Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Trí tuệ nhân tạo không thể viết những dòng chữ cảm xúc

Trí tuệ nhân tạo không thể
viết những dòng chữ cảm xúc

Dạo gần đây, tôi thường được nghe bạn bè thuở đại học của tôi - những người bước ra từ Văn Khoa nói nhiều về công việc viết lách và sáng tạo nội dung đang dần “mất giá” dù xu hướng truyền thông số đang chễm chệ trên ngôi đầu. Tôi cũng chưa rõ nguyên nhân từ đâu mà gây nên cớ sự ấy.
Có một dạo tôi được một người quen giới thiệu tham gia vào một dự án truyền thông với tư cách là một người chuyên phụ trách nội dung. Dự án ấy đại loại cũng có nét tương đồng với công việc trước đây tôi từng kinh qua. Điểm khác lớn nhất là nó được hoạch định theo phương hướng hoàn toàn thao tác bằng những thủ thuật công nghệ tiên tiến hiện nay như AI hay Chat GPT, nhằm giúp người viết có thể tạo ra nội dung một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đó chính là hình dung ban đầu của tôi khi được trao đổi sơ lược về dự án và vị trí của mình.
Xã hội đang đặt chân vào thời đại của cuộc Cách mạng Công nghiệp 5.0 với sự manh nha xuất hiện của trí tuệ nhân tạo có cảm xúc – được tiên đoán là “con người không cần ăn và thở” hay “con người rút phích cắm là chết”. Không ít những dự báo về việc robot kết hợp với trí tuệ nhân tạo sẽ hoàn toàn thay thế con người để đảm đương một số công việc, nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và phát huy tính bền vững chung cho các hệ sinh thái công nghiệp. Song song đó, có thể nhận ra hệ lụy đằng sau sự thay thế ấy chính là một số ngành không còn cần nhiều nhân lực phụ trách, dẫn đến hàng loạt lao động bị mất việc và tỷ lệ thất nghiệp do cuộc cách mạng tự động hóa vẫn đang được cảnh báo có chiều hướng gia tăng.
Tôi đã được biết sơ lược về những vấn đề ấy và cũng có hình dung nhỏ giọt về những biến chuyển trong tương lai. Song le, tôi chưa từng nghĩ rằng người viết (tôi dùng từ người viết để gọi chung những người dùng con chữ để sáng tạo nội dung, không chỉ riêng nhà văn hay nhà báo) trong tương lai sẽ bị đào thải bởi sự có mặt của trí tuệ nhân tạo hay xa hơn là trí tuệ nhân tạo có cảm xúc. Cho đến khi tôi được nghe và biết đến những dự án được hình thành từ việc bắt đầu cho một tham vọng hiện thực hóa trí tuệ nhân tạo hoàn toàn thế chỗ cho những người viết trong tương lai, như dự án mà tôi được giới thiệu.
Theo hình dung của tôi, tự động hóa trong việc hành văn nhờ công cụ hiện đại đồng nghĩa với việc càng nhiều chiếc máy photocopy được sinh ra, hoặc một số người viết buộc phải trở thành người đầu bếp có khả năng “xào nấu và bưng bê những nội dung” có sẵn trong kho dữ liệu mà trí tuệ nhân tạo cung cấp để bày ra  hàng loạt nội dung mới trong một thời gian ngắn mà không cần dày công suy nghĩ hay sáng tạo. Những nguyên liệu từ kho dữ liệu ấy được ra lò như những nội dung, những bài viết “khung” đầy chuẩn mực, vì chúng được đúc ra từ một chiếc khuôn, tôi gọi đó là khuôn không hồn.
Thêm vào đó, một số nguồn tin cho biết sự manh nha xuất hiện của trí tuệ nhân tạo có cảm xúc, xuất phát từ việc có những đồn đoán rằng có một kỹ sư phần mềm làm việc ở Google bị buộc thôi việc vì tiếc lộ công ty anh đã tạo ra một hệ thống chatbot LaMDA (mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại) có tri giác, suy nghĩ và lập luận như một con người. Bài viết “Thực hư về trí tuệ nhân tạo có cảm xúc” của Lê Du trên báo điện tử Giáo Dục và Thời Đại số ra ngày 25.7.2022, có đoạn: “Mặc dù Google và các công ty công nghệ khác đã thiết kế mạng nơ-ron và các mô hình ngôn ngữ lớn nhằm thay thế người viết, bằng cách tạo các tweet, các bài đăng trên blog, trả lời câu hỏi và thậm chí viết thơ và truyện cười, các chuyên gia thừa nhận rằng hầu hết những gì được tạo ra là văn bản vô nghĩa, khó hiểu hoặc là món hổ lốn từ ngẫu nhiên. Nói cách khác, AI còn một chặng đường dài mới có được ý thức tri giác cần thiết để thực sự “suy nghĩ” và phản ứng như con người”.
Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một minh chứng xác thực nào về việc con người đã thật sự tạo ra trí tuệ nhân tạo có cảm xúc. Với hàng loạt những hoài nghi được đặt ra, cùng với sự chất vấn con người sẽ như thế nào khi một ngày trí tuệ nhân tạo có khả năng tri giác thật sự bước vào cuộc sống của chúng ta và  thật sự thay thế được người viết?  Tôi cũng là một người viết, công việc hằng ngày tôi vẫn luẩn quẩn xung quanh chữ viết và viết chữ. Nên may ra người viết như tôi thì cũng có cái nhạy cảm với thời cuộc tương tự người làm nghệ thuật hay tiệm cận hơn là nhà văn nhà thơ. Sự nhạy cảm với thời cuộc của người viết thì thời nào cũng có, nó đã từng mãnh liệt và sục sôi trong thời chiến, và ngay trong hiện tại, nó cũng đau đáu trước một cuộc thiên biến vạn hóa với những bước tiến vạn dặm của trình độ khoa học kĩ thuật. Những cuộc dâu bể sẽ luôn nhấp nháy những tín hiệu báo trước khi nó ập đến, liệu đây có thực sự là một tín hiệu về sự chuyển dời của nhân lực nghề viết trong tương lai?
Một người viết khi sản sinh ra một nội dung dù là một bài đăng trên mạng xã hội hay một tác phẩm đồ sộ dày cộm những chương, họ đều mang nhiều trăn trở về đời, trăn trở về người, về nghề hay thậm chí là trăn trở giữa hai từ thì nên đưa từ nào vào nội dung của mình cho hợp lý, cho hay. Tôi đọc quyển “Nhà văn nói về nghề” của Hội Nhà văn TP.HCM, một cuốn sách gói gọn trong chưa đầy 400 trang giấy nhưng lại có đến 36 nhà văn mang đầy những tâm tư, tình cảm và băn khoăn với cái nghiệp con chữ. Có người khắc khoải với “Viết”, có người suy tư với “Chữ, tiếng nói”, có người lại thấy “Nghề văn tựa như bơi mình giữa biển lớn. Cứ bơi hoài, nhưng chưa ghé được bến bờ”.
Qua nhiều năm, qua nhiều biến chuyển, chưa có người viết nào dám khẳng định việc đãi chữ là điều dễ dàng, là thứ có thể sản xuất ra hàng loạt trong một thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo vô cùng chất lượng cả. Nhà văn Ma Văn Kháng trong bài viết “Nhà văn – Người học nghề mê mải” (in trong quyển “Nhà văn nói về nghề”) đã cho rằng: “Không có chuyện sản xuất cơ giới, sản phẩm ra hàng loạt trong sáng tác văn chương”. Tôi tin ý kiến này không những có tôi mà có rất nhiều những người viết khác cũng sẽ đồng tình. Vậy thì thử nghĩ, khi trí tuệ nhân tạo có cảm xúc thay thế những người viết, liệu nó có là một cây bút trăn trở với nghề hay không? Nó có phải “lắng nghe cho được những ngôn ngữ thầm lặng của những người đau khổ biết nói mà làm thinh không nói” như quan niệm về nghề của Trang Thế Hy hay không? Hay nó có phải rơi vào mấy lúc phải vò đầu bứt tóc để suy nghĩ về từng câu chữ, hoặc phải đi xa đi gần để tìm “cái hứng viết”, phải thu nhặt những đề tài, những kinh nghiệm sống để gọt đẽo văn chương của mình cho ra hình thù như những con người chúng tôi vẫn đang làm hay không?
Tôi tin là những người viết dù là nghiệp dư hay là chuyên nghiệp, hơn nữa là những nhà văn nhà thơ, họ sẽ không bao giờ sợ cái ngày trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế họ trong chính cái nghề mà họ đang gắn bó. Vì hơn ai hết, họ hiểu điều đó sẽ rất khó để có thể xảy ra. Nhưng có thể một trong đại đa số ấy sẽ có người cảm thấy ưu tư hoặc thương cảm cho cái nghề của mình, nếu họ biết được có  người nghĩ cái nghề đã được coi là “rẻ như bèo” này lại có thể dễ dàng thay thế, không phải là thay thế một con người bởi một con người, mà là hàng loạt con người bằng một cái máy. Tôi có đọc được một bài báo cũ được đăng vào tháng 12.2014 trên báo điện tử Dân Trí của tác giả Trần Hải với đề mục là “Văn chương liệu có rẻ như bèo?”. Ở cuối bài báo, tác giả có gửi gắm đôi dòng: “Có người viết văn, làm thơ hay ắt có kẻ trả tiền, và người cầm bút vẫn có thể làm giàu được cho bản thân nhờ chính những dòng thơ, con chữ của mình. Và điều đó chắc chắn sẽ khiến thơ văn nước nhà ngày một khởi sắc, thôi thì cứ hi vọng như vậy!” Vậy mà chỉ chín năm trôi qua, người cầm bút giờ chẳng thể giàu hơn mà còn đang bị đe dọa bởi sự có mặt của những thành tựu khoa học kĩ thuật.
Riêng tôi, tôi thật sự không buồn nếu một ngày cái nghề viết của chúng tôi sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo hay những công cụ viết siêu tiến bộ. Nếu để bản thân bị máy móc thế chỗ, có lẽ những người viết cũng cần phải xem lại mình đã thật sự có tiến bộ kịp với thời gian chưa? Hay bản thân chỉ là một cây bút tỳ ngòi tại chỗ, thậm chí là thụt lùi trong khi tri thức nhân loại vẫn đang không ngừng chạy về phía trước. Chỉ là tôi cảm thấy xót xa khi ngày hôm nay có nhiều người nghĩ rằng việc dùng con chữ thêu dệt nên những mảnh màu cảm xúc nên được công nghiệp hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ có thể thay thế và làm điều đó ưu việt hơn cả con người. Lúc đó, người viết sẽ mất việc như người thợ thủ công bỏ nghề hay người công nhân bỏ nhà máy, khi dây chuyền tự động hóa sản xuất đã thực sự chiếm lĩnh văn chương và “lãnh đạo” ngôn ngữ?
Khi nghe được cách mà người ngoài nghề dùng công nghệ để làm cân đo những giá trị lao động của cái nghề viết, tôi mới thấm thía và đồng cảm hơn với những cảm xúc của người trong nghề, như nhà văn Bảo Ninh có viết (trong quyển “Nhà văn nói về nghề”): “Tôi và chắc chẳng riêng gì tôi cảm thấy khổ sở và thất vọng vô cùng với công việc viết văn của mình. Nhưng tôi yêu nghề này, và không biết làm thế nào ngoài cách im lặng mà viết. Được hay không được, thành hay không thành, nổi danh hay không nổi danh cũng chỉ biết đành cắn răng mà miệt mài gõ bàn phím. Chứ còn biết làm sao bây giờ?” Rất nhiều lúc tôi vẫn nghĩ một cái nghề đã từng chiếm lĩnh một vị trí đắc địa trong xã hội, đã được tôn vinh và trân quý trong quá khứ, đến bây giờ chỉ âm thầm nhận lấy những sự đối đãi bạc bẽo, cay đắng và xót xa như thế này thôi sao?
Vậy thì, nếu thực sự có ngày đó, một ngày mà trí tuệ nhân tạo sẽ hoàn toàn thay thế chúng tôi – những người ngày qua ngày vẫn đang cần mẫn đãi chữ và miệt mài lao động văn chương. AI và Chat GPT trở thành những công cụ hoàn hảo đáp ứng kỳ vọng về việc sản sinh ra những nội dung thơm ngon và chính nhanh hơn cả mì ăn liền. Song le, tôi nghĩ nó sẽ không thể viết ra những dòng chữ thấm đẫm những cảm giác hụt hẫng và buồn bã về cái nghề viết như tôi lúc này, dù cho vài giờ sau đó nó có thể bị thay thế bởi một thành tựu khoa học khác vượt trội hơn…
7/5/2024
VÕ NGUYỄN HUỲNH NHƯ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Tên thực ứng với đời thực? Trái ngược với cái tên Minh Châu “đẹp như mộng”, thuở mới lọt lòng, nhà văn tài năn...