Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Ở nơi nỗi đau và tình yêu song hành

Ở nơi nỗi đau và tình yêu song hành

Ở nơi đây, nỗi đau và tình yêu song hành. Những giọt nước mắt không chỉ vì đớn đau thể xác, tinh thần mà còn rơi vì bao niềm xúc động. Đối mặt với đau đớn, cái chết, người ta càng nhận chân những giá trị cuộc đời, không ích kỉ mà mở rộng tấm lòng sẻ chia, giao cảm.
– Chị ơi đang có cháo từ thiện ngon, chị sang mà nhận! Người nhà em thích ăn lắm, bảo nấu ngon, hàng tươi, bữa nào hết bữa ấy, không sợ đồ thực phẩm cũ chị ạ…
Thấy tôi có vẻ ngại ngần, ăn mặc đẹp đẽ, cô gái tiếp:
– Chị sang đi! Đừng ngại người ta đánh giá bề ngoài. Đã vào đây giàu nghèo như nhau hết, tỉ phú rồi cũng trắng tay, chẳng ai đánh giá chị đâu!
Trước cổng bệnh viện K đầu giờ ba bữa ăn, rất nhiều nhà hảo tâm đã làm những suất cơm, cháo tình nghĩa phục vụ bao bệnh nhân và người nhà từ khắp nơi về đây điều trị. Còn có quán cơm 2000 ngay cổng viện mà ai đến đấy có hoặc không có 2000 đồng cũng được suất ăn nóng sốt đủ thịt, đậu, rau và còn được nhận cả nụ cười. Những bữa ăn giản dị ấy mang tình yêu, sự động viên đến với các bệnh nhân đang đêm ngày đối mặt với nỗi đau thể xác, tinh thần và cái chết.
Những đoàn người nối dài từ mờ sáng nhận cháo từ thiện một lúc hết bay, những suất cơm từ thiện được phát trong căng tin, ngoài cổng bệnh viện luôn luôn cảm thấy thiếu cho thấy một nỗi đau lớn: Bệnh nhân ung thư nhiều quá, nhiều người rơi vào cảnh ngặt nghèo khó khăn quá. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn các bệnh nhân đầu không còn sợi tóc, trong bộ quần áo bệnh nhân thùng thình, lặng lẽ ngồi ăn suất cơm từ thiện ngay bên lối đi bộ trên cao ngang đường… Tôi xót xa, khi những ngày này, chứng kiến hàng ngàn người cùng người nhà đến khám, chữa bệnh, các bệnh nhân ngồi ken đặc các sảnh nhà, chờ chiếu chụp, xét nghiệm, xạ trị… Nỗi đau sắt lại trên những gương mặt người nhà bệnh nhân đêm đêm thao thức. Nỗi đau vương trên cả những vầng trán ưu tư, bước chân tất bật, bàn tay thoăn thoắt của các bác sĩ, điều dưỡng viên ngày đêm túc trực giúp đỡ bệnh nhân, căng mình điều trị một lượng người luôn quá tải. Nhìn những gương mặt bơ phờ của các bác sĩ sau những ca phẫu thuật, điều trị dài căng thẳng, những bữa ăn muộn, vội vàng, tất bật của y bác sĩ, nhân viên y tế, mới thấy sự tận tụy, hy sinh của những người thầy thuốc trong sự nghiệp thiêng liêng chữa bệnh, cứu người.
Nơi đây cũng hội tụ bao cảnh đời, bao bi kịch, nỗi đau, chẳng ai giống ai, chỉ chung mỗi việc đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo không chừa lứa tuổi, tầng lớp nào trong xã hội. Ngay trong khoa nhà tôi điều trị, có bé gái học lớp hai dễ thương người dân tộc, nằm thiêm thiếp trong vòng tay cha bé nhỏ, hiền lành. Hỏi chuyện mới biết mẹ cháu vừa mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Bố cháu bán hết những gì có, được tròm trèm bốn chục triệu, gửi con trai nhỏ cho ông bà rồi ôm con gái về Hà Nội chữa trị. Số tiền có chỉ vừa đủ đóng viện phí điều trị lúc đầu, không còn tiền sinh hoạt ăn uống, thuốc men… Ngay khi biết hoàn cảnh, những người nhà bệnh nhân chúng tôi đã làm một cuộc quyên góp tích cực, trong vòng hơn một ngày, đã có được trên hai chục triệu giúp đỡ bố con cháu. Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn, người Việt mình ngàn đời nay vẫn thế, dắt dìu nhau vượt qua bao nỗi đớn đau, nhọc nhằn…
Tôi đã đi những cuốc xe ôm của một số người thân bệnh nhân, vừa trông người nhà vừa chạy xe khi có thể để có tiền lo thuốc men, chữa trị, nhưng khi gặp người cùng cảnh ngộ vẫn nhiệt tình giúp đỡ, để khách trả tùy tâm. Tôi đã rưng lệ khi cô gái bán hàng ngoài cổng viện, sẵn sàng tặng lại tôi những bông hoa cô mua, khi biết tôi không có đủ thời gian qua chợ tìm mua hoa tặng chồng nhân kỷ niệm ngày cưới. Tôi đã gặp người đàn bà từng bị chồng đánh đập, ruồng rẫy, nhưng khi chồng thập tử nhất sinh vẫn gắn bó chăm lo, nâng giấc cho chồng. Tôi đã gặp những người con gái lam lũ, lấy chồng xa, gom góp tiền tiết kiệm, vượt ngàn dặm đường ra Bắc chăm cha mẹ…
Ở nơi đây, nỗi đau và tình yêu song hành. Những giọt nước mắt không chỉ vì đớn đau thể xác, tinh thần mà còn rơi vì bao niềm xúc động. Đối mặt với đau đớn, cái chết, người ta càng nhận chân những giá trị cuộc đời, không ích kỉ mà mở rộng tấm lòng sẻ chia, giao cảm. Ở nơi đây càng thấy rõ hơn sức mạnh của tình yêu.
Có người vợ trẻ được chồng chăm chút chu đáo vẫn nghĩ rằng đêm đêm anh ấy ra ngủ nhờ nhà họ hàng, đâu biết chồng tranh thủ đi làm thuê gần đó vừa kiếm tiền, vừa khi vợ cần là lao thẳng vào bệnh viện. Có người chồng trẻ nũng nịu vợ, kêu đau suốt đêm mà người vợ nhẫn nhịn thức trắng bao đêm, xoa bóp vỗ về chồng yên ngủ… Tình yêu đêm đêm giăng mắc, trong giấc mơ mỗi người đều khắc khoải niềm hy vọng. Niềm hy vọng bay lên trong bóng tối buồn thương, trong bầu không khí bệnh viện đặc sệt nỗi niềm trở trăn không đâu có.
Những nỗi đau chung hoà trong nỗi đau riêng. Tại sao lại để tình cảnh bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng? Tại sao các bệnh viện, nhất là các bệnh viện K luôn quá tải? Tại sao mỗi cá nhân chúng ta luôn chủ quan để rồi bệnh trọng trong một xã hội thông tin tràn ngập…?
Có bệnh nhân không biết bệnh mình, vì người thân giấu, hùng hồn tuyên bố: – Tôi vẫn thường xuyên phun thuốc sâu từ trẻ đến già có sao đâu! Bà chị tôi 75 tuổi giờ vẫn đi phun thuốc, trồng hái như thường! Rau cỏ, cây trái…cái gì chẳng phải phun, không thì lấy đâu sản phẩm bán, có thu nhập! Nhà tôi còn đỡ, nhiều nhà có khi phun xong, thu hoạch bán luôn, nhất là dưa chuột!…
Có chị người nhà bệnh nhân dặn dò tôi: – Em ơi cẩn thận khi mua hoa quả ngoại nhập nhé! Giá nhiều khi trên trời nhưng trồng ngay đất láng giềng đấy! Chị là dân bán hoa quả mà! Mọi người thế mình cũng khó khác được!
Tôi thương chị, thương mình, thương mọi bệnh nhân, thương những người dân nghèo rồi thương cả những vùng đất, dòng sông, nguồn nước đang lan tràn ô nhiễm theo đà công nghiệp hoá mà việc kiểm soát, bảo vệ môi trường còn quá yếu kém. Đất, nước, không khí, thực phẩm ô nhiễm, môi trường thiên nhiên bị tàn phá, con người không bệnh tật mới là lạ. Số bệnh nhân K trẻ tuổi cũng ngày càng gia tăng. Những đám tang đi dự mà tuổi người đã khuất chưa phải cao niên, hỏi lý do ra đi hầu hết là vì ung thư. Lẽ nào chúng ta để nỗi đau chung lớn mãi? Lẽ nào dưới gầm trời này, tình yêu đồng loại không đủ lớn để con người vì lòng tham tàn sát lẫn nhau dưới mọi kiểu loại, dáng hình?
Tôi viết những dòng xót xa này khi ngồi đợi người thân xạ trị. Trong khuôn viên bệnh viện nhỏ bé, người nằm người ngồi thấp thỏm. Một làn khói thuốc lá sặc sụa bay sang, ba tiếng ho của ba người phụ nữ ghế bên đồng loạt một lúc. Tôi nghiêng mình ngó qua khóm hoa:
– Anh vào đây với người thân mà chưa thấy sợ sao? Không thấy những bệnh nhân nhàu nhĩ quanh anh ra hớp từng ngụm không khí giữa đất trời hay sao?
Anh ta vội vàng đứng dậy, vẻ tẽn tò, lẩn mất. Mong sao lòng tham, cái ác, sự vô cảm cũng theo nhau đi bớt, để tình yêu nhân quần nâng đỡ con người giữa biển khổ trầm luân.
Mùa đông vẫn đang về với nắng vàng, mưa bay, gió lạnh, sương giăng… như bao đời. Chỉ mong trong lòng mỗi người, có thêm ngọn lửa ấm áp của niềm tin, tình yêu và hy vọng. Dẫu biết đời còn nhiều buồn đau nhưng tình yêu lớn dậy sẽ chắp cánh cho mỗi con người bay vượt lên nỗi đau riêng để sống đẹp và ý nghĩa dưới bầu trời bao la luôn khát vọng bình yên cháy bỏng.
3/6/2024
BÙI THANH HÀ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...