Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Món ba đậu ngày giỗ

Món ba đậu ngày giỗ

Ngày giỗ, má cắt bánh thành những khối hình thoi rồi xếp đều đặn lên dĩa. Chảo hẹ tao cùng thịt băm và tô đậu phộng giã nhuyễn sẵn sàng chờ được thoa lên bánh. Tôi phụ má dưới bếp mà lòng nôn nao cho nén trầm hương chóng tàn để được quây quần bên người thân sum họp, được ăn miếng bánh ba đậu bùi bùi, đậm đà dẻo thơm quyện trong giọt nước mắm cay xè. Ngon đến khó lòng buông đũa.
Nhà tôi mỗi năm vài đám giỗ. Trước mỗi hôm như thế, má thường lụi cụi làm mấy loại bánh dân dã, quen thuộc. Chen lẫn trong thúng bánh nậm, bánh ít còn có mâm ba đậu trắng ngần, thân thương từ bàn tay má.
Chẳng ai nhớ rõ món bánh ba đậu có từ thuở nào, chỉ biết rằng nó được truyền từ đời này sang đời khác, từ xa lắc đến tận ngày nay. Người ta đặt cho cái tên ba đậu, có lẽ vì bánh được làm từ ba loại đậu: đậu phộng, đậu xanh và đậu nành. Tôi đọc ở đâu đó rằng, món bánh ba đậu như một nốt trầm mang hương vị quê hương, nhắc nhớ kẻ tha phương về một thời gian khổ. Câu nói giản đơn nhưng mãi những năm tháng về sau tôi mới hiểu hết bao nhiêu tầng nghĩa.
Ngày má về làm dâu, bà nội truyền cho má cách làm ba đậu và đến lượt tôi bây giờ, cũng được dạy cho công thức mang hương vị “gia truyền”. Dường như, món bánh nào của má cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm ngay từ bước đầu tiên. Má dặn, chọn gạo làm ba đậu cũng tương tự chọn gạo tráng bánh, phải là loại gạo khô cơm mới cho ra mẻ bánh dai ngon, ưng bụng.
Gạo cùng với đậu xanh và đậu nành được má ngâm chừng vài tiếng cho nở đều. Nếu chẳng thể chuẩn bị đầy đủ ba loại đậu, người ta vẫn làm được bánh chỉ bằng gạo và đậu phộng. Má đem chừng một lon đậu phộng rang trên bếp lửa liu riu. Khi lớp ngoài cùng của hạt đậu chín ngả màu cánh gián, má cho tất cả ra chiếc rổ xảo, để nguội và rây sạch vỏ. Công đoạn đầu tiên chập chững hoàn thành.
Những thứ nguyên liệu đã tươm tất được má mang đi xay. Dòng bột trắng ngần pha chút vàng vàng của ba loại đậu từ từ lấp đầy đáy thau. Chiếc chảo to vừa vặn trên miệng bếp lửa than đang hừng hực, tanh tách. Má cho vào đó ít dầu ăn, tráng đều khắp bề mặt rồi cho toàn bộ thau bột vừa xay vào nồi. Má sai tôi múc thêm ít nước để pha bột vừa hơn, bột không được quá đặc, cũng chẳng thể quá lỏng mới dễ dàng cho việc giáo bánh. Những loại gia vị lần lượt được nêm nếm, má dặn tùy theo ý thích nhưng phải ước chừng cho vừa miệng.
Hai chiếc đũa tre to bấy lâu nằm trên gác bếp nay được vẫy vùng, phát huy công dụng. Lửa âm ỉ cháy, bột dần dà sôi và đôi đũa tre liên tục khuấy đều. Khi bột bắt đầu sôi hẳn, hai tay má điêu luyện luôn tay kẹp bột, má nói đoạn này nếu lơ là, bánh sẽ khó thành phẩm vì bột trở nên vón cục.
Tôi ngồi xổm bên má, dõi đôi mắt theo từng nhịp đều đặn của đôi đũa tre, tự dưng nhớ đến món bánh đúc đã nếm thử hôm nào. Món bánh có nguồn gốc từ vùng quê Bắc Bộ, ẩn hiện trong câu ca dao xót xa bao đời. Món bánh cũng mang vị bùi bùi, beo béo, có hình thù như món ba đậu nên khiến nhiều người nhầm lẫn. Năm tôi còn là sinh viên, mỗi lần cùng chúng bạn ăn bánh đúc, trong lòng lại da diết nỗi nhớ nhà, nhớ món ba đậu mộc mạc của má.
Mãi nghĩ ngợi, tôi chợt giật mình khi phát hiện dòng bột nhuyễn đã chẳng còn nữa mà thay vào đó là lớp bánh thơm phức từ mùi hương của các loại đậu. Má lót hai tấm lá chuối lên chiếc mâm lớn và trải đều lớp ba đậu nóng hổi lên trên. Món ba đậu đã thành công mỹ mãn dưới bàn tay đầy kinh nghiệm của má.
Ngày giỗ, má cắt bánh thành những khối hình thoi rồi xếp đều đặn lên dĩa. Chảo hẹ tao cùng thịt băm và tô đậu phộng giã nhuyễn sẵn sàng chờ được thoa lên bánh. Tôi phụ má dưới bếp mà lòng nôn nao cho nén trầm hương chóng tàn để được quây quần bên người thân sum họp, được ăn miếng bánh ba đậu bùi bùi, đậm đà dẻo thơm quyện trong giọt nước mắm cay xè. Ngon đến khó lòng buông đũa.
2/6/2024
LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...