Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Vẻ đẹp văn chương của Vladimir Nabokov

Vẻ đẹp văn chương
của Vladimir Nabokov

Vẻ đẹp Nga quá vãng qua nhãn quan tràn đầy lòng trắc ẩn, nuối tiếc của Nabokov. Khép sách lại, là một giọt nước mắt lăn xuống cho thân phận những người Nga tha hương.
Tôi đã ngần ngại đọc “Mỹ nhân Nga” (Thiên Lương dịch, NXB Văn học ấn hành) bởi lẽ, hồi ức khi đọc “Lolita” (Dương Tường dịch, NXB Hội Nhà văn xuất bản 2015) trong tôi là khó nhằn và ám ảnh. Nabokov luôn kìm độc giả đọc chậm, đọc kỹ, nhẩn nha. Sách không dành cho người đọc vội, đọc lướt, cũng không dành cho ai đang mệt mỏi, trầm uất, vì có khi nó khiến người ta xuống tinh thần hơn. Sách dành cho ai thật cân bằng, tĩnh tại, vì đọc Nabokov vừa là để thưởng thức vừa là để luyện trí não vừa là để tìm kiếm cái đẹp của văn chương.
“Phù thủy ngôn từ”
Nabokov là nhà văn chú trọng đến ngôn ngữ miêu tả. Từ ngữ như khắc, như chạm, kiệm lời nhưng có hồn, như nhảy múa, ca hát, như gợi trước mắt chúng ta. Tôi thích nhất cách Nabokov miêu tả thiên nhiên, khung cảnh, không gian, cảnh vật,…
Tôi đọc đi đọc lại những đoạn miêu tả mà mình nghĩ chỉ có cỡ Nabokov mới có thể viết được như đoạn tả buổi đêm trong “Lá thư đến nước Nga”, đoạn này gợi tôi nhớ đến “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Đoạn tả toa tàu trong truyện ngắn “Mối tình đầu” đẹp như cổ tích, đoạn tả buổi sáng ở biển trong truyện “Cuộc ẩu đả” chan hòa ánh nắng với “dòng nước tuôn như cái quạt bạc mềm dẻo từ ống cao su lấp lánh, lúc bay về phía mặt trời, lúc lại uyển chuyển sà xuống các bụi cây run rẩy”; “mây hè trôi thành đoàn hành hương bồng bềnh – những đám mây hình lạc đà, những đám mây hình túp lều. Mặt trời cố luồn qua giữa chúng, song chúng phủ các rìa sáng lòa lên nó, không trung tắt dần, rồi ánh hào quang lại chín mọng”,… rất nhiều đoạn miêu tả khiến ta phải đọc chậm, trầm ngâm, tưởng tượng trước mặt mình khung cảnh ấy. Nabokov là nhà văn được mệnh danh “phù thủy ngôn từ”, với quan niệm “chữ được ban cho quyền lực cao cả để sáng tạo…” (Hành khách, tr.119).
Vẻ đẹp của lòng trắc ẩn
Khi đọc “Lolita”, nhiều người phân vân về tính nhân văn của tiểu thuyết, họ đặt câu hỏi tại sao Nabokov lại miêu tả kỹ lưỡng chân dung một nhân vật bệnh hoạn đến thế, có khá nhiều độc giả đã dị ứng và bài xích Nabokov. Nhưng đến tập truyện ngắn này, 100% độc giả sẽ thấy Nabokov rất nhân văn. Ông rất hay miêu tả những con người vô danh, lầm than, cùng quẫn như chàng làm thuê, cô gái điếm, những người bị tật nguyền, khiếm khuyết thể xác hoặc tinh thần,…
Nabokov dành cảm tình đặc biệt cho người già. Hơn một nửa số truyện trong tập này kể về những người Nga lưu vong già nua sống âm thầm ở châu Âu một cách mòn mỏi, lê lết, hoài nhớ về cố quốc trong những chuỗi ngày chán chường, buồn bã, vô vị. Cách miêu tả những chi tiết vặt vãnh để minh họa cho chủ đề “con người nhỏ bé” đó của Nabokov trong trường hợp này đạt hiệu quả đặc biệt, “chẳng lẽ không phải mỗi nhà văn đều chính là kẻ vẫn bận tâm với những thứ vặt vãnh đó sao?”(Hành khách, tr.113). Thủ pháp “miêu tả các vật thể bình thường”(Cẩm nang du ngoạn Berlin, tr.65) của Nabokov nổi bật như một đặc trưng nghệ thuật của ông, ví dụ ông có thể tả cái tất chân, tả vết tàn nhang, cái mũi nhọn, cái máy trợ thính,… đều mang tính cụ thể để khái quát cá tính nhân vật.
Vẻ đẹp nhân hậu và trắc ẩn của Nabokov mềm mại đến nỗi khiến độc giả yêu thương luôn các nhân vật của ông, sợ chẳng may kết thúc làm đau nhân vật của mình. Ví dụ như câu chuyện về kết thúc cuộc đời của cô gái xinh đẹp quý tộc Nga (Mỹ nhân Nga), cách báo tin về cái chết của cậu con trai cho người mẹ (Báo tin), số phận của chàng trai bị thiểu năng (Dấu hiệu và biểu hiện), cuộc đời lang thang của hai anh em song sinh dính liền (Cảnh đời một quái vật kép),…
Nabokov thường chọn kết thúc lửng lơ, nửa chừng theo cách “đem lại ấn tượng bất ngờ bằng cách kết thúc tự nhiên nhất” (Hành khách, tr.119). Lạ thay, kết thúc này không làm độc giả hụt hẫng mà thở phào vì đỡ chứng kiến sự đau đớn có thể tưởng tượng nếu kết thúc đi đến tận cùng.
Nuối tiếc quá vãng
Nabokov tự nhận mình là “nhà văn tha hương” (Lá thư đến nước Nga, tr.42). Gần hết 17 truyện ngắn trong tập truyện đều bàng bạc dấu vết Nga. Hồi ức Nga đậm đặc trong từng chữ, câu, suy nghĩ của nhân vật: thuốc lá Nga, quý tộc Nga, mỹ nhân Nga, các ngày lễ kiểu Nga, thậm chí đến cả cách cắt tóc của thợ cạo Nga,…
Sinh ra ở Petersburg, Nabokov thường xuyên nhắc đến thành phố tuyệt đẹp này với những ký ức không thể nào quên như đại lộ Nevski chẳng hạn. Không mang màu sắc hận thù, dè bỉu, chỉ có nỗi nhớ quay quắt về nước Nga như truyện “Ma Cây”, “Lá thư đến nước Nga”, “Mối tình đầu”, “Mưa Phục sinh”, “Mỹ nhân Nga”, “Dao cạo”,…
Lấy tựa truyện “A Russian Beauty” (Vẻ đẹp Nga) làm tựa chung cho cả tập truyện, mặc dù truyện được dịch là “Mỹ nhân Nga” vì nhân vật chính là một cô gái quý tộc Nga xinh đẹp, tôi có cảm giác dịch giả có lẽ cũng muốn nói đến chủ đề chung của tập truyện này: Vẻ đẹp Nga quá vãng qua nhãn quan tràn đầy lòng trắc ẩn, nuối tiếc của Nabokov. Khép sách lại, là một giọt nước mắt lăn xuống cho thân phận những người Nga tha hương.
16/8/2023
Trần Lê Hoa Tranh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...