc tôm. Nhưng không, ở đây, nhất định phải là tép khô rang mật mía! Ngoài ra, còn có thịt lợn nạc thái con chì rang khô, bún lá cắt từng miếng vừa ăn, trứng tráng thái mỏng và các gia vị đi kèm như rau mùi, khế chua, hành củ nguyên cây.
Với món này, thực khách sẽ ấn tượng bởi sự bày biện có tính thẩm mỹ của gia chủ. Gói cuốn không khó nhưng để gói đẹp thì không hề đơn giản. Nhìn những ánh mắt chăm chú, những bàn tay đang nhẹ nhàng gói từng chiếc cuốn của các mẹ, các chị, tôi có cảm giác, những người đàn bà vùng biển dường như đặt hết sự tự hào, mến thương vào món ăn làm nên bản sắc của quê mình. Dù rằng làm món Cuốn khá mất thời gian những ai cũng cố làm cho bằng được. Thiếu cuốn như thiếu đi một phần vị Tết!
Đặc biệt hơn là khi thưởng thức đĩa cuốn đẹp mắt. Với món này, nước chấm không phải là chẻo như nhiều vùng mà phải là nước mắm cá cơm do chính người dân kẻ Càn làm ra. Nước mắm cốt chế thêm một chút chanh, tỏi, ớt cay để tạo nên một thứ nước chấm vừa thanh vừa đậm. Với từng chiếc cuốn, thực khách có thể cảm nhận được sự khéo léo của người làm, sự hài hòa của mùi vị và hương sắc. Điều đó đem đến cảm giác ngon miệng. Nó ngon hơn bởi đến Tết mới được thưởng thức món này. Ngày thường không phải là không làm được nhưng dường như thiếu đi hương vị nào đó? Phải chăng là hương vị của sự tri ân tiên tổ, của sự gặp gỡ, đoàn viên?
Ngoài việc thăm thú, chúc tết thì sáng mùng hai Tết là thời khắc mà chúng tôi đợi chờ nhiều hơn cả bởi hôm đó có lễ hội đua thuyền trên sông Hoàng Mai trước của Đền Cờn. Để chuẩn bị cho hội đua, trước đó từ nửa cuối tháng 12, các đội bơi đã hăng say luyện tập để có một cuộc đua thành công.
Tầm 5h sáng, khắp làng trên xóm dưới đã nghe tiếng loa, tiếng gọi nhau râm ran. Sau đó, 11 đội bơi bước vào cuộc đua theo các bảng khác nhau. Đáp lại sự cổ vũ của người xem, các vận động viên cố gắng tạo ra những màn đua đẹp mắt trên sóng nước Mai Giang. Thời khắc xuất phát và tăng tốc về đích luôn diễn ra hấp dẫn nhất. Dưới mặt sông, các tay bơi dốc sức đưa những mái chèo thật đều thật đẹp theo nhịp mõ. Trên bờ, tiếng hát vẫn đều đặn vang lên: “Nhanh tay nào khua mái chèo/ Cho thuyền ta bơi nhanh về bến/ Nhanh tay nào khua mái chèo/ /Trai làng ơi ai thắng năm này/ Núi sông mình đất xứ Quỳnh/ Vui hội đua thuyền Đền Cờn linh thiêng,…zô huầy zô huầy zô huầy…”. Tiếng người hò reo, tiếng trống hối thúc đã tạo ra một bản hòa tấu âm thanh rộn rã. Đội giành chiến thắng là đội có sức khỏe, cách bơi đều, đẹp.
Hội đua thuyền đã trở thành nét sinh hoạt Tết rất đặc trưng của người dân vùng biển nồng hậu. Lễ hội này tự nó mang trong mình nhiều ý nghĩa: góp phần biểu dương lực lượng, thắt chặt tinh thần đoàn kết, chung sức để cùng nhau vươn khơi bám biển. (Quỳnh Phương luôn là địa phương có trữ lượng đánh bắt hải sản lớn nhất Nghệ An). Thế nên, với người dân vùng đất này, Tết mà không có đua thuyền thì hẳn cái Tết năm đó không hề trọn vẹn. Điều đó phần nào chứng minh sức sống bền vững của nét văn hóa dân gian này. Do đó, tôi nghĩ, việc bảo vệ các giá trị văn hóa cổ truyền, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền thì vai trò lớn nhất chính là người dân bản địa. Những phong tục, tập quán mà họ tìm thấy niềm vui, ý nghĩa, tự khắc họ sẽ tham gia và gìn giữ một cách có trách nhiệm nhất!
Người dân quê tôi ăn Tết, chơi Tết rất dài, đến tận mùng 7 ngày hạ, có thể còn kéo dài đến tận rằm tháng giêng và đến cả ngày lễ hội của làng (Lễ hội Đền Cờn tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm) như đúng câu ca xưa “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Dường như những ngày Tết đã thỏa mãn nỗi khát bờ của những người làm nghề chài lưới!
Quả thực, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng vị Tết ở Kẻ Càn vẫn rất đậm đà với những nét rất riêng của người dân vùng biển. Khi đi qua những cái Tết, người dân quê tôi thấy gắn bó hơn với quê hương, gia đình và trân trọng hơn những giá trị văn hoá truyền thống. Riêng tôi, tôi thấy tự hào và mến thương hơn làng chài ven biển của mình nhờ đi qua những cái Tết rất mặn mòi!.
7/3/2024
Hương Nguyễn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...