Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

"Khắc khoải lòng" thơ Tô Thùy Yên

"Khắc khoải lòng"
thơ Tô Thùy Yên

Tôi là người đọc rất yêu mến thơ Tô Thùy Yên, yêu mến cả nhân cách của nhà thơ này thể hiện qua thơ anh.
Tô Thùy Yên từng là sĩ quan trong quân đội Sài Gòn, từng bị đi cải tạo nhiều năm sau 1975. Nhưng đọc thơ anh, chỉ thấy đau đớn, chỉ thấy xót xa và chỉ thấy một tâm hồn Việt không bao giờ muốn tách rời khỏi đất Mẹ của mình.
Cách đây chừng hơn 25 năm, vào độ cuối xuân, tôi có viết một bài thơ theo dạng cũ. Tôi vốn ít khi viết dạng thơ này, nhưng khi nhìn bông hoa hồng trồng trong chậu trên gác nhà mình, tự nhiên những câu thơ có vần chợt đến:
“Cuối xuân cây lá rung dìu dịu
Mình anh đối diện với hoa hồng
Con đường chợt khuất mưa rào níu
Vệt bánh xe buồn tới nẻo không
Bao người đã sống bao người sống
Nghe tiếng kêu chi khắc khoải lòng” (Không đề)
25 năm sau, tôi muốn mượn lại câu thơ mình để viết về thơ của nhà thơ Việt hải ngoại Tô Thùy Yên: “Nghe tiếng kêu chi khắc khoải lòng”.
Đúng là ở đời, dù ta muốn cách mấy, thì buồn vẫn nhiều hơn vui. “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” nhưng tính buồn vẫn nhiều hơn tính vui. Chỉ có điều khi ta buồn, có lẽ chất người của ta lại nhiều hơn khi ta vui. Tôi chợt nhớ bài thơ Uống rượu với bạn đồng hương – một bài thơ thật cảm động của nhà thơ Yến Lan – nhớ nhất đoạn thơ này:
“Rồi năm tháng cách xa
Thành công chen thất bại
Có nỗi buồn khỏe ra
Có niềm vui chạnh mãi”
Nếu có niềm vui, khi nghĩ lại, khiến ta chạnh lòng, thì nhiều phen một nỗi buồn thanh sạch lại khiến lòng ta như “khỏe ra”. Cái khỏe ra của tâm hồn, không phải dễ để nhận thấy, nhưng nó hoàn toàn có thật.
Tôi nghe danh Tô Thùy Yên đã lâu, nhưng đọc thơ anh chậm hơn. Cũng một dịp may, khi tôi sang Paris dự Liên hoan Thơ quốc tế năm 2003, một tập thơ của Tô Thùy Yên đã đến với tôi tại quán Foyer Viet Nam của người bạn chủ quán – nhà thơ Võ Văn Thận.
“Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi” (Ta về)
Những niềm vui nho nhỏ, “vui lẻ loi” ấy nhiều khi lại sống trong ta, giúp ta năng lượng sống nhiều hơn những “trận cười thâu đêm” mà chẳng biết có vui thật không. Bài thơ Ta về được Tô Thùy Yên viết sau hơn mười năm phải sống trong một trại cải tạo hậu chiến tranh. Đó có thể là thời gian dài nhất trong đời anh, nhưng cũng là thời gian khiến thơ anh đằm xuống một sức nặng khó tả. Đó là điều có lẽ không nhà thơ nào muốn, nhưng khi số phận đã “gõ cửa” đời ta, thì sự nhẫn nại chịu đựng lại làm nên một nhân cách thơ trầm tĩnh. Tôi chợt nhớ đến Josef Brodski và những vần thơ trong khổ nạn của ông. Những vần thơ hết sức trầm tĩnh, hết sức nhẫn nại:
“anh lại nghe tiếng hát những người tù
và tiếng bước chân người cai tù câm lặng
anh lại tự hát, hát trong im lìm:
Thôi từ giã nhé, tháng giêng” (Son-nê)
Năm 1961, tạp chí Sáng tạo (Sài Gòn) đã in bài thơ Lễ tấn phong tình yêu của Tô Thùy Yên. Năm ấy anh mới 23 tuổi, nhưng bài thơ dài đã xác lập trên thi đàn chiều kích của một nhà thơ lớn sắp sửa. 34 năm sau, vào 1995, tập Thơ tuyển của Tô Thùy Yên ra đời, khẳng định thi tâm và thi tài của nhà thơ Việt này. Nguyễn Du viết “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nhưng tôi nghĩ, trong thơ, thì tâm và tài là 50-50. Phải có đủ cả 100% đó nhà thơ mới yên lòng, và thơ họ mới tự khẳng định. Xuất từ tâm, nhưng qua tài, thơ Tô Thùy Yên như muốn nói, nói mãi, nói hết nỗi lòng mình. Khi một bài thơ dài kết thúc, ta vẫn còn muốn đọc nữa, đọc nữa, và hình như còn gì nữa mà nhà thơ muốn nói tiếp.
Thơ Tô Thùy Yên lặng lẽ. Dù anh viết dài hay viết ngắn, thì thơ ấy vẫn lặng lẽ. Người đọc đồng cảm với thơ ấy, cũng trong lặng lẽ. Đó là thơ của Chim kêu bãi quạnh, hắt hiu và đau đớn:
“Cởi đôi giày vẹt, tấm áo tả
Xót xa như lột một lần da” (Chim kêu bãi quạnh)
Thơ ấy nhiều khi như bâng quơ, mà găm vào ta thật sâu:
“Mai có ai về ngang quãng sông này,
Xin ném cho hòn đất hỏi thăm” (Viễn Tây)
Khi người ta đã thấu lẽ tử sinh, đã thấu suốt phận người, thì:
“Nhớ, như cỏ, xô tràn…
Mơ, như mây, tản mạn…” (Đại Bình Nguyên)
Một nhà thơ như thế, có thể gọi là đạt đạo. Thì là đạo làm người, vậy thôi:
“Ở những mối đường tẽ ba tẽ bảy phân vân
Muốn xuống xe, làm như kẻ lang thang xưa,
Tung cao may rủi một đồng tiền hay một cành cây,
Nhờ tình cờ định hướng hộ” (Đại Bình Nguyên)
Không ai muốn rơi vào tâm trạng ấy để có thơ hay, nhưng khi đã lâm vào, thì chính những giọt thơ buồn như rượu mạnh sẽ giải thoát mình khỏi mọi trầm cảm. Tôi đọc bài thơ Đại Bình Nguyên của Tô Thùy Yên và chợt thoát ra với đúng cảm giác này của tác giả khi kết thúc bài thơ:
“Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn
Anh không còn muốn tự định liệu”
Bởi tâm trạng của nhà thơ Việt nhập cư hôm nay không giống với tâm trạng của những người thuở xưa đi khai phá nước Mỹ, những chàng trai miền Viễn Tây cưỡi ngựa ngang tàng trên đồng cỏ. Rồi ngay trong lúc đó, chợt hiện về hình ảnh một kinh thành xa lắc:
“Nắng mưa đâu chẳng là mưa nắng
Sao nắng mưa này da diết hơn?”
Tô Thùy Yên sinh ở Nam bộ, hai câu thơ ấy lại viết về Huế, và tôi hiểu, với một nhà thơ Việt xa xứ, thì đất Việt đâu cũng quê nhà, đâu cũng đầy những nhớ thương day dứt. Nhà thơ Nam bộ ấy vừa nhớ Huế, thì bỗng nhớ ngay đến vùng sông nước quê mình:
“Mùa nước nổi qua mùa nước giựt,
Đốt tay nào Thân Dậu niên lai?
Em về giồng dưới, qua bưng gió,
Dạ bời bời nỗi sậy, niềm mây…” (Nhớ có lần, trên bến bắc khuya, nghe một ông lão đàn hát)
Người ta nói thơ Tô Thùy Yên vừa dân tộc vừa hiện đại, rồi có thể phân tích thi pháp thơ anh thế này thế khác. Tôi chỉ nói đơn giản: Thơ ấy hay. Khi thơ đã hay thì có thể nó gồm cả những gì người ta đã nói, hoặc nó chỉ là… thơ hay. Vậy thôi. Sao biết là thơ hay? Khi thơ ấy đi vào lòng người, thấm sâu vào tâm cảm ta, làm ta mỗi một buồn buồn nào cũng có thể nhớ vài câu thơ ấy, thế thì nó hay rồi. Và tôi muốn nói thêm: Tô Thùy Yên có thể rất giỏi tiếng Anh, nhưng anh chỉ có thể làm thơ bằng tiếng Việt. Điều này cũng không cần phân tích. Tôi chỉ cảm về thơ Tô Thùy Yên khi “Nghe tiếng kêu chi khắc khoải lòng”. Đó có thể là tiếng kêu buồn buồn xa vọng của con bìm bịp trên miền sông nước Cửu Long. Chỉ thế thôi.
14/8/2021
Thanh Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình

Tác giả trẻ Lê Hương ở Quảng Bình với lý luận phê bình Lê Hương tên thật là Lê Thị Hương sinh năm 1988, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉ...