Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Một quãng tuổi thơ

Một quãng tuổi thơ

Tôi là đứa trẻ sinh ra từ núi. Rừng và suối nuôi tôi lớn. Từ bé tôi được mệnh danh là thông minh. Với sức học của tôi, các thầy cô giáo và cả cha mẹ đều kì vọng ở tôi. Tôi muốn làm ngược lại. Tôi ít để tâm đến việc học. Tôi muốn được thỏa chí vùng vẫy bên dòng suối trong mát sau nhà, được đi vào rừng bắt chim cùng các bạn. Tôi thích đi leo núi, chăn trâu, lấy củi như các bạn trong bản vào ngày nghỉ. Tôi không phải chăm chăm ngồi bên bàn học như mong muốn của bố mẹ. Bố mẹ kỳ vọng tôi trở thành một đứa con của núi rừng đeo trên đầu vòng nguyệt quế vinh quang con chữ.
Bố mẹ tôi là viên chức nhà nước. Trong một bản heo hút bên sườn dãy Tả Liên Sơn, cách thị xã nửa ngày đường rừng. Cả bản tôi chỉ có nhà tôi là không có ruộng, nương. Gia đình tôi trở thành hình mẫu, trở thành niềm mơ ước của người dân làng cả bản. Sáng bố và mẹ tôi áo quần sạch sẽ, tươm tất đi phố huyện. Chiều tối về chăm lo việc nhà, con gà, luống rau. Ngoại trừ rau và gà ra thì cái gì nhà tôi cũng phải mua. Củi mua. Gạo mua… Ngày cuối tuần bố mẹ tôi đi dựng nhà, cấy, gặt… giúp các chú, bác trong họ. Còn tôi chỉ một việc lớn nhất là học. Ngoài việc học thì việc nhà của tôi là nấu cơm, rửa bát, buổi chiều cho gà ăn, tối đóng cửa chuồng gà.
Những buổi chiều không có lịch học ở trường, bố mẹ nhắc tôi ở nhà tự học nhưng mười buổi chiều thì có đến tám buổi tôi khóa cửa nhà, kéo cành rong chắn lối cổng vào nhà. Cành rong là cái ngọn tre già được bố để nguyên những rong và dùng dây buộc, nẹp thành cái cổng. Tôi trốn bố mẹ đi chơi cùng thằng Chia cạnh nhà. Chia kém tôi hai tuổi, nó có nhiều kỹ năng leo núi, đi rừng, bắt chim… Tôi cùng nó thường leo lên núi Tả Liên sau nhà vào những ngày trời tạnh nắng hoặc lội suối hoặc chơi trong rừng cao su.
Mẹ sắm cái điện thoại bàn không dây. Mẹ nói: “Để thi thoảng mẹ gọi điện về nhà xem con có ở nhà học bài không?” Ngày ấy chưa có mạng internet và điện thoại thông minh như ngày nay, trong bản tôi nhà nào có được cái điện thoại bàn là sang, là hiện đại nhất bản.
Một tuần khoảng hai, ba ngày mẹ gọi điện giữa buổi chiều kiểm tra việc học của tôi. Kết quả là mười lần gọi thì cả chục tôi nghe máy ngon lành. Điều này củng cố thêm niềm tin trong mẹ, tôi là đứa con ngoan chăm chỉ học hành. Mỗi lần điện thoại kêu reng reng chỉ vài nhịp là tôi nhấc máy. Tôi cũng biết, mẹ chỉ tranh thủ lúc giải lao gọi cho tôi chứ mẹ không có nhiều thời gian. Thường thì mẹ hỏi: “Chiều nay con tự học môn gì? Bữa trưa nấu cơm ăn có ngon không? Thức ăn trong tủ lạnh con có đun lại không?” Mẹ có biết đâu, chiếc balo màu xanh bộ đội mẹ mua cho tôi từ hồi đầu lớp sáu, giờ tôi vẫn giữ gìn cẩn thận. Mỗi buổi trưa, ăn cơm nháo nhào xong là tôi dùng dây vải buộc chặt ống nghe vào thân máy, cho vào balo khoác lên vai. Nhìn tôi bé nhỏ, đen nhẻm, đeo chiếc balo xanh, đội chiếc mũ tai bèo nói chuyện điện thoại bằng ống nghe trên đỉnh hoặc sườn núi giữa mênh mông nắng gió và cây rừng như một anh lính thông tin thời chiến. Với chiếc điện thoại trên lưng, mẹ gọi ở bất cứ chỗ nào tôi cũng có thể nghe được.
Thường thì những buổi trưa ráo giời, tôi cứ đeo balo điện thoại lên vai, ra khỏi ngõ thì thằng Chia đã đợi sẵn. Hai thằng cứ thẳng hướng núi mà leo. Chúng tôi lên núi chỉ để hái vài thứ quả rừng dại như: mâm xôi, lạc tiên, sim, mua… Cũng có khi chúng tôi bắt gặp một cái bẫy thú rừng của bác thợ săn nào đó trên núi. Gặp bẫy thì chúng tôi cho bẫy sập. Bẫy mèo rừng, gà rừng, bẫy dúi, bẫy chim… hay bẫy gì chúng tôi cũng phá hết. Chúng tôi chơi, nghịch ngợm hoặc nằm dài dưới gốc cây cả buổi nhưng vẫn phải căn giờ. Khoảng bốn rưỡi chiều là phải xuống bản đón thằng em Vừ của tôi ở lớp mầm non về.
Cuộc sống của tôi là niềm khát khao của lũ bạn trai lớp tôi. Chúng nó ngoài giờ học phải đi chăn trâu, ngày chủ nhật phải đi gặt lúa, lên rừng kiếm củi, đi săn với bố hoặc đi bắt cá. Chúng thích nhà có tivi, có tủ lạnh, có điện thoại bàn, có bố mẹ làm viên chức nhà nước như tôi. Bọn chúng thích được tự do đi chơi cả chiều như tôi. Có một điều, chúng ko bao giờ biết được là tôi thèm được sống như chúng. Đi học về ăn cơm trưa với cả gia đình. Kết quả học như thế nào không ai hỏi đến, không bị cái áp lực vòng nguyệt quế gắn vào đầu.
Lúc còn học tiểu học, tôi ở với bà. Bố mẹ đi công tác liên miên. Cái việc học của tôi không thành là lỗi của ông bà. Bà thương cháu, chiều theo ý muốn của cháu. Ra khỏi nhà, tôi là thằng quỷ sứ, nhưng về với bà thì tôi là đứa cháu ngoan. Trưa hè, tôi tập hợp bọn trẻ trong bản tắm suối. Ao tù thả vịt, nuôi cá nhà thằng Chọi cũng tắm. Có hôm, đang vẫy vùng trong ao nước, thoáng thấy bóng bà đi qua. Lặn một hơi thật dài đến khi không nhịn thở được nữa tôi ngóc cổ lên lấy hơi thì bà đang đứng trước mặt. Bà không đánh mắng tôi nhưng tôi vẫn run. Không biết tôi run vì sợ bà hay sợ cái uy của bố mẹ tôi.
Tôi luôn tỏ ra là đứa con ngoan nhưng lại không muốn nghe lời bố mẹ chăm chỉ học tập. Tuy vậy tôi không bị điểm kém bao giờ bởi tôi học rất nhanh. Tôi không mất nhiều thời gian tự học nhưng các bài tập cô giáo giao tôi thường tranh thủ làm. Vì thế cô giáo kiểm tra bài lúc nào tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Các bài học thuộc lòng cũng vậy, chỉ mất năm mười phút là tôi thuộc đến gần nửa trang giấy. Có một điều, mỗi lần đi thi tôi chỉ thích làm dưới điểm mẹ muốn. Tức là khả năng tôi có thể làm được chín hay mười thì tôi chỉ là lấy bảy, tám. Mỗi lần tôi được điểm không như ý, mẹ không la mắng nhưng thường tỏ ra không hài lòng và hơi thất vọng có chút buồn phiền. Mẹ không ép tôi học bao giờ, chỉ nhắc nhở và khuyên. Cũng không gay gắt mỗi khi tôi làm trái ý mẹ.
Ngày ấy, tôi gầy như một que củi khô. Cánh tay khẳng khiu chỉ có da bọc xương, không một nhúm thịt. Mỗi khi tôi vén áo lên, hóp bụng lại sẽ nhìn và đếm  được từng chiếc xương sườn, không sót cái nào. Da tôi đen nhẻm, cháy nắng. Tuy gầy gò nhưng tôi ít ốm vặt nhất lớp. Hầu như tôi không phải nghỉ học vì ốm bao giờ. Điều đó khiến tôi chủ quan. Sự chủ quan, coi thường thời tiết đã khiến tôi phải lĩnh một trận thập tử nhất sinh. Ba buổi chiều liên tiếp được nghỉ học, tôi đầu trần leo núi, mồ hôi ướt đầm đìa mặt. Nắng cháy bỏng rát mớ tóc hung hung đỏ bết vào trán. Đến chiều buổi thứ ba thì tôi thấy người ngây ngấy sốt. Tôi cố gắng hoàn thành công việc mọi ngày vẫn làm: đón em, nấu cơm, gọi gà cho ăn…
Xong việc tôi nằm vật xuống nền nhà, thiếp đi lúc nào không biết. Tôi mê man. Trong cơm mê tôi thấy da thịt tôi là một lò than hồng rừng rực cháy, đốt bộ xương khô. Bộ xương lúc đầu nóng ra rồi mềm nhũn và dẻo như thanh sắt nguội ông Giàng A Sung thường đốt lò rèn sắt ở đầu bản. Những thanh sắt nguội cho vào lò sau vài phút đã hồng rực lên. Ông Sung gắp ra, đặt thanh sắt hồng lên một cục sắt nguội, quai búa nện chan chát vào miếng sắt nung. Ông tán mỏng, dẹt hoặc bẻ cong miếng sắt tùy ý. Mồ hôi trên khuôn mặt ông nhỏ giọt tong tong vào miếng sắt bốc hơi xèo xèo. Ông nhúng thanh sắt vào thau nước gần tay. Thanh sắt sôi trong thau nước xèo xèo như ai đang rán mỡ. Nước bốc hơi tỏa lên khuôn mặt chai sần của ông, ấm áp như nước trong dòng suối sau nhà mùa đông.
Những buổi sáng, khi tuyết phủ trắng ngọn Tả Liên hay dãy Putaleng, dãy Lao Tỷ Phùng phía xa xa thì dòng suối cũng bốc hơi nghi ngút. Nước suối ấm hơn nước trong vại bên hiên nhà. Tôi như thanh sắt trong lò ông Sung bớt nóng dần, chỉ còn cảm giác ấm áp lan tỏa khắp cơ thể. Rồi mát. Mát lạnh như trận mưa đá giữa trưa hè. Tôi hồ hởi chạy ra sân tắm mưa. Tung tăng giữa sân, một tay giữ chậu nhôm trên đầu, một tay vun đá thành đống. Mẹ gọi tôi vào nhà nhưng tôi nấn ná mãi đến khi cục đá to bằng cái quả sơn tra rơi chéo vào tay chân rát rạt tôi mới chịu chạy vào nhà. Nước đá vẫn còn đọng lại ở cổ, gáy, trán, lưng… Dịu dần, dịu dần! Cái nóng đã đi qua tự bao giờ.
Tôi khẽ khàng mở mắt. Mọi thứ xung quanh tôi thật lạ lẫm. Giường nệm êm trải ga trắng muốt. Bàn tay mẹ nhẹ nhàng chờm khắp người cho tôi bằng khăn dấp nước ấm. Tôi nhấc cánh tay lên, mẹ vội đỡ lấy tay tôi. Mẹ nhắc tôi nhẹ nhàng không chảy máu. Lúc ấy tôi mới biết tay tôi vướng víu vì mũi kim và dây truyền. Từng giọt nước truyền nhỏ chậm rãi theo mũi kim đi vào cơ thể. Mẹ vuốt má tôi hỏi giọng đầy trìu mến, yêu thương:
– Con thấy người thế nào? Tỉnh lại là tốt rồi! Con trai của mẹ!
Chả hiểu sao lúc ấy tôi lại khóc. Khóc vì tủi thân mình, khóc vì thương mẹ hay khóc vì sự ăn năn hối lỗi chưa kịp nói ra thành lời của đứa trẻ không chịu nghe lời mẹ thì tôi không rõ. Chỉ biết rằng nhìn đôi mắt sâu trũng, thâm đen của mẹ tôi thấy xót xa. Giá như tôi bớt đi chơi. Giá như tôi biết nghe lời mẹ ở nhà chăm chỉ học hành thì mẹ đâu phải thức trọn đêm lo lắng canh chừng giấc ngủ cho tôi.
Giá như! Tôi nhắm hờ mắt, tự nhủ lòng mình nếu khỏi bệnh sẽ chăm chỉ học hành và chịu khó nghe lời bố mẹ, cô giáo. Tôi cũng sẽ khuyên thằng Chia bớt trốn nhà đi chơi và tôi tin chúng tôi sẽ trưởng thành. Tôi thấy, hình như hôm nay tôi đã lớn hơn hôm qua nhiều, rất nhiều!.
20/8/2023
Đào Thanh Tám
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...