Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Vun mầm yêu thương và

Vun mầm yêu thương và…

Tác giả Kim Loan tên thật là Bùi Thị Kim Loan hiện đang sống và làm việc tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Văn chương đến với chị một cách tình cờ khi tham gia các diễn đàn văn chương trên mạng xã hội.
Kim Loan bắt đầu sáng tác bằng thể loại thơ và đã có thơ đăng trên các tờ báo, tạp chí trung ương và địa phương Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội, Người Hà Nội, Văn Nghệ Bình Dương… Chị mới viết tản văn gần đây và chị phát hiện mình cũng yêu thể loại này.
Tản văn của Kim Loan viết rất mềm mại, tình cảm, đầy tính nhân văn, đôi khi thổn thức về những điều kỳ lạ khó lý giải về thế giới quanh mình. Đọc tản của chị ta như thấy được cuộc sống rất đỗi hiền hòa, thân thương, gần gũi và bay bổng trong từng con chữ. Hiện tại Kim Loan vẫn lặng lẽ sáng tác song song hai thể loại thơ và tản văn, để thỏa mãn tình yêu và niềm đam mê con chữ của mình.
NHÀ VĂN LÊ VI THỦY giới thiệu
VUN MẦM YÊU THƯƠNG
Chị học cùng khóa với tôi, sở dĩ tôi gọi là chị vì năm đó chị tham gia thi đại học khi đã tốt nghiệp phổ thông và đi làm mấy năm rồi. Vì gia đình khó khăn và chị muốn tự kiếm tiền trang trải cho việc học, nên chị không vội học đại học mà đi làm. Những tưởng quay cuồng trong công việc khiến chị quên đi việc học nhưng sau đó một thời gian chị tự ôn và thi đỗ một cách ngoạn mục. Một người phụ nữ bản lĩnh như vậy mà lại bảo dại khờ thì có phi lý quá không?
Chị kết hôn khi cả anh và chị đều có công việc ổn định ở một thành phố lớn. Cái hồi chưa có con, bao nhiêu tiền làm được, anh chị dành phần lớn để lo cho gia đình cha mẹ hai bên mà chủ yếu là gia đình anh vì bên đó khó khăn hơn, phần cũng muốn thay anh báo hiếu. Thu nhập của chị nhiều hơn anh, lương anh chỉ đủ ăn tiêu và cà phê với bạn, thế nhưng tháng nào chị cũng đưa tiền cho chồng tận tay biếu ba mẹ chồng. Chị tinh tế lựa chọn những món quà có giá trị và thiết thực cho từng thành viên trong nhà, nhưng đối với bản thân thì luôn cân nhắc, dè sẻn.
Trong những cuộc nói chuyện, chị luôn tỏ ra cho ba mẹ hay mọi người biết rằng chồng chị là thu nhập chính trong gia đình. Ba mẹ chồng chị luôn nghĩ rằng số tiền đó là do con trai họ kiếm được mà không hề biết đó là do chị cực khổ làm ra. Họ còn sợ rằng bên nhà chị lợi dụng con trai họ. Chị thừa hiểu nhưng biết làm sao được, chị cũng không có thói quen kể lể. Chị chỉ nghĩ, xấu chàng thì hổ ai, thôi thì mình dại một chút để chồng được tôn trọng.  Rất nhiều người đàn bà cũng giống chị, họ vẫn biết là họ dại đấy. Họ có thể khôn ngoan với bất cứ ai nhưng luôn muốn dại khờ với người đàn ông mà họ yêu thương.
Cho đến lần mang thai đứa con thứ hai, chị nghe người ta đồn là anh có dan díu với một cô gái trẻ bên ngoài, chịmột lần nữa dại khờ, giả vờ không biết, giả vờ không hay. Chị không làm ầm lên như bao người, chị chỉ lặng lẽ khóc và chủ động tránh xa điện thoại của chồng. Bạn chị xúi đi bắt ghen tại trận nhưng chị lại càng không làm việc đó. Không phải chị sợ phải đối đầu với tình địch mà chị sợ sẽ trông thấy những điều có thể ám ảnh tâm trí chị mãi. Với lại lỗi cũng không phải do một mình cô gái ấy. Mà chị thì còn yêu anh, vì yêu nên bao dung cả những thứ không hoàn hảo. Chị bào chữa rằng đó chỉ là say nắng nhất thời. Giữa khôn ngoan và khờ dại, chị lại chọn cách khờ dại.
Bạn chị bảo chị dại quá, bòn tro đãi trấu cho con chó gấu nó ăn. Chị vỡ lẽ ra vì sao chồng vẫn đi làm mà không đưa lương cho chị. Nhưng vì việc đó thì ít mà đau khổ vì người đầu ấp tay gối phản bội thì nhiều. Nhưng suy đi tính lại chị không muốn làm quá lên, rồi thì gia đình tan vỡ, con chị lại không có một gia đình trọn vẹn. Chỉ chỉ ra tín hiệu để chồng biết, và nếu anh chỉ nhất thời sai lầm cũng sẽ kịp sửa đổi. Cũng may lần đó anh đã quay đầu!
Tôi hỏi sao chị cứ cố kìm nén để làm gì, ít nhất cũng phải nói thẳng, cũng phải la hét lên, cũng phải điên một lần cho giải tỏa. Chị chưa vội trả lời tôi mà vuốt tóc đứa con nhỏ. Tôi cũng không cần phải nghe câu trả lời nữa, chắc là ai cũng biết những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào trong những tiếng cãi vả của cha mẹ chúng?
Khi tạm biệt nhau trước cửa quán cà phê, chị bảo trong đời chị vì một lần dại khờ là đã yêu anh, lấy anh nên những lần dại khờ sau này là để sửa chữa cho cái dại khờ khi đó. Trong lần ba chồng chị bệnh nặng phải nằm viện dài ngày, rốt cuộc họ cũng hiểu được bao năm qua chị đã cực khổ gồng gánh như thế nào và con trai họ đã vô tâm ra sao. Còn anh, sau tất cả anh vẫn là một người cha tốt, chị luôn có niềm tin lòng bao dung và những thiên thần nhỏ sẽ đủ thức tỉnh mầm lương thiện và trách nhiệm, mầm yêu thương, thứ mà trước đây đã khiến chị yêu anh.
NHỚ MÓN MẮM CHƯNG CỦA MÁ
“Giàu thì thịt cá bẽ bàng
Nghèo thì cơm mắm lại càng thấm lâu”
(Ca dao)
Có lẽ do tôi sinh ra ở một miền quê nghèo mà đặc biệt là vùng quê Nam Bộ nên món mắm là món không thể thiếu trong các bữa cơm gia đình tôi. Đặc biệt vào những ngày mưa, ăn cơm với mắm là thượng sách. Do mắm có thể để dự trữ được lâu, rẻ và ăn rất đưa cơm, phù hợp với người dân lao động. Má tôi cũng như các bà mẹ khác ở trong thôn hầu như lúc nào cũng có ít nhất trong nhà vài ba loại mắm. Mắm là món chủ đạo trong bữa ăn đến nỗi mà ở quê tôi người ta gọi chung cái từ “mắm” để thay cho các món ăn với cơm. Cái từ như “mua mắm” hay “làm mắm” được các bà các chị nói với nhau hàng ngày trong những câu chuyện phiếm.
Nói đến mắm thì có rất nhiều loại và các món ăn được chế biến từ mắm thì cũng nhiều vô số kể. Nhưng có lẽ món mà anh em tôi nhớ nhất và đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn làm đó là món mắm chưng với thịt và trứng. Ngày xưa, má tôi hay làm trong các bữa ăn và đặc biệt khi nhà có khách thì không thể thiếu. Mỗi lần các anh tôi cùng đồng nghiệp đi công tác ngang nhà ghé lại ăn cơm má đều làm cho món mắm chưng, riết rồi các bạn của anh tôi cũng bị nghiện. Hay như lần tôi dẫn bạn học ở thành phố về chơi, đến sau này cứ có dịp gặp là nhắc lại cái món mắm chưng thần thánh của má tôi như là ấn tượng khó phai nhất.
Món mắm chưng này nghe qua tưởng chừng dễ làm bởi nguyên liệu cũng chỉ là thịt heo, cá mắm, trứng, tiêu hoặc ớt trộn đều rồi đun cách thủy. Nói có vẻ thì đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng làm cho ngon được mà phải đích thực người dân vùng Nam bộ chế biến thì món mắm chưng này ăn mới đúng vị. Mắm để làm món này má tôi thường dùng mắm cá linh, cá sặc hay mắm đồng. Mắm có thể cho vào một ít nước đun sôi để mắm rã ra, lọc bỏ phần xương rồi trộn với thịt đã băm nhuyễn hay như má tôi làm là cho mắm nguyên con vào băm nhuyễn chung với thịt đều được. Sau đó cho vào một quả trứng trộn đều, một quả trứng còn lại thì chỉ trộn phần lòng trắng, nêm gia vị vào sao cho vừa ăn, để lòng đỏ còn lại trên mặt (có thể thay thế bằng lòng đỏ trứng muối) và vài lát ớt, tiêu rồi mang đun cách thủy. Thời gian chín tùy thuộc vào độ dày của hỗn hợp nhưng thường từ 15-20 phút, khi nào ghim thử chiếc đũa hay chiếc tăm xuống mà rút lên thấy mắm không còn dính thì mắm đã chín.
Nếu chỉ mắm chưng thôi thì chưa trọn vẹn cho món này, nhất định là phải ăn kèm rau sống, dưa leo, cà chua… hay như má tôi là thêm chuối chát, khế, nói chung có rau gì trong vườn đều ăn chung được, rất đưa cơm. Mùi thơm của mắm, vị chua, chát, cay nồng của rau hòa lẫn vị béo bùi của hột vịt, tạo nên hương vị đậm đà của một món ăn đặc trưng Nam bộ.
Nếu như bạn từ những miền quê lên phố thị sinh sống, hay là những người có nguồn gốc sâu xa với ruộng đồng, khi ăn món mắm chưng thịt này, sẽ thấy như được trở về vốn chốn quê xưa.
MÙI TẾT
Nắng xuân đã tràn ngập trên phố phường. Nắng chiếu trên cành cây, chen qua từng kẻ lá. Nắng luênh loang trên những con đường,len lách trong từng con hẻm nhỏ. Con hẻmmà thường ngàytôi vẫn đi ngang qua, sáng nay bỗng dậy lên một mùi thơm thân quen khiến cho tâm hồn tôi cảm thấy vô cùng xôn xao, khó tả. Có những mùi hương luôn ấn tượng mạnh mẽ trongtôi, ngay cả khi đã lâu lắm rồi nhưng vô tình được cảm nhận lại thì ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trínhư mới hôm qua. Như ngay lúc này, ký ức những ngày giáp tếtnhư hiển hiện ngay trước mặt khi nghe mùi thơm dưa kiệu tỏa ra từ ngôi nhà đầu ngõ. Vậy là sắp tết rồi!
Năm nào cũng thế, cứ vào thời gian những ngày đầu tháng chạp là ngôi nhà đầu ngõ làm dưa kiệu để bán. Do làm số lượng nhiều nên mùi thơm sực nức cả không gian. Mà cái mùi thơm của dưa kiệu nó lạ lắm, nó khiến cho con người ta cay cay nơi khóe mắt. Không biết do kiệu nồng, hay là do mùi tết bất chợt ùa về, trong một lúc choáng ngợp làm cho người ta không khỏi rưng rưng. Tôi chạy chậm lại và hít hà mùi hương ấy, lòng tần ngần muốn đứng lại mãi nơi này. Ôi, phố xá ngoài kia vẫn ồn ào và vội vã làm sao. Giữa dòng đời tấp nập, bỗng thèm lắm cái nắng ngày xưa, thèm lắm khoảng sân má phơi nia kiệu bên gốc cây mai vàng mà ba tôi vừa lặt lá hôm rằm tháng chạp.
Hồi đó, vào độ giữa tháng chạp, má tôi ta tận ruộng để mua củ kiệu vừa thu hoạch. Cả một khu đất rộn ràng, vừa người dân vừa thương lái đến mua, ai nấy hân hoan chào nhau í ới. Má tôi chọn loại củ kiệu vừa phải, không lớn quá mà cũng không nhỏ quá.Sở dĩ phải ra ruộng mua kiệu tươi vì má tôi cũng tận dụng cả lá kiệu để làm chua nữa. Tôi cũng không nhớ rõ cách má làm, chỉ thấy má tôi cắt phần củ ngâm nước tro qua đêm rồi sau đó mang phơi, kiệu vừa héo thì cắt tiện cho gọn gàng xếp vào hũ.Sau đó nấu nước giấm đường chế vào xăm xắp. Má vừa làm vừa hay giải thích nhưng lúc ấy tôi vốn ham chơi cũng chẳng để tâm là mấy. Chỉ loáng thoáng câu nhớ câu quên. Khi thì cắt kiệu chỉ tiện phần rễ chứ không cắt sát quá, kiệu sẽ mau mềm, không giòn. Khi thì nồi giấm khi nấu xong để nguội hẳn mới chế vào hũ kiệu và tuyệt đối không để rơi một giọt nước lạnh vào trong đó, vân vân và vân vân … Nhiều lúc tôi cứ kêu ca sao má cứ nói nhiều, tôi thì tôi thích mấy cái hoa hòe hơn cơ, những ngày gần tết cũng là lúc tôi trang trí nhà cửa.
Tôi nhớ hồi nhỏ chị em tôi hay làm mai đào giả. Có ai còn nhớ cái lõi cây khoai mì (miền Bắc gọi là cây sắn), bên trong nó có phần trắng xốp. Chị em tôi thường hay dùng đũa thụt phần lõi đó ra và để khô. Sau đó dùng một chiếc chai tròn lăn qua lăn lại ép cho dẹp xuống. Chúng tôi làm những chén nước đầy màu sắc, lõi sắn sau khi làm dẹp và cắt xéo xéo ra thành miếng nhỏ cho vào nước màu sẽ nở ra thành những cánh hoa. Ngày xưa như thế là đẹp lắm, chị em tôi làm mấy ngày liền có khi ngủ còn mơ thấy những cánh hoa. Rồi cắt giấy màu treo lên như hoa đăng, bốn sợi nối bốn cây cột nhà trên, ở giữa thì treo một trái châu cũng cắt bằng giấy lung linh màu sắc.
Cũng có một kỷ niệm mà tôi không sao quên mỗi dịp xuân về, nó gắn liền với cây me cổ thụ nhà ông năm hàng xóm. Cây me có tàn xòe rất rộng che mát cả một khoảng sân to. Ngày thường, bọn con nít chúng tôi vẫn hay tụ tập chơi ở đó những ngày gần tết bỗng trở thành một cái “tiệm” uốn tóc dạo. Hầu như con nít cả xóm tập trung ở đó để được uốn tóc. Tôi không nhớ chị uốn tóc dạo ấy tên gì, chỉ nhớ là trong tâm trí non nớt lúc đó chị ấy rất “model”. Mà không hiểu sao cứ đầu tóc quăn là mặc định đẹp. Chị em tôi cũng được má dẫn đi “uốn đầu quăn”, uốn xong về nhà cứ không dám nằm sợ nó xẹp đi mất. Vậy mà náo nức lắm, nôn nao lắm. Niềm vui ngày xưa đơn giản hơn bây giờ nhiều.
Cứ thế mà tôi lớn lên cùng với những mùa xuân nơi xóm nhỏ. Mỗi một lần má làm dưa kiệu là mỗi lần đánh dấu một năm trôi qua với bao đổi thay trong cuộc sống. Nhưng dù có thay đổi thế nào thì mùi thơm nồng của kiệu vẫn không thể nào thiếu được trong mỗi dịp xuân về. Mùa xuân nơi xóm nhỏ không cầu kỳ hoa mỹ, mùa xuân thật dễ thương vì lòng người cũng mong đợi mùa xuân!.
19/8/2023
Kim Loan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...