Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Tại sao có tâm lý người sáng tác ghét nhà phê bình

Tại sao có tâm lý người
sáng tác ghét nhà phê bình?

Hồi đầu văn minh, người sáng tác văn học nghệ thuật rất cần nhà phê bình. Họ cần thực sự, vì đó là một lĩnh vực mới mẻ, cần phải có nhiều ý kiến đóng góp để làm hình thành một ngành văn hoá tinh thần mới: Nghệ thuật.
Vì thế, mỗi thời kỳ phát triển của nó thường có những nhà phê bình có lý luận đứng ra đảm nhiệm công việc chỉ dẫn cho sáng tác. Aristote của Hy Lạp cổ đại; Quintus Horatius của cổ đại La Mã; Lưu Hiệp của Trung Quốc trung đại; Boileau của thời kỳ cổ điển Pháp; Schlegel, Schelling và Goethe của chủ nghĩa lãng mạn Đức; Hugo của lãng mạn Pháp; Zola của chủ nghĩa tự nhiên, v.v… là những người như thế. Các công trình lý luận phê bình của họ thường có những ý kiến mang tính quy phạm dành cho sáng tác.
Đến thời hiện đại, cùng với sự phát triển đa dạng và phong phú của nghệ thuật, tinh thần tự do dân chủ nổi lên như là một đặc điểm mới của hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, mặc dù người sáng tác nhiều khi tuyên bố không theo chủ nghĩa nào, nhưng trên thực tế, họ vẫn ngấm ngầm tiếp thu những phong cách và kỹ thuật sáng tác của những người đi trước. Nhưng đó là một sự tiếp thu mở rộng chứ không gò ép theo một khuôn mẫu duy nhất nào. Và trong việc tiếp thu đó, họ vẫn không tránh khỏi việc tham khảo ý kiến của các nhà phê bình. Điển hình là việc làm của những người tự xưng là “nhà văn hậu hiện đại” ngày nay.
Vậy tại sao lại có tâm lý “ghét nhà phê bình”? Có lẽ tâm lý này xuất hiện từ khi có sự thịnh hành của kiểu “phê bình khen chê” (?). Phải chăng được khen thì người ta thích, bị chê thì người ta ghét? Trong chuyện khen chê này còn có sự tiếp tay của quan hệ cá nhân giữa nhà phê bình và người sáng tác. Để tránh chuyện này, trước đây có một tờ báo ở Anh đã cấm người phê bình sách quan hệ cá nhân với tác giả của cuốn sách được phê bình. Có thể đây là một hình thức cực đoan, nhưng nó cũng nói lên một điều về việc phê bình phải hoàn toàn khách quan, tuyệt đối tránh thiên kiến cảm xúc chủ quan trong phê bình. Đó cũng chính là việc trở lại với nguyên tắc phê bình truyền thống đã có từ thời Aristote. Khi đó, phê bình và sáng tác mới thật sự trở thành hai lĩnh vực bình đẳng hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển nghệ thuật.
30/3/2024
NGUYỄN VĂN DÂN
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...